Suy Niệm Tháng Hoa 2018 – Hướng Đến Đại Hội Thánh Mẫu Trà Kiệu – 31/5/2018


SUY NIỆM THÁNG HOA 2018

Hướng đến Đại Hội Thánh Mẫu Trà Kiệu – 31/5/2018

Chủ đề: MẸ MARIA LÀ NỮ VƯƠNG CÁC GIA ĐÌNH

————–

 

TUẦN 1: ĐỨC MARIA ĐƯỢC THIÊN CHÚA TUYỂN CHỌN

Lời Chúa: Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (1, 26-38)

Suy niệm:

Biến cố Truyền tin là khoảnh khắc khai mở một kỷ nguyên mới: Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ sau khi nguyên tổ phạm tội: “Một người nữ sẽ đạp đầu con rắn”. Bởi thế, sứ thần Gabriel xuất hiện tại Nazareth không chỉ để loan báo một tin mới: “Bà sẽ thụ thai và sinh hạ một Con Trai, và tên con trẻ sẽ được gọi là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta”; mà con truyền đạt một lời mời gọi của Thiên Chúa đến với Đức Trinh Nữ Maria, trao ban một sứ mạng làm Mẹ Đấng Cứu Thế và Mẹ Hội Thánh. Sứ mạng này cũng bao gồm việc chấp nhận bước vào một đời sống mới, ơn gọi đời sống hôn nhân gia đình bên Thánh Giuse và Chúa Giêsu. Đức Maria đã nỗ lực tìm hiểu và thanh thản đón nhận ơn gọi và sứ mạng này với tâm tình đơn thành và khiêm nhu: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin hãy thực hiện nơi tôi lời sứ thần truyền!” Hoa trái của lòng dũng cảm của Mẹ Maria khi chấp nhận thánh ý Thiên Chúa và dấn thân vào đời sống chứng tá sống động trong ơn gọi gia đình Kitô hữu chính là sự hiện diện đích thực của Con Thiên Chúa trong cung lòng Mẹ; đồng thời cũng sinh hạ Con Thiên Chúa cho nhân trần như lời chúng ta vẫn cầu nguyện trong kinh Truyền Tin: “Chốc ấy ngôi thứ Hai xuống thế làm người – Và ở cùng chúng tôi.”

Trong trình thuật về biến cố Truyền Tin, Thánh sử Luca như muốn so sánh cung lòng Đức Maria nơi Đức Giêsu sẽ tới cư ngụ với Hòm Giao Ước, nơi đặt 2 bia đá ghi 10 điều răn của Thiên Chúa. Như vậy, khi quyền năng của Thiên Chúa bao trùm lên Đức Maria, thì lập tức cuộc đời của Mẹ luôn có “Thiên Chúa ở cùng”. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong suốt cuộc đời của Mẹ Maria là sự hiện diện của Chúa Giê-su bằng xương bằng thịt. Cũng thế, với lời thưa “Xin Vâng” của Mẹ, quyền năng của Chúa Thánh Thần thực sự “bao trùm” cuộc đời Mẹ từ giây phút Ngôi Lời nhập thể, để cùng với chính máu thịt của bản thân mình, Mẹ Maria tạo nên hình hài Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể cứu chuộc nhân loại.

Như vậy, mỗi Kitô hữu chúng ta, khi chấp nhận một ơn gọi cho cuộc đời mình, ơn gọi hôn nhân gia đình hoặc ơn gọi đời sống thánh hiến, chúng ta cũng thực sự cần mang lấy tâm tình và học lấy mẫu gương khiêm nhường và dũng cảm phó thác như Mẹ Maria. Lời thưa “xin vâng” của mỗi người chúng ta cần được thốt ra không chỉ trên môi miệng, từ cõi lòng tín thác vào Chúa, mà còn trong từng phút giây sống với Chúa và nhìn thấy Chúa bằng sự quan tâm chăm sóc và vui sống với tất cả những người cùng chia sẻ ơn gọi với chúng ta, trong mỗi gia đinh và cộng đoàn.

Bài hát chủ đề: Mẹ ơi đời con con dõi bước theo Mẹ (Xin Vâng – Mi Trầm)

 

—————————-

 

TUẦN 2: ĐỨC MARIA AM HIỂU VÀ VUI SỐNG THUẬN Ý THIÊN CHÚA

Lời Chúa: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (1, 39-56)

Suy niệm:

Chấp nhận sứ mạng Thiên Chúa giao phó để cưu mang Đấng Cứu Thế là Con Thiên Chúa nhập thể cứu chuộc, Mẹ Maria đã chủ động thực thi sứ vụ sống và loan báo Tin Mừng cứu độ cho tha nhân. Hành động “truyền giáo” đầu tiên của Mẹ Maria là lên đường thăm viếng người chị họ Êlisabet cũng đang trong thời kỳ bụng mang dạ chửa, cần sự đồng hành, nâng đỡ của Mẹ. Trong thư mục vụ Năm Đức Tin 2008 của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, chúng ta được nghe những nhận định và giáo huấn về cung cách sống đức tin và chia sẻ niềm vui sống Tin Mừng của Mẹ Maria như sau: “Mẹ có phúc hơn mọi người nữ vì đã tin rằng Lời Chúa phán cùng Mẹ sẽ được thực hiện (x. Lc 1,42). Trong ngày Truyền tin, Mẹ dạy chúng ta sống đức tin khiêm tốn và vâng phục: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa thực hiện nơi tôi điều Thiên sứ truyền (Lc 1,38). Bằng những bước chân vội vã lên đường thăm viếng bà Elisabet, Mẹ thúc đẩy chúng ta sống đức tin dấn thân loan báo Tin Mừng, đem niềm vui cứu độ đến cho mọi người. Dưới chân thập giá, Mẹ nêu gương cho chúng ta về đức tin chứa chan hi vọng”. Trong câu chuyện thăm viếng này, chúng ta không chỉ gặp thấy hình ảnh của Mẹ Maria “vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabet” (Lc 1, 39-40), mà còn là người đem niềm hân hoan có Chúa trong lòng đến chia sẻ với người chị em họ đang sống trong cảnh khó khăn cả về tinh thần lẫn thể xác. Niềm vui mà Mẹ Maria đem đến với Ê-li-sa-bet là niềm vui của người khám phá ra ý nghĩa cuộc đời ơn gọi của mình trong tương quan với Chúa và tha nhân. Niềm vui được liên kết với Thiên Chúa nơi Mẹ đã lan tỏa tới Ê-li-sa-bet và cả hài nhi đang trong dạ của Êlisabet.

Được Thiên Chúa chúc phúc và ở cùng  trong đời sống, chính Mẹ Maria cũng đã thanh thản quyết tâm đến với tha nhân, với những anh chị em đang cần được giúp đỡ thoát khỏi tình trạng bị loại trừ, cô độc; đặc biết là “đồng hành với các gia đình trẻ” trong cộng đoàn đức tin và ngoại xã hội. Sự hiện diện của Mẹ Maria mang tới niềm hi vọng và cậy trông cho Êlisabet trong ơn gọi làm mẹ muộn màng của bà. Lời kinh Magnificat của Mẹ Maria nhắc nhớ mỗi người trong chúng ta là những thành viên trong mỗi gia đình, cộng đoàn biết luôn củng cố niềm tin yêu và trông cậy vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh và trước mọi thử thách của cuộc sống bản thân và gia đình. Luôn biết đề cao chuẩn mực và giá trị của đức tin trong mọi giây phúc sống cậy tin vào quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa có thể làm gia tăng nơi chúng ta khả năng sống hài hòa và quan tâm nhiều hơn đến mọi người đang sống với chúng ta dưới một mái ấm gia đình. Khả năng phân định ơn gọi Kitô hữu nơi mỗi người chúng ta cũng có thể tác động một cách hữu hiệu và hấp dẫn đối với những người thân trong gia đình. Cuộc sống đạo hạnh của mỗi thành viên trong gia đình theo gương mẫu của Mẹ Maria có thể trở nên gương sáng đức tin cho nhau và cho những người sống chung quanh. Lời kinh gia đình chúng ta vẫn quen đọc giúp chúng ta xác tín hơn ơn gọi nên hoàn thiện trong những công việc thương nhật của những người làm cha, mẹ, anh chị em và con cháu trong gia đình: “Trong khi mỗi người chúng con vất vả làm việc cũng như lúc gia đình được vui mừng hoặc gặp thử thách, xin Chúa cho chúng con biết luôn luôn tin tưởng vào Chúa quan phòng. Đối với mọi gia đình chung quanh, xin Chúa cho chúng con biết thật tình yêu mến, sẵn sàng chia sẻ vật chất cũng như tinh thần, nhất là chia sẻ Tin Mừng tình thương của Chúa.”

Bài hát chủ đề: Linh hồn tôi tung hô Chúa (Magnificat – Kim Long)

 

————————————–

TUẦN 3: ĐỨC MARIA THỰC THI SỨ VỤ LÀM MẸ & LÀM THẦY

Lời Chúa: Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (2, 39-51)

Suy niệm:

Mẹ Maria đã chủ động và tích cực chấp nhận lời mời gọi cộng tác của Thiên Chúa. Mẹ đã cưu mang Đấng Cứu Thế và thực sự vun quén cho một mái ấm gia đình. Mái ấm yêu thương này chính là Thánh Gia Thất mà mỗi gia đình Kitô hữu luôn học hỏi như là mẫu mực của đời sống ơn gọi hôn nhân gia đình. Câu chuyện tìm kiếm con trong đền thờ sau khi nhận biết mình đã lạc mất con trẻ Giêsu của Mẹ Maria và Thánh Giuse, chúng ta khám phá ra sự bén nhạy của Mẹ Maria trong việc tìm kiếm, định hướng, và giáo dục con cái. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thư mục vụ “Giáo dục Kitô giáo” đã mời gọi chúng ta học với Thánh Gia Thất bài học về trách nhiệm này như sau: “Thánh Cả Giuse và Đức Maria  là những bậc làm cha mẹ gương mẫu, luôn biết đón nhận thánh ý Chúa và đem ra thực hành. Trong gia đình Nazaret, mọi thành viên đều tôn trọng nhau, mong muốn cho nhau nhau điều tốt và cùng nhau thực hiến ý của Cha trên trời. Thánh Giuse và Đức Maria là những nhà giáo dục tài giỏi đã chu toàn sứ mạng được trao phó trong sự khôn ngoan và trung tín. Giáo hội ước mong mỗi gia đình Ki-tô giáo phải là trường học đầu tiên để thông truyền, dạy dỗ và bảo dưỡng cho con cái về đời sống đức tin, đức ái, đời sống cầu nguyện, tinh thần liên đới, vị tha, hài hòa, quảng đại, những đức tính nhân bản như khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ. Các môi trường khác như giáo xứ hay học đường chỉ tiếp tay với gia đình chứ không hề thay thế gia đình trong vấn đề giáo dục đức tin, đức ái. Cha mẹ phải là những nhà giáo dục tuyệt đối cần thiết cho sự phát triển hài hòa và bền vững của đời sống đạo đức cho mọi người trong gia đình. Gương sáng của cha mẹ và những bậc cha anh đóng một vai trò quan trọng để giáo dục lương tâm cho những thế hệ nối tiếp.”

Với vai trò và trách nhiệm của một người mẹ, Đức Maria đã thẳng thắn nói chuyện với con về sự quan tâm của mình: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2, 48); đồng thời, Mẹ Maria cũng đã bình tĩnh để lắng nghe lời giải bày của con mình: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Dù không thấu hiểu trọn vẹn điều Con Trẻ Giêsu trình bày, nhưng Mẹ Maria cũng đã tiếp tục hoàn thành trọng trách dưỡng dục của mình để “Đức Giêsu, ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 52). Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các bậc làm cha mẹ cần linh hoạt và có trách nhiệm hơn trong việc giáo dục con em của mình như sau: “Việc giáo dục đức tin biết thích ứng với mỗi đứa trẻ, bởi vì các phương thế đã học hoặc các công thức đôi kh không còn tác dụng. Trẻ nhỏ cần các biểu tượng, những hành động, và những chuyện kể. Thanh thiếu niên thường dị ứng với uy quyền và các qui tắc, vì thế tốt hơn nên khích lệ kinh nghiệm đức tin cá nhân của các em và cung cấp cho các em những chứng tá sáng ngời nhằm thuyết phục bởi chính vẻ đẹp của những chứng tá ấy. Cha mẹ muốn đồng hành đức tin với con cái mình cần chú ý đến những thay đổi của chúng, vì họ biết rằng kinh nghiệm tâm linh không áp đặt nhưng đề nghị trong sự tự do. Điều quan trọng là con cái nhìn thấy một cách cụ thể đối với cha mẹ chúng việc cầu nguyện thực sự là quan trọng.” (Tông huấn “Niềm vui của tình yêu”, số 288)

Bài hát chủ đề: Lạy Mẹ, Mẹ Chúa vinh quang

 

———————————–

TUẦN 4: ĐỨC MARIA SỐNG THỦY CHUNG VỚI ƠN GỌI GIA ĐÌNH

Lời Chúa: Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (19, 25-27)

Suy niệm:

Hội đồng Giám mục Việt Nam nhận định và mời gọi các tín hữu đang sống ơn gọi hôn nhân  ý thức vị thế “nền tảng đức tin” của gia đình ki-tô giáo: “Trong suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Ki-tô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức. Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp này của gia đình Công giáo. Hãy xây dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin, và mái ấm tình thương. Đây là phương thế cụ thể và hữu hiệu nhất để anh chị em góp phần vào công cuộc Tân Phúc âm hóa mà Chúa Giê-su đã giao phó cho Giáo hội và từng người chúng ta.” (Thư Mục vụ Năm Đức Tin của HĐGMVN):

Trong suốt cuộc hành trình tham gia công trình cứu chuộc của Thiên Chúa cho nhân loại, Mẹ Maria đã thực sự là chứng tá cho một tình yêu thủy chung và trong ơn gọi gia đình. Mẹ đã hiện thực hóa lời thưa “xin vâng” trong ngày truyền tin bằng những hành động phó thác và cộng tác tích cực và công cuộc cứu thế của Chúa Giê-su, Con Mẹ. Cao điểm của đời sống ơn gọi gia đình loan báo Tin Mừng này chính là sự hiện diện của Mẹ dưới chân thánh giá, cùng với các môn đệ Chúa và chấp nhận tiếp tục làm hiến lễ khi đồng hành với các tông đồ và các ki-tô hữu của Hội Thánh thời sơ khai. Mẹ Maria đã thể hiện một tình yêu tự hiến và toàn hiến theo gương Chúa Giêsu, Con Mẹ để thực sự trở nên Đấng phù hộ các giáo hữu và mọi người thành tâm thiện chí. Chắc chắn, Mẹ đã thường xuyên hiện diện cách âm thầm bên Chúa Con suốt giai đoạn công khai rao giảng của Chúa Giêsu như Mẹ đã từng hiệp thông và cộng tác trong suốt thời kỳ ẩn dật của Đấng Cứu Thế. Lòng thủy chung đơn thành của Mẹ với mái ấm Thánh Gia Thất thúc đẩy các gia đình Ki-tô hữu thực hành một nếp sống hiệp nhất yêu thương và phục vụ trong mọi hoàn cảnh sống của gia đình. Cha mẹ không chỉ là chỗ dựa cho con cái, vợ chồng không chỉ là đồng hành với nhau về phương diện thể lý, mà còn cần phải trở nên động lực và năng lượng bổ trợ cho nhau trong mọi hoàn cảnh, mọi tình trạng tâm sinh lý của nhau. Mọi chăm sóc, quan tâm và hỗ trợ không dừng lại trong mỗi tình huống của đời sống, trong từng sự kiện của mỗi thành viên và gia đình với những cảm xúc nhân loại, mà cần phải hướng đến việc trao cho nhau một niềm tin yêu hi vọng của Nước Trời ngay trong cuộc sống trần thế này. Chúng ta hãy đồng thanh vang lên lời “cầu nguyện với Thánh Gia” đã được Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng:

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse,

nơi các Ngài chúng con chiêm ngắm vẻ rạng ngời của tình yêu đích thực;

chúng con tin tưởng phó thác nơi các Ngài.

Lạy Thánh Gia Nadaret,

xin cũng làm cho các gia đình chúng con trở thành nhà của hiệp thông và cầu nguyện,

trở thành trường học đích thực của Tin Mừng

và những Hội thánh tại gia nhỏ bé

Lạy Thánh Gia Nadaret,

xin đừng bao giờ để các gia đình chúng con xảy ra bạo lực,

khép lòng và chia rẽ;

xin cho tất cả những ai bị tổn thương hay bị xúc phạm

mau tìm được sự an ủi và chữa lành.

Lạy Thánh gia Nadaret,

xin làm cho mọi người chúng con

ý thức về tính thánh thiêng

sự bất khả xâm phạ,

và vẻ kiều diễm của gia đình trong chương trình của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse,

xin đoái nghe và nhận lời chúng con cầu khẩn. Amen (trích: Tông huấn “Niềm vui của tình yêu)

Bài hát chủ đề: Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu (Lạy Mẹ Trà Kiệu – LM Nguyễn Trung Thành)

 

                                                Lm. Pr Hoàng Gia Thành

Xem và tải file dưới dạng PDF