3 chiều kích của đời sống Kitô hữu


Mỗi Kitô hữu là một con người của niềm hi vọng, là người biết và làm chứng rằng Chúa Giêsu vẫn đang sống, rằng Ngài vẫn ở giữa chúng ta, Ngài luôn khẩn nguyện cùng Chúa Cha cho mỗi người trong chúng ta và Ngài sẽ lại đến. Trên đây là những tóm lược của ĐGH Phanxicô về mối tương quan giữa mỗi Kitô hữu và Chúa Giêsu Phục sinh trong bài giảng của ĐGH tại Nguyện đường nhà trọ Thánh Matta hôm thứ 6, ngày 22/4/2016

Dựa vào phụng vụ Lời Chúa trong ngày, ĐTC đã đưa ra 3 chiều kích căn bản cho đời sống Kitô hữu là : sứ điệp, chuyển cầu và hi vọng.

Trước tiên là SỨ ĐIỆP. Bài đọc thứ I trích sách Công vụ Tông đồ (14. 26-33) cho thấy rằng sứ điệp là cốt lõi của “chứng tá của các Tông đồ về việc phục sinh của Chúa Giêsu”. Như thánh Phaolô đã quả quyết trước hội đồng cộng toạ Do thái rằng : “ khi người ta hoàn tất mọi điều đã được viết về Ngài, người ta đã hạ Ngài xuống khỏi cây gỗ, và đặt Ngài vào trong mộ. Nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết, và trong nhiều ngày sau đó, Ngài đã hiện ra cho những người theo Ngài từ Galilêa cho đến Giêrusalem, là những người mà đến lúc này trở nên nhân chứng của Ngài cho mọi người.” Đức Thánh Cha tóm lược rằng : “sứ điệp thực sự là : Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại vì chúng ta, để cứu độ chúng ta. Chúa Giêsu vẫn đang sống.” Đây là điều mà các môn đệ đầu tiên khuyến dụ “ đối với những người Do thái và các dân ngoại trong thời đại này, và chính họ cũng phát sinh những chứng tá bằng đời sống của họ, bằng chính máu của họ”.

Đức Thánh Cha đã tiếp tục nói về việc Gioan và Phêrô bị cấm rao giảng danh Đức Giêssu hoặc nói về sự phục sinh của Ngài : “với tất cả lòng can đảm và bằng sự đơn thành, các môn đệ Chúa đã nói rằng : họ không thể không nói về những gì họ đã mắt thấy tai nghe.” Thực ra, nhờ đức tin kitô hữu chúng ta có Chúa Thánh Linh trong chính mình, và Chúa Thánh Linh là Đấng làm cho chúng ta thấy và nghe sự thật về Chúa Giêsu, Đấng đã chết vì tội chúng ta và đã sống lại. Bởi thế, “sứ điệp của đời Kitô hữu chính là Chúa Kitô đang sống! Chúa Kitô phục sinh! Chúa Kitô đang ở giữa chúng ta nơi cộng đồng, Ngài đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường. Dẫu có nỗ lực, chúng ta thỉnh thoảng phải nhắc nhớ mình rằng “một trong những chiều kích của đời sống kitô hữu chính là sứ điệp. Rõ ràng chúng ta hiểu đoạn Sách thánh trong đó, Thánh Goan xác quyết “điều chúng tôi đã được xem thấy bằng mắt, nghe bằng tai, đụng chạm bằng ta…” như thể nói rằng : “Chúa Kitô Phục sinh là một thực tại và tôi cần minh chứng cho điều đó.”

Từ khoá thứ hai được Đức Thánh Cha đề xuất là “CHUYỂN CẦU” được gợi hứng từ Tin Mừng Thánh Gioan (14, 1-6). Trong bữa tiệc ly ngày thứ Năm tuần thánh, các tông đồ đều nản lòng, và Chúa Giêsu đã nói : “Đừng để lòng anh em xao xuyến, nhưng hãy tin. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ. Thầy sẽ đi và dọn chỗ cho anh em.” ĐGH Phanxicô dừng lại để suy niệm đoạn sách này và hỏi : “Điều này có nghĩa gì ? Chúa Giêsu dọn chỗ thế nào?” Câu trả lời là : “Với lời khẩn nguyện của Ngài cho mỗi chúng ta, Chúa Giêsu khẩn cầu cho chúng ta và đây chính là sự chuyển cầu.” Điều quan trọng mà chúng ta cần biết là “Chúa Giêsu hoạt động ngay lúc này bằng lời khẩn nguyện của Ngài cho chúng ta.” Đức Thánh Cha giải thích rằng, ngay trước cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã nói : “Phêrô, thầy đã cầu nguyện cho anh”, cũng có nghĩa là , “ngay bây giờ, Chúa Giêsu cũng đang là Đấng chuyển cầu giữa chúng ta với Chúa Cha.”

Sau cùng, chiều kích thứ ba là HI VỌNG. Lời này lại được loé lên từ Tin mừng trong ngày. Chúa Giêsu nói : “Thầy sẽ đi và dọn chỗ cho anh em.” Chúa nói thêm : “Khi Thầy đi và dọn chỗ cho anh em, Thầy sẽ trở lại và đưa anh em đi cùng thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng sẽ ở đó với Thầy.” Đây chính là niềm hi vọng của Kitô hữu. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng : “Thầy sẽ đến !” Đức Thánh Cha giải thích rằng : “Kitô hữu là những con người của niềm hi vọng” một cách chính xác là bởi “kitô hữu hi vọng vì Chúa lại đến.” Về điểm này, Đức Thánh Cha thêm rằng, thật đẹp khi chúng ta lưu ý “cách thế Thánh Kinh khởi đầu và kết thúc.” Thánh Kinh khởi đầu rằng : “Từ ban đầu”, nói cách khác là “khi mọi sự đã bắt đầu.” Con sách Khải Huyền đã kết thúc với lời cầu nguyện “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến !” Thực sự, toàn thể Hội Thánh đợi chờ Chúa đến : Chúa sẽ tái lâm ! Đức Thánh Cha nói rằng : “Đây chính là niềm hi vọng Kitô giáo.”

Tóm tắt bài suy niệm, Đức Thánh Cha kết luận : “Sứ điệp trong đời tôi là gì ? Mối tương giao với Chúa Giêsu là Đấng chuyển cầu cho tôi như thế nào ? Niềm hi vọng của tôi ra sao ? Liệu tôi có thực sự tin rằng Chúa Sống lại không ? Liệu tôi có tin rằng Chúa cầu khẩn với Thiên Chúa Cha cho tôi không ?” Hơn thế, “liệu tôi có thực sự tin  rằng Chúa Giêsu sẽ lại đến không ?” Cũng có nghĩa là :”Tôi có tin vào sứ điệp ? Tôi có tin vào sự chuyển cầu không ? Tôi có phải là con người của hi vọng không ?”

Linh mục Hoàng Gia Thành

trích dịch bài “Santa Marta Mass : Three dimensional Christians” trong L’Osservatore Romano, ngày 22/4/2016 – Nguồn vatican.va