Tình Gia Đình Của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam


TÌNH GIA ĐÌNH

CỦA CÁC THÁNH TỬ ĐẠO

VIỆT NAM

(Trích trong Thiên Hùng Sử,)

(117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam)

(San Jose, Cal, 1990)

 

1.Thánh Anê Lê thị Thành : Sinh khoảng năm 1781 tại làng Bái Điền, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ, cô Thành đã theo mẹ về quê ngoại ở Phúc Nhạc, địa phận Phát Diệm. Năm 17 tuổi, cô kết hôn với anh Nguyễn văn Nhất, người cùng xã, và sống với nhau rất hạnh phúc, thuận hòa, sinh được hai trai là Đê và Trân, với bốn gái là Thu, Năm, Nhiên và Nụ. Hai ông bà hiền lành đạo đức, rất quan tâm đến việc giáo dục con cái.

Ngày lễ Phục sinh 14-4-1841, tổng đốc Nam Định, Trịnh Quang Khanh, cùng với 500 lính đến vây làng Phúc Nhạc. Bà đã bị bắt vì chứa chấp cha Lý. Bà chết rũ tù tại Nam Định ngày 12-7-1841

Cô Luxia Nụ, con gái út, cung khai khi giáo quyền thẩm vấn trong việc điều tra phong chân phước như sau : “Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con. Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, sau lại dạy cách tham dự thánh lễ và xưng tội rước lễ. Người không để chúng tôi biếng nhác việc xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, người thúc giục chúng tôi bằng được mới thôi. Người cho chúng tôi nhập hội Con Đức Mẹ, vào ban Thiếu Nữ Thưa Kinh ở nhà thờ”.

Một người con khác, cô Anna Năm, cũng xác minh : “Song thân chúng tôi chỉ gả các con gái cho những thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn, thân mẫu thường đến thăm chúng tôi và khuyên bảo những lời tốt lành. Có lần người dạy tôi: ‘Tuân theo ý Chúa con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng. Hãy vui lòng nhận Thánh Giá Chúa gửi cho’. Người cũng khuyên vợ chồng tôi : ‘Hai con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ’”.

Cô Luxia Nụ đến thăm mẹ trong ngục, thấy y phục thân mẫu loang lổ máu, cô thương mẹ khóc nức nở, bà an ủi con bằng những lời tràn trề lạc quan : “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc”?

Bà còn khuyên : “Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Đàng” (trang 213- 216).

2.Cha Phêrô Đoàn Công Qúy : Cha mẹ của cha tên là Antôn Đoàn Công Miêng và Anê Nguyễn thị Thường. Hai ông bà sinh sống ở Bắc Việt cho đến năm 1820. Cả gia đình di cư vào Nam ở tại họ đạo Búng, Bình Dương. Năm 1826, người con trai út Phêrô Đoàn Công Qúy chào đời. Đây là người con thứ sáu trong gia đình.

Vì thấy cậu út thông minh, nên ông Miêng lo liệu cho cậu chăm chuyên theo đường học vấn, với hy vọng mai sau nối dòng thi lễ, làm vẻ vang cho cả gia tộc. Nhưng Thiên Chúa lại muốn cho người con út này đi theo con đường khác. Cậu Qúy thường lui tới gặp gỡ và học hỏi cha Tám ở nhà thờ Búng. Một thời gian sau, cậu xin phép cha mẹ được ở luôn với cha.

Năm 1847, cha Tám giới thiệu chàng trai 21 tuổi cho cha Gioan Michel Mịch, để học tiếng La- tinh. Rồi cậu được nhận vào học chủng viện thánh Giuse ở Thị Nghè. Năm 1848 được du học Pênăng, Mã Lai. Học xong triết và thần học, thầy về nước. Tháng 9-1858 thày chịu chức linh mục. Ngày 27-12-1858, cha được bổ nhiệm về họ Cầu Đước, An Giang. Ngày 27-12-1859, mười ngày sau, cha bị bắt khi đang ẩn trốn ở nhà ông câu Lê Văn Phụng.

Dù sống trong cảnh tù ngục, cha Qúy vẫn tưởng nhớ đến thân mẫu của mình (thân phụ đã qua đời). Cha gửi thơ kính thăm và báo tin cho thân mẫu biết tin mình sắp được phúc tử đạo :

Ký vụ thân mẫu đôi chữ tường tri

Kể từ ngày con vâng lệnh ra đi

Lòng lã chã lụy rơi luồng lụy

Ngỡ tới đây hành công biện sự

Một hai tháng về viếng từ thân

Ai ngờ rầy sớm tách lìa phân

Trời cùng nước không hề vầy hiệp

Hễ đạo làm tôi đua giữ lời răn dạy

Cho nên con vâng lệnh chỉ sai

Đàng xa xôi cách trở lại chi nài

Miễn đặng tiếng vâng lời chịu lụy

Khi con tới An Giang tạm nghỉ

Gặp chân trời mở hội khoa thi

Nên con phải liều công ứng cử

Ấy là Thiên Chúa nhi sổ nhiên

Nhơn tất tùng chi, nhi dĩ hỉ

Dầu trăng trói, gông cùm tù rạc

Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề

Miễn vui lòng cam chịu một bề

Cho trọn đạo trung thần hiếu tử

Chí con dốc đền công ơn Chúa

Dạ con làm báo nghĩa mẹ cha

Xin mẫu tử chớ chút phiền hà

Một cam chịu cho Danh Cha cả sáng.

Cha bị chém đầu ở xóm Chà Và, Châu Đốc ngày 31-7-1859 (trang 248-249).

3.Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, trùm họ : Ông sinh năm 1796 tại họ Đầu Nước, Cù Lao Giêng, An Giang. Vóc dáng trông có vẻ dữ dằn và hay lớn tiếng với xóm làng. Nhưng chính vì tính cương trực, ông được bầu làm “câu” trong họ. Nhờ tài đức của ông , họ đạo đã tái thiết được ngôi thánh đường khang trang, cất nhà cho các nữ tu, và trở thành nơi ẩn trốn an toàn cho các linh mục. Sáng ngày 7-1-1859, ông bị bắt vì đã cho cha Qúy ẩn trốn.

Sau sáu tháng bị giam cầm, ông bị chém đầu tại pháp trường Chà Và, Châu Đốc ngày 31-7-1859.

Tại pháp trường, ông trùm gặp các con mình. Ông đeo vào cổ con gái, cô Anna Nhiên, ảnh Thánh Giá và nói : “Con ơi, hãy nhận lấy kỷ vật của ba. Đây là ảnh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ảnh này qúi hơn vàng bạc bội phần. Con hãy mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé !”.  Ông còn căn dặn con trai : “Con ơi, hãy tha thứ. Đừng báo thù kẻ tố giác cha nhé !” (trang 251-253).

4.Thánh Antôn Nguyễn Đích, trùm họ : sinh năm 1769 tại làng Kẻ Vĩnh, Nam Định. Ngài là mẫu gương sáng cho các gia trưởng, đặc biệt trong việc giáo dục, hướng dẫn đức tin cho con cái. Không kể thánh Lý Mỹ, người con rể chí hiếu đã cùng tử đạo một ngày, gia đình ông đã cống hiến hai vị tử đạo khác (chưa được phong chân phước) là ông Lý Thi (con thứ hai) bị xử giảo năm 1858 thời Tự Đức và ông phó Nhâm (con thứ tư), vì không bước qua Thánh Giá, đã bị lưu đày lên Cao Bằng và qua đời tại đó.

Cô Maria Mến (Miều), góa phụ của thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, cung khai trước tòa điều tra phong chân phước : “Bố tôi tên là Nguyễn Đích, quê ở Chi Long, huyện Nam Sang, tỉnh Nam Định. Ông bà nội tôi, vốn có lòng đạo đức, thấy xa nhà thờ có linh mục thì lấy làm tiếc, nên dọn đến làng Kẻ Vĩnh (Vĩnh Tị), rồi bố tôi lập gia đình ở đó. Hồi đó bố tôi tên là Khiêm, khi sinh con đầu lòng đặt tên là Hiếu, người ta gọi bố tôi là Hiếu, đến khi sinh con thứ hai đặt tên là Đích, bố tôi lại mang tên là Đích và giữ tên đó mãi. Gia đình chúng tôi làm nghề nông rất cần cù, nhưng không vì thế mà sao lãng việc đạo đức, trái lại vẫn siêng năng xưng tội, rước lễ. Bố tôi luôn quan tâm đến đời sống đạo đức của 10 người con và của những gia nhân giúp việc. Mỗi ngày, ông chỉ định một hai người coi nhà, còn những người khác đi lễ. Tôi thấy bố tôi làm tròn các nghĩa vụ trong đạo. Ngài rất chăm sóc việc giáo dục con cái, mời thầy đồ đến nhà dạy chữ Nho cho con trai, từ chối gả con gái cho những thanh niên gia đình giàu có mà không giữ đạo sốt sắng”

Đặc biệt quan tâm đến tương lai Giáo hội, ông trùm Đích rất yêu qúi các giáo sĩ và chủng sinh. Thời gian chủng viện Kẻ Vĩnh bị nạn dịch tả, nhiều chủng sinh bị chết, các bề trên quyết định phân tán các chú. Ông trùm tình nguyện nhận một số, vừa nuôi dưỡng vừa săn sóc chữa bệnh. Gặp thời cấm đạo ngặt nghèo, ông cho trú ẩn tại nhà và nuôi dưỡng trong hai năm một lớp của chủng viện. Đức cha Havard Du cũng đã trú ẩn ở nhà ông.

Đức bác ái của ông còn tỏ ra qua lòng thương người nghèo, và thường xuyên thăm viếng an ủi những người mắc bệnh phong cùi. Chính thế giá và nhân đức của ông, mà người ta gọi ông là ông trùm, thực tế ông không giữ trách vụ đó.

Ông bị chém đầu ở pháp trường Bẩy Mẫu, Nam Định ngày 12-8-1838. (trang 265-267).

5.Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, lý trưởng : Thân phụ nguyên quán ở Đại Đăng, Ninh Bình, đến lập nghiệp và kết hôn ở Kẻ Vĩnh, Nam Định. Cậu Micae Nguyễn Huy Mỹ sinh năm 1804. Mồ côi cha lên 10 và 2 năm sau mồ côi mẹ. Được người tận tâm nuôi dưỡng giáo dục, cậu tỏ ra thông minh đạo đức, thông thạo chữ Hán và nghề thuốc, siêng năng đọc kinh sáng tối, tham dự và lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Cậu thường tìm nơi thanh vắng yên tĩnh trong vườn để lần chuỗi và cầu nguyện.

Năm 20 tuổi kết duyên với cô Maria Mến (Miều), con gái ông trùm Antôn Nguyễn Đích. Cuộc sống gia đình êm ấm hạnh phúc với 8 người con đạo hạnh, khiến hết thảy dân làng đều mến phục kính nể. Họ đồng thanh chọn ông làm chánh tổng, nhưng ông từ chối. Sau cùng vì vâng lời Đức cha Havard Du, để trợ giúp chủng viện và giúp đỡ giáo dân trong thời cấm đạo, ông nhận chức lý trưởng.

Dù đời sống gia đình và xã hội nhiều phức tạp, ông luôn sống xứng đáng là một gia trưởng đạo đức gương mẫu. Bà Lý Mỹ khai trong cuộc điều tra phong chân phước như sau : “Gia đình tôi sống hòa thuận yêu thương. Ông Micae chuyên chăm đạo đức, dự lễ hằng ngày, nếu vợ con hay người giúp việc bận rộn không đi lễ được, ông bắt phải đọc kinh chung và nghe sách thiêng liêng để suy niệm. Ông xưng tội nhiều lần trong năm, mỗi lần ông kỹ lưỡng xét mình hai ngày trước. Mùa chay, ông giữ chay các ngày thứ tư và thứ sáu. Ông không uống rượu, không đánh bạc hay to tiếng với ai bao giờ”.

Ngày 2-7-1838, quan Tổng đốc Nam Định bao vây làng Kẻ Vĩnh, ông bị bắt vì chứa chấp cha Giacôbê Mai Năm trong làng. Ông bị đánh 40 roi, rồi bị giải về tỉnh Nam Định. Bị đánh đòn nhiều lần, tổng cộng trong suốt thời gian bị giam giữ, ông Lý phải chịu đến 500 roi, kể cả ba lần chịu đòn thay cho nhạc phụ.

Nhìn ông trùm Đích tuổi già sức yếu, ông Lý ngày đêm lo lắng, thiết tha cầu khẩn Thiên Chúa trợ giúp ban ơn cho bố vợ vững tin cho đến giờ phút cuối cùng. Ông Lý thường khuyến khích nhạc phụ : “Cha đã tuổi cao sức yếu, chẳng sống được bao lâu nữa, nếu không chết vì đạo thì cũng chết vì bệnh; nhưng nếu tử đạo sẽ làm vinh danh Thiên Chúa và được phúc thiên đàng. Cha đừng luyến tiếc sống thêm ít ngày. Con đây còn khỏe mạnh, đời còn dài, vợ trẻ với đàn con thơ dại thật đáng yêu đáng qúi, nhưng con tin Thiên Chúa sẽ lo liệu thật tốt đẹp cho chúng. Hơn nữa, khi cha con ta được lên thiên đàng, sẽ cầu bầu trước nhan Thiên Chúa thì có ích hơn cho cả gia đình dòng tộc. Cha đừng lo về những hình khổ phải chịu, con sẽ chịu đòn thay cho cha hết thảy. Cha hãy can đảm làm chứng và sẵn lòng chết vì yêu mến Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết vì chúng ta”.

Bà Lý bồng con mới sinh được mấy tháng ra thăm chồng, trao con cho chồng ẵm một lúc, bà thấy những cực hình chồng phải chịu, bà không cầm được nước mắt, bà nói trong nghẹn ngào : “Vợ con ai mà chẳng thương chẳng tiếc, nhưng ông hãy hy sinh vác Thánh Giá rất nặng vì Chúa, hãy trung thành với Chúa cho đến cùng, đừng lo nghĩ về mẹ con tôi. Thiên Chúa sẽ quan phòng tất cả. Đến thăm ông lần này có lẽ là lần sau hết, cầu xin Chúa cho ông vâng theo thánh ý Chúa”.

Ông bình tĩnh an ủi vợ : “Lời bà khuyên nhủ đốt thêm lửa kính mến Chúa trong lòng tôi, bà đem con về săn sóc chúng thay tôi, sớm tối cầu nguyện nhiều cho tôi vững lòng xưng đạo Chúa trước mặt thiên hạ, hẹn ngày sau gặp bà và các con chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu nơi quê thật là nước thiên đàng”.

Ông bị chém đầu tại pháp trường Bẩy Mẫu, Nam Định, ngày 12-8-1838 (trang 271-273).

6.Thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu, linh mục : Emmanuel Nguyễn Văn Triệu sinh năm 1756 tại làng Kim Long, Huế. Thân phụ là ông cai Nguyễn Văn Lương, một võ quan Công giáo phò chúa Nguyễn, đã bị tử trận trong cuộc chiến với Tây Sơn. Sớm mồ côi cha, cậu sống với mẹ ở Thợ Đúc và gia nhập quân đội năm 1771 khi mới 15 tuổi. Năm 1774 khi vua Lê chúa Trịnh chiếm được Phú Xuân, anh gia nhập quân đội của vua Lê. Khi Tây Sơn chiếm Huế, vệ binh Nguyễn Văn Triệu theo Trịnh Khải rút ra Thăng Long (1786). Rồi Tây Sơn đem quân ra chiếm Thăng Long, Trịnh Khải phải mổ bụng tự tử. Trong cảnh nhiễu nhương đó, Anh vệ binh thấy đời là mau qua, và anh xin đi tu. Anh được một cha dòng Tên ở Hà Nội hướng dẫn. Sau được Đức cha Obelar Khâm địa phận Đông nhận vào học ở chủng viện Trung Linh. Năm 1793 được Đức cha Alonsô Phê phong chức linh mục.

Là một linh mục địa phận Đông Đàng Ngoài, với biết bao bận rộn vì công tác mục vụ, nhưng cha Emmanuel Nguyễn Văn Triệu vẫn không quên người mẹ già ở quê nhà. Năm 1798 giữa cơn bách hại gay gắt của vua Cảnh Thịnh, nhất là tại kinh đô, cha đã xin phép Bề trên về Thợ Đúc, Phú Xuân (Huế) thăm mẹ…

Thật bùi ngùi cảm động sau 12 năm xa cách, hai mẹ con lại gặp nhau. Giờ đây mái tóc của người mẹ đã bạc phơ, còn con nay đã 42 tuổi và là linh mục của Chúa. Cha Triệu thấy xót xa trước cảnh mẫu thân phải ăn nhờ ở đậu người khác. Cha quyết định ở lại, cùng bà con lối xóm, dựng cho mẹ một mái nhà nhỏ, để có nơi nương thân.

Ngày 7-8-1798, họ Thợ Đúc bị bao vây và cha bị bắt. Lúc đầu họ không biết cha, nhưng cha tự khai mình là linh mục. Thấy cha bị bắt, mẹ cha khóc lóc, nhưng cha nói : “Thiên Chúa đã cho con vinh dự làm chứng cho Ngài. Xin mẹ đừng khóc nữa. Mẹ hãy vui lòng vâng theo thánh ý Chúa”.

10 giờ sáng ngày 17-9-1798 cha bị điệu ra pháp trường Bãi Dâu, Huế và bị chém đầu trưa ngày 17-9-1798 (trang 286-287).

7. Thánh Phanxicô Trần Văn Trung, cai đội : sinh khoảng năm 1825 tại Phan Xá, Quảng Trị. Thân phụ là cai đội, nhưng đã về hưu. Theo chí hướng của cha, ông Trung tham gia binh nghiệp và lên tới chức cai đội.

Ngày 1-9-1858, Pháp đánh hải cảng Đà Nẵng, ông cùng 11 đồng bạn Công giáo tình nguyện vào Đà Nẵng để chống lại quân Pháp. Nhưng trước khi ra trận, họ bắt các binh sĩ Công giáo phải bước qua Thánh Giá bỏ đạo. 11 người kia bỏ đạo, còn ông Trung thì không. Họ hỏi : “Tại sao không chịu đạp lên Thập Giá ? Có phải mi theo đạo không “ ? Ông thưa : “Phải, tôi là người Công giáo. Tôi sẵn sàng đi đánh giặc để bảo vệ tổ quốc, nhưng không bao giờ tôi lại bỏ đạo”.

Dầu sắp chịu án tử, ông đội Trung vẫn bình tĩnh thu xếp việc gia đình cách khéo léo. Ông căn dặn vợ : “Tôi có bị chết, mình lo săn sóc các con nhé ! Hãy hết lòng yêu thương các con, đừng tái hôn với ai nữa nhé !”

Đứa con nhỏ 8 tuổi của ông tên là Catarina Thông được phép ở lại giúp đỡ ông một tháng. Đến khi nghe tin ở xứ nhà có lớp giáo lý, ông bắt nó về nhà theo học giáo lý và khuyên con vâng lời dạy bảo của các linh mục.

Khi nhớ ra còn thiếu nợ một vài người, ông tỏ vẻ lo lắng vì sợ các chủ nợ bắt các con mình ở đợ để trừ nợ, vừa cực khổ lại vừa có thể quên cả đạo nghĩa nữa, nên ông căn dặn vợ rất kỹ lưỡng, những đồ đạc nào trong nhà cần bán để thanh toán nợ nần, thì bán. Ông bị chém đầu tại pháp trường An Hòa, Huế sáng ngày 6-10-1858 (trang 308).

8. Thánh Giuse Lê Đăng Thị, cai đội : sinh năm 1825 tại xứ Kẻ Văn, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình binh nghiệp. Thân phụ giữ chức cai đội. Lớn lên Lê Đăng Thị cũng theo nghề của cha, xin nhập ngũ. Một thời gian sau được thăng Chưởng Vệ trông coi lính ở Hà Tĩnh, rồi được dời vào Nghệ An. Tại đây ngài lập gia đình và sống hạnh phúc với vợ con.

Ngày 15-12-1859, vua Tự Đức ra chiếu chỉ : “Những quan nào có đạo, dù thành thực bỏ đạo cũng phải truất chức… Ai không bỏ đạo sẽ bị giải ngũ, bị khắc chữ ‘tả đạo’ vào má và bị phát lưu”.

 Theo lời khuyên của quan trấn thủ, ông cai đội làm đơn xin xuất ngũ lấy cớ bệnh tật. Được chấp thuận, ông về quê cũ, để vợ con ở lại Nghệ An. Ngày 29-1-1860, ông bị bắt và bị giải về Quảng Trị, vì có người tố giác. Khi bị giam ở khám đường Huế, ông viết thư về cho vợ : “Anh nghĩ rằng chúng ta không còn gặp nhau nữa, dầu chuyện gì xảy ra, chúng ta vẫn đang và sẽ yêu thương nhau. Anh luôn nhớ đến em và các con mỗi ngày”.

Bị quấn một sợi giây vào cổ, rồi chia ra hai bên kéo thật mạnh cho tới khi tắt thở, tại pháp trường An Hòa, Huế ngày 24-10-1860 (trang 325).

9. Thánh Valentiô Berriô-Ochoa, giám mục : sinh ngày 14-2-1827 tại làng Elorriô, địa phận Vich, Tây Ban Nha. Sang Việt Nam ngày 30-3-1858. Bị chém đầu tại pháp trường Năm Mẫu, Hải Dương ngày 1-11-1861.

Tháng 8-1860, Đức cha đã viết thư cho mẹ : “Mẹ chí yêu của lòng con, mẹ hỏi con sống thế nào, ăn uống làm sao ? Mẹ qúi mến của con ơi. Con sống vui tươi lắm, con làm Giám mục cơ mà ! Còn thức ăn ngày nào cũng có. Đừng lo mẹ ạ, chúng con chẳng đói đâu. Nhưng mẹ tưởng hễ làm Giám mục là phải ngồi ngựa à ? Không, chúng con tuột giầy ra giữa đêm hôm tăm tối, nhoài hết chỗ lội này đến quãng lội khác. Vậy mà cứ vui thôi. Một hôm con lội sáu dặm đường, trên mưa tuôn, dưới bùn trơn, con ngã soành sạch không biết bao nhiêu lần. Tuy là Giám mục, con cũng ướt như chuột và lấm bùn be bét. Những giáo hữu ở đây tốt lắm, về tới nhà đã thấy họ đổ nước cho con tắm rửa sạch sẽ để chuẩn bị dâng lễ…

“Ồ có lẽ mẹ bảo : Vinh nhỏ của mẹ ơi, sống thế xìu lắm ! Không, chả buồn chả xìu tí nào mẹ ạ. Ở đây người ta sống mạnh, sống tươi vui, nhanh nhẹn lắm. Chúa an ủi chúng con trong lao nhọc. Con tuy là “trai già” mà nhảy qua vũng lội vẫn lẹ như sóc vậy. Mẹ ạ, Vinh trước là đứa con nhảy nhót qua núi đồi thì nay bộ mặt đầy râu của nó, cũng sẽ làm những tên qủi già nhất ở trong hỏa ngục phải run sợ…” (trang 347-348).

10. Thánh Giaxintô Castanêđa Gia, linh mục : sinh năm 1743 tại Jativa thuộc giáo phận Valencia, Tây Ban Nha. Sang truyền giáo ở Việt Nam ngày 23-2-1770. Tử đạo tại Đông Mơ ngày 7-11-1773.

Tin tức linh mục Castaneda tử đạo đã về tới quê hương Tây Ban Nha. Em trai thánh nhân là Clêmenê biết trước tiên, đã hết sức thận trọng báo tin cho thân mẫu. Bà sửng sốt hỏi : “Tại sao Giacintô của mẹ lại chết. Anh ấy chết bệnh hay bị giết” ? Clêmentê chợt nghĩ anh mình mới 30 tuổi, sợ mẹ buồn nên hỏi lại : “Vậy mẹ muốn anh ấy chết cách nào” ? Bà đáp : “Mẹ mong vì đức tin mà Giacintô, con mẹ, bị giết”. Clêmentê liền nói : “Thưa mẹ, chính vì đức tin, người ta đã chém đầu anh ấy”.

Ngay chiều hôm đó, bà mẹ đến nhà thờ dòng Đaminh, để cùng các tu sĩ hát lời tạ ơn Te Deum (trang 367).

11. Thánh Martinô Thọ, viên thuế : sinh khoảng năm 1787 tại làng Kẻ Báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông tên thật là Nho, còn Thọ là tên của con trai thứ chín. Tuy gia đình đông con, nhưng ông đã khéo léo giáo dục chúng bằng đời sống gương mẫu của chính mình.

Vì ngay thẳng, liêm khiết, không nhận hối lộ, không ăn chận của ai, cũng không qụy lụy cấp trên, cứ theo lẽ công mà làm, nên dân trong làng cử ông phụ trách việc thâu thuế đinh.

Ông thức khuya dậy sớm lao động như mọi người, vừa làm ruộng vừa nuôi tằm. Ông thường khuyên các con : “Sống công bằng chưa đủ, phải có bác ái nữa, mà muốn thực thi bác ái phải có điều kiện”.

Năm 1838, khi nghe tin hai ông trùm Đích và ông Lý Mỹ bị xử trảm ở pháp trường Bẩy Mẫu, ông thu xếp công việc đến viếng xác, và về nhà dặn dò các con : “Các con yêu dấu, nếu Chúa cho cha theo chân hai đấng ấy, các con hãy vui lòng. Phần các con, nếu bị bắt, hãy can đảm giữ vững đức tin”.

Ngày 30-5-1840, nghe tin làng Kẻ Báng có linh mục, quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh đem hàng ngàn lính về bao vây. Sau hai ngày lục soát, họ bắt được cha Thịnh, cha Nghi, cha Ngân. Ông Thọ và ông Cỏn bị bắt vì chứa chấp các cha. Khi các con vào thăm ông trong tù, ông nói : “Các con thân mến, cha không còn làm gì giúp các con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cho cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy  vâng lời mẹ. Các con lớn hãy quan tâm đến em mình. Các con nhỏ phải biết kính trọng và vâng lời anh chị. Hãy yêu thương nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người một Thánh Giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa”.

Ngày 8-11-1840, ông cùng với ba cha và ông Cỏn, bị chém đầu ở Bẩy Mẫu, Nam Định (trang 378-379).

12. Thánh Anrê Trần Văn Trông, quân nhân : sinh năm 1814 tại làng Kim Long, Huế. Ông là con trai duy nhất trong nhà. Năm 15 tuổi mồ côi cha. Để giúp mẹ mưu sinh, Anrê Trông theo chân mẹ về họ Thợ Đúc làm nghề dệt tơ cho hoàng gia. Năm 20 tuổi, ông từ giã mẹ lên đường nhập ngũ. Tháng 11-1834 vua ra lệnh : các binh sĩ Công giáo phải ra trình diện, Anrê Trông và 12 đồng đội trình diện. Bị đánh và bắt bước qua Thánh Giá, 12 bạn bỏ đạo, chỉ còn một mình Anrê Trông.

Sau một năm giam tù, không hy vọng gì ông thay đổi ý kiến, các quan quyết định ngày xử là 28-11-1835. Sáng hôm đó, người chiến sĩ đức tin gặp được người anh họ mình. Anh ta hỏi có muốn ăn gì không ? Anrê Trông trả lời : “Em muốn ăn chay, để dọn mình tử đạo”, rồi nói tiếp : “Xin anh giúp đỡ mẹ em, chúng ta là anh em, mẹ em cũng sẽ thương yêu anh. Xin nhắn lời với mẹ em : đừng lo cho em gì cả, cầu chúc bà mãi mãi thánh thiện, và sẽ hài lòng về đứa con trai mình luôn trung thành với Chúa cho đến chết”.

Nhưng thực tế, anh họ chưa nhắn lại, bà mẹ Anrê Trông khi hay tin con bị đem đi xử, liền vội vã ra đón con ở đầu chợ An Hòa, nơi con sắp đi qua. Gặp con, bà chỉ hỏi một câu vắn : “Bấy lâu nay xa nhà, thời gian ở tù con có nợ nần ai chăng, nếu có thì cho mẹ hay, mẹ sẽ trả thay con”. Tấm lòng người mẹ là thế đấy. Bà biết rõ con của mình đủ can đảm chịu mọi đau đớn, giờ đây bà chỉ lo cho con về đức công bình.

Khi được con cho biết không vướng mắc gì với ai, bà tiếp tục đi sát bên con, bình tĩnh thêm lời khích lệ. Đến nơi xử là pháp trường An Hòa, Huế, sau khi quân lính tháo gông xiềng, người chiến sĩ đức tin liền đón lấy, trao cho người lính bên cạnh và nói : “Xin nhờ anh đưa giùm cái này cho mẹ tôi, để bà làm kỷ niệm”. Mẹ anh đứng gần, nên nghe rất rõ, nhưng bà chưa lấy kỷ vật  ấy làm đủ, bà còn muốn đón nhận chính thủ cấp của con mình.

Chiêng trống nổi lên, lý hình vung gươm, đầu vị tử đạo 21 tuổi rơi xuống. Bà mẹ Anrê Trông chứng kiến ngay từ giây phút đầu tại pháp trường, bà thỏa lòng, dù rất đau khổ. Bất ngờ  bà bước ra đòi viên chỉ huy : “Đây là con tôi, đứa con mà tôi đã cưu mang dưỡng dục. Giờ này nó vẫn là con tôi, xin các ông trả lại tôi cái đầu của con tôi”. Nói xong bà mở rộng vạt áo, chờ đón cái đầu của con. Bọc trong vạt áo, rồi ghì chặt vào lòng, bà vừa hôn vừa lặp đi lặp lại : “Ôi con yêu qúi của mẹ, con nhớ cầu nguyện cho mẹ nhé !”.

Ngày 27-5-1900, Đức Giáo hoàng Lêô XIII suy tôn lên bậc chân phước. Ngài đã không ngớt lời ca ngợi mẫu guơng của bà mẹ hào hùng. Bà đã họa lại gần trọn vẹn hình ảnh Đức Maria, Nữ vương Các Thánh tử đạo trên đỉnh Canvê ngày xưa (trang 415-418).

13. Thánh Simon Phan Đắc Hòa, y sĩ : sinh trong một gia đình ngoại giáo, tại làng Mai Vĩnh, tỉnh Thừa Thiên, năm 1774. Cha chết sớm, mẹ đưa hai chị em Hòa đến tá túc và làm công ở làng Lưỡng Kim; sau đó đến giúp một gia đình công giáo ở làng Nhu Lý, Quảng Trị.

Sống với người Công giáo, nhìn thấy những gương sáng và được nghe nói về những điều cao đẹp của đạo, cậu Hòa cảm mến đạo và xin phép mẹ vào đạo. Rồi 12 tuổi cậu xin vào chủng viện; song ý Chúa không muốn, cậu về lập gia đình, sinh được 12 người con.

Ông có lòng bác ái. Có lần đi đường, gặp một người bị kiệt sức nằm bên vệ đường, ông vác lên vai, đem về trạm canh, rồi cho người đem cơm nước nuôi nấng. Nhận thấy ông có lòng đạo, dân làng bầu ông làm câu trong họ đạo.

Tối ngày 13-4-1840, khi đang ở trên thuyền với Đức cha De La Motte Y đến làng Hòa Ninh thì bị bắt. Ông và Đức cha bị đưa về Dương Xuân, rồi Quảng Trị. Sau hai tháng bị giải về Huế.

Khi các con đến thăm ông trong tù, ông khuyên : “Cha yêu thương các con và hằng chăm sóc các con. Nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn. Các con hãy vui lòng vâng ý Chúa, đừng buồn làm chi. Các con ở với mẹ, thương yêu nhau, và chăm sóc việc nhà. Từ đây cha không thể lo cho các con được nữa. Chúa muốn cha chịu khổ, cha xin vâng trọn”.

Ngày 10-12-1840, ngài bị chém đầu tại Cổng Chém, gần chợ An Hòa, Huế.  (tr. 433).

14. Thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm, quan án : sinh năm 1780 trong một gia đình 7 anh em giầu có tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân Trương, tỉnh Nam Định, địa phận Bùi Chu. Thân phụ là ông Phạm Tri Khiêm, một hương chức danh giá được dân làng trọng vọng. Hấp thụ được nhiều tính tốt của cha, cậu Khảm nổi tiếng là người con có hiếu.

Năm 18 tuổi, vâng lời song thân, cậu kết hôn với cô Anê Phượng, một thiếu nữ đạo hạnh trong làng. Hai vợ chồng sống rất thuận hòa, được dân làng tin phục mến yêu. Đặc biệt hai người biết hiệp lực giáo dục và khích lệ con cái học hành. Con trai ông là cai Thìn cũng làm đến chức chánh tổng, được mọi người kính nể và cũng kiên trung làm chứng cho đức tin đến hơi thở cuối cùng với cha mình. Ba người con gái là Nhiêu Côn, Nhiêu Trữ và Hậu Địch cũng được đi học như các con trai, nổi tiếng lanh lợi tháo vát.

Khi bị bắt, cụ Án Khảm đã gần 80 tuổi, vừa là tiên chỉ trong làng, vừa là hội viên Dòng Ba Đaminh, kiêm chức trùm trong giáo xứ. Mọi người đều công nhận cụ là người đạo đức, giầu lòng bác ái và nhiệt tình trong những trách vụ. Các thừa sai và cả các Giám mục cũng biết tiếng và từng đến trọ tại nhà cụ trong những ngày khó khăn.

Với giáo xứ, cụ cộng tác đắc lực với cha sở trong việc điều hành tổ chức họ đạo. Với xóm làng, cụ là một mẫu người đức độ, quan tâm đến nhu cầu của mọi người cả xác lẫn hồn, sẵn sàng chia sẻ của cải cho kẻ nghèo khó, và khích lệ mọi người can đảm trước những bách hại. Gia phả con cháu cụ ghi lại rằng : “Gia nhân phải kiếm kẻ khó vào ngồi chung thì cụ mới ăn cơm”.

Vì sẵn của cải chia sẻ cho mọi người, có lần cụ kiếm cớ đãi cả làng. Cụ cho anh mõ đi rao khắp các hẽm mời mọi người ra ruộng tổ chức đua diều. Ai thắng ai thua không thành vấn đề, miễn là mọi người được một bữa no say.

Cụ tử đạo ngày 13-1-1859 tại Bẩy Mẫu, Nam Định.

Cha Giuse Nguyễn Trung Thành tổng hợp