Phỏng vấn cha Giulio Michelini về việc giảng tĩnh tâm cho giáo triều Roma


Trong các ngày từ mùng 5 tới mùng 10 tháng 3 tới này cha Giulio Michelini, dòng Anh em hèn mọn Phanxicô, sẽ giảng tĩnh tâm mùa Chay cho ĐTC và các nhân viên Trung Ương Toà Thánh tại nhà tĩnh tâm Divino Maestro tỉnh Ariccia cách Roma 37 cây số. Đề tài cho cuộc tĩnh tâm là “Cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu theo Phúc Âm thánh Mátthêu”.

Cha Michelini sinh năm 1963 tại Milano bắc Italia, gia nhập Dòng Anh em hèn mọn Phanxicô năm 1986. Năm 1987 thầy Michelini mặc áo dòng và làm nhà tập tại đan viện  San Damiano ở Assisi, khấn trọng năm 1992, và thụ phong linh mục năm 1994. Trong thời gian học tại Học viện thần học Assisi cha đã có linh mục Giuseppe Betori như giáo sư kinh thánh. Năm 1997 cha lấy bằng tiến sĩ ngữ học và văn chương ngoại quốc tại đại học Perugia. Tiếp đến năm 2008 cha lấy bằng tiến sĩ thần học kinh thánh tại đại học giáo hoàng Gregoriana ở Roma. Cha cũng đã sống 3 năm tại Giêrusalem cho tới năm 2007.

Từ năm 1993 tới năm 1996 cha Michelini đã là giám đốc cư xá sinh viên Monteripido ở Perugia và cộng tác tích cực với các TGM Ennio Antonelli và Giuseppe Chiaretti. Cha cũng đã là giáo sư các môn dẫn nhập và chú giải Thánh Kinh Tân Ước tại Học viện thần học Assisi, và là giám đốc nguyệt san Convivium Assisiense. Năm 2014 cha được chỉ định là giáo sư kinh thánh thực thụ của học viện thần học Assisi. Trong các năm 1997-2001 cha cũng trợ giúp văn phòng tổng thư ký của HĐGM Italia. Từ năm 2011 tới 2017 cha là bề trên tu viện Farneto. Cha cũng là giám đốc văn phòng tông đồ kinh thánh của giáo phận Perugia – Città della Pieve.

Cha Michelini là tác giả của vài cuốn sách và bài khảo luận như : « Máu của giao ước và sự cứu rỗi người tội lỗi. Một đọc hiểu mới hai chương 26-27 Phúc Âm thánh Mátthêu »  (2010);  « Nicola da Lira và việc chú giải do thái (2013); Mátthêu ». « Chú giải. Dẫn nhập, bản dịch và chú giải” 2013); “Một ngày với Chúa Giêsu. Một ngày tại Capharnaum theo thánh sử Marcô” (2015); « Bài thánh thi của mọi thánh thi. Niềm vui của tương quan nam nữ” (2016).

Cha Giulio Michelini là giáo sư chú giải kinh thánh tân ước tại Học viện thần học Assisi và là tuyên uý Phong trào Giáo Hội dấn thân thăng tiến văn hóa. Cha cũng hoạt động mục vụ trong lãnh vực kinh thánh, hướng dẫn các cặp vợ chồng kitô, và đặc trách việc huấn luyện các ứng viên Phó tế  vĩnh viễn trong giáo phận Perugia-Città della Pieva. Cha là chuyên viên nghiên cứu Phúc Âm thánh Mátthêu và đặc biệt nghiên cứu về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn cha về đề tài cuộc thuyết giảng tĩnh tâm mùa Chay này cho giáo triều Roma.

Hỏi: Thưa cha, cha đã tiếp nhận lời ĐTC Phanxicô mời giảng tĩnh tâm cho giáo triều Roma như thế nào?

Đáp: Tôi đã tiếp nhận lời mời của ĐTC với ý thức trách nhiệm, niềm vui và một chút lo lắng. Tôi nhận ra ngay đây là một việc quan trọng, và tôi xin thú thật là trước khi nhận lời mời của ĐTC tôi đã hỏi ý kiến cha linh hướng của tôi.

Hỏi: Tại sao cha lại đã chọn đề tài “Cuộc Khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu theo Phúc Âm thánh Mátthêu” cho cuộc giảng tĩnh tâm này cho ĐTC và các nhân viên làm việc trong giáo triều Roma?

Đáp: Việc bắt đầu Mùa Chay đã hướng chúng ta tới Tuần Thánh, trong đó chúng ta cử hành trung tâm điểm của mầu nhiệm kitô, là cuộc Khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Đó là một lý do. Đàng khác, tôi đã được đào tạo, tôi đã làm việc và đào sâu các nghiên cứu về cuộc Khổ nan của Chúa Giêsu theo Phúc Âm thánh Mátthêu. Vì thế tôi cho rằng mình có thể đo lường với văn bản trong đó tôi đã rất tập trung sự chú ý của mình vào đề tài này, và tôi tin rằng mình có thể nói điều gì đó có ích lợi liên quan tới đề tài ấy.

Hỏi: Sự kiện cha yêu thích Phúc Âm thánh Mátthêu phát xuất từ đâu?

Đáp: Lý do  thứ nhất là vì luận án tiến sĩ của tôi dành cho Phúc Âm của thánh sử. Thế rồi phụng vụ năm nay đề nghị các bài đọc trích từ Phúc Âm của thánh Mátthêu, cũng là Phúc Âm của thánh Phêrô và của Giáo Hội. Phúc Âm thánh Mátthêu cũng là Phúc Âm duy nhất biết tới từ “Ecclesia” Giáo Hội. Ngoài ra khi tôi nói, tôi sẽ có trước mặt các mục tử của Giáo Hội, vì vậy tôi đã nghĩ chọn một bối cảnh cho phép lắng nghe chính thánh Phêrô. Ngoài ra việc dẫn nhập vào cuộc tĩnh tâm sẽ bắt đầu ngày Chúa Nhật và sẽ chú ý tới hai điểm: ở với Chúa Giêsu và ở với thánh Phêrô.

Hỏi: Sẽ có gì thời sự trong các bài suy niệm của cha hay không?

Đáp: Có chứ, rất là thời  sự. Tôi nghĩ tới bài suy niệm sẽ nói về bà vợ của quan Philatô. Tôi đã được một cặp vợ chồng giúp đỡ. Đây là cặp vợ chồng mà tôi đã cộng tác từ nhiều năm nay: đó là anh chị Gillini-Zattoni. Điều này để nói rằng trong các suy tư cũng có đề tài gia đình. Rồi cũng bước vào trong các suy tư người nghèo, bởi vì khởi đầu cuộc Khổ Nạn, trong trang kể lại việc bà Maria Madalena xức dầu thơm trên chân Chúa ở Betania, Chúa Giêsu nói: “Người nghèo chúng con sẽ luôn luôn có họ với chúng con”. Rồi cũng bước vào suy tư các người khổ đau, như Chúa Giêsu đau khổ trong vườn Giệtsêmani: chúng ta có thể nói rằng tại nơi này có tất cả những người giờ đây đang phải sống trong thử thách, và như Chúa Giêsu, đôi khi họ phải vất vả đi theo ý muốn của Thiên Chúa. Cả các văn bản được chọn cho các suy niệm cũng đại diện cho nhiều tác phẩm khác nhau, chứ không phải chỉ hạn hẹp trong các văn bản phúc âm: tôi sẽ quy chiếu các tác phẩm như: “Vương quốc” của Emmanuel Carrière, “Giuđa” của Amos Oz và “Biến đổi hình dạng” của Franz Kafka, mà tôi sẽ sử dụng cho bài suy niệm cuối cùng về sự phục sinh, trong đó tôi sẽ nói về sự thức dậy của Chúa Giêsu, “Sự lựa chọn của Sophie” của William Styron, từ đó đạo diễn Alan Pakula đã đóng cuốn phim với Meryl Streep. Nó là một cuốn sách rất quan trọng sẽ giúp tôi nói về Chúa Giêsu và Barabba.

Hỏi: Sự kiện là tu sĩ Phanxicô ảnh hưởng trên các bài suy niệm của cha tới mức nào?

Đáp: Tôi tin là nó ảnh hưởng nhiều lắm, bởi vì tôi đã được chuẩn bị ở Capharnaum. Các anh em Phanxicô đã tiếp đón tôi trong thành phố của Chúa Giêsu, như chúng ta đọc trong Phúc Âm thánh Mátthêu. Trong các suy niệm này tôi sẽ liên tục quy chiếu cuộc sống của Chúa Giêsu tại Galilea, các biến cố mà cho tới nay chúng ta vẫn còn trông thấy các ký ức lịch sử và khảo cổ của Thánh Địa, mà các tu sĩ Phanxicô chúng tôi là những người giữ gìn quản thủ. Vì thế tôi hy vọng là sẽ đem lại một chút gì đơn sơ. Tôi sống trong tỉnh dòng Perugia, trong một tu viện mà ĐTC Phanxicô sẽ gọi là ở vùng ngoại biên. Cách tu sĩ Phanxicô chúng tôi cũng có chiều kích này của việc tiếp xúc với dân chúng và dân Thiên Chúa. Tôi muốn tạo dễ dàng cho việc tiếp xúc này qua các suy niệm của tôi.

Hỏi: Sự kiện một Giáo Hoàng lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội chọn tên là Phanxicô đã tạo ra nơi cha hiệu quả nào?

Đáp: Tôi đã lập tức trực giác rằng đây là một dấu chỉ để bước theo thánh Phêrô, ngài đã không chỉ chọn loan báo Chúa Kitô với sứ vụ giáo huấn, mà cũng chọn loan báo Chúa qua các cử chỉ và cả với một kiểu sống gần gũi  với kiểu sống của thánh Phanxicô thành Assisi. Các tu sĩ Phanxicô chúng tôi tất cả rất vinh dự vì sự lựa chọn này, và chúng tôi đã hiểu rằng đây là một cơ may  cho Giáo Hội ngày nay. Nghĩa là đây là việc loan báo Tin Mừng như Chúa Giêsu đã làm và như thánh Phanxicô đã làm giữa dân chúng.

(Oss. Rom. 24-2-2017)

Linh Tiến Khải

(Nguồn: Đài Vatican)