Chúa Nhật II Phục Sinh – Năm B


CN.2.PS.B

 

Niềm Vui yêu thương

Thực tế hiện nay của gia đình

Tông huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Ngày 19-3-2016

Cần phải dành sự lưu tâm không kém đối với mối nguy ngày càng tăng của một chủ nghĩa cá nhân cực đoan đang làm suy yếu các mối gắn kết gia đình và rốt cục coi mỗi thành viên gia đình như một đơn vị rời rạc, nhiều khi dẫn đến ý tưởng rằng nhân cách của một người được định hình bới những khao khát của người ấy, những khao khát được xem là tuyệt đối. Những căng thẳng tạo nên bởi một nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa quá mức, cộng với những chiếm hữu và lạc thú, dẫn đến tình trạng bất bao dung và xung đột trong các gia đình. Ở đây tôi cũng muốn bao gồm cả nhịp sống hối hả ngày nay, những áp lực, cách tổ chức xã hội và công việc, vì tất cả đều là những yếu tố văn hóa chống lại những quyết định có tầm vĩnh viễn”.

(Lê Công Đức chuyển ngữ, số 33)

Thánh Tôma cứng đầu cứng cổ là hình ảnh “chủ nghĩa cá nhân”.

 *******************

CN.2.PS.B

(Cv 4,32-35; 1Ga 5,1-6; Ga 20,19-31)

BTM : BTM thánh lễ hôm nay nói về thánh Tôma. Thánh Tôma cứng lòng tin. Thánh Tôma cứng đầu cứng cổ.

Trong bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu nói : “Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” (Ga 14,3-4). Thánh Tôma đáp lại : “Chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường” (Ga 14,5).

       Tin Mừng thánh lễ hôm nay càng bày tỏ tính ngang bướng của thánh Tôma. Đã không có mặt khi các anh em tông đồ họp mặt, lại còn gân cổ cãi : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25).

Khi Chúa Giêsu về trời, các tông đồ bắt thăm, để cắt cử nơi chốn mỗi người đến truyền giáo. Thánh Tôma rút phải thăm đến Ấn Độ, thánh nhân chối ngay : “Tôi không đi, không đời nào tôi đi !”. Đêm về, Chúa hiện ra khuyên ông vâng lời, ông khăng khăng chối từ : “Đi đâu con cũng đi, nhưng đi Ấn Độ nhất định con không đi”.

Người VN thường nói “quá tam ba bận”. Thánh Tôma đã ba lần cứng đầu cứng cổ. Thế mà Chúa vẫn thương, Chúa vẫn tha. Chúa vẫn sai ngài đi Ấn Độ truyền giáo. Ngài là vị tông đồ được sai đi xa nhất, còn được phúc tử đạo nữa.

Mặc dầu nước Việt Nam chúng ta không được phúc nghe lời rao giảng từ môi miệng của thánh Tôma, được chiêm ngưỡng con người bằng xương bằng thịt của thánh nhân; nhưng đã được con cái của ngài đến rao giảng Tin Mừng.

Tương truyền rằng : vào thế kỷ thứ nhất, nước Việt Nam còn là quận Giao Chỉ của Trung Quốc. Trung Quốc sai ông Sĩ Nhiếp sang cai trị. Ông là người có đạo. Ông lãnh nhận đức tin từ các học trò của thánh Tôma. Các học trò của thánh Tôma đã sang Trung Quốc truyền đạo. Năm 187 ông Sĩ Nhiếp đến Thanh Hóa, Ông lập bàn thờ và đặt một tượng Thánh Giá lớn trong dinh của ông.

Thời vua Lê Đại Hành, năm 980 một nhóm người có đạo, do thánh Tôma truyền lại, đã tới Trung Quốc và sang Việt Nam truyền giáo.

Nhờ lòng Chúa thương xót, thánh Tôma đã đến Ấn Độ, và các học trò của ngài đã đến Trung Quốc và Việt Nam. Nếu Chúa không thương xót và tha thứ, làm sao thánh Tôma được phúc đem Tin Mừng đến những nơi xa xôi như vậy.

Lòng Chúa thương xót : Chúa nhật hôm nay là lễ Lòng Chúa Thương Xót. Đức cố giáo hòang  Gioan-Phaolô II thiết lập ngày 23-5-2000. Chúa tỏ lòng thương xót với nữ tu Faus-ti-na Ko-was-ka.

Nữ tu Faustina Kowaska, người Balan, sinh ngày 25-8-1905. Chị là người con thứ ba trong số 10 người con. Gia đình làm nông, rất nghèo. Chị chỉ được học đến lớp ba. Lên 15 tuổi chị xin cha mẹ đi tu. Hai ông bà không cho. Chị xin lần thứ hai cũng bị từ chối. Chị chán nản, không theo Chúa được thì theo thế gian. Thay vì tu thân tích đức, thì nay chị thích trang điểm, làm đẹp, mặc quần áo đúng mốt, theo bạn bè vào các vũ trường nhảy múa.

Một lần kia, đang tham dự một buổi khiêu vũ, chị thấy Chúa Giêsu đứng bên cạnh mình. Thân mình Chúa đầy những thương tích, Chúa trách chị : “Cha phải chịu đựng con đến bao giờ; con còn phụ rẫy Cha đến bao giờ nữa ?”. Sau đó Chúa nói với chị : “Con hãy đến thủ đô, con sẽ vào một tu viện ở đó” (Ngọc Đính, Cuộc Đời Thánh Nữ Faustina Kowaska, trang 28). Năm 20t chị vào dòng “Đức Mẹ Từ Bi”. Chị chỉ được bề trên sai làm những việc hèn hạ như làm bếp, làm vườn và canh cổng, nhất là vì chị không có học,

Sau 6 năm ở trong dòng, buổi tối ngày 22-2-1931, Chúa mặc khải lòng thương xót và bảo chị vẽ ảnh Chúa thương xót : Chúa Giêsu mặc áo mầu trắng, tay phải Chúa giơ lên ban phép lành, tay trái Chúa đặt nơi ngực. Hai luồng sáng từ ngực phát ra : một luồng sáng mầu đỏ, một luồng sáng mầu trắng nhạt. Chúa bảo : Con hãy vẽ như con thấy và viết hàng chữ : Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.

Chị trình bày sự lạ Chúa hiện ra cho mẹ bề trên, bề trên cho chị là : “Dở hơi, điên khùng, nói vớ vẩn”. Bề trên đuổi chị :  Xéo ra khỏi đây ngay”. (Ngọc Đính, Sđd, 64).. Ngày 1-5-1933 lễ khấn trọn đời, một chị đề nghị bề trên đừng cho chị tĩnh tâm và tuyên khấn. Phúc cho chị, nhờ có cha linh hướng ủng hộ chị.

Ngày 5-10-1938 chị qua đời vì bệnh lao, được 33t. Ngày 30-4-2000 chị được phong thánh.

Trong Kinh Lòng Chúa Thương Xót, chắc ai cũng xúc động và an ủi, khi đọc câu này : “Thà rằng trời đất này biến ra không, nhưng lòng thương xót của Cha luôn ấp ủ  một linh hồn tín thác”.

Một xã hội không biết nghe người khác, chỉ biết ý kiến của mình, ghen ghét nhau, bới xấu nhau, đâm chém nhau, càng cần có nhiều người theo gương Chúa biết nghe nhau, xót thương nhau, tha thứ cho nhau (8-4-2012).

******************************

CN.2.PS.B

Có một giai thoại về thánh Tôma như sau : sau khi Chúa Giêsu về trời, các tông đồ bắt thăm, để đi truyền rao Tin Mừng. Thánh Tôma bắt phải thăm đi Ấn độ. Ngài từ chối, lấy lý do này, lý do khác. Ngài còn nại một lý do nữa : “Tôi là người Do thái làm sao tôi đến giảng cho người Ấn độ được”.

Đêm về, Chúa Giêsu hiện ra và nói với ngài : “Tôma, con đừng sợ ! Con hãy đi giảng Lời Thầy cho dân Ấn. Ơn Thầy đủ cho con”. Nhưng thánh Tôma vẫn cứng đầu thưa : “Bất cứ Thầy muốn con đi đâu, con cũng sẵn sàng, nhưng đi Ấn độ tuyệt đối con không đi”.

Có một lái buôn từ Ấn độ đến Giê-ru-sa-lem. Ông tên là Ab-ba-nes. Ông được vua Ấn sai đi tìm một người thợ mộc khéo tay, đem về Ấn độ. Chúa Giêsu gặp ông Abbanes ở chợ và hỏi : “Có phải ông muốn mua một người thợ mộc không” ? Ông Abbanes thưa : “Phải”. Chúa Giêsu bảo ông : “Tôi có một người nô lệ làm nghề mộc rất khéo tay. Nếu ông muốn, tôi bán cho ông”. Vừa nói Chúa vừa chỉ vào thánh Tôma đang đứng đàng xa. Sau khi thỏa thuận giá cả, Chúa viết giấy bán như sau : “Tôi là Giêsu, con ông thợ mộc Giuse. Tôi chứng nhận : tôi bán người nô lệ của tôi, tên là Tôma, cho ông Abbanes, một thương gia của vua Ấn độ”.

Khi ký kết xong xuôi. Chúa Giêsu đem thánh Tôma giao cho ông Abbanes. Ông Abbanes hỏi thánh Tôma : “Anh có phải là người nô lệ của ông Giêsu không”? Thánh Tôma đáp : “Phải”. Người thương gia nói : “Ông Giêsu đã bán anh cho tôi”.

Thánh Tôma chẳng nói gì. Đêm về suy nghĩ. Sáng sớm thức dậy, thánh Tôma cầu nguyện. Thánh nhân thưa Chúa : “Lạy Chúa Giêsu, con xin vâng theo ý Chúa”.

Thánh Tôma được đem về Ấn và được đem đến trình diện vua Ấn. Vua sai ngài đi xây cung điện cho vua. Vua hòan tòan tín nhiệm, đưa cho ngài nhiều tiền để mua vật liệu và thuê thợ. Thánh Tôma dùng tiền đó cho người nghèo. Vậy mà ngài cứ báo cáo là đang xây cung điện. Thấy hơi lâu, vua đâm hồ nghi, truyền gọi thánh Tôma tới hỏi : “Nhà ngươi có xây cung điện cho ta không” ? Thánh Tôma đáp : “Dạ, có”. Vua bảo : “Vậy khi nào ta đến xem được” ? Thánh Tôma đáp : “Bây giờ hòang thượng không thể đến coi được. Nhưng khi nào hòang thượng qua đời, ngài mới thấy được”. Nghe vậy, vua rất giận dữ và truyền đem thánh Tôma đi giết. Nhưng khi nghe thánh Tôma giảng giải về Nước Trời cho vua, vua thay lòng đi theo đạo. Thế là thánh Tôma hòan thành nhiệm vụ Chúa trao phó.

 

BTM : Câu chuyện này tuy không thật, nhưng đã diễn tả thật tính nết của thánh Tôma, như Chúa Giêsu nói với thánh nhân : “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Nhân đó, Chúa đề cao lòng tin của Giáo hội. Lòng tin của Giáo hội không như các tông đồ được  “Chúa Giêsu đến, đứng giữa và nói” (20,19) hay “cho các ông xem tay và cạnh sườn” (20,20), “vì đã thấy Thầy, nên anh mới tin” (20,29). Niềm tin của Giáo hội là niềm tin “phúc thay những người không thấy mà tin” (20,29).

Các tông đồ được phúc “thấy”, để rồi xây dựng niềm tin “không thấy” cho Giáo hội. Vì thế, khi hiện ra, Chúa Giêsu truyền : “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (21). Trước khi ra đi, các tông đồ được Chúa Giêsu trang bị bằng ơn Chúa Thánh Thần : “Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần” (20,22).

Nhờ các tông đồ, Giáo hội cũng cùng một niềm tin như các ngài là tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (20,28).

Giavê, Thiên Chúa, là tên được mặc khải cho ông Môsê. Người Do thái không dám kêu tên Giavê, Thiên Chúa, vì sợ bất kính. Trong cầu nguyện, họ dùng từ A-đô-nai, nghĩa là “Chúa của con”.

Vậy khi gọi Đức Giêsu là Chúa, chính là tin nhận Người là Thiên Chúa sáng tạo, tối cao và tòan năng. Trong tiếng Hilạp từ ChúaKitô (Kyrios). Kitô được dùng để gọi Xêda, vua Rôma, vì họ coi vua Xêda như là một Thiên Chúa và sau khi ông chết người ta đã thần thánh hóa ông. Vậy khi tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, Kitô, các tín hữu từ chối vua Xêda là Chúa, chỉ có Đức Giêsu là Chúa mà thôi. Sự từ chối này khiến các tín hữu phải chết, phải tử đạo.

 

Bđ2 : Tin Chúa Giêsu chưa đủ. Thư thánh Gioan của bài đọc II viết : “Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra” (1Ga 5,1). Tin Đức Giêsu là Thiên Chúa thì phải yêu mến những người của Thiên Chúa, yêu thương người ta.

 

Bđ1 : Sách Công vụ Tông đồ của thánh Luca đã diễn tả lòng yêu thương nhau của Giáo hội tiên khởi. Thánh Luca dùng hai đoạn văn để diễn tả.

Đoạn văn thứ nhất, thánh Luca viết : “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (2,42). Đoạn văn thứ nhất này, thánh Luca nói đến tinh thần thiêng liêng đạo đức của Giáo hội.

Đoạn văn thứ hai thánh Luca nói đến tinh thần tương thân tương ái, sự giúp đỡ vật chất của Giáo hội : “Các tín hữu bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (4,32). Tinh thần tương trợ khiến “không ai phải thiếu thốn” (34) và “được phân phát theo nhu cầu” (35).

Có lúc người ta coi đây là một xã hội “cộng sản” tiên khởi. Không phải, cộng đòan tín hữu tiên khởi không bị ép buộc phải để mọi của cải làm của chung, mà hòan tòan tự nguyện để giúp đỡ nhau. Các tín hữu vẫn có quyền có của riêng. Bằng chứng là vợ chồng ông Kha-na-ni-a và bà Xa-phi-ra gian lận khi giao nộp tiền bán đất cho các tông đồ, thì thánh Phêrô bảo : “Khi đất còn đó thì nó chẳng còn là của anh sao ? Bán đi rồi thì anh chẳng có quyền sử dụng tiền bán đó sao” (5,4) ? Vào thế kỷ IV, thánh Gio-an Chry-sos-tô-mô coi cộng đòan tín hữu tiên khởi này là một “nước cộng hòa thiên thần” (république angélique).

Giáo hội lúc đó không phải là không có những bất đồng hay chia rẽ, bởi vì cộng đòan gồm đủ mọi hạng người, mọi thành phần : người Do thái ở Paléttin, ở các nước khác (Cv 2,9), các người Galilê như các tông đồ, các thành viên trong gia đình của Chúa Giêsu, dân thường hay tư tế như thánh Banabê (6,7), đàn ông và đàn bà (5,14). Tuy nhiên, những khác biệt đó không làm suy yếu sự duy nhất trong niềm tin. Giả như có chia rẽ, thì như thánh Phaolô viết cho giáo hữu Côrintô : chính sự chia rẽ đó mới biết ai đạo đức ai không (1Cr 11,19).

Nhờ Chúa sống lại đã có các tông đồ, đã có Giáo hội. Và chúng ta cũng thuộc về Giáo hội đó, một Giáo hội tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, là Thiên Chúa, đồng thời cũng là một Giáo hội thương yêu nhau.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành