Chúa Nhật VI TN Năm B


CN.6.TN.B

(Lv 13,1-2.44-46; 1Cr 10,31-11,1; Mc 1,40-45)

 

Giáo Huấn số 47 (Lịch GP trang 114)

Một Trái Tim Lớn : “Gia đình lớn này nên tiếp đón các thiếu nữ lầm lỡ, các trẻ không cha không mẹ, các bà mẹ đơn thân một mình nuôi dạy con cái, những người khuyết tật thiếu thốn tình thương và sự gần gũi đặc biệt, những người trẻ đang chiến đấu để thoát khỏi nghiện ngập, những người độc thân, li dị hoặc góa bụa đang chịu cảnh sống cô độc, những người già yếu bệnh tật không con cái đỡ nâng, và cũng đón tiếp ‘thậm chí cả những người bất hạnh nhất bởi lối sống thiếu đạo đức của họ’. Gia đình lớn cũng có thể giúp đỡ bù đắp cho sự yếu kém của các cha mẹ hoặc khám phá và tố cáo kịp thời những hoàn cảnh khả dĩ xảy ra bạo lực hoặc việc trẻ em bị lạm dụng qua sự tỏ bày một tình thương lành mạnh và đỡ đần thân ai khi cha mẹ chúng không thể bảo đảm điều đó” (NVGĐ số 197).

 

CN.6.TN.B

Một trong những vị sáng lập trại cùi nổi tiếng ở Việt Nam là Đức cha Gio-an Cassaigne (Cát-se). Ngài sáng lập trại cùi Di-linh, Đà Lạt.

Ngài sinh ngày 30-1-1895 tại Pháp. Khi có trí khôn, ngài được vào ca đoàn thiếu nhi và ban giúp lễ. Ngài thích đọc những chuyện mạo hiểm, trong đó có câu chuyện về cha Alexandre de Rhodes, tên Việt là Đắc Lộ. Cuộc đời truyền giáo của cha Đắc Lộ tại Việt Nam và Ba Tư thúc đẩy Đức cha Cát-se đi tu.

Năm 1907, 12 tuổi, trước những ngày được rước lễ lần đầu, ngài nói với mẹ : “Con muốn làm linh mục và đi truyền giáo”. Mẹ ngài khóc. Ngài hỏi mẹ : “Tại sao mẹ khóc ? Được làm linh mục và đi truyền giáo là một ơn huệ tuyệt vời mà ”. Mẹ ngài khóc không phải vì không muốn ngài đi tu, mà vì nghe ngài nói, quá sung sướng mà khóc. Mẹ ngài bị lao, và ngày 18-8-1907 bà qua đời. Với tràng chuỗi mẹ ngài chết để lại, suốt đời ngày nào ngài cũng lần chuỗi cầu nguyện cho mẹ.

Bố ngài đã gửi ngài đi học. Tình cờ ngài được một tấm bưu thiếp từ Miền Bắc Việt Nam gửi đến. Ngài thích thú nhìn ngắm tấm thiệp. Các bạn học cũng thích thú chuyền tay nhau ngắm nghía. Thày giáo tịch thu tấm thiệp. Ngài đến xin lại. Thày giáo nói : “Không được, vì điểm học em kém”. Ngài năn nỉ. Thày giáo hỏi : “Tại sao em thích tấm thiệp này” ? Ngài thưa : “Vì con muốn làm linh mục, con sẽ sang Bắc Kỳ truyền giáo”. Ngài vẫn nghịch ngợm, nhà trường đành đuổi ngài. Bố ngài biết ngài thích đi tu, nhưng ông không thể lìa xa đứa con trai duy nhất, nên cho ngài học nghề bán rượu như ông.

Cậu Cát-se thích đi xe đạp. Ngài dự các cuộc đua xe và thường về nhất. Ngài cũng thích múa nhảy. Bố ngài còn cho ngài khẩu súng để tập săn bắn, mà quên đi ý muốn đi tu. Một ngày kia, ông thấy ngài lần chuỗi trong góc hầm rượu. Rất trang nghiêm và sốt sắng. Ông biết ý chí đi tu chưa phai trong tâm hồn ngài.

Một hôm ông sai ngài điều khiển chiếc xe ngựa chở thùng rượu cho khách hàng. Con ngựa trượt chân, xe đổ. Ngài nhanh chân nhảy ra ngoài bình an. Bố ngài mắng :  “Cỡ như mày chỉ làm được ông cha xứ là cùng !”. Từ đó ông biết ngài không có khả năng bán rượu. Ông đành để ngài theo đuổi ơn gọi.

Thế chiến thứ nhất 1914-1918 bùng nổ. Quân phát-xít Đức đánh nước Pháp. Lệnh tổng động viên. Dù chưa đủ tuổi, ngài vẫn tình nguyện. Ngài làm y tá. Ngài được chứng kiến những đau khổ của con người. Nhìn một binh sĩ bị cụt chân, ngài cầu nguyện : “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, xin hãy cất mạng sống con, con dâng mạng sống con cho Chúa. Nhưng nếu con sống sót, xin Chúa giữ đôi chân con, để con có thể trở thành nhà truyền giáo”. Năm 1916, ngài được trao nhiệm vụ liên lạc. Hằng ngày ngài đi xe đạp để liên lạc. Đường xá hiểm trở và nguy hiểm. 11 chiếc xe đạp bị hư. Ngài được gắn huy chương “Anh Dũng Bội Tinh”.

Năm 1918 chiến tranh chấm dứt. Ngài xin gia nhập chủng viện Hội Thừa Sai Paris. Hằng ngày đi qua tượng thánh Théophane Venard (Thê-ô-phan Vêna). Người Việt gọi là Ven, tử đạo ngày 2-2-1861 tại Hà Nội. Ngài cầu nguyện : “Lạy Chúa, xin hãy làm cho con xứng đáng dõi bước theo thánh nhân”. Ngày 19-12-1925 ngài thụ phong linh mục. Bố ngài hiện diện trong buổi lễ truyền chức. Thứ tư ngày 14-6-1926, 10 vị linh mục tình nguyện đi truyền giáo, tiến lên bàn thờ cầu nguyện trước khi lên đường. Quả chuông nhà nguyện đem từ Trung Hoa về lên tiếng. Tiếng chuông rung lên hòa theo tiếng hát tiễn biệt.

Sau một tháng lênh đênh trên biển cả, cha Cát-se đặt chân lên đất Sàigòn. Ngài được gửi về Cái Mơn học tiếng Việt. Sau 6 tháng ngài được sai đi làm cha sở miền cao nguyên Di Linh, Đà Lạt. Lúc đầu chỉ có 5 người có đạo : 3 người Việt, một anh nuôi và một chú giúp việc. Ngoài ra toàn người thượng, người thiểu số nói tiếng K’Ho chưa biết Chúa. Khi biết nói tiếng thượng, ban ngày ngài tập họp trẻ em dạy chữ, ban chiều dạy giáo lý cho tân tòng, cơm tối xong dạy chữ cho người lớn.

Những người bị phong cùi bị gia đình xua đuổi vào rừng. Họ là miếng mồi ngon của thú rừng. Thương  họ, cha cho họ thuốc men và các vật dụng cần thiết. Có một bà cụ đã 15 ngày không tới xin giúp đỡ. Ngài đi tìm. Bà đang hấp hối. Bà nằm dưới đất một mình. Ngài nói với bà : “Chúa là Cha chúng ta và Ngài muốn điều lành cho ta. Bà đừng sợ. Chúa sẽ đón bà vào thiên đàng. Chúa yêu người phong cùi và hết thảy mọi loài thọ tạo”. Bà hỏi : “Con phải làm gì ?”. Cha bảo bà : “Bà hãy dâng cho Chúa các đau khổ và hãy tha thứ cho những kẻ đã hất hủi bà”. Bà xin rửa tội. Bà là người đầu tiên theo đạo. Ngày hôm sau bà nói : “Thưa ông cố, trên thiên đàng, con sẽ nhớ đến ông cố”. Bà tắt thở. Ngài đào lỗ chôn bà. Hôm ấy là ngày 7.12.1927, ngày áp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ngài kể : “Đó là món quà mà Mẹ Thiên Chúa gửi tặng tôi. Tôi đã đến nhà nguyện đọc kinh Magnificat với hai hàng lệ chan chứa mừng vui”.

Một ngày trong năm 1928, đang ở trong rừng, 10 người phong cùi đến van xin ngài giúp đỡ. Ngài quyết định lập trại cho họ ở. Lúc đầu ngài qui tụ được 21 người. Ngài xin các nữ tu dòng Bác Ái Vinh Sơn đến chăm sóc.

Ngày 24-6-1941 ngài được chọn làm giám mục Sàigòn. Năm 1955, sau 14 năm giám mục, 60 tuổi, ngài xin về hưu và trở lại ở với người cùi Di Linh cho tới năm 1973 qua đời, thọ 79 tuổi.

Bđ1 : Bđ1 thánh lễ hôm nay nói đến nỗi khổ đau của người phong cùi. Sách Lê-vi kể: “Người mắc bệnh phong cùi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên : ‘Ô uế ! Ô uế ! Bao lâu còn mắc bệnh, người ấy sẽ còn là ô uế. Người ấy phải ở riêng ra, chỗ của họ là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,45-46).

BTM : Chúa Giê-su thương những người phong cùi. Ngài chữa cho họ, để họ được tái nhập vào cộng đoàn. BTM hôm nay thánh Mác-cô kể : “Có người phong cùi đến gặp Đức Giê-su. Anh ta quì xuống van xin rằng : ‘Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch’. Đức Giê-su chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo : ‘Tôi muốn, anh hãy được sạch’. Lập tức bệnh phong biến khỏi anh và anh được sạch” (Mc 1,40-42).

Bđ2 : Thánh Phao-lô khuyên người Cô-rin-tô trong bđ2 : “Thưa anh em, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31).

Con heo đất của giáo xứ Phú Hạnh chúng ta giúp cho người cùi và người nghèo, chúng ta theo gương Chúa Giê-su, theo gương Đức cha Cat-se, để tôn vinh Thiên Chúa, như thánh Phao-lô dạy (15-2-2015).

——————————————–

CHÚA NHẬT VI.B

Phép lạ chữa người phong hủi hôm nay được cả ba sách Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật; nhưng mỗi thánh sử nhìn phép lạ bằng con mắt riêng của mình, học ở nơi phép lạ  bài học khác nhau.

Thánh Mát-thêu đặt phép lạ sau Bài giảng Trên núi, Bài giảng Tám mối Phúc thật, để nói lên Chúa Giêsu là Đấng hoàn thiện Lề luật, chứ không bãi bỏ. Chúa Giêsu tuân thủ Lề luật, khi bảo người phong cùi đi trình diện tư tế theo như Lề luật dạy; song Chúa Giêsu cũng kiện toàn Lề luật, khi Người đã “giơ tay đụng vào” người bệnh, trong khi Lề luật cấm đụng vào.

Thánh Lu-ca đặt phép lạ này ngay sau việc Chúa Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên. Mục đích việc Chúa gọi, như Chúa bảo ông Simôn : “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta”. Thánh Luca nhìn phép lạ chữa người phong hủi trong cái nhìn cứu rỗi toàn thể nhân loại.

Còn thánh Mác-cô thì đề cao lòng thương xót của Chúa Giêsu. Chỉ có thánh Maccô mới ghi lại câu “Người chạnh lòng thương giơ tay đụng đến anh”.

Chúng ta đọc bài đọc 1 trích trong sách Lêvi. Dưới con mắt người Do thái, bệnh cùi tởm gớm và đau khổ dường nào. Chính vì thế đã khiến Chúa Giêsu “chạnh lòng thương”.

“Nếu mắc bệnh phong hủi thì người ấy trở thành ô uế. Tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế, vì người ấy bị vết thương ở đầu. Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên : “Ô uế ! Ô uế !”. Bao lâu còn mắc bệnh, người ấy sẽ còn là ô uế. Người ấy phải ở riêng ra, chỗ của họ là một nơi bên ngoài trại”.

Chả có bệnh nào bị loại ra khỏi nếp sống sinh hoạt của cộng đoàn, chỉ có bệnh cùi. Không những phải sống riêng ra, sống ngoài làng, ngoài trại, mà khi có người đi qua phải hô to : “Ô uế ! Ô uế !”, để người ta tránh đi chỗ khác.

Người cùi bị liệt vào hạng những người ở ngoài lề xã hội, mà còn bị liệt vào hạng ô uế, tội lỗi., vì thế nên mới phải giao cho hàng tư tế, để khám nghiệm xem còn bị bệnh hay là đã được khỏi. Một vài rabbi, kinh sư thời Chúa Giêsu coi bệnh cùi có tội còn nặng hơn 7 tội lớn này là :

1-vu oan cáo vạ,

2-giết người,

3-làm chứng gian,

4-cứng đầu cứng cổ,

5-kiêu ngạo,

6-trộm cắp,

7-hà tiện.

Người cùi chẳng khác gì là một người chết, một thây ma biết đi biết đứng, là một người tội lỗi bị Thiên chúa ruồng bỏ và chỉ có Thiên Chúa mới tha thứ được.

Người bệnh cùi khốn khổ như vậy, nên chẳng lấy làm lạ, trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã “chạnh lòng thương”. Chúa Giêsu có một trái tim bằng thịt, một trái tim chẳng những biết thương xót, mà còn giầu lòng thương xót. Để biểu lộ lòng thương xót, Chúa Giêsu không chỉ dùng lời nói để chữa lành, mà còn dùng cử chỉ. Khi yêu thương , người ta vừa nói vừa dùng cử chỉ. Nhiều khi cử chỉ thay lời nói. Cũng vậy, Chúa Giêsu cũng dùng những cử chỉ để biểu lộ lòng thương xót. “Người chạnh lòng thương và giơ tay đụng vào anh”. Chữa các bệnh khác, Người cũng có những cử chỉ rất nhân loại : cầm tay con gái ông Giai-rô, con vị trưởng hội đường (Mc 5,41), đặt ngón tay trên tai và lưỡi người câm điếc (Mc 7,33), ôm các trẻ nhỏ vào lòng (Mc (,36)…

Chữa anh phong hủi, Chúa Giêsu không chỉ chữa bệnh cho anh, Người còn chữa cả tình cảnh cô đơn, bị ruồng bỏ của anh. Chúa Giêsu bảo : “Hãy đi trình diện tư tế”. Nhờ đó anh sẽ được công nhận là khỏi bệnh và anh sẽ được trở lại sinh hoạt với cộng đoàn. Chúa Giêsu đem lại cho anh sự thông hiệp, sự sống chung. Chúa Giêsu đem anh về nhà, về nhà xum họp, khác nào trong dụ ngôn “người cha nhân hậu với đứa con hoang đàng”.

Bài đọc 2, thư thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô. Các tín hữu Côrintô đang gặp một vấn nạn nhiêu khê là có được phép ăn thịt cúng hay không ? Thánh Phaolô đã đưa ra một nguyên tắc để xử sự là “Đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác”. Từ nguyên tắc đó, thánh Phaolô đã áp dụng vào hoàn cảnh sống của các tín hữu Côrintô về vấn đề ăn thịt cúng. Người dạy : “Người ta mời thì cứ ăn”, song cũng đừng ăn khi người ta đã cho biết đó là thịt cúng, để khỏi làm gương xấu. Ăn hay không ăn không phải vì mình, mà vì người khác, vì yêu thương. Không những vì yêu thương mà còn vì Chúa nữa. Thánh Phaolô dạy : “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì anh em hãy làm tất cả vì tôn vinh Thiên Chúa. Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai”.

Chính thánh Phaolô đã sống tinh thần tôn vinh, yêu thương đó, nên Người nói : “Trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm lợi ích cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người được cứu độ”. Vì vậy , người khuyên dạy : “Anh em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Chúa Kitô”.

Chúa Kitô đã “chạnh lòng thương”, thánh Phaolô cũng bắt chước “cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm lợi ích riêng, nhưng cho nhiều người”, thì chúng ta cũng phải theo Các Ngài mà “chạnh lòng thương” đối với những người đau khổ và bị loại trừ như anh phong hủi (2009).

—————————————————-

CN.6.B

Ai trông thấy người phong cùi cũng ghê sợ. Da mặt nổi mụn, sần sùi. Bàn tay bàn chân ngón rụng ngón còn. Bệnh cùi là bệnh nguy hiểm nhất trong các thứ bệnh. Vì thế người cùi không được sống chung, phải sống riêng một nơi, sống trong những trại cùi.

Bđ1 : Sách Lêvi đã mô tả nỗi cô đơn hất hủi của người cùi : “Phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên : ‘Ô uế ! Ô uế !’… Người ấy phải ở riêng ra” (13,45-46).

Tóm lại người cùi không những phải sống riêng một nơi, mà khi có ai tới gần, thì phải kêu to lên ‘ô uế, ô uế’, để người ta tránh xa ra.

Tuy nhiên, có những người không tránh xa người cùi, mà sống bên cạnh để an ủi, giúp đỡ họ.

Nổi tiếng là cha Damien (Đamiêng), linh mục người Bỉ. Năm 1873 cha đã tình nguyện đến sống với những người cùi tại đảo Molokai thuộc quần đảo Hawaii trên biển Thái Bình Dương, một trại cùi mới thành lập được 7 năm. Cuối cùng cha bị lây bệnh và qua đời. Sau chính phủ Bỉ đã cải táng, đem thi hài cha về Bỉ. Năm 1995 Đức cố giáo hòang GP.II phong chân phước cho cha, người ta đã đem một phần hài cốt của cha trở lại trại cùi Molokai.

Ở VN nổi tiếng có Đức cha Cassaigne, người Pháp. Đang là giám mục giáo phận Saigòn, tháng 9-1955 ngài từ chức, nhường cho Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, vị giám mục người VN, rồi đến sống với những người cùi ở trại cùi Di Linh, Lâm Đồng. Ngài đã qua đời và chôn trong trại cùi.

Đa số các trại cùi ở VN đều do các nữ tu săn sóc, giúp đỡ. Tiền con heo dất giáo xứ Phú hạnh một phần cũng giúp đỡ các trại cùi.

Tại sao người Công giáo không sợ người cùi, đã dám sống với người cùi ? Thưa, vì noi gương Chúa Giêsu.

Bài Tin Mừng : Chúa Giêsu không những cho anh cùi lại gần, ngài còn giơ tay sờ vào anh để chữa anh. Bài TM kể : “Người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giêsu, anh ta qùi xuống van xin: ‘Nếu Ngài muốn Ngài có thể làm cho tôi được sạch’. Đức Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo : ‘Tôi muốn, anh hãy được sạch” (1,40.41).

Anh không nói : xin Chúa chữa cho anh khỏi bệnh, mà nói : xin Chúa chữa cho anh được sạch. Bởi vì, bệnh tật, nhất là bệnh cùi không những là một bệnh, mà còn là một tội, tội nặng. Sách Xuất Hành kể : khi người Ai Cập ngoan cố không chịu cho người Do Thái trở về quê hương, thì đã bị Thiên Chúa phạt cho bị bệnh cùi (Xh 9,8-12). Sách Đệ Nhị Luật cũng kể : Chúa cảnh cáo dân Do Thái : nếu không tuân giữ các giới răn Chúa thì sẽ bị Thiên Chúa phạt cho mắc bệnh cùi (Đnl 28, 21.27.35). Vì phạm tội mà bị bệnh phong cùi, nên cần được Chúa tha tội, Chúa làm cho sạch tội.

Sau khi tha tội cho anh, Chúa “nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh : ‘Coi chừng đừng nói gì với ai cả’” (1,43). Tại sao Chúa bắt anh câm miệng, không được nói ra ? Vì Chúa không muốn cho anh cũng như bao người khác lầm tưởng rằng Chúa chỉ chữa bệnh, tha tội bằng lời nói. Chúa muốn anh và người ta sau này sẽ thấy rằng Chúa dùng chính thập giá, dùng chính cái chết mà chữa bệnh, mà tha tội cho lòai người.

Nếu không có thập giá, không có cái chết làm sao hiểu thấu được lòng yêu thương của Chúa. Trước khi chịu chết, trên bàn Tiệc Ly Chúa Giêsu đã căn dặn các môn đệ : “Không có tình thương nào qúi hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu”.

Chiến thắng nào cũng đòi hy sinh. Tình yêu nào cũng đòi đau khổ (12-2-2006).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành