Mồng Hai Tết – Kính Nhớ Tổ Tiên
MỒNG HAI
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN
(Hc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18.23; Lc 1,67-75)
Khi đem Tin Mừng vào đất Việt, nhiều vị thừa sai đã ca ngợi : “Tại Việt Nam một thuận lợi lớn cho công việc truyền giáo, đó là tinh thần đạo hiếu”.
Với người Việt, hiếu thảo đối với cha mẹ là một đạo, một tôn giáo. Hiếu thảo là đạo hiếu, đạo ông bà, đạo thờ kính tổ tiên. Giáo sư Nguyễn Văn Trung nói : “Trước khi đạo Phật, đạo Công giáo truyền vào nước Nam, thì người Việt Nam đã có đạo, đạo hiếu”.
Công ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ kể sao cho xiết. Ca dao tục ngữ đã nhắc nhở:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
hoặc
Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền.
Khi cưới hỏi, khi cha mẹ chết, nghe những bài hát về công ơn cha mẹ, cầm sao được đôi dòng nước mắt !
Đạo Phật ví cha mẹ là hai vị Phật sống ở nhà : “Cha mẹ ở nhà như Phật tại trần” :
Có hai Phật sống trong nhà
Sớm hôm lể niệm đâu cần đi xa
Đạo Công giáo coi việc thảo hiếu là một giới răn. Sách Huấn Ca viết :
“Kẻ thờ cha thì được thứ tha tội lỗi
Người kính mẹ khác nào tích trữ kho tàng
Kẻ kính cha sẽ được trường thọ
Ai vâng lời Chúa sẽ làm cho mẹ được an tâm”.
Cha Alexandre de Rhodes, tên Việt là Đắc Lộ, sang Hội An truyền đạo năm 1624, đã tổ chức ba ngày Tết thành ba ngày kính ba cha : ngày mồng một kính cha trên trời, ngày mồng hai kính cha dưới đất (vua), ngày mồng ba kính cha gia đình. Cha viết : “Ta phải biết là có ba đấng bề trên là ba cha. Ta phải thờ đấng nào cho nên đấng ấy. Đấng Dưới là cha mẹ sinh ra thân xác, Đấng Giữa là vua chúa trị nước, Đấng Trên Hết là Đức Chúa Trời. Có Ba Đấng ấy, chúng ta mới sống được”.
Đạo hiếu là điều răn thứ tư, nhưng năm 1742, Tòa Thánh cấm không được thờ kính tổ tiên : không được lập bàn thờ, không được hương đèn hoa trái kính ông bà. Từ đó, người Việt Nam nhìn đạo Công giáo là “đạo bỏ ông bỏ bà”. Nhiều người rất mến phục đạo, nhưng không dám vào, vì sợ bỏ ông bỏ bà. Năm 1939, sau khi đã tìm hiểu, Tòa Thánh không còn cấm nữa.
Bàn thờ tổ tiên đặt trịnh trọng nơi gian giữa, chỗ sang trọng nhất trong nhà. Bất cứ việc gì trong gia đình, việc lớn cũng như việc nhỏ đều nhớ đến ông bà tổ tiên. Ít ra cũng thắp vài nén hương, một đĩa hoa trái dâng ông bà, xin ông bà phù hộ.
Người lương, nếu giầu có, thì trước mấy ngày Tết, nghèo khổ thì chiều 30 Tết, làm cơm cúng ông bà, mời ông bà về ăn Tết với con cháu. Mồng ba hay mồng 10 lại làm cơm cúng tiễn ông bà đi.
Ngày Tết, vào nhà chúc tuổi nhau, người khách đến trước bàn thờ tổ tiên thắp nén nhang nhớ đến ông bà, rồi mới chúc tuổi nhau.
Mỗi lần Tết về, nhìn dòng người miền Bắc, miền Trung, miền Tây Nam Bộ lũ lượt về ăn Tết thật là cảm động. Khi đi ra, máy bay, xe lửa, xe hơi không còn chỗ, phải ngồi nhét đưới gầm xe. Khi đi vô thì xe trống, không có một người đi. Mọi người tìm về quê cha đất tổ. Tết là dịp làm ấm lại tình cảm gia đình, tình nghĩa xóm làng, và lòng thảo hiếu tổ tiên.
Linh mục Nguyễn Trung Thành