Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm A


 CN.2.MC.A

Trong công nghị lúc 11 giờ sáng ngày 11 tháng 2 năm 2013, trước sự hiện diện của các Hồng y và Giám mục, Đức Bê-nê-đíc-tô tuyên bố từ chức, từ lúc 20 giờ thứ năm, ngày 28 tháng 2 năm 2013. Thật là một tin động trời, như tiếng sét đánh trên đỉnh Đền thờ thánh Phê-rô.

Đức Bê-nê-đíc-tô từ chức đã là một chuyện lạ, mà ngay cả việc bầu Đức Phan-xi-cô lên làm chủ chăn Giáo Hội vào ngày 13-3-2013 cũng là một chuyện lạ. Lúc loan báo có Đức giáo hoàng mới, một con chim bồ câu đậu trên đỉnh Đền thờ thánh Phê-rô.

Đức Hồng y Jor-ge Ma-ri-o Ber-go-glio không phải là cái tên nổi bật, dù ngài đã từng về nhì trong lần bầu năm 2005.

Trước khi Mật nghị Hồng y diễn ra tại Va-ti-can, giới truyền thông đã đề cập tới những ứng cử viên sáng giá nhất cho ngôi vị giáo hòang. Họ nhắc tới nhiều cái tên, như hồng y Angelo Scola (Italy), hồng y Odilo Pedro Scherer (Brazil), hồng y Marc Ouellet (Canada). Hầu như không ai để ý tới hồng y Jorge Mario Bergoglio. Thậm chí, khi còn sống, Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận của chúng ta cũng là một ứng cử viên tầm cỡ. nhưng rất tiếc ngài đã qua đời.

Lối sống giản dị tới mức khắc khổ và bản tính khiêm nhường là điểm nổi bật của Giáo hòang Phan-xi-cô. Sau khi trở thành người đứng đầu Giáo hội Argentina năm 2001,  chưa bao giờ ngài sống trong một tòa nhà tráng lệ của Hồng y. Thay vào đó, ngài chọn căn hộ nhỏ trong một chung cư. Ngài thường xuyên di chuyển bằng xe buýt và tự nấu nướng.

Báo La Nacion của Argentina viết rằng, khi Hồng y Bergoglio tới Rome, ngài không muốn mọi người biết ngài là Hồng y. Vì thế ngài thường xuyên mặc áo chùng đen. Ngoài ra, khi được thụ phong chức Hồng y, Bergoglio quyết định không mua bộ trang phục mới; thay vào đó, ngài yêu cầu những người giúp việc sửa lại trang phục của vị Hồng y tiền nhiệm để nó vừa với thân hình ngài. Trong cuộc họp của các Hồng y tại Rô-ma, ngài thường ngồi ở hàng ghế cuối vì không muốn gây sự chú ý.

Với tư cách cá nhân hay chức sắc tôn giáo, Đức Phanxicô được đánh giá là người khiêm nhường, quan tâm đến người nghèo, và sẵn sàng đối thoại với các nhóm. Sau khi đắc cử Giáo hòang, ngài thể hiện một tác phong giản dị hơn trong quá trình làm việc hàng ngày, chẳng hạn ngài chọn nơi cư ngụ là Lưu xá Thánh Mát-ta (một nhà khách của Vatican) thay vì trong căn hộ dành riêng cho Giáo hoàng; mặc áo đơn giản, và từ chối mặc chiếc áo choàng sặc sỡ truyền thống dành cho Giáo hoàng.

Mặc dù chỉ mới lên lãnh đạo Giáo hội Công giáo được vài tháng nhưng tạp chí danh giá Forbes đã xếp hạng ngài ở vị trí thứ 4 trong số những nhân vật quyền lực nhất thế giới của năm 2013. Còn Tạp chí Time bình chọn ngài là nhân vật của năm 2013.

Ngài là một vị Giáo hoàng bình dị. Ngài không phô trương quyền thế như các Giáo hoàng khác. Ngài chọn nhẫn mạ bạc thay vì nhẫn vàng, dây chuyền thánh giá sắt thay vì vàng, quần đen thay vì trắng, tất đen thay vì tất trắng, và chọn giày đen thay vì giày đỏ.

Bđ1: Tiếng sét và chim bồ câu trên đỉnh Đền thờ thánh Phê-rô muốn nói lên rằng : việc Đức Bê-nê-đíc-tô từ chức và Đức Phan-xi-cô được bầu làm giáo hoàng là việc của Chúa. Cho dù việc đó lạ lùng, khó hiểu.

Việc từ chức và lên ngôi giáo hoàng, giống như việc Chúa chọn ông Áp-ra-ham làm tổ phụ dân riêng của Chúa được kể trong sách Sáng Thế trong bđ1.

Khi Chúa chọn ông, ông đã 75 tuổi, lại ở xa mãi thành Ur, của nước I-rak ngày nay. Vừa già vừa ở xa, gian nan biết mấy, nhưng ông Áp-ra-ham vẫn tin, mà đáp lời Chúa gọi : “Ông Áp-ram ra đi như Chúa đã phán với ông” (St 12,4a).

BTM: Trong BTM, thánh Mát-thêu kể lại câu chuyện Chúa Giê-su biến hình. Trước khi biến hình, Chúa Giêsu-su loan báo cuộc thương khó của Chúa. Chúa mà bị đau khổ, tin làm sao được? Nên “thánh Phêrô-rô đã kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người” (Mt 16,22). Chẳng những Chúa Giê-su phải chịu thương khó, mà cả những người theo Chúa cũng phải “bỏ mình, vác thập giá” (Mt 6,24).

Có chịu thương khó và vác thập giá, thì mới “ở đây thật hay…dựng ba cái lều” (Mt 17,4).

Bđ2: “Bỏ mình, vác thập giá”, điều đòi hỏi của Chúa ai mà hiểu nổi, ai mà theo nổi. Trước khi bị chặt đầu, thánh Phao-lô đã khuyến khích thánh Ti-mô-thê, người môn đệ yêu dấu : “Anh yêu quí, dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2Tm 1,8b).

Trong cuộc sống nào ở trần gian cũng phải “bỏ mình, vác thập giá”, “cũng phải đồng lao cộng khổ”. Trong cuộc sống gia đình bíết bao vất vả. Phải chịu đựng, phải vượt qua, gia đình mới yên vui hạnh phúc (16-3-2014)

————————–

CN.2.MC.A

Hôm qua, ngày 19-3, lễ thánh Giuse. Giáo Hội gọi thánh Giuse là thánh Cả, thánh lớn; vì thánh Giuse chẳng những là cha nuôi Chúa Giêsu, là bạn Đức Mẹ, mà còn là bổn mạng của Giáo Hội hồn cầu.

Năm 1870 Đức giáo hồng Piô IX đã xin thánh Giuse làm bổn mạng Giáo Hội. Giáo Hội lúc đó gặp biết bao gian nguy.

Năm 1840 các tiểu vương quốc nước Ý hiệp lại thành một nước Ý thống nhất bãi bỏ quyền lãnh đạo của Đức giáo hòang.

Năm 1849 Đức giáo hòang kêu gọi nước Pháp đem quân giúp đỡ, đến ngày 2-9-1870 quân Pháp thua. 18 ngày sau, ngày 20-9-1870 nươc Ý thống nhất chiếm đất của Đức giáo hòang, chỉ để lại 44 mẫu.

Đức Piô IX phản đối, cho là “cướp đất của Tòa Thánh”, và tuyên bố mình là “người tù trong mảnh đất Vaticanô”, không đi đâu nữa. Dù nhờ quân đội nước ngòai giúp đỡ cũng không bảo vệ được đất đai, ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8-12-1870, Đức giáo hòang xin thánh Giuse che chở và bảo vệ Hội Thánh.

Thánh Giuse cũng là bổn mạng của Giáo Hội Việt Nam. GHVN nhận thánh Giuse làm Đấng che chở bảo vệ từ năm 1627, trước Tòa Thánh cả 243 năm.

Năm 1627, cha Alexandre de Rhodes, tên VN là Đắc Lộ, được sai đến Miền Bắc truyền giáo. Ngày 12-3 ngài từ Macao, Trung Quốc, xuống thuyền đến Miền Bắc. Con đường biển rất ngắn, nhưng vì bão tố đã trở nên dài và nguy hiểm. Nhờ thánh Giuse, thuyền cập bến Cửa Bạng, Thanh Hóa, bình an, đúng vào ngày lễ thánh Giuse. Cha Đắc Lộ nhớ ơn thánh Giuse đặt tên Cửa Bạng là Cửa Giuse, người được rửa tội đầu tiên mang tên Giuse, và xin thánh Giuse là bổn mạng của Giáo đoàn Miền Bắc.

Đức cha Lambert de La Motte, giám mục đầu tiên của VN đi thăm giáo đòan Miền Bắc. Ngày 14-2-1670, họp Công đồng Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên, Đức cha đã xin thánh Giuse làm bổn mạng giáo đoàn Miền Bắc.

Sau đó 5 ngày, lễ Tro ngày 19-2-1670, lập dòng Mến Thánh Giá, ngài cũng nhận thánh Giuse làm bổn mạng của dòng. Trước đó 6 năm, năm 1664 tại Thái Lan, Đức cha đã lập Đại Chủng Viện và nhận thánh Giuse làm bổn mạng. Đại chủng viện Giuse ở Thái Lan là nơi đào tạo các linh mục VN. Cha Giuse Trang và Luca Bền, hai linh mục VN đầu tiên được huấn luyện tại đó.

Vì bệnh tật, không thể trở lại với GHVN, năm 1678 Đức cha Francois Pallu đề nghị Tòa Thánh phong chức giám mục cho 6 linh mục VN, 4 ở Miền Bắc, 2 ở Miền Nam. 8 năm sau, ngày 20-5-1686 Tòa Thánh yêu cầu Đức cha Francois Deydier, giám mục giáo phận Đông, tức Hải Phòng, chọn một linh mục VN làm giám mục phó. Một năm sau, năm 1687 Tòa Thánh yêu cầu hai Đức giám mục Hải Phòng và Hà Nội giới thiệu các ứng viên giám mục VN.

Trong số các ứng viên có linh mục Giuse Phước, người Thanh Hóa, bị chết rũ tù  năm 1732, thọ 72 tuổi. Nếu cha Phước được chọn thì ngài là giám mục người VN đầu tiên từ năm 1686; chứ không phải mãi đến năm 1933, 257 năm sau (1686-1933), mới có gíám mục người VN đầu tiên Đức cha Nguyễn Bá Tòng, người Gò Công.

Cha Giuse Phước được giới thiệu làm giám mục, khi còn là chủng sinh mới 26 tuổi. Cha học tại ĐCV Giuse Thái Lan 10 năm. Cha giám đốc nhận xét cha như sau : “Thày có tâm hồn đơn sơ, nhẹ nhàng, khiêm tốn, nết na, chăm chỉ đạo đức, tiết độ, mau mắn vâng phục trong mọi sự cách vui vẻ, rất yêu mến đức khó nghèo…(Nguyễn Thanh Tùng, Lịch Sử Thành Lập Hàng Giáo Phẩm VN, trang 47-58).

 

Bđ1 : Lời Chúa trong bđ1 thánh lễ là câu chuyện ông Ap-ra-ham làm đầu dân tộc Ít-ra-en. Sau khi nguyên tổ A-đam và E-và phạm tội, Thiên Chúa muốn thiết lập một dân riêng. Thiên Chúa đã chọn ông Ap-ra-ham, người thành Ur, của nước I-rak ngày nay. Thiên Chúa phán với ông Ap-ra-ham : “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12,1-2).

 

BTM : Dân Ít-ra-en, dân riêng của Chúa, cũng phản bội Chúa. Chúa đành phải dùng cách cuối cùng là sai Đức Giêsu, con của Người, xuống thế cứu chúng ta.

Qua cuộc biến hình trên núi, Chúa Giêsu đã tỏ cho ba môn đệ biết : chính Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Chúa sai xuống cứu trần gian. Lời Chúa Cha từ đám mây phán : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5).

 

Bđ2 : Bđ2 là một đoạn thư thánh Phaolô gửi ông Ti-mô-thê, người môn đệ yêu dấu. Khi gửi lá thư này, thánh Phaolô đang bị giam tù ở Rôma và chờ ngày ra tòa chịu chém đầu. Thánh nhân khuyên : “Anh yêu qúi, dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2Tm 1,8).

Qua thánh lễ hôm nay, những người làm đầu, những người lãnh đạo Hội Thánh phải đau khổ, phải vác thập giá.

Ông Ap-ra-ham lãnh đạo dân Chúa phải rời bỏ xứ sở, nhà cha mẹ, mà đi tới miền đất xa lạ.

Chúa Giêsu cứu nhân loại khỏi tội lỗi phải chết trên thánh giá.

Thánh Phaolô đi đây đó rao giảng Tin Mừng thì bị chém đầu.

Đức giáo hòang chèo lái con thuyền Giáo Hội thì bị kẻ thù phá phách.

Cha Đắc Lộ đem Chúa đến cho dân Việt Nam thì bị bão tố biển cả đe dọa.

Thế nhưng mọi khổ đau, mọi đe dọa, mọi nguy hiểm đều qua đi, nếu biết cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, sự giúp đỡ của Đức Mẹ, sự phù hộ của thánh Giuse và các thánh (20-3-2011)

———————-

CN.2.MC.A

Nhà văn Pháp Victor Hugo nói một câu để đời. Đó là câu : “Đầu đường thập giá cuối đường vinh quang”.

 

BTM : Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay cho biết : khi được nghe Chúa Giêsu nói về cuộc đời khổ giá của Chúa, và cuộc đời khổ giá của mỗi người đi theo Chúa, các tông đồ nản chí và thất vọng. Chúa đã đưa các ông lên núi để chứng kiến cảnh biến hình vinh quang của Chúa.

Cảnh biến hình của Chúa xảy ra vào “sáu ngày” sau khi Chúa nói về thập giá đau khổ, tức là vào ngày thứ bảy.  Trong sách Sáng Thế kể : Thiên Chúa sáng tạo muôn vật trong vòng 6 ngày, ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi. Một tuần có 7 ngày : 6 ngày làm việc vất vả, 1 ngày nghỉ ngơi. Vào ngày thứ bảy, ngày nghỉ ngơi, Chúa Giêsu đã đưa các tông đồ lên núi, để chứng kiến cảnh Chúa biến hình sáng láng. Cảnh biến hình là ngày thứ bảy nghỉ ngơi cho những ai vất vả lao động trong 6 ngày. Cảnh biến hình là phần thưởng cho những người dám chịu khổ vì Chúa, cho những người “Đầu đường thập giá, cuối đường vinh quang”.

 Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay còn cho chúng ta hai gương sáng về cuộc đời “đầu đường thập gia, cuối đường vinh quang”. Đó là cuộc đời của ông Ap-ra-ham, và thánh Phaolô.

 Bđ1 : Ông Ápraham là người thành Ur, tức là một thành phố thuộc nước Irak bây giờ. Năm 75 tuổi, ông được Chúa gọi, và bảo : “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng” mà đi tới nước Do Thái. Chúa hứa với ông : “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho người. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là mối phúc lành”.

Ông đã xin vâng. Ông đã trải qua bao nhiêu ngàn cây số. Tới nơi ông gặp nạn đói, phải sang Ai Cập để xin ăn. Biết bao nhục nhằn khổ sở mà vẫn chưa thấy hào quang của ngày thành “một dân lớn”, “tên tuổi được lừng lẫy”. Tuy vậy, ông vẫn tin tưởng vào lời Chúa hứa.

Cuối cùng Chúa đã thưởng cho ông. Năm ông 99 tuổi và bà Sara vợ ông 90 tuổi, thì Chúa đến báo cho ông năm tới sẽ có con. Thế là ông trở thành tổ phụ của dân Do Thái, cả của đạo Công giáo và Hồi giáo.

Bđ2 : Gương thứ hai là thánh Phaolô. Sau khi bị Chúa quật ngã trên đường đi bắt bớ các con cái Chúa, thánh Phaolô đi truyền giáo. Ngài phải chịu mọi khổ sở. Cuối cùng ngài bị tù ở Rôma. Chính trong nhà tù ngài đã viết thư khuyến khích thánh Timôthê, người con yêu qúi của mình : “Anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng”.

Chúa nhật I Mùa Chay vừa qua, Lời Chúa nói về sự sa ngã của ông Ađam và bà Eva, và cuộc chiến thắng của Chúa Giêsu trước 3 cơn cám dỗ của ma qủi. Lời Chúa chúa nhật II Mùa Chay hôm nay nói đến những vinh quang, phần thưởng cho những người sẵn sàng vác thập giá đi theo Chúa (17-2-2008)

———————————-.

CN.2.MC.A

Lời Chúa của Chúa nhật tuần trước, Chúa nhật I Mùa Chay, nói về những cơn cám dỗ. Lời Chúa của Chúa nhật tuần nay, Chúa nhật II Mùa Chay, nhắc nhớ các Kitô hữu rằng : Mùa Chay chẳng những tham dự vào mầu nhiệm đau khổ và tử nạn, mà còn tham dự vào mầu nhiệm phục sinh và vinh quang.

Bài đọc 1 : Bđ1 là câu chuyện Thiên Chúa gọi ông Abraham. Sau khi nói về nguồn gốc vũ trụ và lòai người, sách Sáng Thế kể về nguồn gốc dân Chúa, dân Israel. Nguồn gốc dân Israel bắt nguồn từ ông Abraham. Ông là tổ phụ của dân Israel, dân Do thái và cả của dân Pa-lét-tin, Hồi giáo. Thư Rôma còn cho ông là cha của những kẻ tin, tức là chúng ta (Rm 4,11).

Từ thành Ur Thiên Chúa gọi ông. Thành Ur là một trong những trung tâm văn minh của miền Nam Lưỡng Hà Địa, miền Su-me, thuộc nước Irak ngày nay. Hồi năm 2000, để kỷ niệm 2000 năm Kitô giáo, Đức Giáo hòang Gioan-Phaolô II đã đi thăm các địa điểm lịch sử quan trọng của đạo, như núi Si-nai ở Ai cập, nơi Thiên Chúa ban 10 giới răn. Còn thành Ur, quê hương tổ phụ Abraham thuộc nước Irak, tổng thống Sađam Hussein đã không cho phép Đức Giáo hòang tới thăm.

Tại thành Ur, Thiên Chúa phán với ông Abraham : “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12,1-2).

Tác giả sách Sáng Thế đã suy gẫm về nguồn gốc con người và hậu qủa của tội lỗi : Cain, Lụt Hồng thủy, tháp Baben, nghĩa là con người dấn sâu vào tội lỗi và đưa tới việc Thiên Chúa giáng phạt và chúc dữ. Nhưng từ ông Abraham, có một sự đổi thay trong lịch sử lòai người. Chúa phán với ông : “Ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi… mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,2.3).

Tác giả đã đặt ông Abraham như là một sự đối nghịch với ông Ađam. Ông Ađam đã hoài nghi và không vâng lời; còn ông Abraham thì tin và vâng lời. Ông Ađam làm cho sự dữ xâm nhập vào lòng người và lôi kéo sự chúc dữ của Thiên Chúa; còn từ ông Abraham trở đi, lòai người được mời gọi sống trong hy vọng.

 Thư Do thái đã viết về ông Abraham : “Nhờ đức tin, ông Ap-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại đất hứa và tại một nơi đất khách” (Dt 11,8-9).

Có lẽ chả có thử thách nào kinh khiếp cho bằng Thiên Chúa bảo ông Abraham giết I-xa-ac, đứa con một. Một đàng Thiên Chúa bảo : “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn” (St 12,2), một đàng Thiên Chúa lại bảo : “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Ixấc, mà dâng nó làm của lễ tòan thiêu” (St 22,2). Một bên là Thiên Chúa, một bên là con. Bên nào cũng đều xót xa. Thư Do thái viết về biến cố này như sau : “Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Ap-ra-ham đã hiến tế I-xa-ác; dù đã nhận được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một” (Dt 11,17).

Tin Mừng : Biến cố biến hình trong bài TM hôm nay vừa nói đến thân phận đau thương của Chúa Giêsu, Đấng Thiên sai, vừa là niềm an ủi cho các môn đệ. Biến cố biến hình tiếp theo sau lời tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô : “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16) và lời loan báo thương khó lần thứ nhất : “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21).

Trước hết, biến cố biến hình nói đến thân phận thương đau của Chúa Giêsu. Tiếng từ đám mây phán : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Đó là lời trong Tv 2, Tv phong vương. Lời làm chứng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Đấng Thiên sai. Tuy nhiên, lời này cũng là lời của người tôi tớ đau khổ trong ngôn sứ Isaia.

Như vậy, Chúa Giêsu là Đấng Kitô, song cũng là người tôi tớ đau khổ. Trong cuộc biến hình có ông Môsê và Elia hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu. Sự hiện diện của hai vị chứng tỏ Chúa Giêsu là Đấng Kitô đang đến. Người đến để làm trọn những gì Lề Luật và các ngôn sứ đã nói. Ong Môsê biểu tượng cho Lề Luật, còn ông Êlia biểu tượng cho các ngôn sứ.

Thứ đến, biến cố là niềm an ủi cho các môn đệ đang phân vân vì Thầy mình phải đau khổ, phải chết; còn chính các ông thì cũng phải vác thánh giá. Chính nhờ thập giá đau thương mới có cảnh “Lạy Ngài, chúng con ở đây thật hay” (Mt 17,4).

Bài đọc 2 : thư II gửi cho ông Timôthê trong bđ2, thánh Phaolô viết khi đang bị giam trong tù ở Rôma từ năm 61-63. Đây là lá thư cuối cùng trong 13 lá thư thánh Phaolô viết. Vì thế giọng văn đầy xúc động. Timôthê vừa là đứa con tinh thần qúi mến, vừa là cộng sự viên đắc lực. Thánh Phaolô đã gặp khi đến Lystra vào năm 46, 47 trong hành trình truyền giáo II. Cha của Timôthê là người Hy lạp, mẹ là người Do thái trở lại. Lòng đạo đức của Timôthê là nhờ mẹ và bà ngọai.

Thánh Phaolô viết nơi đầu thư : “Nhớ đến những giọt nước mắt của anh, tôi ước ao gặp lại anh để được chan chứa niềm vui. Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lô-ít, bà ngọai của anh, nơi bà Êu-ni-kê, mẹ anh, cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy” (2Tm 1,4-5).

Thánh Phaolô đã ủy thác giáo đòan Ephêsô cho Timôthê trông coi, một giáo đòan gặp nhiều khó khăn, nhất là bị lạc giáo Ngộ Đạo lũng lọan. Lạc giáo cho rằng vật chất là xấu, chỉ có tinh thần là tốt. Vật chất là xấu thì thân xác cũng xấu. Thân xác mà xấu thì Chúa Giêsu không thể lấy xác làm  xác mình. Tóm lại, lạc giáo Ngô Đạo không tin mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, không tin mầu nhiệm Thiên Chúa làm người.

Thánh Phaolô đã an ủi ông Timôthê : “Anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2Tm 1,8). Hãy đồng lao cộng khổ vì : “Chính Đức Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử” (2Tm 1,10).

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay khuyến khích chúng ta vác thập giá, vì có thập giá mới có vinh quang. Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại. Chúng ta cũng phải chết mới được sống lại (20-2-2005)

Linh mục Nguyễn Trung Thành