Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – Năm B
Cha Thánh Thần là Ngôi Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa , nhưng xem ra Người như một “bà con nghèo” sánh với Ngôi Cha và Ngôi Con. Sở dĩ như vậy, vì Người ít được nói đến, và có được nói đến thì người ta cũng thấy cao siêu hay xa xôi trừu tượng, như Lời nói đầu bản dịch Thông điệp về Chúa Thánh Thần là Chúa và là Đấng ban sự sống xác nhận: “Trải qua gần 2000 năm, có thể nói, người Ki-tô hữu chúng ta đã biết quá ít về Chúa Thánh Thần, thậm chí có người còn lầm lẫn, chưa phân biệt được Thánh Thần và thiên thần khác nhau như thế nào.”Lý do một phần cũng vì các nhà thần học ít suy tư và ít viết về Chúa Thánh Thần; các linh mục, tu sĩ và giáo lý viên cũng ít nói về Chúa Thánh Thần”
Bản thông điệp này rất dồi dào về ý tưởng, nặng về suy tư thần học và triết học với những từ ngữ chuyên môn, nên thật khó khi chuyển dịch sang tiếng Việt, để giới thiệu cho đa số tín hữu.
Vì vậy trong bài này, tôi xin mượn một ít hình ảnh trong Kinh thánh để nói về Chúa Thánh Thần cho nhiều người hiểu Chúa Thánh Thần là thế nào, và ảnh hưởng của Người trong đời sống của người Ki-tô hữu chúng ta ra sao.
I. Những hình ảnh về Chúa Thánh Thần trong Kinh thánh
Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Hầu hết người công giáo đều biết như thế. Còn biết gì hơn nữa thì đó lại là chuyện khác, nghĩa là ít người cố gắng tìm hiểu xa hơn, vì không thấy cần thiết hay không biết làm thế nào để hiểu rõ hơn.
Tất nhiên, nếu phải dùng đến các kiểu suy tư thần học, từ ngữ và cách lập luận trong môn học về Chúa Ba Ngôi, đặc biệt về Ngôi Ba thì người nói cũng ngại và người nghe cũng thấy mệt, nên trong cả hai phía, người ta đều dễ bỏ qua. Nhưng nếu dùng các hình ảnh trong Kinh thánh, có lẽ người ta thấy gần gũi và tương đối dễ dàng hơn. Và đây là những hình ảnh Kinh thánh quen dùng :
1. Gió và hơi thở
Gần đây trong các sách Kinh thánh và Phụng vụ thấy xuất hiện chữ Thần Khí để nói về Chúa Thánh Thần. Một vài nhà Kinh thánh Việt Nam dùng từ này để dịch chữ Pneuma và Ruah trong tiếng Hy-lạp và Híp-ri. Các vị đó cho rằng từ Thần Khí diễn tả được nội dung và ý nghĩa của hai chữ Pneuma và Ruah, tuy có một số người dị ứng với từ nầy, khi nghĩ đến những chữ thần khí, mất mùa, giặc giã trong kinh Cầu mùa trước đây. Nhưng có lẽ chữ thần khí trong kinh Cầu mùa là thời khí thì đúng hơn. Biết đâu người ta đã chẳng đọc sai thành thần khí như chữ dùng trong kinh Tin Kính. : “Người cùng được phụng thờ”, Chính là cùng nhưng hầu hết trong các nhà thờ, người ta đều đọc là cũng. Thời khí là một thứ bệnh, còn thần khí thì một là không có trong tự điển, hai là có thì không có nghĩa là một thứ bệnh như một số người hiểu.
Gió đuổi tan mây, làm cho bụi bốc lên. Gió sàng gạo cho sạch trấu và những hạt lúa lép. Gió đánh trụi lá cây cao rừng rậm. Gió làm cho sóng nổi lên. Nhưng gió cũng làm cho không khí trong sạch và người ta được mát. Còn hơi thở đem lại cho người ta nguồn sinh khí. Không có hơi thở thì không có dưỡng khí và không có dưỡng khí thì người ta sẽ bị chết ngạt. Bởi đấy, gió và hơi thở là những yếu tố tối ưu cần thiết cho đời sống tự nhiên. Trong đời sống siêu nhiên cũng vậy, Chúa Giê-su thở hơi vào các Tông đồ, ban cho các ông Thần Khí của Thiên Chúa, để các ông tha tội cho người ta và để sai các ông đi làm nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật phần hồn phần xác cho thiên hạ (Ga 20,21-23 ; Mc 16,15-18). Ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống có gió thổi mạnh. Trong cơn gió, Chúa Thánh Thần đã ngự đến và làm những việc như chúng ta thấy tường thuật trong sách Công vụ Tông đồ (Cv 2,2-9).
2. Suối
Nước từ trong suối chảy ra. Suối là nguồn phát sinh ra nước. Có nước thì cỏ cây mới lớn lên được ; nước chính là nguồn ban sự sống. Cả chương 47 trong sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en là một bài ngợi ca các ân huệ của nước : nước từ trong Đền thờ chảy ra về phía đông, về phía Biển chết, làm cho sự sống được tái sinh. Đây cũng là hình ảnh tiên báo nước từ cạnh sườn Chúa Giê-su chảy ra, được nói tới trong Tin Mừng thánh Gio-an. Nước này không phải nước biển cả dìm chết người, cũng không phải là nước ao tù mà là nước suối. Có một cái gì lạ lùng trong suối nước : người ta thấy nước tuôn chảy hay vọt lên mà không biết nó từ đâu đến. (Ga 4,14) Giữa Chúa Thánh Thần và nước có một sự liên hệ chặt chẽ. Kinh thánh nói : “Thánh Thần bay là là trên mặt nước” (St 1,1-2). Trong lời nguyện thánh hóa nước đêm Phục sinh, Hội thánh kêu cầu Chúa Thánh Thần ngự xuống trên nước để ban cho nước sức thần thiêng thanh tẩy. Như vậy khi dùng nước để ám chỉ Chúa Thánh Thần, Kinh thánh muốn nói đến sức hồi sinh, thanh tẩy và quyền ban sự sống của Chúa Thánh Thần.
3. Bồ câu
Chim bồ câu là một hình ảnh đặc biệt về Chúa Thánh Thần. Khi Chúa Giê-su chịu phép Rửa trong sông Gio-đan, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu xuống trên Người. Trong một số bức họa Truyền tin, các họa sĩ cũng dùng chim bồ câu để diễn tả Chúa Thánh Thần hiện đến.
Hình ảnh chim bồ câu gợi ý cho ta nhớ đến giai đoạn cuối cùng của lụt Hồng thủy, khi chim bồ câu ngậm cành lá ô-liu trở về tàu ông No-e. Đó là một báo hiệu thời thịnh nộ của Thiên Chúa đã qua và một giao ước mới có thể sắp được thiết lập (St 8,6-22). Hình ảnh chim bồ câu còn thấy xuất hiện trong sách Diễm ca ; nó tượng trưng cho Ít-ra-en, dân tộc được Đức Chúa rất mực yêu thương và là biểu hiệu của sắc đẹp và tình yêu như ngôn sứ I-sai-a viết :
“Tôi thở than như nhạn kêu chim chíp, tôi rầm rì ví thể bồ câu.” (Is 38,14)
Thánh Phao-lô cũng nói : “Chính Thánh Thần chuyển cầu cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả.” (Rm 8,26). Tiếng than ở đây có thể là tiếng than của chim bồ câu, để diễn tả lòng khát khao mong mỏi.
Như vậy, khi dùng hình ảnh chim bồ câu để chỉ Chúa Thánh Thần là Kinh thánh muốn nói đến sự bình an, dịu dàng, đến vẻ đẹp và sự yêu thương. Ở nơi Chúa Thánh Thần có tất cả những thứ đó và có ở mức độ trổi vượt vô cùng.
4. Lửa
Khi báo cho biết trước phép Rửa của Đấng đến sau mình, ông Gio-an Tẩy giả nói đến phép Rửa trong “Thần Khí và trong lửa” (Lc 3,16). Kinh thánh nhiều lần nói đến lửa, cả Cựu ước lẫn Tân Ước. Lửa thường bốc cháy trong những lần Đức Chúa xuất hiện oai nghiêm, như khi kết thúc giao ước thiết lập với tổ phụ Áp-ra-ham (St 15,17), khi tỏ mình ra với ông Mô-sê trong Bụi gai (Xh 3,2) khi truyền Mười điều răn cho ông Mô-sê trên núi Xi-nai (Xh 19,18), khi dẫn dân chúng đi trong sa mạc (Ds 14,14). Đặc tính của lửa là đốt cháy để phá hủy, thanh luyện, soi sáng hay nấu chín. Trong Kinh thánh, lửa còn là biểu hiệu của tình yêu (Dc 8,6). Chúa Giê-su nói Người mang lửa xuống trần gian và không muốn gì hơn là làm cho lửa đó cháy lên (Lc 12,49). Trong ngày lễ Ngũ Tuần, chúng ta cũng thấy nói đến lửa. Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa đậu xuống trên các Tông đồ, ban cho các ông lòng nhiệt thành dũng cảm và ơn nói các thứ tiếng trước đây các ông chưa hề biết. Lòng hai môn đệ trên đường Em-mau cũng rạo rực bốc cháy, mỗi khi hiểu được lời sách thánh do người khách đồng hành không quen biết diễn giải (Lc 24,32). Phải chăng đó là nhờ Thần Khí của Chúa Giê-su soi lòng mở trí cho các ông (Lc 24,45) ?
5. Dầu
Các vua Ít-ra-en ngày xưa được xức dầu phong vương. Xức dầu là một hành vi chọn lựa và công nhận. Ai được xức dầu là người ấy được chọn và được công nhận, để làm việc Đức Chúa giao phó là cai trị dân thay quyền Người. Thời trước trong Ít-ra-en chỉ có ba loại người được xức dầu : đó là các vua, các ngôn sứ và các tư tế. Đấng Mê-si-a muôn dân mong đợi được xức dầu chan chứa bởi Thần Khí, nhưng không phải từ bên ngoài một cách vật chất, nhưng từ bên trong một cách thiêng liêng. Khi nói về Chúa Thánh Thần ngự đến trong Chúa Giê-su, các tác giả sách Tin Mừng đều muốn cho chúng ta hiểu như thế. Còn đối với các tín hữu thì khác. Họ được ghi dấu ấn của Chúa Thánh Thần ngày họ được lãnh nhận bí tích Rửa tội và Thêm sức. Về điểm này, thánh Phao-lô viết : ”…Một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa.” (Ep 1,13) “Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng.” (2Cr 1,22).
Dầu là một chất liệu làm cho trơn cho mềm, có sức thoa bóp giảm đau, làm tiêu tan chứng nhức đầu, đau bụng, chóng mặt. Khi nói về Chúa Thánh Thần như dầu hay người xức dầu cho chúng ta là có ý hiểu về ơn Người ban cho chúng ta, để chúng ta trở nên mềm mại, dễ uốn nắn dưới tác động của Người và có khả năng làm những việc được giao phó. Vì vậy, trước khi làm một việc gì, nhất là việc quan trọng, người ta thường cầu xin Chúa Thánh Thần.
II. Ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần trong đời sống
Chúa Thánh Thần có một ảnh hưởng rất lớn trong đời sống chúng ta, tuy chúng ta không để ý hay không thấy rõ, cũng như chúng ta hưởng khí mát của gió mà không thấy gió, sống nhờ khí trời mà ít khi nghĩ đến ân huệ này.
1. Chúa Thánh Thần là hồn sống
Hội thánh được thành lập ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chính Người là hồn sống của Hội thánh, vì đã ban cho các Tông đồ ơn dũng cảm dám xông pha mạo hiểm đem Tin Mừng đi rao giảng khắp nơi, lại ban cho các ông ơn nói các thứ tiếng trước kia các ông chưa hề biết và hiểu được những điều cao siêu bí nhiệm, như Chúa Giê-su hứa với các ông trước khi Người lên trời : “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” (Ga 16,13). Vì vậy khi khai diễn Công đồng Va-ti-ca-nô II năm 1961, có người nói rằng đó là một lễ Hiện xuống mới, nghĩa là khi nào Hội thánh cần phải cập nhật hóa, cần phải thích nghi hay phải đối phó với những hoàn cảnh khó khăn thì Chúa Thánh Thần lại ban cho Hội thánh một sức sống mới. Người là hồn giữ cho sự sống của Hội thánh được tồn tại.
2. Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa
Người ta nên thánh nhờ sống một đời sống đức tin mạnh mẽ, phù hợp với giáo huấn của Chúa Giê-su trong Tin Mừng. Chúa Thánh Thần là Đấng ban sức mạnh cho ta sống đức tin và thực thi lời dạy của Chúa Cứu Thế. Đó chính là ý nghĩa của bí tích Thêm sức và sự cần thiết phải lãnh bí tích này, tuy không phải là sự cần thiết tuyệt đối nếu không có thì không được ơn cứu độ, nhưng rất cần và bổ ích để chúng ta dễ dàng nhận được bảy ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Thánh Phao-lô dạy rằng tín hữu là người sống hoàn toàn dưới ảnh hưởng và quyền lực của Chúa Giê-su và Chúa Thánh Thần. Đời sống của người ấy được linh hoạt hóa bởi Chúa Thánh Thần là một đời sống diễn ra theo cái nhìn về cuộc phục sinh của Chúa Giê-su. Trong cuộc phục sinh này có hai giai đoạn : một giai đoạn chết và một giai đoạn sống lại. Sự chết và sự sống giao tranh với nhau ; cuối cùng sự sống đã thắng thế. Cuộc đời của người tín hữu cũng diễn ra trong sự giằng co giữa sự lành và sự dữ. Nhờ Chúa Thánh Thần, người tín hữu có thể giải quyết được thế giằng co đó để cuối cùng thắng cuộc bằng cách thực hành lời dạy của thánh Phao-lô : “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa… Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê.” (Gl 6,16.24).
Chúng ta thừa hiểu công dụng và ơn huệ của gió, của hơi thở, của dầu và của nước. Chúng ta cũng không còn xa lạ gì với biểu tượng của chim bồ câu khi áp dụng vào Chúa Thánh Thần. Tất cả những hình ảnh đó là những cách thế linh động, dễ hiểu để nói về Chúa Thánh Thần, tuy không diễn tả được đầy đủ về bản tính và ngôi vị của Người. Nếu đã biết và hiểu như thế thì chắc hẳn chúng ta cũng thấy được rằng cần phải cậy dựa và bám víu vào Chúa Thánh Thần rất nhiều, để Người hướng dẫn và nâng đỡ cuộc đời chúng ta trên bước đường hành hương về Nước Chúa. Cụ thể là chúng ta năng cầu xin cùng Chúa Thánh Thần hơn, mỗi khi làm dấu Thánh giá hay đọc kinh Sáng danh và cũng dành ra một chút thời giờ để đọc sách báo hay nghe nói về Người. Có như vậy chúng ta mới không đứng ra ngoài vòng sinh hoạt của Hội thánh toàn cầu, và mới đáp ứng lời mời gọi của Vị Đại diện Chúa Cứu Thế trên trần gian này.
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế, O.p.
(Bài giảng do L.m Giuse Nguyễn Trung Thành giới thiệu)