Tam Nhật Thánh Năm A


ĐƯỢC RỬA CHÂN, ĐƯỢC DỰ PHẦN

Thứ Năm Tuần Thánh (Hội An 6/4/2023)

            Có gì đặc biệt trong thánh lễ Tiệc Ly của tuần Thánh và chúng ta được mời gọi sống thế nào từ cử hành trọng thể này? Trong cử hành ngày thứ Năm tuần thánh, Chúa Giê-su rửa chân cho các tông đồ, lập bí tích Truyền Chức Thánh và lập bí tích Thánh Thể. Mọi cử hành trong ngày thánh này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

  1. Được rửa chân, được dự phần

            Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đứng dậy, cởi áo choàng và rửa chân cho những người được Chúa chọn và sai đi loan báo Tin Mừng. Chúa rửa chân cho những người được lãnh chức linh mục thừa tác và còn được hiểu rộng, là những người được lãnh nhận chức linh mục cộng đồng là các tín hữu. Tất cả họ được trao sứ mạng truyền giáo cao cả và cùng chung vai với sứ mạng đó.

            Nếu có bàn chân khỏe mạnh không trở ngại gì, chúng ta đi đây đi đó, có lẽ không ai chú ý đến bàn chân. Chỉ khi bàn chân bị tổn thương, người ta mới lưu tâm, vì nếu chân đau, toàn thân không thể di chuyển đi đâu được. Bàn chân của các tông đồ khỏe mạnh mới có thể đưa các ngài đi truyền giáo. Ngôn sứ Isaia reo vui: “Đẹp thay bước chân người loan báo Tin Mừng” (Is 52,7). Chúa Giê-su vui mừng vì những bàn chân của các môn đệ rong ruổi đây đó truyền giáo khắp nẻo đường Palestine, để mọi người biết Thiên Chúa đang ở giữa họ. Ngày hôm nay Chúa cũng vui mừng như thế khi chứng kiến những bàn chân của những nhà truyền giáo hôm nay, bàn chân của những người cha, người mẹ đưa con đến nhà thờ, đưa con đến trường học và hướng dẫn con cái đến nơi được đào tạo thành người và thành con Thiên Chúa. Chúa vui thích khi thấy những bàn chân của người cha người mẹ thoăn thoắt trên những ngả đường để nuôi sống gia đình, đôi chân của các linh mục, tu sĩ và các giáo lý viên miệt mài trên những con đường mòn bụi bặm đến với anh chị em của mình, đôi chân của anh chị em các hội đoàn đến thăm viếng những người sầu buồn hay yếu đau. “Đẹp thay bước chân người loan báo Tin Mừng.”

            Tuy nhiên, Đức Bênêđictô cho biết, hiển nhiên chúng ta đã được sạch tận bên trong nhờ bí tích Rửa Tội. Chân chúng ta cũng được sạch. Nhưng khi đi vào cuộc đời này, chân chúng ta phải dẵm trên đất trần thế. Vì thế, làm sao chân của người loan báo Tin Mừng tránh khỏi vấy bẩn bởi đường đời lắm bụi? Làm sao đôi chân ấy không mang thương tích bởi chông gai khi đi tìm chiên lạc? Làm sao đôi chân ấy không có lúc rã rời muốn chùn chân, bỏ cuộc vì bao “bóng râm mát che cuộc đời” kề bên đường đi? Thánh Augustinô chia sẻ, trong điều kiện ấy, bảo rằng chúng ta không vương tội, thì chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta. Vì thế, khi Phê-rô khước từ Chúa rửa chân cho mình, Chúa Giê-su đã nói với Phê-rô: “Nếu Thầy không rửa cho con, thì con sẽ chẳng được dự phần với Thầy” (Ga 13, 8). Rõ ràng Chúa Giê-su muốn nói đến sự thanh sạch, thánh thiện cần có bên trong người truyền giáo, mà chỉ có được khi đôi bàn chân vấy bẩn đó được đặt trong bàn tay thánh thiện của Chúa Giê-su và qua cuộc hy tế thánh giá của Ngài. Không có sự thánh thiện, những người truyền giáo là chúng ta không thể dự phần vào Bữa Tiệc Thánh Thể của Chúa và đôi chân truyền giáo không được phục hồi. Phải chăng công cuộc truyền giáo đang im ắng vì các Ki-tô hữu không còn những bước đi như thuở ban đầu? Không có đôi chân mạnh khỏe, toàn thân không thể di chuyển; không được ơn Chúa phục hồi, Ki-tô hữu không có đôi chân mạnh cần có của nhà truyền giáo. Chúa Giê-su chú ý đến bàn chân của các nhà truyền giáo.

            Bạn có muốn để Chúa rửa chân cho bạn trong tòa Giải Tội để bạn được dự phần trong Bữa Tiệc Thánh Thể không? Bạn có muốn Chúa phục hồi lòng nhiệt thành truyền giáo của bạn không?

  1. Rửa chân cho nhau theo gương Chúa

            Không dừng ở đó, Chúa Giê-su còn nói với các tông đồ và với chúng ta: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho các con.” (Ga 13,14-15). Chúa Giê-su muốn lệnh truyền này in đậm trong tâm trí mọi Ki-tô hữu.

            Trong Chúa, chúng ta thuộc về nhau. Theo gương Chúa, Ki-tô hữu rửa chân cho nhau là tha thứ cho nhau, cất đi gánh nặng bất hòa và khích lệ nhau trở lại nhiệm vụ của người được Chúa sai đi. Ki-tô hữu mà không biết thương nhau, không rửa sạch mọi lỗi lầm của nhau thì còn biết thương ai, còn biết khoan dung với ai? Nếu không biết rửa chân cho nhau, rửa sạch mọi tỵ hiềm, bỏ đi lòng ghen ghét anh chị em mình, thì chúng ta đã loại ra khỏi công cuộc truyền giáo một hoặc nhiều người thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo vốn đã ít thợ gặt.

            Dĩ nhiên, muốn rửa chân cho nhau, người rửa chân phải chấp nhận đó là công việc của người đầy tớ, một việc đòi hỏi khiêm tốn, một việc không dễ mấy ai làm. Chúa Giê-su đã làm gương trước khi xuống thế làm người. Vì thế, mọi tín hữu được mời gọi trở nên người rửa chân cho anh chị em mình và không ai là người quá bẩn đến mức chúng ta không phục vụ, không tha thứ, không yêu thương và không cùng làm hòa được để cùng loan báo Tin Mừng.

Mỗi lần tham dự Bàn Tiệc Thánh Thể, chúng ta được dịp nhớ lại Chúa đã rửa chân cho ta để ta được dự Tiệc thánh và trở nên người rửa chân cho anh chị em mình, bởi bí tích Thánh Thể không chỉ là một mầu nhiệm được nhận lấy và tôn thờ, mà còn là một mầu nhiệm nêu gương cho chúng ta.

Xin Chúa cho chúng con được phục hồi sự thánh thiện và lòng nhiệt thành truyền giáo và cho chúng con cũng biết khích lệ nhau truyền giáo.

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH VÀO THẬP GIÁ

Thứ Sáu Tuần Thánh (Hội An 7/4/2023)

Hôm nay, toàn thể Hội Thánh suy tôn thánh giá Chúa Giê-su. Cha Cantalamessa cho biết, trong suốt năm phụng vụ, chỉ duy nhất ngày thứ Sáu tuần thánh, cao điểm phụng vụ không phải là thánh lễ, mà là thánh giá Chúa Giê-su. Hôm nay, Hội Thánh không tập trung vào nhiệm tích, mà vào sự kiện. Ngày thứ Sáu tuần thánh không cử hành thánh lễ, mà chỉ chiêm ngắm và tôn thờ thánh giá. Qua đó, Hội Thánh muốn cùng cái nhìn của thánh Phaolô vào các tín hữu tiên khởi tuyên xưng: “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,1-2), một Chúa Giê-su gắn liền với thánh giá.

Nếu tách thánh giá ra khỏi Chúa Giê-su, người ta cũng tách Chúa Giê-su ra khỏi sứ mạng cứu độ của Ngài, hạ thấp giá trị cuộc đời và phủ nhận quyền năng của Ngài. Đức Phanxicô nhận xét, bấy giờ Chúa Giê-su chỉ là một thầy dạy, chứ không đem lại niềm hy vọng hay ơn cứu độ cho nhân loại. Vì thế, không hề có Chúa Giê-su mà không thánh giá.

            Trong Cựu ước, các hy tế đổ máu được báo trước hy tế đổ máu của Chúa Giê-su trên thánh giá. Đối với Cựu ước, tội lỗi đưa đến sự chết, còn sự sống thì ở trong máu. Mọi sinh vật cần máu để sống. Vì thế, ơn tha thứ và sự sống được phục hồi nhờ hy tế của một sự sống khác. Chiếc áo bằng da được Thiên Chúa ban cho A-đam và E-va thay cho những chiếc lá vả che thân đòi hỏi phải có một sinh vật hy tế, nay được thể hiện trong cuộc hy tế thập giá của Chúa Giê-su. Trên thánh giá, Chúa Giê-su đã đổ máu ra và chịu chết vì chúng ta. Hội Thánh tuyên xưng như thế.

            Trên thánh giá, Chúa Giê-su trở thành hy tế hoàn hảo mà Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại. Máu thánh thiện của Ngài đổ ra rửa sạch tội lỗi và ban cho nhân loại sự sống. Thánh sử Gioan chú ý đến sự hào phóng cứu độ của Chúa Giê-su nên ghi nhớ, máu và nước từ cạnh sườn Chúa đổ ra (Ga 19,34). Sau lời “Mọi sự đã hoàn tất,” từ thánh giá, Chúa Giê-su hoàn thành chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha và mở đường cho nhân loại về với Chúa Cha. Từ thánh giá và phục sinh của Chúa Giê-su, nhân loại được ơn tha thứ và được sự sống đời đời. Đó là quyền năng của tình yêu Thiên Chúa qua thánh giá.

            Qua cử hành suy tôn thánh giá hôm nay, tín hữu được nghe lại lời mời gọi mang lấy thánh giá của Chúa Giê-su. Thánh Phê-rô sợ hãi đi đường thánh giá, ông ngăn cản Chúa Giê-su đừng đón nhận thánh giá. Chúa Giê-su đã cho biết, đó là lối nghĩ của loài người chứ không phải của Thiên Chúa, vì không hề có Giê-su mà không thánh giá, cũng không hề có Hội Thánh mà không thánh giá, không hề có Ki-tô hữu mà không thánh giá.

            Ki-tô hữu là một Simon Kyrênê, người được vác thánh giá với Chúa. Nếu không đón nhận thánh giá, chúng ta không thể hiểu Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ chúng ta. Thánh giá của việc trung thành tuân giữ lời Chúa, thánh giá từ cái giá của người theo Chúa, thánh giá từ những cố gắng và chấp nhận gian nan để truyền giáo, thánh giá từ những nỗ lực chiến thắng các cơn cám dỗ, thánh giá từ những việc bổn phận, tất cả là thánh giá của Ki-tô hữu. Đáp lại lời mời gọi của Chúa, chúng ta noi theo người phụ nữ tội lỗi cúi hôn chân, không hôn mặt Chúa như Giu-đa, Chúa bày tỏ tình yêu của chúng ta dành cho Đấng đã chết trên thánh giá để cứu độ chúng ta.

            Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con hiểu rằng chúng con chỉ ôm được Chúa bằng cách ôm lấy cả thánh giá của Chúa mỗi ngày.\

ÁNH SÁNG CHIẾU SOI TRONG ĐÊM TỐI

Vọng Phục Sinh (Hội An 8/4/2023)

Trong đêm cực trọng này, Lời Chúa được bắt đầu với sách Sáng Thế. Đó là câu chuyện Thiên Chúa tạo dựng nên vạn vật và vạn vật có sự sống nhờ lời Thiên Chúa phán: “Hãy có ánh sáng.” Biến cố phục sinh hôm nay là biến cố Chúa tái tạo vạn vật, một lần nữa Thiên Chúa phán: “Hãy có ánh sáng.”

  1. Ánh sáng Chúa Ki-tô chiếu soi đêm tối trần gian

Ngọn nến Phục Sinh là ánh sáng biểu tượng chính là Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh, Đấng đã chịu chết, nay đang sống với chúng ta. Đức Bênêđictô giải thích: “Đây là ánh sáng bừng lên từ cuộc hy tế. Ngọn nến tỏa sáng bởi bị đốt cháy. Ngọn nến cho ánh sáng, vì nó cho chính mình.” Chúa Giê-su hiến tế chính mình Ngài trên thánh giá cho chúng ta, nay Ngài sống lại mang ánh sáng mới vào thế giới, ánh sáng xua tan bóng tối tội lỗi đang tràn ngập thế giới.

Bóng tối của thế giới được thấy tỏ tường trong những cuộc chiến đẫm máu đang xảy ra hay đang lăm le bùng nổ. Bóng tối của thế giới đang trùm lên trên những căn nhà không ra nhà hay những thân phận sống trong tình trạng nghèo khổ không hợp với phẩm giá. Bóng tối của thế giới phủ bóng đen lên những mối tương quan trong gia đình, phá vỡ tình yêu giữa vợ với chồng, chia cắt con cái với cha mẹ và con người không còn nhìn nhận nhau là con một Cha trên trời và mọi người là anh em với nhau. Bóng tối được thấy rõ trong mùa gió chướng của người Công Giáo, nào là tình trạng giới trẻ lãng quên Thiên Chúa, nào là những vụ giả dối trong Giáo Hội như linh mục giả hoặc giám mục, linh mục gây nhiều nghi ngờ, gây buồn phiền trong cộng đoàn làm lu mờ gương mặt Giáo Hội, tình trạng bị cuốn hút vào những công trình vật chất, hơn là chú tâm vào việc củng cố và phát triển đời sống đức tin của cộng đoàn cũng như truyền bá Tin Mừng Đức Giê-su.

Dù giữa đêm đen dày đặc này, Giáo hội vẫn long trọng đặt ngọn đến Phục Sinh với ngọn lửa mới, dấu chỉ sự phục sinh của Chúa Giê-su, sự phục sinh của hy vọng và thánh thiện giữa cung thánh, nơi chốn biểu tượng cho trái đất. Ngọn nến Phục Sinh ở giữa trái đất suốt 40 ngày, dấu chỉ thời gian Chúa Giê-su ở với các tông đồ từ ngày Ngài sống lại cho đến khi lên trời. Trong đêm tối, ngọn nến Phục Sinh được thắp sáng, là thời điểm Giáo Hội sống lại niềm vui rạng vỡ của các tông đồ nhận biết Chúa đã sống lại và bài hoan ca Exsultet được Giáo Hội cất lên giữa đêm tối mà mắt hướng về Ngọn Nến cháy bừng, hướng về Đấng Phục Sinh.

  1. Đức Ki-tô phục sinh là ánh sáng cho trần gian

Giáo hội không tìm Người Sống nơi kẻ chết. Giáo hội không dán chặt mắt vào tình trạng sa sút đức tin hay đạo đức của nhân loại mà than vãn, tuyệt vọng. Giáo Hội không u sầu trong một thế giới cổ xúy di cư đi khỏi Thiên Chúa, khỏi Giáo Hội hay chán chường trước cơn giông bão tục hóa cả bên trong lẫn bên ngoài hòng xô ngã con thuyền Giáo Hội. Nhưng Giáo Hội cũng không lạc quan tếu. Trái lại, Giáo Hội nhớ lại lời Chúa đã nói trước khi Ngài chịu chết: “Chúa sẽ sống lại” và các tông đồ đã gặp Chúa. Đó là lý do Giáo hội không tuyệt vọng trong mọi nghịch cảnh; ngược lại, tìm sự sống nơi Chúa Giê-su, “Đấng đã sống lại từ cõi chết” (Mc 9,9).

Sự sống từ Đấng Phục Sinh đang làm sống Giáo Hội ngay trong đêm Vọng Phục Sinh này, thời điểm có đông đảo người được rửa tội dù nhận thức rõ cơn khủng hoảng đời sống đạo đức của thế giới và trong Giáo hội. Hành động đức tin của các tân tòng vừa cắm neo vào Chúa Ki-tô phục sinh, vừa công bố tin mừng Chúa sống lại giữa thế giới hôm nay. Đời của họ tự nguyện gắn bó với lời Chúa và Thánh Thể.

Sự sống của Đấng Phục Sinh đang khơi lên niềm vui giữa nhiều thế hệ đang rơi vào cuộc khủng hoảng giới tính, đang chới với giữa cuộc cách mạng tình dục hung hăng, theo Weigel, nay tìm thấy giáo huấn về “Thần học Thân Xác” của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II như công cụ giáo dục cho các thế hệ tìm thấy niềm vui được Thiên Chúa ban cho mình giới tính là nam hay là nữ mà ngợi khen Thiên Chúa.

Sự sống của Đấng Phục Sinh tỏ hiện nơi đời sống của rất nhiều tín hữu, nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân đang nhiệt thành đóng góp kiến tạo giáo xứ, Giáo hội, nơi những giáo dân xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn yêu thương và nhiệt thành sống đức tin, nơi các đôi vợ chồng trung thành sống lời cam kết hôn phối như thể đang lội ngược dòng đời, nơi những người trẻ vươn lên sống thánh thiện chứ không chịu chôn vùi đời mình trong thế giới ảo đầy đen tối.

Tất cả những tín hữu sống với Đấng Phục Sinh là những người nhớ lại lời hẹn của Chúa về Galilê. Đức Phanxicô giải thích, “Galilê” là nơi các tông đồ được Chúa gọi, là nơi mọi sự bắt đầu. Đối với chúng ta, “Galilê” mời gọi chúng ta tái khám phá bí tích Rửa Tội chúng ta lãnh nhận như nguồn lực sống động, hầu thúc bách chúng ta say sưa loan báo Tin Mừng như các phụ nữ kia: “Chúng tôi đã thấy Chúa!”

Sự sống của Chúa Giê-su phục sinh lan tỏa đến mỗi chúng ta, những người không nhìn thấy Chúa như một nhân vật quá khứ, mà như Đấng Cứu Độ chúng ta đang sống và đang ở trong mỗi chúng ta, cùng đi với chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Ước gì mầu nhiệm Chúa sống lại trở thành niềm vui và ơn cứu độ cho nhiều người tìm đến Chúa Giê-su, chứ không tìm đến ngôi mộ trống cuộc đời.