Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm B


CN.3.MC.B

(Xh 20,1-17; 1Cr 1,22-25; Ga 2,13-25)

Giáo huấn số 7 ( Lịch GP trang 36)

Một số nguồn lực : “Các Nghị phụ Thượng Hội Đồng đã cho thấy “những năm đầu tiên của hôn nhân là một thời kỳ rất quan trọng và tế nhị, trong đó các đôi vợ chồng ngày càng ý thức hơn về những thách đố và ý nghĩa của hôn nhân. Bởi thế, cần có một sự đồng hành mục vụ tiếp sau khi cử hành bí tích (cf. Familiaris Consortio, III). Trong việc mục vụ này sự có mặt của các đôi vợ chồng có kinh nghiệm rất quan trọng. Giáo xứ được xem là nơi mà các cặp vợ chồng có kinh nghiệm như thế sẵn sàng phục vụ để có thể giúp cho những đôi vợ chồng trẻ, có thể cùng với sự hợp tác của các hiệp hội, các phong trào thuôc Hội thánhcác cộng đoàn mới. Càng khích lệ các đôi vợ chồng trẻ có một thái độ cơ bản sẵn sàng tiếp nhận quà tặng tuyệt vời là con cái. Cần lưu ý đến tầm quan trọng của linh đạo gia đình, việc cầu nguyện và tham dự Thánh lễ Chúa nhật, khuyến khích các đôi vợ chồng nên gặp gỡ đều đặn  để thúc đẩy phát triển đời sống thiêng liêng, và liên đới với nhau trong những đòi hỏi cụ thể của đời sống phụng vụ, thực hành việc đạo đức, và thánh lễ được cử hành cho các gia đình đặc biệt là vào dịp kỷ niệm hôn nhân, đã được đề cập như là những điều rất quan trọng để thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng qua gia đình” (NVGĐ số 223)

 

CN.3.MC.B

Nhà thờ Việt Nam  : Nhà thờ Việt Nam đầu tiên được xây dựng ở Hội An : “Sau khi tới Hội An ngày 18-1-1615, cha Buzomi cất tạm một nhà nguyện cho giáo dân Nhật ở đó và cho người Bồ trong thời gian đến buôn bán, đồng thời cũng là trụ sở đầu tiên làm căn cứ truyền giáo cho vùng chung quanh. Lễ Phục Sinh năm đó, cha sung sướng dâng lễ đầu tiên ở quê hương thứ hai của cha trong nhà nguyện mới và đón nhận 10 người tân tòng, những bông lúa đầu mùa của cha. Và ngay từ đầu cha được sự cộng tác của cậu Augostinô, trong số 10 người tân tòng. Sau khi chịu phép rửa cậu đã ở lại giúp việc cho các cha. Cậu là người đầu tiên trong tổ chức Thầy Giảng xứ Nam” (Nguyễn Hồng,Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, T.I, trang 59.

Song, Cha Trương Bá Cần cho rằng nhà thờ đầu tiên là ở Đà Nẵng Cha Buzomi đặt chân lên Đà Nẵng, sau đó mới vào Hội An (Lịch Sử Công Giáo VN, T.I, trang 43).

Nhà thờ thứ hai ở Vĩnh Điện, Quảng Nam : Ở thị trấn Quảng Nam, cha Buzomi được đón tiếp nồng nhiệt. Điều đó phù hợp với chúa Nguyễn  là mở cửa đón thuyền buôn  của châu Âu, ngõ hầu giúp mình củng cố lực lượng để chống lại sự đe dọa của họ Trịnh. Cha Buzomi đã gây được sự chú ý của triều đình, đến độ người ta cấp ngay cho ngài một khu đất để xây cất một ngôi thánh đường. Việc xây cất được thực hiện nhanh chóng, với sự đóng góp của mọi người bằng tiền bạc và công sức, mỗi người tùy theo khả năng. Người ta cũng cho một ngôi nhà đẹp đẽ và sạch sẽ để làm chỗ trú ngụ cho ngài khi giảng dạy đạo Chúa cho dân chúng. Sự đóng góp lớn nhất của một bà , rất sang trọng, đã theo đạo có tên thánh là Gio-an-na, không những bà đóng góp vào việc xây dựng nhà thờ và nhà xứ, mà còn làm nhiều bàn thờ và xây nhà nguyện trong dinh thự của riêng mình” (TBC, Sđd, trang 44).

BTM hôm nay kể chuyện Chúa Giêsu đuổi quân buôn bán ra khỏi Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Cả nước Ít-ra-en chỉ có một Đền thờ, một nhà thờ, ở thủ đô Giê-ru-sa-lem. Còn các thành phố và làng mạc là hội đường.

Thời ông Ap-ra-ham, Giê-ru-sa-lem tên là Sa-lem, có nghĩa là Hòa Bình. Ông Men-ki-sê-đê, vua thành Sa-lem, và là tư tế tối cao của Thiên Chúa, “mang bánh và rượu ra chúc phúc cho ông Ap-ra-ham” (St 14,18).

Đến thế kỷ 10 trước Công Nguyên, vua Đa-vít chiếm thành Giê-ru-sa-lem của người Giơ-vút làm thủ đô (2Sm 5,6, 1Sb 11,4-9 ).

Năm 965 đến 922 TCN, 23 năm, vua Sa-lô-môn xây Đền Thờ và thành Giê-ru-sa-lem.

Năm 587 TCN, người Babylon, nước Irak ngày nay, phá hủy Đền Thờ, và bắt đi lưu đày.

Năm 538 TCN, sau 50 năm lưu đày, người Ít-ra-en được hồi hương, và xây lại Đền Thờ.

Năm 168 TCN, người Sy-ri đánh chiếm, phá tường thành, biến Đền Thờ thành nơi thờ  thần Jupiter.

Năm 167-163 TCN anh em nhà Ma-ca-bê dành lại nền độc lập và thanh tẩy Đền Thờ.

Năm 37 sau CN vua Hê-rô-đê lên ngôi, mở rộng Đền Thờ

Năm 70 sau CN Đền thờ bị người Rôma phá hủy, đúng như Chúa Giêsu đã khóc và tiên báo : “Sẽ tới ngày quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19,41-44).

Năm 1034 người Hồi giáo xây Đền Thờ của họ trên nền Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.

Đền thờ Giê-ru-sa-lem của người Ít-ra-en chia làm 5 khu vực : 1- khu vực cực thánh, 2- khu vực tư tế, 3- khu vực nam giới, 4- khu vực nữ giới, 5- khu vực ngoại giáo. Các thày tư tế cho các gia nhân của mình buôn bán trong khu vực ngoại giáo.

Chúa Giêsu đuổi quân buôn bán không phải vì nóng nảy, tức giận, mà vì “vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa” (Ga 2,17). Lòng nhiệt thành với Nhà Chúa khiến Chúa :

Thứ nhất không thể để các tư tế tham tiền, lạm dụng các ngày lễ “biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16);

Thứ hai Nhà Chúa dành cho mọi dân, mọi nước, mọi tôn giáo, không phân biệt và kỳ thị. Cho nên thánh Mác-cô viết : “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện dành cho mọi dân tộc sao? Thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Mc 11,17. ĐGH. Bênêđíctô XVI, Đức Giêsu Thành Nadaréth,T.II, trang 29-30).

Chúa Giêsu còn ví Đền Thờ là thân thể của Chúa : “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Ngài xây dựng lại  Đền Thờ bằng thập giá, bằng chính cái chết và sự sống lại của Ngài : “Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây phải thiệt thân” (Ga 2,17), “Đền Thờ  ở đây chính là thân thể Người. Vậy khi Người từ cõi chết sống lại, các môn đệ nhớ lại lời Người đã nói” (Ga 2,21).

 

Bđ2 : Thánh Phaolô trong bđ2 đã ca ngợi thập giá của Chúa như sau : “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận; và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,22-23).

Lấy giây thừng đuổi người buôn bán, Chúa Giêsu không dùng bạo lực. Luật Do Thái cấm khí giới, gậy gộc được dùng trong Đền Thờ. Chúa Giêsu không bện thành một cái roi lớn mà đánh đuổi, song Chúa dùng cây cỏ của các tổ bồ câu, chiên bò (Hoàng Minh Tuấn, Đọc TM Ga, T.I, trang 397).

 

Bđ1 : Vì thế, bđ1 chúng ta đọc, đọc lại 10 giới răn yêu thương trong sách Xuất Hành, để yêu thương thay vì bạo lực.

Nhà thờ là nơi Chúa hiện diện, nơi Chúa gặp gỡ con người. Làm sao chúng ta có thể sao nhãng đi nhà thờ ? Làm sao có thể đứng ngoài ? Làm sao không ngồi hàng ghế đầu, để được gần Chúa ? Làm sao ăn mặc thiếu lịch sự ? Vì đi lễ là để gặp Chúa, là để đón nhận ơn Chúa, hầu giúp ta sống tốt đẹp (11-3-2012)

—————————————–

CN.3.C.B

 

BTM thánh lễ hôm nay kể việc Chúa Giêsu thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem. Trước khi đuổi quân buôn bán, Chúa Giêsu làm phép lạ nước hóa rượu ngon ở tiệc cưới Cana. Nước trong 6 chum đá dùng để rửa tay trước khi ăn. Mỗi chum đựng khoảng 120 lít. 6 chum khoảng 720 lít. Phép lạ nước thành rượu muốn nói đến sự dồi dào, phong phú của ơn Chúa.

Nhưng kín múc ơn Chúa ở đâu ?

Thưa, ở nơi thánh đường, nơi Nhà Chúa, nơi Thân Thể Chúa. Vì thế, sau phép lạ nước hóa rượu, Chúa Giêsu thanh tẩy, và đuổi quân buôn bán ra khỏi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.

Chúa Giêsu đuổi quân buôn bán vào dịp lễ Vượt Qua, lễ kỷ niệm biến cố Thiên Chúa giải thoát dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Ai cập, trở về quê hương đất tổ. Dịp lễ này, những người Do Thái trong nước và ngoài nước cùng về dự lễ, khoảng 2,3 triệu người.

Khi đi dự lễ, họ dâng lễ vật. Nhà giầu dâng chiên bò, nhà nghèo dâng chim bồ câu. Họ còn đóng tiền thuế cho Đền Thờ. Tiền dùng ở ngoài chợ, nhà cầm quyền Rôma in hình vua Rôma. Tiền này không được dùng làm tiền thuế Đền Thờ. Người ta phải đổi sang thứ tiền của Đền Thờ. Để giúp khách dự lễ mua bò, chiên, bồ câu và đổi tiền, các tư tế tổ chức những bàn đổi tiền, và chợ bán chiên bò, chim. Việc tổ chức buôn bán như thế, bề ngoài xem ra có vẻ giúp khách hành hương, song bề trong các tư tế lợi dụng lễ lạy để tư lợi.

Chúa Giêsu bện thừng làm roi đuổi những người buôn bán chiên bò, lật đổ những bàn đổi tiền; còn những người bán chim bồ câu, Chúa chỉ nhẹ nhàng bảo : “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây” (Ga 2,16), vì bán bồ câu là bán cho người nghèo. Chúa thương người nghèo.

Chúa Giêsu vừa đuổi vừa nói : “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Thánh Mc thì viết lại là : “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân. Thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Mc 11,17). Như vậy, theo thánh Mc, dù các tư tế tổ chức việc buôn bán ở sân dành cho dân đến dự lễ cũng không được phép, vì Nhà Chúa là nhà cầu nguyện của muôn dân, thành thân thể Chúa.

Chúa Giêsu nói : “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ dựng lại” (Ga 2,19). Người Do Thái tưởng Chúa Giêsu nói đến việc phá hủy Đền Thờ, nên nói : “Đền Thờ này phải mất 46 năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông dựng lại được sao ?” (Ga 2,20).

Đền Thờ Giêrusalem được vua Hêrôđê xây dựng từ năm 19 TCN. Khi Chúa nói là vào năm 28  sau CN, năm đầu tiên Chúa đi rao giảng, tức là Đền Thờ đã được 46 năm. Đền thờ xây xong vào năm 64  sau CN. Mất 83 năm mới xong. Nhưng chỉ tồn tại được 6 năm, đến năm 70 người Rôma đến phá hủy. Năm 1034 Đền Thờ Hồi giáo được xây trên nền Đền Thờ.

Đền thờ Chúa Giêsu nói bị phá hủy là Thân Thể Người. Khi Chúa từ cõi chết sống lại, các tông đồ mới hiểu Chúa nói đến Thân Thể Chúa (Ga 2,22).

Tóm lại Đền Thờ, Nhà Chúa, thánh đường là nhà cầu nguyện, là Thân Thể Chúa, là nơi gặp gỡ, là nơi đến múc những ơn lành của Chúa.

Sắp đến ngày lễ thánh Giuse. Thánh Giuse là bác thợ mộc. Ngài chẳng những xây nhà cho người ta, còn xây nhiều nhà thờ để thờ phượng Chúa.

Sau năm 1975, được sai về coi sóc một giáo xứ. Từ ngày ông Diệm bị lật đổ, giáo xứ trở thành chiến địa. Giáo dân phải tạm cư ra thành phố. Từ năm 63 đến 75, 12 năm, nhà thờ và nhà xứ bom đạn phá đổ, trở thành bãi đất hoang. Sân nhà thờ cỏ mọc cao đến đầu gối. Năm 75 trở về, giáo dân dọn cỏ, biết bao đầu đạn M.79. Đụng vào là nổ. Chúa giữ gìn, không một đầu đạn nào nổ. Ngụy quân ngụy quyền đi mở đường khai hoang, cuốc phải mìn, đầu đạn nổ, bị thương.

Mái nhà thờ trống, tường nhà thờ đổ, chỉ còn cột kèo sứt mẻ…Bắt đầu đi xin các xứ: xin tôn, xin gỗ, xin vật liệu … Cha cố Hải Thanh Bình bán máy điện lấy tiền cho, cha Khóa Sơn Trà giở tôn nhà máy điện cho, Cha Khóa Tam kỳ cho những tấm tôn ở các nhà thờ họ lẻ, cha Hạnh An Hòa cho ghế nhà thờ, cha Bề trên Xuyên cho những thanh sắt để đè những tấm tôn trên mái nhà thờ khỏi bị gió bay, cha Đán Đại chủng viện Hòa Bình cho gạch hoa về lát nền nhà thờ, ông biện Bá mua những cây sắt làm kèo nhà thờ… Năm gian chỉ sứa được ba gian. Tháp nhà thờ đầy lỗ đạn. Có lỗ sâu đàn sáo trên rừng về làm tổ.

Hai ba năm sau, vào Mùa Chay, một người nhiệt tâm với Nhà Chúa đến thăm Thấy Nhà Chúa tiêu điều, buột miệng nói : “Mình ở nhà cao cửa rộng, còn Chúa ở trong căn nhà lụp sụp”. Rồi anh xin giúp sửa sang lại cho khang xứng đáng.

Có tiền nhưng mua vật liệu ở đâu ? Mua thứ gì cũng phải có phép. Trong giờ kinh sáng tối ở nhà thờ, ở gia đình, giáo dân đọc Kinh Cầu Thánh Giuse, xin thánh Giuse thương. Kinh Cầu Thánh Giuse đọc hoài ai nấy lớn nhỏ đều thuộc lòng.

Cha sở Sơn Trà thấy ở chợ bán từng nhúm xi măng. Cha mua về đổ vào các thùng phi. Khi chúng tôi đem xe bò tới chở, đổ vào bao cát năm mươi. Gần đó có lò vôi. Chúng tôi mua thêm vôi, để đổ ruộng bớt nước phèn. Đường xa hàng chục cây số. Trước khi kéo xe về, tất cả đọc kinh xin Thánh Giuse cho đi bình an. Một đàn xe bò 5,6 chiếc nối đuôi nhau đi.

Một ngày khác, nhà dòng Phaolô bên biển cho một số tôn. Lại đem 2,3 xe bò đến đem về. Qua cầu. Ai nấy lo âu hỏi nhau : “Nếu bị hỏi trả lời làm sao ?”. Một người lớn đề nghị : “Khi giải phóng về, nhà lợp bằng lá đã hư hỏng. Các sơ cho ít tôn về lợp”. Một anh thanh niên nói : “Trong Kinh Cầu Thánh Giuse chúng ta đọc: Thánh Giuse, Đấng ngay chính thật thà, thì chúng ta cũng phải thật thá: nói lợp nhà thờ”. Đàn xe bò bị chặn lại, bị hỏi  : “Chở đi đâu ?”. Người thanh niên vội vàng đáp : “Chúng tôi chở về lợp nhà thờ”. Lạ lùng được phép đi ngay.

Lạ lùng hơn nữa là có ngày xi măng bị hết, phải mang xe bò ra Đà Nẵng mua. Mua  được ít bao, chất lên xe bò. Hai anh chở đói bụng và buồn ngủ. Ăn xong họ nằm ngủ ngay chợ Vườn Hoa trước nhà hát. Thế mà không mất một bao nào.

Hôm nay chúng ta không cầu xin thánh Giuse giúp làm nhà thờ. Song chúng ta cầu xin thánh Giuse giúp chúng ta siêng năng đi nhà thờ để cầu nguyện, để gặp Chúa, để được nhiều ơn Chúa (15-3-2009)

——————————————-

CN.3.MC.B

Từ một cô gái nhảy ở các vũ trường, Anna Nobili đã trở thành một ma sơ. Hãng thông tấn Zenith ngày 9-3-2003 đã đăng lại những lời sơ kể về cuộc đời của sơ cho tạp chí Rogationist của Ý- tạp chí cổ võ ơn gọi . Tạp chí phỏng vấn sơ tại nhà dòng Lao Động của sơ tại Nadarét, nước Do Thái.

Sơ Anna Nobili kể : “Tôi bắt đầu đi nhảy từ năm 19 tuổi mãi cho đến năm 21 tuổi mới thôi. Tôi đã sa ngã trong suốt ba năm trời. Đêm nào tôi cũng tới vũ trường và ở đó cho tới 8g sáng. Tôi thường nhảy từ nửa đêm cho tới 4g sáng và cũng có khi cả từ 4g sáng tới 8g sáng.

“Tôi nhảy từ vũ trường này sang vũ trường khác. Tôi ra cả nước ngòai, như tới Amtersdam, thủ đô của nước Hòa Lan. Tôi nhảy ở đó 4, 5 ngày. Tôi đến nhảy ở những vũ trường nổi tiếng nhất. Tại các vũ trường tôi đã sa vào vòng tay của đàn ông và nghiện rượu.

“Tôi bắt đầu chán và xa dần vũ trường. Có lần tôi thấy mình ở trong nhà thờ. Tôi chẳng hiểu tại sao tôi đến nhà thờ. Tôi bắt đầu đi lễ Chúa nhật lại. Vào nhà thờ tôi chỉ khóc. Tôi biết có một Đấng nào đó hiện diện trong nhà thờ. Tôi thấy những người trẻ họ vào nhà thờ. Họ rất hạnh phúc. Họ sống trong một thế giới thật, chứ không phải là một thế giới giả dối như tôi đã sống.

“Tôi đi tĩnh tâm ở tu viện Carlo Carretto. Tôi cầu nguyện, tôi suy gẫm. Vào một buổi chiều, tại công viên thánh Clara ở Assisi, tôi nhìn trời. Tôi ngắm thiên nhiên. Tôi có nhận thức rõ ràng Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa  và chúng ta là các tạo vật. Tâm hồn tôi tràn ngập vui sướng không thể diễn tả nổi. Tôi bắt đầu nhảy múa, nhưng lần này tôi không nhảy để lôi kéo đàn ông, nhưng tôi nhảy để cám ơn Chúa và ca ngợi Chúa.

“Tôi tìm thấy những gì tôi đã đi tìm. Đó là trở thành một nữ tu, sống hồng ân của một cộng đòan, phục vụ, làm việc chân tay, với những con người xấu số.”

Sơ cũng cho biết : “Thường người trẻ đến vũ trường là để tìm cảm giác, cảm giác mạnh về đêm. Cuộc sống ban đêm thì đưa đến thác lọan.”

Từ một gái nhảy ở vũ trường trở thành một nữ tu trong một nhà dòng phục vụ những con người nghèo khổ. Cái gì đã làm nên, đã biến đổi một vũ nữ thành sơ Anna Nobili ? Trước hết là những chán chường của nghề gái nhảy. Sau đó là nhà thờ. Tại sao sơ không đến một nơi nào khác ? Chẳng hạn tới một vườn hoa, với những bông hoa trăm sắc ngàn mầu ? Chẳng hạn tới một bờ sông với trăng thanh gió mát ? Chẳng hạn đến một khu rừng vắng, với tiếng chim hót, tiếng suối reo róc rách ? … Sơ không đến những nơi đó, mà chỉ đến nhà thờ. Đến nhà thờ, sơ cũng chẳng biết tại sao mình đến. Thế nhưng từ nhà thờ sơ đã tìm thấy Chúa và tìm thấy lý tưởng của cuộc đời.

Lại một cuộc đời nữa. Nhà thờ đã biến một con người vô thần thành một người tin yêu Chúa. Đó là thi sĩ Paul Claudel, người Pháp. Ông kể :

Tôi sinh ngày 6-8-1868. Cuộc trở lại của tôi phát sinh ngày 25-12-1886. Lúc đó tôi 18 tuổi. Nhân cách của tôi phát triển đã vững vàng. Mặc dầu cả hai bên nội ngoại đã dâng hiến cho Giáo hội nhiều linh mục, đức tin của gia đình tôi vẫn lửng lơ, nhất là khi tôi đến Paris thì những vấn đề đức tin lại càng trở nên xa lạ. Ngày xưa tôi đã xưng tội rước lễ lần đầu. Như bao trẻ em khác, đó vừa là vòng triều thiên vừa là điểm chấm hết của những việc đạo đức của tôi. Trước hết, tôi được giáo dục, được giáo huấn bởi một vị giáo sư tự do; rồi khi học trường trung học ở tỉnh; và sau cùng là trường Louis-le-Grand. Khi vào ngôi trường này, tôi đã mất đức tin…

Sự việc xảy ra cho đứa con khốn khổ này là : ngày 25-12-1886, tôi vào nhà thờ Đức Bà Paris để dự lễ Giáng sinh. Trước đây tôi nhìn các lễ nghi công giáo cách hời hợt, tôi thấy có tính chất kích thích nào đó và có vẻ vật chất trong một vài nghi thức đã lỗi thời. Chính trong tâm trạng này mà tôi đi dự lễ. Dân chúng thì lũ lượt chen vai sát cánh nhau, còn tôi cảm thấy bình thường thôi. Chẳng có việc gì để làm. Rồi tôi đi dự kinh chiều. Các em trường âm nhạc mặc áo choàng trắng và các chú chủng sinh của tiểu chủng viện thánh Nicolas du Chardonnet đang hát thánh ca, mà sau này tôi biết là bài Magnificat (Linh hồn tôi ngợi khen TC). Tôi đứng thẳng trong đám đông, gần cột thứ hai, lối vào ca đoàn ở bên phải, gần phòng mặc áo. Chính khi đó xảy ra biến cố làm chủ suốt đời tôi…Chỉ trong một giây lát, lòng tôi rúng động và tôi tin. Tôi tin với một sự gắn bó bền chặt, một sự nâng bổng con người tôi, một sự xác tín mạnh mẽ, đến nỗi không còn chút hoài nghi…Nước mắt tôi nức nở trào ra. Bài hát Adeste êm ái làm sao! Bài hát tăng thêm cảm xúc nơi tôi.

Nhà thờ, và những người đi nhà thờ …đã khiến một vũ nữ thành ma sơ.

Nhà thờ và những bài hát…đã làm cho một người không tin Chúa, chối bỏ Chúa, cúi đầu chấp nhận Chúa, yêu mến Chúa.

Nhà thờ an ủi, sưởi ấm những con người gặp hoàn cảnh khó khăn…

Do đó chúng ta không lấy làm lạ với bài TM thánh lễ hôm nay là Chúa phải đuổi quân buôn bán ra khỏi Đền Thờ. Hơn nữa theo sách TM của thánh Gioan, Chúa Giêsu làm việc này vào ngay đầu đời rao giảng của Chúa, nghĩa là việc đi nhà thờ là việc đầu tiên Chúa phải sửa đổi, là việc quan trọng nhất trong các việc đạo đức mà Chúa phải quan tâm.

Nhà thờ là nơi Chúa hiện diện, đến nhà thờ để được gặp Chúa. Nhà thờ là nơi con cái Chúa bày tỏ lòng tin, lòng mến, khiến người ngòai trông thấy mà tin có Chúa. Người ngòai trông thấy cách chúng ta ăn mặc, cách chúng ta dâng lễ, cách chúng ta đọc kinh, cách chúng ta hát, cách chúng ta đứng ngồi, mà tin Chúa, mà gặp Chúa.

Lời Chúa hôm nay giup chúng ta xét lại cách chúng ta đi nhà thờ, cách chúng ta đi dâng lễ. Chúng ta tự hỏi : mỗi lần đi dâng lễ có thêm lòng đạo đức không, có làm cho người ngoài nhìn thấy mà tin có Chúa không ? (19-3-2006)

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành