Ngày 03/05: Thánh PHILIPPHÊ và Thánh GIACÔBÊ
Thánh PHILIPPHÊ và Thánh GIACÔBÊ
Tông Đồ (Thế kỷ thứ I)
Giáo hội tôn kính hai vị tông đồ này trong cùng một ngày, vì vào thế kỷ thứ V, xác các thánh được đưa về Rôma cùng với nhau và đặt ở đền thờ các thánh tông đồ. Ngày dời xác các ngài là ngày 01 tháng 5. Nhưng vì trùng với lễ thánh Giuse thợ, cho nên lễ kính các ngài được dời vào ngày 03 tháng 05.
Thánh PHILIPPHÊ
Thánh Philipphê là người Bethsaida (x. Ga 1,44). Trên đường đi Galilêa, Chúa Giêsu đã gọi ông. Đến lượt mình chính Philipphê lại giới thiệu Chúa Giêsu cho Nathanael: “Đấng mà Môisê trong lề luật cùng các tiên tri chép đến chúng tôi đã gặp rồi” (x. Ga 1,45).
Và ông còn khích lệ thêm: “Hãy đến mà xem” (x. Ga 1,46).
Khi hóa bánh ra nhiều Chúa Giêsu đã tin tưởng và ông hỏi: “Ta mua đâu được bánh cho họ ăn” (x. Ga 6,5).
Như vậy Chúa Giêsu đã kết hiệp với ông trước hết trong việc chuẩn bị cho phép lạ này.
Dịp lễ vượt qua sau cùng của Chúa Giêsu, các lương dân đã nhờ Philipphê xin Chúa cho họ được gặp Người: “Thưa ông, chúng tôi muốn gặp Chúa Giêsu” (x. Ga 12,21).
Sau cùng, trong cuộc đàm đạo thân mật sau bữa Tiệc Ly, Philipphê lên tiếng hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thày, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, thế là đủ cho chúng con rồi”.
Chúa Giêsu nói với ông: “Đã lâu rồi, Ta ở với các ngươi, thế mà, Philipphê, ngươi đã không biết Ta ư? Ai thấy ta là đã thấy Cha. Làm sao ngươi nói: Xin tỏ cho chúng con thấy Cha (x. Ga 14,8-9).
Các tông đồ chỉ hiểu được chiều kích rộng lớn của những lời này khi Chúa Thánh Thần soi sáng cho các ông.
Đó là tất cả những gì mà sách Phúc Âm nói với chúng ta về thánh tông đồ Philipphê. Sau này truyền thống cho chúng ta biết thánh Philipphê đã đi rao giảng Phúc Âm ở Scythia và Phrygia. Nhưng rất có thể người ta đã lầm thánh nhân với vị phó tế cũng có tên là Philipphê. Về cái chết của Ngài, không có gì là chắc chắn. Có tài liệu nói rằng: Ngài tử vì đạo. Có tài liệu lại cho rằng: Ngài chết già.
Thánh GIACÔBÊ (hậu)
Chỉ có một chỉ dẫn Tân Ước cung ứng cho chúng ta về vị tông đồ thứ hai mang tên Giacôbê: Ngài “là con ông Alphêô” (x. Mt 10,3 – Mc 3,18 – Lc 6,15 – Cv 1,13). Vậy không đáng ngạc nhiên gì, khi có nhiều cố gắng đồng hóa Ngài với một hay nhiều người cùng mang tên là Giacôbê ở trong Tân Ước. Có Giacôbê “người anh em của Chúa” (x. Cl 1,19).
Có lẽ Ngài đã được thấy Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra (x. 1Cr 15,7) và chắc chắn Ngài là thủ lãnh Giáo hội Giêrusalem (x. Cv 12,17 – 15,13 – 21,18). Sau cùng, người được đồng hoá với người anh em của Chúa được nhắc đến trong Phúc Âm (x. Mt 13,55 – Mc 6,3). Đó là ý kiến của Thánh Hiêrônimô và được nhiều người chấp nhận, nhưng các học giả ngày nay muốn phân biệt hai người khác nhau và Phúc Âm chỉ giản dị ghi lại tên Ngài.
Dầu cho các sách Phúc Âm không nói nhiều tới thánh nhân nhưng Ngài đã giữ được một địa vị sáng giá trong Giáo hội sơ khai, Thánh Phêrô khi được cứu thoát khỏi tù đã nói: “Hãy đem tin cho Giacôbê và các anh em được biết” (x. Cv 12,17).
Khi tiếp xúc với các tông đồ, Thánh Phaolô đã đến gặp Giacôbê. Sau này Thánh Phaolô nói: “Giacôbê, Kêpha (Phêrô) và Gioan, những vị có thế giá như cột trụ ấy đã bắt tay tôi và Barnaba tỏ dấu hợp thông.” (x. Gl 2,9)
Tại công đồng Giêrusalem, Giacôbê đã lên tiếng sau Phêrô, tóm kết diễn từ về việc rao giảng Phúc Âm cho dân ngoại (x. Cv 15,13-31). Lần sau cùng về Giêrusalem, thánh Phaolô đã đến gặp thánh Giacôbê đang họp với hàng niên trưởng (x. Cv 21,18).
Để diễn tả sự thánh thiện của Giacôbê, thánh Eusêbiô và Hiêrônimô đã nói rằng: thánh nhân giữ mình đồng trinh suốt đời và con người hiến mình cho Thiên Chúa này không uống rượu, kiêng thịt, đi chân không và chỉ có một chiếc áo. Quì cầu nguyện nhiều, đầu gối Ngài chai cứng như da lạc đà.
Năm 62, các luật sĩ lo lắng vì sự rạng rỡ Giacôbê mang lại cho Kitô giáo. Họ triệu vời thánh nhân đến ở trước công nghị để tra vấn xem Ngài nghĩ gì về Chúa Kitô. Trên sân thượng ngoài đền thờ, họ bắt thánh nhân công khai nói lời bội giáo cho dân nghe, Ngài nói: “Chúa Giêsu là con người đang ngự bên hữu Thiên Chúa quyền năng và đến một ngày kia sẽ đến trên mây trời.”
Dân chúng đồng loạt lên tiếng tôn vinh Chúa Giêsu trong khi các luật sĩ và biệt phái xông vào thánh nhân. Họ đã quyết định ném đá Ngài.
Nguồn: Theo vết chân Người