Chúa Nhật 8 Thường Niên – Năm A
CN.8.A
(Is 49,14-15; Tv 61; 1Cr 4,1-5; Mt 6,24-34)
Thứ tư tuần này là lễ Tro, cũng là ngày đầu tháng Thánh Giuse. Chúng ta nhìn lại những ngày tháng ghi lại sự quan phòng che chở của Thánh Giuse, đồng thời cũng là những ngày tháng Giáo Hội Việt Nam ghi nhận công ơn thánh Giuse là bổn mạng, là người cha lo lắng cho con cái nước Việt.
Ngày 2-2-1626. cha Bal-đi-not-ti, người Ý và thày Pi-a-no, người Nhật, được sai sang Bắc Việt truyền giáo theo tầu buôn của người Bồ và cập bến sông Hồng. Chúa Trịnh Tráng tiếp đón niềm nở, cử một vị danh sư tiếp đón. Vì trở ngại tiếng nói, hai nhà truyền giáo đành trở về và xin Bề trên sai những vị biết nói tiếng Việt.
Cha Alexandre de Rhodes, tên Việt Nam là Đắc Lộ, tuy mới đến Hội An năm 1624, nhưng đã được cha Pina dạy, cùng tập nói với cậu bé Cây Trâm. Cha nói sỏi tiếng Việt. Cha được Bề trên dòng Tên sai cha và cha Marques ra Miền Bắc truyền giáo. Khi ấy nhà Trịnh ở Miền Bắc và nhà Nguyễn ở Miền Nam thù địch nhau, để khỏi bị nhà Trịnh nghi là gián điệp của Miền Nam, cha Đắc Lộ phải trở về Ma Cao, rồi ngày 12-3-1617 mới lên tàu sang Miền Bắc.
Sau 6 ngày thuận buồm xuôi gió, thình lình cơn bão nổi lên. Suốt đêm bị cơn bão hành hạ, tưởng bị đắm chìm. Sáng ngày 19-3, lễ thánh Giuse, con tầu cập bến Cửa Bạng, Thanh Hóa, an toàn. Để ghi ơn phù hộ của Thánh Cả, cha gọi Cửa Bạng là cửa thánh Giuse, nhận thánh Cả là bổn mạng của giáo đoàn Miền Bắc, và dâng công cuộc truyền giáo cho Thánh Cả (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, trang 124).
Ngày 14 tháng 02 năm 1670, trong chuyến thăm giáo đoàn Đàng Ngoài, Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Giám mục tiên khởi Đàng Trong, đã họp Công Đồng tại Phố Hiến, Hưng Yên và long trọng xin nhận thánh Giuse làm quan thầy của Giáo hội Đàng Ngoài (Google)
Ngày 17 tháng 08 năm 1678, đáp ứng thỉnh nguyện của ba vị đại diện tông toà là các Giám mục : De la Motte (Đàng Trong), Pallu (Đàng Ngoài) và Cotolendi (Nam Kinh), Giáo hoàng Innôcentê XI đã ban hành Tông Hiến Sacrosancti Apostolatus (Thánh vụ Tông đồ) để tôn nhận thánh Giuse là quan thầy các Giáo phận truyền giáo Trung Hoa (cùng với Đàng Trong, Đàng Ngoài của Việt Nam, Lào, Đại Hàn, Hung Nô) (Google)
Ngày 11 tháng 10 năm 1997 trong thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa nhân dịp Hội nghị thường niên diễn ra tại Thủ đô Hà Nội ngày 6 tháng 11 năm 1997, đã nhất trí xác nhận tôn vinh thánh Giuse là Quan thầy Giáo hội Công giáo Việt Nam[4]. Thánh nhân cũng được rất nhiều giáo phận, giáo xứ hay giáo họ của Việt Nam nhận làm bổn mạng[7] (Google).
Là bổn mạng, là cha, Thánh Giuse là hình ảnh yêu thương che chở của Thiên Chúa được diễn tả qua Lời Chúa trong Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay.
Bđ1 : Bđ1 là lời Thiên Chúa, qua miệng ngôn sứ Isaia, nói với dân Israel. Trong tập Bài Giảng “Phụng Vụ Chúa Nhật & Lễ Trọng, Năm A”, cha Flor McCathy viết : “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ”. Khi ngôn sứ nói những lời yêu thương ấy thì dân Thiên Chúa ở trong thời kỳ suy sụp. Đền thờ đã bị tàn phá, Giêrusalem đã bị cướp phá và dân Chúa bị bắt đi lưu đày ở Babylon. Họ cảm thấy Thiên Chúa đã bỏ rơi họ. Nhưng Thiên Chúa bảo đảm với họ rằng Thiên Chúa không bỏ rơi họ còn hơn cả một bà mẹ vốn không thể bỏ rơi con mình” (368-369).
BTM : Bđ1 nói Thiên Chúa là người mẹ yêu thương, thì BTM nói Thiên Chúa là người cha quan phòng săn sóc. Sách Tân Ước năm 2008 của nhóm CGKPV giải nghĩa : “Nếu chuyện làm tôi Tiền Của ở trên coi như lời cảnh giác đặc biệt dành cho những người giầu có, thì những lời khuyên tin tưởng vào Chúa Quan Phòng ở đây muốn nhắn nhủ riêng những người nghèo. Vấn đề vẫn là đánh giá đúng mọi sự trong cuộc sống. Lý do chính khiến người môn đệ Chúa Kitô loại mọi âu lo không cần thiết trong cuộc sống chính là niềm tin vào Thiên Chúa như Cha, người Cha toàn năng và đầy yêu thương : Cha của anh em ở trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Tin tưởng vào Thiên Chúa không miễn thứ cho người môn đệ khỏi trách nhiệm tổ chức đời sống cho tốt đẹp và góp phần xây dựng một xã hội trần thế ngày một xứng đáng với con người hơn. Nhưng niềm tin tưởng ấy mang lại tự do nội tâm cho người môn đệ, giúp họ qui hướng tất cả cuộc sống về Thiên Chúa và về Nước của Người” (Trang 74).
Bđ2 : Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Côrintô, nước Hy Lạp ngày nay : “Chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ lòng trung thành”.
Sách Tân Ước năm 2008 cắt nghĩa : “Các mầu nhiệm Thiên Chúa chỉ đạo lý về Thiên Chúa nhằm nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu và giáo huấn của Thiên Chúa để hướng dẫn của họ” (trang 635).
Như vậy, thánh Phaolô dạy chúng ta như Chúa Giêsu dạy hãy lo lắng “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thư kia Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Trong Tông Huấn “Đấng Gìn Giữ Chúa Cứu Thế”, Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II viết về thánh Giuse như sau : “Giáo Hội phải luôn kêu cầu thánh Giuse bảo trợ, không những để bảo vệ Giáo Hội khỏi những nguy hiểm không ngừng nẩy sinh, nhưng nhất là còn để nâng đỡ Giáo Hội trong những nỗ lực canh tân nhằm rao giảng Tin Mừng cho thế giới “ (số 29).
Thánh Giuse là bổn mạng của Giáo Hội Việt Nam, là bổn mạng dòng Mến Thánh Giá, còn là bổn mạng của Đức Giám mục Giáo phận Đà Nẵng chúng ta. Chúng ta hãy tăng thêm lời cầu nguyện (26-2-2017).
—————————————
CN.8.A
Thứ ba này bắt đầu vào tháng thánh Giuse. Thày Anrê, người Canada, có thể gọi là con cưng của thánh Giuse. Hôm nay kể chuyện đời thày, xin thày giúp chúng ta yêu mến thánh Giuse, đồng thời tin vào sự săn sóc của Chúa, trong thời vật giá leo thang này.
Thày sinh ngày 9-8-1845, trong một ngôi làng nghèo nàn, nhỏ bé, cách thành phố Montréal, Canađa 40 km. Thày yếu ớt, đến nỗi phải rửa tội khi vừa mới sinh. Ba của thày làm thợ chặt cây trong rừng, luôn phải xa nhà. Mẹ thày ở nhà lo lắng săn sóc cho 10 đứa con, hai đứa bị chết khi còn nhỏ. Thày là đứa con thứ 6. Năm thày 4 tuổi gia đình phải dời chỗ ở để tìm kế sinh nhai. Khi thày 9 tuổi, ba thày bị cây đổ đè chết. Ba năm sau mẹ thày qua đời, bị lao phổi vì làm ăn vất vả. Thày thường nói : “Tôi ít khi cầu nguyện cho má tôi; song thường xuyên xin má tôi cầu cho chúng tôi”. Thày được gửi về cho dì nuôi. Chồng của dì gửi thày đi học nghề, nhưng thầy ốm yếu không học nổi. Nay học nghề thợ rèn, mai học nghề đánh giầy, mốt học nghề làm bánh…Đủ mọi nghề, chẳng học được nghề nào. 13 tuổi thày chưa biết đọc, tên thày thày cũng chưa viết được. Nhưng thày rất đạo đức. Thày thường lợi dụng lúc rảnh rỗi cầu nguyện trước Thánh Giá Chúa.
Năm 20 tuổi, nhiều người Canađa sang Hoa Kỳ kiếm ăn, thày cũng đi theo. Thày vào làm trong nhà máy bông gòn. Trong thời Mỹ đánh nhau với nước Anh để giành nền độc lập, thày làm trong nhà máy thức ăn cho quân đội Mỹ. Mặc dầu sức khỏe không có, người ta cũng bắt thày làm như trâu. Sau đó thày trở về quê hương Canađa.
Thấy thày đạo đức, cha sở giới thiệu thày vào dòng Thánh Giá ở Montréal. Dòng do Đức cha Laval sáng lập. Đức cha Lambert của VN là bạn, thì sáng lập dòng Mến Thánh Giá. Cha sở viết cho cha bề trên như sau : “Tôi xin gửi đến cho cha một vị thánh”. Bề trên không nhận, vì thày không có sức khỏe. Người thấp bé, yếu ớt. Nhờ Đức tổng giám mục can thiệp, thày mới được nhập dòng. Lúc đó thày đã 27 tuổi. Hai năm sau, ngày 2-2-1874 thày được khấn trọn đời.
Thày được giao canh cổng cho một ngôi trường của nhà dòng suốt hơn 40 năm. Ngoài giờ canh cổng, tiếp khách, thày quét nhà, rửa chén, lau cửa sổ, lau đèn, vác củi, đưa thư … , những việc rất hèn hạ, không ai muốn làm. Cuối đời thày nói đùa : “Khi mới đến, tôi được giới thiệu cho cái cổng này, tôi đã được làm bạn với nó hơn 40 năm”.
Thày có lòng mộ mến thánh Giuse. Thày lập một bàn thờ nhỏ trong phòng canh cổng. Thày luôn cầu nguyện với thánh Giuse. Các học sinh và phụ huynh bị đau ốm, thày lấy dầu trong chiếc đèn thày thắp suốt ngày trên bàn thờ thánh Giuse, lau nhẹ vào trán. Bệnh nặng bệnh nhẹ đều khỏi.
Ngôi trường mà thày canh cổng, đối diện với một ngọn đồi, rộng 72.000m2. Năm 1904, khi thày được 59 thuổi, thày xin phép nhà dòng đặt tượng thánh Giuse nhỏ trên ngọn đồi đó. Thày thường đến cầu nguyện với thánh Giuse. Nhờ thày, thánh Giuse làm nhiều phép lạ. Người ta dựng một nhà nguyện nhỏ, để đến cầu nguyện. Người ta đến cầu nguyện rất đông. Thày ao ước làm một Ngôi Đền rộng hơn để người ta đến cầu nguyện.
Năm 1924, thày 79 tuổi, người ta góp công góp của xây Đền. Ngôi Đền kính thánh Giuse lớn nhất nước Canada, với thế giơi chỉ kém Đền thờ thánh Phêrô ở Rôma. Đền dài 104m, rộng 63m, có 4000 chỗ ngồi, nếu đứng có thể chứa được 10.000 người . Tiền đường cao 43m, rộng 38m, tháp cao 60m, Thánh giá cao 8m. Từ dưới đất lên Đền có 278 bậc. Tháp chuông gồm 61 quả, quả nhỏ nhất nặng 5kg, to nhất nặng 1,10 tấn. Đền được làm phép ngày 19-3-1955. Hằng năm có 2 triệu người đến cầu nguyện.
Đền thánh Giuse chưa hoàn thành, thày Anrê đã qua đời. Đền khánh thành năm 1955, thày qua đời 1937. Thày thọ 91 tuổi. Dù trời mưa tầm tã, hơn 1 triệu người theo sau quan tài tiễn đưa thày. Thày được chôn sau Đền thờ. Trái tim của thày được thánh Giuse gìn giữ cho tới ngày nay. Tháng 3-1973 trái tim thày bị ăn cắp, nhưng hơn 1 năm sau, tháng 12-1974 trái tim thày tìm lại được.
Ngày 23-5-1982, Đức GP.II đích thân sang Canada phong chân phước cho thày. Ngày 17-10-2010 Đức Benêđíctô phong thánh cho thày.
Cuộc đời thày Anrê rất nghèo, nghèo về vật chất, nghèo về năng lực, nhưng rất giầu về đức tin, về lòng mến.
Cuộc đời thày làm chứng lời Chúa Giêsu trong thánh lễ hôm nay là thật : “Anh em đừng lo lắng tự hỏi : ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây ?… Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ cho thêm. Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai : ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6,31.33-34).
Tại sao Chúa lo ?
Bđ1 : Bởi vì Chúa là người mẹ, người mẹ thì lo lắng cho con cái. Ngôn sứ Isaia nói với những người Ít-ra-en bị lưu đày bên Babylon trong bđ1: “Có người phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình mang nặng đẻ đau ?” (Is 49,15).
Bđ2 : Còn thánh Phaolô trong bđ2 thì cho rằng : đã là quản lý của Chúa thì chỉ có mỗi một nỗi lo là trung thành với Chúa. Ngài viết cho tín hữu Cô-rin-tô : “Người ta chỉ đòi hỏi người quản lý một điều, là chứng tỏ lòng trung thành” (1Cr 4,2).
BTM : Còn Chúa Giêsu trong BTM thì nói : “Hãy xem chim trời…Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng… Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng… nay còn mai đã quăng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống là anh em, ôi những kẻ kém lòng tin !” (Mt 6,26.27.30) (27-2-2011)
————————————–
CN.8.A
Sau khi được bề trên sai ra Đàng Ngoài, miền Bắc, giảng đạo, ngày 12-3-1627, hai cha Đắc Lộ và Marqués lên thuyền từ Áo Môn, một hòn đảo của Trung quốc, trung tâm của Dòng Tên. Sau 6 ngày thuận buồm xuôi gió thì thuyền gặp bão. Con thuyền suốt một đêm chao đảo trước những cơn sóng như muốn chìm xuống đáy biển. Lạ lùng, con thuyền đi vào vùng biển Cửa Bạng, Thanh Hóa, an toàn đúng vào sáng ngày 19-3, lễ thánh Giu-se. Nhận ra ơn lạ thánh Giu-se ban, hai cha đặt cửa biển này là cửa thánh Giuse. Hai cha ở lại vùng Thanh Hóa truyền đạo chừng 4 tháng. Ngày 2-7-1627, hai cha mới đặt chân lên đất Kẻ Chợ, tức là Hà Nội (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 124-131).
Công cuộc truyền giáo rất kết quả. Ở làng Vũ Xá, cách Hà Nội khoảng 1 đến 2 ngày đi bộ, có hai ông bà coi một ngôi đền cho một bà vương phi. Dù chưa chết, bà vương phi cũng xây đền này, đế mai mốt bà chết, dân làng sẽ coi bà là thần làng, đến cúng tế cho bà.
Hai ông bà coi đền theo đạo. Tên thánh của ông là An-tôn, tên thánh của bà là Pau-la. Bà vương phi tức giận, không cho hai ông bà coi đền nữa và đuổi ra khỏi làng. Dù phải bỏ cửa nhà ruộng vườn ra đi, hai ông bà cũng không tiếc, và cũng không lo lắng cho miếng cơm manh áo ngày mai. Hai ông bà chỉ buồn là phải xa những đứa con tinh thần, mà mình đã khuyên dạy và được làm con cái Chúa.
Đến vùng đất mới, phải ăn nhờ ở trọ, hai ông bà vẫn tiếp tục làm sáng danh Chúa. Mỗi lần đến Hà Nội, ông bà đem theo hai ba chục tân tòng, để các cha rửa tội (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 118-119).
Hai ông bà An-tôn và Pau-la cần Chúa hơn cần tiền. Thật là ngược đời. Ở đời, người ta cần tiền. “Có tiền mua tiên cũng được”
“Tiền là tiên là Phật
Tiền là sức bật con người
Tiền là nụ cười tuổi trẻ
Tiến là sức khỏe tuổi già
Tiền là cái đà đi lên
Tiền là mũi tên danh vọng
Tiền là cái lọng che thân
Tiền là cán cân công lý
Có tiền là hết ý”.
Tuy nhiên người ta cũng nói :
“Tiền có thể mua được ngôi nhà sang, nhưng không mua được mái ấm
Tiền có thể mua được cái giường êm, nhưng không mua được giấc mơ đẹp
Tiền có thể mua được đồng hồ, nhưng không mua được thời gian
Tiền có thể mua được cuốn sách, nhưng không mua được kiến thức
Tiền có thể mua được địa vị, nhưng không mua được lòng trọng kính
Tiền có thể mua được thuốc men, nhưng không mua được sức khỏe
Tiền có thể mua được máu, nhưng không mua được sự sống
Tiền có thể mua được tình dục, nhưng không mua được tình yêu.
Đúng vậy, tiền không mua được tình yêu, không mua được sự sống.
Tổng thống Gad-da-fi, nước Li-bi, bị đảo chánh, chết tức tưởi trong một ống cống thóat nước ngày 20-10-2011, sau 42 năm làm tổng thống, để lại 168 tỉ đôla.
Ngày 6-1-2013, trước Tết, có vụ án Huyền Như lừa đảo 4000 tỉ, bị tù chung thân. Và ngày 16-12-2013 có vụ án Dương Chí Dũng, giám đốc Công ty Hàng Hải Việt Nam, mua một ụ ối để sửa chữa cảng Vũng Tầu với giá tiền là 6489 tỉ, đã bị lên án tử hình.
Ông bà An-tôn và Pau-la tại sao lại cần Thiên Chúa hơn cần tiền ?
Hãy đọc lại ba bài đọc thánh lễ hôm nay.
Bđ1 : Bđ1 là những lời ngôn sứ I-sai-a thay mặt Thiên Chúa nói với dân Do Thái đang phải sống làm tôi mọi cho đế quốc Ba-by-lon, là nước I-rak ngày nay. Trong cảnh nô lệ gần 50 năm, dân Do Thái đã buồn chán thất vọng, thốt lên : “Đức Chúa đã bỏ tôi. Chúa Thượng đã quên tôi rồi !”. Thiên Chúa bảo ngôn sứ hãy nói lại với dân Do Thái : “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ?Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,14-15). Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa là người mẹ, nên phải cần Thiên Chúa.
BTM : Chẳng những Thiên Chúa là người mẹ, Thiên Chúa còn là Đấng sáng tạo quan phòng. Thiên Chúa lo cho chúng ta từng miếng ăn, từng manh áo. Chúa Giê-su đã nói thế trong BTM.
Vể miếng ăn, Chúa Giê-su nói : “Hãy xem chim trời : chúng không gieo không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quí hơn chúng sao ?” (Mt 6,26).
Còn về áo mặc, Chúa Giê-su nói : “Về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào : chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà Thầy bảo cho anh em biết : ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.” (Mt 6,28-29).
Bđ2 : Thiên Chúa không bảo chúng ta ngửa mặt há miệng “chờ sung rụng”, song Thiên Chúa bảo chúng ta phải làm việc, giống như một người quản lý. Trong bđ2, thánh Phao-lô căn dặn các tín hữu thành phố Cô-rin-tô : “Thưa anh em, chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Ki-tô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều là phải chứng tỏ lòng trung thành” (1Cr 4,1-2).
Có lần, trong thư gửi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh Phao-lô đã trách những người ăn không ngồi : “Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em : ai không chịu làm thì cũng đừng ăn ! Thế mà chúng tôi nghe nói : trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân” (2Tx 3,10-12).
Với những lời Chúa dạy trong ba bài đọc, hai ông bà An-tôn và Pau-la cũng cần tiền, nhưng cần Chúa hơn : “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người (tức là sống nhân đức), còn tất cả những thứ kia (tức là miếng ăn, áo mặc), Người sẽ cho thêm” (Mt 6,34)
Linh mục Nguyễn Trung Thành