Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm A


CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM A

Ngày 24/9/2023

 

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Tiên Phước và Giáo họ Tam Lãnh

GIÁO HUẤN SỐ 44

HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN

Một Giáo Huấn Của Giáo Hội Thường Bị Bỏ Qua (tiếp theo)

 “Duy chỉ nhờ ân ban của Thiên Chúa, được tự do và khiêm tốn đón nhận, chúng ta mới có thể cộng tác bằng những cố gắng của mình trong công cuộc biến đổi chính mình cách tiệm tiến. Tiên vàn chúng ta phải thuộc về Thiên Chúa, dâng hiến chính mình cho Ngài là Đấng vốn có trước ở đó, và ký thác cho Ngài các khả năng, các nỗ lực của chúng ta, cuộc chiến đấu của chúng ta chống lại sự dữ và năng lực sáng tạo của chúng ta, để cho ân huệ nhưng không của Ngài có thể lớn lên và phát triển trong chúng ta: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Vì thế, Giáo hội luôn dạy rằng chỉ đức ái mới có thể làm cho đời sống ân sủng được lớn lên, vì “nếu tôi không có đức ái, thì tôi chẳng là gì” (1Cr 13,2). (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 56).

 

LỜI CHÚA

Is 55,6-9; Pl 1,20c-24.27a; Mt 20,1-16a

Bài Ðọc I: Is 55, 6-9

“Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ.

Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 2-3. 8-9. 17-18

Ðáp: Chúa ở gần mọi kẻ kêu cầu Người

Xướng: Hằng ngày tôi sẽ chúc tụng Chúa, và tôi sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được.

Xướng: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi người, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.

Xướng: Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người, mọi kẻ kêu cầu Người cách thành tâm.

Bài Ðọc II: Pl 1, 20c-24. 27a

“Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô”

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, dù tôi sống hay tôi chết, Ðức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Ðức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em. Anh em hãy sống xứng đáng với Tin Mừng của Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.

Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời của Con Chúa

Phúc Âm: Mt 20, 1-16a

“Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.

Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”.

Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết.” Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.

Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao”? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?” Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.

Ðó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM I

DẸP BỎ TÍNH GHEN TỊ TRONG TA

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

 Tin Mừng chúng ta vừa nghe mô tả việc ông chủ trả lương cho những người làm vườn nho: những người thợ vườn nho đi làm từ sáng sớm, đã được lãnh tiền công đúng như đã thoả thuận với chủ từ đầu, thế nhưng họ vẫn không hài lòng, lại còn lẩm bẩm kêu trách ông chủ, họ tỏ ra bất bình và ghen tị với các đồng nghiệp chỉ vì những người nầy ít tốn mồ hôi hơn mà cũng được hưởng tiền lương bằng mình. Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”. Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là “hay mắt bạn lườm nguýt vì tôi tốt lành”. Chữ “ghen tương”, nếu dịch cho sát sẽ là: “mắt ác cảm”, “mắt dữ tợn”, một thành ngữ cổ xưa của Thánh Kinh thường xuất hiện trong Châm ngôn và Huấn ca, để diễn tả cơn tức giận và ghen tương của cả con người: “Đừng ganh ghét với bọn bất lương. Chớ ghen tương cùng phường gian ác” (Cn 24,29).

     Ghen tị, người đời ngày nay nói là GATO nghĩa là gì? Từ điển Wikipidia định nghĩa rằng ghen tị là cảm xúc tức tối về cái điều mà người khác có mà minh không có, cho nên ghen tị muốn người khác cũng không có luôn. Ví dụ trong dụ ngôn người thứ nhất đáng lý ra có hơn người sau, đằng này người sau lại bằng người thứ nhất nên không muốn người cuối bằng mình. Còn ghen tương là gì? Là cảm xúc tức giận về cái tôi đáng lẽ phải không nhưng tôi không có mà họ có. Ví dụ tôi với bạn học giỏi bằng nhau tại sao bạn làm giám đốc, tôi là công nhân. Cả hai khác nhau nhưng trong cuộc sống, ghen tị thường xảy ra đắng cay hơn. Vì chưng, lòng ghen tị đã xuất hiện từ khởi thuỷ loài người. Cain ghen tị với Aben là người em chỉ vì lễ vật của Aben được Chúa thương chấp nhận, còn lễ vật mình thì bị Thiên Chúa khước từ. Lòng ghen tị đã xui khiến Ca-in đánh chết em. Theo sách Samuen, Đavít là vị anh hùng tài hoa trẻ tuổi đã lập được chiến công oanh liệt, cứu nguy cho dân quân Israel bằng cách giao chiến một-chọi-một với tên Gô-li-át khổng lồ thuộc phe Phi-li-tinh, hạ gục y chỉ bằng một phát ná bắn đá và dùng chính thanh gươm của y mà chặt đầu y. Thế rồi quân Israel thừa thắng xông lên như nước vỡ bờ, tràn lên giết hại rất nhiều quân Phi-li-tinh thù nghịch. Thế là từ lúc ấy, lòng ghen tị sục sôi trong lòng vua Sa-un, khiến nhà vua phóng giáo vào Đavít đang khi Đavít gảy đàn cho vua nghe. May thay Đavít kịp né mình thoát chết trong gang tấc. Rồi sau đó, vua lùng sục Đavít tận thâm sơn cùng cốc, quyết hạ sát cho bằng được vị anh hùng kiệt xuất nầy (1Sm, chương 17-18).

Ở đời người ta không muốn cho người khác trội hơn hay bằng mình về mọi mặt. Ai cũng muốn mình nổi bật hơn, đẹp hơn, giỏi hơn, tài cán hơn… Khi khát vọng nầy không được thoả mãn, và nhất là khi thấy người khác thành công, thắng lợi hơn mình, thì lòng ghen tị phát sinh và đương nhiên nó làm xấu đi những tương quan tốt đẹp vốn có giữa anh chị em bạn bè. Lòng ghen tị còn xui khiến người ta làm hại nhau, dèm pha nhau, nói xấu nhau, chê bai nhau làm cho tình người rạn nứt, cộng đoàn mất tình hiệp nhất yêu thương và xã hội kém phát triển. Làm sao kèm hãm được tính ghen tị trong ta? Theo Lời Chúa hôm nay dạy:

Thứ nhất, Thiên Chúa Đấng giàu lòng khoan dùng, ban phát thưởng công vô cùng công bằng cho tất cả muôn loài muôn vật và cả công người. Thiên Chúa thấu suốt từng người và ban khả năng cho từng người ngõ hầu mỗi người tùy khả năng của mình mà làm vườn nho của Chúa sinh nhiều hoa thơm trái ngọt cho đời và cho Hội Thánh Chúa. Cho nên, Cho nên, chúng ta có là gì thì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, chúng ta chấp nhận sự hữu hạn của mình. Chúng ta nhớ lại Lời Chúa dạy trong dụ ngôn 10 nén bạc, Thiên Chúa cho chúng ta làm người và phú bẩm cho mỗi người mỗi nén bạc khác nhau: người 1 nén, người kia 3 nén, người 5 nén… nhưng chúng ta phải biết làm nén bạc đời mình sinh lợi dù ít hay nhiều. Vì vậy, phải nhớ rằng sự may lành hay sự thành công của người khác luôn mang lại lợi ích cho chúng ta. Thế giới nầy cần phải có nhiều người tài giỏi hơn bạn và tôi, càng nhiều càng tốt. Nếu ai cũng chỉ có khả năng bằng bạn và tôi thôi thì làm gì có  tàu vũ trụ của Ấn độ tiếp cận được mặt sau của mặt trăng ghi lại những hình ảnh như thật, làm gì điện thoại thông minh Iphone 15 mới ra đời!… Xã hội nầy cần phải có nhiều người giàu có hơn bạn và tôi. Nếu ai cũng nghèo như bạn và tôi thì lấy đâu ra vốn để đầu tư và phát triển văn minh hiện đại, còn lâu mới có người giúp chúng ta thoát cảnh lạc hậu nghèo nàn. Cộng đoàn chúng ta có nhiều người trí thức, thông thái, khôn ngoan, mạnh khỏe hơn, đẹp hơn bạn và tôi là dĩ nhiên và tốt cho cộng đoàn, tốt lành cho bạn và tôi chứ. Vì nếu ai cũng yếu kém như bạn và tôi thì lấy ai mà phụng vụ Thánh lễ nghiêm trang sốt sáng hay cuộc sống chan hòa hiệp nhất yêu thương như thế này! Vậy để dẹp bỏ tính ghen tị, chúng ta cần cầu nguyện cho có nhiều người trỗi vượt hơn ta về nhiều phương diện chứ đừng cầu mong người khác thua ta hoặc bằng ta hay là dèm pha nói xấu người ta làm cho họ nhục chí… bởi vì như Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Phaolô xác quyết rằng vì đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi miễn sao công việc của tôi được sinh hoa kết quả ở đời này. Vì thế, anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô.

Ghen tị sinh ra ghen ghét, ghen ghét sinh ra oán thù. Ghen tị thường đi đến chỗ nói xấu, nói hành, dèm pha, bôi nhọ, xét đoán bừa bãi. Ghen tị làm mất tình bác ái và gây nên bao gương mù gương xấu. Vì thế, chúng ta phải ngưng ngay cái tật xấu ghen tị này, nếu không là có tội đó vì đó là mối tội đầu, kêu ngạo. Chúng ta phải biết vui cùng kẻ vui, khóc cùng người khóc, đẹp với người đẹp, mạnh khỏe với người ốm đau, khuyết tật, nghèo với người nghèo, đừng bỏ ai lại đằng sau hay gạt ra ngoài đời mình vì ghen tị. Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa chúng ta biết: thứ nhất, luôn khiêm nhường nhìn nhận mình không là gì cả, lúc nào cũng phải nương nhờ vào ơn Chúa, vì tất cả những gì chúng ta đã có, đang có hay sẽ có đều là do Chúa ban, Chúa là Đấng tốt lành vô cùng. Thứ hai, mỗi người hãy bằng lòng với hiện trạng của mình, bằng lòng với ân sủng Chúa ban cho mình đang có, đừng nhìn vào người khác mà phân bì ghen tị như Lời Chúa dạy: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người” (1Cr 12,4-11). Amen.

 

SUY NIỆM II

CHÚA XỬ KHÔNG ĐẸP HAY BẠN GHEN TỨC

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

(Hội An 24/9/2023)

            Chúa có xử không đẹp với bạn không? Chúng ta không nên đặt ra câu hỏi nghi ngờ về Thiên Chúa. Nhưng thú thật, có những lúc ngồi một mình hay bên tách trà với bạn bè, chúng ta bị cám dỗ như người thợ làm việc trong vườn nho từ sáng sớm trách Chúa không xử đẹp với chúng ta.

  1. Cám dỗ than trách Chúa xử không đẹp

            Thoạt nghe câu chuyện Tin Mừng, chúng ta dễ cảm thông với người làm vườn từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, để khi chiều đến chứng kiến người chỉ làm giờ cuối ngày mà vẫn lãnh được tiền công như mình. Người thợ vườn nho than phiền Chúa xử không đẹp.

            Ngôn sứ Giô-na và dân Do Thái cũng nghĩ Chúa xử không đẹp với dân của họ. Họ là dân tộc được hưởng lời Chúa hứa với Abraham, từng biết Chúa và rong ruổi theo Chúa suốt mấy ngàn năm, vì vậy, họ là dân tộc duy nhất được hưởng ân phúc của Thiên Chúa, chứ không dân tộc nào khác. Thế mà nay Chúa sai Giô-na đến với dân Ninivê, là dân từng bắt dân Do Thái lưu đày, kêu gọi họ hoán cải để được ơn phúc của Chúa. Vì thế, Giô-na tìm cách trốn khỏi sứ vụ loan báo dân Ninivê trở lại, kẻo sợ Thiên Chúa xử không đẹp sẽ cho họ được hưởng tha thứ. Nhưng khi dân Ninivê ăn năn trở về với Thiên Chúa, họ được hưởng ân phúc như dân Do Thái được hưởng, Giô-na than trách Chúa xử không đẹp với dân Do Thái của ông.

            Thánh sử Matthêu viết Tin Mừng cho những người Do Thái cũng để cảnh giác họ về não trạng kể công trạng với Thiên Chúa. Họ đòi Thiên Chúa phải trả công cho họ và không chấp nhận những người ngoại giáo mới gia nhập vào cộng đoàn Giáo Hội có vai trò, công trạng và quyền lợi như dân Do Thái. Độc giả Do Thái của thánh Matthêu nghĩ Chúa xử không đẹp với họ.

Có lúc chúng ta cũng nghĩ như thế. Tôi đã cố gắng cho con cái được lãnh bí tích Rửa Tội và học giáo lý, tôi từng thăm viếng và giúp đỡ những người chung quanh, tôi đi đến nhà thờ, dù đường xa ngại đi, tôi đã đóng góp khi nhiều, khi ít bằng tiền bạc hay bằng công sức của tôi cho Chúa và Giáo Hội v.v. Tôi hơn nhiều người khác, do đó, tôi phải được Chúa ban thưởng cho tôi nhiều ơn lành hơn người khác. Đó là lý do chúng ta dễ bị cám dỗ than trách Chúa xử không đẹp với tôi, với gia đình tôi.

  1. Chúa xử không đẹp hay vì chúng ta ghen tức?

Chúng ta than trách Chúa xử không đẹp vì trong cái nhìn nhân loại, chúng ta đã không nhận ra ân phúc vô giá Chúa ban cho và cũng không hiểu được tình yêu vô điều kiện Chúa dành cho.

Nếu Chúa xử đẹp như lối nhìn của nhân loại, thì chúng ta đã không thể đứng vững, như tác giả thánh vịnh khẳng định: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130,3). Chúng ta đã bị sập bẫy của ma quỷ, đã sa ngã trong tội lỗi và là những tội nhân bất lực cứu lấy mình. Vì thế, nếu Chúa xử đẹp thì chúng ta phải chết xứng với tội của chúng ta, dù chúng ta kêu van ngàn lần “xin mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.” Nhưng Chúa đã xử không đẹp, nên cho chúng ta ơn tha thứ và cho được sống.

Nếu Chúa xử đẹp như lối nhìn của nhân loại, thì chúng ta không được ơn cứu độ, vì ta không được điều gì khác ngoài sự chết, bởi như thánh Phaolô nói, “tiền công mà tội lỗi trả cho chúng ta là sự chết” (Rm 6,23). Nhưng Chúa đã xử không đẹp, Ngài chịu chết trên thánh giá, ban ơn cứu độ và kéo dài ơn cứu độ đến tận hôm nay trong Hội Thánh, để ban cho chúng ta sự sống dồi dào của Ngài.

Theo lẽ công bằng, chúng ta phải chịu chết vì tội lỗi chúng ta. Nhưng nơi Chúa còn có tình yêu, nên Ngài đã tha thứ cho dân Ninivê và mọi tội nhân, Ngài đã chết trên thánh giá thay cho chúng ta trả lẽ sự công bằng bằng một giá quá cao là chính mạng sống của Ngài. Vì vậy, điều mà chúng ta than trách Chúa xử không đẹp, thì đó là ân sủng của Chúa.

Chúa ban cho ta theo lòng bao dung của Chúa chứ không theo những gì chúng ta nghĩ là xứng đáng. Chúa ban ân phúc cho những ai Chúa muốn. Thánh Phaolô nói: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Ep 2,8-9). Chẳng lẽ Chúa không có quyền thực hiện theo lòng tốt của Chúa sao? Hay chúng ta ghen tỵ với ơn Chúa ban cho nhiều tội nhân khác như chúng ta được ban? Vì vậy, thay vì ghen tỵ với người khác hay than trách Chúa xử không đẹp, chúng ta hãy nhớ sự công bằng lớn lao phải trả trước ơn cứu độ trên thánh giá của Chúa đền thay cho chúng ta.

Bằng cách nào? Chúng ta được mời gọi trở về với Chúa Giê-su, sống lại đời sống Phúc Âm, với tâm thức mình là con nợ của Thiên Chúa hơn là chủ nợ, vì mọi sự chúng ta có được đều nhờ bởi Chúa xử không đẹp với chúng ta, cho chúng ta ân sủng của Ngài. Thứ đến, mọi chức tước, vinh dự hay đời sống đạo hạnh tôi có được là nhờ lòng Chúa yêu thương, vì thế chúng ta quên đi chặng đường đã qua, bắt chước thánh Phaolô lao mình về phía Chúa Giê-su và ra sức phục vụ Ngài.

Lạy Chúa, cảm tạ ơn Chúa đã đặt vào con ân sủng của Chúa và đặt vào trái tim con tình yêu của Chúa. Xin cho con luôn cảm tạ ơn Chúa và ra sức phục vụ Chúa, lấy tình yêu đáp lại tình yêu.