Văn phòng Cáo Thỉnh Viên phong thánh cho Cha Trương Bửi Diệp không có phép của TGM Orange


THÔNG BÁO CỦA TRUNG TÂM CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI GIÁO PHẬN ORANGE

“Về việc không có phép của văn phòng cáo thỉnh viên xin phong thánh cho

Cha Trương Bửu Diệp”

 

Văn Phòng Cáo Thỉnh Viên là văn phòng liên lạc với Tòa Thánh trong việc xin phong thánh nên khi văn phòng này được đặt ở đâu thì phải có phép của vị Giám Mục Địa Phận ở đó. Đặt trường hợp nếu Tòa Thánh liên lạc với Đức Giám Mục Địa Phận Orange, hỏi về Văn Phòng Cáo Thỉnh Viên nằm trong địa phận của ngài mà ngài không biết gì về sự hiện diện của văn phòng này, thì đây là một việc làm sai luật và là sự xúc phạm tới Đức Giám Mục.

Việc này đã thật sự xảy ra: Văn Phòng Cáo Thỉnh Viên xin phong thánh cho Cha Trương Bửu Diệp nằm trong Địa Phận Orange đã được cắt băng khánh thành và làm phép vào Thứ Bẩy ngày 7 tháng 1 năm 2017 nhưng chính Đức Giám Mục của địa phận lại hoàn toàn không biết gì về chuyện này. Ngài đã không cho phép và cũng đã không nhận được giấy xin phép. Như thế Văn Phòng Cáo Thỉnh Viên xin phong thánh cho Cha Trương Bửu Diệp đã không có phép của Đức Giám Mục để có thể hiện diện trong Địa Phận Orange. Khi không có phép thì không thể đưa vào hoạt động.

Một điều nữa chúng ta cũng cần nên biết đó là tất cả những văn phòng hay cơ sở có tên Cha Trương Bửu Diệp Foundation trong Địa Phận Orange này, không thuộc về Trung Tâm Công Giáo và cũng không thuộc về Tòa Giám Mục Orange. Tất cả những văn phòng hay cơ sở mang tên Cha Trương Bửu Diệp này đều ở dưới dạng hoặc hình thức tư nhân, cho nên Giáo Quyền Công Giáo tại Orange không có quyền thẩm phán hoặc thẩm xét trên họ. Nhưng nếu những cơ sở đó, vẫn mang danh là Công Giáo, mà lại làm những điều sai đức tin hoặc phụng vụ… thì Giáo Quyền ở đây sẽ có trách nhiệm và bổn phận phải lên tiếng. Việc này đã xảy ra mấy năm trước đây, khi một cơ sở mang tên Cha Trương Bửu Diệp trong Quận Orange, đã đưa một linh mục Công Giáo ở ngoài địa phận tới để dâng lễ thường xuyên mà không có phép.

Theo thông lệ đã xảy ra trong Giáo Hội là người ta đúc tượng hoặc dựng tượng các bậc đáng kính, chưa được phong thánh, tại một nơi chốn nào đó ở quê hương các vị này, hoặc một nơi nào đó trong địa phận của các vị này, để tôn kính các ngài. Bởi vì chưa được phong thánh, việc làm như thế phải được sự chuẩn nhận của Đức Giám Mục địa phương. Nhưng việc đúc tượng, làm tượng, tạc tượng các vị này, và gởi đi nơi khác, gởi đi khắp nơi, để cổ võ lòng tôn sùng các vị này, có khi còn xin làm phép tượng nữa, thì đó là điều không đúng. Lý do đơn giản là vì các ngài chưa được phong thánh theo quy luật của Giáo Hội mà đã tạc tượng hoặc làm tượng. Một vị Giám Mục Việt Nam đã nói: “Điều này giống như cái cày đặt trước con trâu.” Và nếu tiến trình phong thánh cho các vị này kéo dài thời gian, thì tội nghiệp các ngài phải đứng chờ hơi lâu.

Trừ trường hợp của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hay Thánh Têrêsa thành Calcutta mà chúng ta thường gọi là Mẹ Têrêsa, hoặc một số vị thánh khác nữa, lịch sử đã cho thấy tiến trình phong thánh cũng rất lâu dài. Thí dụ trường hợp Thánh Martinô De Porres cho chúng ta thấy 258 năm sau ngày sinh của ngài, thì ngài mới được phong chân phước và 125 năm sau khi ngài được phong chân phước, lúc đó ngài mới được phong thánh vào năm 1962.

Khi các vị chưa được phong thánh và chúng ta muốn tỏ lòng tôn kính, việc sử dụng hình ảnh của các ngài dưới dạng tranh hoặc ảnh, hoặc một bản khắc khuôn mặt hoặc chân dung các ngài, là chuyện dễ chấp nhận. Còn đúc tượng, làm tượng, tạc tượng phổ biến mọi nơi, đó là điều không nên. Ơn quan trọng nhất mà chúng ta cần cầu khấn với các thánh, và ngay cả với những vị lành thánh chưa được phong thánh những có lẽ đang ở trên thiên quốc, đó là xin các ngài dẫn chúng ta tới với Chúa.

Xin Trân Trọng Thông Báo
Ngày 28/1/2017

LM Trần Văn Kiểm
Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo

(Nguồn: Vietcatholic)

Bài viết liên quan
Văn thư của TGM Giáo phận Cần Thơ: V/v xin tuyên phong chân phước tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp