Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm B
CN.5.PS.BB
29-4-2018
————————————
Tông Huấn
NIỀM VUI YÊU THƯƠNG
Ngươi và vợ ngươi
Đôi vợ chồng yêu thương và sinh ra sự sống là một hình tượng sống động đích thực, có khả năng mặc khải Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và Đấng Cứu Độ. Vì vậy, tình yêu đầy hoa trái trở thành một biểu tượng cho đời sống nội tại của Thiên Chúa (x. St 1,28; 9,7; 17,2-5.16; 28,3; 35,11; 48,3-4). Đó là lý do tại sao trình thuật Sáng Thế này, theo “truyền thống tư tế”, được đan kết bằng nhiều trình thuật phả hệ khác nhau (x. 4,17-22.25-26; 5,10; 11,10-32; 25,1-4.12-17.19-26;36). Khả năng sinh ra sự sống của các đôi vợ chồng nhân loại là nẻo đường theo đó lịch sử cứu độ diễn tiến. Nhìn theo cách này, mối tương quan đầy hoa trái của đôi vợ chồng trở thành một hình ảnh giúp nhận hiểu ra và mô tả mầu nhiệm của chính Thiên Chúa, vì trong cái nhìn của Ki-tô giáo về Ba Ngôi, Thiên Chúa được chiêm ngắm như là Cha, Con và Thánh Thần yêu thương. Thiên Chúa Ba Ngôi là một sự hiệp thông yêu thương, và gia đình là phản ảnh sống động của mối hiệp thông ấy. Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã soi sáng cho điều này khi nói : “Trong mầu nhiệm sâu thẳm nhất của Ngài, Thiên Chúa của chúng ta không cô độc, nhưng là một gia đình, vì Ngài có trong chính Ngài cương vị cha, phận làm con và yếu tính của gia đình Thiên Chúa, chính là Thánh Thần”. Gia đình, vì thế, không tách biệt khỏi chính hiện hữu của Thiên Chúa. Chiều kích Ba Ngôi này được diễn tả trong thần học của Phao-lô, thánh nhân đã nối kết đôi vợ chồng với “mầu nhiệm’ kết hợp giữa Đức Ki-tô và Giáo Hội (x.Ep 5,21-23). (Số 11)
Lê Công Đức chuyển ngữ.
CN.5.PS.B
(Cv 9,26-31; 1Ga 3,18-24; Ga 15,1-8)
Hình ảnh gần gũi trong đời sống của người Việt Nam là “con trâu và cây lúa”
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài đồng trâu cày với ta
Cày cấy giữ nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.
Đối với người Do Thái, hình ảnh gần gũi là “con chiên và cây nho”. Ông William Barclay viết trong tập sách “Tin Mừng Thánh Goan” :
“Nhiều lần Cựu Ước mô tả dân Ít-ra-en như một gốc nho hay vườn nho của Thiên Chúa. “Vườn nho của Đức Chúa Gia-vê là nhà Ít-ra-en” (Is 5,1-7). Qua Giê-rê-mi-a, thông điệp của Thiên Chúa đã truyền đến cho dân Ít-ra-en rằng : “Ta đã trồng ngươi như cây nho tốt” (Gr 2,21). Ê-dê-ki-en 15 và 19 cũng ví dân Ít-ra-en với cây nho. Hô-sê nói : “Ít-ra-en là cây nho tươi tốt” (10,1). Tác giả Thánh Vịnh nghĩ về việc Thiên Chúa giải thoát dân người như sau : “Từ Ai Cập, Chúa đã dời sang một cây nho”…
“Cây nho đã trở thành biểu tượng của dân Ít-ra-en. Huy hiệu trên các đồng tiền thời Ma-ca-bê là cây nho. Một trong những kỳ công chói lọi trong Đền Thờ là cây nho bằng vàng thật lớn đặt trước Nơi Thánh. Nhiều vĩ nhân kể mình có vinh dự lớn khi được phép dâng một số vàng để đúc thêm một chùm trái mới cho cây nho ấy. Cây nho là một hình ảnh đặc trưng của người Do Thái và là biểu tượng dân Ít-ra-en”.
Bài Tin Mừng: Nói đến cây nho không những nghĩ đến trái nho, đến rượu nho, mà còn nghĩ đến sự liên kết giữa cây và cành, giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en. Trong BTM thánh lễ hôm nay Chúa Giê-su phán : “Thầy là cây nho và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái thì người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,1-2).
BTM hôm nay, theo bản dịch của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh (PVCGK) có 8 câu từ câu 1 đến câu 8, mà có :
2 từ “gắn liền” :
“Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi”(15,2)
“Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho” (15,4c)
6 từ “ở lại” :
“Hãy ở lại trong Thầy” (15,4a)
“như Thầy ở lại trong anh em” (15,4b)
“Ai ở lại trong Thầy” (15,5a).
“và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái (15,5b)
vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”.
“Ai không ở lại trong Thầy (15,6)
thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo
“nếu anh em ở lại trong Thầy (15,7a)
và Lời Thầy ở lại trong anh em (15,7b)
thì muốn gì anh em cứ xin.
Tóm lại :
Nếu “gắn liền”, “ở lại” thì sinh nhiều hoa trái (15,5)
Muốn gì cứ xin (15,7)
Làm Chúa Cha được tôn vinh (15,8)
Trở thành môn đệ của Thầy (15,8)
Trái lại, không “gắn liền”, không “ở lại”
Thì không sinh hoa trái (15,2)
Chẳng làm gì được (15,5)
Bị quăng ra ngoài sẽ khô héo,
quăng vào lửa cho cháy đi (15,6)
Thầy Phê-rô Nguyễn Khắc Tự là hình ảnh cành nho “gắn liền”, “ở lại” với cây nho. Thầy sinh tại Ninh Bình năm 1808. Thầy đi tu, ở Nhà Đức Chúa Trời với cha già Quế. Cha già qua đời, Thầy được sai đến giúp linh mục thừa sai Borie Cao. Ngày 24-11-1838 Cha là giám mục. Ngày 31-7-1838, cha Cao bị bắt. Thầy lẽo đẽo theo đám lính, vừa khóc vừa xin đi theo cha mình. Quân lính thấy thế sinh nghi, bắt thầy đưa đến trước mặt cha Cao. Không muốn thầy bị liên lụy, cha giả bộ không biết “người thanh niên” này. Cha còn bỏ tiền để chuộc thầy. Thầy nhất mực tuyên bố mình là đệ tử của cha Cao, và năn nỉ : “Xin cha cho con được theo cha đến cùng”. Trước thái độ gắn bó keo sơn của người môn đệ, cha xúc động cầm chiếc khăn quàng xé ra làm hai, trao một nửa chiếc khăn cho thầy và nói : “Cầm lấy, con hãy giữ lấy nó làm chứng cho lời con van xin”. Thầy giữ nửa tấm khăn suốt hai năm trời cho đến ngày bị lính tròng giây thắt cổ thầy.
Sau khi giải cha Cao và thầy Tự từ Bố Chính về Đồng Hới, quan cho nhốt hai người riêng. Nhưng nhiều lần cả hai thầy trò bị tra khảo chung. Lần đầu tiên thầy bị đánh 20 roi, vì không chịu quá khóa (bước qua Thánh Giá chối đao). Hôm sau, quan điệu thầy ra tòa hỏi :
“Ngươi gặp đạo trưởng đã lâu chưa ?”.
Thầy đáp :
“Được 4 năm !
Quan hỏi tiếp :
“Vậy ngươi gặp đạo trưởng ở đâu ?”.
Để tránh liên lụy với mọi người thầy khai :
“Tôi gặp ông ấy ở trên thuyền, và rồi chúng tôi ở chung với nhau !”
Quan tức giận quát :
“Nói dối, tên này dám khai man. Lính đâu, cho nó 30 roi !”
Ngày 28-11-1838 Đức cha đã được sắc phong giám mục, đồng thời cũng là ngày Đức cha bị chém đầu ở pháp trường Đồng Hới. Hai năm sau thầy mới bị lên án tử đạo. Quan chờ xem thầy có chối đạo không. Ngày 10-7-1840 quan đưa thầy ra pháp trường Đồng Hới. 100 lính áp giải thầy. Đến nơi thầy hỏi xem cho biết chính xác nơi Đức cha Cao bị xử tử. Được biết nơi Đức cha lãnh triều thiên tử đạo, thầy vội quì xuống, đưa đầu cho lính tròng giây và kéo cho đến khi tắt thở (Thiên Hùng Sử, 198)
Truyện đọc thêm
Ngày 5-8-1861, vua Tự Đức ra sắc lệnh “phân sáp”. Sắc lệnh phân sáp có nghĩa là phân rẽ người Công giáo, không cho ở chung với nhau, và sáp nhập vào các làng lương dân, để người lương canh giữ người giáo.
Hơn một tháng sau, ngày 18-9 , Đức cha Hermosilla (Héc-mô-sin-la) Liêm, giám mục giáo phận Đông Đàng Ngoài, tức là giáo phận : Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh, giải tán chủng viện Kẻ Mốt ở Bắc Ninh. Cha Khoa, đại diện Đức cha nói với các chủng sinh : “Anh em khỏi đến chào Đức cha, kẻo Đức cha không cầm nổi nước mắt”
Nhưng thày Giu-se Nguyễn Duy Khang nhất quyết xin được đi theo Đức cha cho đến cùng. Khi giả từ các bạn, thày nói nửa đùa nửa thật : “Tôi nhất định theo Đức cha, các quan có bắt ngài, ắt sẽ chẳng tha tôi. Đức cha có chết vì đạo, tôi cũng chết theo, mất đầu còn chân sợ gì.”
Ba tuần lễ đầu, Đức cha và thày Khang trú trong một cái hang ở Thọ Ninh, rồi bị lộ. Hai cha con trốn trong một chiếc thuyền đánh cá. Thày Khang chèo thuyền đi qua thị xã Hải Dương, đến trú trong chiếc thuyền của ông Trương Bính.
Một hôm gia đình ông Bính xảy ra cuộc cãi nhau. Người con trai tức giận đi tố cáo gia đình cha mẹ mình chứa chấp tây dương đạo trưởng. Thế là quan quân kéo đến bắt Đức cha. Họ tới, thày Khang nhổ cây sào, đến đứng trước mặt họ và nói : “Muốn bắt Đức cha phải bước qua xác tôi”. Đức cha nắm hai vai thày nói : “Đừng làm gì hại họ, hãy phó mặc theo ý Chúa”.
Hai thày trò bị bắt và bị giam trong nhà tù Hải Dương. Đức cha Liêm bị chém đầu tại pháp trường Năm Mẫu, Hải Dương ngày lễ Các Thánh 1-11-1861. Thày Giu-se Nguyễn Duy Kháng còn bị giam và tra tấn. Hơn một tháng sau, ngày 6-12-1861 thày mới bị chém cũng tại pháp trường Năm Mẫu, để theo gót chân Đức cha (Thiên Hùng Sử, 428).
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành