Chia Sẻ Hành Trình Cuộc Sống


Trong các ngày từ 14 dến 17 tháng 6 này, tổ chức Caritas quốc tế sẽ phát động phong trào “Chia sẻ hành trình” cuộc sống, nhằm thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ với các anh chị em di cư tỵ nạn, qua các sáng kiến liên đới cụ thể, chẳng hạn như chia sẻ một bữa ăn huynh đệ với họ. Đây đã là sáng kiến mà Caritas quốc tế đã cùng ĐTC Phanxicô đề ra hồi tháng 9 năm ngoái, với mục đích khích lệ các cộng đoàn địa phương, bắt đầu từ các giáo xứ, nhằm củng cố nền văn hóa gặp gỡ, bằng cách chia sẻ bữa ăn với các anh chị em di cư tỵ nạn, hay các sáng kiến liên đời khác.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn ĐHY Antonio Tagle, chủ tịch Caritas quốc tế về sáng kiến này. ĐHY Tagle năm nay 61 tuổi, là TGM giáo phận thủ đô Manila của Philippines từ năm 2011, và chủ tịch Caritas quốc tế từ năm 2015. ĐHY cũng là Trưởng Hội hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem Philippines.

Hỏi: Thưa ĐHY, tại sao tổ chức Caritas quốc tế và ĐTC Phanxicô lại coi việc tiếp đón các anh chị em di cư tỵ nạn quan trọng như thế?

Đáp: Hiện tượng di cư không phải là điều mới mẻ gì, tuy nhiên trong thời đại chúng ta nó là một hiện tượng thê thảm, vì con số các người bị bó buộc phải di cư tỵ nạn đông đảo như thế. ĐTC Phanxicô và tổ chức Caritas quốc tế đã đề ra chương trình này vì hai lý do. Lý do thứ nhất có tích cách nhân đạo. Đúng thế, di cư là một hiện tượng, một ý tưởng, một khái niệm, nhưng ở nguồn gốc của nó có sự kiện các người di cư là các bản vị con người. Để trao ban cho hiện tượng này, cho ý niệm này một gương mặt nhân bản, chúng ta phải đón tiếp người di cư. Lý do thứ hai là lý do đức tin. Trong Thánh Kinh dân Israel bao gồm các người tỵ nạn, di cư sang Ai Cập. Chúa đã lo lắng cho cho dân tộc nghèo nàn này và đã dẫn đưa họ tới tự do, và Chúa Giêsu đã tự đồng hóa minh với các người ngoại kiều, với người di cư.

Hỏi: Phong trào “Chia sẻ hành trình cuộc sống” đang ra sao rồi thưa ĐHY? ĐHY hy vọng gì nơi phong trào này và cả nơi “tuần hành động toàn cầu” trong tháng 6 này nữa?

Đáp: “Chia sẻ hành trình cuộc sống” là một dự án quốc tế của tổ chức Caritas. Chúng tôi vui mừng vì ĐTC đã khai mạc chương trình này hồi năm ngoái. Tôi cũng vui mừng vì trông thấy tại nhiều nơi trên thế giới, trong nhiều nước nơi có các tổ chức Caritas địa phương , các giáo xứ, chương trình này tiến tới. Chương trình của Caritas đã khích lệ các giáo xứ tiếp đón , che chở và hội nhập người di cư. Chúng tôi chờ đợi “Tuần hành động” vào tháng 6 này. Đây sẽ là một thời điểm không chỉ có tính cách biểu tượng, nhưng cụ thể. Chẳng hạn tại Manila sẽ không chỉ có một bữa ăn trưa với các người di cư, mà cũng có một cuộc hội họp với các sinh viên đến từ các nước ngoài nữa. Cả trong các đại học, trong các trường học “Ngày chia sẻ hành trình cuộc sống” cũng sẽ được cử hành.

Hỏi: ĐHY muốn nói gì với những ai sợ hãi người di cư tỵ nạn, với các chính quyền dựng lên các hàng rào để ngăn cản di cư?

Đáp: Lời nói đầu tiên của tôi là ghi nhận sự phức tạp của hiện tượng di cư. Đây không phải là một sự kiện đơn sơ. Lời nói thứ hai là việc gặp gỡ các người di cư tỵ nạn. Rất thường khi sự sợ hãi đối với di cư không có nền tảng. Tuy nhiên, tâm thức thay đổi, khi các lịch sử của con người mở mắt tôi ra cho lịch sử, và tôi trông thấy chính mình nơi người khác. Trong cách thế này chúng ta bắt đầu cùng nhau chia sẻ lịch sử và hành trình. Lời nói thứ ba là ký ức. Tất cả chúng ta, tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều đã có một lịch sử di cư. Ông nội tôi đã là một người Trung Hoa di cư sang Philippines sinh sống. Chúng ta tất cả đều có trong mình dòng máu của một người di cư. Không được quên đi lịch sử chung này, và nhìn thấy nơi mỗi một người di cư một ông nội, một bà ngoại. Họ không phải là người ngoại quốc: họ là các anh chị em của chúng ta.

Hỏi: Thưa ĐHY Tagle, từ ba năm nay ĐHY là chủ tịch của tổ chức Caritas quốc tế. Kinh nghiệm này đã cho ĐHY điều gì? ĐHY có hạnh phúc không?

Đáp: Khi tôi nhận được tin mình được bầu, tôi đã lưỡng lự. Tôi đã không được chuẩn bị, tôi không cảm thấy mình có khả năng cai quản một Liên hiệp quốc tế như Caritas quốc tế. Tuy nhiên tôi đã chấp nhận việc bổ nhiệm, việc đề cử trong lòng tin. Tôi thành thật muốn nói rằng ba năm nay đã là một thời gian giáo dục và đào tạo đối với tôi. Tôi hy vọng đã đóng góp một phần cho Liên hiệp ít nhất trong vài điều gì đó. Nhưng đối với tôi kinh nghiệm ý nghĩa nhất là việc đào tạo và giáo dục tôi nhờ các người khác của tổ chức Caritas, nhờ người nghèo, người đau khổ đã cho tôi bài học về niềm hy vọng và tình yêu thương. Một tình yêu thương ở lại giữa khổ đau và bần cùng. Tôi là một học sinh, chứ không phải là chủ tịch của tổ chức Caritas đâu.

** Vào cuối năm 2015 trên thế giới có 244 triệu người di cư, tức gia tăng 41% so với năm 2.000, trong đó có 47 triệu di cư sang Hoa Kỳ và 5,8 triệu di cư sang Italia. Theo bản tường trình mới nhất của Liên Hiệp Quốc số người di cư đông nhất là 16 triệu đến từ Ấn Độ, 12 triệu đến từ Mêhico, 11 triệu đến từ Nga, 10 triệu từ Trung Quốc, 5 triệu từ Siria.

Giấc mơ đi Mỹ là mong ước không thể cưỡng lại nổi của người di cư trên toàn thế giới, và Hoa Kỳ là quốc gia đứng đầu sổ có nhiều người di cư nhất thế giới 47 triệu người. Tiếp theo đó là Đức và Nga với 12 triệu. Âu châu là đại lục có số người di cư đông nhất, 76 triệu trong năm 2015 so với 56 triệu trong năm 2000. Giữa các nước âu châu các quốc gia bắc âu chiếm 13 %, và các nước tây âu chiếm 14%. Trong khi Italia chiếm 10% tức 5,8 triệu người và gia tăng gấp đôi từ năm 2000 tới 2015.

Di cư là việc di chuyển thường hằng hay tạm thời của các cá nhân hay các nhóm trong một nước hay tại nơi khác với quê quán của mình. Nó có thể là sự di chuyển của dân chúng giữa các nước khác nhau hay bên trong một nước. Di cư là một trong các hiện tượng xã hội có tầm mức quốc tế phức tạp và gây tranh luận liên quan tới các lý do và các hậu quả.

Cho tới thời Trung Cổ các người di cư chính yếu là dân du mục. Và trong thời kỳ này nảy sinh ra ý tưởng của việc di chuyển như điều gì cần phải kiểm soát và của các người du hành như người bên ngoài, trộm cướp, bị gạt bỏ ngoài lề. Làn sóng di cư hàng loạt lớn nhất bắt đầu hồi thế kỷ XVI, khi có khoảng 50 triệu người âu châu di cư sang châu Mỹ, Á châu và Phi châu chiếm làm thuộc địa nhiều vùng đất rộng mênh mông. Có một mối dây giữa người thuộc địa và người bị thuộc địa, mà chúng ta cũng tìm thấy trong các cuộc di cư ngày nay trong nghĩa ngược lại. Trong các thế kỷ này cho tới đầu thế kỷ XIX đã có 11 triệu người Phi châu bị người tây âu bắt đi đầy sang châu Mỹ. Đó là việc buôn bán nô lệ là cuộc di cư cưỡng bách trên bình diện quy mô rộng rãi.

Có một làn sóng di cư thứ hai từ Âu châu giữa các năm 1820-1940, khi 60 triệu người âu châu, trong đó có 16 triệu người Ý, di cư sang Hoa Kỳ, Nam Mỹ và Australia.

Bắt đầu từ thập niên 1960 bắt đầu một việc di chuyển ngược lại đem vào Âu châu các người di cư ngoài âu châu đầu tiên từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ma rốc, Tunisia, Algeria. Cũng có nhiều phong trào di cư bên trong Âu châu theo hướng nam bắc: người Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp di cư hàng loạt về các nước trung và bắc Âu.

** Từ sau biến cố bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 lại mở ra một lộ trình di cư mới khác từ đông sang tây âu, đưa hàng triệu người Ba Lan, Rumani, Albani, Moldavi, Ucraina, Nga và các dân tộc cựu Yugoslavia sang các nước Tây Âu. Sau cùng từ thập niên 1990 số người di cư từ các nước phi châu, á châu và nam mỹ hướng tới Âu châu gia tăng mạnh, cho tới chỗ làm thành khung cảnh hiện nay với một dân tộc bao gồm gần 40 triệu người ngoại quốc sống bên trong các nước Âu châu.

Trong số các lý do khiến cho các dân tộc trên thế giới di cư có các lý do kinh tế. Người dân chạy trốn nghèo đói để tìm các điều kiện sống tốt đẹp hơn, nghĩa là họ rời bỏ quê hương để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế rồi cũng có lý do thực phẩm, vì thiếu thốn lương thực đến độ họ không thỏa mãn được mức tối thiểu cần thiết cho việc sống còn. Tiếp đến là các lý do khí hậu vì các thay đổi thời tiết và môi sinh như nạn hạn hán mất mùa. Ngoài ra còn có các lý do chính trị: người dân bỏ nước ra đi vì chính quyền có cung cách cai trị độc tài tàn bạo, bách hại những người bất đồng chính kiến, áp bức dân lành. Bên cạnh đó là các cuộc chiến, các cuộc diệt chủng, thanh lọc chủng tộc. Cũng có các lý do tôn giáo như không thể thực hành đạo và tôn giáo của mình. Dân chúng cũng có thể di cư vì lý do y tế như dịch tễ, bệnh tật bùng nổ lan tràn. Họ cũng chạy trốn vì các lý do nhân tạo như sống trong vùng chính phủ xây các đập nước nguy hiểm đến tính mạng. Hay vì các lý do thiên nhiên như tsunami động đất dưới lòng biển khiến sóng thần dâng cao, vì lụt lội liên miên, vì động đất, mất mùa đói kém, núi lửa. Dân chúng cũng có thể di cư vì các lý do cá nhân: việc lựa chọn một ý thức hệ, đính hôn với một người sống trong một nước khác. Hoặc vì lý do tình cảm: đoàn tụ gia đình, hay vì lý do tội phạm trốn chạy công lý của nước mình, để tránh bị bắt giữ, bị lôi kéo có được các kết quả tốt đẹp hơn cho hoạt động tội phạm của mình; để học hành theo học một trường hay đại học nổi tiếng và chuyên môn nào đó để có bằng biếu hay bảo đảm cho con cái có một nền giáo dục học vấn khá hơn. Người ta cũng có thể di cư vì bị cưỡng bách, nơi người di cư là nạn nhân của tệ nạn buôn người.

Khi thảo luận về vấn đề người di cư trên báo chí truyền hình, người ta thường cho rằng di cư làm nảy sinh ra nạn tội phạm. Tuy nhiên, tại Italia các nghiên cứu kinh tế cho thấy không có liên hệ giữa di cư và tội phạm. Cả hai hiện tượng đều bị hấp dẫn bởi sự giầu có, và vì thế chúng có thể gia tăng đồng thời với nhau trong các vùng giầu có, nhưng không phải vì thế mà hiện tượng này làm nảy sinh ra hiện tượng kia. Ngoài ra, vì cuộc khủng hoảng kinh tế người ta cũng lo lắng đối với các hiện tượng khủng bố phá hoại và vì thế chống làn sóng di cư ồ ạt, vì sợ rằng sẽ gia tăng các vấn đề an ninh và sự gắn bó xã hội. Bên cạnh đó là vấn đề công ăn việc làm. Có người chống người di cư, vì cho rằng họ tới ăn cướp công việc làm của dân bản xứ khiến cho nạn thất nghiệp gia tăng.

Trước cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh công việc làm của người di cư được coi như bổ túc cho công việc của người bản xứ. Người di cư làm những công việc mà người bản xứ không làm. Nhưng từ năm 2010-2011 người bản xứ cũng như người di cư tranh nhau cùng một công việc. Dầu sao di nữa hiện tượng di cư có nhiều khía cạnh tích cực. Nó mang nhân lực làm việc tới cho các nước tây âu có mức sống cao nhưng dân số già nua vì số sinh quá ít. Đa số người di cư ở lứa tuổi làm việc, sự hiện diện và phần đóng góp thuế khóa của họ tái tạo thế quân bình cho các chi phí lương hưu. Năm 2009 nhờ lực lượng người di cư mà đã có 520.000 ngưới Ý có thể nhận được lương hưu. Trong năm 2013 số người Italia về hữu là 600.000 người, nhờ tiền đóng góp của các công nhân di cư. Thế rồi người di cư có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề như dân số quá đông, nạn đói kém, dịch tễ và nghèo túng tại các nước gốc gác của họ. Trên bình diện chính trị các quốc gia nơi phát xuất và các quốc gia nơi người di cư tới có thể ký các thỏa hiệp cộng tác song phương giải quyết vấn đề thiếu nhân lực, trao đổi các tài nguyên và năng lượng, buôn bán sản phẩm và đầu tư kỹ nghệ và hạ tầng cơ sở cho các nước cung cấp tài nguyên vv. vừa có lợi cho cả hai bên vừa giải quyết được nhiều vấn đề của cả hai phía.

Linh Tiến Khải

Nguồn: Đài Vatican