Chúa Nhật II Mùa Chay Năm A


 CN 2 MÙA CHAY

05/3/2023

St 12,1-4a; 2Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9

 

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Phú Thượng

 

GIÁO HUẤN SỐ 15

LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH

Sứ Mạng của Bạn Trong Đức Ki-tô (tt)

 

Kế hoạch của Chúa Cha là Đức Ki-tô và là chính chúng ta trong Đức Ki-tô. Rốt cục, chính Đức Ki-tô là Đấng yêu thương nơi chúng ta, vì sự thánh thiện không phải là gì khác ngoài đức ai được sống cách viên mãn. Như vậy, mức độ thánh thiện của chúng ta được xác định bởi mức độ mà Đức Ki-tô chiếm lĩnh được nơi ta, nghĩa là trong chừng mực mà nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần chúng ta rập khuôn toàn thể đời sống mình theo Đức Ki-tô. Mỗi vị thánh là một thông điệp mà Chúa Thánh Thần rút từ kho tàng của Đức Giêsu Ki-tô và trao cho dân của Người (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 21).

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Chân phước Anrê-Phú Yên

Anrê-Phú Yên được Đức Gioan-Phaolô II phong chân phước ngày 5-3-2000. Chúng ta đọc bài viết của cha Antôn Nguyễn Trường Thăng trong Google.

KỶ NIỆM GIỖ LẦN THỨ 365 CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN: THỬ PHÁT THẢO CHÂN DUNG Á THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN

Dựa vào các tài liệu gốc và biên bản các nhân chứng trong hồ sơ tuyên phong chân phước Anrê Phú Yên, linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng, quản nhiệm đền thánh Anrê Phú Yên tại Phước Kiều, và đồng thời cũng là một hoạ sĩ “nghiệp dư” thử phác hoạ một chân dung của vị chân phước. Mong quí vị cao minh góp ý.

Bức họa đầu tiên về thầy giảng Anrê Phú Yên  tử đạo được vẽ năm 1652 do họa sĩ  Giacinto Brandi, được linh mục Alexandre de Rhodes hướng dẫn, minh họa về cái chết của thầy với khá nhiều nhân vật sinh động. Bức họa có trên 20 nhân vật, gồm có thầy Anrê, linh mục Alexandre de Rhodes, nhiều lính mang giáo và các ông Bồ Đào Nha. Theo những dòng chữ minh họa dưới bức tranh, cha Alexandre de Rhodes đề tặng cho cha Bề trên Gosuvino Nickel, Tổng Quản Dòng Tên. Rất tiếc, ngoài cái gông, giáo, mã tấu, cha Alexandre de Rhodes, người Bồ Đào Nha, chắc là giống thật, còn thầy Anrê và binh lính thì quần áo, gương mặt rất là Tây!

Sau nầy họa sĩ Tú Duyên đã Việt hóa bức tranh nầy, khá sống động. Chúng tôi chỉ thấy hình đen trắng nên không biết hình màu của họa sĩ Tú Duyên ra sao, và không biết bản chính giờ nằm ở đâu? Kính mong quý vị lưu giữ bức họa nầy cho phép đưa lên mạng để tất cả cùng được thưởng thức. Chúng tôi đưa ra đây một bản khác dựa theo Tú Duyên của một họa sĩ công giáo Hội An.

Trước và sau khi thầy giảng Anrê được phong Á thánh, nhiều bức chân dung và tượng đài dâng kính Á thánh Anrê được thực hiện. Đa số các tác phẩm trên vì không ghi xuất xứ nên khó biết tên tuổi các họa sĩ và các điêu khắc gia.

Qua các tác phẩm đó, chúng ta thấy Á thánh Anrê được hình dung qua một  thanh niên mặc quốc phục, đầu đội khăn đóng, tay lúc cầm cành lá vạn tuế, lúc cầm thánh giá, khi là quyển sách mở ra hoặc ấp vào lòng. Áo của thánh nhân khi là màu đen, lúc màu xanh biển, lúc màu vàng hoàng gia. Các họa sĩ dựa vào các tài liệu hình ảnh xưa để miêu tả. Tại đền thánh Phước Kiều và Hội An, nếu tôi không nhầm thì nhà điêu khắc Quang, Sài Gòn đã dựng tượng nầy, chắc ông đã dựa vào hình ảnh quen thuộc của Thái tử Bảo Long, khá đẹp trai, chỉ bố cục lại hai tay, một tay cầm sách mở rộng với hàng chữ: Yêu Giêsu, tay kia là cành lá vạn tuế;  chỉ tiếc màu da , mắt, tóc …hơi giống Tây. Nhiều du khách cứ hỏi xem Á thánh là người nước nào? Nếu trã lời là người Việt, họ trố mắt ngạc nhiên. Tại Mằng Lăng, Tuy Hòa, Đà Nẵng, Sài Gòn… cũng còn nhiều tác phẩm điêu khắc khác.

Các “fan” của Á thánh như linh mục Roland Jacques OMI, anh Hưởng (Hoa Kỳ)… hình như chưa hài lòng với các tác phẩm trên. Họ bảo thánh nhân theo tài liệu hơi yếu, ốm, nếu phô trương cơ bắp quá thì sai. Y phục xem ra đài các quá. Chuyện nầy phải thông cảm vì nay ngài đã là thánh rồi, mặc áo cẩm bào cũng xứng đáng thôi.

Tại giáo phận Đà Nẵng, trước đây giáo xứ Hội An cũng có một tượng bằng xi măng trắng, không biết nay ngài “lưu lạc” đến đâu? Tại nhà thờ chính tòa Đà Nẵng, cha Thịnh, có thực hiện một bức tranh kính màu, Á thánh đội khăn đóng và y phục màu “hội đồng giáo xứ”, ngoài ra cũng có một tượng cẩm thạch, đứng trên bệ một mình, hơi cứng.

Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng tôi mong ước các nghệ nhân, họa sĩ, điêu khắc gia công giáo thực hiện nhiều bản phác thảo cho đến khi chúng ta nhất trí về một hình tượng khả dĩ được đa số chấp thuận.

Trong tinh thần đó, tôi chỉ  là một “thợ vẽ” nghiệp dư, xin đóng góp một ý tưởng, mong các họa sĩ thứ thiệt thông cảm và góp ý.

Trước hết tôi dựa vào lời cha Alexandre de Rhodes. Trong bản tường thuật thứ nhất viết ngay sau khi thánh nhân qua đời để kịp gửi tàu về Macau. Cha có viết là “Lần thứ ba là vào buổi tối tiếp theo; người ta kể với tôi là một bà Kitô hữu sùng đạo, khi đang còn thức, đã nhìn thấy vị tử đạo thánh thiện trên trời trong vinh quang chói ngời.” Vòng hào quang thế nào không rõ, nhưng chắc là thánh nhân sẽ mỉm cười chào bà đạo đức đó. Phụ nữ nào? Phải chăng là công chúa Maria Mađalêna Ngọc Liên, mẹ bảo trợ của chàng? Hai người đã biết nhau từ lúc ở Dinh trấn biên Phú An, cũng như sau nầy, khi cùng chồng về hưu tại Dinh Chàm Thanh Chiêm. Vẽ thầy mỉm cười vì thầy lúc nào cũng vậy. Cha Alexandre de Rhodes viết :

“Và ngoài những lời thầy nói ra đó, thầy còn cho thấy điều đó trong nét thanh thản của khuôn mặt thiên thần, và trong sự thanh thản của đôi mắt tươi cười của thầy đến nỗi những người Bồ đến viếng thăm thầy với tôi không thể dời chân khỏi thầy, và nói rằng Thần Linh Thiên Chúa vốn ngự trong tâm hồn này đã tỏ mình ra rõ ràng.”

Về mái tóc, nếu đúng “mốt” 1644,  thì thay phải xoã tóc xuống vai như linh mục Chistoforo Borri mô tả về kiểu tóc đàn ông Đàng Trong:

“Họ cũng để tóc dài như đàn bà, cho xoã tóc tới gót chân và cũng đội nón. Người có râu thì hiếm, họ không bao giờ cắt. Các văn nhân và tiến sĩ thì ăn mặc trịnh trọng hơn, không màu mè loè loẹt. Họ choàng lên trên tất cả một áo dài đen. Họ còn khoác một thứ khăn quấn cổ và ở cổ tay một khăn bằng lụa màu da trời, còn đầu thì thường đội một thứ mũ kiểu như mũ giám mục. Cả đàn ông đàn bà đều ưa cầm quạt rất giống như ở Châu Âu. Họ cầm là cầm lấy lệ thôi” (Xem Ký sự Đàng Trong của linh mục Borri. Mục về y phục).

Xem ra thầy Anrê mặc áo dài đen thì hợp lý nhưng lúc quân lính ập vào thầy đang coi nhà, đang làm việc, chăm sóc cho các thầy đau, chắc là ăn mặc nhẹ nhàng kiểu áo các “chú tiểu” hiện nay. Màu áo gì? Tôi rà đi rà lại biên bản các nhân chứng tham dự cuộc hành hình thầy Anrê. Và quả tôi không lầm, duy nhất chỉ có một nhân chứng nói về màu áo, đó là nhân chứng số năm tại cuộc điều tra sơ bộ tại Macau.

“Vào cùng ngày, tháng và năm đã nêu trên, tại cùng một địa điểm đã chỉ định, Antonio Mendes đã trình diện, là con trai của Antonio Carvalho và Suzana Mendes, đã kết hôn, trú quán tại thành phố này, anh khai mình 31 tuổi, và là một trong những nhân chứng đã được thầy Manoel de Figueiredo kể tên ở danh sách trên, và được triệu bởi thư tín viên Antonio Rangel; Đức Cha Tổng Quyền cho anh thề trên Phúc Âm, anh đặt tay lên Phúc Âm hứa nói sự thật về những điều anh biết và sẽ được chất vấn. Trả lời câu hỏi năm nay anh có xưng tội không và xưng tội được mấy lần, anh trả lời rằng anh đã xưng tội tại thành phố này với cha Onofre Borges Dòng Tên, và anh đã lãnh nhận Bí Tích cực thánh từ tay của vị linh mục quản xứ Domingos Preto; và tại Đàng Trong, anh đã xưng tội hai lần với cha Alexandre Rhodes. Và trả lời câu hỏi anh có bao giờ đã bị dứt phép thông công không, anh trả lời rằng nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa anh chưa bao giờ bị. Và trước lời cảnh cáo phải nói sự thật và suy xét cẩn thận vì tội thề dối là một tội trọng, anh nói rằng anh biết tội thề gian là một tội rất nặng, khi thề cách long trọng như thế.

Câu hỏi thứ nhất:

Nhân chứng trả lời rằng có biết thầy Anrê, người ta bảo thầy Anrê là người Đàng Trong, sinh quán tại tỉnh Ranran, có lẽ chừng 20 tuổi, người ta bảo rằng cha mẹ thầy là người Kitô hữu; và nhân chứng biết vì đã nhìn thấy chàng thanh niên Anrê thầy giảng ở trong nhà cha Alexandre Rhodes Dòng Tên, đang phục vụ giáo hội tại nơi này, là nơi các Kitô hữu khác ở đó tụ họp về. Và vì thầy Anrê đang ở trong nhà cha nên thầy bị bắt vào ngày 25 tháng 7, ngày lễ thánh Giacôbê, và bị giải về Kẻ Chàm, cách Hội An hai dặm về phía đầu nguồn của dòng sông, và ở đó thầy bị hành quyết vào ngày hôm sau bởi những thuộc hạ của nhà vua nước này và bởi toà án của nước này vì lý do thầy là người Kitô hữu.

Câu hỏi thứ hai:

Nhân chứng trả lời rằng có nghe đồn rằng thầy Anrê đã bị trói và đánh bằng roi mây vào lúc thầy bị bắt, cũng như chính thầy Anrê đã kể lại cho cha Alexandre Rhodes, ngài đã kể lại cho chính nhân chứng và giải thích bằng tiếng Bồ. Tiếp theo thầy Anrê bị giải về Kẻ Chàm, và bị quan Ông Nghè Bộ tra khảo có phải là Kitô hữu hay không, và thầy đã vô cùng can đảm trả lời vị quan đó rằng thầy là người Kitô hữu, và thầy sẵn sàng hiến mạng sống cho Chúa Kitô; lời tuyên tín này đã làm quan giận dữ, ông liền giam thầy Anrê vào ngục, vai mang gông, thầy Anrê ở lại đó cho đến ngày hôm sau; và trong nhà tù này còn có một Anrê khác đã già, bị giam giữ cũng vì một lý do, ông là người Kitô hữu, nhưng ông được thả nhờ có sự can thiệp và lời thỉnh cầu của những người Bồ, bởi vì ông đã già; nhưng quan lớn nhất định không tha mạng sống cho thầy Anrê, quan bảo rằng thầy quá cứng đầu khi khẳng khái đáp rằng thầy là Kitô hữu, và thầy sẵn sàng hiến dâng mạng sống mình vì điều đó; và quan còn nói rằng, nếu thầy Anrê trả lời rằng vì mình là một người nghèo khổ không tiền bạc đến phục dịch cha Alexandre vì dĩa cơm, thì quan sẽ tha mạng; nhưng bởi vì thầy trả lời quá lì lợm và khẳng khái, thầy ta phải chết dù không có lỗi, bởi vì đó là mệnh lệnh của nhà vua; và tất cả những điều đó, chính nhân chứng đã nghe từ miệng của quan khi những người Bồ đến nói chuyện với ông ở Kẻ Chàm.

Câu hỏi thứ ba:

Nhân chứng trả lời rằng quan Ông Nghè Bộ, dựa vào mệnh lệnh của nhà vua nước này đã tuyên án tử hình cho thầy Anrê lúc thầy đang ở Kẻ Chàm; và thầy Anrê đã chấp nhận bản án đó với khuôn mặt vui vẻ và tươi cười, thầy nói mình rất hài lòng đền đáp món nợ mình đã mắc Chúa Kitô, Chúa chúng ta, và chính nhân chứng đã nhìn thấy thầy Anrê nói lên những lời nói trên, và đã nhìn thấy thầy bị giải đi công khai bởi một toán lính đông, và một viên quan hành án khác áp giải, thầy đi từ nơi đó đến một nơi hoang vắng với cùng cái gông trên cổ, đầu trần và chân trần giống như tất cả những người ở đó, thầy mặc một chiếc áo dài trắng, và khi đến nơi pháp trường, thầy ngồi xuống đất, tay bị trói ra đằng sau và vào lúc người ta muốn hành quyết thầy, và cất cái gông khỏi đôi vai, thì thầy quỳ xuống đất, không muốn quỳ xuống chiếu người ta đã trải sẵn theo như thói thường ở xứ sở này. Và giữa lúc thầy đang ở trong tư thế đó mắt hướng nhìn trời cao, một tên lính cầm giáo đâm hai nhát vào sườn trái, cả hai cùng một chỗ, nó đã làm toạc hoàn toàn cạnh sườn, trong khi đó thầy Anrê tiếp tục kêu tên cực thánh Giêsu và Maria; và khi thầy ngã xuống nghiêng qua phải thì một tên lính khác cầm mã tấu cắt cổ thầy, và, để thầy chết nằm đó, quân lính rút lui hết. Và chính nhân chứng khai rằng trước khi bị hành quyết, khi đã đến nơi pháp trường, thầy Anrê đã bảo các Kitô hữu đang hiện diện ở đó đừng hối tiếc vì cái chết của thầy, bởi thầy không chết vì một tội ác nào thầy đã phạm mà chính vì là Kitô hữu, và mọi người phải can đảm lên và vững vàng trong đức tin.”

Thật quá rõ ràng, không rõ văn bản tiếng Bồ Đào Nha như thế nào, nhưng tiến sĩ Roland Jacques OMI đã dịch “mặc áo dài trắng” (vêtu d’une tunique blanche), áo của thư sinh thời đó. Riêng về tóc, họa sĩ Giacinto Brandi đã vẻ khá rõ mái tóc dài bung ra do tên lính nắm. Tóc “búi tó củ hành” của đàn ông Việt Nam phổ biến cho đến tận đầu thế kỷ 20, chỉ chấm dứt sau phong trào cúp tóc của sĩ phu Đất Quảng, mà đứng đầu là cụ Phan Chu Trinh. Ngày nay nhiều tín đồ Phật giáo Hòa Hảo vẫn duy trì kiểu tóc nầy.

Gương mặt của thầy, chắc là rất thanh tú, kèm thêm đôi môi hơi đầy đặn, dấu ấn của một cư dân miền Trung vùng Ranran (Đà Rằng) có mang chút “gen” Champa.

Phát xuất từ ý kiến của cha phó xứ Tôma, phụ trách kiệu Á Thánh, ngài bối rối vì chân dung hiện nay xem giống “Tây lai”, còn tôi lại dị ứng với gươm giáo. gông cùm, trông quá thảm thương, nên xin mạo muội phác thảo chân dung Á thánh theo các tài liệu trên. Kính mong các bậc cao minh giúp thêm ý kiến để chúng ta đi đến một hình tượng chính thức tại địa điểm Đền thánh Phước Kiều. Xin đa tạ.

Hội An ngày 25 tháng 7 năm 2009.

Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng.

Quản nhiệm Đền thánh Anrê Phú Yên, tại Phước Kiều, Quảng Nam.

Qua bài viết của cha Antôn Nguyễn Trường Thăng, Chân phước Anrê-Phú Yên đã vượt qua những thủ thách để đi đến vinh quang. Lời Chúa trong thánh lễ Chúa Nhật hôm nay cũng cho chúng ta những mẫu gương anh hùng.

Bài đọc 1 (St 12,1-4a) : Bài đọc 1 kể câu chuyện Thiên Chúa gọi ông Áp-ram trong sách Sáng Thế (St 12). Lúc Thiên Chúa gọi, ông đã 75 tuổi (St 12,4). Thiên Chúa phán : Hãy rời bỏ  xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12,1-2).

Đọc trong sách Sáng Thế, cuộc đời ông đầy “thập giá”. Ông bỏ thành Ua (Ur) ở nước I-rắc đến miền Ca-na-an, xứ Pa-les-tin. Gặp nạn đói, ông phải sang Ai-cập. Vua Ai Cập thấy vợ ông xinh đẹp, bắt vợ ông (St 20,10-20). Vi đất đai và tài sản, ông và Lót, hai bác cháu chia tay nhau (St 13). Nhất là về vấn đề con cái. Có lần ông như trách Chúa : “Chúa không ban cho con một dòng dõi sẽ thừa kế con” (St 15, 3).  Chúa đưa ông ra ngoài trời và phán : “Hãy ngước mắt lên trời và thử đếm các vì sao xem có đếm nổi không…Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó” (St 15,5). Vẫn chưa có con, bà Xa-rai, vợ ông, phải nói với ông : “Đức Chúa đã không cho phép tôi sinh con. Vậy xin ông đi lại với nữ tỳ của tôi, may ra nhờ nó mà tôi sẽ có con” (St 16,2). Nhờ cô Ha-ga, nữ tỳ của bà, ông có Ít-ma-ên  (St 16,4). Khi ông 99 tuổi, Thiên Chúa phán với ông : “Ngươi sẽ làm cha vô số dân tộc. Người ta sẽ không còn gọi ngươi là Áp-ram nữa, nhưng là Áp-ra-ham” (St 17,4). Tên vợ ông cũng đổi : “Xa-rai vợ ngươi không được gọi tên là Xa-rai, nhưng tên nó là Xa-ra” (St 17,15). Nhưng ông nghĩ bụng : “Đàn ông 100 tuổi mà có con được sao ? Còn bà Xa-ra đã 90 tuổi mà sinh đẻ được sao ?” (St 17,17). Quả thật, ông bà đã có con và đặt tên con là I-xa-ác, nghĩa là cười. Bà Xa-ra nói : “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười, tất cả những ai nghe biết sẽ cười tôi” (St 21,6).

Nhóm CGKPV bình luận : “Ông Áp-ram già nua bỏ lại tất cả dứt khoát ra đi cùng với bà vợ vô sinh, hoàn toàn vì tin và chấp nhận lời Thiên Chúa dù không hề biết  mục tiêu của cuộc hành trình là đâu. Nhưng kể từ đấy, ông đã trở thành “cha của những kẻ tin (Rm 4; Gl 3,7) (Kinh Thánh năm 2011, trang 47).

Bài Tin Mừng (Mt 17,1-9) : Chúa Giêsu cho các môn đệ biết : “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người : “Xin Thiên Chúa thương đừng đề Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16,22). Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô : “Xa-tan lui lại đằng sau Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,23).

Đức Giê-su còn nói với các môn đệ : “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chinh mình vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình” (Mt 16,24-26).

Sau hai biến cố này, Chúa Giê-su đưa ba môn đệ lên núi để chứng kiến cảnh Chúa Hiển Dung.

Nhóm CGKPV giải nghĩa : “Nếu chú ý tới vị trí của biến cố và lời này sau khi Chúa Giê-su loan báo cuộc Thương Khó và phản ứng của ông Phê-rô, cũng như sau lời Chúa Giê-su kêu gọi từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Chúa, chúng ta có thể nhận ra đây là một ơn huệ nhằm củng cố lòng tin của môn đệ, và mời gọi đón nhận cả giáo huấn về thập giá và biến cố Thương Khó – Phục Sinh để nên môn đệ đích thật của Chúa Giê-su.” (Sđd trang 2164)

Bài đọc 2 (2Tm 1,8b-10) : Bđ2 là thư thánh Phao-lô gửi cho ông Ti-mô-thê. “Thánh Phao-lô đã lưu ý đến ông vào chuyến hành trình thứ hai khi ngài đến Lýt-ra miền Tiểu Á vào năm 46 hay 47 (Cv 16,1-3). Ông Ti-mô-thê, cha là người Hy Lạp, mẹ là người Do Thái đã theo Kitôgiáo, đã được mẹ ông, bà Êu-ni-kê, và bà ngoại Lô-ít dạy  dỗ, vì thế, ông đã có lòng tôn kính Kinh Thánh và có một vốn liếng kiến thức sâu xa về Kinh Thánh. Hai người đã công tác với nhau vô cùng thân thiết đến mức 6 bức thư của thánh Phao-lô đều có Ti-mô-thê đồng gửi, có thể ông đã biên soạn vài đoạn. Thánh Phao-lô đã giao phó cho ông Ti-mô-thê giáo đoàn Ê-phê-sô  để bảo đảm công việc tông đồ được tiếp tục, vì ông là người đáng tin cậy. Thánh Phao-lô cũng đã bổ nhiệm ông Ti-tô ở Crê-tô như  vậy. Vì thế, các thư gửi cho ông Ti-mô-thê và Ti-tô được gọi là ‘Thư Mục Vụ’, vì trong những thư này, vị tông đồ cho các vị kế nghiệp ngài những huấn thị của ngài” (Lm Hồ Thông, Phụng Vụ Lời Chúa Năm A, trang 171-172).

Trong bđ2 hôm nay thánh Phaolô khuyến khích ông Ti-mô-thê chịu khổ để loan báo Tin Mừng : “Anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2Tm 8b).

Xin chân phước Anrê và Lời Chúa hôm nay khuyến khích chúng ta chạy đến Đức Mẹ Trà Kiệu khi gặp đau khổ, như Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyên dạy : “Ước gì Me giúp chúng ta có thể nhận được ánh sáng của Đức Giê-su, khi Người hiện diện trong lòng chúng ta, để chúng ta có thể mang được một tia sáng vinh quang của Người trong lòng chúng ta, qua những đêm dài tăm tối nhất” (JB Lưu Văn Lộc chuyển ngữ, Tin Mừng Chúa Nhật Năm A, trạng 105).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con

phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa;

xin lấy Lời hằng sống

mà nuôi dưỡng đức tin của chúng con,

nhờ vậy cặp mắt tâm hồn của chúng con sẽ trong sáng

để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện

trong cuộc đời chúng co.

Chúng con cầu xin…

 

SUY NIỆM II

CHÚA GIÊ-SU LÀ TẤT CẢ CHO MỌI NGƯỜI

 (Hội An 5/3/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Nhân ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XI (1996), thánh Gioan Phaolô II đã gởi đến mọi người những lời sau: “Con đường Chúa Giê-su đưa dẫn chúng ta không chút dễ dãi. Đúng hơn, đó là một con đường quanh co lên núi. Nhưng đừng nản lòng! Bởi càng bước lên, càng nhanh tới chân trời rộng mở.” Chân trời rộng mở đó là chân trời Abraham, Mô-sê và các tông đồ đã ngạc nhiên khi chiêm ngưỡng. Và Chúa muốn chúng ta hôm nay mạnh dạn đi lên núi với Chúa để tận hưởng kinh nghiệm đức tin đó.

  1. Kinh nghiệm lên núi của Abraham và Mô-sê

            Abraham là người Thiên Chúa tuyển chọn làm tổ phụ dân tộc Israel. Ông tin tưởng vào Thiên Chúa, Chúa biết. Nhưng Thiên Chúa muốn ông bước vào chân trời mới của đức tin, nên kêu gọi ông lên núi. Ở đó, ông có cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, ân phúc ông chưa từng và cũng là lúc ông được mời gọi dấn thân hơn vào con đường đức tin, bằng cách dâng người con yêu quý của mình cho Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ đã cho ông một cơ hội bày tỏ lòng vâng phục Thiên Chúa, hiến dâng hoàn toàn và tin tưởng “Chúa sẽ lo liệu” cho ông và lo liệu mọi sự trong đời ông, cho ông một tương lai hạnh phúc có Chúa ở với ông và dòng dõi ông.

            Mô-sê là người Thiên Chúa chọn dẫn dắt dân Chúa. Ông được Chúa kêu gọi lên núi nhiều lần. Trước khi nhận lãnh sứ mạng vào Ai-cập cứu dân, ông được gặp Thiên Chúa trên núi và chứng kiến sự hiện diện của Chúa trong bụi gai đang cháy. Ở đó, ông nghe tiếng Chúa nói với ông, khích lệ ông bằng sự hiện diện của Chúa luôn bên cạnh ông “Ta sẽ ở với ngươi.” Khi vừa dẫn dân ra khỏi Ai-cập, ông lại được Chúa gọi lên núi gặp Chúa suốt 40 ngày, nhận lãnh các điều răn của Chúa về truyền lại cho dân, để dân được sống. Lần sau hết, ông lên ngọn núi gần Đất Hứa, mắt nhìn vào Đất Hứa và ra đi thanh thản trong bình an của Thiên Chúa với niềm tin được thừa hưởng lời hứa và sống với Thiên Chúa

            Nhờ không gian trên núi thanh tịnh, nhờ lên cao hơn mọi xôn xao thường ngày, nhờ lòng mong mỏi gặp Thiên Chúa, Abraham và Mô-sê đã được gặp gỡ Thiên Chúa. Chính nhờ được gặp gỡ, Abraham và Mô-sê đã có kinh nghiệm về một Thiên Chúa uy quyền mà gần gũi, quyền năng mà lại đầy yêu thương, cao cả nhưng không xa lạ với dân Chúa và các ông đã đi vào mối tương quan thân tình với Chúa.

Trái lại, trong lịch sử dân Chúa, khi nước Israel đã bị mất, nước Giu-đa bị chiếm nhiều nơi, chỉ còn Giêrusalem, Thiên Chúa khẳng định qua môi miệng của ngôn sứ Giêrêmia rằng Ngài là Thiên Chúa cao sang nhưng lại rất gần với dân, can dự vào lịch sử của dân. Nhưng dân Chúa không tin vào lời Chúa và họ nghĩ rằng Thiên Chúa ở xa, xa khỏi số phận và lịch sử của dân Chúa. Vì thế, mặc dù Thiên Chúa ở gần bên mà họ không được diễm phúc nhận ra Ngài như Abraham và Mô-sê.

Hôm nay, Chúa Giê-su dẫn các tông đồ và kêu mời mỗi chúng cùng Ngài lên núi cao để sống kinh nghiệm Thiên Chúa ở gần và ở trong cuộc đời chúng ta.

  1. Chúa Giê-su là tất cả cho chúng ta

            Sau khi chứng kiến dung nhan Chúa chói lọi như mặt trời, y phục Chúa trắng tinh như ánh sáng, lại có thêm Mô-sê và Êlia hiện ra chuyện trò cùng với Chúa Giê-su, thánh Phêrô nghĩ rằng phải có cả ba vị mới đủ, mới hạnh phúc, hơn là chỉ một mình Chúa Giê-su, nên xin dựng ba lều cho ba vị. Nhưng có tiếng Chúa Cha nói với họ: “Đây là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người.” Các tông đồ nghe rõ tiếng Chúa Cha khẳng định: chỉ Chúa Giê-su là đủ cho ơn cứu độ của họ và thế giới, cho cuộc đời của họ và cho cuộc đời mọi người. Đó là lý do thánh Phêrô sau này tuyên xưng trước thượng hội đồng Do Thái: “Ngoài Chúa Giê-su ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).

            Vì vậy, mạc khải Chúa Giê-su là Con yêu dấu của Chúa Cha, là Đấng cứu độ duy nhất, là Đấng đủ cho tất cả những ai muốn hạnh phúc đưa các tông đồ và toàn thể tín hữu nhìn lại thực trạng ân sủng mình đang được hưởng: Thiên Chúa không ở xa chúng ta, Thiên Chúa đang ở gần chúng ta trong Chúa Giê-su và Ngài đang ở với chúng ta.

            Chúa Giê-su thường ngày đi bên cạnh các tông đồ trên những chặng đường bụi mù Palestine để truyền giáo, những khi Ngài ngồi giữa đám đông đang đói khát lương thực lẫn lời Chúa, cả những khi Ngài làm phép lạ, các tông đồ và dân Chúa không nhận ra Chúa Giê-su là Thiên Chúa đang ở giữa họ. Vì thế, dù đi bên cạnh Chúa mà lòng họ vẫn mơ ước đến một Thiên Chúa nào khác. Con người của Chúa họ sờ chạm tới được, lời Chúa họ được nghe, thế mà họ không tin nhận đó là lời của Thiên Chúa đang nói với họ và chạy tìm một lời hứa hão huyền nào đó, một thần tượng khác lạ.

            Chúng ta hôm nay vẫn đang đi lại vết xe đổ đó. Nhiều người khẳng định mình tin vào Chúa, nhưng không đến tham dự thánh lễ thờ phượng Chúa và rước Chúa. Họ chẳng khác gì dân Do Thái tin rất mạnh vào Thiên Chúa nhưng không nhận ra Chúa Giê-su là Thiên Chúa cứu độ. Nhiều người luôn nói vâng nghe lời Chúa dạy, nhưng họ rất khó đọc và suy niệm lời Chúa, bởi họ không nhận ra lời của Chúa Giê-su là lời của Thiên Chúa nói với con người hôm nay và mọi thời. Lối sống đó không phải là lối sống Chúa ưa thích. Vì thế, hôm nay Thiên Chúa mạc khải cho các tông đồ và chúng ta: chỉ một mình Chúa Giê-su là đủ cho chúng ta, lời Ngài và Thánh Thể của Ngài: “Đây là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mt 17,5).

            Lạy Chúa Giê-su, hôm nay Chúa dẫn chúng con lên núi cao, nhận biết điều trọng đại trong đời chúng con: khi tham dự thánh lễ, ở đó lời Chúa là lời hằng sống cho cuộc đời con, ở đó Thánh Thể là chính Chúa đang ở với chúng con hôm nay. Chúa là đủ cho cuộc đời chúng con và thế giới này.

 

SUY NIỆM III

DÕI THEO CHÚA GIÊSU TRÊN MỌI NẼO ĐƯỜNG ĐỂ ĐẾN VINH QUANG

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Trong truyền thống Thánh Kinh núi cao thường được xem như là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Chẳng hạn, Môsê đã được kêu mời lên núi Sinai để gặp gỡ Thiên Chúa và đón nhận lề luật cho Dân Chúa. Êlia đã ròng rã 40 đêm ngày lên núi Horeb để gặp Chúa. Êlisê cũng lên núi Carmel để gặp Chúa. Và Chúa Giêsu cũng khởi sự đời công khai bằng 40 đêm ngày chay tịnh trên núi cao, rồi trong ba năm sứ vụ, Ngài vẫn thường lặng lẽ một mình lên núi để cầu nguyện cùng Cha Ngài.

Trong Tin Mừng hôm này, Chúa Giêsu đã đưa ba môn đệ thân tín nhất lên núi Tabor để tỏ vinh quang của Ngài cho các ông. Từ trên núi cao, qua thị kiến Chúa Giêsu biến hình, ông Phêrô, Giacôbê, Gioan đã thấy thần tính và nhân tính của Đức Giêsu. Thần tình được biểu lộ nơi dung nhan của Chúa Giêsu chói lọi như mặt trời, đầy vinh quang, quyền lực. Y phục trắng tinh như ánh sáng: biểu tượng sự trong sáng, sự quang minh chính đại cực độ, hoàn toàn không lầm lỗi, không khiếm khuyết. Còn nhân tính của Ngài được biểu lộ qua việc sau khi Chúa biến hình các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi, con người bằng xương thịt đang ở bên các ông như mọi ngày và nhân tính của Chúa Giêsu biểu lộ rõ nết khi khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su nói về cuộc chịu nạn, chịu chết và ba ngày sống lại. Cho nên, về thiên tính, Chúa Cha phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! “Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất”. Còn nhân tính thì xảy ra sau khi Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Lời tuyên xưng này lại gắn liền với lời Chúa Giêsu loan báo cuộc Thương Khó của Ngài và kèm theo lời mời gọi: “anh em hãy bỏ mình, vác thập giá đi theo Thầy” (Mt 16,24). Vậy là đúng vào lúc các môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu là Đức Kitô, là Đấng Cứu Thế, thì trước mắt các ông hình ảnh một Đấng Cứu Thế oai hùng lẫm liệt, để rồi bắt đầu tan biến, để hiện ra một Đấng Cứu Thế đau khổ, bị đày đọa, bị khai trừ, bị giết chết. Hình ảnh đó thật là khó hiểu đối với các môn đệ, vì lòng tin của các ông còn mộc mạc, phàm tục. Cho nên, chẳng lạ gì, Phêrô đã lên tiếng khuyên can Chúa Giêsu đừng đi theo con đường đau khổ đó làm gì. Nhưng thật không may cho ông, vì Chúa Giêsu cứ khăng khăng một mực, lại còn quay sang mắng ông: “Satan, cút đi!”.

Chúa hiển dung sáng láng hôm nay vào những ngày trong Mùa Chay nhằm muốn đưa chúng ta lên núi, hé mở cho chúng ta chiêm ngưỡng một chút vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu, để chúng ta thêm tin tưởng vào Ngài, để chúng ta có những giây phút nghỉ ngơi lấy sức trước khi xuống núi, trở về với cuộc sống bình thản trên các nẻo đường phẳng lặng hay đầy sóng gió đưa đến núi Can-vê. Chúng ta cần được Chúa đến gần, đưa tay đón nhận Người, rước Ngài vào trong cuộc đời chúng ta để Ngài thức tỉnh chúng ta giúp chúng ta biết chuẩn bị sẵn sàng đón nhận mà vui sống với mọi gian nan đau khổ trên đường đời rồi sẽ đến đỉnh vinh quang chiến thắng tất cả như Thánh Phaolô xác quyết: “Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2Tm 2,11-12). Còn Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúa Giêsu Kitô đã yêu thương chúng ta cho đến chết trên Thập Giá sẽ luôn ở bên chúng ta. Ngài luôn ân cần nói với chúng ta: Hãy can đảm lên! Các con không vác Thánh Giá một mình, Ta mang nó với các con. Ta đã vượt qua cái chết để mang đến cho các con sự sống của tin yêu hy vọng” (ĐGH Phanxicô). Vì vậy,  niềm tự hào của chúng ta là Thánh Giá Chúa tôi. Niềm tự hào của chúng ta là vác Thánh Giá đi lên mỗi ngày trong hy vọng niềm tin sáng tươi, không hoang mang lo âu nhưng vui mừng hiên ngang tiến lên vì đường thập tự giá là đường vinh phúc. Qua bao nhiêu thương đau, tình yêu Chúa là lẽ sống chúng ta đi không có gì sợ lo đắn đo vì có Chúa bước đi cùng chúng ta.

Con đường Thương Khó của Chúa khởi đầu từ khi Ngài xuống núi, Ngài đã chọn và đã đi đến đồi Canvê và đến đỉnh vinh quang. Rồi đây, Ngài cũng sẽ biến hình “không còn hình tượng người ta nữa”, để dạy chúng ta biết phải đi qua con đường thập giá mới đến vinh quang khải hoàn sống lại. Trong ngôn ngữ La-tinh, người ta chơi chữ: “Per crucem ad lucem”, nghĩa là “qua thập giá đến ánh sáng”. Qua Thứ Sáu Tử Nạn mới đến Chúa Nhật Phục Sinh. Đường thánh giá không dừng lại ở nấm mồ, nhưng mở ra trong niềm vui tưng bừng của ngày Chúa sống lại.

Trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta, cũng có những giây phút chúng ta được đưa lên núi cao để gặp Chúa, núi cao của Thánh lễ, núi cao của những giờ phút dành cho việc cầu nguyện. Nhưng chúng ta không lên núi để ở đó mãi, mà là để trở lại với cuộc đời với muôn thử thách, đắng cay, với những gặp gỡ từng ngày. Chấp nhận cuộc sống với tinh thần lạc quan, chấp nhận chiến đấu mà không buông xuôi bỏ cuộc, sống như thể là tiếp tục con đường Chúa Giêsu đã đi qua. Chấp nhận những người anh em chúng ta gặp gỡ trên đường đi, chấp nhận những khác biệt, những bất toàn của người anh em cùng đồng hành, sống như thể là dõi bước theo đường Chúa đã đi qua.

Xin ánh sáng Dung Nhan của Chúa Giêsu Kitô luôn dẫn bước chúng ta trên đường đời, để chúng ta biết đón nhận và sống trọn từng phút giây cuộc sống. Xin ánh sáng Dung Nhan của Chúa Giêsu Kitô chiếu dọi và hướng dẫn cuộc hành trình đức tin của chúng ta được tiếp tục dõi bước theo dấu chân của Ngài trên mọi nẻo đường dù có bình yên hay gian nan thử thách đau khổ để dành lấy vinh quang chiến thắng tội tội, đạt đến sự thánh thiện, bình an và hạnh phúc trong cuộc sống hôm nay và mãi mãi. Amen.

 

SUY NIỆM IV

TRONG KẾ HOẠCH ÂN SỦNG –

[MỘT CÁCH TIẾP CẬN LỜI CHÚA CN II MÙA CHAY (A)]

Lm. Giuse Lê Công Đức

Chúa Nhật II Mùa Chay thường được gọi là Chúa Nhật Chúa Giêsu Biến Hình (hay Hiển Dung). Nhưng Biến Hình chỉ là một biến cố nhất thời, tại chỗ. Và chính biến cố này vừa thuộc về vừa diễn tả cả một lịch sử cứu độ của Thiên Chúa. Lịch sử cứu độ ấy tự bản chất là một kế hoạch ân sủng thần linh. Có thể tiếp cận phụng vụ Lời Chúa bằng một cái nhìn ‘zoom-out’ để thấy tương đối toàn cảnh bức tranh lớn mang tên ‘kế hoạch ân sủng’ này.

Trước hết là nhân vật Abraham. Vai trò quan trọng và thế giá cao vượt của vị tổ phụ này là điều không ai có thể chất vấn. Abraham phủ bóng của mình trên Do thái giáo, Ki tô giáo và cả Hồi giáo. Thực tại ‘dân riêng’, ‘dân ưu tuyển’ bắt đầu từ con người này. Và cách mà sách Sáng thế đưa Abraham vào sân khấu thật là lạ lùng. Mười một chương đầu là câu chuyện sáng tạo, nguyên tổ sa ngã, và những diễn biến nguyên sơ. Ở đầu chương 12, bỗng xảy ra tiếng gọi và lời hứa của Đức Chúa dành cho một người có tên Abram (tên gọi ban đầu của Abraham). “Hồi ấy, Đức Chúa phán với ông Abram…”!

Nghe thật đột ngột. Và ta thấy gì? Ta thấy Đức Chúa hành động; Ngài là vai chính; câu chuyện là câu chuyện của Ngài. Ta thấy Abraham xuất hiện và được giới thiệu trong tư cách một người nhận tiếng gọi và nhận lời hứa của Đức Chúa. Không một dòng, không một chữ kể về cái bối cảnh nền (background) của Abraham. Không một đề cập nào về ông là ai, ông làm gì, xuất xứ, gia thế, bản thân thế nào… Chỉ một chi tiết đáng kể và được kể ở đây thôi, đó là Abraham được Chúa kêu gọi và được Chúa trao lời hứa. Tất cả điều này nói lên tính nhưng không, vô điều kiện và tính chủ động của ân sủng Thiên Chúa. Ta để ý, lời hứa của Chúa cho Abraham mang kích thước cả kế hoạch ân sủng cứu độ: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân… Nhờ ngươi, mọi dân trên mặt đất sẽ được chúc phúc”. (Bài đọc 1, sách Sáng thế 12).

Hai nhân vật Mô sê và Êlia sẽ đến và in dấu trong dòng lịch sử này. Với Mô sê, dân ưu tuyển trong lời hứa nói trên thành hình và được chính thức thiết lập bằng giao ước Sinai trong câu chuyện Xuất hành. Lời hứa với Abraham được chuyển trao qua Mô sê, tiên báo rõ hơn về sự xuất hiện của ‘Mô sê mới’ là Đức Giêsu Ki tô… Nếu Mô sê là biểu tượng của luật pháp Chúa ban cho dân Ngài, thì Êlia là đại diện của truyền thống ngôn sứ, trong đó Thiên Chúa dần dần tỏ mình ra, dạy bảo dân, can thiệp vào lịch sử của dân. Để rồi cuối cùng, khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa sẽ đích thân đến và trực tiếp phán dạy dân Ngài qua Đức Giêsu Ki tô, là Con Thiên Chúa, là quà tặng ân sủng tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa ban cho con người.

Cuộc hội kiến giữa Đức Giêsu, Mô sê và Êlia trong biến cố Hiển Dung, vì thế, là một dấu ấn LỊCH SỬ, cho thấy Đức Giêsu đến trong kế hoạch ân sủng của Thiên Chúa để hoàn thành kế hoạch ấy. Nói theo Đức thánh cha Phanxico thì “tính mới mẻ của Đức Giêsu vừa hoàn thành giao ước cũ vừa là những lời hứa” mở ra. Cuộc khổ nạn, cái chết thập giá và sự sống lại của Đức Giêsu – là đề tài trao đổi giữa ba vị trong biến cố này – sẽ là cuộc Vượt Qua mới, mở ra Dân mới của Giao Ước mới, là Giao ước vĩnh cửu! (Bài Tin Mừng Mt 17).

Dân mới này, trong nhận thức và kinh nghiệm của Thánh Phao lô, là Dân “được cứu độ và được kêu gọi” bởi Thiên Chúa, “không phải do công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Ngài”. Thánh Phao lô còn xác quyết: “Ân sủng đó, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Ki tô Giêsu, nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Ki tô Giêsu đã xuất hiện. Chính Đức Ki tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử”. (Bài đọc 2, Thư 2 Tm).

Như vậy, toàn bộ câu chuyện của bức tranh lớn là câu chuyện của ân sủng. Chúng ta và cả nhân loại, cả lịch sử được nhận chìm trong kế hoạch ân sủng này. Bằng cách nào chúng ta đáp lại đây? Thánh Phao lô gợi cho ta câu trả lời khi ngài nói với Ti mô thê: “Anh yêu quí, dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng”. ‘Hiệp hành’ đó! Tích cực tham gia, trên nền hiệp thông, để thực thi sứ mạng đó!

Nhưng tiên vàn, chúng ta đáp lại bằng cách nghe lời Chúa Cha, để lắng nghe lời Đức Giêsu, Con yêu dấu của Ngài. Đức Phanxico lưu ý chúng ta: Mùa Chay là mùa ân phúc trong mức độ chúng ta lắng nghe lời của Chúa Giêsu, nhất là như được cung cấp cho chúng ta trong Thánh lễ hằng ngày…

Có thể nói thêm: Cái nhìn zoom-out để thấy bức tranh toàn cảnh kế hoạch ân sủng của Thiên Chúa có thể giúp chúng ta tỉnh táo, sáng suốt trước những vết mờ tối, thậm chí những tai tiếng gây choáng váng trong lòng Giáo hội, như chuyện xôn xao trong Giáo hội Việt Nam những ngày qua… Giáo hội không chỉ là cơ chế nhân loại hữu hình. Giáo hội trước hết là Dân mới trong kế hoạch ân sủng kỳ diệu của Thiên Chúa, một Dân của đặc sủng!