20 Nhà Truyền Giáo Trên Toàn Thế Giới Bị Sát Hại Trong Năm 2020, Họ Là Ai?


Báo cáo hàng năm của Fides không chỉ giới hạn ở những nhà truyền giáo theo nghĩa chặt chẽ, nhưng cố gắng ghi danh tất cả những người đã lãnh nhận bí tích rửa tội, dấn thân trong đời sống của Giáo Hội và đã bị sát hại cách tàn bạo.

Ngày 30/12/2020, hãng tin Fides của Thánh Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc đã công bố báo cáo thường niên về con số các nhà truyền giáo bị sát hại trên toàn thế giới trong năm 2020.

Fides dùng từ “nhà truyền giáo” cho tất cả những người đã được rửa tội, vì “nhờ bí tích rửa tội, mỗi thành phần Dân Chúa đều trở thành môn đệ truyền giáo. Mỗi người được rửa tội, bất kể chức năng của họ trong Giáo hội và mức độ giáo dục đức tin, là một chủ thể tích cực của việc loan báo Tin Mừng ”(EG 120). Báo cáo hàng năm của Fides không chỉ giới hạn ở những nhà truyền giáo theo nghĩa chặt chẽ, nhưng cố gắng ghi danh tất cả những người đã được rửa tội, dấn thân trong đời sống của Giáo Hội và đã bị sát hại cách tàn bạo.

Những người chia sẻ cuộc sống bình thường với người dân

Cũng trong năm 2020, nhiều nhà hoạt động mục vụ đã bị giết trong các vụ cướp bóc hoặc trộm cắp xảy ra cách bạo lực, hoặc bị bắt cóc, hoặc thậm chí bị kẹt trong các vụ xả súng hay hành vi bạo lực tại những nơi họ đang hoạt động, đặc trưng bởi sự nghèo đói về kinh tế và văn hóa, suy thoái đạo đức và môi trường, nơi bạo lực và áp bức là các quy tắc ứng xử, nơi hoàn toàn thiếu sự tôn trọng đối với sự sống và mọi quyền của con người. Họ không phải là những người tạo nên các kỳ tích, những hành động nổi bật, nhưng chỉ đơn giản là chia sẻ cuộc sống hàng ngày giống như hầu hết người dân, mang chứng tá Phúc âm như một dấu hiệu của niềm hy vọng Ki-tô giáo.

Trong buổi tiếp kiến ​​chung ngày 2/12 năm ngoái, nhân kỷ niệm 40 năm ngày bốn nữ tu truyền giáo từ Bắc Mỹ, bị giết hại ở El Salvador, nơi họ bị bắt cóc, hãm hiếp và sát hại bởi một nhóm quân nhân, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Họ đã phục vụ ở El Salvador trong bối cảnh của cuộc nội chiến. Với dấn thân truyền giáo và chấp nhận nhiều rủi ro, họ đã mang theo thức ăn và thuốc cho những người phải di tản và họ đã giúp những gia đình nghèo nhất. Những phụ nữ này đã sống đức tin của họ một cách vô cùng quảng đại. Họ là tấm gương cho mọi người trở thành những môn đệ truyền giáo trung thành.”

Những cha xứ

Đây là chìa khóa để đọc các sự kiện trần thế của những nhà truyền giáo bị giết. Họ là các cha xứ đã chia sẻ mọi thứ họ có với những người được giao phó cho họ chăm sóc, bị sát hại bởi những tên tội phạm tuyệt vọng tìm kiếm của cải mà chúng nghĩ được cất giấu trong nhà thờ, như xảy ra với cha Jorge Vaudagna ở Argentina hay cha Silva Barrois ở Brazil.

Nạn nhân của chính những người họ dấn thân giúp đỡ

Họ là nạn nhân của những người bị thiệt thòi, những người đã được họ hy sinh chăm sóc mỗi ngày như trường hợp cha Roberto Malgesini, một linh mục của những người thấp kém nhất trong xã hội, nổi tiếng dấn thân chăm sóc cho người nghèo và người di dân ở miền bắc nước Ý, bị đâm chết bởi một người tâm thần mà cha thường giúp đỡ; hay như tu huynh Leonardo Grasso, bị tấn công và chết cháy bởi một người cư trú trong trung tâm phục hồi người cai nghiện và bệnh nhân sida do thầy Grasso thành lập.

Các nữ tu

Họ là các nữ tu tham gia vào việc giáo dục các thế hệ trẻ, bị tấn công khi họ đang định đến văn phòng làm việc hoặc những người không ngần ngại liều mạng sống để cứu những thiếu niên được giao phó cho họ như sơ Henrietta Alokha ở Nigeria. Sơ là hiệu trưởng của trường nữ Belem ở Lagos. Ngày 15/3 năm ngoái, khi một vụ nổ gây hỏa hoạn, ngay lập tức sơ ra tay giúp đưa các nữ sinh đến nơi an toàn. Nhưng khi đến lượt sơ thoát ra khỏi cơ sở thì ngọn lửa đã bao trùm và làm tòa nhà sụp đổ. Sơ đã hy sinh mạng sống để bảo đảm an toàn cho trên 300 học sinh do sơ phụ trách.

Những người trẻ

Họ còn là những người trẻ tuổi, thậm chí những cô gái nhỏ, những người đã chia sẻ sự dấn thân Ki-tô giáo với lòng nhiệt thành và xác tín, trong những hoàn cảnh bạo lực mù quáng không tính đến độ tuổi, như hai chị em Liliam Yunielka 12 tuổi và Blanca Marlene Gonzalez 10 tuổi. Các em thuộc Hội Nhi đồng truyền giáo và Hội thiếu niên truyền giáo của Nicaragua, đã bị sát hại dã man ở Nicaragua.

Chủng sinh trẻ Michael Nnadi

Báo cáo của hãng tin Fides đặc biệt đề cập đến chứng tá sáng ngời của chủng sinh 18 tuổi Michael Nnadi, bị sát hại vào cuối tháng 1/2020. Thầy Nnadi bị bắt cóc cùng với 3 chủng sinh Nigeria khác. Sau đó 3 chủng sinh này lần lượt được trả tự do, riêng thầy Nnadi, theo lời của người bị kết tội sát hại thầy, thầy bị giết vì không ngừng rao giảng về Chúa Giê-su Ki-tô cho những kẻ bắt cóc và giam giữ thầy. Kẻ bắt cóc không thích sự tự tin của người chủng sinh trẻ nên đã quyết định kết liễu sự sống của thầy. Nhưng chính ông ta đã khen ngợi lòng can đảm phi thường của thầy Nnadi và kể rằng thầy đã nói thẳng với ông: hãy thay đổi con đường gian ác hoặc là sẽ bị hủy diệt.

Các giáo lý viên

Họ là các giáo lý viên giáo dân dấn thân trở thành những người kiến ​​tạo hòa bình và chứng tá của đức tin giữa các cộng đồng bị phân tán trong những khu vực khó tiếp cận nhất. Tất cả họ đều sống và phục vụ với sự quảng đại và cống hiến âm thầm, không tính đến rủi ro và thậm chí thời gian làm việc, để giúp đỡ những người đang cần: chớ gì họ thực sự “là gương mẫu cho mọi người trở nên các môn đệ truyền giáo trung thành.”

Trong số 20 nhà truyền giáo bị sát hại trong năm vừa qua có 6 giáo dân, những người đóng vai trò quan trọng, bên cạnh các linh mục và tu sĩ, trong sứ vụ truyền giáo. Đặc biệt tại châu Phi, giáo dân là một phần căn bản của Giáo hội Công giáo tại châu lục này. Hơn 400.000 giáo lý viên hỗ trợ khoảng 35.000 linh mục trong công việc truyền giáo. Họ luôn ở tuyến đầu và không phải ngẫu nhiên mà ở Châu Phi, năm 2020, hai giáo lý viên bị giết cùng với một linh mục, ba tu sĩ và một chủng sinh. Chính những giáo dân này, thường đã có gia đình và con cái, trở thành cánh tay phải của cha xứ. Họ dong duổi qua các ngôi làng khác nhau nằm rải rác trong vùng sa mạc Sahara. Họ đào tạo nghề nghiệp, văn hóa và đời sống thiêng liêng cho người dân. Họ cử hành Phụng vụ Lời Chúa, trao Mình Thánh Chúa. Ngoài việc là một trợ giúp không thể thiếu cho các linh mục, những giáo dân này còn trở thành điểm tham chiếu thực sự cho cả cộng đồng về các vấn đề công việc và công lý. Việc họ bắt nguồn từ văn hóa địa phương khiến họ trở thành những người phiên dịch cẩn thận về các giá trị địa phương. Và thường, như trường hợp của làng Pansi ở tỉnh Yagha của Burkina Faso, họ trở thành đối tượng của bạo lực thánh chiến.

Giáo lý viên Philippe Yarga

Ngày 16/2/2020, những tay súng mang vũ khí đầy mình ào tới trên những chiếc xe mô-tô phân khối lớn, bất ngờ tấn công làng Pansi, một cộng đồng cư dân nghèo khổ với đa số dân theo Hồi giáo, chỉ có một số ít là Ki-tô hữu. Họ đã xả súng và giết chết 24 người, trong số này có ông Philippe Yarga, một giáo lý viên, một trong những giáo lý viên đầu tiên được gửi đi truyền giáo khi giáo phận Dori được thành lập.

Sinh năm 1975, ông Philippe Yarga qua đời để lại 7 người con, trong đó đứa con út mới chào đời 43 ngày sau khi ông qua đời. Đức giám mục của giáo phận Dori cho biết ông Yarga là một nhân vật xuất chúng, “nhiệt thành và tràn đầy tình yêu đối với sứ vụ của mình” cũng như là “một người cha tốt”. Được cảnh báo rằng tình hình an ninh ở Pansi đang rất nghiêm trọng, ông định âm thầm trốn đi đến nhà của một người bạn ở một ngôi làng gần đó và từ đó tìm cách đến một thị trấn khác. Tuy nhiên, khi ông  vừa chuẩn bị rời khỏi nhà thì một nhóm vũ trang không rõ danh tính ập đến. Theo những người chứng kiến, những kẻ giết người đã tấn công những người đàn ông trong làng một cách bừa bãi, không phân biệt tôn giáo hay sắc tộc.

Giáo lý viên Rufinus Tigau

Một giáo lý viên khác là Rufinus Tigau, giáo lý viên của giáo phận Timika thuộc tỉnh Papua của Indonesia, một trong những giáo dân và giáo lý viên là nhân vật chính của hoạt động truyền giáo của Giáo hội trong ngàn năm thứ ba, đã bị sát hại ngày 26/10/2020. Anh bị bắn chết bởi các thành viên của một lực lượng chung của quân đội và cảnh sát Indonesia ở Kampung Jibaguge. Trong một cuộc hành quân của quân đội Indonesia, anh thấy người dân trong làng sợ hãi và gặp nguy hiểm. Sau đó, anh tiến về phía trước một cách bình thản. Anh chỉ muốn nói chuyện với quân đội để ngăn chặn bạo lực, để chấm dứt vụ nổ súng. Anh nói: “Làm ơn ngừng bắn. Chúng ta cần nói chuyện với nhau cách bình tĩnh. Có vấn đề gì vậy?” Một thành viên của lực lượng quân đội đã chĩa súng vào anh, ngay lập tức anh đã giơ hai tay lên, nhưng người này đã lạnh lùng sát hại anh.

Ngày nay nhiều vị tử đạo hơn trong những thế kỷ đầu tiên

Trong báo cáo hàng năm của hãng tin Fides, phải thêm một danh sách khác, dài hơn nhiều, bao gồm những người làm mục vụ hoặc những tín hữu Công giáo bị tấn công, đánh đập, cướp bóc, đe dọa, bắt cóc, bị giết, cũng như các cơ sở Công giáo phục vụ toàn dân, đã bị tấn công, bị phá hoại hoặc bị cướp phá. Nhiều sự kiện trong số này có thể không bao giờ được biết đến, nhưng chắc chắn rằng ngày nay, ở mọi nơi trên hành tinh, nhiều người vẫn còn đau khổ và trả giá cho đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô bằng mạng sống của họ. Trong buổi tiếp kiến chung ngày 29/4 năm vừa qua Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Những vị tử đạo ngày nay nhiều hơn các vị tử đạo trong những thế kỷ đầu tiên. Chúng ta bày tỏ sự gần gũi của chúng ta với các anh chị em này: chúng ta là một thân thể duy nhất và các Ki-tô hữu này là những chi thể bị đẫm máu của Thân Thể Chúa Ki-tô là Giáo hội.”