Giáo Phận Đà Nẵng Họp Mặt Giáo Viên Công Giáo Dịp Lễ Bổn Mạng Antôn Pađôva – 13/6/2018


Ngày 13 tháng 6, phụng vụ Giáo hội kính nhớ thánh Antôn Pađôva, linh mục – tiến sĩ Hội thánh, vị thánh nổi tiếng với tài giảng thuyết đã đưa nhiều tín hữu lầm lạc trở lại với Hội Thánh, trong bối cảnh lịch sử có rất nhiều lạc thuyết chống lại Giáo hội Công giáo. Ban Mục vụ Giáo dục Công giáo giáo phận Đà Nẵng  (MVGDCG/GP) cũng đã chọn thánh Antôn Pađôva làm bổn mạng cho giới giáo chức Công Giáo. Bởi thế, một cuộc hội ngộ của các thầy cô Công giáo được Ban MVGDCG tổ chức để cùng học hỏi, chia sẻ đời sống sứ vụ và hiệp dâng thánh lễ mừng lễ bổn mạng của mình.

Cuộc họp mặt diễn ra tại Trung Tâm Mục Vụ vào lúc 8h00 ngày 13/6/2018. Sau phần đón tiếp, ổn định và khởi động, Cha Gioan Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng ban MVGDCG/GP khai mạc và giới thiệu cho quý thầy cô tham dự buổi gặp mặt hôm nay là thành quả của buổi gặp mặt năm 2017 tại TTTM Trà Kiệu, khi các thầy cô giáo đã đồng ý chọn cho ngành giáo dục của mình một vị Thánh bổn mạng và sẽ gặp mặt hằng năm vào chính ngày mừng lễ bổn mạng thay cho ngày Hiến chương nhà giáo 20/11 như các năm trước đây. Và hôm nay là ngày mừng bổn mạng đầu tiên của Ban MVGDCG/GP Đà Nẵng. Tiếp đến Cha Gioan giới thiệu với quý tham dự viên Cha Phêrô Hoàng Gia Thành, Hạt trưởng hạt Đà Nẵng sẽ chia sẻ với các thầy cô một đề tài liên quan đến ơn gọi của người tín hữu giáo viên.

Trong phần chia sẻ đề tài “Tâm và Tình của người Giáo viên Công Giáo”, cha Phêrô Hoàng Gia Thành đã mở đầu với vài ý niệm liên quan đến việc dạy và học như là “nghề” và “nghiệp” của những người được xã hội tin tưởng khi “muốn qua sông thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ hãy yêu mến thầy” hoặc “không thầy đố mày làm nên” và trọng vọng vì “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Nhấn mạnh rằng việc giáo dục không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt chữ nghĩa hoặc giúp đạt cho được bằng cấp để “thành thân” nhưng còn phải hướng đến khả năng “thành nhân” của học sinh, Cha Phêrô mời gọi các thầy cô nhìn vào thực trạng của công việc và nghề nghiệp dạy học trong hoàn cảnh xã hội hiện tại với những áp lực của chính công việc, của cuộc sống bản thân hoặc cộng đồng xã hội cùng với những khuynh hướng sống thực dụng  và đối phó của các học sinh ngay trong môi trường giáo dục. Bởi thế, bên cạnh cái “tài trí” vốn là yêu cầu của những người mang danh phận thầy cô (magister: khôn ngoan gấp 3 lần), cần phải nhấn mạnh đến 2 đặc điểm thiết yếu khác của giáo chức là “Tâm và Tình”. Cùng với các thầy cô điểm lại một vài “hạt sạn, tai nạn” đã xảy ra trong ngành giáo dục thời gian gần đây, ngài phân tích và bày tỏ đồng cảm với các thầy cô giáo khi ngài nói: “Các thầy cô khi bước vào lớp không chỉ mang theo giáo án và tri thức mà còn mang theo tất cả những lo toan, những nỗi vất vả, muộn phiền của gia đình và cuộc sống” có thể khiến cho những nhà giáo trở nên “vô tâm” và “vô cảm”. Từ những phân tích này, Cha Phêrô đã mời gọi  các thầy cô trang bị và thấm nhuần chữ “TÂM” và chữ “TÌNH” khi thực hành sứ vụ dạy dỗ học sinh. Dẫn vào ý thức về vai trò của lương tâm trong sứ mạng giáo dục, người thuyết trình cùng chia sẻ với các tham dự viên  cuộc họp mặt câu chuyện “Chuộc Lương Tâm” của tác giả Lý Tư về cách thế một người thầy đã giúp cho học trò của mình vượt qua bản năng hưởng thụ ích kỷ.  Nền tảng của cái “tâm” trong giáo dục của thầy cô Công giáo chính là LƯƠNG TÂM với 4 tiêu chuẩn Ki-tô giáo: (1) Mục đích tốt không biện minh cho phương tiện xấu: không dùng phương tiện xấu để đạt mục đích tốt; (2) Hãy làm trước cho người khác điều tốt mà mình muốn người ta làm cho mình; (3) Không xúc phạm đến thể lý và tinh thần của người khác; (4) Không làm gương mù gương xấu cho người khác. Cùng với Lương tâm Kitô giáo vững vàng, người giáo viên Công giáo cần hướng đến và thực hành THIỆN TÂM, TẬN TÂM để có thể đạt đến sự TẬN TÌNH và TẬN LỰC. Thực hành và luyện tập cho mình  4 nhân đức nhân bản Kitô giáo: Khôn ngoan, Công Bình, Dũng Cảm, Tiết Độ sẽ là điểm tựa và sức bật cần thiết để có thể “đạt tâm và chí tình” (tình nghĩa và tình tự) trong sứ mạng giáo dục đã chọn.

Sau phần chia sẻ của cha Phêrô, các thầy cô giải lao, trao đổi và cùng chuẩn bị cho thánh lễ đồng tế mừng kính Thánh Bổn Mạng Antôn Pađôva do Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục giáo phận chủ tế và cùng với Cha Phêrô Hoàng Gia Thành và quý Cha đặc trách ban Mục vụ Giáo dục:  Gioan Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng ban, Cha Phaolô Trần Ngọc Hoàng – Phó ban, và Cha Phêrô Nguyễn Duy Khiêm, thư ký ban MVGDCG .

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Cha chủ tế đã diễn giải câu chuyện tiên tri Ê-li-a thách đấu với các tiên tri giả thờ thần Baan trong sách Các Vua quyển thứ 1 (1V 18,20-39). Đức Cha nhấn mạnh đến việc rao giảng Lời Chúa, nói lên sự thật và làm chứng cho sự thật mặc dù bị các thế lực trần gian đe dọa. Tiếp đến, Đức Cha lược lại cuộc đời đầy thử thách của Thánh Antôn Pađôva để có thể trở nên nhà đào tạo, nhà thuyết giảng nổi tiếng và cũng là vị Thánh được xem là hay làm phép lạ từ lúc sinh thời. Sau cùng, Đức Cha nhắn nhủ với các thầy cô giáo về những chữ THÀNH (Thành Tài, Thành Công, Thành Nhân và Thành Thánh) trong sự nghiệp giáo dục đã được Đức Cha Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo – Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề cập trong Thư gửi các học sinh –sinh viên đầu niên học 2016-2017. Đức Cha mong muốn các thầy cô thực sự là những tác nhân giúp các thế hệ học sinh của mình THÀNH ĐẠT từ trong chính cuộc sống và trách nhiệm giáo dục của chính bản thân mình.

Cuộc gặp mặt được tiếp nối với bữa cơm trưa thân tình của quý Thầy Cô tham dự với Đức Cha Giuse, quý Cha và và sau đó là cuộc thảo luận ngắn gọn hoạch định chương trình sinh hoạt của ban MVGDCG/GP trong niên khóa này.

Nhờ gương sáng và lời chuyển cầu của Thánh Antôn Pađôva, nguyện xin Ngôi Lời Thiên Chúa là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” luôn đồng hành và phù trì chúng ta có được phong thái “hiền lành và khiêm nhường” khi thi hành sứ mạng giáo dục với trọn vẹn “Tâm Tình” của tất cả quý Thầy Cô Công giáo đang là những nhân chứng của Tin Mừng tình thương và sự sống!

Ban MVTT/GP & Pr. Nguyễn Toàn