Chúa Nhật XXXI Thường Niên – Năm A
CN.31.A
(Ml 1,14b-2,2b.8-10; 1Tx 2,7b-9.13; Mt 23,1-12)
Ngày 5-11-1858 thánh linh mục Đaminh Mậu đổ máu tuyên xưng đức tin. Ngài sinh năm 1794 tại xứ Phúc Nhạc, Phát Diệm. Ngài dâng mình cho Chúa và được chịu chức linh mục và xin gia nhập dòng Đaminh. Ngày 27-8-1858 ngài bị bắt tại xứ Kẻ Diền, Thái Bình và bị áp giải lên tỉnh Hưng Yên.
Cha Bùi Đức Sinh đã tóm tắt cuộc đời phục vụ của cha qua những dòng chữ sau đây trong tập sách “Thiên Hùng Sử” : ‘Trải qua những gian nan thử thách thời bách hại của vua Minh Mạng, rồi những ngày tương đối an bình thời vua Thiệu Trị, cho đến 10 năm đầy khó khăn gian khổ thời vua Tự Đức, cha luôn tỏ ra là mục tử tận tụy với đoàn chiên, không quản ngại vất vả, không lùi bước trước khó khăn, nhưng đem hết tâm trí sức lực phục vụ các linh hồn. Cha đảm nhiệm nhiều giáo xứ cho tới ngày bị bắt.”
Thậm chí trong những ngày trong tù, cha Sinh viết tiếp : “Cha đã dành thời giờ để cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi, và suy niệm về cuộc đời khổ nạn của Chúa. Đối với mọi người, cha luôn xử nhân ái, yêu thương giúp đỡ, nên ai cũng quí trọng cha. Bà Anna Nguyễn thị Ngoan, một người thường vào thăm nuôi cha, làm chứng rằng ; ‘Đến cả lính canh gác cũng kính nể khâm phục cha.’”
Cha Sinh còn viết : “Ngày 5-11-1858, trên đường ra pháp trường, mọi người đi dự đều có cảm tưởng cha Đaminh Mậu đang nghiêm trang cử hành Thánh Lễ. Đây là chứng của bà Maria Di : ‘Cha Đaminh bị điệu đến nơi xử, tôi thấy cha hết sức bình tĩnh, đôi tay chắp lại như khi dâng Thánh Lễ, thỉnh thoảng ngước mắt lên trời. Cha dẫn đầu đoàn người tử đạo, khi đến nơi xử bên gióng sông Hồng thị xã Hưng Yên, cha quì gối tiếp tục cầu nguyện, rồi đưa cổ cho lý hình chém.”
Người ta rước thi hài hài về an táng tại nhà thờ Mai Linh.
Cha Đaminh Mậu là mục tử như lời Chúa mong muốn trong thánh lễ.
Bđ1 : Bài đọc 1 là những lời ngôn sứ Ma-la-khi. Nhóm PDCGKPV giới thiệu sách ngôn sứ như sau : “Sách Ma-la-khi phản ánh một hoàn cảnh không được tốt đẹp lắm trong đời sống đức tin và tôn giáo của cộng đoàn hồi hương. Những thực tế sau lưu đày không còn làm cho họ phấn khởi như thuở ban đầu. Niềm hy vọng mà các ngôn sứ Khác-gai và Da-ca-ri-a khơi lên trong lòng họ thật xa vời (x. Kg 2,21 tt ; Dcr 1,17 ; 2,14 …). Nhiều người Do-thái hầu như không còn tin vào một Thiên Chúa chính trực và yêu thương. Làm sao mà tin tưởng được khi những kẻ gian ác cứ thịnh đạt, an cư, còn họ thì chẳng nhận được phúc lành của Thiên Chúa! Trong khi đó các tư tế chỉ thi hành việc phụng tự một cách chiếu lệ, họ không chu toàn những nhiệm vụ được giao một cách nghiêm túc. Người ta không nộp hoặc nộp thuế thập phân cho đền thờ một cách miễn cưỡng. Nhiều người đi cưới vợ ngoại bang và nạn rẫy vợ cũng thường xảy ra. Trước hoàn cảnh đó, vị ngôn sứ của Thiên Chúa cảm thấy mình có nhiệm vụ vừa phải răn đe vừa phải củng cố niềm tin cho người Do-thái.”
Chúng ta nghe lại một lời ngôn sứ cảnh cáo các tư tế : “Các ngươi đã đi trệch đường và đã làm cho bao người phải vấp ngã vì lời giảng dạy của các ngươi… Nếu các ngươi không chịu nghe và không chịu để tâm làm vinh hiển danh Ta, Ta sẽ trút lời chúc dữ xuống trên các ngươi.”
BTM : Nhóm Pha-ri-sêu trong BTM “ngôn hành bất nhất”cũng chẳng khác gì nhóm tư tế thời ngôn sứ Malakhi “. Chúa Giê-su dạy : “Vậy những gì họ nói, anh em hãy làm hãy giữ. Còn những việc họ làm, thì đừng làm theo, vì họ nói mà không làm.”
Nhóm PDCGKPV dẫn giải : “Các kinh sư được nêu rõ, vì họ là những chuyên viên về Luật; đa số thuộc về nhóm Pha-ri-sêu, là nhóm quan trọng nhất trong đời sống chính trị và tôn giáo lúc bấy giờ và cũng rất có uy tín đối với dân. Ch. 23 này tập hợp những lời của Chúa Giê-su có ích cho việc tranh luận giữa cộng đoàn Giáo Hội của Mát-thêu với Do-thái giáo thời ấy do nhóm Pha-ri-sêu lãnh đạo. Chúa Giê-su nhìn nhận họ là những người kế thừa ông Mô-sê ; Người khuyên dân nghe theo họ, khi họ giảng dạy đạo lý chân truyền của ông Mô-sê. Nhưng những giải thích cá nhân của họ thì đã hơn một lần Người chỉ trích mạnh mẽ (x. 9,3-9 ; 15,1-20 ; 16,6) và nhất là Người căn dặn phải đề phòng lối sống của họ, bởi vì nó mâu thuẫn với giáo lý họ dạy.”
Bđ2 : Bài đọc 2 là thư thứ nhất thánh Phao-lô gửi cho giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca. Nhóm PDCGKPV giới thiệu lá thư : “Như nhiều nơi khác, người Do-thái không chịu được lời rao giảng của thánh Phao-lô và đứng lên chống đối kịch liệt. Họ còn tố cáo đủ điều, khiến ngài phải vội vã ra đi (Cv 17,5-10). Ngài xuống Bê-roi-a gần đó. Người Do-thái vẫn tìm theo quấy phá (Cv 17,13), khiến ngài phải đi tiếp xuống A-then. Xi-la và Ti-mô-thê đến đó sau ngài (Cv 17,10-15). Ngài nhớ thương cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca non nớt phải bỏ lại (1 Tx 2,17), không biết làm sao để củng cố đức tin cho họ (1 Tx 3,10). Nhiều lần ngài muốn trở lại thăm viếng mà không được (1 Tx 2,18). Cuối cùng, sốt ruột quá, ngài sai Ti-mô-thê trở lại Thê-xa-lô-ni-ca để lấy tin tức và củng cố đức tin của anh em (1 Tx 3,1-5). Sau khi thử lửa với người Hy-lạp tại hội đồng A-rê-ô-pa-gô mà chẳng được kết quả bao nhiêu (Cv 17,32-34), thánh Phao-lô trẩy đi Cô-rin-tô. Tại đây, Ti-mô-thê từ Thê-xa-lô-ni-ca trở về gặp ngài (Cv 18,5), đem theo tin vui pha lẫn tin buồn : Anh em rất thương nhớ vị Tông Đồ (1 Tx 3,6) ; người Do-thái vẫn tiếp tục vu khống (2,3-6). Đàng khác, cộng đoàn non nớt có vài điều phải giải quyết về luân lý cũng như về giáo lý Chúa quang lâm. Thế là vào năm 50, từ Cô-rin-tô, thánh Phao-lô viết cho Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca bức thư đầu tiên của ngài, đồng thời cũng là những trang đầu tiên của Tân Ước ! (2 Pr 3,15-16).”
Những lời trong lá thư thật đậm đà tình thương, ta chỉ gặp lại trong thư cho Hội Thánh Phi-líp-phê và thư cho Phi-lê-môn : “Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ.8Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi. 9Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi : đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em. 10Anh em làm chứng, và Thiên Chúa cũng chứng giám, rằng với anh em là những tín hữu, chúng tôi đã cư xử một cách thánh thiện, công minh, không chê trách được. 11Anh em biết : chúng tôi đã cư xử với mỗi người trong anh em như cha với con ; 12chúng tôi đã khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng kêu gọi u anh em vào Nước của Người v và chia sẻ vinh quang với Người.”
Chúng ta bước vào “Tháng Các Linh Hồn”. Chúng ta hãy nhớ lời Đức Mẹ Fatima nhắn dạy ba em Luxia, Giaxinta, Phanxicô lần hiện ra tháng 8-1917 : “Hãy cầu nguyện và hy sinh rất nhiều cho tội nhân. Nhiều linh hồn sa hỏa ngục, vì không có ai cầu nguyện và hy sinh cho họ” (5-11-2017).
—————————————–
CN.31.A
Chúng ta đang chứng kiến những cuộc cách mạng của các nước Hồi giáo Ả Rập. Người ta gọi là cuộc “Cách Mạng Hoa Nhài”.
Đầu tiên là cuộc cách mạng của nước Tu-ni-di. Cuộc cách mạng phát xuất từ vụ tự thiêu của anh Mohamed Bouazizi, một sinh viên nghèo thất nghiệp, phải đi bán rau quả trên vỉa hè. Anh bị cảnh sát tịch thu hàng rau quả, vì anh không có giấy phép bán. Anh xin tha, Cảnh sát đòi tiền hối lộ. Anh không có tiền hối lộ Anh theo về cơ quan. Anh xin gặp thủ trưởng để trình bày hòan cảnh của anh. Không ai tiếp. Ngày 17-12-2010 quá uất ức, anh tưới xăng lên người tự tử. Thế là dân chúng đứng lên biểu tình phản đối suốt 1 tháng. Bị quân đội từ chối ủng hộ, ngày 14-1-2011, TT Ben Ali chạy trốn sang nước Ả Rập Sếut. Với 23 năm làm tổng thống, tài sản của ông và gia đình ông chiếm gần 50 tỉ đôla.
Tiếp tới là cuộc cách mạng nước Ai Cập. Ngày 25-1-2011, dân chúng biểu tình đòi TT Hosni Mubarak từ chức. Sau một tháng biểu tình, ông phải từ chức ngày 11-2-2011. 30 năm làm tổng thống (6.10.1981-11.2.2011), ông và gia đình ông chiếm tới 70 tỉ đôla.
Đáng kể là cuộc cách mạng nước Libi. Bắt đầu từ cuộc biểu tình ngày 15-2-2011 tại thành phố Benghazi. Cuộc biểu tình các thân nhân của 18 người bị chết trong cuộc biểu tình năm 2006. Họ yêu cầu chính phủ thả một thủ lĩnh của họ. TT Gaddafi ra lệnh đàn áp đẫm máu. Dân chúng và quân đội nổi lên chống đối suốt 8 tháng. Ông phải trốn trong một ống cống. Khi bị bắt, ông xin đừng bắn ông. Sau khi giết ông, binh lính nổi dậy viết lên cửa cống hàng chữ : “Nơi ẩn trốn của Gaddafi, con chuột cống”. Nhà báo Danh Đức viết trong Tuổi Trẻ là “Từ ngai vàng xuống ống cống”.
40 năm trên ngai vàng tổng thống, ông Gaddafi và gia đình đã lấy đi của nhân dân 200 tỉ đôla. Ông làm cho con gái ông một chiếc giường bằng vàng. Đầu giường là pho tượng con gái bằng vàng. Khẩu súng lục ông mang theo người cũng mạ vàng. Ông còn kiêu căng phong cho mình những tước hiệu : “Vua của các vị vua châu Phi”, “lãnh tụ của toàn thể người Hồi giáo”, “Người dẫn đường của cách mạng”, “Nhà lãnh đạo anh em”.
Qua cuộc đời các tổng thống Ben Ali của Tunidi, Mubarak của của Ai Cập, và Gaddafi của Libia, chúng ta mới thấy Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay nói về các lãnh đạo thật đúng.
BTM : Trước hết là lời Chúa Giêsu trong BTM nói về các nhà lãnh đạo tôn giáo của nước Do Thái : “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. Vậy tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ; còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,2-4).
Bđ1 : Trước Chúa Giêsu cả 500 năm, ngôn sứ Malakhi trong bđ1 đã nhắc lại lời Thiên Chúa, để cảnh cáo các tư tế Do Thái : “Hỡi các tư tế, đây là lệnh truyền dành cho các ngươi. Nếu các ngươi không nghe và không lưu tâm tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ khiến các ngươi mắc tai họa. Ta sẽ biến phúc lành của các ngươi thành tai họa” (Ml 2,1.2b).
Bđ2 : Chỉ có thánh Phaolô là nhà lãnh đạo đích danh. Ngài viết cho dân thành Thêxalônica nước Hy Lạp : “Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ. Chúng tôi đã quí mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa” (Tx 2,7b-8).
Phần đông chúng ta ngồi dâng lễ ở đây đều lớn tuổi, chắc hẳn chúng ta còn nhớ TT Ngô Đình Diệm. Ông đã bị giết ngày 2-11-1963, nay được 48 năm. Theo tài liệu của Mỹ mới được phổ biến công khai. Khi trốn khỏi dinh Gia Long đến Chợ Lớn, ông Ngô Đình Nhu đề nghị trốn xuống Miền Tây, nhưng ông Ngô Đình Diệm không chấp thuận, sợ đánh nhau chết lính chết dân. Hai ông đến nhà thờ cha Tam. Sau khi dâng lễ Các Linh Hồn xong, ông Ngô Đình Diệm gọi điện thoại cho các tướng lãnh. Họ sai người đến bắt hai ông đem về Bộ Tổng Tham Mưu. Khi đi qua Tổng Nha cảnh sát, họ đưa hai ông vào, trói tay lại, đập đánh, để tra khảo của cải tiền bạc. Nhưng hai ông không hề có tiền bạc ở trong nước cũng như ở ngòai nước, đến nỗi bà Ngô Đình Nhu ở Pháp không có nhà ở. Nhà bà ở cho tới khi qua đời là căn nhà của một phụ nữ Pháp cho mượn.
Chúng ta cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như đất nước là những người thương dân thương nước (23-10-2011).
——————————–
CN.31.A
ĐỨC MẸ PÔM-PÊI-I
(Đức Mẹ Mân Côi)
Pompeii đã trải qua nhiều tai họa đau thương; nhưng những năm gần đây, những thảm họa đó đã biến thành những chiến thắng của Đức Mẹ Mân Côi, và những lần bất hạnh đó đã biến thành những đòan hành hương đón nhận biết bao phép lạ và ơn lành.
Một trong những thảm họa xảy ra vào năm 79, khi núi Vesuvius (Vê-su-vi-út) phun lửa. Núi lửa đã tàn phá thành phố và chôn vùi nó dưới đống tro tàn. Thành phố mới được mở mang cách chỗ cũ đổ nát khoảng một dặm, nhưng rồi lại bị cơn dịch tả hòanh hành vào năm 1659, giết gần hết dân số.
Một nhà thờ nhỏ đã được xây trước nạn dịch bị phá hủy năm 1740, nhưng rồi một nhà thờ nhỏ hơn được xây thay thế. Giáo xứ chỉ còn một ít giáo dân được chăm sóc bởi một vị linh mục già nua và mệt mỏi. Sau cùng, thêm vào những mê tín dị đoan đã làm tai hại dân chúng là những băng cướp. Pompeii nổi tiếng là một nơi cướp bóc.
Song Đức Mẹ không bao giờ bỏ con cái của Mẹ. Mẹ đã chọn Pompeii làm nơi Mẹ làm những phép lạ cho những ai yêu mến Mẹ. Vũ khí Mẹ dùng để chinh phục thành phố bất hạnh này là ông Bartolo Longo (1841-1926).
Bartolo Longo (Bác-tô-lô Lon-gô) học luật tại thành phố Naples (Náp-lờ) để trở thành luật sư. Những ngày học tại đây ông bị dẫn dụ vào phái Satan. Sau khi “chịu chức” linh mục tại một nhà thờ của Satan, ông thi hành nhiệm vụ nhiều năm để tuyên truyền, nhạo báng đạo Công Giáo và các linh mục. Những bạn bè xấu đã rủ rê ông vào, nhưng Vicente Pepe (Vi-xen-tê Pêpê), một người bạn tốt, đã mang ông trờ về với Chúa. Rồi thày Alberto Radente (An-be-tô Rađen-tê) dòng Đaminh đã giúp ông ra khỏi phái Satan.
Sau khi trở lại và chịu các phép bí tích, ông Bartolo quyết định ăn năn đền tội bằng việc gia nhập vào nhóm săn sóc những người nghèo và bệnh tật. Một thành viên trong nhóm là bà bá tước Di Fusco (Đi Phút-cô), một qủa phụ giầu có.
Một ngày trong tháng 10-1872 trong khi nghỉ trên một cánh đồng gần Pompeii, ông Bartolo nghĩ đến việc gia nhập và chịu chức của phái Satan. Ông kể lại :
Tôi nghĩ rằng chức linh mục của Chúa Kitô đời đời thì chức linh mục của phái Satan cũng đời đời. Như thế, dầu tôi đã ăn năn trở lại, nhưng tôi đã tận hiến cho Satan thì tôi còn là nô lệ và là sở hữu của nó, nó đang chờ tôi trong hỏa ngục. Khi nghĩ đến điều đó, tôi cảm thấy một nỗi thất vọng ê chề và muốn tự tử. Tự nhiên tôi nghe thấy tiếng nói của thầy Alberto nhắc lại lời của Đức Trinh Nữ Maria : “Ai phổ biến việc lần chuỗi Mân Côi thì sẽ được cứu rỗi.” Lời này mang lại ánh sáng cho linh hồn tôi. Qùi gối xuống, tôi kêu lên : “Nếu lời này là đúng thì con sẽ được ơn cứu rỗi, vì con sẽ không lìa đời nếu con chưa phổ biến việc lần chuỗi của Mẹ.” Như một trả lời cho một lời hứa, cái chuông nhỏ của giáo xứ Pompeii kêu lên, mời gọi người ta đọc kinh Truyền Tin. Biến cố này như là một dấu hiệu cho quyết định của tôi.
Không trì hõan, ông Bartolo bắt tay thực hiện công việc. Ông mời một số linh mục nói về lòng yêu mến chuỗi Mân Côi và ông sẽ trưng bày một ảnh Đức Mẹ. Ông đi tìm một ảnh thật đẹp trong cửa tiệm, nhưng không sao tìm được. Ông nghe nói theo giáo luật thời đó ảnh phải vẽ trên vải hay gỗ bằng sơn mầu. Ảnh ông chọn là ảnh vẽ trên giấy.
Về nhà, ông bày tỏ nỗi buồn với thầy Alberto Radente. Thầy nói rằng trong tu viện môt nữ tu tên là Mẹ Concetta (Con-sét-ta) có một bức ảnh. Mẹ cũng muốn tham gia vào việc phổ biến chuỗi Mân Côi, nên thầy khuyên ông đến xin. Thầy Alberto thấy vất ảnh này trong kho của một cửa tiệm. Thầy đã mua chỉ có 8 đồng tương đương 1 đôla. Thầy đã tặng ảnh này cho Mẹ Concetta.
Thấy tấm ảnh, ông Bartolo không hài lòng, vì ảnh vừa xấu lại vừa cũ kỹ bẩn thỉu. Ông tả tấm ảnh như sau :
Không những tấm ảnh bị rách, mà hình Đức Mẹ trông xấu qúa, chẳng khác nào một cô gái nhà quê mộc mạc…Tấm ảnh bị xé rách gần mất cái đầu của Đức Mẹ. Tà áo Mẹ cũng bị rách. Hình thánh Đaminh trông giống như là một chàng thanh niên lêu lổng lang thang trên đường. Bên trái Đức Mẹ là nữ thánh Rôsa. Sau tôi biến thành nữ thánh Catarina thành Siêna… Tôi thật lưỡng lự không biết nên nhận hay không món qùa này. Sau tôi lấy đem về.
Mẹ Concetta khuyến khích ông đem về. Mẹ nói : “Con hãy đem tấm ảnh về. Rồi con sẽ thấy Đức Mẹ dùng tấm ảnh này để làm các phép lạ.” Những lời đó đúng là lời tiên tri.
Tấm ảnh qúa lớn không vác được. Ông Bartolo gói trong một tờ giấy đưa cho một người kéo xe bò đem từ thành Naples về Pompeii. Vì không biết là ảnh Đức Mẹ, người kéo xe bò để ảnh cùng với đống phân kéo về.
Ngày 13-11-1875 tấm ảnh về tới nơi. Hằng năm giáo dân đến ngày này tổ chức buổi cầu nguyện đặc biệt. Hai tháng sau khi tới, tháng 1-1876, bức ảnh được sửa chữa lần đầu xong. Ba năm sau, năm 1879 bức ảnh được sửa chữa lần thứ hai do ông Maldarelli (Man-đa-ren-ni), một họa sĩ người Neapoli (Nê-a-pô-li). Nghe nói các họa sĩ ở Vaticanô sửa một lần thứ ba nữa vào năm 1965.
Để có nơi xứng đáng trưng bày ảnh Mẹ, ông Bartolo trù tính xây một nhà thờ nguy nga. Việc xây dựng do sự đóng góp của những người giầu và cả người nghèo.
Trong khi xây có bốn phép lạ xảy ra.
Phép lạ thứ nhất là em Clorinda Lucarelli (Clôr-in-đa Lu-ca-ren-ni), 12 tuổi, bị bệnh động kinh. Thân nhân hứa sẽ giúp đỡ trong việc xây dựng nhà thờ, nếu em bé được chữa khỏi. Ngày trưng bày tấm ảnh, em được chữa khỏi. Hai bác sĩ đã chứng thực bệnh được chữa khỏi là do phép lạ.
Phép lạ thứ hai là chị Concetta Vasterilla (Con-sét-ta Vát-tê-rin-la) đang hấp hối được chữa khỏi bệnh. Người ta cũng hứa giúp như trường hợp em Clorinda.
Phép lạ thứ ba là ngày đặt viên đá đầu tiên, ngày 8-5-1876, Cha Anthony Varonne (An-tôn Va-rô-nê), đã nhận lãnh nhận bí tích cuối cùng, đang hấp hối, đã được chữa khỏi. Sáng hôm sau, ngài đã dâng thánh lễ. Ngày lễ Mẹ Mân Côi, cha giảng là cha được khỏi do Đức Mẹ làm phép lạ.
Phép lạ thứ tư xảy ra sau khi đặt viên đá đầu tiên được một tháng. Đang nằm trên giường bệnh giai đoạn chót, người ta khuyên bà Mutta (Mút-ta) hãy hứa với Đức Mẹ Pompeii. Ngày 8-6 bà thấy ảnh Đức Mẹ Pompeii, mặc dầu bà chưa trông thấy bao giờ. Chăm chú nhìn, bà thấy Đức Mẹ vất tấm vải có ghi hàng chữ : “Gioanna Mutta, Mẹ Nữ Đồng Trinh Pompeii ban cho con điều con xin.” Đức Mẹ biến đi thì bà khỏi bệnh.
Trong khi xây gian cung thánh, ông Bartolo nảy ra ý kiến giúp các em mồ côi, viết sách về lịch sử kinh Mân Côi, Tuần 9 ngày, và soạn một cuốn sách kinh để cầu nguyện. Khi làm các công việc này cũng là lúc ông dọn mình để cưới bà bá tước Ma-ri-a-na di Fusco vào ngày 1-4-1885.
Hai ông bà bỏ nhiều thời giờ và tiền bạc giúp đữ những người mồ côi. Hai ông bà cũng giúp cho các chủng sinh học hành làm linh mục. Tất cả 45 chủng sinh được nâng đỡ.
Nhà thờ được thánh hiến tháng 5-1891 do Đức Hồng y La Valletta (La Van-lét-ta) đặc sứ của Đức Giáo hồng Lêô XIII. Năm 1934, theo yêu cầu của Đức Giáo hòang Piô XI, khởi đầu xây dựng Vương Cung Thánh Đường mới. Năm 1939 hòan thành.
Ảnh Đức Mẹ Mân Côi vẽ Đức Mẹ ngồi trên tòa cao, Chúa Giêsu Hài Đồng ngồi trên đầu gối Đức Mẹ, Chúa cầm chuỗi ban cho thánh Đaminh, còn Đức Mẹ cầm chuỗi ban cho thánh nữ Catarina. Ảnh được đặt trên cao ở bàn thờ chính nhà thờ. Khung ảnh bằng vàng. Đức Giáo hòang có lần nói : “Thiên Chúa đã dùng ảnh này để ban nhiều ơn lành, để làm thay đổi thế giới.”
Hằng ngày có tới 10.000 người hành hương tới kính viếng. Hằng năm vào ngày 8-5, lễ Sinh Nhật Đức Mẹ và vào chúa nhật đầu tháng 5 có tới 100.000 khách hành hương.
Ông Bartolo, người từ phái Satan trở lại, đồng thời là một luật sư và là một nhà ân nhân của những người mồ côi sống được 85 tuổi. Ông qua đời ngày 5-10-1926. Mộ ông và vợ ông được chôn trong cánh gà của nhà thờ.
Lời hứa của Đức Mẹ đã hiện thực : “Ai phổ biến việc lần chuỗi Mân Côi sẽ được cứu rỗi.” Đức Giáo hòang Gioan-Phaolô II đã phong chân phước cho ông ngày 26-10-1980.
Hôm nay chúa nhật cuối tháng Mân Côi, chúng ta kể chuyện này để thêm lòng yêu mến Đức Mẹ và siêng năng lần chuỗi Mân Côi (30-10-2005).
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành