Mồng Ba Tết – Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm


MỒNG BA

THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM

(St 2,4b.9-15; Cv 20,32-35; Mt 25,14-30)

Trong thánh lễ mồng ba Tết hôm nay, chúng ta được nghe Lời Chúa nói về công ăn việc làm, về cuộc sống lao động.

Bđ1: Công việc tạo dựng trời đất con người được kể trong hai bản văn. Chúng ta biết nhiều về bản văn thứ nhất, bản văn Thiên Chúa tạo dựng trong 6 ngày. Bản văn thứ I này khiến chúng ta dễ hiểu sai lao động là “mồ hôi nước mắt”, là “cái máy sản xuất”, là “đầy tớ của các đại gia”, là “nô lệ của đồng tiền”.

Sau khi ông bà phạm tội, Thiên Chúa ra án phạt : “Đất đai sẽ bị nguyền rủa vì ngươi, ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi mới kiếm được miếng ăn bởi đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có cơm ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất ngươi được lấy ra. Ngươi là bụi đất và sẽ trở về bụi đất” (St 3.17-19).

Thế nhưng công việc sáng tạo còn được kể trong bản văn thứ II, bản văn trong bài đọc 2 thánh lễ hôm nay. Bản văn đề cao lao động, “lao động là vinh quang”.

Bản văn kể rằng : “Ngày Đức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, trên mặt đất chưa có bụi cây nào ngoài đồng, chưa có đám cỏ nào ngoài đồng mọc lên, vì lúc Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và chưa có người nào để canh tác đất đai” (St 2,4b-5).

Như vậy, đất đai là một bãi sa mạc, vì chưa có nước, và chưa có con người. Nước và người là hai yếu tố quan trọng trong việc lao động.

Thiên Chúa dựng nên nước : “Có một dòng nước trào lên và tưới khắp mặt đất” (St 2,6). Rồi Thiên Chúa dựng nên con người : “Đức Chúa là Thên Chúa lấy bụi đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật… để canh tác và trông coi vườn” (St 2,7.15).

Chẳng những con người được phúc “canh tác” và “trông coi vườn”, mà còn được nghỉ ngơi trong vườn địa đàng và được thưởng thức những trái ngon vật lạ : “Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen về phía đông và đặt vào đó con người do mình nặn ra. Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây thấy thì thèm, ăn thì ngon” (St 2,8-9).

Bđ2 : Bài đọc 2 là một đoạn văn kể lại cuộc đời lao động của thánh Phaolô. Biết rằng khi trở về Giêrusalem thế nào cũng bị người Do Thái bắt và giết, thánh Phaolô triệu tập các đầu mục của giáo đoàn Êphêsô về Milêtô, để người giã biệt. Thánh nhân nói : “Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai tôi không ham… Những gì cần thiết cho tôi và những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp… Tôi luôn tỏ ra cho anh em thấy rằng : phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế” (Cv 20,33-35).

Có lần thánh Phaolô đã khuyên giáo đoàn Thêxalônica : “Ai không chịu làm thì đừng ăn. Thế mà chúng tôi nghe nói : trong anh em có một số người sống vô kỷ luật chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để tự mình kiếm được của nuôi thân” (2Tx 3,10-11).

BTM : Bài Tin Mừng là dụ ngôn “Những yến bạc”. Có ba hạng người đầy tớ : hạng thứ I chủ giao 5 yến bạc, anh ta làm lời thành 10 yến; hạng đầy tớ thứ II chủ giao 2 yến, anh làm lời thành 4 yến; hạng đầy tớ thứ III, chủ giao cho 1 yến, anh không làm lời, vẫn là 1 yến. Hai hạng trên Chúa khen là “đầy tớ tài giỏi và trung thành. Hãy vào hưởng niềm vui của chủ” (Mt 25,23). Hạng thứ III, Chúa trách : “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác…vô dụng, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài. ở đó phải khóc lóc nhiến răng” (Mt 25,30).

Trong bản tiếng Anh, yến bạc là tài năng (talent). Tài năng mỗi người là yến bạc Chúa trao để làm lời, làm cho trái đất thêm đẹp, cho tha nhân được nhờ.

Linh mục Nguyễn Trung Thành