Chúa Nhật III TN Năm B
CN.3.TN.B
(Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,29-31; Mc 1,14-20)
Giáo Huấn số 11 (Lịch GP trang 42)
Một Số Nguồn Lực : “Chúng ta, những mục tử phải khuyến khích gia đình lớn lên trong đức tin. Vì thế, tốt nhất là khuyên họ thường xuyên xưng tội, thực hành linh hướng, thỉnh thoảng tham dự các kỳ tĩnh tâm. Nhưng đừng quên mời gọi gia đình dành thời gian hằng tuần cùng cầu nguyện, bởi vì ‘gia đình hiệp nhau cầu nguyện thì hiệp nhất bên nhau’. Cũng vậy, khi ta đi thăm các gia đình, nên mời mọi thành viên gia đình qui tụ lại và cầu nguyện cho nhau trong chốc lát và phó dâng gia đình trong tay Chúa. Đồng thời cũng nên khích lệ người chồng người vợ tìm thời giờ cầu nguyện một mình với Chúa về những lo lắng của mình, hoặc kêu xin Ngài ban sức mạnh để chữa lành các vết thương và xin Ngài soi sáng đỡ nâng cho công việc của mình ? (số 227).
CN.3.TN.B
Ở xứ Trung Linh, Bùi Chu có ông lang Tư ham tiền thưởng, tố cáo các cha đang trú ẩn trong xứ. Quân lính đến vây bắt cha Giuse Vũ Duy Hiểu và thày Tôma Toán. Thày 76 tuổi, người xứ Cần Ban, Thái Bình, được sai làm quản lý xứ Trung Linh.
Ngày 19-1-1840 thày bị tra tấn, tuổi già chịu không nổi, thày bước qua Thánh Giá chối Chúa. Trở về nhà tù, cha Giuse Hiểu khuyên bảo thày. Thày hối hận, đêm ngày khóc lóc ăn năn : “Lạy Chúa, con là kẻ khốn nạn dại dột, đã trót phạm đến Chúa, song từ nay con không phạm tội nữa”.
Ngày 18-4, 3 tháng sau, thày Tôma Toán bị gọi ra tòa lần thứ hai. Tuy bị tra tấn dã man hơn lần trước, nhưng thày không bước qua Thánh Giá. Quan tức giận nọc thày ra đánh, rồi tống vào một nhà giam hôi thối. Quan dùng hai người giáo dân bỏ đạo đến cám dỗ. Nếu cám dỗ không được thì hai người phải chết. Thày thương, thày bước qua Thánh Giá. 10 ngày sau, cha Đaminh Trạch được giam chung với thày. Cha khuyên bảo thày, thày ăn năn hối cải.
Tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh nói với lính : “Dẫn thằng Toán ra đây, để nó bước qua thập tự kẻo nó quên”. Sau một trận đòn nhừ tử, lính tưởng thày hết cựa quậy, khiêng thày đi qua Thánh Giá, nhưng thày đã vùng dậy, quì bên Thánh Giá, đọc kinh ăn năn tội. Quan tức quát to : “Thằng già này ăn phải cái bùa gì mà nó muốn làm thân trâu ngựa, chó má như vậy ?”
Quan cho lính mặc sức hành hạ thày. Chúng lột quần áo thày, bắt thày phơi nắng, lần thứ nhất 13 ngày, lần thứ hai 5 ngày. Chúng còn bứt râu, bứt tóc, búng tai, bóp mũi, vỗ bụng, khạc nhổ vào mặt thày.
Biết thày thèm ăn thèm uống, quan truyền dọn một mâm cơm thật ngon và nói : “Ăn đi rồi bước qua thập tự nghe !”. Thày đáp : “Ăn để bỏ đạo thì tôi không ăn”. Quan tống giam vào ngục, để thày chết đói.
Anh Thám là người coi tù. Thấy thày quá đói, anh kín đáo cho thày ăn. Khi thày hấp hối, anh Thám xin thày : “Khi nào cụ về Nước Trời, xin cụ nhớ đến cháu”. Thày Tôma Toán gục chết trong tù ngày 9-5-1840 (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập II, trang 185-190).
Ở đời chuyện tha thứ, chuyện thương xót, để hối cải, để ăn năn, cũng có, nhưng ít lắm. Chắc chắn đời thày Tôma Toán đã thuộc lòng những câu chuyện, những lời Chúa tha thứ và thương xót. Nên thày đã tin tưởng trở về với Chúa.
Bđ1 : Bđ1 sách Gio-na kể câu chuyện rất vắn, nhưng đậm tình lòng Chúa tha thứ. Đó là dân thành Ni-ni-vê, tức là nước I-rak ngày nay, ăn năn trở lại. Ông Gio-na được Chúa sai đi rao giảng. Ông ghét người Ni-ni-về, vì họ ngoại đạo thờ các thần khác, không phải là người Do Thái thờ phượng Chúa. Ông trốn lên tầu đi nơi khác. Tầu bị bão gần chìm. Họ tin tầu bị Trời phạt, có người làm mất lòng Trời. Họ bốc thăm. Ông Gio-na trúng thăm. Ông bị vất xuống biển. Cá voi nuốt ông. Sau 3 ngày cá nhả ông lên bờ. Lúc ấy ông mới vâng lệnh đi rao giảng. Ông đi giảng mới một ngày mà tất cả dân thành, từ người lớn đến trẻ em, kẻ cả súc vật, ăn chay, mặc áo vải thô sám hối. Thấy dân thành trở về với Chúa, ông Gio-na buồn. Ông ra ngồi ngoài thành. Ông tiếc nuối việc rao giảng để dân ngoại trở về.
BTM: BTM kể chính Chúa Giê-su kêu gọi sám hối. Trong những ngày đầu tiên công khai đi rao giảng, Chúa rao giảng rằng : “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Lời rao giảng này được Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II lấy làm gẫm thứ ba Mùa Sáng : “Chúa Giê-su rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy tin vào lòng Chúa thương xót và siêng năng đón nhận bí tích giao hòa”.
Bđ2 : Thánh Phao-lô trong bđ2 cũng khuyên dạy : “Thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng mừng vui; ai mua sắm hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1Cr 7,29-31)..
Sở dĩ thánh Phao-lô bi quan như vậy, vì so với đời sau đời này vắn vỏi và mau qua.
Tác giả Thánh vịnh 102,15-16 đã suy gẫm :
Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi
Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng
Một cơn gió thoảng là xong
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình
Và tác giả Thánh Vịnh cầu nguyện :
Lạy Chúa xin dạy cho con biết
Đời sống con chung cuộc thế nào
Ngày tháng con đếm được mấy mưới
Để hiểu rằng kiếp phù du là thế
Ấy tuổi đời Chúa đo cho một vài gang
Dưới ở đời thật con người chỉ như hơi thở
Thấp thoáng trên đường tựa bóng câu
Công vất vả ngược xuôi : làn gió thoảng
Ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng
Tv 38,5-7
Qua lời thánh Phao-lô, thời gian sống trên đời rất là vắn vỏi : “Thời gian chẳng còn bao lâu.”. Hay như tác giả Thánh Vịnh gẫm suy : “Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi”. Chính vì thế, thày già Toán đã bước qua Thánh Giá, bỏ Chúa chối đạo, nhưng cuối cùng thày đã ăn năn hối cải (25-1-2015)
.
—————————————————–
CN.3.TN.B
Một thanh niên đến xưng tội với thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô. Anh xưng rất thành thật, khiêm nhường và hết lòng ăn năn. Thánh nhân rất cảm động. Sau khi xưng xong, người thanh niên hỏi cha :
– Bây giờ cha biết tất cả những sự xấu xa của con rồi. Cha nghĩ thế nào về con.
Thánh nhân đáp :
– Bây giờ cha nhìn con là một đấng thánh.
Người thanh niên thưa lại :
– Cha nói ngược lại mới đúng. Con là thằng quỉ.
Thánh nhân phải nhấn mạnh :
– Không, cha nói thật lòng. Con là đấng thánh, vì bây giờ con hoàn toàn khác rồi, không còn như trước nữa.
Người thanh niên vẫn đinh ninh nói :
– Con không khác trước, vì tội lỗi con phạm vẫn còn ở với con.
Thánh Phan-xi-cô an ủi :
– Không phải thế đâu. Khi thánh nữ Maria Mađalêna ăn năn trở lại, Chúa coi ngài như một đấng thánh. Chỉ có bọn Pha-ri-sêu giả hình mới nhìn ngài là người tội lỗi.
Người thanh niên vẫn ngờ vực hỏi :
– Thưa cha, cha nghĩ gì về quá khứ của con ?
Thánh nhân đáp :
– Cha không nghĩ gì cả. Cha chỉ biết ngợi khen Chúa và vui mừng, vì con đã trở về với Chúa. Cha muốn cùng các thánh trên trời vui mừng với con.
Nói xong, thánh nhân khóc.
Người thanh niên bỡ ngỡ hỏi :
– Cha khóc vì thấy con phạm nhiều tội xấu xa quá phải không ?
Thánh nhân gạt nước mắt nhìn người thanh niên nói :
– Không, cha khóc vì con đã được sống lại với Chúa
(Lm Đinh Tất Quí, Lời Chúa & Đời Sống,MTN I, trang 23-24).
Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô đã biết giá trị của bí tích hòa giải, của việc xưng tội. Bí tích rửa sạch tội lỗi. Đồng thời đưa ta về làm hòa với Chúa và với tha nhân.
Lời Chúa trong ba bài đọc thánh lễ hôm nay cũng nói về lòng sám hối ăn năn, và sự trở về với Chúa.
Bđ1 : Bđ1 nói về lòng sám hối ăn năm của dân thành Ni-ni-vê, tức là dân thủ đô nước I-rak ngày nay. Thiên Chúa sai ngôn sứ Gio-na đến rao giảng. Họ đã ăn năn sám hối. Thiên Chúa không phạt tội họ nữa. Sách Gio-na viết : “Ông Gio-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố : còn 40 ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ. Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại. Người hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, và đã không giáng xuống nữa” (Gn 3,5.10).
BTM : BTM thánh Mác-cô kể chuyện Chúa Giê-su bắt đầu cuộc đời rao giảng. Lời rao giảng đầu tiên của Chúa là kêu gọi người ta sám hối ăn năn. Chúa giảng : “Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Bđ2 : Bđ2 là một đoạn thư gửi các tín hữu Cô-rin-tô, một thành phố nước Hy Lạp ngày nay. Đoạn thư này khó nghe. Làm sao “có vợ sống như không có vợ, khóc như không khóc, cười như không cười, mua như không mua, hưởng như không hưởng” (1Cr 7,29-31).
Thánh Phao-lô không bảo chúng ta bỏ vợ bỏ chồng… Thánh Phao-lô bảo chúng ta “thời gian không còn bao lâu”. Đó là kiểu nói của những thủy thủ, diễn tả con thuyền sắp cuốn buồm lại, vì sắp cập bến. Thành phố Cô-rin-tô là một hải cảng, thuyền ra vào buôn bán tấp nập.
Thánh Phao-lô mượn hình ảnh con thuyền xếp buồm khi cập bến, để diễn tả ngày Chúa đến, Chúa gọi. Ngày đó mọi sự vui buồn sướng khổ ở trần gian đều tương đối, không thể nào sánh với niềm vui được sống với Chúa, niềm vui trên thiên đàng.
Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô, thánh Phao-lô kêu gọi : “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vây anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5,8-9).
Những người Công giáo ở miền Bắc thời cha Đắc Lộ, một khi vào đạo, một khi đi theo Chúa thì coi mọi sự ở thế gian chỉ là tương đối, họ sống đạo đức như các thiên thần. Cha kể lại như sau : “Đời sống thanh sạch vô tội và lòng đạo đức của những người tân tòng giáo đoàn xứ Bắc là một bằng chứng hiển nhiên Thiên Chúa phù hộ, chúc phúc hơn cả những ơn lạ Người đã ban. Tôi có thể nói thực rằng, điều làm tôi cảm động hơn hết là thấy ở xứ đó bao nhiêu người Công giáo là bấy nhiêu thiên thần… Có những người ở xa 15 ngày đường đến để được xưng tội, rước lễ. Còn những người ở xa nhà thờ không qúa năm hoặc sáu dặm (khoảng hai ba cây số), thì không bao giờ chịu mất lễ. Họ đến từ chiều hôm trước và ở mãi đến hôm sau… Suốt cả ngày hôm đó, họ ở nhà thờ, quì gối chắp tay cầu nguyện, khiêm nhường sốt sắng hết sức. Thấy họ như thế tôi cảm động rơi nước mắt’ (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 116)./
Hôm nay là ngày cuối năm, ngày mai bước sang năm mới. Tội lỗi xin Chúa tha thứ. Khô khan xin Chúa thắp lửa yêu mến. Xin Chúa giúp sống thánh thiện để tôn vinh Chúa và giúp đỡ tha nhân (22-1-2012)
————————————————
CN.3.TN.B
Ngày 20-1-2009, ông Barack Obama, vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ nhận chức. Trong diễn văn nhận chức, ông đã nói nhiều đến những thử thách, những đau khổ. Ông gọi những thử thách đau khổ bằng những hình ảnh sống động như : “giông bão”, “thời chiến”, “mùa đông gian khó”, “dòng sông băng giá”.
Ông nhìn về quá khứ. Thời xưa cha ông cũng gặp muôn vàn khó khăn thử thách, nhưng đã vượt qua là nhờ :
- Nhân dân Mỹ có niềm tin vào lý tưởng của cha ông
- Đã lựa chọn hy vọng thay vì sợ hãi.
- Đã can đảm hy sinh.
Ông nêu ra những gương chiến đấu hy sinh. Ông nói : “Vì chúng ta đã chiến đấu hy sinh ở những nơi như Concord và Gettysburg, Normandy và Khe Sanh”
Chẳng những nước Mỹ đã vượt qua những thử thách khó khăn, ông còn cho rằng, nước Mỹ đã đánh bại được những chủ nghĩa bên ngoài. Ông nói : “Hãy nhớ rằng thế hệ cha anh chúng ta đã hạ gục chủ nghĩa Phát xít và chủ nghĩa …”.
Với truyền thống hào hùng như thế, ông Barack Obama kêu gọi :
Chúng ta phải tự mình đứng dậy, tự phủi bụi và bắt đầu trở lại công việc tái thiết.
Phải thay đổi những thói quen xấu và phải làm công việc của chúng ta dưới thanh thiên bạch nhật.
Đối với những người khủng bố, giết người, ông nói : “Đối với những kẻ muốn đạt mục tiêu bằng cách khủng bố và giết người vô tội, thì các người hãy nghe đây : tinh thần của chúng ta mạnh hơn của các người, các người không thể bẻ gẫy ý chí của chúng ta, các người không thể tồn tại lâu hơn chúng ta và chúng ta sẽ đánh bại các người”.
Cuối cùng, ông kêu gọi nhân dân Mỹ : “Nước Mỹ ơi, giữa những nguy hiểm chung, trong mùa đông gian khổ của chúng ta, hãy nhớ những lời bất tử. Với hy vọng và nghị lực, chúng ta hãy một lần nữa can đảm vượt qua dòng nước băng giá, và chịu đựng bất cứ giông bão nào sẽ đến. Hãy để con cháu chúng ta nhắc lại rằng : chúng ta không quay lui hay ngập ngừng, và với con mắt chăm chú nhìn vào chân trời và với ơn phước của Thượng Đế ban cho, chúng ta mang theo món quà của tự do và chuyển lại bình an cho các thế hệ sau”.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng là những lới nói đầu tiên của Chúa Giê-su khi bắt đầu cuộc đời rao giảng. Có thể đây cũng là bài diễn văn nhận chức của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su tuyên bố : “Thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng”.
Bài diễn văn của Chúa Giê-su thật vắn, chưa đầy một giây. Bài diễn văn của ông Barack Obama dài, đọc mất 18 phút. Lễ nhận chúc của ông Barack Obama tốn hàng triệu triệu đôla. Lễ nhận chức của Chúa Giê-su không tốn phí một xu. Lễ nhận chức của ông Barack Obama là rừng cờ, rừng người. Lễ nhận chức của Chúa Giê-su là bờ hồ Ga-li-lê mặt nước trong xanh. Giản dị, đơn sơ, nhưng là nền tảng làm cho con người hạnh phúc, làm cho thế giới hòa bình.
Ông Barack Obama cho rằng : vượt qua những thử thách khó khăn bằng khả năng tiền bạc. Chúa Giê-su thì bằng đạo đức, bằng thánh thiện. Tội lỗi tạo nên những thử thách, những đau khổ. Vì thế, Chúa Giê-su kêu gọi : “Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng”.
Lên ngôi ngày 20, ngày 21 ông ra lệnh đóng cửa trại tù những quân khủng bố ở Guatanamo và ngày 22 bãi bỏ sắc lệnh cấm tài trợ tiền bạc cho việc phá thai.
Hôm nay, ngày cuối năm. Nhìn lại một năm qua. Một năm qua chúng ta đủ biết cái gì làm nên hạnh phúc. Chẳng phải là tài năng, tiền bạc, mà là sửa đổi nết xấu và tin vào Tin Mừng, tin vào Chúa (25-1-2009)
.————————————————
CN.3.TN.B
Bài Tin Mừng: Chúa nhật tuần trước, thánh Gioan kể cho chúng ta nghe câu chuyện Chúa Giêsu gọi năm môn đệ đầu tiên. Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay thánh Máccô cũng thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên. Nhưng hai ngài kể khác nhau:
1- Tên khác nhau : thánh Gioan kể năm ông là : Anrê, Gioan, Phêrô, Philípphê và Batôlômêô. Còn thánh Máccô kể 4 ông là Anrê, Phêrô, Giacôbê, Gioan. Theo thánh Mc thì có hai cặp hai anh em ruột; còn theo thánh Gioan chỉ có một cặp.
2- Hoàn cảnh khác nhau : thánh Gioan kể rằng khi nghe giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, hai ông Anrê và Gioan đi theo Chúa; rồi ông Anrê dẫn em mình là thánh Phêrô đến với Chúa; hôm sau Chúa gặp và gọi thánh Philipphê; hôm sau nữa thánh Philípphê giới thiệu Chúa Giêsu cho thánh Batôlômêô. Còn thánh Máccô kể rằng đích thân Chúa Giêsu gọi hai anh em Anrê và Phêrô đang đánh cá; và hai anh em Giacôbê và Gioan đang vá lưới.
3- Địa điểm khác nhau : thánh Gioan kể Chúa Giêsu gọi 5 ông bên dòng sông Giócđan ở Giuđê miền Nam; còn thánh Mc kể Chúa gọi 4 ông ở Biển Hồ Galilê, miền Bắc.
Tại sao có sự khác nhau như thế ? Chính sự khác nhau như vậy cho thấy các tác giả sách Tin Mừng nhớ các việc Chúa Giêsu làm không theo trí nhớ của một sử gia hay một nhà khoa học, mà theo trí nhớ của một người sống đức tin. Các ngài kể lại, viết lại với tư cách một người tín hữu, một người tin theo Chúa.
Thánh Gioan nhìn ơn Chúa gọi là do người khác giới thiệu, và là ơn sống gần gũi thân mật với Chúa. Vì thế, theo thánh Gioan người này giới thiệu người kia và luôn lặp lại những từ : đi, đến, gặp, xem, thấy, ở…
Còn thánh Máccô nhìn ơn gọi là một sự chọn lựa, một sự từ bỏ, từ bỏ nghề nghiệp, từ bỏ gia đình. Các ngài đổi nghề, từ nghề bắt cá sang bắt người. Không chỉ bắt người Do Thái, mà bắt cả người ngoại. Cho nên thánh Mc kể Chúa gọi các ông ở Galilê, miền Bắc, là miền của dân ngoại. Đối với người Do Thái, dân ngoại là kẻ thù, là những người bị Thiên Chúa ghét và ghê tởm.
Bài đọc 1 : Ông Giô-na trong bđ1 không chịu đi giảng đạo cho dân thành Ninivê, chỉ vì họ là dân ngoại. Dân ngoại không xứng đáng được nghe Lời Chúa. Ông đã xuống tầu trốn đi nơi khác. Tầu bị sóng gió. Người ta tin là vì trên tầu có người làm mất lòng Thượng Đế. Họ bắt thăm. Thăm trúng ông Giôna. Ông bị vất xuống biển. Con cá voi nuốt ông. Ở trong bụng cá ba ngày. Cá vào bờ mửa ông ra. Không cưỡng được ý Chúa, ông đành phải chịu đi giảng đạo. Mới giảng có một ngày, cả dân thành Ninivê theo Chúa, từ vua đến dân, kể cả súc vật. Thấy dân ngoại theo Chúa ông phải lấy làm vui, vậy mà ông buồn, ông ra ngồi ngoài thành, ngồi dưới gốc cây thầu dầu, than trách Chúa. Ông trách Chúa sao không phạt dân ngoại, mà lại để cho họ đi theo Chúa. Thấy cây thầu dầu bị con sâu cắn chết, không còn che nắng cho ông nữa, ông tỏ lòng tiếc xót. Chúa bảo ông : “Ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên. Trong một đêm nó sinh ra, rồi trong một đêm nó chết đi. Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ninivê, thành phố lớn, trong đó có 120.000 người không phân biệt được bên phải bên trái và lại có rất nhiều thú vật hay sao ?”
Sách viết đến đó thì xuống hàng, chấm hết. Sách không có hậu như những chuyện cổ tích. Sách bỏ lửng như những tiểu thuyết hiện đại. Sách không cho biết câu trả lời của ông Giôna. Sách Giôna ngắn nhất trong các sách Cựu Ước, chỉ có 4 đoạn, với 2 trang giấy. Nhưng đó là một cuốn sách đầy tính cách mạng, đầy tính thời sự. Sách đã viết vào thế kỷ thứ V trước Chúa giáng sinh, thời dân Do Thái từ Babylon lưu đày trở về, lòng còn đầy căm thù dân ngoại. Chúng ta ngày nay mà còn có những ý nghĩ tình cảm thù hằn với người khác đạo, huống hồ là người Do Thái cách nay cả 25 thế kỷ, hơn 25 ngàn năm.
Bài đọc 2 : Bđ2 là thư gửi các tín hữu ở Côrintô của nước Hy Lạp. Thánh Phaolô viết : “Ai có vợ hãy sống như không có vợ; ai khóc hãy làm như không khóc; ai vui mừng làm như chẳng vui mừng; ai mua sắm hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này hãy làm như chẳng hưởng dùng.”
Một lời có vẻ bi quan yếm thế, một lời không thực tế. Không, thánh Phaolô không bi quan và không ảo tưởng. Bởi vì thánh nhân chân nhận được rằng : thế gian này qua đi rất nhanh. Mới đầu năm, nay đã cuối năm. Tóc đen nay đã bạc. Da đã nhăn nheo, đã sần sùi. Và cái chết đã gần kề. Đời này sánh với đời sau vắn vỏi qúa. Đời này chỉ là tạm thời, đời sau mới là vĩnh cửu. Đã tạm thời thì hãy sống tạm thời : có như không có, khóc như không khóc, vui như không vui, sắm như không sắm, hưởng như không hưởng.
Cái tạm thời làm sao sánh được với cái mãn đời. Đời tông đồ lấy Chúa làm gia nghiệp, làm vĩnh cửu, chính là bỏ cái tạm thời lấy cái đời đời. Các tông đồ thật là khôn, khi bỏ thuyền, bỏ gia đình mà đi theo Chúa, theo Chúa Xuân, Xuân Vĩnh Cửu (22-1-2006).
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành