Hãy Xót Thương “Ngôi Nhà Chung” Như Chúa Đã Xót Thương Chúng Ta
ĐÔI DÒNG SUY TƯ – NHÂN NGÀY LỄ KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
HÃY XÓT THƯƠNG ‘NGÔI NHÀ CHUNG’
NHƯ CHÚA ĐÃ THƯƠNG XÓT CHÚNG TA
(Lm. Giuse Đinh Đức Huỳnh, SSS)
Bạn thân mến, như các nhà khoa học và các nhà môi trường học cho biết, ngôi nhà chung,trái đất của chúng ta đang bị suy thoái, khủng hoảng đến mức báo động. Cùng sống trong ngôi nhà chung này, thiết tưởng tôi và bạn, những người có niềm tin vào Thiên Chúa Đấng Tạo Thành – nếu còn chút lòng thương cảm đối với đồng loại và thiên nhiên vạn vật đang khốn khổ, giãy chết – Hãy cùng nhau dành ít phút suy tư, tự vấn lương tâm, và tìm ra những giải pháp thiết thực, khả thi…để phục hồi ngôi nhà chung/trái đất/môi trường sống của con người và muôn vật tốt hơn.
- Bạn có thực sự muốn điều tốt đẹp cho ‘ngôi nhà chung’ không?
Có bao giờ bạn lại bắn phá, thả bom phá hủy ngôi nhà và mọi người mọi vật trong ngôi nhà bạn đang ở không? Có bao giờ bạn lại thả thuốc độc/ nước thải độc hại xuống giếng nước nhà bạn đang dùng không?…. Chắc hẳn là bạn không bắn phá ngôi nhà bạn (!), vì đó là ngôi nhà thân yêu bạn đang ở, nơi đó bạn được che chở an toàn và được sống chung hạnh phúc với mọi thành viên trong gia đình bạn! Chắc hẳn bạn cũng chẳng dại gì làm giếng nước nhà bạn bị nhiễm độc vì nó cung cấp nước sạch trong mát cho bạn và gia đình bạn hưởng dùng! Chỉ có những kẻ gian ác mới làm những chuyện dại dột như thế ! Còn bạn, tôi thiết nghĩ bạn có đủ lý do để muốn điều tốt đẹp cho ngôi nhà riêng của gia đình bạn, cũng như ‘ngôi nhà chung’/trái đất mà Thiên Chúa đã yêu thương tạo dựng cho muôn loài, vì đó là nơi bạn đang được hiện diện, vui sống, triển nở với toàn thể cộng đồng sự sống mà Thiên Chúa đã yêu thương tạo dựng!
- Ấy vậy mà “ngôi nhà chung”/ trái đất mà Thiên Chúa yêu thương tạo dựng cho chúng ta và cho muôn vật đang bị suy thoái , khủng hoảng, đang rơi vào tình trạng bị bức tử. Bạn có biết thực trạng và hậu quả của suy thoái, khủng hoảng môi trường/khủng hoảng khí hậu không? Và bạn có biết nguyên nhân sâu xa nào dẫn đến khủng hoảng ‘ngôi nhà chung’ không?
- Về thực trạng và hậu quả của suy thoái, ô nhiễm/khủng hoảng môi trường và khí hậu.
Theo Mai Anh/Tri thức trẻ (Nguồn: ViralNova, List25),[1]
Con người đang phải đối mặt với một vấn nạn do chính lối sống ích kỷ, tham lam, gian ác của mình tạo ra: toàn bộ hành tinh của chúng ta đều đang hứng chịu sự đe dọa từ ô nhiễm môi trường. Các dạng ô nhiễm chính bao gồm ô nhiễm đất, ô nhiễm đại dương, ô nhiễm nguồn nước ngọt và ô nhiễm không khí. Ngoài ra, các vấn đề về ô nhiễm âm thanh (tiếng ồn) hoặc ô nhiễm ánh sáng cũng đang dần được quan tâm.
– Ô nhiễm đất:
+ Bạn có ngạc nhiên không nếu biết, ngay chính hành động tiêu dùng hàng ngày và xả rác đúng nơi quy định cũng hủy hoại tự nhiên? Nếu chưa tin, hãy trực tiếp tới thăm những bãi rác khổng lồ tại khu vực ngoại thành của nơi bạn đang sinh sống. Để giữ cho thành phố có cảnh quan xanh mát, sạch đẹp, ngoại thành và các cùng lân cận là địa điểm lí tưởng để “tập kết rác” trong khi chờ xử lý.
+ Trước đây, hai cách xử lý rác sinh hoạt phổ biến nhất là đốt hoặc chôn. Tuy nhiên, do trong rác thải chứa tỉ lệ nhựa quá lớn nên khi đốt sẽ sinh ra chất gây ung thư, nguy hiểm tới tính mạng con người. Vì vậy, đào các hố chôn khổng lồ để chứa rác là sự lựa chọn phổ biển nhất hiện nay.
+ Tuy nhiên, chôn rác được coi là nguyên nhân chính gây nên xói mòn đất và ô nhiễm mạch nước ngầm. “Thủ phạm” lớn nhất phải kể tới Mỹ, quốc gia chỉ chiếm 5% dân số thế giới nhưng thải ra khoảng 30% tổng lượng rác thải toàn cầu.
- Ô nhiễm đại dương:
+ Ước tính mỗi năm, có khoảng 6 triệu tấn rác được thải trực tiếp xuống các đại dương. Phần lớn trong số đó là plastic (thành phần chính của túi nilon và các sản phẩm nhựa) – kẻ thù số một với sự sống của sinh vật biển.
+ Các sản phẩm từ plastic thường mất khoảng 500 năm để có thể phân hủy, đồng nghĩa với việc chúng sẽ tồn tại lâu hơn gấp nhiều lần bất kì sinh vật nào trên Trái đất.
+ Một sự thật khủng khiếp về sức hủy hoại của con người tới đại dương đã được hé lộ: gần một nửa các loài chim biển, 22% thú biển, tất cả các giống rùa biển và một danh sách dài các loài cá sống chung với rác thải nhựa xung quanh – thậm chí là tồn tại trong cơ thể chúng.
+ Các sinh vật biển đã nuốt các túi nilon do con người thải ra vì nhầm tưởng rằng đó chính là loài sứa.
+ Tốc độ thải rác của con người kinh khủng tới mức ngay chính giữa Thái Bình Dương đã hình thành một “lục địa rác” trôi nổi với diện tích gấp hai lần nước Mỹ.
+ Ngoài rác thải, dầu cũng là mối nguy hại đáng sợ tới sinh vật biển. Ngoài các tai nạn tràn dầu đáng tiếc, ngay cả khi không xảy ra sự cố nào, việc chuyên chở dầu bằng đường biển cũng trực tiếp gây ô nhiễm đại dương.
+ Ước tính, cứ một triệu tấn dầu được chở thành công thì có khoảng một tấn dầu bị rò rỉ. Dầu bao phủ quanh cơ thể của các sinh vật biển, khiến chúng không thể thở được. Đối với nhiều loại chim có thói quen rỉa lông, chúng sẽ trực tiếp ăn dầu vào cơ thể gây tử vong.
- Ô nhiễm không khí
+ Ước tính cứ 8 người tử vong thì có một trường hợp có nguyên nhân liên quan tới ô nhiễm không khí. Người ta đã ước tính được rằng, việc hít thở khí trời tại Bắc Kinh trong một ngày làm gia tăng tỉ lệ ung thư phổi tương đương hút 21 điếu thuốc lá/ngày.
+ Và con số này còn khủng khiếp hơn tại Mumbai (Ấn Độ) khi việc hít thở tương đương với hút 100 điếu thuốc/ngày.
+ Nhưng bạn có tin, bầu không khí ô nhiễm của Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới Mỹ – quốc gia cách xa tới tận 11.600 km. Ước tính khoảng 1/3 ô nhiễm không khí tại San Francisco có nguyên nhân từ Trung Quốc.
- Ô nhiễm nước
+ Trên thế giới, cứ mỗi 8 giây lại có một trẻ em chết vì nước ô nhiễm. Đây là một con số kinh hoàng, cao hơn bất kì tỉ lệ bệnh dịch nào. Tại các quốc gia nghèo như Ấn Độ, khoảng 80% rác thải đô thị được đổ trực tiếp xuống sông Hằng.
+ Cũng tại con sông được coi là linh thiêng với đạo Hindus này, người ta còn trực tiếp chôn xác người thân đã qua đời. Vì vậy ở Ấn Độ mỗi ngày có khoảng 1000 trẻ em tử vong vì bệnh liên quan tới ô nhiễm nước.
+ Một quốc gia đang phát triển khác là Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. Có khoảng 700 triệu người Trung Quốc, tương ứng với 50% dân số quốc gia này, hiện đang phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
+ Các quốc gia phát triển cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng từ ô nhiễm nước. Khoảng 1/3 lượng cá ở các dòng sông tại Anh đang hứng chịu quá trình chuyển đổi giới tính mà nguyên nhân chính là do ô nhiễm nước.
Về tình trạng biến đổi khí hậu, chính Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã cảnh báo trong Tông Huấn Laudato Sí (ban hành ngày 18/6/2015) rằng:
“Việc thay đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu với phương diện môi trường trầm trọng về những chiều kích xã hội, kinh tế, phân phối và chính trị ; nó đưa ra một thách đố quan trọng nhất trong hiện tại cho nhân loại. Những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra trong những thập niên tới nơi những nước phát triển. Nhiều người nghèo sống trong những vùng mà những hiện tượng này xảy đến, liên kết với việc biến đổi khí hậu và các phương tiện để bảo đảm cuộc sống của họ gắn chặt vào những tài nguyên tự nhiên và những chuyển biến sinh thái như nông nghiệp, ngư nghiệp và nguồn lợi từ rừng. Họ không có những hoạt động tài chính và những tài nguyên khác, giúp họ vượt qua ảnh hưởng của khí hậu hay tai họa, họ cũng khó tiếp cận đến chương trình xã hội và bảo vệ. Những thay đổi khí hậu cũng tạo nên, tỉ như, việc di tản thú vật và cây cối, không còn khả năng thích ứng và như thế cũng gây tác hại cho nguồn sản xuất của người nghèo nhất, là những người cũng cần đến di tản, thật bất định khi nhìn đến tương lai và con cái của họ. Việc gia tăng người di tản thật thương đau, họ phải trốn chạy trước khốn khổ, do việc tàn phá môi trường càng ngày càng tệ hại hơn, và những người chạy trốn này không được công nhận là người di tản, họ phải gánh cuộc sống trong sự bị bỏ rơi không có chút che chở nào theo pháp lý. Buồn thay, có một sự dửng dưng trước sự bi đát này đang diễn ra trên những phần xác định của thế giới. Sự thiếu sót về mặt phản ứng trước bi kịch này của anh em, chị em của chúng ta là một dấu chỉ đánh mất cảm nghiệm về trách nhiệm với tha nhân, mà xã hội phải được xây dựng dựa vào đó.“”[2]
Thực trạng và hậu quả của suy thoái, khủng hoảng môi trường, khủng hoảng khí hậu này đã được nhận ra và phản ánh trước đây (năm 2015). Nhưng cho đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu vẫn đang gia tăng, như chính Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, mới đây, trong Tông Huấn Laudate Deum (Hãy Ngợi Khen Thiên Chúa), ban hành 4/10/2023, đã nhận định rằng:
“Tám năm đã trôi qua kể từ khi tôi ban hành thông điệp Laudato Sí, với ước muốn chia sẻ với tất cả các bạn, những người anh em, chị em của tôi trên hành tinh khốn khổ này, những mối quan tâm chân thành của tôi về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, tôi nhận ra rằng những đáp ứng của chúng ta chưa thỏa đáng, trong khi thế giới chúng ta sống đang dần sụp đổ và có thể sắp đến điểm vỡ vụn. Dù cho tình huống này có xảy ra hay không, chắc chắn rằng tác động của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng gây bất lợi cho cuộc sống và gia đình của nhiều người. Chúng ta sẽ cảm nhận được những tác động này trong các lãnh vực y tế, việc làm, tiếp cận các nguồn lực, nhà ở, di cư bắt buộc v.v…”[3]
- Về nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng khủng hoảng môi trường/ngôi nhà chung
- Có thể bạn đã được biết rồi ! Có những nhà khoa học cho rằng gốc rễ của mọi vấn đề môi trường là sự bùng nổ dân số. Theo họ,
Dân số quá đông không những đòi hỏi cần nhiều lương thực mà cũng tiêu thụ nguồn năng lượng, tài nguyên, khí thải do con người thải ra hàng ngày làm ô nhiễm bầu khí quyển, nước thải, rác công nghiệp cũng tăng không ngừng theo tốc độ tăng dân số. Ngoài ra, các vấn đề giao thông chen chúc, nên thiếu nhà ở,… đều gắn với dân số. Tất cả những vấn đề đó đều trở thành sức ép rất lớn đối với môi trường.[4]
- Thế nhưng, nhìn ở mức độ sâu xa hơn, từ góc độ đức tin Ki-tô giáo, chúng ta nhận ra rằng những biểu hiện của khủng hoảng môi trường/ khủng hoảng khí hậu chỉ là “những triệu chứng” của một “căn bệnh nan y” đang xảy ra đối với môi trường/trái đất này. Chính thái độ vô tín/ vô thần và khủng hoảng niềm tin nơi con người – biểu lộ qua thái độ dửng dưng với những nhu cầu thiêng liêng/nhu cầu đạo đức/luân lý của họ và của người khác, tức là dửng dưng với những giá trị vượt trên vật chất, để rồi từng bước dẫn họ tới lối sống ÍCH KỶ è HƯỞNG THỤ è THAM LAM è MƯU MẸO è GIAN ÁC è HỦY DIỆT….không một chút xót thương đồng loại của mình và thiên nhiên vạn vật – là “nguyên nhân sâu xa” của khủng hoảng môi trường.[5]
- Thật vậy, chính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã khẳng định: “Khi con người quay lưng lại với những kế hoạch của Đấng Tạo Hóa, con người gây ra một sự rối loạn, và sự rối loạn này dẫn đến những hậu quả nơi nhân loại.”[6] Hơn nữa, thái độ dửng dưng với những nhu cầu thiêng liêng như thế, theo thần học gia Nancy G Wright và Donal Kill, đã dẫn nhiều người đến tình trạng mất đi cảm thức mình là một thành phần của thế giới, của cộng đoàn trái đất này, bởi vì con người, trước hết, đã đi lệch hướng khỏi nền tảng nguyên thủy là Đấng Tạo Hóa; từ đó dẫn đến mất đi sự tôn trọng “cái khác/người khác” (otherness).[7] Các Giám Mục Ý cũng đã nhận ra tình trạng dửng dưng, lãnh đạm này và đã nhấn mạnh: “Khủng hoảng không chỉ tỏ lộ trên việc sử dụng những nguồn tài nguyên của trái đất nhưng còn là một cuộc khủng hoảng những giá trị thiêng liêng. Văn hóa của chúng ta đã quá thiên về vật chất và đã dửng dưng, bỏ quên chiều kích thiêng liêng của đời sống”[8]
- Không cần phải nói, cuộc khủng hoảng niềm tin/khủng hoảng những giá trị thiêng liêng này vốn tỏ lộ qua thái độ tham lam muôn mặt trong việc phát triển kinh tế duy lợi nhuận.[9] Điều này được bộc lộ rõ nét nhất, đặc biệt ở những quốc gia kỹ nghệ hóa. Theo Donal Kill nhận định, vì sự đầy tràn và dư thừa đi theo việc phát triển, văn hóa của họ đã trở nên duy vật chất và chủ nghĩa khoái lạc,[10] và, do đó, sự nghèo khó tinh thần không còn được đánh giá cao.[11] Họ dành cho những vật thụ tạo một vị trí quan trọng tuyệt đối và tương đối hóa Thiên Chúa, đến độ, theo như Julia Esquivel Velasquez nhận định, “họ hy sinh sự phong phú và vẻ đẹp của trái đất để tạo ra của cải và hàng hóa trong những nhà máy của họ, nhằm để thỏa mãn sự thèm khát chiếm hữu và thống trị của họ. Thái độ này cho thấy sự trống rỗng thiêng liêng, lòng kiêu ngạo và hão huyền/ phù phiếm của họ”.[12] Cuối cùng, nguồn tài nguyên của trái đất bị cạn kiệt dần và bị đối xử tồi tệ như những phương tiện để con người khoe khoang tự đắc, chứng tỏ quyền lực của mình.[13] Và kết quả là gì? Đó là khủng hoảng môi trường xảy ra dưới mọi hình thức: trái đất bị cưỡng bức, bị ô nhiễm, bị khai thác triệt để, biến đổi và khủng hoảng khí hậu….và có nguy cơ bị hủy diệt.[14]
Bạn đã nhận ra rằng con người đã và đang đối xử bạo lực, bất công với nhau và với thiên nhiên vạn vật không một chút lòng trắc ẩn và xót thương như thế ! Vậy bạn có biết Ba Ngôi Thiên Chúa đối xử với con người và thiên nhiên vạn vật thế nào không?
Kinh Thánh cho chúng ta biết cả Ba Ngôi Thiên Chúa đã yêu thương và đối xử thật tốt đẹp với con người và muôn loài muôn vật. Thật vậy, Tình yêu và cách đối xử đầy lòng xót thương của Ba Ngôi Thiên Chúa được biểu lộ bằng nhiều cách thế:
+Trước hết, trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, chính “Thiên Chúa là Cha Toàn Năng Đấng tạo thành trời đất muôn vật” (Kinh Tin Kính) và mọi sự Ngài tạo dựng đều tốt đẹp (x. Stk 1, 1-31). Nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, “mà muôn vật được tạo thành” (Kinh Tin Kính). Nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống, mà muôn vật nhận được hơi thở và sự sống (x. Stk 1,2).
+Kế đến, trong sự yêu thương quan phòng của Thiên Chúa, mọi loài đã được Thiên Chúa bảo tồn, chăm sóc, dưỡng nuôi…! Thật vậy, chính Chúa Giê-su đã khẳng định, “…chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho. Thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng…; và hoa huệ ngoài đồng…chúng không làm lụng, không kéo sợi. Thế mà…ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6, 26-30); và Ngài còn khẳng định: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không ? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em” (Mt 10,29). Hơn thế nữa, đối với loài người, Thiên Chúa đặc biệt săn sóc họ, như chính Chúa Giê-su đã cho thấy: “nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em…” (Mt 6, 30). Nói cách khác, trong sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa,“Ngài gìn giữ vạn vật trong sự hiện hữu, nâng đỡ và ban cho nó khả năng hoạt động và hướng dẫn nó đến sự trọn hảo nhờ Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Giáo Lý Youcat, số 55).
+ Kế đến, trong mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, như thánh Phao-lô khẳng định, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Đó là tình yêu cao cả của Chúa Cha dành cho trần thế. Về phần Đức Giê-su Ki-tô, trong mầu nhiệm Nhập Thể, như Brennan R. Hill đã xác tín, “Ngài chính là hình ảnh của Thiên Chúa đi vào trong vật chất và Ngài chính là bí tích nền tảng.”[15] “Ngài trở nên một con người của trái đất,”[16] một thành phần của trái đất, và nhận biết sự tốt đẹp của vũ trụ, trái đất mà Thiên Chúa đã yêu thương tạo dựng.[17] “Ngài chúc lành cho công việc hoạt động của con người. Ngài mạc khải cho con người biết về Thiên Chúa là Cha và là Đấng Tạo Thành, là Đấng dưỡng nuôi và chữa lành, Đấng mang ánh sáng cho kẻ mù lòa, Đấng ban lương thực cho đám đông dân chúng đói ăn, và mang niềm hy vọng cho những kẻ đang ngồi trong bóng tối của tội lỗi, chúc lành cho những kẻ nghèo hèn và bị áp bức.”[18] Như vậy, “chính ngang qua nhân tính của Người mà con người nhận biết Thiên Chúa đang hoạt động và kinh nghiệm được quyền năng chữa lành, tha thứ, và cứu độ của Đấng Tạo Hóa.”[19]
+ Hơn nữa, trong các Bí Tích mà Chúa Giê-su thiết lập, Ngài đã sử dụng, chúc lành, biến đổi, thánh hóa những yếu tố vật chất (nước, dầu xức, bánh miến, rượu nho, con người, …) để trở nên những dấu chỉ/bí tích, qua đó trao ban ân sủng của Thiên Chúa cho con người.[20] Các bí tích, như Edward Schllebeeckx đã khẳng định, “là việc gặp gỡ Đức Ki-tô. Nhưng các bí tích không chỉ là việc gặp gỡ. Đúng hơn, chúng là những cơ hội được trao ban cho chúng ta để tiếp cận gần gũi và thân tình cá nhân với Đấng Sáng Tạo và Đấng Cứu Độ. Đó là những thời gian ‘ân sủng tuyệt vời’ khi các tín hữu có thể tiến sâu hơn vào sự sống, sự chết và phục sinh của Đức Ki-tô. Các bí tích là những cuộc cử hành sự sống mà chúng ta được chia sẻ với Thiên Chúa và với tất cả sinh vật…”[21]
Ngang qua bí tích Thánh tẩy, người tín hữu được thanh tẩy tội lỗi, trở nên con Thiên Chúa, được dẫn tới Đức Ki-tô và cộng đoàn Hội Thánh mà Ngài thiết lập…và với sự gắn kết với Đức Ki-tô qua phép thánh tẩy, họ còn đạt được một sự hiệp nhất sâu xa giữa muôn vật.[22]
Với bí tich Thánh Thể, như Brennan R. Hill diễn tả, “Thánh Thể là môt Bữa Tiệc nơi đó những Ki-tô hữu chia sẻ tặng phẩm của Thiên Chúa và tưởng nhớ đến những con người đang đói khát và bị tước đoạt trên thế giới, những con người đang giơ tay ra để nhận lấy những của cải được chia sẻ hợp pháp.”[23] Hơn nữa, Brennan R. Hill còn xác tín rằng: “Thánh Thể cử hành Giao Ước mới mà Thiên Chúa đã ký kết với trái đất và muôn vật sống động. Một Giao ước mới bây giờ được Đức Ki-tô là Trưởng Tử ký kết với một ‘tạo thành mớí’”[24]; và nhất là “Thánh Thể là dấu hiệu cho sự biến đổi những yếu tố được tạo dựng trở thành Đức Ki-tô Phục Sinh.”[25]
Với bí tích hòa giải, quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa được tỏ lộ cho con người tội lỗi biết sám hối, những con người đã từng quay lưng lại với Thiên Chúa và đối xử bất công với nhau và với thiên nhiên vạn vật, những thụ tạo của Thiên Chúa. Sự hòa giải, như diễn tả của thánh Phao-lô, như là một hành động của Thiên Chúa: “Mọi sự đến từ Thiên Chúa Đấng hòa giải chúng ta với Ngài qua Đức Ki-tô” (2 Cor 5, 18). Nhờ đó, chúng ta, những hối nhân, được thứ tha tội lỗi, được giao hòa với Thiên Chúa (tức là “lại được bước đi với Đấng Tạo dựng nên mình” – walk again with their Creator), với nhau, và với toàn thể vạn vật.[26]
+ Ngang qua mầu nhiệm khổ nạn, chết và phục Sinh của Đức Giê-su, chúng ta nhận ra rằng thế giới sa ngã đã được cứu chuộc nhờ thập giá của Đức Ki-tô, và chính “cái chết của Ngài trên Thập giá mang lại ý nghĩa mới cho vũ trụ”, đồng thời “sự Phục Sinh của Đức Ki-tô là một lời khẳng định rằng toàn thể tạo thành được hoạch định để tiếp tục hướng tới sự mới mẻ. Thế giới của chúng ta không phải là một thế giới được tiền định bị phá hủy, nhưng là một thế giới có một tương lai viên mãn”.[27] Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong Thông Điệp Laudate Deus, cũng đã xác tín rằng: “Do đó, ‘Các thụ tạo trên trần gian này không còn xuất hiện trước mắt chúng ta như một thực tại thuần túy tự nhiên nữa, vì Đấng Phục Sinh đã bao phủ chúng cách mầu nhiệm và hướng chúng đến một định mệnh viên mãn. Ngay cả hoa đồng nội và chim trời mà Ngài đã chiêm ngưỡng bằng cặp mắt nhân trần, giờ đây cũng được tràn ngập sự hiện diện huy hoàng của Ngài…”[28]
Như vậy, bằng nhiều cách thế khác nhau, tình yêu và cách đối xử đầy lòng xót thương của Ba Ngôi Thiên Chúa đã được biểu lộ cho con người và muôn vật, những thụ tạo của Ngài.
- Theo bạn, đâu là giải pháp hữu hiệu để chữa trị căn bệnh suy thoái, khủng hoảng ‘ngôi nhà chung’?
Nhận biết thực trạng suy thoái, khủng hoảng ‘ngôi nhà chung’ và nhận biết thái độ vô tín, vô cảm, vô tâm là nguyên nhân sâu xa gây ra khủng hoảng, đồng thời cảm nghiệm tình yêu và cách đối xử đầy lòng xót thương của Ba Ngôi Thiên Chúa đối với con người và vạn vật như thế, thiết nghĩ rằng mỗi người chúng ta – những con người đã được Thiên Chúa yêu thương “dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa”, tức là được dựng nên để có khả năng sống yêu thương như Thiên Chúa là Tình yêu, cũng là những con người tội lỗi đã được Chúa xót thương tha thứ tội lỗi và phục hồi sự sống… – chúng ta được mời gọi ra khỏi cái tôi vô tín, tham lam, ích kỷ, bạo lực, quyền hành[29] của mình và bước tới tương quan trong yêu thương với tha nhân và với thiên nhiên vạn vật như Thiên Chúa đã thương xót chúng ta. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải “hoán cải cõi lòng” mình theo lời mời gọi của Đức Ki-tô,[30] và có những hành động yêu thương, hiệp thông cụ thể đối với tha nhân và thiên nhiên vạn vật, như là biểu lộ của lòng thương xót đối với những thụ tạo của Thiên Chúa. Đó là một phương thuốc hữu hiệu để chữa trị căn bệnh khủng hoảng của ‘ngôi nhà chung’/trái đất mà Thiên Chúa đã yêu thương tạo dựng cho con người và muôn vật.
[1]X. Các Loại Ô Nhiễm Do Con Người Gây Ra Khiến Trái Đất Ngày Càng Kiệt Quệ, trong http://kenh14.vn/kham-pha/cac-loai-o-nhiem-do-con-nguoi-gay-ra-khien-trai-dat-ngay-cang-kiet-que-2015042611262860.chn , Đăng ngày 30/4/2015.
[2] Phan-xi-cô, Laudato Sí, Số 25. (Ban Hành Ngày 18 tháng 6 Năm 2015) – (Bản dịch của Linh Mục Aug. Nguyễn Văn Trinh).
[3] Phanxico, Tông Huấn Laudate Deum – Về Vấn Đề Khủng Hoảng Khí Hậu (Chuyển Ngữ: UBCLVHB – HĐGMVN) (Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2023), Số 2.
[4] Khủng Hoảng Lớn Hiện Nay Đều Liên Quan Đến Môi Trường, trong http://elib.dostquangtri.gov.vn/ntmn/Include/Index.asp?option=6&ID=105&IDhoi=2428
[5] Xc. Brennan R. Hill, Christian Faith and the Environment: Making Vital Connections (Đức Tin Ki-tô Giáo và Môi Trường: Tạo Nên Những Nối Kết Sinh Động) (New York: Orbis Books, 1998), 166; và Xc. Joseph Đinh Đức Huỳnh, Cosmic Dimension of the Eucharist in the Light of the Post Vatican II Eucharistic Theology, (Manila: UST, 2010), 46.
[6] Xc. John Paul II, 1990 World Day of Peace Message, “Peace with God the Creator, Peace with all of Creation.” (Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 1990, “Hòa Bình Với Thiên Chúa Đấng Sáng Tạo, Hòa Bình Với Vạn Vật”), trong http://conservation.catholic.org/ecologicalcrisis.htm.
[7] Xc. Nancy G Wright và Donal Kill, Ecological Healing: A Christian Vision (Chữa Lành Môi Trường: Một Viễn Ảnh Ki-tô Giáo), (New York: Orbis Books, 1993), 55 và 57.
[8] Sđd. 166.
[9] Xc. Phanxico, Tông Huấn Laudate Deum – Về Vấn Đề Khủng Hoảng Khí Hậu (Chuyển Ngữ: UBCLVHB – HĐGMVN) (Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2023), Số 31.
[10] Hill, Christian Faith, 166.
[11] Xc. Wright and Kill, Ecological Healing, 55.
[12] Julia Esquivel Velasquez, “Spirituality of the Earth,” in The Power of Naming: A Concilium Reader in Feminist Liberation Theology, (Linh Đạo Về Trái Đất,” trong tập sách “The Power Naming:….Theology) ed. Elisabeth Schussler Fiorenza, (Manila: St Paul, 2004), 330.
[13] Xc. Phanxicô, Tông Huấn Laudate Deum – Về Vấn Đề Khủng Hoảng Khí Hậu, Số 24, 28.
[14] Xc. Joseph Đinh Đức Huỳnh, Cosmic Dimension of the Eucharist, 47.
[15] Brennan R. Hill, Christian Faith and the Environment, 130.
[16] Brennan R. Hill, Christian Faith and the Environment, 71.
[17] Xc. Brennan R. Hill, Christian Faith and the Environment, 71.
[18] Brennan R. Hill, Christian Faith and the Environment, 87.
[19] Brennan R. Hill, Christian Faith and the Environment, 130.
[20] Xc. Brennan R. Hill, Christian Faith and the Environment, 87.
[21] Brennan R. Hill, Christian Faith and the Environment, 21.
[22] X. Brennan R. Hill, Christian Faith and the Environment, 133-135.
[23] Brennan R. Hill, Christian Faith and the Environment,143.
[24] Brennan R. Hill, Christian Faith and the Environment, 143.
[25] Brennan R. Hill, Christian Faith and the Environment, 143.
[26] X. Brennan R. Hill, Christian Faith and the Environment, 149.
[27] Brennan R. Hill, Christian Faith and the Environment, 118.
[28] ĐTC Phan-xi-cô, Thông điệp Laudato Sí, số 97; và Tông Huấn Laudate Deus, Về Vấn Đề Khủng Hoảng Khí Hậu, Số 65.
[29] Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đề nghị rằng: “tất cả chúng ta cần suy nghĩ lại vấn đề quyền lực con người, về ý nghĩa và giới hạn của nó. Quả thực, quyền lực của chúng ta đã phát triển chóng mặt chỉ trong vài thập niên. Chúng ta đã đạt được những tiến bộ công nghệ ấn tượng và đáng kinh ngạc, nhưng không nhận ra rằng, cùng lúc đó, chúng ta đã trở nên cực kỳ nguy hiểm, có khả năng gây hại cho sự sống của nhiều sinh vật cũng như cho sự sống còn của chính chúng ta… Chúng ta cần sáng suốt và trung thực để kịp nhận ra rằng, sức mạnh và sự tiến bộ mà chúng ta tạo ra đang quay lại đe dọa chính chúng ta”. (Ibid, Số 28).
[30] Để có thể ‘hoán cải cõi lòng’ theo lời mời gọi của Đức Ki-tô, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mời gọi chúng ta bước vào ‘hành trình hiệp thông và dấn thân’ với ý thức rằng: “…phải thừa nhận rằng, không thể hiểu nổi và không thể bảo vệ được cuộc sống của con người nếu không có các sinh vật khác. Vì ‘chúng ta và vạn vật trên hoàn cầu…liên kết với nhau bằng những mối dây ràng buộc vô hình và làm thành một đại gia đình hoàn vũ, một sự hiệp thông cao cả thúc đẩy chúng ta trân trọng mọi vật với ý thức linh thánh, với tình yêu thương và lòng khiêm tốn’ (Thông điệp Laudato Sí [14/5/2015], 89).” (ĐTC Phanxicô, Tông Huấn Laudate Deum – Về Vấn Đề Khủng Hoảng Khí Hậu, Số 67.)