Hội Nghị Truyền Giáo Mỹ Châu CAM V


Hội nghị truyền giáo Mỹ châu CAM V về đề tài “Châu Mỹ truyền giáo” đã diễn ra bên Bolivia trong các ngày từ 11 đến 14 tháng 7 vừa qua. Tham dự đại hội cùng với phái đoàn các nước toàn Mỹ châu cũng có ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giảng Tin Mừng cho các dân tộc. Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị một số cảm tưởng của ĐHY về hội nghị này.

Hỏi: Thưa ĐHY, nhân dân Bolivia đã tỏ ra rất quảng đại vì đã có rất nhiều gia đình mở rộng cửa nhà đón tiếp các phái đoàn đến từ khắp nơi bên Mỹ châu, có đúng thế không?

Đáp: Sự quảng đại tiếp đón đã luôn luôn là một đặc tính của Nam Mỹ châu, nơi có rất nhiều thân tình. Như vậy đã thật là hay, khi chứng kiến hơn 3.000 người tham dự hội nghị đã được tiếp đón trong các giáo xứ và các dòng tu. Cũng có khoảng 1.200 gia đình mở rộng cửa nhà tiếp đón các tham dự viên. Tôi thấy đó là điều rất đẹp, bởi vì nó đáp trả lại chính lời kêu mời của ĐTC Phanxicô: “Hãy mở cửa và đón tiếp họ”

Hỏi: Giáo huấn của ĐTC Phanxicô đã là đèn pha soi chiếu cho cuộc thảo luận trong hội nghị lần thứ V này có đúng thế không thưa ĐHY?

Đáp: Đúng thế, chúng tôi đã đề nghị tổ chức một đại hội ngay từ đầu phù hợp với đường lối và quan điểm của ĐTC. Thế là chúng tôi đã khởi hành từ cùng một điểm và có một đích tới chung. Vì thế các công việc đã có sức đẩy từ một giáo huấn rõ ràng ngay từ đầu của ĐTC: Giáo Hội không là chính mình, nếu không truyền giáo, nếu không rao giảng Tin Mừng.

Hỏi: Thưa ĐHY, lục địa Mỹ châu rộng mênh mông. Đâu là các âu lo đặc biệt đã được nhận diện trong hội nghị này?

Đáp:Trước hết là ý thức Châu Mỹ Latinh đang truyền giáo. Khởi hành từ điểm này người ta tự hỏi đâu là các khía cạnh cần phải đương đầu. Trước hết cuộc khủng hoảng gia đình được minh nhiên. Và đây là đề tài chính, không chỉ trên bình diện giáo hội mà đồng thời cũng ở trên bình diện xã hội và dân sự nữa. Thế rồi còn có nạn bạo lực và khinh rẻ sự sống con người. Ở đây cũng thế, rõ ràng nó là một vi phạm phẩm giá con người và gây thương tích cho con tim Giáo Hội cũng như xã hội. Hậu quả là người ta cũng ghi nhận đề tài vi phạm các quyền con người, và đi liền với nó là sự thống trị của kinh tế trên con người. Đây là việc đương đầu với các thực tại, trong đó thống trị việc kiếm lời, oli nhuận, và trong đó bản vị con người bị xếp vào hàng thứ yếu. Thế rồi còn có các việc cấp bách khác như tình trạng thiếu công lý, ít tình liên đới, việc khai thác đất đai bừa bãi và khai thác lạm dụng các thổ dân, nạn bạo lực đối với nữ giới và trẻ em, tình trạng xã hội tục hóa, chủ trương duy tương đối và nạn di cư.

Hỏi: Đề tài di cư đặc biệt thời sự, bởi vì nó khơi dậy cuộc thảo luận trên các phương tiện truyền thông xã hội, có đúng thế không thưa ĐHY?

Đáp: Đúng vậy, nó đã là một trong các đề tài lớn được thảo luận. Vấn đề này đã được nói lui nói tới nhiều lần cũng như trách nhiệm của Giáo Hội cảm thấy phải gần gũi các anh chị em bị bó buộc di cư vì lý do an ninh hay vì các nhu cầu kinh tế. Thật tốt là cả Giáo Hội nữa cũng cảm nhận được toàn hiện tượng này, không chỉ như vấn đề kinh tế, xã hội hay chính trị mà cũng như là sự kiện giáo hội liên lụy trong việc đồng hành với họ.

Hỏi: Trong các kết luận hội nghị cũng đã đề cập đến tệ nạn lạm dụng. ĐHY nghĩ gì về sự kiện này?

Đáp: Tôi đã gặp thấy một sự đau khổ lớn lao. Tài liệu chung kết đề cập tới hiện tượng Giáo Hội bị đảo chánh, nghĩa là như thể Giáo Hội đã phải gánh chịu một loại đảo chánh từ những người đã lạm dụng sự tin tưởng của người khác và lạm dụng sứ mệnh của họ. Tín hữu đã bị đánh động rất mạnh bởi vài sự kiện.

Hỏi: Thưa ĐHY, trong soạn thảo sơ khởi trước khi đưa ra tài liệu đúc kết có liệt kê ra 11 đề nghị hoạt động. ĐHY đúc kết chúng như thế nào?

Đáp: Trước hết thật là tốt việc tái đề nghị Chúa Kitô và sứ điệp truyền giáo của Ngài như trung tâm điểm. Thật ra, nếu công tác này chỉ hạn chế trong lãnh vực thương người, thì nó không trọn vẹn. Mầu nhiệm trung tâm là Chúa Kitô, là Tin Mừng, là ơn cứu rỗi tinh thần và luân lý làm cho sự cứu rỗi nhân bản và xã hội được toàn vẹn. Điều thứ hai là ý niệm rất thân thiết đối với ĐTC Phanxicô: đó là việc đi ra và đến với các vùng ngoại biên. Và châu Mỹ thì đầy những vùng ngoại biên, loại ngoại biên thực sự, xã hội cũng như các vùng ngoại ô của các thành phố, nhưng cũng có những vùng ngoại biên của con người nữa, của dân chúng bị bó buộc phải sống ngoài lề xã hội và bị gạt bỏ khỏi tiến trình sản xuất. Yếu tố thứ ba là tinh thần trách nhiệm mà các Giáo Hội có đối với chính mình. Đây là một khía cạnh đã được thảo luận tại Maracaibo, và giờ đây được nhận thức một cách tràn đầy hơn. Ngày nay vài Giáo Hội trong lục địa Mỹ châu đứng trước tình trạng nghèo túng của hàng giáo sĩ tu sĩ, họ không xin sự trợ giúp từ Tây Âu nữa, nhưng các giáo phận lãnh trách nhiệm lo lắng cho các nhân lực của mình. Vài HĐGM lãnh trách nhiệm đối với các tòa giám quản, trước đây thường được giao cho các dòng tu coi sóc. Và các HĐGM gửi các linh mục, tu sĩ, các người sống đời thánh hiến, các nữ tu và cả các giáo dân nữa đi các nơi khác để trợ giúp các tình trạng khó khăn thiếu thốn nhân lực nhất. Chúng ta hãy nghĩ tới vùng Amazzonia chẳng hạn. Đây là một ý thức truyền giáo quan trọng. Nó có nghĩa là tại châu Mỹ tinh thần đồng trách nhiệm giữa các Giáo Hội với nhau đang trưởng thành. Đây là một sự mới mẻ tiếp nhận tư tưởng đã được nêu ra tại hội nghị Maracaibo và giờ đây được áp dụng.

Hỏi: Như vậy là ĐHY thừa nhận có sự trưởng thành?

Đáp: Vâng. Chúng là các dấu chỉ diễn tả ý thức của các Giáo Hội tại Mỹ châu, ý thức về sức mạnh truyền giáo và rao giảng Tin Mừng của mình.

Hỏi: Vùng Amazzonia cần điều gì thưa ĐHY?

Đáp: Trước hết là ý thức rằng nó không phải là một vườn bách thú, trong đó có cây cối, súc vật và thổ dân. Nó là một vùng vô cùng phong phú trên bình diện nhân bản, mà chúng ta không biết được các tiềm năng của nó, và trong quá khứ chúng ta đã sợ hãi quan sát nó trong việc khó khăn giả thiết một tiếp cận. Nhưng mọi người chúng ta cần phải chú ý tới vùng Amazzonia. Liên quan tới điều này hội nghị không thể không ở trong cùng đường hướng với Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt về Amazzonia, mà ĐTC đã muốn triệu tập. Hai khía cạnh này thúc đẩy chính tinh thần truyền giáo. Hiện nay đa số các giáo phận tại Amazzonia và trong các vùng phụ cận các giám quản tông tòa có người coi sóc. Nghĩa là chúng là các giáo đoàn đang lớn lên, đang được đào tạo. Chúng ta cần có sự tham gia tập thể để trợ giúp miền này có các đặc thái riêng của nó, và để nó có thể góp phần mình với các khả năng riêng. Từ bình diện này Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazzonia sẽ rất là quý báu.

Hỏi: Các công việc của Hội nghị CAM V như vậy đã có một viễn tượng tương lai?

Đáp: Hội nghị tại Santa Cruz de la Siera, Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazzonia và tháng 10 truyền giáo gắn bó chặt chẽ với nhau. Và tôi xin thêm là cả việc phong hiển thánh cho nữ tu Nazaria Ignacia March Mesa, nữ tu truyền giáo vĩ đại rất được yêu mến tại Bolivia nữa. ĐTC Phanxicô sẽ tôn phong hiển thánh cho chị trong Thượng Hội Đồng Giám Mục tới đây và điều này được nhận thức bên châu Mỹ như là một dấu chỉ của sự chú ý lớn. Đây là quá khứ đem lại các hoa trái trong ngày hôm nay qua công việc của biết bao nhiêu người như mẹ Ignacia.

Hỏi: Trong cuộc đối thoại này giữa quá khứ, hiện tại và tương lai hội nghị CAM V cũng đã minh nhiên tầm quan trọng của lòng đạo dức bình dân, có đúng thế không thưa ĐHY?

Đáp: Cá nhân tôi đã có một kinh nghiệm ý nghĩa với việc viếng thăm các vùng do các tu sĩ dòng Tên trông coi tại Chiquitania. Tôi đã rất bị đánh động bởi cách thức các nhà truyền giáo thời đó tiếp xúc với các thổ dân, kiểu các vị tổ chức một xã hội không có các xung khắc bộ lạc với nhau. Tôi đã rất kinh ngạc nhận thấy tinh thần truyền giáo ở đó đã nhập thể trong một thế kỷ rưỡi qua các tu sĩ dòng Tên, và rồi khi các vị bị trục xuất, công trình của các vị đã được giáo dân tiếp tục. Cả ngày nay nữa trong cuộc sống của Giáo Hội chúng ta có thể có các câu trả lời quan trọng trên bình diện giáo dân.

Hỏi: Trong diễn văn khai mạc hội nghị ĐHY đã nhấn mạnh sự quan trọng không được lẫn lộn dấn thân truyền giáo với chủ trương hữu hiệu, với cái luận lý của lược đồ tính toán. ĐHY có ý nói gì?

Đáp: Ngày nay các tính toán xem ra là nền tảng của mọi sự. Nhưng thật khốn khi bước vào trong đó với sự lạnh lùng của cái luận lý này, trong đó sự tính toán giải quyết các vấn đề. Cần có một thứ luận lý lấy Chúa Kitô làm trung tâm điểm. Các vấn đề cần đương đầu không được tín thác cho các chuỗi con số, nhưng cho một linh hồn, một tinh thần, cho ơn thánh. Nếu như là Giáo Hội mà chúng ta thiếu điều này, thì chúng ta có nguy cơ đánh mất đi ý nghĩa của việc rao truyền Tin Mừng.

Linh Tiến Khải

Nguồn: Vatican News