Ngày cuối cùng của ĐTC tại Cuba và ngày đầu tiên trên đất Mỹ
Tường thuật sinh hoạt cuối cùng của ĐTC tại Cuba và lễ nghi tiếp đón ĐTC tại Washington DC.
Như chúng tôi đã loan báo trong các buổi phát hôm qua, trong ngày 22 tháng 9 sau thánh lễ cử hành lúc 8 giờ sáng tại Đền thánh Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng, ĐTC đã đi xe đến nhà thờ chính tòa cách đền thánh 19 cây số để gặp gỡ các gia đình. Buổi gặp gỡ đã diễn ra trong hình thức một buổi cử hành Lời Chúa.
ĐTC đã vào nhà thờ chính tòa qua cửa sau và đi thẳng đến bàn thờ. Sau lời chào của ĐTGM Garcia Ibánhez là chứng từ của một gia đình Cuba. Giảng sau Phúc Âm kể lại phép lạ hóa nước thành rượu ngon tại tiệc cưới làng Cana, ĐTC đã khích lệ mọi người săn sóc, che chở gia đình và đồng hành với nó. Vì gia đình không phải là một vấn đề, nhưng là một cơ may, một phước lành cho từng người, cho xã hội và cho toàn nhân loại.
Sau khi cám ơn các gia đình và toàn dân Cuba vì sự tiếp đón chân tình và nồng nhiệt, khiến cho ngài cảm thấy được sống trong bầu khí gia đình ấm cúng như ở nhà trong suốt mấy ngày viếng thăm Cuba, ĐTC quảng diễn ý nghĩa sự hiện diện của Chúa Giêsu tại tiệc cưới làng Cana. Ngài nói: Các lễ cưới là những thời điểm đặc biệt trong cuộc sống của nhiều người. Đối với những người cao niên hơn, ông bà cha me, thì đó là một dịp để gặt hái kết qủa việc gieo vãi. Nó trao ban niềm vui cho tâm hồn, khi trông thấy con cái lớn lên và có thể thành lập gia đình riêng. Nó là cơ may trông thấy trong một lúc tất cả những gì người ta đã tranh đấu và nó đáng công. Đồng hành với con cái, nâng đỡ chúng, khích lệ chúng, để chúng có thể quyết định xây dựng cuộc sống của chúng, thành lập gia đình, là một nhiệm vụ cao cả của các bậc cha mẹ. Rồi tới lượt họ, các đôi vợ chồng trẻ này sống trong niềm vui. Tất cả tương lai bắt đầu. Và tất cả có “mùi vị” của ngôi nhà mới, của niềm hy vọng. Trong các đám cưới luôn luôn gặp gỡ nhau quá khứ mà chúng lãnh nhận như gia tài và tương lai chờ đón chúng ta. Luôn luôn mở ra cơ may cám ơn vì tất cả những gì đã cho phép chúng ta đạt tới ngày nay với chính tình yêu mà chúng ta đã nhận lãnh.
Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai của Ngài trong một đám cưói, trong một gia đình
Và Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai của Ngài trong một đám cưới. Ngài tự tháp nhập vào lịch sử này của việc gieo vãi và gặt hái, của các giấc mơ và tìm tòi, của các cố gắng và dấn thân, của các công việc mệt nhọc đã cầy xới đất đai để sinh hoa kết quả. ĐTC giải thích thêm như sau:
Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai của Ngài bên trong một gia đình, bên trong một cộng đoàn gia đình. Chính trong lòng các gia đình của chúng ta mà Ngài tiếp tục tự tháp nhập vào, tiếp tục là thành phần. Ngài thích ở trong gia đình.
Tiếp tục bài giảng ĐTC nói : Thật là hay, khi quan sát thấy Chúa Giêsu cũng tự biểu lộ trong các bữa ăn chiều. Ăn với nhiều người khác nhau, viếng thăm các nhà khác nhau, đối với Chúa Giêsu, đã là một nơi đặc biệt ưa thích để làm cho người ta hiểu biết chương trình của Thiên Chúa. Ngài đến nhà các bạn hữu – Marta và Maria – nhưng không lựa chọn, không quan trọng đối với Ngài nếu có các người biệt phái hay người tội lỗi, như ông Dakêu. Ngài không chỉ hành động như thế, nhưng khi gửi các môn đệ đi loan báo tin vui Nước Thiên Chúa, Ngài nói với các vị : « Các con hãy ở lại trong nhà đó, ăn uống những gì họ có » (Lc 10,7). Các đám cưới, các cuộc thăm viếng các gia đình, các bữa ăn chiều, cái gì đặc biệt trong các thời điểm này của cuộc sống con người, bởi vì Chúa Giêsu ưa thích tự biểu lộ trong đó.
Tôi nhớ trong giáo phận trưóc của tôi có nhiều gia đình giải thích cho tôi rằng thời điểm duy nhất họ có để sống với nhau thường là bữa ăn chiều, khi họ đi làm việc về, và các trẻ em làm bài tập ở trường xong. Đó đã là một lúc đặc biệt của cuộc sống gia đình. Người ta bình luận ngày sống, điều mỗi người đã làm, người ta dọn dẹp nhà cửa, quần áo, tổ chức các việc làm chính cho các ngày tiếp theo, con nít cãi nhau… đó là thời điểm. Đó là các thời điểm, trong đó một người đi làm việc về, cả mệt nhọc nữa, và có vài cãi vã, tranh luận, xảy ra vài cãi vã giữa vợ chồng, nhưng không có gì phải sợ. Tôi sợ những cặp vợ chồng nói với tôi rằng họ không bao giờ cãi nhau hay tranh luận với nhau: hiếm, hiếm lắm. Nhưng Chúa Giêsu lựa chọn các lúc ấy để chỉ cho chúng ta thấy tình yêu thương của Thiên Chúa, Chúa Giêsu lựa chọn các khoảng không đó để bước vào trong các nhà và giúp chúng ta khám phá ra Thần Khí sống và hành động trong các nhà và trong các sự việc thường ngày của chúng ta. Chính trong nhà mà chúng ta học sống tình huynh đệ, chúng ta học sống tình liên đới, chúng ta học không độc tài. Chính trong nhà mà chúng ta học tiếp đón và đánh giá cao cuộc sống như một phước lành, và mỗi người cần các người khác để tiến tới. Chính trong nhà mà chúng ta sống kinh nghiệm sự tha thứ, và chúng ta đuợc mời gọi tha thứ liên tục, để cho mình được biến đổi. Thật là hay, khi thấy trong nhà không có chỗ cho các « mặt nạ », chúng ta là điều chúng ta là, và trong một cách này hay cách khác, chúng ta được mời gọi tìm điều tốt đẹp nhất cho các người khác.
Gia đình là giáo hội tại gia
Chính vì thế cộng đoàn kitô gọi các gia đình là các giáo hội tại gia, bởi vì chính trong hơi ấm của nhà mà đức tin thấm nhập mọi góc cạnh cuộc sống, soi sáng mọi không gian, xây dựng cộng đoàn. Vì chính trong các thời điểm như thế con người đã bắt đầu khám phá ra tình yêu thương cụ thể và hoạt động của Thiên Chúa.
ĐTC nói thêm trong bài giảng thánh lễ tại Đền thánh Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng : Trong nhiều nền văn hóa ngày nay, các khoảng không đó đang biến mất, các thời điểm gia đình đó đang biến mất, từ từ tất cả hướng tới chỗ tách rời nhau, tự cô lập, thưa dần đi các thời điểm chung, để hiệp nhất với nhau, để ở trong gia đình. Và như thế người ta không biết chờ đợi, không biết xin phép, không biết xin lỗi, không biết cám ơn nữa, bởi vì nhà trở nên trống rỗng, không phải trống rỗng người, nhưng trống rỗng các tương quan, trống rỗng các tiếp xúc nhân bản, trống rỗng các cuộc gặp gỡ, giữa cha mẹ ông bà, cháu chắt, anh em… Cách đây ít lâu có một người làm việc với tôi kể rằng vợ ông và các con đi nghỉ hè và ông ở nhà một mình, vì ông phải làm việc trong các ngày đó. Ngày đầu tiên nhà vắng lặng « bình an », ông hạnh phúc vì không có gì vô trật tự. Ngày thứ ba khi tôi hỏi ông ra sao, thì ông trả lời : « Con muốn tất cả họ trở về ». Ông cảm nhận rằng không thể sống mà không có vợ con. Và đây là diều đẹp, đẹp. ĐTC quảng diễn thêm sự cần thiết của gia đình trong cuộc sống chúng ta như sau :
Không có gia đình, không có hơi ấm của nhà, cuộc sống trở thành trống rỗng, bắt đầu thiếu các mạng lưới nâng đỡ chúng ta trong các khó khăn, các mạng lưới dưỡng nuôi chúng ta trong cuộc sống thường ngày và động viên cuộc chiến đấu cho thịnh vượng. Gia đình cứu chúng ta khỏi hai hiện tượng, hai điều xảy ra ngày nay: sự gẫy vụn, nghĩa là sự chia rẽ, và đám đông hoá. Trong cả hai trường hợp con người biến thành các cá nhân cô lập, dễ bị lèo lái và cai trị. Và khi đó chúng ta tìm thấy trong thế giới xã hội các chia rẽ, các đổ vỡ, các chia ly hay việc đám đông hóa cao độ, là các hậu quả của sự đổ bể của các mối dây gia đình; khi mất đi các tương quan khiến cho chúng ta trở thành con người, dậy chúng ta là người. Và như thế một người quên nói: cha, má, con trai, con gái, ông nội, bà ngoại… như thế nào. Người ta mất ký ức về các liên lạc này là nền tảng cuộc sống. Chúng là nên tảng tên gọi mà chúng ta có.
Gia đình là trường dậy tính nhân bản, trường dậy lưu tâm tới các nhu cầu của tha nhân, chú ý tới cuộc sống của người khác. Khi chúng ta sống tốt trong gia đình, các ích kỷ nhỏ – chúng có, bởi tất cả chúng ta đều ít nhiều ích kỷ – nhưng khi người ta không sống một cuộc sống gia đình, thì sinh ra những người, mà chúng ta có thể định nghĩa như thế này: “tôi chủ từ, tôi trợ động từ, tôi trạng từ, với tôi, cho tôi” hoàn toàn tập trung nơi chính mình, không biết tới tình liên đới, huynh đệ, công việc chung, tình yêu thương, việc thảo luận với các anh chị em khác. Họ không biết tới những điều đó. Tuy có nhiều khó khăn gây đau buồn cho các gia đình của chúng ta trên thế giới ngày nay, nhưng chúng ta làm ơn đừng quên điều này, và ĐTC gióng lên lời kêu gọi sau đây:
Các gia đình không phải là một vấn đề nhưng là một cơ may và là một phước lành
Các gia đình không phải là một vấn đề, nhưng trước hết chúng là một cơ may. Một cơ may mà chúng ta phải săn sóc, che chở và đồng hành. Đây là một kiểu để nói rằng các gia đình là một phước lành. Khi bạn bắt đầu sống gia đình như là một vấn đề, thì bạn mỏi mệt, không bước đi nữa, bởi vì bạn hoàn toàn tập trung nơi chính bạn.
Ngày này người ta thảo luận nhiều về tương lai, về thế giới nào chúng ta muốn để lại cho con cháu chúng ta, về xã hội nào chúng ta muốn cho chúng. Tôi tin rằng có thể tìm ra một trong những câu trả lời, khi nhìn gia đình đã chia sẻ chứng từ với chúng ta, từng người trong chúng ta: chúng ta muốn dể lại một thế giới của các gia đình. Đó là gia tài tốt đẹp nhất: chúng ta để lại một thế giới của gia đình. Chắc chắn là không có gia đình nào hoàn hảo cả, không có các đôi vợ chống hoàn hảo, cha mẹ hoàn hảo, cũng không có các con cái hoàn hảo, và nếu không gây xúc phạm, thì tôi cũng nói không có các mẹ chồng, mẹ vợ nào hoàn hảo cả. Không có. Không có. Nhưng điều này không ngăn cản có một câu trả lời cho ngày mai. Thiên Chúa kích thích yêu thương, và tình yêu thì luôn luôn dấn thân với các người mình yêu. Chính vì vậy chúng ta hãy săn sóc các gia đình của chúng ta, là các trường học đích thật của ngày mai. Chúng ta hãy săn sóc các gia đình của chúng ta, là các khoảng không của tự do. Chúng ta hãy săn sóc các gia đình của chúng ta, là các trung tâm nhân bản thực sự.
ĐTC chúc lành cho tất cả các bà mẹ đang mang thai
Tiếp tục bài giảng ĐTC đã đưa ra một đề nghị mục vụ rất dễ thương. Ngài nói: Tới đây tôi nghĩ tới một hình ảnh trong các buổi tiếp kiến ngày thứ tư hàng tuần, khi tôi đi chào tín hữu, có biết bao nhiêu bà mẹ mang thai giơ bụng cho tôi và nói: “Cha ơi, cha có chúc lành cho con con không?” Bây giờ tôi xin đề nghị một điều với tất cả các phụ nữ “mang thai của hy vọng”, bời vì một đứa con là một niềm hy vọng: xin các chị em ấy trong lúc này đây hãy giơ tay sờ bụng mình. Ở đây nếu có ai, thì hãy làm như thế. Hay các phụ nữ có thai đang theo dõi qua đài phát thanh hay truyền hình xin cũng hãy làm như vậy. Và tôi, tôi ban phép lành cho từng bà mẹ, cho từng đứa con trai con gái đang chờ đợi trong bụng mẹ. Như thế xin mỗi phụ nữ mang thai hãy giơ tay sờ vào bụng mình, và tôi ban phúc lành nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Và tôi cầu chúc cháu sinh ra, xinh đẹp và khoẻ mạnh, lớn tốt, và chị em có thể nuôi đạy cháu. Chị em hãy vuốt ve đứa con đang chờ đợi.
Bí tích Thánh Thể là bữa ăn chiều của gia đình Chúa Giêsu là Giáo Hội
ĐTC nói thêm trong bài giảng: Tôi không muốn kết thúc mà không nhắc tới Bí Tích Thánh Thể. Anh chị em đã nhận thấy rằng Chúa Giêsu muốn dùng bữa ăn chiều như khoảng không của việc tưởng niệm Ngài. Ngài chọn một lúc cụ thể của cuộc sống gia đình như không gian sự hiện diện của Ngài giữa chúng ta. Một lúc được sống và mọi người có thể hiểu: đó là bữa ăn chiều.
Và Bí tích Thánh Thể là bữa ăn chiều của gia đình Chúa Giêsu, từ chân trời này tới chân trời kia của trái đất tụ họp nhau để lắng nghe Lời Ngài, và được nuôi dưỡng với Mình Chúa Giêsu là Bánh Sự Sống của các gia đình chúng ta. Ngài muốn luôn luôn hiện diện bằng cách dưỡng nuôi chúng ta với tình yêu thương của Ngài, nâng đỡ chúng ta với đức tin của Ngài, trợ giúp chúng ta với niềm hy vọng của Ngài, để trong mọi trạng huống cuộc đời chúng ta có thể sống kinh nghiệm Ngài là Bánh thật của Trời.
Trong vài ngày nữa tôi sẽ tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế của các gia đình và chỉ còn không đầy một tháng nữa là Thương Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về đề tài Gia Đình. Tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện. Tôi xin anh chị em làm ơn cầu nguyện cho hai ý chỉ này, để chúng ta tất cả biết trợ giúp nhau và lo lắng cho gia đình, để chúng ta ngày càng biết khám phá ra Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa sống giữa dân Người bằng cách làm cho mỗi gia đình và tất cả các gia đình trở thành nơi ở của Ngài. Tôi tin tưởng nơi lời cầu nguyện của anh chị em. Xin cám ơn anh chị em.”
Vào cuối lễ sau khi cùng đọc kinh Lạy Cha, ĐTC dã ban phép lành cho mọi người hiện diện và dân chúng toàn thành phố Santiago.
Người dân Cuba thật dễ thương và tốt lành
ĐTGM Santiago đã tháp tùng ĐTC đi xuống gian giữa nhà thờ chính toà ra ngoài quảng trường nhỏ đối diện với Công Viên Céspendes để chào và ban phép lành cho hàng ngàn tín hữu thám dự buổi gặp gỡ từ bên ngoài. ĐTC nói: “Tôi xin chào anh chị em và xin cám ơn anh chị em về sự tiếp đón nồng nhiệt. Người dân Cuba thật dễ thương, tốt lành, và họ làm cho bạn cảm thấy như ở nhà vậy. Xin cám ơn anh chị em rất nhiều. Và tôi muốn nói lên một lời hy vọng. Một lời hy vọng mà có lẽ sẽ làm cho chúng ta quay đầu lui quay đầu tới. Nhìn về đàng sau: ký ức. Nhớ tới những người đã cho chúng ta vào đời, và đặc biệt là các ông bà. Xin chào các ông bà nhiều lắm. Chúng ta đừng quên các ông bà. Các ông bà là ký ức sống động của chúng ta. Và nhìn về phía trước: các trẻ em và người trẻ là sức mạnh của dân tộc. Một dân tộc săn sóc các ông bà, trẻ em và giới trẻ của mình, thì có chiến thắng được bảo đảm! Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em. Xin hãy để tôi ban phép lành cho anh chị em, nhưng với một điều kiện. Anh chị em phải trả cái gì nhé: tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Đó là điều kiện. Xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần chúc lành cho anh chị em. Xin tạm biệt và cám ơn anh chị em!
Lúc 12 giờ 15 phút ĐTC đã ra phi trường quốc tế Antonio Maceo của Santiago, nơi diễn ra lễ nghi từ biệt Cuba.
Hiện diện trong lễ nghi tiễn biệt có các Giám Mục Cuba, tổng thống Raul Castro, một số giới chức dân sự và một nhóm tín hữu. ĐTC đã đàm đạo với tổng thống Raul Castro vài phút trong phòng khánh tiết danh dự của phi trường trước khi diễn ra nghi thức tiễn biệt.
Ban nhạc cử hành quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Cuba. ĐTC bắt tay chào từ biệt tổng thống và mọi người, trước khi với tay lấy cái cặp đen của ngài bước tới máy bay. Tổng thống Raul Castro đã đi theo ĐTC tới chân thang máy bay và bắt tay từ biệt ngài lần nữa. Chiếc A 330 của hãng hàng không Alitalia đã cất cánh rời phi trường quốc tế Santiago lúc 12 giờ 30 để trực chỉ thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ, cách đó 2.103 cây số.
Từ Santiago de Cuba sang Washington DC. Bầu khí chờ đợi và tiếp đón tại Hoa Kỳ
Từ nhiều ngày qua các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ đã dành rất nhiều chỗ cho ĐTC Phanxicô và chuyến viếng thăm của ngài. Phóng viên chương trình Ý ngữ đài Vaticăng Massimiliano Menichetti cho biết tại Philadelphia, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình, có những biểu ngữ lớn với hình ĐTC Phanxicô tươi cười giơ ngón cái lên trời và hàng chữ “He is coming – Ngài đang tới”. Cũng đã có các buổi canh thức cầu nguyện chuẩn bị tinh thần trong các giáo xứ công giáo và bầu khí rất tươi vui như lễ hội. Và dĩ nhiên là có các biện pháp an ninh rất chặt chẽ, nhưng cao và mạnh nhất là sự cảm động. Bà Muriel Bowser, thị trưởng Washington, đã cho phổ biến một video thông cáo nói rằng: “Tôi rất xúc động vì ĐTC Phanxicô đến New York, như là thị trưởng thành phố lớn này, tôi kết hiệp với việc phục vụ đam mê của ĐTC. Tôi cũng đồng ý với xác tín của ngài rằng chúng ta phải trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất, những người bị gạt bỏ ra ngoài, các phụ nữ và trẻ em phải sống trên các đường phố và trong các nhà dưỡng lão của chúng ta. Trong tinh thần của ĐTC Phanxicô và trong sự tận tụy phục vụ tha nhân của ngài, tôi đưa ra thách đố vùng miền Washington DC để nó hiệp nhất: cùng nhau chúng ta mạnh mẽ hơn và cùng nhau chúng ta có thể làm điều đó”.
Trước quảng trường công viên Madison tại New York có một bức tường cao nhất thế giới có hình của ĐTC Phanxicô dài 54 mét, do họa sĩ Van Hecht-Nielsen 41 tuổi vẽ, với hàng chữ “Chào mừng ĐGH Phanxicô” Nó là biểu ngữ chính chào ĐTC khi ngài tới đây chủ sự thánh lễ trong sân vận động quay ra đại lộ thứ 7. Ông Bill de Blasio thị trưởng New York nói: “Chúng ta có thể nói một cách chắc chắn rằng đã chưa bao giờ trông thấy điều gì tương tự trước kia, và chúng tôi chào mừng ĐTC, chúng tôi ôm hôn ngài, và chúng tôi chờ mong giờ ngài đến. Tôi chắc chắn rằng các người nam nữ và tất cả các bạn bè tụ họp nhau nơi đây sẽ có khả năng làm cho một loạt các biến cố ngoại thường này hoạt động và khiến cho chúng được an ninh. Tôi nghĩ chuyến viếng thăm của ĐTC sẽ trao ban cho chúng ta xăng dầu cho việc cải thiện thành phố của chúng ta trong tương lai”.
Tất cả các nhật báo chính trên toàn nước Mỹ và tại địa phương đều chờ đợi biến cố ĐTC Phanxicô tới Hoa Kỳ. Người ta đưa ra nghi vấn trên bình diện chính trị, vì ĐTC Phanxicô sẽ là vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử phát biểu trước Quốc Hội Mỹ. Người ta giả thuyết các đề tài mà ngài cũng sẽ nói trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trước hết là vấn đề di cư, môi sinh, kinh tế và gia đình, và lý do chuyến công du của ngài tại Hoa Kỳ. ĐTC được mọi người dân Hoa Kỳ chờ đợi và chào đón hai bên đường, chứ không phải chỉ có tín hữu công giáo mà thôi. Đã có các địa chỉ Internet được tạo ra, và có thể áp dụng cho điện thoại di động, cũng như có các đài truyền hình phát 24 trên 24 giờ đồng hồ tường thuật các sinh hoạt của ĐTC. Có hàng ngàn người thiện nguyện dấn thân trợ giúp. Riêng tại Philadelphia các chuẩn bị sau cùng đã hoàn tất vì ngày 22 tháng 9 khai diễn đại hội quốc tế các gia đình. Ông thị trưởng Michael Nutter cho biết mọi sự đã sẵn sàng, và sẽ có hơn 1 triệu người đang tuốn về thành phố của Quả chuông tự do. Điều chúng tôi chờ đợi, ông nói, đó là con mắt của thế giới hướng nhìn thành phố Philadelphia để theo dõi cuộc gặp gỡ quốc tế của các gia đình và chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Hoa Kỳ. Đây là một thời điểm không thể tin được, chúng tôi sẵn sàng. Tóm lại, bầu khí chờ đợi ĐTC Phanxicô tại Hoa Kỳ là một bầu khí tươi vui của lễ hội.
Bà Delia Gallagher, một trong những nhà báo lão thành của đài truyền hình quốc tế CNN theo dõi chuyến công du của ĐTC, cho biết có sự chờ đợi rất lớn đối với chuyến công du lịch sử này của Đức Phanxicô, vị Giáo Hoàng rất nổi tiếng. Người ta cũng chú ý nhiều đến các đề tài mà ngài có thể đề cập đến như di cư, chế độ tư bản, khí hậu, là những đề tài mà người Mỹ cảm nhận mạnh mẽ. Điều ngài nói trước Quốc Hội có thể bị người này người kia lèo lái cho cuộc tranh cử tổng thống, và sẽ được các chính trị gia lập lại trong các diễn văn của họ và trong khi dân chúng nói chuyện với nhau. Nghĩa là cũng có sự chú ý loại này xem ĐTC nghĩ gì và điều ngài nói sẽ được dân chúng chấp nhận ra sao, vì người ta có các quan điểm khác nhau liên quan tới các đề tài này.
Bà Gallagher cũng cho biết dân chúng rất vui mừng về chuyến viếng thăm vì ĐGH Phanxicô là người rất được thương mến, cả những người không phải là tín hữu công giáo cũng cảm thấy hãnh diện vì Hoa Kỳ được Đức Phanxicô viếng thăm. Đài truyền hình CNN tạo ra riêng một chương trình theo dõi chuyến công du của ĐTC 24 trên 24 giờ và sẽ trình chiếu mọi biến cố từ đầu cho tới cuối. Đài CNN có hàng ngàn nhà báo và phóng viên sẽ dốc toàn lực cho biến cố trọng đại này.
Riêng bà là nhà báo đã làm việc cho đài CNN từ 17 năm qua, chưa bao giờ bà lại cảm thấy có sự háo hức lớn như thế nơi dân chúng Mỹ. Và Hoa Kỳ sẽ đón tiếp ĐTC Phanxicô với gương mặt tươi cười, và chú ý tới những gì ngài sẽ nói với các tín hữu công giáo và mọi người. Bà cầu mong các sứ điệp của ĐTC sẽ giúp người dân Mỹ cùng nhau suy tư về những giá trị siêu việt, thánh thiêng, và có thể trợ giúp Hoa Kỳ nhiều hơn.
Giáo Hội công giáo Hoa Kỳ hiện có khoảng 71 triệu 800 ngàn tín hữu trên tổng số hơn 312 triệu dân. Giáo hội có hơn 19.000 giáo xứ, 40.967 linh mục, 5.485 đại chửng sinh, 17.589 Phó tễ vĩnh viễn, 17.342 tu huynh, 50.862 nữ tu. Số tín hữu nói trên sống trong 31 tổng giáo phận và 146 gíáo phận theo lễ nghi latinh, 2 tổng giáo phận và 15 giáo phận theo lễ nghi đông phương. Trên bình diện giáo dục Giáo Hội có 150.000 giáo chức dậy trong các trường đại học, trung học và tiểu học với 2,7 triệu sinh viên học sinh.
Sau 3 giờ 30 phút bay, máy bay chở ĐTC đã đáp xuống phi trường Andrews Air Force Base của thủ đô Washington DC lúc 16 giờ, giờ địa phương.
ĐTGM Carlo Maria Viganò, Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, đã cùng viên trưởng lễ nghi lên máy bay để chào ĐTC. Đón tiếp ĐTC tại phi trường có tổng thống Barack Obama, phu nhân hai ái nữ, đại sứ ngoại thường của Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh, ông Kenneth Francis Hackett, ĐHY Donald William Wuert, TGM Washington. Cùng hiện diện cũng có thị trưởng Quận Columbia, các thống đốc tiểu bang Maryland và Virginia, và một nhóm trẻ em. Từ phiá Giáo Hội có ĐTGM Joseph Edward Kurtz chủ tịch HĐGM Mỹ, hai ĐC Tổng thư ký và phó tổng thư ký, các Giám Mục Phụ tá tổng giáo phận Washington và ĐGM giáo hạt quân đội.
Thành phố Washington có hơn 563.000 dân cư và được chọn làm thủ đô Hoa Kỳ năm 1790, vì nằm giữa các tiểu bang kỹ nghệ miền bắc và các tiểu bang kỹ nghệ miền nam. Quận Columbia đuợc gọi theo tên của nhà thám hiểm Cristoforo Colombo, và có trật tự hành chánh đặc biệt do chính quyền Liên bang điều khiển, và các đại biểu trong Quốc Hội không có quyền bỏ phiếu. Trung tâm điểm của thủ đô là đồi Capitol, nơi có trụ sở Quốc Hội. Từ đó có bốn đại lộ chia thành phồ thành 4 khu vực. Washington cũng là trụ sở của chính quyền Liên bang với Tòa Bạch Ốc, là dinh tổng thống, Bộ ngoại giao, Ngũ giác đài hay Bộ quốc phòng. Thủ đô Washington cũng nổi tiếng vì có thư viện lớn nhất thế giới với 29 triệu cuốn sách và 58 triệu thủ bản. Vườn bách thảo tại đây có 26.000 loại cây. Các viện bảo tàng Smithsonian Institution có các bộ sưu tầm lớn tới độ mỗi lần chỉ trưng bầy được 1% các tác phẩm nghệ thuật, ngoài ra còn có nhiều viện bảo tàng và các hành lang nghệ thuật khác và ba phi trường. Ngày 11 tháng 9 năm 2001 Ngũ giác đài cũng đã bị khủng bố và hư hại cùng một lần với Tháp Song Sinh.
Tổng giáo phận Washington được thành lập năm 1939 có hơn 630.000 tín hữu trên tổng số hơn 2 triệu 867 ngàn dân cư. Giáo phận có 139 giáo xứ và 1 cứ điểm truyền giáo. Nhân lực gồm 406 linh mục giáo phận, 405 linh mục dòng, 660 tu huynh, 489 nữ tu, 265 phó tế vĩnh viễn và 76 đại chủng sinh, 149 cơ sở giáo dục và 108 trung tâm bác ái.
Lúc 16, 15 ĐTC đã đi xe về Toá Sứ Thần Toà Thánh cách đó 26 cây số để dùng bữa tối và nghỉ đêm.
Sáng thứ tư 23 tháng 9 lúc 9 giờ sáng ĐTC đã rời Tòa Sứ Thần để đến tòa Bạch Ốc cách đó hơn 4 cây số, nơi diễn ra lễ nghi tiếp đón chính thức. Tòa Bạch Ốc là tư dinh của các tổng thống Mỹ do tổng thống George Washington xây năm 1792 và hoàn thành năm 1800 sau khi ông qua đời. Kiến trúc sư là ông Pierre L’Enfant một người Pháp thiện nguyện quân trong Quân đội cách mạng năm 1777 của các đoàn người thực dân Mỹ. Năm 1814 toà nhà bị quân Anh đốt phá và cánh phía tây bị hoả hoạn thiêu rụi năm 1929. Tòa Bạch ốc cao 5 tầng có 132 phòng, 8 cầu thang và 3 thang máy. Năm đầu bếp ở đây có thể dọn bữa cho 140 thực khách ngồi và 1.000 thực khách đứng. Ngoài ra tòa Bạch Ốc còn có khoảng đất cho sân Tennis, một đường chạy bộ, một hồ tắm, một phòng chiếu phim và một phòng chơi ném boule. Ai muốn, có thể ghi danh tham dự các cuộc viếng thăm hưóng dẫn.
ĐTC Phanxicô được tổng thống Obama và phu nhân đón tiếp tại tiền sảnh toà Bạch Ốc và tháp tùng tới khán đài trong công viên bên cạnh nơi có khoảng 20.000 người tham dự lễ nghi chào đón chính thức. Cùng hiện diện cũng có các Hồng Y Ban Thường Vụ Hội Đồng Giám Mục và các Giám Mục Phụ tá tổng giáo phận Washington. ĐTC và tổng thống đã duyệt qua hàng chào danh dự trong khi đại bác bắn 21 phát chào mừng vị thượng khách. Ban quân nhạc cử quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Hoa Kỳ. Tiếp đến tổng thống Barack Obama đã đọc diễn văn chào mừng ĐTC.
Tự do là một chinh phục vĩ đại nhất của Hoa Kỳ. Mọi người cần dấn thân bảo vệ sự tự do đó khỏi mọi nguy cơ bị đả thương
Đáp từ tổng thống ĐTC nói: như là người con của một gia đình di cư ngài vui mừng được là khách của Hoa Kỳ, có đa số dân gốc di cư. Ngài chuẩn bị cho các ngày gặp gỡ và đối thoại này với hy vọng lắng nghe và chia sẻ nhiều giấc mơ và các niềm hy vọng của nhân dân Hoa Kỳ.
Trong chuyến viếng thăm này, ĐTC nói, tôi sẽ được hân hạnh phát biểu trước Quốc Hội, nơi tôi hy vọng, như là người anh em của quốc gia này, có thể nói lên một lời khích lệ những ai được mời gọi hướng dẫn tương lai của quốc gia này trong sự trung tín với các nguyên tắc thành lập. ĐTC cũng nhắc tới việc tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình tại Philadelphia để cử hành và nâng đỡ các cơ cấu hôn nhân và gia đình trong một thời điểm khó khăn của lịch sử nền văn minh của chúng ta. Đề cập tới phần đóng góp của các tín hữu công giáo Mỹ ĐTC nói:
Thưa ngài Tổng thống, cùng với các công dân khác tín hữu công giáo Hoa Kỳ đã dấn thân xây dựng một xã hội thực sự khoan nhượng và bao gồm mọi người, bảo vệ các quyền của các cá nhân và các cộng đoàn, và đẩy lùi mọi hình thái kỳ thị bất công. Cùng với nhiều người thiện chí khác nữa của nền dân chủ vĩ đại này, các tín hữu công giáo mong chờ rằng các nỗ lực xây dựng một xã hội công bằng và trật tự một cách khôn ngoan, tôn trọng các âu lo sâu xa nhất của họ và các quyền lợi gắn liền với sự tự do tôn giáo. Sự tự do này là một trong những chinh phục qúy báu nhất của nưóc Mỹ. Và như các anh em Giám Mục Mỹ của tôi đã nhắc nhớ, tất cả mọi người đều được mời gọi tỉnh thức, chính vì là các công dân tốt, để duy trì và bảo vệ quyền tự do đó khỏi bất cứ gì có thể gây nguy hiểm hay làm tổn thương cho nó.
Cần thành toàn một số dấn thân có tầm quan trọng đối với toàn nhân loại và các thế hệ tương lai: bảo vệ cẩi tiến môi sinh, thăng tiến tôn trọng nhân quyền, phát triển, hoà bình, công lý, tự do và thịnh vượng
Tiếp dến ĐTC đã ca ngợi tổng thống Obama có sáng kiến giảm việc gây ô nhiễm môi sinh. Đây là một điều cấp thiết cần giải quyết, chứ không thể để cho thế hệ tương lai. Lịch sử đã đặt để chúng ta vào một thời điểm nòng cốt cho việc săn sóc “ngôi nhà chung”. Tuy nhiện chúng ta còn có thời giờ để đương đầu với các thay đổi bảo đảm cho “một sự phát triển có thể chịu đựng nổi và toàn diện, bởi vì chúng ta biết rằng các sự việc có thể thay đổi” (Laudato si’ 13). Các thay đổi đòi buộc từ phía chúng ta một sự thừa nhận nghiêm chỉnh và có trách nhiệm đối với loại thế giới, mà chúng ta muốn để lại không phải chỉ cho con cháu chúng ta, mà cho cả hàng triệu người phải sống dưới một hệ thống lơ là với nó. Căn nhà chung của chúng ta đã là phần của nhóm bị loại bỏ đang kêu thấu tới trời, và ngày nay đang gõ cửa các nhà, các thành phố và các xã hội của chúng ta. Lấy lại lời của mục sư Martin Luther King chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã không chu toàn vài dân thân và giờ đây là lúc phải hoàn thành các dấn thân đó.
Do lòng tin chúng ta biết rằng “Đấng Tạo Hóa không bỏ rơi chúng ta, Ngài không bao giờ lùi bước trong chương trình tình yêu của Ngài, Ngài không hối hận đã tạo dựng nên chúng ta. Nhân loại còn có khả năng cộng tác để xây dựng căn nhà chung” (ibid. 13). Như là các kitô hữu đuợc linh hoạt bởi xác tín này, chúng ta hãy tìm dấn thân cho việc săn sóc ý thức và có tinh thần trách nhiệm đối với căn nhà chung của chúng ta.
ĐTC nói tiếp trong diễn văn đáp từ: Các nỗ lực làm được mới đây để hoà giải các tương quan đã bị bẻ gẫy và việc mở ra các con đường cộng tác mới bên trong gia đình nhân loại diễn tả các bước tiến tới tích cực trên con đường của hòa giải, công lý và tự do. Tôi cầu chúc rằng tất cả mọi người nam nữ thiện chí của quốc gia vĩ đại và thịnh vượng này nâng đỡ các cố gắng của cộng đoàn quốc tế nhằm bào vệ những người yếu đuối nhất trên thế giới này và thăng tiến các mô thức phát triển toàn vẹn và bao gồm, như thế các anh chị em của chúng ta ở khắp nơi có thể biết tới phuớc lành của hòa bình, thịnh vượng, mà Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi con cái Ngài.
Kính thưa tổng thống, một lần nữa tôi xin cám ơn ngài về sự tiếp đón, và tôi tin tưởng nhìn vào các ngày viếng thăm này trên đất nước của quý quốc. Xin Thiên Chúa chúc lành cho nước Mỹ.
Diễn văn của ĐTC đã bị ngắt quãng nhiều lần vì các tràng pháo tay tán thưởng của những người hiện diện. Một ca đoàn đã hát bài thánh ca “Chúa là sự sống của con” để chào mừng ĐTC và toàn cử tọa.
Sau lễ nghi chào đón, ĐTC và tổng thống đã vào thư phòng bầu dục đàm đạo riêng với nhau, trao đổi quà tặng, giới thiệu các thân nhân và chụp hình lưu niệm. ĐTC đã tặng tổng thống bức khắc bằng đồng kỷ niệm Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình giống huy hiệu Giáo hoàng được làm cho dịp này.
Trong một phòng khác đồng thời cũng diễn ra cuộc hội kiến giữa ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry có sự tham dự của ĐTGM Phụ tá Becciu, ĐTGM ngoại trưởng Toà Thánh Paul Richard Gallagher và ĐTGM Sứ Thần Tòa Thánh tại Washington.
Sau lễ nghi chào đón chính thức tại tòa Bạch Ốc ĐTC dã di xe tới nhà thờ chính toà thánh Mátthêu Tông Đồ để gặp các Giám Mục Hoa Kỳ rồi đến Đền thánh quốc gia Đức Mẹ Vô Nhiễm chú sự thánh lễ phong hiển thánh cho chân phước Junipero Serra. Chúng tôi sẽ tường thuật các biến cố này trong các buổi phát ngày mai.
Linh Tiến Khải