Thứ Tư Lễ Tro


Tóm tắt lịch sử

 Thứ tư lễ Tro gắn liền với thực hành thống hối của Giáo Hội thời xưa. Khi một tín hữu phạm tội trọng gây gương mù gương xấu (như giết người, bội giáo, ngoại tình) thì họ phải trải qua một thời kỳ thống hối công khai.

Trước hết họ phải thừa nhận tội lỗi của mình và thi hành cuộc thống hối công khai trong vòng 40 ngày cùng với các hối nhân công khai khác. Những người này được chuyển vào một nhóm  gọi là “hàng ngũ hối nhân”.

Nhóm hối nhân này bị cấm không được tham dự cử hành Thánh Thể. Nếu muốn tham dự lễ Phục Sinh và nếu đã ghi tên xin đền tội rồi thì sau giờ kinh Ba, họ đến nhà thờ chính tòa, chân không mang giày dép, chỉ mặc quần áo vải thô, mặt cúi xuống đất, đứng ngoài cửa nhà thờ chờ Đức Giám mục và đoàn tùy tùng đến. Họ tham dự một nghi thức long trọng, nhận y phục (áo nhặm) dành cho hối nhân để mặc suốt mùa Chay, được xức tro trên đầu, nghe khuyên bảo phải gia tăng cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Giáo Hội bày tỏ tình thương và mối quan tâm đối với hàng ngũ  hối nhân bằng việc : 1) Cầu nguyện cho họ trong phần Lời nguyện tín hữu; 2) Bắt đầu thời kỳ thống hối công khai, Đức Giám mục đặt tay trên họ; 3) Đến thứ Năm Tuần Thánh trước lễ Phục Sinh, theo Đức Innocent I, các hối nhân được hòa giải với cộng đồng tín hữu và được tham dự cử hành Thánh Thể.

Ban đầu, khởi đầu mùa Chay không có nghi thức đặc biệt nào. Cử chỉ xức tro chỉ thịnh hành ở Rôma từ thế kỷ IV và dần dần lan ra các xứ Kitô giáo. Sau đó, nhiều tín hữu tự nguyện xức tro trên đầu nhằm bày tỏ sự liên đới với các tội nhân công khai, diễn tả tội lỗi của họ và biểu lộ ý muốn thống hối.

Đến thế kỷ X mới phổ biến rộng rãi thực hành xức tro vào ngày thứ Tư vùng Rhénan (Đức). Các Đức Giáo hoàng cũng chấp nhận nghi thức này.

Vào thế kỷ XI các ngài đã kết hợp việc thống hối bằng cách xức tro với thời điểm bắt đầu mùa Chay. Lúc này lần đầu tiên người ta biết đển lời nguyện làm phép tro.

Năm 1091 Công đồng Benevent (Ý) do Đức Urbano II triệu tập ra chỉ thị rằng : “Ngày thứ Tư lễ Tro, tất cả mọi người giáo sĩ và giáo dân, đàn ông và đàn bà, đều phải nhận tro” trong cử hành phụng vụ thống hối làm cho thực hành xức tro lan rộng trong toàn bộ các vùng Kitô giáo.

Thế nhưng, chỉ từ thế kỷ XIII, việc xức tro mới thực sự được cử hành trong phụng vụ Giáo Hội. Do đó mới có tên gọi thứ Tư lễ Tro và thực hành xức tro.

Vào lúc việc thống hối công khai biến mất thì xức tro vẫn tồn tại. Tuy vậy, sách lễ Rôma 1570 đã sắp xếp cử hành xức tro trước thánh lễ chứ không như hiện nay. Tới thế kỷ XII, một tập tục phát sinh là người ta lấy tro bằng cách đốt những nhánh lá cây của lễ Lá năm trước.

Do cuộc canh tân của Công đồng Vatican II, những lời nguyện và bài đọc của lễ Tro được thay đổi trở nên phong phú hơn và hướng về chủ đề phục sinh hơn trước đây. Thay đổi đáng kể nhất là đưa việc xức tro vào Thánh lễ (sau bài giảng) và không làm gì trước thánh lễ như trước đó nữa. Nhờ vậy, chúng ta có một sự thống nhất đầy ý nghĩa giữa Thánh Thể và thống hối.

Ý nghĩa của tro

1. Thứ nhất, tro là biểu tượng nhất thời, chóng qua. Chúng là phần còn lại của một vật thể đã bị cháy rụi và bị người ta loại bỏ. Cũng thế, lửa thịnh nộ của Thiên Chúa sẽ thiêu đốt tội lỗi và tính kiêu căng của con người chúng ta thành tro bụi (Ed 28,8) Do vậy, khi tiếp nhận tro, chúng ta nhắc nhớ rằng thân phận con người thật ngắn ngủi và chóng qua dường nào, sẽ chẳng còn gì để lại ngoại trừ một nắm tro tàn (x.St 3,19; 18,27).

Thánh vịnh gia đã có suy niệm tuyệt vời về sự chóng qua của cuộc sống con người trong Tv 90 :

Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi

Ngài phán bảo :

Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi !

Ngàn năm Chúa kể là gì

Tựa hôm qua đã qua đi mất rồi

Khác nào một trống canh thôi !

Ngài cuốn đi chỉ là giấc mộng

Như cỏ đồng trổi mọc hôm mai

Nở hoa vươn mạnh sớm ngày

Chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn

Ngài thịnh nộ chúng con phải mạng vong

Nổi trận lôi đình : thấy mà khủng khiếp

Tội chúng con Chúa bày ra trước mặt Ngài

lỗi thầm kín, Thánh Nhan đều soi tỏ

Chúa nổi xung đời chúng con tàn tạ

Kiếp sống thoảng qua : một tiếng thở dài

Từ kinh nghiệm đời người thật vắn vỏi, cho nên tác giả Thánh vịnh xướng lên thỉnh nguyện sau :

Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,

Ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan

Việc nhận tro sẽ dẫn chúng ta đến một thẩm định xác thực hơn về bản thân, cũng như giúp chúng ta chọn lựa cho mình những giá trị vĩnh cửu và những gì thật đáng giá.

2. Thứ hai, tro là dấu hiệu của thanh sạch. Trông tro dường như rất nhơ bẩn nhưng thật ra chúng lại là một thứ rất sạch vì chúng là kết quả của tiến trình đốt cháy trong đó ngọn lửa đã hủy diệt tất cả những gì nhơ uế. Khi lên nhận tro, chúng ta được mời gọi trải qua một tiến trình thanh lọc như thế trong 40 ngày chay thánh. Chắc chắn có sự đau đớn trong quá trình đốt cháy nhưng nhờ đó mới có sự thanh sạch và giải thoát.

3. Thứ ba, trong truyền thống Thánh Kinh cũng như phần lớn các tôn giáo cổ xưa, tro tượng trưng cho sự vô nghĩa của con người. Nó là biểu tượng của nỗi sầu riêng hay chung và của lòng thống hối.

Cùng với những lời khi lên nhận tro “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về tro bụi“, chúng ta nhắc nhớ đến tội nguyên tổ của Ađam và Evà (St 3,19). Lắng nghe những lời này, chúng ta thấy mình đang xếp trong hàng ngũ những tội nhân. Chúng ta ý thức rằng, cũng giống như tổ tông Ađam Evà xưa kia, chúng ta đã bất tuân Thiên Chúa và vì thế cần phải thống hối để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa (Gn 3; Is 58,5; 61,3; Gr 6,26).

Giuse Phạm Đình Ái,SSS,

Đức Kitô Hôm Qua Cũng Như Hôm Nay, trang 188-192