Lễ Mẹ Mân Côi


PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

(Cv 1,12-14;  Gl 4,4-7; Lc 1,26-38)

Bài Ðọc I: St 3, 9-15. 20

“Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ”.

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: “Ngươi đang ở đâu?” Ông đã thưa: “Con đã nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp”.

Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi không được ăn ư?” Ađam thưa lại:”Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn”. Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?” Người phụ nữ thưa:”Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn”.

Thiên Chúa phán bảo con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”.

Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: 1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8

Ðáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Ðấng Cứu độ tôi

Xướng: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi.

Xướng: Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn.

Xướng: Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao.

Xướng: Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang.

 

Bài Ðọc II: Rm 5, 12. 17-19

“Nơi nào tội lỗi đầy tràn, thì Người ban ơn thánh dư dật”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giêsu Kitô. Do đó, tội của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 1, 28

Alleluia, alleluia! – Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; Trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

“Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ”. Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

Ðó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM I

KÍNH MỪNG MARIA ĐẦY ƠN PHÚC

(Hội An 1/10/2023)

Lm. Giuse Nguyễn văn Thú

Bắt đầu bài giảng của mình trong lễ Mân Côi, Đức hồng y Luciano, sau này là Đức Gioan Phaolô I, đã đặt câu hỏi cho cộng đoàn như sau: “Nếu có người mở ví hay xách tay của anh chị em, họ sẽ thấy gì? Họ thấy gương, lược, son môi, phấn, ví tiền, thuốc lá và ít nhiều đồ dùng cần thiết. Có chuỗi mân Côi không?” Câu hỏi đó được đặt ra trong thời đại hôm nay, chứ không thời đại trước. Trước đây, đi vào nhiều gia đình, người ta dễ dàng thấy tràng chuỗi Mân Côi treo ở đầu giường ngủ, trên cột nhà gần bàn thờ, trên bàn thờ, đeo trong cổ và đi đâu cũng mang theo tràng hạt. Vậy, tại sao nhiều người Công Giáo ngày nay, nhất là giới trẻ, xa lạ với tràng chuỗi Mân Côi? Tràng chuỗi Mân Côi còn cần thiết cho đời sống Ki-tô hữu không?

  1. Tình trạng thờ ơ cầu nguyện bằng kinh Mân Côi

            Không thể phủ nhận, đang có cuộc khủng hoảng về kinh Mân Côi trong đời sống nhiều tín hữu. Nhiều người cho rằng lần hạt không còn thích hợp với con người thời đại này, một phần vì bận rộn công việc hơn trước kia; một phần đã có những hình thức khác sống đạo thay cho việc cứ lặp đi lặp lại vài kinh. Thật ra, bao nhiêu lý do đi nữa vẫn không che lấp được sự thật này nơi đời sống nhiều tín hữu, đó là có sự thờ ơ cầu nguyện. Người ta quá bận rộn tìm kiếm những lợi ích trần thế, đến nỗi không có chút thời giờ nhìn vào linh hồn mình. Sự xao động của nhịp điệu cuộc đời lấn át cả ngày sống, đến nỗi con người không có được phút tĩnh lặng, giây phút nhờ đó con người được gặp gỡ, nghe tiếng Chúa nói với mình và Chúa nghe con người nói từ linh hồn họ. Sự thờ ơ cầu nguyện khiến nhiều tín hữu không tha thiết cầu nguyện bằng tràng chuỗi Mân Côi. Vì vậy, để phục hồi đời sống cầu nguyện với Kinh Mân Côi, “là kinh nguyện chiêm niệm mạnh mẽ bằng kinh nghiệm của chính Mẹ Maria” (thánh Gioan Phaolô II), điều trước hết cần mỗi chúng ta đặt xuống những bận rộn, cả chiếc điện thoại hay “con chuột” máy tính, dành thời giờ cho linh hồn gặp Chúa.

            Nhiều người cho rằng lần chuỗi Mân Côi dành cho những người đã già cả hay trẻ nhỏ, còn họ là Ki-tô hữu trưởng thành, nên không cần đến. Đức Gioan Phaolô I chia sẻ, đôi khi chúng ta phóng đại mình là “Ki-tô hữu trưởng thành.” Vì khi gặp gỡ Chúa, chúng ta cần trở thành những đứa trẻ muốn đầu tựa đầu chuyện trò với Chúa và Mẹ Maria, đôi khi thấy cần phải khóc vì được thương xót. Đức thánh cha bộc bạch, những khi ấy, ngài muốn cởi chiếc mũ sọ giám mục, tháo chiếc nhẫn giám mục, trở thành đứa bé kề cận với Chúa và Mẹ Maria. Ngài nói, với tràng chuỗi trên tay, tôi dễ dàng trở thành đứa bé trong vòng tay Chúa mà không xấu hổ chút nào.

  1. Cầu nguyện bằng kinh Mân Côi

            Kinh Mân Côi giúp ta trở thành đứa bé trước mặt Chúa. Chúa Giê-su bảo các môn đệ đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn trẻ thơ, mà cầu nguyện là đón nhận Nước Thiên Chúa. Vì thế, Ki-tô hữu đến với Chúa không như một người người lớn hay như một chuyên gia cầu nguyện, mà như một trẻ nhỏ của Chúa.

            Với lời kinh Mân Côi, Ki-tô hữu không ngừng với Mẹ ngợi khen Thiên Chúa bằng cách lặp đi lặp lại câu chào của thiên sứ: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc.” Theo đức cha Fulton Sheen, mỗi lần “kính mừng Maria đầy ơn phúc” là mỗi lần ngợi khen mới. Trên môi miệng và trí nhớ có thể lặp đi lặp lại ngàn lần, nhưng trong tình yêu không có rập khuôn, mà mỗi lần “kính mừng Maria đầy ơn phúc” là một lần mới mẻ ngợi khen Thiên Chúa đã cho Mẹ và nhân loại đi vào tình yêu của Chúa. Trí tưởng có thể dùng nhiều từ ngữ để diễn tả tình yêu, nhưng tâm hồn thì quá nghèo từ ngữ để bày tỏ tình yêu. Như người yêu thích nói với người mình yêu lời đơn giản “em yêu anh” và ngược lại, người Ki-tô hữu trí thức hay bình dân cùng trở nên trẻ nhỏ thưa lời “kính mừng Maria đầy ơn phúc,” nhưng mỗi lần lặp lại là mỗi lần đi sâu hơn vào tình yêu Thiên Chúa và tình mến Mẹ. Trong tình yêu không có đơn điệu, vì thế Chúa bảo khi cầu nguyện đừng lải nhải, nhưng với tâm tình đơn sơ và chân thật. Đó là lý do thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ: “Kinh Mân Côi là kinh tôi ưa thích nhất, một lời kinh tuyệt vời! Tuyệt vời trong sự đơn giản nhưng sâu sắc của lời kinh.”

            Lời chào “kính mừng Maria đầy ơn phúc” là lời thiên sứ Gabriel chào Mẹ Maria. Thực ra, chính Thiên Chúa chào Mẹ qua trung gian của thiên sứ. Mẹ có phúc vì có Thiên Chúa ở cùng Mẹ, do đó, trong tâm hồn Mẹ không còn có chỗ cho tội lỗi, mà dành tất cả cho Thiên Chúa và chương trình của Ngài. Vì vậy, khi chúng ta lấy lời chào “kính mừng Maria đầy ơn phúc” để chào Mẹ, là chúng ta được tham dự vào ơn phúc Thiên Chúa ban cho người tớ nữ thấp hèn Maria và được chia sẻ niềm vui của Thiên Chúa có được nơi Mẹ qua lời “xin vâng” của Mẹ. Lời thưa “xin vâng” của Mẹ đưa dẫn Mẹ đi vào cuộc đời của Chúa Giê-su trong mọi biến cố.

            Các mầu nhiệm Chúa đi: Vui, Thương, Mừng, Sáng cũng là các mầu nhiệm Mẹ Maria tham dự với niềm vui được kết hiệp với Chúa. Đối với Ki-tô hữu, cầu nguyện bằng tràng chuỗi Mân Côi là lời chân thành cùng với Mẹ Maria thưa với Chúa “xin vâng” tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa, cụ thể được diễn ra trong cuộc đời Ki-tô hữu. Vì thế, nếu không có lòng chân thành này thì lời kinh Mân Côi như xác vô hồn, chỉ lặp đi lặp lại một công thức chứ không phải lời của người con thưa với Chúa và Mẹ.

            Hiểu được như thế, Ki-tô hữu sống lại đời sống cầu nguyện và phục hồi lời cầu nguyện qua kinh Mân Côi. Tháng Mười là tháng Hội Thánh cho Ki-tô hữu cơ hội sống lại đời cầu nguyện, khiêm tốn như trẻ thơ cầu nguyện với Chúa qua lời “kính mừng Maria đầy ơn phúc”, với một tình yêu dạt dào như Mẹ và thuận theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Ước gì giữa bao nhiêu cần thiết trong cuộc sống, Ki-tô hữu vẫn luôn ưu tiên mang theo mình tràng chuỗi Mân Côi.

SUY NIỆM II

LỢI ÍCH – LẦN CHUỖI MÂN CÔI

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

 Đức Thánh Cha Phanxicô của chúng ta rất yêu mến Đức Mẹ qua việc lần chuỗi Mân Côi. Cụ thể, ngày 13-3-2013 Ngài được bầu làm Giáo Hoàng, thì sáng ngày 14-3, Ngài đến tượng ảnh Đức Mẹ Che Chở Dân Rôma để lần chuỗi Mân Côi và cầu nguyện để dâng cả triều đại giáo hoàng của Ngài cho Đức Mẹ. Năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn ngay ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi ngày khai mạc thượng Hội Đồng Thế Giới về gia đình, dĩ nhiên trước đó, Ngài kêu gọi mọi thành phần dân Chúa hãy đọc kinh Mân Côi. Và rồi mới đây, 12-5-2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Fatima, Bồ đào nha, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra với 3 mục đồng tại đây: Lucia, Phanxicô và Giacinta. Đây là chuyến viếng thăm thứ 19 của Đức Thánh Cha tại nước ngoài. Nhưng đây là lần đầu tiên, chuyến viếng thăm của Ngài hoàn toàn là một cuộc hành hương không có những hoạt động gì khác, chỉ có cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima qua việc lần hạt  Mân Côi và dâng Thánh Lễ. Hôm đó, Ngài đã đến trước tượng Đức Mẹ Fatima tại Nhà nguyện hiện ra, Đức Thánh Cha quỳ cầu nguyện rằng: “Lạy Nữ Vương, là Đức Trinh Nữ Fatima, là Mẹ Khiết Tâm, là nơi nương náu và là đường dẫn đến Thiên Chúa! Như người lữ hành theo Ánh sáng tỏa lan từ bàn tay Mẹ, con cảm tạ Chúa Cha, Đấng qua mọi nơi và mọi thời, vẫn hoạt động trong lịch sử nhân loại; Như người lữ hành của nền hòa bình mà Mẹ đã loan báo tại nơi này, con chúc tụng Chúa Kitô, là an bình của chúng con, và con cầu xin ơn hòa hợp giữa mọi dân nước trong thế giới này; như người lữ hành của niềm hy vọng mà Chúa Thánh Linh khích lệ, con muốn là một ngôn sứ và là sứ giả rửa chân cho mọi người, tại bàn ăn liên kết tất cả chúng con nên một”.

Ai trong chúng ta cũng yêu mến và quí trọng Đức Mẹ, vì tình mẫu tử của Đức Mẹ Maria Mân côi dành cho mỗi người chúng ta dạt dào và êm ái biết là ngần nào? Cụ thể, trong Tin Mừng hôm nay, Mẹ Maria thưa “Xin Vâng” với Chúa, có nghĩa rằng Mẹ phó thác cuộc đời của Mẹ vào lòng thương xót của Chúa. Với hai tiếng xin vâng, Mẹ sẵn sàng cưu mang, sinh hạ, chăm sóc con Mẹ là Chúa Giêsu và đồng lao cộng khổ với Con Mẹ để đàn con Mẹ là chúng ta nhờ Chúa Giêsu mà được cứu độ. Qủa thật, Lời Chúa trong bài đọc 2, thánh Phaolô xác quyết rằng nhờ Chúa Giêsu mà chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, và Chúa Giêsu Kitô là Anh Hai của chúng ta, và những đứa em của Anh Hai cũng được thừa kế gia nghiệp trên thiên quốc vĩnh hằng mà Thiên Chúa dành sẵn cho chúng ta (Gl 4,7).

Trên trần gian Đức Mẹ đã chăm sóc Chúa Giêsu thế nào, thì ngày nay trên Thiên đàng, Mẹ Maria cũng chăm sóc chúng ta như thế. Đức Mẹ chăm sóc chúng ta bằng nhiều cách trong đó có việc Lần Hạt Mân Côi. Vì vậy, qua việc đọc kinh Hạt Mân Côi, trước hết, Mẹ sẽ cầu bầu và che chở chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Qủa thế, ai ai trong chúng ta cũng đều cảm nghiệm được tình Mẹ Maria dành cho chúng ta khi ốm đau cũng như khi mạnh khỏe, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi thành công cũng như thất bại, khi yêu cũng khi cô đơn, khi có gia đình cũng như khi đi tu. Cho nên, đã là người Công Giáo dù ở đâu, đi xe hay đi tàu, đi chợ hay đi học, ở bệnh viện hay ở nhà…., bất cứ lúc nào người ta cũng đọc Kinh Mân Côi. Vì bất cứ khi nào đọc Kinh Mân Côi, chúng ta cảm thấy có một sự ủi an và sức mạnh siêu nhiên làm cho tinh thần mình phấn khởi, không còn lo lắng sợ sệt… và nguồn đó chính là sự cầu bầu và chở che của Mẹ Maria. Vâng, chính tôi đã kinh qua và cảm nghiệm được điều này. Cụ thể, năm 2010, tôi bị tai nạn và bệnh rất nặng, khi nhập viện, bác sĩ bắt phải chụp MR hai tiếng đồng hồ. Trong lúc nằm trong phòng chụp MR một mình, hai bên toàn là điện và máy móc cứ chạy phà phà, tôi nghĩ bụng nếu có chập điện hay sự cố gì thì mình chết tươi vì phòng này cắt ly hoàn toàn với bên ngoài, tôi bắt đầu lo sợ. Nhưng khi nằm lên gường và máy bắt đầu chạy thì tôi cũng bắt đầu đọc Kinh Mân Côi suốt hai tiếng đồng hồ. Điều đáng ngạc nhiên đối với bác sĩ rằng hầu như ít có người nào chụp MR lâu như tôi, mà nếu có thì ra là họ điều xỉu, yếu ớt nhưng tôi thì không vẫn bình thường vui vẻ cười nói tỉnh khô. Từ đó tôi cảm nghiệm rằng lợi ích của việc đọc Kinh Mân Côi không chỉ để yêu mến mà còn để cùng Mẹ thưa xin vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh và cùng với Mẹ cầu nguyện có Chúa đỡ nâng, an ủi và giúp sức cho chúng ta chịu đựng tất cả trong bình an.

Lợi ích thứ hai của việc đọc kinh Mân Côi, Đức Mẹ sẽ giúp chúng ta học và thi hành bài học yêu thương và tha thứ của Mẹ. Vâng, sau khi thưa hai tiếng xin vâng, Mẹ chịu nhiều đau khổ, chịu người ta sỉ vả, chửi bới… ấy thế Mẹ không một lời oán trách, căm thù, ngược lại, Mẹ yêu thương và tha thứ tất cả, cho nên, gẫm thứ hai trong Kinh mân Côi Mùa Vui, chúng ta đọc: thứ ba thì gẫm, Đức Bà đi viếng bà Thánh Isave, ta hãy xin cho được lòng yêu người như Đức Mẹ là vậy. Hôm nay, chúng ta học gương Mẹ và nghe lời Mẹ dặn rằng: HÃY SIÊNG NĂN LẦN HẠT MÂN CÔI để sống tình yêu thương, tha thứ vì có Mẹ ở với gia đình, kcộng đoàn giáo xứ chúng ta, Mẹ sẽ giúp gia đình chúng ta vượt qua tất cả như lời kinh Lạy Nữ Vương gia đình chúng ta thường đọc mỗi tối: Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa Mẹ chúng con biết cậy trông ai. Đời chúng con gian nan khổ sở lắm, gia đình chúng con long đong tối ngày, nhưng có Mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đày, mong ngày sau sung sướng cùng Mẹ muôn đời trên thiên đàng. Amen.

Cuối cùng, lần hạt Mân Côi sẽ giúp chúng ta cùng với Mẹ đón nhận đau khổ hay khó khăn trong tinh thần đức tin. Vâng, chúng ta đọc “Năm Sự Vui” thứ 3 thì gẫm: “Đức  sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá, ta hãy xin cho được lòng khó khăn”. Qủa thế, cuộc đời Đức Mẹ không thiếu những khó khăn và đầy ấp những đau khổ, đặc biệt khi đứng dưới chân thập giá nhìn Con chết tức tưởi nhưng Mẹ đón nhận trong tinh thần phó dâng và tín thác. Cuộc đời của chúng ta, có ai mà không có đau khổ, nước mắt nhiều hơn nụ cười và phiền muộn nhiều hơn hạnh phúc. Không gia đình nào trong chúng ta mà không có đau khổ, khó khăn, mỗi nhà một cảnh mỗi người một vẻ. Chúa không muốn chúng ta hay gia đình chúng ta phải đau khổ, khó khăn, Chúa muốn chúng ta hạnh phúc. Nhưng những đau khổ hay khó khăn nó đến là vì giới hạn của con người: sinh lão bệnh tử hay có thất bại có thành công. Cho nên, Chúa ban cho chúng ta nhiều phương thế để vượt qua những thử thách đó trong đó có Kinh Mân Côi, để nhờ kinh Mân Côi mà Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp chúng ta. Nếu chúng ta vượt qua được thì tạ ơn Chúa. Nếu chưa qua được, Mẹ sẽ giúp chúng ta đón nhận đau khổ trong tinh thần đức tin và bình an để cầu nguyện cho cho gia đình, cho con cái, cho Giáo xứ, cho Giáo phận của mình biết trung tín và tín thác vào lòng Chúa xót thương.

Ước gì, qua Thánh lễ này, suốt trong tháng Mân Côi này, xin mỗi gia đình hãy siêng năng lần hạt Mân Côi để cùng vời Mẹ dâng lên Chúa những hạt kinh của các ngày sống qua từng thời kỳ của mùa Vui, Thương, Sáng, Mừng để ơn Chúa tuôn đổ xuống từng người trong gia đình đồng thời mưu ích cho các linh hồn và sáng danh Chúa. Amen.