FABC: Hội Thảo Phụng Vụ Và Loan Báo Tin Mừng Tại Thái Lan
Văn Phòng Loan Báo Tin Mừng của liên hiệp Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC-OE) tổ chức hội thảo tại “Salesian Center” thuộc dòng Don Bosco tỉnh Hua Hin, Thái Lan từ 28/5 tới 01/6 năm 2018.
Hội thảo quy tụ 24 tham dự viên gồm 4 Tổng giám mục (trong đó có một Hồng Y Thailand) 10 giám mục và 10 linh mục thuộc 12 quốc gia.
Phái đoàn Việt Nam có linh mục Gioan Nguyễn Đức Thành (Bắc Ninh) và linh mục Đaminh Ngô Quang Tuyên, (TGP. Tp.HCM) đại diện Đức cha An Phong Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch UB Loan Báo Tin Mừng trực thuộc HĐGMVN, tham dự.
Chủ trì hội thảo là Đức hồng y Phanxicô Xavie Tổng Giám mục Bangkok, Thái Lan. Điều hành hội thảo là Đức cha Broderik Pabillo người Philippines, Tổng thư ký FABC-OE.
Thuyết trình viên chính là Đức Tổng Giám mục Arthur Roche, Tổng thư ký Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, đến từ Roma. Các thuyết trình viên khác là Đức Tổng giám mục Dominic Jala (Ấn Độ), Đức Tổng Giám mục Simon Poh (Malaysia), Đức Giám mục Proderik Pabillo, Đức Giám mục Palipparambil, Ấn Độ.
Về phía phái đoàn Việt Nam: Cha Tuyên chia sẻ với FABC-OE văn bản “hướng dẫn về lòng tôn kính Tổ Tiên” và Đức cha thư ký lưu lại bản dịch Anh ngữ cho văn phòng. Cha Thành chia sẻ các khó khăn thử thách của các giáo phận Bắc Việt Nam. Ngoài ra, phái đoàn Mông Cổ có nhà truyền giáo người Việt là cha And. Nguyễn Trung Tín SDB trình bày những nét văn hoá trong cuộc loan báo Tin Mừng tại đất nước này.
Sau ba ngày hội thảo, ban Thư Ký đưa ra bản đúc kết sau đây, được các tham dự viên đồng ý:
- Dành nhiều tầm quan trọng và thời gian hơn cho việc đào luyện về phụng vụ (không chỉ về việc giữ luật chữ đỏ nhưng đặc biệt về thần học và linh đạo phụng vụ) và về giảng thuyết trong việc đào luyện tại các chủng viện.
2. Phải có đào luyện thường xuyên cho các linh mục về phụng vụ và linh đạo phụng vụ cũng như khoa giảng thuyết. Các linh mục phải được nhắc nhở thường xuyên về bản chất của phụng vụ và giảng thuyết. Các văn kiện của Hội Thánh rất hữu ích, đặc biệt văn kiện Chỉ Nam Giảng Thuyết (Directory on Homiletics), Evangelii Gaudium, Verbum Domini và các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II.
3. Cố gắng đưa trở lại các kinh nguyện gia đình vào các gia đình Kitô hữu để phát huy lòng yêu mến cầu nguyện, được diễn tả một cách đặc biệt trong phụng vụ.
4. Đánh giá cao tâm tình tôn giáo bình dân của các tín hữu và tìm cách làm cho các việc thực hành đạo đức bình dân có thể được liên kết, tạo ý nghĩa và kết hợp vào phụng vụ.
5. Đào luyện các tín hữu về phụng vụ, không chỉ về cách làm các việc phụng vụ thế nào, nhưng về lý do tại sao làm và ý nghĩa của các biểu tượng và các cử chỉ chỉ về Thiên Chúa và về Mâu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.
6. Ca nhạc, thinh lặng, các hình thức trang trí, các cử chỉ và cách thức đọc kinh phải dẫn tới ý thức về sự thánh thiêng và sự hiện diện của Đức Kitô trong các cử hành phụng vụ. Việc đào luyện các chủng sinh, linh mục và giáo dân phải giúp phát huy thích đáng nghệ thuật cử hành(ars celebrandi).
7. Việc phúc âm hoá được thực hiện bằng nhiều cách. Phụng vụ là nguồn mạch và tột đỉnh của công cuộc phúc âm hoá của Hội Thánh, nhưng không phải là hoạt động duy nhất để phúc âm hoá. Huấn giáo, hoạt động bác ái, các cuộc tĩnh tâm, thăm viếng các gia đình và các việc mục vụ khác giúp ích cho việc cử hành phụng vụ, và phụng vụ tạo ý nghĩa và định hướng cho tất cả các hoạt động này.
8. Vun trồng ý thức về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ và trong việc phúc âm hoá của Hội Thánh. Trong khi cố gắng làm hết sức mình trong công việc mục vụ, chúng ta hãy tin tưởng rằng tác nhân chính của việc phúc âm hoá là Chúa Thánh Thần, vì thế chúng ta hãy mở lòng mình ra với Người. Một tinh thần cầu nguyện sâu xa có thể đem đến cho chúng ta sự ý thức này. Vì vậy chúng ta cần cầu nguyện để biết cử hành phụng vụ tốt đẹp, đặc biệt để biết giảng tốt.
9. Cái gì tốt cũng cần sửa soạn. Sửa soạn tốt thì có phụng vụ tốt; các bài giảng tốt đòi hỏi thời gian để sửa soạn, suy niệm và cầu nguyện.
10. Khi được cử hành thích hợp, phụng vụ tự nó có những yếu tố huấn giáo và phúc âm hoá. Tuy nhiên, cả linh mục và giáo dân đều phải được đào luyện để biết liên kết các việc cử hành phụng vụ với đời sống và hoàn cảnh xã hội của họ. Phụng vụ là cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trong đời sống hiện thực và cụ thể của cộng đoàn đức tin.
11. Điều tối quan trọng là phải dẫn đưa giới trẻ tới việc tham dự các cuộc cử hành phụng vụ của Hội Thánh một cách hiệu quả và có ý nghĩa. Có những sức mạnh lôi kéo giới trẻ xa Hội Thánh, chẳng hạn như nhận thức của họ về sự thiếu trung thực của dân Hội Thánh, sự bận tâm của họ về công việc và học hành, việc họ di cư tới các thành phố lớn để học hành và làm việc, thiếu giáo dục đức tin, ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xã hội, và áp lực từ các tôn giáo và các giáo phái khác, và chủ nghĩa thế tục. Tuy nhiên cũng có những trợ giúp tích cực, như các phong trào mới của giáo hội, ảnh hưởng tốt lành của các bạn công giáo đồng trang lứa giàu xác tín, và sự quan tâm của Hội Thánh muốn đồng hành với họ. Hãy tận dụng tối đa các ảnh hưởng tích cực này.
12. Làm việc cho giới trẻ có nghĩa là làm việc trong sự hợp tác với các tác vụ gia đình, với các tác vụ về truyền thông xã hội và các tác vụ cho di dân. Phải phối hợp tất cả các lực lượng này cho việc phúc âm hoá giới trẻ.
Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên
UB Loan Báo Tin Mừng