Niềm hy vọng Kitô có chiều kích cá nhân, cộng đoàn, giáo hội và xã hội
Niềm hy vọng kitô không chỉ có chiều kích cá nhân, nhưng cũng bao gồm chiều kích cộng đoàn tập thể và xã hội dân sự nữa. Nó khiến cho kitô hữu không xây tường ngăn cách, nhưng xây cầu liên kết, không lấy ác báo ác, nhưng lấy sự thiện thắng sự dữ, tha thứ thắng xúc phạm, và sống hoà bình với tất cả mọi người.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8 ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư hôm qua.
Trong bài huấn dụ ĐTC đã tiếp tục trình bầy niềm hy vọng trong thư thứ I thánh Phaolô gửi tín hữu Thêxalônica. Thánh nhân khích lệ tín hữu đâm rễ sâu trong niềm hy vọng vào sự sống lại với một câu nói rất đẹp: “Chúng ta sẽ luôn mãi ở với Chúa”. Đồng thời ngài cũng cho thấy niềm hy vọng kitô không chỉ có chiều kích cá nhân, nhưng cũng bao gồm chiều kích cộng đoàn, giáo hội và xã hội nữa. Chúng ta tất cả hy vọng. Chúng ta tất cả có niềm hy vọng, nhưng cũng một cách cộng đoàn nữa. ĐTC nói thêm:
Vì thế thánh Phaolô trải dài cái nhìn của ngài ra trên tất cả các thực tại bao gồm cộng đoàn kitô, bằng cách xin các cộng đoàn cầu nguyện cho nhau và nâng đỡ nhau. Trợ giúp nhau. Nhưng không phải chỉ trợ giúp nhau trong các nhu cầu, trong biết bao nhiêu nhu cầu của cuộc sống thường ngày, mà trợ giúp nhau trong niềm hy vọng, nâng đỡ nhau trong niềm hy vọng.
Và không phải tình cờ mà thánh nhân bắt đầu làm điều đó bằng cách hướng tới những người được giao phó cho trách nhiệm và việc hướng dẫn mục vụ. Các vị là những người đầu tiên được mời gọi dưỡng nuôi niềm hy vọng không phải vì tốt lành hơn những người khác, nhưng là bởi một sứ vụ Thiên Chúa giao phó vượt xa hơn các sức lực của họ. Vì lý do đó, họ cần được tất cả mọi người kính trọng, cảm thông và quảng đại nâng đỡ.
** Thế rồi sự chú ý được hướng tới các anh chị em có nguy cơ đánh mất đi niềm hy vọng nhất, rơi vào sự thất vọng. Nhưng chúng ta không luôn luôn có tin tức của người rơi vào tuyệt vọng và làm những điều xấu. Sự tuyệt vọng đưa tới chỗ làm biết bao nhiêu điều xấu… Việc quy hướng về những ai chán nản ngã lòng, những ai yêu đuối, những ai cảm thấy bị đè bẹp bởi gánh nặng của cuộc đời và các lỗi lầm của mình và không đứng lên được nữa. Trong các hoàn cảnh này, sự gần gũi và hơi ấm của toàn thể Giáo Hội phải càng mạnh mẽ và yêu thương hơn nữa, và phải có hình thái tuyệt diệu của sự cảm thương. Nó không phải là thương hại: sự cảm thương là chịu khổ với người khác, đau khổ với người khác, đến gần người đau khổ… một lời nói, một cái vuốt ve, phát xuất từ con tim; đó là sự cảm thương. Họ cần sự khích lệ và ủi an.
Đây là điều thật quan trọng: niềm hy vọng kitô không thể không là tình bác ái tế nhị và cụ thể. Trong thư gửi tín hữu Roma thánh tông đồ dân ngoại chân thành khẳng định rằng: “Chúng ta là những người mạnh mẽ – chúng ta có đức tin, đức cậy và không có biết bao khó khăn – chúng ta có bổn phận gánh vác các tật nguyền của những người yếu đuối, mà không tự mãn” (Rm 15,1). Gánh vác, gánh vác các yếu đuối của người khác.
Tiếp đến ĐTC nói tới chiều kích tập thể của niềm hy vọng kitô như sau.
Thế rồi chứng tá này không bị đóng kín trong các giới hạn của cộng đoàn kitô: nó vang vọng lên trong tất cả sức mạnh của nó cả ở bên ngoài nữa, trong bối cảnh xã hội và dân sự, như lời mời gọi đừng xây tường nhưng xây cầu, đừng lấy ác báo ác, chiến thắng sự dữ với sự thiện, sự xúc phạm với sư tha thứ; kitô hữu không bao giờ có thể nói: rồi mày sẽ biết tay tao! Không bao giờ! Đây không phải là một cử chỉ kitô! Phải thắng việc xúc phạm với sự tha thứ: sống hoà bình với tất cả mọi người. Và đây và điều niềm hy vọng kitô làm, khi nó có các đường nét mạnh mẽ đồng thời dịu dàng của tình yêu thương. Và tình yêu thương mạnh mẽ và dịu dàng. Thật là đẹp!
Khi đó chúng ta hiểu tại sao không thể học hy vọng một mình. Không ai hy vọng một mình. Không thể được. Niềm hy vọng để được nuôi dưỡng cần có một “thân thể”, trong đó các chi thể khác nhau nâng đỡ nhau và làm cho nhau hồi sinh. Điều này khi đó có nghĩa là, nếu chúng ta hy vọng, là bởi vì có biết bao anh chị em đã dạy chúng ta hy vọng và đã duy trì sống động niềm hy vọng. Và giữa những người này đặc biệt nổi bật là các người bé nhỏ, nghèo nàn, đơn sơ, những người bị gạt bỏ ngoài lề xã hội. Phải, bởi vì ai khép kín trong hạnh phúc của mình, chỉ hy vọng nơi của cải – và điều này không phải là hy vọng: nó là sự an ninh tương đối – ai khép kín trong sự thoả mãn của mình, ai luôn cảm thấy mình yên ổn, thì không biết đến niềm hy vọng. Trái lại những người hy vọng là những người hằng ngày sống kinh nghiệm sự thử thách, tạm bợ và giới hạn của mình. Chính các anh chị em này trao ban cho chúng ta chứng tá đẹp nhất, mạnh mẽ nhất, bởi vị họ kiên vững trong sự tín thác nơi Chúa, biết rằng bên kia sự buồn sầu, áp bức, và cái chết không thể tránh được tiếng nói cuối cùng không phải là của nó, nhưng sẽ là một lời nói của lòng thương xót, của sự sống và của hoà bình. Ai hy vọng, hy vọng một ngày kia nghe thấy lời này: “Hãy đến, hãy đến với Ta, hỡi người anh em”, “Hãy đến, hãy đến với Ta hỡi người chị em, cho tất cả sự vĩnh cửu”
Các bạn thân mến, như chúng ta đã nói, nếu nơi ở tự nhiên của niềm hy vọng là một “thân thể” liên đới, trong trường hợp của niềm hy vọng kitô thân thể đó là Giáo Hội, trong khi hơi thở sự sống, linh hồn của niềm hy vọng ấy là Chúa Thánh Thần. Không có Chúa Thần Thần thì không thể có niềm hy vọng. Và khi đó tại sao sau cùng Tông Đồ Phaolô mời gọi chúng ta liên lỉ cầu xin Chúa Thánh Thần. Nếu tin không phải là dễ, thì hy vọng lại càng không dễ hơn nữa. Hy vọng thì khó hơn là tin. Khó hơn. Nhưng khi Chúa Thánh Thần ở trong con tim chúng ta, chính Ngài làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta không phải sợ hãi, rằng Chúa ở gần và lo lắng cho chúng ta: và chính Ngài nhào nặn các cộng đoàn của chúng ta, trong một lễ Hiện Xuống vĩnh cửu như các dấu chỉ sống động của niềm hy vọng cho gia đình nhân loại. Xin cám ơn anh chị em.
ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Pháp. Ngài nói sẽ hiệp thông với lời cầu nguyện của tín hữu và đặc biệt các bệnh nhân đến hành hương mừng lễ Đức Mẹ Lộ Đức vào thứ bẩy tới này. Xin Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm ban cho mọi người lòng can đảm của niềm hy vọng và gìn giữ họ trong an bình.
ĐTC cũng chào các tín hữu đến từ Anh quốc, Ailen, Hoa Kỳ, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nước châu Mỹ Latinh. Ngài khích lệ tất cả cầu xin Chúa Thánh Thần hiện diện trong cuộc sống cũng như trong gia đình và cộng đoàn của họ, và luôn biết noi gương Mẹ Maria nói lên hai tiếng “xin vâng” với Chúa.
Chào các tín hữu Ba Lan ĐTC nhắc cho biết thứ bẩy tới lễ Đức Mẹ Lộ Đức cũng là Ngày quốc tế các bệnh nhân lần thứ 25. Khi thành lập ngày này thánh Gioan Phaolô II muốn rằng nó là lúc cầu nguyện mạnh mẽ, chia sẻ, dâng hiến khổ đau cho thiện ích của Giáo Hội, và mời gọi mọi người nhận ra nơi gương mặt khổ đau của người anh em Thánh Nhan của Chúa Kitô. ĐTC cầu mong ngày này khơi dậy nơi chúng ta sự nhạy cảm và ước muốn yểm trợ vật chất và tinh thần cho các anh chị bệnh nhân. Ngài cũng cho biết ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh sẽ chủ sự thánh lễ tại Lộ Đức trong ngày này, và mời gọi mọi người hiệp ý cầu nguyện cho các bệnh nhân, đặc biệt các người bệnh nặng và cô đơn nhất, cũng như cho tất cả những ai trợ giúp họ.
Ngài cũng nhắc cho mọi người biết hôm thứ ba vừa qua tại Osaka bên Nhật Bản đã có lễ phong chân phước cho giáo dân Justo Takayama Ukon tử đạo bên Philippines năm 1615. Thay vì chấp nhận giàn xếp để được danh dự và bổng lộc của giai cấp quân nhân Samurai, ông đã chấp nhận sự hổ nhục bị đi đầy để trung thành với Chúa Kitô, và nêu gương can đảm cho mọi người.
ĐTC cũng nhắc tới ngày cầu nguyện và suy tư chống lại nạn buôn người, năm nay dành cho các trẻ em và người trẻ. Ngài khích lệ tất cả những ai trợ giúp các em trong nhiều cách thế khác nhau thoát khỏi cảnh nô lệ và bị lạm dụng áp bức. ĐTC cầu mong các giới chức chính quyền cương quyết chống lại tệ nạn này và trao ban tiếng nói cho các anh em bé nhỏ, bị hạ nhục trong phẩm giá của các em. Cần phải làm mọi nỗ lực để loại trừ tội phạm đáng xấu hổ và không thể nhân nhượng này.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ kính thánh Giuseppina Bakhita, từ bé đã là nạn nhân của tệ nạn buôn người. Xin thánh nữ giúp các bạn trẻ biết chú ý tới các bạn đồng trang lứa bị thiệt thòi và gặp khó khăn; anh chị em đau yếu biết dâng các khổ đau cầu nguyện cho việc giáo dục các thế hệ trẻ theo tinh thần kitô, và các đôi tân hôn biết tín thác nơi sự trợ giúp của Chúa Quan Phòng chứ không chỉ tin tưởng nơi các khả năng của mình.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Đài Vatican)