Chúa Nhật II TN Năm B
CN.2.TN.B
(1Sm 3,3b-10.19; 1Cr 6,13c-15a.17-20; Ga 1,35-42)
Vào đề :
Những câu chuyện trong Ba Bài Suy Niệm Thánh Lễ Chúa Nhật 2 TN năm B là những sự kiện lịch sử đáng nhớ của Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam, Giáo Phận Đà Nẵng :
Bài 1 : Những bước chân gieo vãi Tin Mừng ở Đà Nẵng
Bài 2 : Cuộc đời Thày Anrê Phú Yên
Bài 3 : Trại cùi Qui Hòa
Giáo Huấn số 43 (Lời Bảo), trong Lịch Giáo Phận trang 107, ghi lại lời Tông Huấn “Niềm Vui Của Tình Yêu” số 191 như sau :
“Thiếu ký ức lịch sử là một khiếm khuyết quan trọng của xã hội chúng ta. Nghĩ rằng ‘mọi sự đã qua rồi’ là một tâm thức thiếu trưởng thành. Biết và có thể nhận định trước những biến cố đã qua là khả năng duy nhất để xây dựng một tương lai có ý nghĩa. Không thể giáo dục mà không có ký ức : ‘Xin anh em nhớ lại những ngày đầu’ (Dt 10,32). Những câu chuyện của các cụ rất tốt cho trẻ em và người trẻ, vì họ đặt chúng trong mối liên hệ với lịch sử đã sống của gia đình hay của thôn làng và đất nước. Một gia đình mà thiếu kính trọng và chăm sóc ông bà, vốn là ký ức sống động của mình, sẽ là một gia đình rời rã; ngược lại, một gia đình còn nhắc nhớ (đến quá khứ) là gia đình có tương lai. Bởi thế, ‘trong một nền văn minh mà không có chỗ cho người cao niên, hoặc người cao niên bị loại bỏ vì tạo ra vấn đề, thì xã hội đó đã nhiễm vi khuẩn sự chết’, ngay từ lúc bị ‘nhổ khỏi cội rễ của mình’. Hiện tượng của ngày nay, đó là, người ta cảm thấy mồ côi vì không còn sự kế tục giữa các thế hệ, bị mất gốc và thiếu niềm tin vốn cho ta sức sống, thách thức chúng ta phải làm cho gia đình mình một nơi, trong đó trẻ con có thể bén rễ sâu vào thủa đất của lịch sử cộng thể” (14-1-2017)
CN.2.TN.B
Thứ năm tới là ngày 18-1, ngày vui của Giáo Phận Đà Nẵng, ngày thành lập Giáo Phận 18-1-1963, đã 55 năm. Đồng thời cũng là ngày vui của Giáo Hội Việt Nam. Ngày hạt giống Tin Mừng được gieo vãi và trổ sinh trên quê hương Việt Nam 18-1-1615. Nay đúng 403 năm.
Chúng ta hãy nghe sử gia Đỗ Quang Chính kể trong tập sách “Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773” : “Nhân cơ hội nào các Giê-su hữu (những tu sĩ dòng Tên) đến Đàng Trong ? Có lẽ người ta dám nói : Nhật Bản cấm đạo Công giáo lại là nguyên nhân, cơ hội chính đưa các Giê-su hữu vào đất chúa Nguyễn… Những lần cấm đạo ở Nhật ngày 25-7-1587 và 9-12-1596, đặc biệt ngày 14-2-1614, đã đẩy nhiều giáo hữu Nhật phải bỏ nước ra đi, và trục xuất hết mọi thừa sai… Giáo hội Công giáo tại Nhật bắt đầu tàn tạ…(Sđd, trang 17)
“Cũng năm 1614, ông Fernandes da Costa, một thương gia Bồ Đào Nha từ Áo Môn đến Đàng Trong, sau khi triều yết chúa Nguyễn Phước Nguyên, được nhà chúa chấp nhận điều ông thỉnh cầu: dành độc quyền thương mại cho người Bồ Đào Nha, không cho phép người Hòa Lan đến buôn bán…(Sđd, trang 17)
“Trở về Áo Môn, Fernandes da Costa chẳng những báo cáo cho Thống đốc Áo Môn, mà còn đem tin vui cho các Giê-su hữu…(Sđd, trang 17)
“Rõ là tin vui ! … Các Giê-su hữu đang ‘thất nghiệp’, ‘ăn chực nằm chờ’, thử ‘thời vận’ ở Đàng Trong xem thế nào…(Sđd, trang 18)
“Thế là ba Giê-su hữu được phái đến miền đất xa lạ Đàng Trong : linh mục Francesco Buzomi (người Ý), linh mục Carvalho (người Bồ) và tu huynh Antonio Dias (người Nhật)…(Sđd, trang 19)
“Ngày 6-1-1615, tàu nhổ neo từ Áo Môn trực chỉ Đàng Trong; sau 12 ngày tàu tới Cửa Hàn (Đà Nẵng) ngày 18-1-1615. Đấy là ngày Giáo hội VN thường coi cuộc truyền giáo được ‘chính thức’ mở ra ở VN, mặc dù trước đó đã có những ‘dấu vết’ Tin Mừng ở xứ này…
“Tiếp theo các Giê-su hữu đến Cacciam (Kẻ Chàm), tức Thanh Chiêm, cũng gọi là Quảng Nam dinh, cách Hội An chừng 7 km về phía Tây, nơi quan trấn thủ Nguyễn Phúc Kỳ đặt bàn doanh, cai trị suốt từ đèo Ải Vân xuống tận Qui Nhơn. Tại Quảng Nam dinh, quan trấn thủ cũng cho phép làm một nhà nguyện và nhà ở, nhờ sự giúp đỡ của ’một bà rất quý phái’. Bà này về sau chịu phép rửa tội, thánh hiệu là Gioanna. Chính trong nhà riêng, bà cũng lập nhiều bàn thờ và hằng cầu khẩn ‘một Đức Chúa Trời đất… (Sđd, trang 20-21).
“Tuy các sử liệu đầu tiên không ghi rõ nhóm thừa sai Dòng Tên đặt cư sở ở Hội An vào ngày tháng nào trong hai năm 1615-1616, có thể đến sau lúc đến Quảng Nam dinh… (Sđd, trang 21).
“Hội An là thị trấn dành riêng cho người nước ngoài, cách riêng cho người Hoa, người Nhật… Cuối thế kỷ 16 nhóm người Hoa đến sinh sống vì lý do kinh tế; nhưng sang giữa thế kỷ 17 lại thêm tàn quân nhà Minh…vì nhà Thanh nổi lên lật đổ nhà Minh.
“Người Nhật tới Hội An cư trú cuối thế kỷ 16 sang đầu thế kỷ 17 là do mấy cuộc cấm đạo năm 1587, 1596, 1614…(Sđd trang 21.22).
“Phái đoàn Buzomi xem ra mục đích chính là để giúp Nhật kiều Công giáo…Từ cuối năm 1615 đã chuyển hướng : tích cực giới thiệu Tin Mừng với người Việt…Tính tình người Đàng Trong hiền lành, lối sống cởi mở, đại lượng (Sđd trang 24).
Bđ1 : Bđ1 sách Sa-mu-en kể câu chuyện Thiên Chúa gọi Sa-mu-en làm ngôn sứ. Sa-mu-en đang ngủ trong Đền Thờ, thì có tiếng gọi. Cậu thưa : “Dạ, con đây”. Tưởng thày tư tế Ê-li gọi, cậu chạy đến thưa : “Dạ con đây, thày gọi con”. Thày bảo : “Thày không gọi con đâu, Con về ngủ đi”. Thiên Chúa gọi cậu lần thứ ba. Lần này thày Ê-li bảo : “Con về ngủ đi, hễ có ai gọi con, thì con thưa : ‘Lạy Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”. Thiên Chúa đã hiện ra và gọi cậu lần thứ tư.
BTM : BTM thánh Gio-an kể những môn đệ dầu tiên đi theo Chúa. Thấy Chúa Giê-su đi ngang qua, thánh Gio-an Tẩy Giả giới thiệu với các môn đệ của mình : “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Ông An-rê liền đi theo Chúa và ông đã giới thiệu Chúa Giê-su cho ông Phê-rô, em mình.
Bđ2 : Qua thư gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, thánh Phao-lô kêu gọi : “Anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6,20).
Qua Lời Chúa trong thánh lễ, chính Thiên Chúa và Chúa Giê-su đã kêu mời. Như thế, có nhiều cơ hội, nhiều dịp, Chúa kêu mời chúng ta gieo vãi hạt giống Tin Mừng, mở mang Nước Chúa (18-1-2015).
———————————————
CN.2.TN.B
Ngày 5-3-2000, tại quảng trường thánh Phê-rô ở Rô-ma, Đức cố giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã phong chân phước cho một thanh niên mới 19 tuổi. Người thanh niên đó tên là An-rê Phú Yên. Sử sách không ghi tên Việt Nam của ngài. Người ta gọi ngài là An-rê Phú Yên. An-rê là tên rửa tội, Phú Yên là sinh quán của ngài. Ngài là con út trong gia đình 7 người con của bà Gio-an-na. Ba ngài chết sớm.
Phú yên là quê quán của vị thánh mới này, vị thánh thứ 118 của Giáo Hội Việt Nam. Phú Yên là đất của người Chiêm Thành. Năm 1611 chúa tiên Nguyễn Hoàng đã chiếm và đặt tên là Phú Yên, mảnh đất từ đèo Cù Mông đến đèo Cả. Sau khi chiếm Phú Yên, dân chúng từ Quảng Bình đến Qui Nhơn đã vào khai phá, lâp nghiệp.
Năm 1627 có 80 người được rửa tội. Năm 1629 có 120 người, đặc biệt cuộc rửa tội năm 1636, có những bậc vị vọng trong chính quyền : bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, vợ quan đầu tỉnh; hai ông bà Bê-nê-đíc-tô trông coi hải cảng Xuân Đài; và bà Gio-an-na, mẹ chân phước An-rê Phú Yên (Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Việt Nam, Tập I, trang 72-73.75-76).
Cha Alexandre de Rhodes, tên Việt Nam là Đắc Lộ, kể : “Bà Gio-an-na lo cho cậu học chữ nghĩa kinh sử, ngay từ những năm đầu đời. Nhưng có một điều ngày đêm bà lo lắng không yên là con út của bà đã khôn lớn mà chưa được chịu phép rửa tội. Hơn mọi người khác, bà hằng cầu nguyện mong cho có linh mục đến để rửa tội cho con bà” (Phạm Đình Khiêm, Người Chứng Thứ Nhất, trang 16).
Điều bà mong đã đến. Năm 1641 cha Đắc Lộ đến Phú Yên lần I. Bà vợ quan đầu tỉnh mời cha đến nhà bà. Trong 4 ngày cha dâng lễ, giải tội, dạy giáo lý và cha rửa tội 90 người, trong đó có thầy An-rê Phú Yên. Lúc đó thày 16 tuổi.
Bà Gio-an-na chẳng những mong cho đứa con út của mình được làm con Chúa, bà còn mong con bà được làm tông đồ phục vụ Chúa. Năm sau, năm 1642, cha Đắc Lộ đến lần II, chính thày đến xin cha cho gia nhập Hội Thày Giảng. Cha không nhận, vì thày còn nhỏ tuổi và thời buổi khó khăn luôn bị cấm đạo. Thày An-rê năm nỉ, và nhờ những người khác xin giúp. Sau cùng chính mẹ thày dẫn thày tới xin. Cha Đắc Lộ đành chấp nhận.
Cha nhận xét về thày như sau : “Thày bản tinh hiền lành, trong sạch, ngay thật, rất có khả năng chịu mọi tác dụng của ơn thánh hóa. Mới chịu phép rửa tội chẳng bao lâu, thày đã miệt mài trên đường nhân đức, và đã tiến bộ mau chóng, đến nỗi chỉ trong một thời gian ngắn đã đạt được trình độ mà người khác phải nhiều năm mới đạt được” (Phạm Đình Khiêm, sđd, trang 30).
Thày còn được ơn tử đạo ngày 26-7-1644 tại Phước Kiều. Cha Đắc Lộ kinh ngạc nói : “Ngoài ơn thánh tẩy bằng nước, lại được Đức Chúa Trời ban ơn thanh tẩy bằng máu”.
Ơn thánh tẩy bằng nước và bằng máu thày nhận được từ lòng Chúa thương. Thày còn nhận được từ lòng đạo đức của bà Gio-an-na, người mẹ sinh ra thày. Thày nói : “Tôi đã bú lấy đức tin của tôi từ trong sữa mẹ tôi” (Lm.Mai Đức Vinh, trích từ Rực Sáng Một Vì Sao, trang 188).
Bđ1 : Bđ1 thánh lễ kể chuyện Chúa gọi cậu bé Sa-mu-en làm ngôn sứ. Cậu được Thiên Chúa gọi, nhưng trước đó mẹ cậu, bà An-na, đã dâng cậu vào Nhà Chúa. Mẹ cậu nói với thày tư tế Ê-li : “Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và Đức Chúa Trời đã ban cho tôi điều tôi đã xin. Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Đức Chúa. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Đức Chúa” (1Sm 1,27).
BTM : BTM thánh lễ kể 3 môn đệ đầu tiên đi theo Chúa Chúa Giê-su nhờ sự giới thiệu của thày dạy và của bạn bè : Đó là Thánh An-rê và thánh Phê-rô.
Thánh Gio-an (tông đồ) kể : “Ông Gioan (Tẩy Giả) đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói : ‘Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su” (Ga 1,35-37). Thánh An-rê giới thiệu Chúa Giê-su cho thánh Phê-rô. Ơn gọi do Chúa, nhưng cần sự cộng tác và nâng đỡ của nhiều người.
Bđ2 : Đi theo Chúa, đi tu làm gì ?
Thư gửi các tín hữu Cô-rin-tô thánh Phao-lô viết là để “phục vụ Chúa” và “tôn vinh Chúa” : “Thân xác con người là để phục vụ Chúa… Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác anh em” (1Cr 6,13c.20) (15-1-2012).
—————————————–
CN.2.TN.B
Trại phong cùi Qui Hòa ở Qui Nhơn là một trong những trại phong cùi nổi tiếng. Trại phong cùi Qui Hòa là sáng kiến của bác sĩ Le Moine, giám đốc bệnh viện Qui Nhơn. Từ năm 1927, bác sĩ xin mọi nơi giúp đỡ để xây dựng trại cho khoảng 360 người bệnh, nhưng hầu như không có ai tha thiết với dự án. Năm 1929, bác sĩ đi gặp Đức cha Grangeon, giám mục Qui Nhơn (tên Việt Nam là Mẫn). Đức cha đồng ý và sai cha Maheu cộng tác với bác sĩ.
Năm 1930 Đức giám mục Qui Nhơn mời các nữ tu Phan sinh tới chăm sóc các bệnh nhân. Năm 1932, 5 nữ tu đầu tiên từ Pháp tới Qui Hòa.
Từ năm 1975, trại cùi Qui Hòa có 5422 bệnh nhân và 14 nữ tu Pháp và Việt. Kể từ năm 1932-1975, tổng cộng tất cả 47 nữ tu. Ngày 5-6-1976 trại cùi giao cho Nhà Nước quản lý. Tuy nhiên vẫn xin các nữ tu cộng tác.
Năm 1985 chính quyền sai bác sĩ Trần Hữu Ngoạn đến Qui Hòa làm giám đốc. Được chứng kiến lòng tận tụy hy sinh của các nữ tu, bác sĩ đã đi theo Chúa, vào đạo.
Giả như không thấy lòng tốt và đức tin của các nữ tu, liệu bác sĩ Trần Xuân Ngoạn có gặp được Chúa và đi theo Chúa không ?
BTM : BTM thánh lễ hôm nay cho biết : nhờ sự chỉ dẫn, giới thiệu, đời sống gương mẫu của người có đạo, người ta biết Chúa và đi theo Chúa.
Nhờ thánh Gio-an Tẩy Giả, thánh An-rê biết Chúa Giê-su. Phúc Âm kể : “Khi Đức Giê-su đi ngang qua, ông Gio-an chăm chú nhìn và nói :’Đây là Chiên Thiên Chúa. Môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su” (Ga 1,36-37).
Thánh An-rê gặp được Chúa thì giới thiệu cho thánh Phê-rô, em mình. Phúc Âm kể : “Ông An-rê gặp em mình là ông Si-mon và nói : ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a’. Rồi ông dẫn em mình đến với Đức Giê-su” (Ga 1,41-42).
Người Việt Nam thường nói : “Lời nói qua đi, gương lành lôi kéo”.
Ông Gandhi người đem lại nền độc lập cho nước Ấn Độ, thoát được sự cai trị của người Anh, ông nói : “Nếu người Công giáo sống lời Chúa dạy, thì cả nước Ấn Độ của tôi đã theo đạo hết rồi”.
Như thế, người ta theo hay không theo, thích hay ghét đạo, cũng một phần tại đời sống của người Công giáo chúng ta.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành