Chúa Nhật XV Thường Niên – Năm B


CN.15.B

15-7-2018

————————————-

Giáo Huấn Số 33

SỰ MỞ RỘNG PHONG NHIÊU (tt)

Lịch Giáo Phận trang 92

“Một đôi vợ chồng có kinh nghiệm về sức mạnh tình yêu biết rằng tình yêu ấy được mời gọi để chữa lành thương tích của những số phận bị bỏ rơi, để xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ, để đấu tranh cho công lý. Thiên Chúa đã ủy thác cho các gia đình kế hoạch làm cho thế giới này trở thành ‘gia đình’ hơn, để mọi người đều cảm thấy mỗi người là anh em. ‘Nhìn sâu vào cuộc sống hằng ngày của con người, nam cũng như nữ, ngày nay, ta thấy ngay một nhu cầu ở khắp mọi nơi về tinh thần gia đình {…} Không chỉ những tổ chức đời sống cộng đồng ngày càng sa vào thái độ quan liêu hoàn toàn xa lạ với tương quan cơ bản giữa người với người, mà ngay cả những tập tục xã hội và chính trị cũng thường cho thấy có những dấu hiệu xuống cấp. Trái lại, có những gia đình rộng mở cửa lòng và liên đới dành chỗ cho người nghèo, họ có khả năng xây đắp tình bằng hữu với những người hèn kém hơn họ. Nếu thực sự quan tâm đến Tin Mừng, thì họ không thể quên những gì Đức Giêsu nói : ‘Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy’ (Mt 25,40). Xét cho cùng, họ sống điều mà Người yêu cầu chúng ta một cách rất quyết liệt trong bản văn này : ‘Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em hay bà con, hoặc láng giềng giầu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù, và ông sẽ có phúc’ (Lc 14,12-14). Bạn sẽ được phúc ! Đó là bí quyết của một gia đình hạnh phúc” (Niềm Vui Của Tình Yêu số 183).

————————————–

CN.15.B

(Am 7,12-15; Ep 1,3-14; Mc 6,7-13)

Các Thầy Giảng : Cha Đỗ Quang Chính viết về “Các Thầy Giảng” ở miền Bắc như sau : “Năm sáu ngày trước khi tàu Bồ Đào Nha nhổ neo về Áo Môn, Trịnh Tráng đã ra lệnh cho 4 nhà thừa sai phải lên tàu cùng về. Tin buồn lan ra, bổn đạo đổ xô đến nhà các cha khóc lóc từ biệt và nhất là xưng tội, vì sợ không còn dịp nào khác, làm các cha mỗi đêm chỉ nghỉ ngơi được 1 giờ. Ai sẽ lo cho 3602 tân tòng đây ? Các Thầy giảng chăng ?… Trong thực tế, lúc ấy chỉ có ba thầy kể từ khi gia nhập Giáo hội ‘đi ở nhà thầy’ ngay, có nghĩa là sống chung trong nhà các cha, trực tiếp giúp các cha trong việc giảng dạy giáo lý, mục vụ. Ba thầy này đều là nhà sư mới theo Chúa Kitô : Phanxicô Đức sinh 1594 ở Thanh Hóa, tu chùa được 17 năm, do Rhodes (Đắc Lộ) rửa tội 3-12-1627; hai thầy kia là Anrê Tri và Inhaxiô Nhuận cũng được rửa tội cuối năm 1627 sang đầu năm 1628. Ngày 27-4-1630, trong thánh lễ cuối cùng cho bổn đạo ở nhà thờ, cha Rhodes tổ chức : sau khi rước lễ rồi, ba thầy Đức, Tri, Nhuận, đặt tay trên sách Phúc Âm, lần lượt tuyên hứa :

  • Không lập gia đình, cho đến khi các cha Dòng Tên đến, để có thể rảnh rang giúp đỡ bổn đạo;
  • Tiền của, đồ vật thuộc tập thể các thầy;
  • Vâng phục một thầy do các cha chỉ định làm bề trên, cho đến khi các cha Dòng Tên đến (Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 149)

Còn ở Miền Nam, cha Bùi Đức Sinh kể như sau : “Cha Đắc Lộ chọn được 10 thanh niên. Ngày 31-7-1643, lễ thánh I-nha-xu, đấng sáng lập dòng Tên, giáo dân tề tựu đông chật nhà thờ Hội An. Trước bàn thờ, cầm nến sáng trong tay, các Thầy lần lượt  tiến lên hiến dâng cuộc đời phụng sự Chúa, phục vụ Giáo Hội, khấn hứa sống độc thân, thanh bần, vâng phục các giáo sĩ hoặc người đại diện. Thầy I-nha-xu học thức hơn, lại có địa vị trong xã hội và nhất là nhân đức, thánh thiện, được đặt làm vị đại diện (Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 180).

Các Thầy Giảng là hình ảnh ngôn sứ Amos (A-mốt) trong bđ1, 12 tông đồ trong BTM và thánh Phao-lô trong bđ2.

Bđ1 : Bđ1 nói về ngôn sứ Amos. Ngôn sứ là người miền Giu-đa, miền Nam. Vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, ngài được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ và được sai lên miền Bắc, miền Ít-ra-en, hoạt động. Ngôn sứ nói với thầy tư tế A-mát-gia : “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa truyền cho tôi : ‘Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta’” (Am 7,14-15).

Ngôn sứ đã tố cáo những hành vi xấu xa của các nhà lãnh đạo miền Bắc :

Hỡi những ai đàn áp người cùng khổ

Tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ

Các ngươi thầm nghĩ :

Bao giờ ngày mồng một qua đi cho ta còn bán lúa

Bao giờ mới hết ngày sa-bát để ta bày thóc ra

Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm

Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ

Ta sẽ lấy tiền bạc mua lấy kẻ cơ bần

Đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ

Cả lúa nát gạo mục ta đem ra bán” (Am 8,4-6).

Ông A-mát-gia báo cáo với nhà vua về những lời sấm của ngôn sứ và đuổi ngôn sứ về miền Nam :  “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giu-đa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm ! Nhưng ở Bết-ên này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều” (Am 7,12-13).

BTM : BTM thánh lễ Chúa nhật hôm nay kể chuyện Chúa Giê-su chọn 12 tông đồ. Bài Tin Mừng kể : “Người gọi Nhóm Mười Hai và bắt đầu sai đi từng hai người một” (Mc 6,6). Chúa chọn 12 ông ám chỉ 12 chi tộc Ít-ra-en cũ. Chúa thiết lập Ít-ra-en mới, một dân tộc mới, một Hội thánh.

Cha Nguyễn Công Đoan viết : “Tại sao Chúa không sai các ông đi trong lúc hứng khởi, khi Người được đón tiếp, được đám đông chen lấn chung quanh thán phục ? Tại sao lại chờ lãnh gáo nước lạnh của làng quê Na-da-rét rồi mới sai các ông đi ? Người huấn luyện các ông bằng thực tế. Phải để cho các ông đứng cả hai chân trong thực tế của sứ mạng rao giảng như các ngôn sứ, rồi mới sai đi để biết ‘thắng không kiêu, bại không nản’” (Người Này là Con Thiên Chúa, Tin Mừng Mác-cô, trang 98).

Tại sao Người sai các ông đi từng hai người một ? Không có sách Tin Mừng nào giải thích tại sao. Ta chỉ có thể nhìn cách hành xử của Đức Giê-su để nghiền gẫm mà tìm ra ý nghĩa. Chính Người khi bắt đầu rao giảng, đã gọi một lúc hai cặp anh em đi theo Người, rồi vào hội đường rao giảng. Đến khi bị đe dọa tính mạng thì Người lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Người. Bấy giờ sai họ đi rao giảng cũng sai đi từng hai người, chứ không sai đi từng người. Trên phương diện con người, chúng ta có thể nhận ra lợi ích như câu châm ngôn Việt Nam nói ‘Chị ngã em nâng” (Sđd, trang 99).

 Người ban cho các ông quyền trừ quỉ. Quỉ  là kẻ thù của Thiên Chúa và của loài người… Chính vì thế mà việc đầu tiên Đức Ki-tô làm là chiến thắng Xa-tan trong hoang địa, ngay sào huyệt của nó. Và ngày đầu tiên Người rao giảng trong hội đường thì nó đã bù lu bù loa phá đám và Người đã xua đuổi nó. Loan báo Tin Mừng là xua đuổi Xa-tan. Người ban cho họ quyền trừ quỉ là để họ loan báo Tin Mừng” (Sđd, trang 100).

Những điều Người chỉ thị cho các ông đáng chúng ta nghiền gẫm, vì vẫn có giá trị cho chúng ta. Trước hết là sự khó nghèo, đơn sơ phó thác”, là cung cách của người tôi tớ đi theo hầu chủ. Không mang gì cho riêng mình, hai tay luôn rảnh để hầu chủ. Tôi tớ đi theo chủ thì không có tiền túi, mọi chi phí, ăn uống đã có chủ lo. Cung cách người được sai đi là cung cách của người tôi tớ” (Sách Tin Mừng Mát-thêu, trang 87)

Thứ đến là sự tự do khi được tiếp đón cũng như khi bị khước từ… Hành trình của các ông được tóm tắt : ‘Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỉ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh, nhưng không thấy Mác-cô nói có nhiều người ăn năn sám hối hay không ! Quỉ xuất, bệnh khỏi thì thấy được, đếm được, còn tâm hồn người ta có biến đổi hay không, biến đổi bao nhiêu thì Chúa biết ngay, còn ta thì phải chờ xem” (Sđd, trang 101).

Bđ2 : Bđ2 là một đoạn thư thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Ê-phê-sô, một thành phố nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Thánh Phao-lô đã rao giảng Tin Mừng ở đây khoảng năm 54 đến 57. Nhiều người đã theo đạo khiến ông Đê-mết-ri-ô, thợ bạc tạc tượng thần Đi-a-na, thất nghiệp. Ông đã biểu tình, nhưng ông thư ký thành phố đã dẹp cuộc biểu tình (Cv 19,23-40). Sau đó thánh Phaolô về Giê-ru-sa-lem và bị bắt giam. Thánh nhân kêu nài đến vua Xê-da và được đưa sang giam ở Rô-ma. Tại đây thánh nhân đã viết thư gửi các tin hữu Ê-phê-sô, nhắc lại ơn cứu độ cao trọng Chúa Cha ban, nhờ máu Chúa Ki-tô đổ ra. Thánh nhân viết : “Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi, theo lượng ân sủng rất phong phú của Người” (Ep 1,7).

Lời Chúa trong ba bài đọc và gương Các Thầy Giảng cho thấy ơn cứu rỗi nhờ đau khổ thập giá. Chúng ta đang sống Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Hình lô-gô Năm Thánh ghi lại lời Thánh Vịnh : “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống. Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 125,5). Thánh Anê Lê thị Thành tử đạo ngày 12-7-1841. Cô Luxia, con gái út, vào nhà tù thăm. Thấy áo mẹ đầy máu, cô khóc. Thánh nữ nói : “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giê-su, sao con khóc ”?

Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam xin nâng đỡ ủi an chúng con khi gặp đau khổ.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành