Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm B


CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – B

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Lời Chúa: Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35

Bài Ðọc I: Is 50, 5-9a

“Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi.

Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu toà, ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (c. 9).

Xướng: Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu Chúa.

Xướng: Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: “Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!”

Xướng: Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi.

Xướng: Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

Bài Ðọc II: Gc 2, 14-18

“Ðức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: “Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm”, mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì?

Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: “Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm”. Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 8, 27-35

“Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.

Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

ĐẤNG KITÔ LÀ AI?

Giuse Nguyễn Quốc Quang

Chúng ta là những người đi theo Đấng Kitô và ở với Ngài từ lâu nhưng thủ hỏi chúng ta đã biết Đấng Kitô là ai, đường lối của Ngài như thế nào chưa? Bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta hiểu điều đó. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai?” Có nhiều ý kiến, người thì nói là Gioan Tẩy giả, người thì cho là Êlia… còn riêng Thánh Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô”. Chúa Giêsu liền cấm ngặt cấm các ông nói với ai về Người. Tại sao Chúa cấm? Đấng Kitô là ai? Nghĩa là gì mà Chúa cấm!!!

“Kitô” là tiếng Hy Lạp, còn “Mêsia” là tiếng Hypri, như vậy Đấng Kitô hay Đấng Mêsia giống nhau và có nghĩa là “được xức dầu”. Chúa Giêsu là Đấng Kitô vì Người được Thiên Chúa thánh hiến, được xức dầu bằng Chúa Thánh Thần để đảm nhận sứ mạng cứu chuộc loài người. Chúng ta nhớ lại biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Tin Mừng Thánh Máccô trình bày việc Đức Giê-su chịu phép rửa tương tự như trong một buổi lễ phong vương và gồm 3 nghi thức như sau: Một Chúa Giêsu dìm mình xuống nước là nghi thức tắm gội thanh tẩy. Hai là nghi thức xức dầu tấn phong, Đức Giêsu cũng được Thần Khí, qua hình ảnh một chim câu từ trời xuống đậu trên mình để xức dầu thiêng liêng tấn phong làm Vua Mêsia. Ba là nghi thức tung hô công nhận, Đức Giêsu cũng được Chúa Cha công nhận là “Con rất yêu dấu”. Rồi khi bắt đầu công cuộc rao giảng, Thánh Luca kể: “khi ấy, Ðức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Ðức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.  Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Luca 4,16-21). Như vậy, Chúa Giêsu chính là Đấng Mêsia mà dân Israel mong đợi, được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian. Chúa Giêsu đã chấp nhận tước hiệu Mêsia (Đấng Kitô), nhưng đã xác định rõ ràng ý nghĩa tước hiệu này: “Ngài là Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13), chịu đóng đinh và rồi sống lại, Người là Tôi Trung Đau Khổ, “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Từ tước hiệu Kitô này, chúng ta được mang danh hiệu là người Kitô hữu.

Rõ ràng Đấng Kitô là thế, tại sao Chúa Giêsu cấm được nói với ai về Người? Chúa Giêsu không những cấm các tông đồ mà cả quỷ dữ nữa chứ: “Nhiều lần, sau khi chữa cho nhiều người khỏi bệnh tật và bị quỉ ám, Chúa Giêsu đã quát mắng lũ qủy: “không cho phép chúng nói vì chúng biết Người là Đấng Kitô” (Lc 4,41; Mc 1,34; 3,12). Tại sao Chúa Giêsu không cho ai biết Người là Đấng Kitô, trong khi đích thực Chúa là Đấng Thiên Sai tức Đấng Kitô (Đấng Mêsia) được xức dầu và được sai đến trần gian để cứu chuộc nhân lọai khỏi chết vì tội? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy nhớ Lời Chúa Giêsu nói với các Tông đồ: “... Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vu và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28). Nghĩa là Chúa không đến để được tung hô vạn tuế như những lãnh tụ chính trị, hoặc được cung phụng hầu hạ như những vua chúa, quan quyền thế gian. Ngài cũng không đến để mang phú quí vinh hoa hay quyền lực cho ai ở đời này. Ngược lại, là Đấng Kitô, Ngài đến để thi hành sứ mạng Thiên Sai mà Ngài đã lãnh nhận từ Thiên Chúa Cha. Sứ mạng này không thể được hiểu theo nhãn quan con người mà là đi ngược lại với mọi mong ước của người trần thế… Cho nên, khi sinh xuống trần gian, Chúa đã không chọn nơi cung điện ngoc ngà mà chọn hang lừa mang cỏ khó nghèo để giáng sinh, lớn lên lại sống lang thang, vô gia cư, “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng ConNgười không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,21). Đây chính là sự khôn ngoan khôn lường của Thiên Chúa và đó cũng là đặc tính khác mọi người đời của Đức Kitô mà các môn đệ của Chúa cũng như người Do Thái đương thời không thể hiểu được. Một Đấng Kitô mà họ mong đợi phải là người rất oai hùng, uy quyền và giàu sang, đến để giúp dân Do Thái thoát khỏi ách thống trị của người La Mã – và hơn thế nữa – giúp cho Do Thái trở thành đế quốc hùng cường thống trị các dân tộc khác. Nhưng Chúa Giêsu không đến để đáp ứng khát vọng mà đến để “cứu những gì đã hư mất”(Mt 18,11) nghĩa là “hiến mạng sống làm giá chuộc cho muôn người” (Mc 10,48). Vì thế, hôm nay Chúa Giêsu đã giải thích rõ cho các Tông đồ biết sứ mạng Đấng Kitô được sai đến trần gian: “Con Người ( tức chính Đấng Kitô) phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại”(Mc 8,31).

Lời tuyên bố này đã làm cho các tông đồ của Chúa bàng hoàng, nhất là Phêrô người đã không muốn cho Thầy mình phải chịu những đau khổ đó, nên đã kéo Chúa ra ngoài và can ngăn: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện đó”. Đây là sự khôn ngoan của con người ở khắp mọi nơi và mọi thời đại. Đây cũng là đường lối suy tư và hành động của loài người chúng ta. Không ai muốn chịu đau khổ, bị ngược đãi và khó nghèo. Nhất là không ai dám chết cho người khác, trừ một mình Đấng Kitô, Người đã chết thay cho tất cả chúng ta, những kẻ tội lỗi được sống.

Vậy qua việc biết Đấng Kitô như thế, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy sống niềm tin của chúng ta can trường mọi mọi hoàn cảnh như thế chúng ta mới thực sự chia sẻ khổ nạn và thập giá với Người lúc đó chúng ta mới hiểu rằng khi gặp thử thách, gian nan, đau khổ với niềm đức tin, ta vẫn cảm thấy hạnh phúc và bình an vì có Đấng Kitô luôn ở cùng để cùng chịu đau khổ và vác thập giá với ta dẫn đến hào quang của sự sống lại vinh hiển. Điều mà các môn đệ lúc đó chưa có được, ngày nay chúng ta đã nắm vững rồi, đó là niềm hy vọng được dự vào sự sống lại của Chúa chúng ta. Như thế chúng ta giống Đấng Kitô và mới xứng đáng với dnah hiệu là Kitô hữu. Amen.

SUY NIỆM II

ĐỜI SỐNG VÀ ĐỨC TIN VÀO CHÚA GIÊ-SU

(Hội An 15/9/2024)

Lm Giuse Nguyễn Văn Thú

            Toàn bộ Tin Mừng theo thánh Mát-cô hướng chúng ta đến câu hỏi quan trọng, đó là: Chúa Giê-su là ai? Hôm nay Chúa Giê-su trực tiếp đặt hai câu hỏi cho những người tình nguyện đi theo làm môn đệ của Chúa, để giúp họ nhận biết Đấng họ đang tin theo: – “Người ta bảo Thầy là ai?” và “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”

  1. Chúa Giê-su trong con mắt của người đời

            “Người ta bảo Thầy là ai?” Các môn đệ trả lời: “Họ bảo Thầy là Gioan Tẩy Giả, là Êlia hay một tiên tri nào đó.” Câu trả lời của các môn đệ cho thấy thiên hạ bối rối, không rõ ràng về Chúa Giê-su. Tin mừng cho biết một số người xem Chúa Giê-su là đấng cứu thế mang tính chính trị, người khác xem Ngài là thầy dạy đầy uy quyền, số khác ca ngợi Ngài là vị lương y tài danh, là đấng cung cấp bánh ăn nuôi dân no nê nên họ muốn tôn Chúa làm vua của họ v.v, nhiều cái nhìn về Chúa Giê-su.

            Thế còn con người ngày nay bảo Chúa Giê-su là ai? Tiến sĩ Samuel Gregg nhận định, người ta đang cố vẽ ra một Chúa Giê-su đồng ý tất cả mọi thứ và mọi người, một Giê-su dễ dãi không có những đòi buộc nghiêm khắc về chân lý và tình yêu đích thực, một Giê-su không liên can gì đến Phúc Âm, Thánh Kinh. Đức hồng y Sarah và Muller có thêm nhận xét: có một thứ vô thần êm dịu, họ không chối bỏ Thiên Chúa, họ ca tụng Chúa Giê-su mọi điều, nhưng họ sống như thể không có Ngài hiện diện, hoặc đòi hỏi giáo lý và các điều Chúa dạy phải thuận theo tinh thần thời đại và mong đợi một loại giáo hội Công giáo không có tín lý, không có bí tích, không có các điều răn Chúa dạy. Riêng Đức Phanxicô trong buổi gặp gỡ khách hành hương vào tháng 9 năm 2016 cho rằng, nhân loại ngày nay đang xây dựng những hình ảnh về Thiên Chúa để ngăn chúng ta tin vào sự hiện diện thực sự của Ngài. Người ta đưa ra một thứ đức tin “tự chế” nhằm giản lược Thiên Chúa theo ý muốn của họ, mà không cần phải hoán cải theo Tin Mừng mạc khải. Một số khác xem Chúa Giê-su là một vị thầy tốt về đạo đức, như một trong nhiều vị thầy trong lịch sử, và thế là, họ xem Chúa như một thần tượng giả hay chỉ là nơi nương tựa tâm lý để tìm kiếm sự yên tâm trong lúc khó khăn, vì thế nơi họ không có ước muốn lớn lên trong mối tương quan cá vị với Chúa và không hề có động lực truyền giáo để biến đổi thế giới theo ý Chúa.

            Tóm lại, Chúa Giê-su xưa nay bị thế gian vẽ vời không phải là Chúa Giê-su được Chúa Cha mạc khải và Giáo Hội loan báo. Họ không biết Chúa Giê-su được Chúa Cha sai đến là ai, nên đời sống của họ xa lạ với Chúa Giê-su. Họ thừa nhận Chúa Giê-su bằng miệng nhưng họ chối bỏ Chúa bằng đời sống. Vì thế, câu hỏi quan trọng nhất Chúa hỏi những người theo Chúa: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29).

  1. Chúa Giê-su trong đức tin và đời sống của những người theo Chúa

            “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29). Đây là câu hỏi Chúa gõ cửa trái tim chúng ta và chờ đợi câu trả lời. Câu trả lời sẽ quyết định đến mối tương quan của chúng ta với Chúa: bám chặt vào Chúa hay dễ dàng rời xa Chúa; tôn kính và yêu mến Chúa hay xa cách Chúa lúc không vừa ý. Câu trả lời mang tính quyết định và làm nên ý nghĩa cuộc đời của mỗi chúng ta.

            Thánh Phê-rô đã trả lời với Chúa: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Câu trả lời của thánh Phê-rô với Chúa định hướng cuộc đời của Phê-rô: “Bỏ Thầy con biết theo ai, chỉ Thầy mới có lời ban sự sống.” Câu trả lời của Phê-rô ảnh hưởng đến đời sống đức tin và lòng trung thành của Phê-rô với Chúa Giê-su. Phê-rô đã trung thành coi sóc Giáo Hội và dùng máu mình tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su. Các thánh tử đạo và các thánh cùng nhiều tín hữu hôm nay biết Chúa Giê-su, tin Chúa Giê-su và sống với Chúa Giê-su hằng ngày, không chỉ bằng tâm tình, mà còn bằng đời sống Tin Mừng giữa mọi người.

            Ngược lại, khi đức tin của chúng ta vào Chúa Giê-su trở nên lỏng lẻo, không còn là niềm xác tín vào Chúa Giê-su, thì trong chúng ta có một cuộc sống chung quái đản gồm đức tin kèm theo những lối suy nghĩ hoàn toàn trần tục và cách sống không còn dấu vết lời Chúa dạy, như một thứ thỏa hiệp dối trá. Nói cách khác, khi đức tin vào Chúa Giê-su không vững chãi, thì con người đặt Chúa sang một bên, biến Chúa thành một thực tại thứ yếu, không để Ngài ảnh hưởng gì đến cuộc sống con người.

            Với một đức tin lỏng lẻo như thế, làm sao người ta có thể quỳ gối trước Chúa Giê-su Thánh Thể và chuyện trò với Ngài? Đó là lý do Đức Bênêđictô và Phanxicô nhắn nhủ các nhà thần học hãy đến với nền “thần học quỳ gối,” vì nhiều nhà thần học có khả năng nghiên cứu rất chuyên chăm, nhưng họ làm thần học mà không biết quỳ gối trước Chúa Giê-su Thánh Thể. Bạn có rơi vào tình trạng “vô thần êm dịu” ấy không? Với một đức tin chỉ tuyên xưng Chúa ngoài môi miệng nhưng đời sống chẳng khác gì vô thần, làm sao tín hữu có thể tuân giữ lời Chúa dạy và yêu mến Giáo Hội? Chúng ta hãy nghe Đức hồng y Sarah giới thiệu đức tin và đời sống gắn bó với đức tin của tín hữu Châu Phi như sau: “Có khi người tín hữu phải lội bộ hằng giờ để đến dự thánh lễ. Họ đói Tin Mừng và Thánh Thể. Họ dự thánh lễ và lưu lại bên Chúa lâu giờ. Họ dâng Chúa thời giờ và cuộc sống của họ, sự mệt mỏi và nghèo khổ của họ. Họ dâng lên Chúa chính con người của họ và mọi thứ họ có. Niềm vui của họ là dâng mọi sự cho Chúa.” Đức tin của họ rất vững chãi và đời sống của họ gắn bó với Chúa Giê-su, Đấng họ tin theo. Nhìn cuộc sống của họ sẽ nhận biết họ tin vào Chúa Giê-su, yêu mến Chúa Giê-su và sống với Chúa G

SUY NIỆM III

CON ĐƯỜNG CỦA THẦY

Nguyễn Cao Luật

Con đường tiến lên phía trước

So với các tác giả Nhất Lãm khác, trình thuật về lời tuyên xưng đức tin của ông Phêrô tại Xêdarê do thánh Máccô biên soạn khá vắn gọn  Bản văn này có thể đuợc giải thích theo nhiều điểm khác nhau  Dưới đây là ba điểm

* Con đường đức tin

Thánh Máccô kể lại câu chuyện xảy ra ở bên kia sông Giođan không nhằm xác định về nơi chốn cho bằng về ý nghĩa thần học  Đây là một “ nơi khác “ ngoài môi trường Giuđa giáo, và tại đây, lần đầu tiên, Đức Giêsu được nhìn nhận như Đấng Mêsia  Trong đất Do thái, việc mặc khải này chỉ xảy ra vào giai đoạn cuối đời của Đức Giêsu: trước tòa Caipha (x Mc 14,61-62)

Câu hỏi về lai lịch của Đức Giêsu không do thiên hạ hay các môn đệ nêu ra, nhưng do chính Đức Giêsu đặt ra cho các môn đệ như một con đường dọn sẵn: khởi đầu từ những ý kiến của dân chúng và cuối cùng là câu trả lời của các môn đệ. Đến cuối bản văn, Đức Giêsu phác họa hình ảnh người môn đệ như một người luôn tiến bước, một người đi theo Đức Kitô

Quả vậy người ta không thể diễn tả lòng tin của mình, không thể nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa nếu như người ta cứ ở một chỗ, cứ yên vị trong sự an toàn chắc chắn với những ý tưởng có sẵn của mình. Đức Kitô chỉ đến với những người “đang tiến bước”, và người Kitô hữu được mời gọi “đi theo” Đức Kitô đang bước đi, Đức Kitô sống động chứ không ở yên một chỗ

* “Thầy là Đấng Mêsia

Lòng tin vào Đức Kitô không phải là một thứ chủ nghĩa thủ cựu  Các môn đệ không được lấy điều người ta nói làm đủ, chính Đức Kitô cũng không muốn như thế; các môn đệ của Đức Kitô phải có một xác tín riêng về Thầy mình  Một tổng hợp những kiến thức về Đức Giêsu không bao giờ có thể thay được sự hiểu biết cá nhân về Người, bởi vì hiểu biết cũng là không ngừng chia sẻ thân phận của Người, tức là từ bỏ sự sống mình và đi theo Người đến tận thập giá

Đàng khác, nhận định của dân chúng về Đức Giêsu không hoàn toàn sai, nhưng không đầy đủ  Nhận định này không diễn tả tính cách siêu việt của con người Đức Giêsu  Các quan niệm Cựu Ước không trình bày đủ về lai lịch của Đức Giêsu  Người vượt lên trên tất cả những điều đó

Chính vì vậy, Đức Giêsu đã đặt câu hỏi với các môn đệ: “còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Đức Giêsu đòi hỏi một quan niệm đúng đắn, một sự chuyển hóa chứ không phải chỉ là lặp lại một hiểu biết hay một cái gì có sẵn

Ông Phêrô đã làm điều ấy  Điều ông nói, nhân danh các môn đệ, vượt hẳn quan niệm của quần chúng, và cả chính ông cũng chưa hiểu được toàn bộ ý nghĩa  Đối với một người Do thái như ông, Đấng Mêsia hằng được trông đợi không hề có chút nào như Đức Giêsu  “Đấng tái lập Vương Quốc Israel” sẽ không thể là con người bị loại bỏ này, sẽ không thể là con người lúc nào cũng lang thang trên các nẻo đường.

Dù vậy, ông Phêrô đã tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mêsia  Nhờ đức tin, ông chấp nhận sự sai biệt giữa ý tưởng ông đang có và thực tại đang diễn ra

* “Xatan, lui lại đàng sau

Cũng với tư cách phát ngôn viên của các môn đệ, ông Phêrô đã phản ứng trước những lời Đức Giêsu loan báo cuộc Thương khó  Ông kéo Đức Giêsu ra một nơi như muốn che chở cho Người  Với vẻ trịch thượng, ông trách Thầy, coi Thầy như yếu hơn ông, và muốn cất khỏi đầu óc Thầy tư tuởng cuồng điên về cuộc khổ nạn

Trong câu chuyện này, người ta nhận ra một trong những cám dỗ cơ bản thường thấy nơi con người: hành quyền trên Thiên Chúa  Đức Giêsu vừa mô tả con đường duy nhất dẫn đến sự sống, ông Phêrô đã trách Người… đã ngăn cản con đường Người phải đi

Làm như thế, ông đã tự cho mình có quyền trên Đức Giêsu, ông vượt lên trước Người để chỉ cho Người thấy theo ý ông, đâu là con đường tốt nhất

Thế nhưng, trên con đường tiến đến Nước Trời, người ta “không đi trước”  Đức Kitô, người ta “đi theo” Người  Do đó, Đức Giêsu quay về phía các môn đệ và tái lập vị thế  Không phải Thầy đi theo các môn đệ, nhưng môn đệ phải theo Thầy  Đức Giêsu không chấp nhận một điều đình nào cả  Con đường thập giá là con đường duy nhất dẫn đến sự sống, con đường Chúa Chúa đã định  Ngăn cản Đức Kitô, không cho Người đi con đường đó tức là xúi giục Người bất phục thánh ý Chúa Cha: công việc này chỉ có thể là của Xatan, tên đã muốn lôi kéo Đức Giêsu ra khỏi con đường đó khi Người bắt đầu cuộc đời công khai (x  Mc 1,12-13)

Có lẽ ông Phêrô chỉ nghĩ Đức Giêsu là Đấng Mêsia theo quan điểm loài người nên đã trách Người  Ông chưa hiểu hết ý nghĩa của lời tuyên xưng ông vừa thốt lên, cũng như lời ngăn cản ông đưa ra  Dù vậy, Đức Giêsu cũng muốn cho thấy Thập giá là con đường cứu độ, Người sẽ đi, đi đến cùng, và bất cứ ai muốn   môn đệ của Người, muốn đi theo Người, cũng phải buớc đi trên con đường ấy

Đặt tên cho Người

Trở lại với lời tuyên xưng của ông Phêrô.Khi một đứa trẻ sinh ra, cha mẹ của em sẽ đặt cho em một tên gọi  Một thời gian sau, chính em bé sẽ đặt cho cha mẹ em một tên gọi và tên gọi này sẽ thay thế mọi tên gọi khác  Tên gọi đó sẽ là “ba” là “má”. Gọi như thế, em bé làm cho cha mẹ em thay đổi, đem lại cho cha mẹ em một chiều kích mới: là “ba”, là “má”. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay cũng gần giống như thế

Khởi đầu, ông Phêrô đem lại cho Đức Giêsu một tên gọi: “ Thầy là Đấng Kitô “  Mặc dù ông chưa hiểu hết ý nghĩa của câu nói này, nhưng ít ra, cứ dựa theo truyền thống Do thái, tên gọi ông vừa đọc lên về Đức Giêsu cũng đã có một chiều kích quan trọng  Đặc biệt gọi tên cũng là làm cho hiện hữu.

Về phần mình, Đức Kitô đặt tên cho các môn đệ bằng cách mô tả điều sắp xảy ra để làm cho một người trở thành Con Thiên Chúa: trải qua cái chết và sinh ra trong một đời sống mới

Điều này quả là có tính cốt yếu vì nó xác định rõ bản chất những tương quan Thiên Chúa muốn nối kết con người và con người phải có đối với Thiên Chúa

Đức Giêsu có thể tự mình tuyên bố: Tôi là Đức Kitô Con Thiên Chúa  Và ngược lại, Nhóm Mười Hai cũng có thể nói: Chúng tôi làm điều này điều nọ, chúng tôi tin, vì vậy chúng tôi là những môn đệ  Mỗi bên tự đặt tên cho mình và buộc người khác phải tôn trọng

Đức Giêsu đã không xử sự như thế  Người dần dần nêu ra các câu hỏi để rồi chính các môn đệ nói lên mặc khải sâu xa nhất về Người  Tuy vậy, Người vẫn phải giải thích cho các ông nội dung của mặc khải ấy, hay là con đường Đức Kitô sẽ trải qua để đem lại ơn cứu độ cho Israel và mọi người

Như vậy, chính Đức Giêsu có sáng kiến, nhưng Người không áp đặt  Người đưa các môn đệ qua con đường của sự thông tri, nhìn nhận trong tình yêu  Nhờ được Thần Khí soi sáng, con người đặt cho Thiên Chúa tên gọi, một tên gọi chính xác  Thiên Chúa khiêm tốn biết bao!

Về phần chúng ta, mỗi người cũng phải đặt tên cho Đức Giêsu; mỗi người phải có ý kiến riêng của mình về Đức Giêsu Kitô  Thế nhưng, hình như chúng ta có khuynh hướng đặt cho Người một tên gọi giống như chúng ta  Chúng ta vẫn muốn lặp lại “điều thiên hạ nói về Đức Giêsu”  Điều này có nghĩa là chúng ta muốn Người đi theo chúng ta hơn là chúng ta đi theo Người, hay ít ra, chúng ta không muốn chia sẻ cuộc sống của Người, không dám từ bỏ mình để đi trên con đường Người đã đi.

Và rồi, chúng ta có sẵn sàng để Người đặt tên cho chúng ta không? Chúng ta có dám chấp nhận đổi khác đi khi khám phá ra tên gọi đích thực của mình? Chúng ta có dám để Đức Kitô làm cho chúng ta sinh ra trong sự sống Người ban cho chúng ta, tức là trong sự sống của Người.  Xin Chúa cho chúng ta tin vào Chúa Giê-su, Đấng Chúa Cha sai đến và Giáo Hội loan báo. Xin cho đức tin đưa dẫn chúng ta biết đặt Chúa vào trung tâm cuộc sống, trung tâm của suy nghĩ và chọn lựa, đặt Chúa vào trái tim của chúng ta là nơi duy nhất Chúa phải trú ngụ, để hành trình Ki-tô hữu của chúng ta xoay quanh Tảng Đá Giê-su và sống niềm vui có Chúa.