Bài giảng của Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân Trong Thánh Lễ Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa
BÀI CHIA SẺ THÁNH LỄ ĐỨC MARIA – MẸ THIÊN CHÚA
Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu (01/01/2018)
********
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Hôm nay, ngày đầu năm mới và cũng là ngày Cầu cho Hòa bình Thế giới, chúng ta vui mừng cử hành lễ Đức Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa. Hôm nay cũng là ngày cuối của Tuần Bát Nhật Giáng Sinh khi chúng ta đang cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô, Con Thiên Chúa – Ngôi Lời Nhập thể, sinh hạ bởi Đức Trinh Nữ Maria, là trưởng tử hòa bình đích thực của chúng ta.
Tước hiệu Đức Maria Mẹ Thiên Chúa là một tước hiệu đã có từ lâu đời trong Giáo Hội. Đây là một tước hiệu xứng hợp ơn mọi tước hiệu khi nói về Đức Trinh Nữ Maria. Vào thế kỷ V, Nestôriô đã nổi lên chống đối tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Theo Nestôriô, chỉ nên gọi Maria là Mẹ của Đức Giêsu Kitô, chứ không được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Một cuộc xung đột lớn đã xảy ra trong Giáo Hội xoay quanh việc Ngôi Hai nhập thể. Thế nên, vào năm 431, Hội Thánh đã triệu tập Công đồng Ephêsô dưới sự chủ toạ của thánh Cyrillô, các nghị phụ trong công đồng này đã tuyên bố cất chức Nestôriô và đánh đổ lạc thuyết của ông ta. Công đồng Ephêsô đã định tín Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì thực sự Mẹ đã sinh ra Con-Thiên-Chúa-làm-người. Như vậy, từ công đồng Ephêsô năm 431, tước hiệu Maria Mẹ Thiên Chúa đã trở thành tước hiệu chính thức của Đức Trinh Nữ Maria. Đây là tước hiệu trổi vượt trên mọi tước hiệu mà Giáo Hội đã ca tụng và tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria. Thánh công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Tín lý về Hội Thánh đã viết: “Từ những thời xa xưa, Đức Trinh Nữ đã được tôn kính dưới tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Người trong mọi cơn gian nan khốn khổ”. Đức Giáo Hoàng Piô XI viết:“Tín điều Mẹ Thiên Chúa là một mối nước mầu nhiệm vô tận, đã tuôn ra mọi đặc ân cho Đức Mẹ và nâng Người lên một địa vị cao sang tuyệt vời bên Thiên Chúa”.
Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, giúp chúng ta tìm về máng cỏ để học gương sống của các mục đồng và của Đức Mẹ Maria trước mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập thể làm người. Cùng với các mục đồng đến chiêm ngắm mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người ở giữa chúng ta. Ngài sinh bởi người mẹ đồng trinh, tuân theo luật lệ của một dân tộc, sống nếp sống bình thường của loài người, lớn lên trong khung cảnh một gia đình. Khi chấp nhận cưu mang Con Thiên Chúa Nhập thể, Trinh nữ Maria đã đáp trả với Sứ thần:“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”(Lc 1,38). Đây là lời đáp trả của đức tin, một đức tin đầy lòng tin tưởng và hy vọng, đức tin của Mẹ Maria là sự chấp nhận thánh ý Thiên Chúa, là tỉnh thức đón nhận sự mạc khải của Thánh ý Ngài. Với đức tin toàn vẹn, Đức Mẹ Maria khám phá công cuộc tái tạo kỳ diệu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Nhìn vào hang đá máng cỏ, chúng ta nhận ra sứ điệp hy vọng từ nơi đây: “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi trao ban chính Con Một của Người cho nhân loại chúng ta”(x.Gio 3,16-17). Tình thương của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn nơi Người Con Nhập Thể của Ngài, và tình thương đó là nền tảng cho hòa bình dưới thế. Chính Ngôi Hai Nhập thể đã hòa giải con người với Thiên Chúa, con người với nhau, và đổi mới con người tương quan với mọi loài tạo vật. Lời Thánh Vịnh 85 đã nói tới một thế giới của hòa bình và công lý mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại chúng ta: công lý từ Thiên Chúa tặng ban và tín nghĩa là sự đáp trả của loài người:
Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên.
Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao.
Đức Chân Phước Giáo hoàng Phaolô VI đã quyết định dời thánh lễ kính trọng thể Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa vào ngày Đầu năm Dương lịch, cũng là ngày cầu nguyện cho Hòa bình thế giới mà Ngài đã viết trong tông huấn “Marialis Cultus”: “Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 01 tháng Giêng với ngày thứ tám sau lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày thế giới hoà bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hoà bình đã phát sinh trong lòng nhiều người”.
Sứ điệp Hòa bình thế giới năm 2018 của Đức Thánh Cha Phanxico công bố với chủ đề: “Di dân và tị nạn: những người nam nữ tìm kiếm hòa bình”. Trong sứ điệp này, sau khi nhắc đến sự kiện trên thế giới hiện có hơn 250 triệu người di cư và trong đó có 22 triệu rưỡi người tị nạn, Đức Thánh Cha khẳng định: ”cởi mở tâm hồn trước những đau khổ của tha nhân, điều này chưa đủ, còn phải làm sao để các anh chị em di dân và tị nạn có thể sống an bình trong một căn nhà an ninh”. Ngài nhìn nhận các chính quyền có nhiệm vụ thực thi nhân đức khôn ngoan thận trọng, biết đón nhận, thăng tiến, bảo vệ và hội nhập những người nhập cư, thiết lập các biện pháp thực hành…Chính quyền có trách nhiệm rõ ràng đối với các cộng đoàn của mình, đảm bảo các quyền lợi chính đáng và sự phát triển hòa hợp”. Đức Thánh Cha cũng phân tích những nguyên nhân tạo nên số người di cư và tị nạn đông đảo như ngày nay, và ngài mời gọi mọi người nhìn vấn đề này trong viễn tượng đức tin, tình liên đới và huynh đệ, ước muốn thiện ích, sự thật và công lý, nhìn nhận những khía cạnh tích cực của những người di dân và tị nạn. Ngài viết: ”Khi quan sát những người di dân và tị nạn, ta sẽ khám phá thấy họ không đến tay không: họ mang nhiều can đảm, khả năng, nghị lực và khát vọng, cùng với những kho tàng văn hóa nguyên quán, nhờ đó họ làm cho cuộc sống quốc gia đón nhận được thêm phong phú. Chúng ta cũng sẽ nhận thấy tinh thần sáng tạo, kiên trì, tinh thần hy sinh của bao nhiêu cá nhân, gia đình và cộng đoàn ở các nơi trên thế giới mở tâm lòng đố với những người di dân và tị nạn, kể cả tại những nơi không có nhiều tài nguyên”. (Sứ điệp HBTG năm 2018)
Anh Chị em thân mến,
Ngày đầu tiên của năm mới dương lịch 2018 là thời gian thuận tiện để chúng ta nhìn lại một năm đã qua, nhìn lại cuộc sống của chính mình, nhìn lại những ưu khuyết điểm của chính mình. Nhìn lại chính mình để nhận thức những trách nhiệm, những bổn phận phải chu toàn với ơn gọi riêng của mỗi người. Nhìn lại chính mình để nhận ra những hạn chế, những yếu kém, yếu đuối của thân phận làm người. Thời gian trôi qua giúp chúng ta cảm nhận, đã làm người không ai trường sinh bất tử, bởi vì tiếng khóc chào đời cũng gắn liền với hơi thở cuối cùng của kiếp nhân sinh. Điều chúng ta suy tư là chúng ta đã làm gì, đã sống ra sao trong năm qua để giúp cho mình và giúp Giáo hội và xã hội. Có lẽ gần gũi và thiết thân với chúng ta hơn cả: có thể là hạnh phúc, thành công, may mắn hay thất bại, đau khổ; có thể là bệnh tật, tai nạn, thất nghiệp, nghèo khó, thiên tai, môi trường có độc hại, hoặc là sự ly biệt của những người thân yêu ruột thịt, hoặc sự đổ vỡ của tình yêu, tình vợ chồng, cha mẹ con cái…tất cả những biến cố lớn nhỏ đó cho chúng ta cảm nhận thân phận làm người. Những hạn chế của hiểu biết, của sức khỏe, của tuổi tác cộng với sự mong manh của thân xác càng làm chúng ta thấm thía hơn về thân phận dòn mỏng của con người. Chúng ta được mời gọi để không nhìn vào những biến cố đó như tiếng nói cuối cùng, như một ngõ cụt. Bởi vì, hướng đi lịch sử của loài người không phải là ngõ cụt của thất vọng, sự chết mà là Hy vọng và Sự sống. Cuộc sống luôn có ý nghĩa trong chương trình tràn đầy tình thương của Thiên Chúa, Đấng là Chủ tể Sự sống và Ân sủng.
Tại miền bắc nước Pháp, người ta thường kể lại một câu chuyện cổ thân thương như sau: “có một gia đình nọ gồm cha mẹ và một đứa con sống rất hiệp nhất yêu thương nhau. Nhưng một đêm kia, đang lúc mọi người ngủ say, một trận giông bão chưa từng xảy ra bao giờ, chỉ trong mấy giờ đồng hồ cả vùng đều lụt lớn, nhà cửa sập cả, thây người và vật trôi bồng bềnh. Người cha của gia đình cõng vợ trên vai mình và bà vợ tay bế đứa con. Nước càng lúc càng dâng lên cao, chẳng bao lâu ngập đầu cả hai vợ chồng. Dù ngộp thở và vô cùng mệt mỏi, bà mẹ cố giơ cao hai cánh tay nâng cao đứa con lên khỏi mặt nước để đứa bé khỏi chết ngộp. Hai vợ chồng sẵn sàng chờ chết, nhưng chỉ mong có ai cứu được đứa bé khỏi chết. Vừa lúc đó, có một thiên thần bay ngang qua, trông thấy cái đầu bé tí nhô khỏi mặt nước, vội cầm lấy kéo lên và dính chùm theo là cả cha mẹ đứa bé. Thế là nhờ yêu thương hiệp nhất mà cả gia đình được thoát nạn”.
Trong ngày đầu Năm Mới Dương Lịch 2018, chúng ta luôn xác tín rằng: Thiên Chúa yêu thương chúng ta một cách lạ lùng đặc biệt, vượt quá sự hiểu biết hạn chế của mỗi người chúng ta. Ngài mời gọi và yêu thương con người trên mọi nẻo đường của cuộc đời. Niềm hy vọng của chúng ta là gặp gỡ Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời. Lời của Thiên Chúa luôn vang vọng trong tâm hồn con người và gửi tới cho mỗi người chúng ta nhiều sứ điệp ý nghĩa và thiết thực.
Giờ đây, chúng ta hướng về Đức Mẹ Maria, là Mẹ Thiên Chúa, vì Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể và công cuộc Cứu độ loài người được nối kết nơi Đức Mẹ Maria. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta nhận ra kỳ công của Thiên Chúa đã và đang thực hiện trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, để cuộc đời chúng ta là sự đáp trả bằng ơn gọi riêng và không ngừng dâng lời cảm tạ tri ân.
Xin Phúc lành và Tình yêu thương của Chúa Giêsu Kitô luôn đồng hành, đỡ nâng, khích lệ quý cộng đòan hiện diện trong ơn gọi Đức Tin và cuộc đời. Amen.
Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân
Giám mục giáo phận Đà Nẵng