Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm B


CN.4.MC.B

(2Sbn 36,14…23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21)

Giáo huấn số 52 (Lịch GP trang 123)

Đối thoại : “Hãy cởi mở trong suy nghĩ, đừng tự khép lại để mình mắc kẹt trong một vài ý kiến và quan điểm giới hạn của mình, nhưng hãy sẵn sàng để thay đổi hay bổ túc ý kiến của mình. Sự kết hợp cách nghĩ của tôi và cách nghĩ của người kia, khác nhau nhưng có thể dẫn đến một tổng hợp làm phong phú cho cả hai. Sự hợp nhất mà chúng ta cần tìm không phải là sự đồng dạng, nhưng là sự ‘hợp nhất trong khác biệt’, hay ‘sự khác biệt được hòa giải’. Theo đường hướng này, sự hiệp thông huynh đệ được làm cho phong phú bằng sự kính trọng và trân trọng những khác biệt trong một nhãn giới bao quát giúp thăng tiến thiện ích chung. Chúng ta phải giải phóng chính mình khỏi cái cảm nghĩ rằng tất cả chúng ta phải giống như nhau, Cũng cần khéo léo để nhận ra đúng lúc sự xuất hiện của ‘nỗi bực tức’ có thể ngáng trở tiến trình đối thoại. Chẳng hạn, nếu những cảm nghĩ gay gắt bắt đầu nổi lên, chúng phải được tương đối hóa để không làm gián đoạn mạch đối thoại. Điều quan trọng là khả năng nói lên những gì mình nghĩ mà không gây tổn thương cho người khác; cần phải lựa lời mà nói và lựa cách nói làm sao để được người kia chấp nhận cách dễ dàng hơn, nhất là khi thảo luận những vấn đề gay cấn; việc nêu những ý kiến phê bình của mình đừng bao giờ gắn với việc xả cơn giận như một hình thức trả thù, và tránh giọng điệu dạy đời chỉ cốt tấn công, châm chọc, tố cáo và gây tổn thương. Nhiều sự bất đồng giữa vợ chồng thực sự không phải là những chuyện vặt vãnh, nhưng điều làm thay đổi bầu khí chính là cách nói hay thái độ của người nói” (NVCTY số 139).

 

CN.4.MC.B

Chính ngày lễ thánh Giuse năm 1627,  hai cha Marquez và cha Alexandre de Rohdes đặt chân đến Cửa Bạng, Thanh Hóa. Sau 6 ngày lênh đênh trên biển cả, thuyền của hai cha gặp bão lớn. Suốt đêm chống chọi với cơn bão. Hai cha cầu nguyện. Sáng sớm ngày lễ thánh Giuse, thuyền hai cha cập vào Cửa Bạng bình an. Chẳng những thánh Giuse giúp thuyền vào bến bình an, mà còn giúp công việc truyền giáo của hai cha được kết quả ngòai sự mong ước.

Cha Alexandre de Rohodes , tên VN là Đắc Lộ, đã nói sỏi tiếng Việt. Cha đã ở Hội An 3 năm trước từ năm 1624-1627 và học tiếng Việt với cha Pina và chú bé người Cây Trâm, Tam Kỳ. Đặt chân lên bờ, cha Đắc Lộ mở miệng giảng đạo ngay. Chỉ trong hai tuần lễ cha đã rửa tội được 32 người. Trong số này cha kể cuộc trở lại ba người đặc biệt : một thầy đồ nho, một thầy cúng, và một đại gia. Đúng như nhận xét của cha Baldinotti về người Việt miền Bắc vào năm 1626 như sau : “Tính tình tốt lành, có nhiều thuần phong mỹ tục rất hợp với tinh thần đạo Công giáo, nếu có những vị thừa sai thông thạo tiếng nói của dân xứ, sẽ thu lượm được một mùa gặt phong phú” (Nguyễn Hồng, Lịch Sử  Truyền Giáo Ở VN, T.I, trang 94-97).

 

BTM : BTM thánh lễ hôm nay cũng kể cuộc trở lại của ông Nicôđêmô, một con người dễ thương và tốt lành. Ông thuộc nhóm Pharisêu, một thủ lãnh của người Do Thái. Người Pharisêu thường chống đối Chúa Giêsu. Còn ông lại yêu mến Chúa Giêsu. Thánh Gioan đã kể lại ba việc ông làm vì yêu  Chúa Giêsu :

1/ Một : ban đêm ông đến gặp Chúa Giêsu. Ông nói : “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở trong người ấy” (Ga 3,2).

2/ Hai : trong một dịp lễ Lều, các người Pharisêu sai các vệ binh đi bắt Chúa Giêsu. Họ không bắt, họ còn nói : “Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy !” (Ga 7,46). Các người Pharisêu liền mắng : “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao ? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu ? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa” (Ga 7,46-49). Ông Nicôđêmô lên tiếng bênh vực : “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không ?” (Ga 7,51).

3/ Ba : trong việc tẩn liệm xác Chúa Giêsu, ông Nicôđêmô góp “một trăm cân một dược trộn với trầm hương” (Ga 19,39)

Nhưng quan trọng hơn hết là nội dung cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông. Chúa Giêsu đã cho ông biết về lòng thương xót của Thiên Chúa khi sai Con Một xuống cứu thế gian : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”(Ga 3,16.17).

 

Bđ1 : Lòng thương xót  của Thiên Chúa thể hiện ngay trong biến cố dân Do Thái bị lưu đày ở Babylon, nước Irak ngày nay. Tuy phạt đi lưu đày 50 năm, nhưng sau đó Thiên Chúa lại tha. Thiên Chúa đã biến kẻ thù của người Do Thái thành bạn. Vua Kyrô, vua Babylon, chẳng những tha cho dân Do Thái trở về, mà còn cho tiền bạc để tái thiết lại đất nước quê hương. Sách Sử Biên Niên bđ2 kể :  Kyrô, vua Ba Tư, phán thế này : ‘Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một Ngôi Nhà ở Giêrusalem. Vậy ai trong các ngươi thuộc dân của Người, thì xin Đức Chúa, Thiên Chúa của họ, ở với họ, và họ hãy tiến lên…!” (2Sbn 36,23)

 

Bđ2 : Thiên Chúa yêu chúng ta đến thế, nên thánh Phaolô đã ca ngợi trong thư Êphêsô  bđ2 : “Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta” (Ep 2,4).

Ước gì những tuần lễ cuối cùng của Mùa Chay này, chúng ta xin thánh Giuse giúp chúng ta nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa với mỗi người chúng ta, và chúng ta cũng tỏ bày lòng thương xót với nhau (18-3-2012).

——————————————-

CN.4.MC.B

Cách nay đúng một tháng, Chúa nhật VII.TN ngày 22-2, tôi đã kể : “Tạp chí Time của Mỹ số Giáng sinh năm 1983, in ngay trang bìa đầu một tấm hình rất độc đáo. Tấm hình là một căn phòng của nhà tù. Hai người ngồi trên hai chiếc ghế nhựa. Một người mặc áo dòng mầu trắng, với chiếc khăn khóac vai mầu trắng và một chóp mũ mầu trắng. Người kia mặc áo ấm mầu xanh, quần jean và đôi giầy bata.

Báo Time tường thuật câu chuyện sau đây : “Tuần trước trong một giây phút thiêng liêng có một không hai, vụ bạo lực xảy ra ở quãng trường thánh Phêrô đã đổi thay. Trong căn phòng của nhà tù Reb-bi-bi-a ở Rôma trống trải, bức tường mầu trắng, Đức Gioan-Phaolô II âu yếm cầm đôi bàn tay đã từng cầm súng bắn ngài. Trong 21 phút, Đức giáo hòang ngồi với anh Mmehmet Ali Agca, kẻ sát nhân. Hai người dịu dàng nói chuyện. Anh Agca một hai lần mở miệng cười. Đức giáo hòang tha cho anh về tội anh đã bắn ngài. Cuối cuộc gặp gỡ, anh Agca làm một cử chỉ đầy kính trọng là hôn nhẫn Đức giáo hòang và ấn tay Đức giáo hòang lên trán anh”.

Như đã biết : lúc 5g 19 chiều ngày 13-5-1981, kỷ niệm ngày Đức Mẹ Fatima hiện ra, một thanh niên người Thổ Nhĩ Kỳ tên là Ahmet Ali Agca dùng súng bắn ngài vào bụng, vào tay lúc ngài đi vòng quanh quảng trường thánh Phêrô ban phép lành cho dân chúng. Ngài bị thương nặng, được đưa vào bệnh viện Gemelli và trải qua cuộc giải phẫu trong 6 tiếng đồng hồ. Ngài phải ở lại trong bệnh viện 11 tuần lễ. Nhưng chỉ 4 ngày sau, ngày 17-5-1981 trong giờ đọc kinh truyền tin, dù nằm trên giường bệnh viện. Đức giáo hòang nói : “Xin mọi người hãy cầu nguyện cho cho người anh em đã bắn tôi, tôi thực tâm tha thứ cho anh”.

Đức giáo hòang đã noi gương Thiên Chúa mà tha thứ. Nhưng sự tha thứ của Đức giáo hòang làm sao sánh nổi.

Bđ1 : Sách Sử Biên Niên, trong bđ1, đã kể tội của người Do Thái như sau : “Tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân, và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Giêrusalem ra ô uế” (Sbn 36,14). Nhưng Thiên Chúa vẫn tha thứ, sai các sứ giả đến sửa dạy. Tuy nhiên họ lại “nhạo cười… khinh thường… chế diễu” (36,16). Thiên Chúa đành cho nước Ba Tư, tức là nước Irak ngày nay, tới xâm chiếm. Nhưng cuối cùng Thiên Chúa cũng tha thứ, cho trở về quê hương tái thiết lại xứ sở.

 

BTM : Sự tha thứ cho dân Do Thái cũng chưa sánh bằng việc tha thứ tội lỗi nhân loại. Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêô trong BTM hôm nay : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,18).

 

Bđ2 : Thánh Phaolô trong bđ2 đã ca ngợi lòng tha thứ của Thiên Chúa như sau : “Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta. Nên dầu chúng ta có phải chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô” (Ep 2,4-5).

Còn chúng ta thì sao ? Chúng ta tha thứ  hay dùng bạo lực để trả thù ? (22-3-2009).

——————————————————– 

CN.4.MC.B

Bài đọc 1 : Bài TM chúa nhật tuần trước, CN3MC, Chúa Giêsu đuổi quân buôn bán ra khỏi Đền Thờ Giêrusalem. Bđ1 chúa nhật hôm nay tác giả sách Sbn đã cho rằng vì Đền Thờ mà Thiên Chúa đã phạt dân Israen phải đi lưu đày. Sách viết : “Các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học đòi mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Giêrusalem ra ô uế…khiến Đức Chúa bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa” (36,14.16).

Cả khi Chúa tha phạt cho dân trở về quê hương xứ sở, thì việc đầu tiên Thiên Chúa muốn làm là tái thiết lại Đền Thờ. Vua Kyrô nói với dân Do Thái : “Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một ngôi Nhà ở Giêrusalem tại Giuđa. Vậy ai trong các ngươi thuộc dân của Người, thì xin Đức Chúa, Thiên Chúa của họ ở với họ, và họ hãy tiến lên…” (36,23).

Dân Do Thái bị lưu đày từ thế kỷ VI trước Chúa giáng sinh, và được trở về quê hương cuối thế kỷ VI. Còn sách Sbn viết mãi sau này, vào thế kỷ IV tCGS, sau cả hàng 200 năm. Như thế, Sách Sbn viết lại những suy nghĩ, những đấm ngực xét mình, những tội lỗi, những lý do đã bị Chúa phạt đi lưu đày. Đó chính là tội làm cho “Nhà Đức Chúa ra ô uế”. Đó là tội phạm ngày sabát, ngày nay gọi là bỏ lễ ngày chúa nhật. Dĩ nhiên cũng vì những tội khác nữa, nhưng tội phạm đến Nhà Chúa, đến lễ Chúa nhật là quan trọng nhất, vì bỏ bổn phận đối với Chúa thì cũng bỏ các bổn phận đối với cha mẹ, đối với gia đình, và đối với người khác. Chúa mà đã không sợ thì chẳng còn sợ ai. Đúng như vậy, ai bỏ đi lễ nhà thờ thì đời sống gia đình cũng chẳng tốt đẹp gì.

Nhưng Thiên Chúa phạt là vì thương, chứ không phải vì ghét. Chính nhờ những năm tháng bị lưu đày, bị làm nô lệ, dân Do Thái đã nghĩ lại, đã ăn năn sám hối, đã quay trở về với Chúa.

Trước khi vào Đất Hứa, ông Môsê đã cảnh cáo dân Israel : “Khi anh em được ăn no nê, thì phải ý tứ đừng quên Đức Chúa, Đấng đã đưa anh em ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng anh em phải kính sợ, chính Người là Đấng anh em phải phụng thờ” (Đnl 6,11-12).

Về sau, trong sách TM thánh Luca viết : “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (16,13). Có người đã ví von : “Tiền vào thì Thiên Chúa ra, tiền ra thì Thiên Chúa vào.” Sau 1975 đời sống vất vả, chẳng còn gì để bám, chúng ta bám vào Chúa. Bây giờ thì đã có cái để bám, nên chúng ta lơi lỏng với Chúa.

 

Bài Tin Mừng : Dù lòng dạ chúng ta có tráo trở, nay ở mai đi, nay bám mai bỏ, thì Chúa vẫn tha thứ, vẫn tìm mọi cách để lôi, để kéo chúng ta về. Trong cuộc đàm thọai với ông Nicôđêmô, một kinh sư, một thành viên cao cấp của đạo Do Thái, Chúa Giêsu cho ông biết : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Ban Con Một là cách cuối cùng, không còn cách nào khác tốt hơn, như thư Do Thái viết : “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Chúng ta vừa mừng lễ Truyền Tin, lễ Ngôi Hai xuống thế làm người trong lòng Đức Maria. Đó là lễ thể hiện việc “Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”.

Thiên Chúa làm người là điều đặc sắc của đạo Chúa. Trong các đạo khác, các thần tiên cũng đến cứu giúp lòai người, nhưng chỉ mặc hình thức con người, đội lốt con người, chứ không trở thành  người như Chúa chúng ta.

Chúa trở thành người để cùng ở, cùng ăn, cùng sống với con người, hầu nói cho con người biết Thiên Chúa. Đây là điều đặc sắc thứ hai của đạo Chúa. Như  Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô : “Không ai đã lên trời, ngọai trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Chính vì thế đạo chúng ta gọi là đạo mặc khải. Các đạo khác không có sự mặc khải từ trời, mà chỉ là những suy nghĩ của con người dưới đất. Nếu có mặc khải từ trời như đạo Do Thái, đạo Hồi thì cũng chỉ là nói qua trung gian, qua các sứ giả; còn đạo chúng ta chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa từ trời xuống mặc khải, từ trời xuống nói trực tiếp với lòai người.

Đặc sắc thứ ba của đạo Chúa, đó là Chúa chết cho chúng ta. Chúa nói với ông Nicôđêmô : “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15). Trước khi bị bắt, Chúa Giêsu cũng nói : “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo theo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Và thánh Gioan đã diễn giải : “Đức Giêsu nói thế để ám chỉ Người phải chết cách nào” (Ga 12,33). Như vậy, từ “giương cao” là để diễn tả việc Chúa chết nằm trên thập giá. Có đạo nào người sáng lập đạo đã chết vì đạo hữu, chết cho đạo hữu. Người chết cho người đã là khó, thần minh chết cho người phàm lại càng không có.

 

Bài đọc 2 : Chính vì thế, thánh Phaolô viết cho giáo dân Êphêsô, chúng ta đọc trong bđ2 thánh lễ hôm nay : “Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô” (Ep 2,4). Thiên Chúa đã nằm chết trên thánh giá, vì Thiên Chúa là cha. Con cái không dám chết cho cha mẹ, nhưng cha mẹ thì  sẵn sàng chết cho con cái.

Khi suy gẫm về cái chết trên thập giá của Chúa, thánh nữ Rosa Lima đã thốt lên : “Ngòai thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời” (SGLCG, tr.241-26-3-2006).

———————————————

CN.4.MC.B

Hôm nay là CN.4.MC. Chỉ còn CN.5 là đến Lễ Lá, đến Tuần Thánh. Vì thế, với Lời Chúa của thánh lễ hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta chiêm ngắm lòng thương xót Chúa và sự tha thứ của Chúa. Thương xót và tha thứ đến độ ban Con Một cho chúng ta, Con Một chết vì chúng ta.

 

Bđ1 : Bđ1 là đoạn kết của sách Sử Biên Niên quyển thứ hai. Hai cuốn này viết lại lịch sử dân Ít-ra-en từ khởi đầu nhân loại với ông Ađam đến ngày vương quốc Giuđa sụp đổ vào năm 587 tCGS. Tác giả viết vào khoảng thế kỷ IV hay thứ III tCGS, nghĩa là sau biến cố Giuđa sụp đổ đã lâu. Nay nhìn lại biến cố bằng con mắt đức tin, tác giả thấy rằng : những thăng trầm của dân Ít-ra-en là hậu quả của lòng trung thành hay bất trung của dân tộc đối với Thiên Chúa. Đồng thời cũng nhờ đó mà nhận ra lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa.

Đoạn kết của cuốn Sử Biên Niên mà chúng ta đọc trong thánh lễ hôm nay viết về “những bất trung bất nghĩa, học theo thói ghê tởm của chư dân, và làm cho Nhà Chúa ra ô uế” (36,14) của dân Giuđa vào thời vua Xít-ki-gia-hu, vào những năm 589-587 tCGS. Trước khi trừng phạt, Thiên Chúa đã sai các sứ giả đến cảnh báo. Sách Viết : “Thiên Chúa không ngừng sai sứ giả đến cảnh báo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người. Nhưng họ nhạo cười các sứ giả, khinh thường tới Người và chế diễu các ngôn sứ” (36,16). Chẳng hạn như ngôn sứ Giêrêmia, vua Giô-a-kim xé những lời cảnh  cáo của ngôn sứ ra từng mảnh, các thượng tế thì nhục mạ, nhốt trong tù. Vì thế, “Thiên Chúa trừng phạt dân Người”, để “quân Can-đê đốt nhà Thiên Chúa, triệt hạ tường thành Giêrusalem, phóng hỏa đốt các lâu đài trong thành và phá hủy các đồ đạc quí giá. Những ai còn sống thì bị bắt đi đày ở Babylon” (36,19-20). Như ngôn sứ Giêrêmia tiên báo : “Cho đến khi đất được hưởng bù những năm sabát và suốt thời gian nó bị tàn phá, nó sẽ nghỉ, cho hết 70 năm tròn” (36,21). Thật ra dân Giuđa bị lưu đày ở Babylon gần 50 năm, từ năm 587 đến 538 tCGS. Ngôn sứ Giêrêmia nói là 70 năm, vì con số 70 là con số tưng trưng, ám chỉ nhiều ngày dân Giuđa đã bỏ, không tuân giữ. Sau gần 50 năm, Thiên Chúa chạnh lòng thương “tác động trên tâm trí Kyrô, vua Ba Tư” (36,22) tha cho về lại quê hương xứ sở. Lịch sử dân Ítraen trong tay Thiên Chúa. Người muốn cứu và giữ lời hứa đã hứa từ lâu với vua Đavít. Nếu có phạt là vì yêu, nhưng phạt rồi lại tha.

Khi trở về, một trong những công việc đầu tiên phải làm được ghi trong sắc lệnh của vua Kyrô là “tái thiết cho Chúa một ngôi nhà ở Giêrusalem”. Tác giả  tập sách quan tâm hàng đầu đến Đền Thờ. Thiên Chúa sai sứ giả đến cũng vì “thương xót dân và thánh điện của Người” (15). Bị phạt cũng vì “làm cho Nhà Chúa ra ô uế” (14). Đền Thờ bị đốt đầu tiên, rồi mới đến những thứ khác. Bây giờ trở về, việc đầu tiên cũng là việc tái thiết lại Đền Thờ, vì Đền Thờ đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của dân Giuđa, nhất là trong những thời kỳ bị ngoại xâm. Đền Thờ là chỗ dựa của cả dân tộc.

 

BTM : BTM là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô. Sách TM của thánh Gioan ghi lại nhiều cuộc đối thoại quan trọng. Nicôđêmô là tên bằng tiếng Hy Lạp. Ông vừa là thủ lãnh của người Pharisêu vừa là thành viên trong Thượng Hội Đồng của dân Do Thái. Thánh Gioan đã cho ông xuất hiện ba lần trong cuộc đời Chúa Giêsu : 1/ trong cuộc đối thoại này (3,1-2), 2/ khi các thượng tế và thủ lãnh Pharisêu sai các vệ binh đi bắt Chúa Giêsu, nhưng ông đã lên tiếng bênh vực : “Lề luật của chúng ta có cho phép kết án ai trước khi nghe người ấy nói và biết người ấy làm gì không ?” (7,5), 3/ ông “mang chừng 100 cân một dược được trộn với trầnm  hương” đế táng xác Chúa (19,39). Ông đã đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm, vì sợ người Do Thái biết (3,2).

Trong sách TM thánh Mátthêu thì viết : “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước trời” (18,3). Còn thánh Gioan thay vì viết “nên như trẻ nhỏ” thì viết “sinh lại bới ơn trên”. Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô : “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (3,3). Ông thì hiểu :  sinh lại bởi ơn trên là “trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra” (3,4). Nhưng Chúa Giêsu bảo sinh lại là : “sinh ra bởi nước và Thánh Thần” (3,5), tức là chịu phép rửa tội. Ông vẫn chưa hiểu. Ông hỏi lại Chúa : “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được ?” (3,9).  Chúa Giêsu đã lấy hình ảnh con rắn đồng để diễn tả việc sinh lại, diễn tả phép rửa được thực hiện qua cuộc thương khó và sự sống lại : “Như ông Môsê đã  giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sự sống đời đời” (3,14-15). Lần khác Chúa Giêsu nói với người Do Thái : “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32).

Chuyện con rắn đồng được sách Dân Số kể lại như sau : “Trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Ítraen mất kiên nhẫn. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê rằng : “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống ? Chúng tôi đã chán ngấy với thứ đồ ăn vô vị này”. Bấy giờ Chúa cho con rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người phải chết” (21,4-6). Dân đến nói với ông Môsê và ông kêu xin Chúa. Chúa bảo ông : “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó sẽ được sống” (21,8). Không phải nhìn vào con rắn mà được cứu, được cứu là do lòng thương xót của Chúa. Sách Khôn Ngoan viết : “Không phải do vật họ nhìn, nhưng là do chính Ngài, Đấng cứu độ muôn người hết thảy” (16,17).

Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh con rắn đồng để nhắc nhớ rằng : Thiên Chúa đã dùng một dụng cụ phạt con người, để cứu con người. Cũng vậy, Chúa Giêsu bị con người khước từ lại là người được Thiên Chúa dùng để cứu  : “Họ đã nhìn Đấng họ đã dâm thâu” (Ga 19,37).

Chúa Giêsu không chỉ là một người tầm thường, mà là “Con Một” của Thiên Chúa : “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (3,16).

Cụm từ “Tình yêu của Thiên Chúa” xuất hiện đầu tiên trong Sách TM của thánh Gioan. Chỉ thánh Gioan gọi Chúa Giêsu là “Con Một”. Khi dùng kiểu gọi này, rất có thể thánh Gioan đã nghĩ đến câu chuyện ông Ap-ra-ham hiến tế I-sa-ác, con một của mình (St 22,1-19). Trong thư Rôma, thánh Phaolô viết : “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (8,32). Không phải khi Chúa Giêsu chết trên thập giá, Thiên Chúa mới yêu thế gian. Trái lại, Thiên Chúa “đã yêu”, “đã ban” Con Một từ trước rồi, tức là từ khi Chúa Giêsu xuống thế làm người. Việc Chúa Giêsu nhập thể đã biểu lộ tình yêu của Chúa Cha với lòai người : “Thiên Chúa sai Con Một đến thế gian’ (1Ga 4,9). Còn khi Chúa Giêsu treo trên thập giá là lúc tình yêu Thiên Chúa đến tột đỉnh. Vì thế, thánh Gioan đã đặt tên cho Thiên Chúa “là tình yêu” (1Ga 4,8).

 

Bđ2 : bđ2 là thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô. Khi viêt lá thư này thánh Phaolô đang bị tù ở Rôma vào những năm 61-63. Đoạn thư chúng ta đọc trong thánh lễ hôm nay là một trong những chủ đề căn bản của bức thứ : Đó là Thiên Chúa muốn cứu lòai người và việc cứu được thực hiện nơi Chúa Giêsu : “Dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Thiên Chúa đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô” (5,5). Thánh Phaolô đã đề cao vai trò chủ động của Chúa Cha, khi kể 12 lần Chúa Cha là chủ từ của các động từ “đã cho” (5,6), “tỏ lòng nhân hậu” (5,7), “chuẩn bị” (5,10)… Thiên Chúa yêu chúng ta không vì công trạng của chúng ta : “Đây không phải bởi sức anh em, mà ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm để không ai hãnh diện” (8,9); mà chỉ vì “chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa” (10). Chính vì Thiên Chúa yêu con người như thế, nên thánh Phaolô đã ca ngợi : “Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu thướng chúng ta” (4). Đức Gioan-Phaolô II đã lấy câu này làm nhan đề một tông thư.

Lạy Chúa, ước gì Mùa Chay này, chúng con cảm nghiệm được lòng thương của Chúa  trong từng phút, từng biến cố của nhân loại và của cuộc đời của mỗi người chúng con (2003)

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành