Chúa Nhật 5 Thường Niên – Năm A


CN.5.A

(Is 58,7-10; 1Cr 2,1-5; Mt 5,13-16)

Thánh  tử đạo Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, người làng Mỹ Hương, Quảng Bình. Giáo xứ Tam Tòa Đà Nẵng hiện nay có một vài gia đình quê Mỹ Hương của thánh nhân.

Thánh Quỳnh hồi nhỏ đi tu ở với cha Labartette với ước nguyện là linh mục của Chúa. Nhưng hai anh trai đã đi tu, gia đình muốn ngài về giúp đỡ gia đình. Lớn lên ngài gia nhập quân đội của Nguyễn Ánh, đánh nhà Tây Sơn. Sau chiến tranh, ngài xuất ngũ về làm ruộng và học thêm nghề thuốc. Ngài trở thành một thày thuốc mát tay, nổi tiếng trong vùng.

Thánh Quỳnh có lòng thương người. Đối với bệnh nhân nghèo, chẳng những không lấy tiền, mà còn cho thêm. Khi vợ con kỳ kèo, ông đáp : “Tôi chưa thấy ai giúp đỡ người nghèo lại túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chi thể của Chúa đó sao ? Chúa đã cho chúng ta sống, Chúa sẽ quan phòng cho chúng ta đủ dùng”.

Khi các con khôn lớn, ông nói : “Cha đã sinh dưỡng các con từ nhỏ, nay khôn lớn. Các con lo cho gia đình. Cha muốn dùng tiền chữa bệnh bán thuốc chia sẻ với bà con nghèo khổ”.

Không những giúp đỡ người nghèo, thánh Quỳnh còn lo lắng cho giáo xứ. Mặc dầu biết làm việc trong thời cấm đạo sẽ gặp nhiều khốn khó, thánh Quỳnh vẫn vui vẻ lãnh nhận chức vụ làm trùm, làm giáo chức. Ngài vừa giữ gìn tài sản cho giáo xứ, vừa thay thế các cha dạy dỗ giáo lý. Tinh thần tông đồ của ngài ảnh hưởng đến con cái. Cô gái lớn đi tu và làm bề trên nhà Mến Thánh Giá.

Năm 1838, vua Minh Mạng ra lệnh tuy nã cha Canđalh Kim. Thánh Quỳnh đem cha trốn lên núi Kim Sen, núp ẩn trong ngôi trại của tổ tiên. Vắng nhà lâu ngày, hồ nghi thánh nhân đi trốn với cha Kim, quan quấn tra tấn bà vợ và hai cô gái. Ba mẹ con đành chịu đòn, chứ không bước qua Thánh Giá và khai nơi ẩn nấp của cha Kim và ba mình.

Khi bao vây Kim Sen, quan quân đã bắt cha Kim và thánh Quỳnh, đem về nhốt ở Đồng Hới. Sau 2 năm tù đày và tra tấn, ngày 10-7-1840, thánh Quỳnh bị xử giảo, bị cột giây vào cổ kéo cho đến chết.

Bđ1 :  “Tôi chưa thấy ai giúp đỡ người nghèo lại túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chi thể của Chúa đó sao ? Chúa đã cho chúng ta sống, Chúa sẽ quan phòng cho chúng ta đủ dùng”. “Cha đã sinh dưỡng các con từ nhỏ, nay khôn lớn. Các con lo cho gia đình. Cha muốn dùng tiền chữa bệnh bán thuốc chia sẻ với bà con nghèo khổ”.

Hai lời thánh Quỳnh nói với vợ và các con khác gì lời Chúa nói, qua miệng ngôn sứ I-sai-a, trong bđ1 thánh lễ : “Ngươi hãy chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (Is 58,7).

Chúa nói lời này với những người Ít-ra-en vừa mới lưu đày ở Babylon về. Chúa đòi họ “giữ đạo” bác ái, thương người, chứ không ích kỷ, lo cho mình.

BTM : Trong BTM, Chúa Giêsu nói với các tông đồ : “Chính anh em là muối cho đời…Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13.14).

Sách Tân Ước năm 2008 của Nhóm CGKPV giải nghĩa như sau : “Muối có hai công dụng chính : ướp cho khỏi hư  và làm gia vị. Người môn đệ phải giữ cho xã hội khỏi suy thoái, đồng thời giúp cho thăng tiếnÁnh sáng là cái gì rất tự nhiên : nguyên nó đã kéo chú ý của người ta – cũng như ta có câu  ‘hữu xạ tự nhiên hương’-  Đời sống môn đệ Chúa Kitô tất nhiên ảnh hưởng nơi người khác… Muối và ánh sáng : người môn đệ phải là cả hai cùng một lúc. Phải nhập cuộc, tan biến đi như muối, đồng thời vẫn giữ được căn tính của mình giữa lòng đời như ánh sáng” (trang 66).

Bđ2 : Bđ2 là một đoạn thư thứ nhất thánh Phaolô gửi giáo đoàn Corintô. Thánh Phaolô giảng đạo ở đây vào năm 50 đến 52 trong chuyến truyền giáo thứ hai. Sách Tân Ước năm 2008 của nhóm CGKPV cho vài nét về thành phố Corintô như sau : “Thành phố lớn này là một trung tâm văn hóa Hy Lạp, là giao điểm của nhiều trào lưu tư tưởng và tôn giáo khác nhau, với một nhịp sống xô bồ ai cũng biết tiếng. Nơi đây còn có những vấn đề xã hội của một thành phố lớn : thiểu số dân cư là người giàu, còn đa số thì nghèo, gồm những nô lệ, người cùng đinh, bị khinh chê, người thấp cổ bé họng. Điều này ảnh hưởng đến tinh thần của giáo đoàn : các tín hữu thật sốt sắng, nhưng lại bị nhịp sống vô đạo vô luân bên ngoài đe dọa. Đức tin Kitô giáo còn non trẻ trực tiếp với một thành phố như thế quả là một sự kiện đặt ra nhiều vấn đề tế nhị cho những người theo đạo” (trang 622).

Gia đình chúng ta ngày nay cũng sống trong một hoàn cảnh giống như cộng đoàn Côrintô : nhiều trào lưu tư tưởng và tôn giáo, nhịp sống xô bồ, dân cư người giầu người nghèo.

 Trong chuyến viếng thăm Giáo Hội Philíppin ngày 16-1-2015, Đức giáo hoàng Phanxicô khuyến khích : “Các gia đình hãy dành thời gian để nghỉ ngơi và cầu nguyện chung với nhau, cũng như hãy trở nên những mẫu gương thánh thiện.  Trong ngày thứ hai của chuyến công du 5 ngày đến quần đảo này, Giáo hoàng Phanxicô nói với 10 ngàn người đến dự buổi gặp gỡ với các gia đình rằng, thế giới ‘cần những gia đình tốt lành và mạnh mẽ’ để thắng vượt những mối đe dọa của nghèo đói, chủ nghĩa vật chất, lối sống hủy hoại, và những xa cách do phải di cư

Với giải pháp của Đức giáo hoàng đề nghị, Đức tin của gia đình chúng ta sẽ được vừa là muối vừa  là ánh sáng, vừa “nhập cuộc tan biến như muối”, vừa “vẫn giữ được căn tính của mình giữa lòng đời như ánh sáng” (5-2-2017).

—————————————-

CN.5.A

Ở bên trời Tây có ông Nostradamus, một tiên tri nổi tiếng. Những lời tiên tri của ông còn ứng nghiệm tới ngày nay. Ở VN ta có ông Nguyễn Bình Khiêm cũng nổi tiếng. Dân gian gọi ông là Trạng Trình. Ông sinh năm 1459 tại huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, qua đời năm 1585. Ông nói tiên tri về năm thìn năm ngoái và năm mão năm nay như sau:

 “Thìn mão xuất thái bình

Bảo sơn Thiên Tử xuất

Bất chiến tự nhiên thành

Qua lời tiên tri của ông, Thiên Tử, Con Trời, sẽ xuất hiện, chẳng cần đánh nhau cũng thái bình thịnh vượng.

Ngoài những lời tiên tri nổi tiếng, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có những chuyện vui. Về mèo ông có chuyện sau đây :

Nhà vua có con mèo quí, xích bằng xích vàng, và cho ăn đồ mỹ vị.. Trạng Trình vào chầu, trông thấy, bắt trộm về. Trạng Trình thay xích vàng bằng xích sắt, và cột vào một chỗ, đến bữa ăn thì để hai bát cơm : một bát cơm thịt cá, một bát cơm rau. Mèo ta quen ăn ngon, chạy đến bát cơm thịt cá chực ăn. Quỳnh cầm sẵn roi hễ ăn thì đánh. Mèo đói quá, phải ăn bát cơm rau. Như thế được hơn nửa tháng, mèo vào khuôn phép mèo được thả ra.

Vua mất mèo tiếc quá, cho người đi tìm, thấy nhà Trạng có con mèo giống như hệt, bắt Trạng đem mèo đến. Vua xem mèo hỏi :

– Sao nó giống mèo của trẫm thế. Hay khanh thấy mèo của trẫm đẹp bắt về, nói thật đi.

– Tâu hoàng thượng, hoàng thượng nghi cho hạ thần bắt trộm là oan, xin hoàng thượng thử thì biết.

– Thử thế nào ?

– Hoàng thượng phú quí thì mèo ăn cơm thịt cá. Còn hạ thần nghèo túng thì mèo ăn cơm rau. Bây giờ để hai bát cơm ấy, nó ăn bát nào thì biết ngay.

Vua sai đem ra thử. Con mèo chẳng thèm đến bát cơm thịt cá, chạy ngay đến bát cơm rau. Trạng Quỳnh liền nói :

– Xin hoàng thượng lượng cho : người ta phú quí thì ăn cao lương mỹ vị, còn bần tiện thì ăn cơm hẩm rau dưa. Mèo cũng vậy, mèo phải theo chủ”.

Chủ nghèo thì thức ăn của mèo cũng đạm bạc rau mắm; chủ mà giầu có thì mèo sẽ có cao lương mỹ vị .

Người VN còn có câu : “Ở ống thì tròn, ở bầu thì méo

Hay là câu : “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

BTM : BTM thánh lễ mùng 4 Tết hôm nay, Chúa Giêsu căn dặn các con cái Chúa phải là “muối”, là “đèn”, để nêu gương cho người khác.

Chúa dạy : “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5,13).

Chúa còn dạy : “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mắt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (5,14.16).

Bđ1 : Trong bđ1, ngôn sứ I-sai-a khuyên người Ít-ra-en làm gương sáng về đức hiền lành. Ngôn sứ viết : “Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe dọa và lời nói hại người…thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu tỏa trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (Is 58, 9.10).

Bđ2 : Thánh Phaolô, trong bđ2, cũng sống khiêm nhường hiền lành để làm gương cho các tín hữu Cô-rin-tô. Ngài viết : “Khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy…Tôi chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn… Có vậy đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (1Cr 2,4.5).

Đọc truyện các Thánh Tử Đạo ở VN, các ngài đều cố gắng sống làm gương cho mọi người, làm gương cho người có đạo cũng như không có đạo. Thánh Giuse Diaz An là người Tây Ban Nha, sang VN giảng đạo năm 1847. Năm 1852 ngài kế vị Đức cha Marti Gia làm giám mục thứ hai của giáo phận Bùi Chu. Chỉ được 5 năm, năm 1857, ngài bị bắt. Ngày 20-7 ngài bị điệu ra pháp trường Bảy Mẫu, Nam định. Trước khi bị chém đầu, ngài đưa cho quan 30 đồng bạc và nói  : “Tôi xin gửi quan 30 đồng, để xin quan một ân huệ : xin quan đừng chém tôi một nhát, mà chém tôi ba nhát :

– Nhát gươm thứ nhất tôi tạ ơn Chúa đã dựng nên tôi, và đưa tôi đến VN giảng đạo.

– Nhát gươm thứ hai để nhớ ơn cha mẹ đã sinh ra tôi.

– Nhát gươm thứ ba, như lời di chúc cho các bổn đạo của tôi, để họ bền chí  theo gương tôi, dù có phải chết cho đức tin.

 Năm Tân Mão năm nay, ước chi mọi người luôn luôn sống làm gương tốt cho mọi người (6-2-2011)

—————————————-

CN.5.A

Lời Chúa trong thánh lễ chúa nhật hôm nay nói đến trách nhiệm, bổn phận của các môn đệ, của những người đi theo Chúa là phải làm cho những người khác biết Chúa. Mình phải là muối, là ánh sáng cho người đời.

Bài đọc 1 : Bđ1 là những lời ngôn sứ Isaia nói với những người Do Thái từ chốn lưu đày Babylon trở về quãng năm 538 trước CGS. Đây là lời giảng dạy về việc ăn chay. Dân Do Thái thắc mắc với Chúa : “Chúng tôi ăn chay sao Ngài không thấy, chúng tôi hãm mình sao Ngài chẳng hay” (58,3) ? Và Chúa trả lời : “Cách ăn chay mà Ta ưa thích là …chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi cư ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (58, 6-7) ?

Vì Chúa nhật hôm nay chưa vào Mùa Chay, nên bài đọc đã bỏ đi những gì nói về việc ăn chay, mà chỉ nói đến những kết quả của việc bác ái  : “Nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (58,10).

Những lời này chẳng khác nào những lời của Mùa Hiển Linh. Như vậy, Thiên Chúa không những đã tỏ mình trong Chúa Kitô, mà còn tỏ mình trong đời sống bác ái của các Kitôhữu. Tình yêu Chúa được biểu lộ trong đời sống Kitôhữu. Đời sống Kitôhữu là ánh sáng chiếu toả trong bóng tối trần gian trở thành lời đáp ca của thánh lễ : “Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng chiếu rọi kẻ ngay lành”.

Bài Tin Mừng : Ngay sau Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ ngày xưa, ngày nay là các Kitôhữu, hãy trở nên “muối cho đời”, và “ánh sáng cho trần gian”. Tám Mối Phúc Thật nhấn mạnh đến thái độ nội tâm của các tông đồ : “tâm hồn nghèo khó”, “hiền lành”, “sầu khổ”, “khát khao nên người công chính”, “xót thương người”, “tâm hồn trong sạch”, “xây dựng hoà bình”, “bị bách hại …, bị sỉ vả”. Bây giờ Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ ý thức đến địa vị và trách nhiệm mà Chúa trao phó cho các ông ở trần gian. Như vậy, Chúa Giêsu muốn rằng : “Hạnh phúc cho anh em …là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian…

Sách Tin Mừng thánh Máccô ghi lại lời Chúa kèm theo ý nghĩa về muối như sau : “Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận lẫn nhau” (9,50). Theo thánh Mc, muối là biểu tượng của sự khôn ngoan, tinh thần hy sinh và tình huynh đệ trong cộng đoàn.

Còn sách TM thánh Luca thì  ghi lại : “Muối quả là cái gì tốt. Nhưng chính muối mà nhạt đi, thì lấy gì ướp nó cho mặn lại ? Nó chẳng còn thích hợp để bón đất hay trộn phân nữa, nên người ta quẳng nó ra ngoài” (14,34-35). Theo thánh Luca, muối nhạt là biểu tượng cho tính nhát đảm của các môn đệ không dám theo Chúa đến cùng.

Trong Kinh Thánh có vài chỗ nói về muối. Sách Gióp viết về vị mặn của muối : “Hỏi có ai ăn nhạt mà không cần muối” (6,6) ? Sách ngôn sứ Edêkien viết về sự tẩy sạch của muối : “Lúc chào đời ngày mới sinh ra, ngươi không được ai cắt rốn, cũng không có lấy nước tắm rửa cho sạch, chẳng được ai xát muối và lấy tả bọc cho” (16,4). Sách Lêvi nói về dấu hiệu tình bằng hữu của muối : “Các ngươi phải bỏ muối vào mọi lễ phẩm, các ngươi không được để lễ phẩm của các ngươi thiếu muối giao ước của TC. Các ngươi phải dâng muối cùng với mọi lễ tiến” (2,13).

“Anh em là muối cho đời” nghĩa là một khi các môn đệ đã nhận được những mầu nhiệm TC do Chúa Giêsu mặc khải thì phải chia sẻ những mầu nhiệm ấy cho người khác. Nếu không, các ông sẽ bị khinh chê và cuối cùng bị “ném ra ngoài”, như cây không sinh trái, như cá vô dụng.

Anh em là ánh sáng cho trần gian”. Kinh Thánh thường nói TC là nguồn ánh sáng (Tv 104,2). Lề Luật cũng là ánh sáng (Tv 119;105). Israel phải đem ánh sáng cho dân ngoại. Và Chúa Giêsu tuyên bố : “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga 9,5). Khi truyền cho những người đi theo Chúa là ánh sáng, thì Chúa Giêsu đòi hỏi họ phải nên giống Chúa.

Anh sáng có 3 công dụng :

  • Soi sáng để mắt trông thấy. Người theo Chúa phải trong sáng cho người ta thấy.
  • Soi sáng để hướng dẫn. Như đèn đường hay đèn trên sông, trong phi trường, để soi sáng hướng dẫn cho xe cộ, tầu bè và phi cơ đi lại. Người theo Chúa phải có Chúa để soi dẫn mình và người khác.

3- Để sưởi ấm. Người theo Chúa có Chúa để sưởi ấm lòng người.

Chúa Giêsu còn căn dặn : “Một  thành xây trên núi không tài nào che giấu được”. Một thành phố tức là có nhiều nhà, tức là có nhiều đèn, vì  mỗi nhà thắp một cây đèn. Một cây đèn chưa đủ sáng, nhiều đèn sẽ sáng rõ. Vậy, con cái Chúa không một mình làm việc tông đồ, nhưng cùng với cộng đoàn, cùng với Gíao hội, cùng nhau làm cho mọi người nhận biết Chúa.

Bài đọc 2 : Thư thánh Phaolô gửi các tín hữu Côrintô cho chúng ta một cách làm tông đồ nữa : đó là khiêm nhường, cậy dựa vào quyền năng của Chúa, chứ không do tài khéo của mình. Thánh Phaolô viết : “Đức tin của anh em không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa”.

Trước khi đến Côrintô vào năm 50, thánh Phaolô đã đến A-ten, thủ đô Hy Lạp, và đã thất bại, vì dùng sự khoan ngoan, khéo léo của người đời. Thánh Phaolô viết : “Khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa…Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh”.

Rút kinh nghiệm thất bại đau thương ở A-ten, nên đến Côrintô, thánh Phaolô thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy.

Tóm lại, đã đi theo Chúa thì phải làm cho người khác cũng biết Chúa. Nhưng không làm một mình, mà cùng làm với mọi người, với Giáo hội, và làm trong quyền năng của Chúa, chứ không cậy dựa vào tài khéo léo của mình.

—————————————————

CN.5.A

 

BTM thánh lễ chúa nhật tuần trước là Tám Mối Phúc Thật, tức là 8 nguyên tắc sống. BTM thánh lễ chúa nhật hôm nay Chúa Giêsu nói đến gương sáng của những người đi theo Chúa.

Đời sống đạo đức thánh thiện được Chúa Giêsu ví như muối và đèn :

  1. Muối : Chúng ta đã biết công dụng của muối. Ít là có 2 công dụng : 1- ướp cho khỏi thối, 2- thức ăn được mặn mà. Như vậy người Công giáo tốt sẽ làm cho thế gian khỏi ung thối vì tội lỗi, và đem lại niềm vui, hứng khởi cho đời.
  2. Đèn : Chúa Giêsu bảo phải đặt đèn trên đế, chứ không đặt bên dưới cái thùng. Đất đai của người Do Thái hầu như là sa mạc, nóng bức. Họ làm nhà có một cửa nhỏ hẹp, để hơi nóng không vào nhà. Như vậy nhà luôn luôn tối, lúc nào cũng cần đèn, đêm cũng như ngày. Khi ra khỏi nhà, để tránh cháy nhà, đèn để dưới đáy cái thùng bằng đất. Ngày xưa không có diêm quẹt, họ phải thắp đèn suốt ngày, nếu tắt đi khó đốt lại. Công dụng của đèn là soi sáng. Vậy gương sáng của người Công giáo như cái đèn soi dẫn người ta làm lành lánh dữ.

Là muối, là đèn, không những ướp cho thế gian khỏi ung thối, soi dẫn mọi người, mà còn tôn vinh Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói : “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…Anh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mắt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (5,14.16).

Sắc lệnh Truyền Giáo của Công Đồng Vaticanô II viết : “Mọi Kitô-hữu, dù sống ở đâu, đều phải lấy gương mẫu đời sống và chứng tá lời nói để biểu dương con người mới mà họ đã mặc lấy nhờ phép rửa…để những người khác nhìn thấy những việc lành của họ mà ngợi khen Chúa Cha” (số 11).

Nhà thần học De Montcheuil nói : “Chúng ta là muối cho đời. Vậy nếu nhân loại có tanh ươn chính là vì chúng ta không đáp lại ơn gọi của chúng ta”.

Ông Tagore, thi sĩ của Ấn Độ, thì nhận xét : “Các bạn Kitô-hữu, nếu đời sống của các bạn như Chúa Kitô thì toàn thể dân Ấn Độ đã theo gót các bạn rồi !

Trong 118 thánh Tử Đạo ở Việt Nam, gia đình họ “Phạm Trọng” làng Quần Cống, Bùi Chu, cống hiến ba vị thánh. Đó là hai cha con thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm và Luca Phạm Trọng Thìn, cùng anh em thúc bá Giuse Phạm Trọng Tả. Về Đức bác ái của thánh Tả, cha Bùi Đức Sinh kể : “Giuse Tả là một Kitô hữu đạo đức và là cựu chánh tổng đã chu toàn chức vụ của mình. Phụ lực với cháu là Cai Thìn, ông tìm cách giúp mọi người sống đạo trong hoàn cảnh khó khan. Theo gia phả con cháu : đầy tớ ông rất đông, chưa Tết ông đã đi thăm viếng từng nhà và cho tiền mừng tuổi rất hậu. Số tiền ấy thường gấp đôi số quà cáp họ biếu xén ông trong năm. Tiền thóc gia nhân vay mượn ông tặng thưởng một nửa, nếu túng quá thì ông cho luôn. Công nợ của dân làng cũng châm chước như vậy. Khi bà cai lên tiếng cằn nhằn, ông trả lời : ‘Mình quên nợ người, Chúa quên nợ mình” (Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, San Jose 2008, trang 267), (6-2-2005)

Linh mục Nguyễn Trung Thành