Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm A


CN.32.A

(Kn 6,12-16; 1Tx 4,13-18; Mt 25,1-13)

Trong số các linh mục Việt Nam được du học ở chủng viện Pênăng nước Malaysia có 5 vị tử đạo. Đó là :

1/ Cha Philipphê Phan Văn Minh, quê Cái Mơn, Vĩnh Long, tử đạo 3-7-1853

2/ Cha Phaolô Lê Văn Lộc, quê An Nhơn, Gò Vấp, tử đạo 13-2-1859

3/ Cha Phêrô Đoàn Công Quí, quê Búng, Bình Dương, tử đạo 31-7-1859

4/ Cha Gioan Đoàn Trinh Hoan, quê Kim Long, Huế, tử đạo  26-5-1861

5/ Cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu, quê Gò Vấp, Sàigòn, tử đạo 7-4-1861

Cả 5 vị thánh tử đạo được chủng viện Pênăng tạc tượng đặt trước sân chủng viện.

Chủng viện Tôma của dòng Đaminh ở Philipphin cũng tạc tượng vị học trò xuất sắc của mình là cha thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm, quê Trà Lũ, Bùi Chu. Ngày 7-11 là ngày cha được phúc tử đạo .

12 tuổi cha Liêm đi tu ở nhà Đức Chúa Trời xứ Lục Thủy. Cha đạo đức và thông minh. Vua Tây Ban Nha ban học bổng cho một số chủng sinh của các xứ truyền giáo. Các cha dòng Đaminh giáo phận Đông Đàng Ngòai đã chọn cha đi du học tại chủng viện thánh Tôma ở Philippin. Lúc ấy cha 18 tuổi. Sau 8 năm học tập, năm 26 tuổi, cha chịu chức linh mục. Cha hồi hương về dạy học tại chủng viên Trung Linh, đồng thời coi sóc các giáo xứ Quất Lâm, Lục Thủy, Trung Lễ, Trung Linh, Trung Lao, Lai Ổn.

Thời cha phục vụ là thời cấm đạo của Trịnh Sâm. Cha bị bắt khi cha đến họ đạo Lương Đống để mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi. Cha bị bắt cùng với hai chú giúp lễ Matthêu Vũ và Giuse Bích. Sau 12 ngày bị giam giữ ở nhà ông chánh tổng, ba cha con bị giải lên Phố Hiến. Tại nhà tù Phố Hiến ba cha con được gặp cha Jacintô Gia, người Tây Ban Nha. Cuối cùng, 4 cha con bị điệu về Thăng Long.

Chú của Trịnh Sâm có bà vợ tên là Trâm, quê Hải Dương, đã theo đạo Công giáo, nên ông đã biết chút ít về đạo. Để xem đạo nào đúng hơn, ông tổ chức một cuộc tranh luận giữa 4 đạo : Công giáo, Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo. Ba đề tài tranh luận là :

1/ Con người bởi đâu mà có ?

2/ Sống ở đời để làm gì ?

3/ Chết rồi đi về đâu ?

Mỗi ngày một đề tài. Cha Vinh Sơn Liêm và cha Jacinto Gia đại diện cho bên Công Giáo.

Mẹ của Trịnh Sâm cũng muốn biết về đạo. Bà mời hai cha đến trao đổi. Bà hỏi hai cha : “Nếu chỉ có đạo của các thầy là đạo thật, thì những người không theo đạo ấy, chết rồi đi đâu ?”. Cha Vinh Sơn Liêm đáp ; “Bẩm bà, thì họ bị sa hỏa ngục !” Nghe cha Liêm trả lời, bà mẹ Trịnh Sâm nổi giận, và thúc giục Trịnh Sâm, con bà, lên án chặt đầu hai cha, còn hai chú giúp lễ thì bắt đi đày biệt xứ.

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng nói đến sự chết và đời sau.

Bđ2 : Bđ2 cho biết : Thời thánh Phaolô, giáo dân Thêxalônica, thắc mắc “chết rồi đi về đâu?”. Thánh Phaolô đã trả lời là :“Chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây…, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi” (Tx 4,17).

Bđ1 : Bđ1, sách Khôn Ngoan, cho chúng ta biết ai là người  “sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi”. Đó là người “mến chuộng Đức Khôn Ngoan” (Kn 6,12a), “tìm kiếm Đức Khôn Ngoan” (6,12b), “khao khát Đức Khôn Ngoan” (6,13), “suy niệm về Đức Khôn Ngoan”, “thức khuya dậy sớm vì Đức Khôn Ngoan” (6,15). Đức Khôn Ngoan viết chữ hoa, có ý nói Thiên Chúa. Người mến chuộng Thiên Chúa, tìm kiếm Thiên Chúa, khao khát Thiên Chúa, suy niệm về Thiên Chúa, thức khuya dậy sớm vì Thiên Chúa thì sẽ “được ở cùng Chúa mãi mãi”

BTM  : Còn BTM thì Chúa Giêsu dùng dụ ngôn “10 trinh nữ” đi đón chàng rể, để cho biết: ai là người “được ở cùng Chúa mãi mãi”, ai là người không ?  Người được vào thiên đàng thì giống như 5 cô khôn “vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo” (Mt 25,4), tức là những người biết chuẩn bị cho cái chết của mình, sống đạo đức thánh thiện. Người phải xuống hỏa ngục thì giống như 5 cô dại “mang đèn mà không mang dầu theo” (Mt 25,3), tức là người không chuẩn bị , sống bê tha tội lỗi.

Nhà văn Nga Valentin Raxputin, trong tập truyện “Đám Cháy”, đã viết : “Bắt buộc thỉnh thoảng phải nghĩ đến cái chết, để sống cho trong sạch hơn”. Ông cho rằng khó có cái gì, khó có ai có thể làm cho người ta bỏ đàng tà, mà quay về đường ngay nẻo chính, chỉ có cái chết. Ông nói : “Cái chết, đó là người thầy đầy quyền lực !” (6-11-2011),

———————————————

CN.32.A

Thánh Gioan Don Bosco rất yêu mến mẹ ngài, bà Margarita. Yêu mến đến nỗi dù thời gian cũng không làm phai nhạt hình ảnh mẹ ngài. Thậm chí những ngày cuối đời, khi nghĩ đến sự chết, thì ngài lại nhớ đến mẹ ngài. Nước mắt chảy ra, muốn cầm cũng không cầm được. Có những đêm, nửa tỉnh nửa ngủ, ngài đã gọi mẹ ngài. Đôi lần ngài mơ thấy mẹ ngài. Ngài không thể nào quên được những giấc mơ đó.

Vào tháng 8-1860, thánh Don Bosco mơ gặp mẹ ngài ở Đền Đức Mẹ An Ủi  trên đường từ Convitto ngài trở về tu viện. Mẹ ngài trông rất đẹp.

Ngài hỏi : “Cái gì thế này ? Mẹ ở đây thật à ? Mẹ không chết sao ?”

Bà Magarita trả lời : “Mẹ chết rồi, nhưng mẹ vẫn sống.”

“Mẹ có được hạnh phúc không ?”

“Rất hạnh phúc !”

Sau một vài câu hỏi, thánh Don Bosco hỏi xem mẹ ngài  có được thẳng lên thiên đàng, hay còn phải ở dưới luyện ngục ? Bà Magarita không trả lời. Sau đó thánh Don Bosco kể tên một vài đứa học trò của ngài đã chết có được lên thiên đàng hay không, thì mẹ ngài nói có.

Thánh Don Bosco hỏi tiếp : “Ở trên thiên đàng có cái gì khiến mẹ vui sướng ?”

“Mẹ không thể cắt nghĩa được.”

“Mẹ hãy cho con một tư tưởng nào đó về niềm hạnh phúc của mẹ.”

Bà Magarita bỗng biến ra rực sáng. Áo bà mặc thật sang trọng. Như một ca đòan ở dưới đất, bà hát bài ca ca ngợi tình yêu Thiên Chúa. Bài ca ngọt ngào như thấm vào từng thớ thịt của con tim. Bài ca như được hát với cả ngàn giọng ca dịu dàng, êm dịu, du dương. Thánh Don Bosco nghe mà ngây ngất đến nỗi ngài chẳng còn muốn hỏi điều gì với mẹ ngài cả. Hát xong, mẹ ngài quay lại nhìn ngài và nói với ngài : “Mẹ sẽ đợi con. Hai mẹ con chúng ta phải ở với nhau.” Sau khi nói những lời đó, mẹ ngài biến đi.

Bài đọc 2 : Ngay từ những năm 50 sau Chúa giáng sinh, nghĩa là khoảng 20 năm sau Chúa chết, các tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca thuộc nước Hy Lạp ngày nay, cũng thắc mắc về số phận của những người đã chết, chết rồi sẽ như thế nào, chết là hết hay chết mà vẫn còn sống : “Về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng” (1Tx 4,13). Vậy, dựa theo niềm tin Chúa Giêsu chết và sống lại, thánh Phaolô cho biết : “Nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu sẽ được Thiên Chúa  đưa về cùng Đức Giêsu.” (4,14).

Như vậy, người ta chết, nhưng rồi sẽ sống lại. Đến ngày Chúa Giêsu quang lâm, ngày Chúa xuống thế lần thứ hai, tức là ngày tận thế, tất cả loài người sẽ sống lại. Thánh Phaolô viết : “Khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên; rồi đến chúng ta những người đang sống, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung” (4,16-17).

Bài Tin Mừng : Để được sống lại với Chúa Kitô thì thánh Phaolô bảo phải “chết trong Chúa Kitô”, hay nói theo dụ ngôn 10 trinh nữ trong bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay thì phải : “Hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25,13). Qủa thật, chẳng ai biết giờ chết, ngày chết của mình. Chúa Giêsu có lần đã ví  cái chết đến như kẻ trộm, hay như chú rể trong dụ ngôn 10 trinh nữ.

Đám cưới người Do Thái thời Chúa Giêsu là một cơ hội lễ lạc linh đình. Tòan thể dân làng được mời tham dự vào đòan rước chú rể và cô dâu. Họ đứng hai bên đường ca hát và chúc mừng những lời tốt đẹp nhất. Đôi tân hôn không đi xa để hưởng tuần trăng mật, nhưng ở tại nhà, suốt cả tuần lễ tiệc tùng, và được đối đãi qúi trọng như hòang tử và công chúa. Đây là tuần lễ quan trọng, đáng ghi nhớ nhất trong đời của đôi vợ chồng. Do đó, theo luật của các kinh sư, ngày lễ cưới là ngày hoan lạc vui tươi, tất cả các khách đến tham dự được miễn trừ không phải giữ luật ăn chay, người học Luật cũng được nghỉ để đi dự tiệc cưới.

Lễ cưới của người Do Thái vào ban đêm. Vào lúc mặt trời lặn, chú rể tới nhà cô dâu thương lượng với người cha hay anh em của cô dâu về tiền bạc, qùa cáp, của hồi môn…. Thời đó chưa có đồng hồ, nên không thể định rõ giờ giấc. Hơn nữa, theo phong tục, chú rể thường cố ý trì hõan, và kéo dài cuộc thương lượng, để cô dâu và những nàng phù dâu phải chờ đợi trong hồi hộp và ngạc nhiên. Vì thời gian thương lượng kéo dài, thêm vào đó là việc chuẩn bị sửa soạn cả ngày khiến người ta dễ ngủ gục. Khi thương lượng xong, chú rể đón cô dâu về, vừa phần trời đã tối mịt, vừa phần cho linh thiêng và quan trọng, mỗi người đi rước phải có đèn đuốc thắp sáng trên đường đi. Do đấy, những cô khôn vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo thì được “đi theo chú rể vào dự tiệc cưới”; còn những cô dại mang đèn, mà không mang chai dầu theo thì bị từ chối.

Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh tiệc cưới để nói đến niềm vui Nước Trời, đến hạnh phúc thiên đàng. Nhưng để được hưởng niềm vui đó, cần phải biết chuẩn bị như năm cô khôn, hay theo kiểu nói của sách Khôn Ngoan trong bđ1 là phải “mến chuộng” (6,12), “khao khát” (13), “tìm kiếm” (14), và “suy niệm” (15) Chúa.

Bài đọc 1: bđ2 chúng ta đọc thư Thêxalônica, lá thư đầu tiên của thánh Phaolô, đồng thời cũng là tài liệu viết đầu tiên của Tân Ước. Bđ1 đọc sách Khôn Ngoan, sách viết cuối cùng của Cựu Ước, viết vào khoảng năm 80-50 trước Chúa giáng sinh, vào thời người Do Thái đang sống trong văn hóa Hy Lạp. Văn hóa Hy Lạp đề cao sự khôn ngoan. Triết học, philosophie, là yêu mến sự khôn ngoan. Sách Khôn Ngoan được viết để dạy người Do Thái rằng : sự khôn ngoan của đạo còn qúi hơn sự khôn ngoan của văn hóa Hy Lạp.

Theo sách, Khôn Ngoan viết hoa, nghĩa là Khôn Ngoan là Chúa. Ai “mến chuộng” (6,12), “khao khát” (13), “tìm kiếm” (14), “suy niệm” (15) Chúa thì chết sẽ được hưởng niềm vui (6-11-2005).

———————————————

CN.32.A

Mỗi dân tộc có một tục lệ cưới hỏi và mỗi làng cũng có một tục lệ riêng.

Tục lệ người Do Thái nói riêng và vùng Cận Đông nói chung được cha Jerimias, một chuyên viên Kinh Thánh lỗi lạc, kể lại như sau :

Vào buổi tối, khách dự tệc cưới  liên hoan tại nhà cô dâu và chờ chàng rể đến. Giờ chàng rể đến là từ chặp tối tới nửa đêm. Khi đi có sứ giả đi trước hô to để loan báo cho nhà gái biết chàng rể đang đến. Chàng đến với các bạn phù rể trong một biển ánh sáng đèn đuốc. Khách dự tiệc nhà gái và các cô phù dâu, không có cô dâu, ra đón chàng rể ở dọc đường. Đoạn tất cả mọi người, tay cầm đèn sáng, theo chàng rể vào nhà gái để rước cô dâu về nhà trai. Tiệc cưới chính thức được cử hành tại nhà trai.

Ai cũng hiểu dụ ngôn trong BTM hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói đến tiệc cưới Nước Trời. Không phải đây là lần đầu tiên , mà đã nhiều lần Chúa Giêsu dùng hình ảnh tiệc cưới, để diễn tả niềm vui Nước Trời, hạnh phúc đời sau.

Vì thế, Chúa nhật hôm nay và tuần sau, những Chúa nhật cuối năm phụng vụ, tượng trưng những ngày cuối của đời người, được đọc những bài Sách Thánh nói về sự chết

Bđ2 : Bđ2 thánh Phaolô xác định với tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca về sự chết và sống lại. Ngài viết : “Về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng : những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về sống với Đức Giêsu” (1Tx 4,13-14).

Còn chúng ta, chúng ta có niềm hy vọng, chúng ta tin : sau khi an giấc trong Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được Thiên Chúa đưa về với Chúa Giêsu.

Nhưng cái khó là làm sao “được an giấc trong Chúa Giêsu” ? Cái khó là chết mà được sự sống đời đời. Cái khó là làm sao để khi chết được vào dự tiệc cưới Nước Trời ?

BTM : Bđ1 sách Khôn Ngoan dạy chúng ta sống khôn ngoan. Còn BTM thì dạy chúng ta biết chuẩn bị. Song thế nào là khôn, thế nào là dại ?

Thánh Phaolô trong thư Côrintô cũng hỏi : “Người khôn ngoan đâu ? Người học thức đâu ? Người lý sự của đời này đâu ? Thiên Chúa lại không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao ? Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã lấy làm vui thích dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin” (1Cr 1,19-21).

Trong thực tế, chúng ta cũng chẳng thể phán xét ai là khôn, ai là dại, ngay cả trong lãnh vực Giáo Hội.

Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, khi còn là giám mục, đã bị một số viên chức trong một thánh bộ nọ nghi ngờ về lối sống cởi mở đối thoại của ngài. Ngài bị lập hồ sơ và ghi vào sổ đen. Khi lên ngôi giáo hoàng, ngài bảo thánh bộ đó lục lại hồ sơ đen ấy. Hồ sơ  được đem đến trình ngài, ngài đọc. Đọc xong, ngài lấy bút ghi thêm câu : “Đen vậy mà cũng làm giào hoàng được à ?”. Không phải là một “giáo hoàng chuyển tiếp” như người ta nghĩ, mà là một giáo hoàng làm được những việc vĩ đại.

Có lẽ hai việc vĩ đại nhất ngài làm : một là đối thoại với các tôn giáo, hai là đối thoại với cộng sản. Vì thế, khi ngài tạ thế không phải chỉ Giáo Hội để tang, mà các tôn giáo, cộng sản, Liên Hiệp Quốc cũng treo cờ rũ để tang ngài. Trước ngài, chưa có vị giáo hoàng nào được cả bạn lẫn thù để  tang như thế.

Khôn và dại thật khó lường trước mắt người đời. Song cũng may là lường được trước mắt Chúa., trước cái chết. Thánh Máctinô cắt đôi tấm áo chia cho người nghèo một nửa. Trước mắt thế gian là dại, nhưng trước mắt Chúa là khôn.

Ông chủ hộ tự mãn : “Hồn tôi hỡi, mình bây giờ ê chề của cải dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã”. Nhưng Chúa bảo ông : “Đồ ngốc nội đêm nay người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?” (Lc 12,19-20).

         Cũng như trong BTM hôm nay với dụ ngôn “Mười Trinh Nữ”, Chúa Giêsu bảo năm  trinh nữ dại : “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả ! Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25,12) (11-11-1990).

—————————–

CN.32.A

Thật là hợp thời ! Trong tháng Các Đẳng chúng ta được nghe bài Tin Mừng hôm nay. Dụ ngôn “Mười Trinh Nữ” mà thánh Mt ghi lại, Chúa Giêsu nói đến sự chết và sự sửa soạn cho cái chết.

Người Rôma có câu ngạn ngữ và ghi câu này trên cuốn lịch treo tường : “Tất cả mọi giờ khắc đều làm cho người ta bị thương. Giờ cuối cùng thì chết”.

Người Rôma muốn nói rằng mỗi lần đau khổ chẳng khác nào là một cái chết nhỏ, để bước vào cái chết lớn khi tắt thở xuôi tay (Nghệ Thuật Sống, trang 192).

Suốt đời, từng giây từng phút chúng ta đi dần đến cái chết. Người già càng thấy điều đó hơn.

Sống gửi thác về” ! Về đâu ? Về đời sau. Có đời sau không ? Hay chết là hết ?

Nhà văn Pháp JJ Rousseau viết : “Nguyên một sự : thấy kẻ dữ được thịnh đạt, còn người lành phải khổ, đủ cho tôi tin rằng : hồn hằng sống. Chẳng cần một chứng minh nào khác. Hết sống chẳng phải là hết mọi sự. Chính lúc chết, mọi sự mới trở lại trật tự”.

Như thế, không có đời sau thì không có sự lành sự dữ, không có công bằng. Ăn ngay ở lành chỉ là thua thiệt, uổng phí cuộc đời.

Đức Hồng y Mercier, người Bỉ, viết : “Nếu tin rằng không có đời sau, thì chẳng cần phải ăn ngay ở lành. Ai ăn ngay ở lành là khờ dại mà thôi”.

Thánh Phaolô thì nói : “Nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì chúng ta cứ ăn cứ uống đi, vì ngày mai chúng ta sẽ chết” (1Cr 15,32).

Nếu chỉ có đời này thì chẳng cần theo đạo. Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Côrintô : “Nếu ta đặt mối hy vọng vào Đức Kitô vỏn vẹn lúc sinh thời này thôi, thì quả ta là người khốn nạn nhất trong thiên hạ” (1Cr 15,19).

Nhà văn Nga Valentin Raxputin, trong tập truyện “Đám Cháy”, đã viết : “Bắt buộc thỉnh thoảng phải nghĩ đến cái chết, để sống cho trong sạch hơn”. Ông cho rằng không có gì, có ai có thể làm cho người ta bỏ đàng tà, mà quay về đường ngay, chỉ có cái chết. Ông nói : “Cái chết, đó là người thầy đầy quyền lực !

Vậy phải có đời sau. Dụ ngôn “Mười Trinh Nữ” chỉ cho chúng ta thấy cái khôn và cái dại của con người trước cái chết.

Chúa Giêsu dùng cảnh sinh hoạt cưới hỏi thường tình của con người để nói đến sự chết, nói về ngày Chúa đến rước linh hồn mỗi người về.

Sự chết cũng giống như chú rể đến bất thình lình. Khôn thì phải sẵn sàng như  năm cô trinh nữ khôn “vừa mang đèn vừa mang bình dầu theo” (Mt 25,4). Chuẩn bị sẵn sàng như thế thì sẽ được vào dự tiệc cưới Nước Trời, được lên thiên đàng. Còn dại mà không chuẩn bị, giống như năm cô trinh nữ dại “mang đèn mà không mang dầu theo” (Mt 25,3), thì sẽ không được vào dự tiệc cưới Nước Trời, không được lên thiên đàng.

Trong hạnh thánh Phanxicô Girôlamô (11-5) có câu chuyện sau đây : Lúc thánh nhân giảng đạo tại thành Napôli, nước Italia, có một cô gái tội lỗi tên là Catarina không thèm nghe lời thánh nhân khuyên bảo, lại còn khinh thường, nhạo báng. Một hôm cô ngồi thổi sáo bên cửa sổ. Vô ý cô ngã đâm đầu xuống đất, vỡ sọ chết. Thánh Phanxicô đang giảng ở nhà thờ, được tin liền cắt ngang bài giảng và nói với giáo dân : “Thôi, chúng ta đến thăm người chết”. Gần 250 giáo dân đi theo.

Tới nơi ngài cầm tay người chết hỏi : “Catarina, bây giờ con ở đâu ?

Lập tức người chết ngồi thẳng dậy và trả lời : “Con ở hỏa ngục”.

Nói rồi cô nằm xuống và cứng đờ như gỗ.

Hôm đó là ngày 4-4-1704. Cô Catarina là “người trinh nữ dại” trong BTM hôm nay (11-11-1984).

 

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành