Chúa Nhật XXI Thường Niên – Năm B
Niềm Vui Yêu Thương số 38
BÍ TÍCH HÒA GIẢI và THÁNH THỂ
Chúng ta phải biết ơn vì đa số người ta vẫn trân trọng giá trị các mối tương quan gia đình vốn có đặc tính bền vững và được đánh dấu bởi sự kính trọng lẫn nhau. Họ trân trọng các cố gắng của Giáo Hội trong việc cung cấp sự hướng dẫn và các lời khuyên trong những lãnh vực liên quan đến sự trưởng thành trong tình yêu, việc giải quyết xung đột và việc nuôi dạy con cái. Nhiều người như đụng chạm được sức mạnh của ơn sủng mà họ kinh nghiệm trong Bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, ơn sủng giúp họ đương đầu với những thách đố của hôn nhân và gia đình. Tại một số nước, nhất là tại nhiều vùng ở Phi châu, chủ nghĩa thế tục đã không làm suy yếu một số giá trị truyền thống, và các cuộc hôn nhân tạo nên một mối dây vững chắc nối kết hai gia đình rộng lớn, với những cơ cấu được định rõ để giải quyết các vấn đề và các xung đột. Ngày nay chúng ta cũng biết ơn về chứng tá của các cuộc hôn nhân không chỉ chứng tỏ là bền vững, mà còn đầy hoa trái và yêu thương.
——————————-
CN 21 B
(Gs 24,1-2a.15-17.18b; Ep 5,21-32; Ga 6,54a.60-69)
26-8-2018
Cha Giuse Marchand Du sinh ngày 17-8-1803 tại Pháp. Chưa đầy 10 tuổi, trong giờ ra chơi, ngài thường rủ bạn học về nhà, dọn bàn thờ, Thánh Giá, hoa nến, bắt chước các linh mục dâng lễ. Sau khi được rước lễ lần đầu, ngài xin đi tu. Gia đình làm nghề nông, túng nghèo, không bằng lòng. Dẫu vậy, ngài vẫn nuôi chí hướng đi tu. Năm 18 tuổi ngài được vào chủng viện, rồi gia nhập Hội Thừa Sai Paris, để được đi truyền giáo. Ngày 4-4-1829 ngài chịu chức linh mục. Một tháng sau, ngài đáp tầu đi Macao và tháng 3-1830 ngài vào Miền Nam Việt Nam.
Con thứ nhất của vua Gia Long là hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh mất sớm vào năm 1801. Do thái tử Cảnh là người con chịu nhiều ảnh hưởng đạo Da-tô (Công giáo) từ Pháp, nên sau khi hoàng tử Cảnh qua đời, vua Gia Long không chọn con của hoàng tử Cảnh, cháu đích tôn của mình, làm người kế vị, vì sợ những ảnh hưởng của Pháp.
Mặc dù có nhiều đình thần phản đối, đặc biệt là tướng Lê Văn Duyệt, nhưng vua Gia Long vẫn quyết chọn Nguyễn Phúc Đảm làm người kế vị. Hoàng tử Đảm vốn là người hay bài xích đạo Da-Tô và không có cảm tình với người Pháp.
Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Quang, Đặng Việt Thuỷ và Đặng Thành Trung, Minh Mạng là người được Gia Long lựa chọn truyền ngôi, không chỉ vì năng lực mà còn vì hy vọng gửi gắm vào ông thực hiện chính sách thoát khỏi ảnh hưởng và âm mưu áp chế của người Pháp, bởi khi còn sống, Gia Long đã chịu ơn người Pháp và không thể ra mặt giải quyết những mâu thuẫn nhằm thoát khỏi ảnh hưởng đó. Vua Minh Mạng nghiêm cấm truyền bá đạo Cơ Đốc vì cho rằng đó là thứ tà đạo làm băng hoại truyền thống dân tộc.
Được tin nhà vua ác cảm với Công giáo, tháng 12-1827 Tả quân Lê Văn Duyệt từ Gia Định ra Huế gặp vua can ngăn. Ông nói : “Chúng ta định bắt bớ các đạo trưởng người Âu châu, trong khi chúng ta còn nhai cơm do các vị đó cung cấp cho chúng ta sao ? Ai đã giúp Hoàng Thượng lấy lại đất nước này ? Tây Sơn chém giết người Công giáo, Tây Sơn đã mất ngôi…Hình như Hoàng Thượng không còn nhớ đến những công ơn của các thừa sai ? Hình như mộ của Thượng Sư Phêrô Bá Đa Lộc không còn ở giữa chúng ta ? Không được ! Bao lâu thần còn sống, Hoàng Thượng không nên làm điều ấy. Khi thần chết, Hoàng Thượng muốn làm gì thì làm…”.
Vua Minh Mạng không ưa gì tướng quân Lê Văn Duyệt. Khi ông mất, Minh Mạng ra lệnh cho triều thần tra xét lại những chuyện ông làm. Kiểm tra, tìm ra được 7 tội đáng trảm, 2 tội đáng giảo. Vua cho tịch thu tài sản, ruộng đất, bắt giam tất cả người nhà của ông.
Mộ Tả quân bị nhà vua ra lệnh xiềng xích và còn dựng lên trên một tấm bia ghi “Đây là nơi tên yêm hoạn LVD chịu phép nước”. Mấy chục năm sau, dưới đời Tự Đức, mới xóa tội, phục hồi lại danh dự cho ông.
Lê Văn Khôi là con nuôi của tướng Lê Văn Duyệt. Tháng 8-1832 bố nuôi qua đời, ông Khôi bị bắt giam trong tù. Đêm 18-5-1833 ông Khôi cùng 27 đồng đội nổi loạn chiếm thành Sài Gòn và Lục Tỉnh. Ông đã bắt cha Marchand Du đưa vào thành để tìm sự ủng hộ của người Công giáo.
Ngày 8-9-1835, hơn 2 năm sau, quân triều đình mới chiếm lại thành Sài-gòn và các tỉnh. Họ bắt cha Marchand Du và 4 tướng đưa về Huế xét xử.
Ngày 30-11-1835 cha bị đưa ra tòa trước cửa Ngọ Môn. Vua Minh Mạng hỏi :
– Tại sao đạo Da-tô móc mắt mấy người gần chết ?
Cha đáp :
– Không bao giờ có.
Vua hỏi tiếp :
– Tại sao mấy người kết hôn phải đến các thầy đạo trước bàn thờ ?
Cha trả lời :
– Họ đến để thầy cả chúc phúc và chứng nhận trước cộng đoàn tín hữu.
Vua lại hỏi :
– Khi làm yến tiệc trong nhà thờ, bay làm những sự quái gở phải không ?
Cha thưa :
– Không, chẳng có điều gì quái gở.
Vua phán :
– Vậy tại sao có thứ bánh làm bùa mê thuốc lú, để phát cho những đứa đã xưng tội, và làm cho chúng mê đạo đến thế.
Ngày 25-1-1836 nhằm mùng 6 Tết nguyên đán, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ, tố cáo những điều gọi là “tội ác của đạo Da-tô”. Trong đó kể tội các thừa sai dùng một thứ bánh mê hoặc dân chúng để giữ đạo tới cùng (Mạng Google với các mục Minh Mạng, Lê Văn Duyệt, Lê Văn Khôi).
Người đời coi Mình Thánh Chúa như bùa mê thuốc lú chẳng lạ gì. Lời Chúa trong bài đọc 1 nói về thái độ của dân Ít-ra-en : nhận được bao ân huệ Thiên Chúa ban, thế mà vẫn chưa một lòng với Chúa. Còn các môn đệ trong bài Tin Mừng : khi nghe Chúa Giê-su nói : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (Ga 6,54a), thì nhiều môn đệ nói : “Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi’ ? (Ga 6,60).
Bđ1 : Bài đọc 1 đọc sách Giô-suê. Giô-suê có nghĩa là “Đức Chúa là ơn cứu độ”. Ông chỉ huy quân đội Ít-ra-en chiến thắng dân du mục A-ma-lếch (Xh 17,8-16). Ông lên núi Xi-nai với ông Mô-sê nhận lãnh hai tấm bia 10 giới răn (Xh 32,15-19). Ông đại diện chi tộc Ép-ra-im đi do thám đất Ca-na-an (Ds 13,2). Và ông kế vị ông Mô-sê lãnh đạo dân Ít-ra-en (Ds 27,15-23).
Bài đọc 1 là diễn từ của ông Giô-suê trong Đại Hội Si-khem. Lúc đó ông đã về già. Trước khi qua đời, ông triệu tập toàn dân để nhắc nhớ dân trung thành với Chúa, kẻo đi theo các thần khác. Ông nói : “Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Đức Chúa, thì hôm nay anh em cứ tùy ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần mà cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người Ê-mô-ri, mà anh em đã chiếm đất mà ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa” (Gs 24,15). Dân đáp lại : “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác ! Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao, để gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi di, giữa mọi dân tộc chúng tôi đi ngang qua. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi” (Gs 24,16-18b).
BTM : Bài Tin Mừng là đoạn kết của diễn từ về Bánh Thánh Thể trong hội đường Ca-phác-na-um. Khi Chúa Giê-su tuyên bố : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống đời đời. Nghe vậy, nhiều môn đệ của Người liền nói : ‘Lời này chướng tai quá ! Ai nghe nổi !’” (Ga 6,54a.60). Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa (Ga 6,66).
Cha Nguyễn Công Đoan viết về đoạn sách này như sau :
“Bài giảng về Bánh ở Ca-phác-na-um không những làm cho đám đông quay lưng với Đức Giê-su, mà còn khiến một số môn đệ bấy lâu nay đi theo Người cũng bỏ đi.
“Từ đầu sách Tin Mừng này chúng ta đã biết Đức Giê-su thấu suốt lòng con người. Nhưng ở đây chúng ta vẫn sững sờ khi nghe :“Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.” Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. 65Người nói tiếp : “Vì thế, Thầy đã bảo anh em : không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.” 66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa. Người đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người”. Người còn nói thêm : “Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho ?”.
“Thế sao Người vẫn gọi họ, chọn họ làm môn đệ ? Ở đây là mầu nhiệm sự tự do của con người. Tin hay không tin vào Đức Giê-su Ki-tô vừa là tự do của con người vừa là ơn ban của Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa không cưỡng bức nhưng mời gọi người ta đáp ứng, ơn thì Thiên Chúa ban không giới hạn, nhưng phải chìa tay đón nhận. Biết họ không tin nhưng Đức Giê-su vẫn chọn họ, để cho họ một cơ may. Họ sẽ không thể nói “tôi đã không được biết, không có cơ hội để biết, để nhận”. Đó là sự hạ mình của Thiên Chúa trước sự tự do của con người mà chính Người đã tạo thành. Có ai đi cho một kho tàng mà lại phải năn nỉ người ta nhận ! Thế mà Thiên Chúa hạ mình đi năn nỉ xin con người hãy mở lòng, mở tay đón nhận sự sống đời đời của Người mà Người muốn chia cho họ.
“Đến lúc này thì Đức Giê-su muốn nhóm Mười Hai, những người bạn thân tín nhất luôn ở bên Người, phải dứt khoát :
“Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai : “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ?” 68 Ông Si-môn Phê-rô liền đáp : “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. 69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” 70 Đức Giê-su đáp : “Chẳng phải Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao ? Thế mà một người trong anh em lại là quỷ !” 71 Người muốn nói về Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt ; thật thế, chính y, một môn đệ trong Nhóm Mười Hai, sẽ nộp Người.
“Cách đặt câu hỏi này trong trong tiếng Hi-lạp hàm chứa sự chờ đợi câu trả lời dứt khoát “không !” Ông Phê-rô đã mau mắn đáp lại sự chờ đợi của Người bằng một lời tuyên xưng dứt khoát : “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. 69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” Hẳn là Đức Giê-su mát ruột. Nhưng cái mát ruột của Người chẳng trọn vẹn, vì bên cạnh Phê-rô còn có Giu-đa đứng đó.
“Đức Giê-su đáp : “Chẳng phải Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao ? Thế mà một người trong anh em lại là quỷ !” 71 Người muốn nói về Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt ; thật thế, chính y, một môn đệ trong Nhóm Mười Hai, sẽ nộp Người.”
“Trong bữa Tiệc Ly, sau khi Giu-đa ăn miếng bánh Đức Giê-su chấm và trao cho, “Xa-tan liền nhập vào y”. Xa-tan đã giựt được một người trong nhóm Mười Hai người Chúa đã chọn.
“Nếu ta cứ hỏi Chúa, sao lại như thế ? Sao Chúa không đuổi ông ta cho sớm đi ? Chúa đã biết rồi cơ mà ! Chắc Chúa sẽ trả lời : Nếu con muốn Ta phải đuổi Giu-đa sớm, thì Ta đã phải đuổi con từ lâu rồi ! Giu-đa chỉ phản nộp Ta một lần, còn con đã phản nộp, đã bán ta bao nhiêu lần con có đếm nổi không ? Và con bán Ta với giá nào ?
“Con hãy lo bắt chước Phê-rô tuyên xưng, sống lòng tin và lòng mến, đừng bắt chước Phê-rô chối Ta; còn chuyện Giu-đa là chuyện của anh ấy với Ta, sau này con sẽ biết. Giu-đa mãi mãi mang tên là kẻ phản nộp, nhưng trong cả Mười Hai Tông Đồ, Ta có chấm cho ai miếng nào đâu, chỉ chấm một miếng cho Giu-đa thôi ! Con đừng có ganh với Giu-đa. Tình Yêu là chuyện của con tim, cái đầu nhỏ bé của con làm sao hiểu được ! Nếu con hiểu được thì chắc không phải là Tình Yêu !” (trong mạng CGKPV).
Bđ2 : Bài đọc 2 thánh lễ chúng ta tiếp tục đọc thư Ê-phê-sô của thánh Phao-lô. Thư này chúng ta đọc từ Chúa Nhật 15 đến Chúa nhật 21 hôm nay, suốt 6 Chúa nhật. Sách Kinh Thánh năm 2011 của Nhóm CGKPV viết về đoạn thư này như sau : “Đoạn văn 5,23-32 đối chiếu hôn nhân với mầu nhiệm Đức Ki-tô và Hội Thánh : tình yêu của Đức Ki-tô đối với Hội Thánh là nền tảng và là khuôn mẫu cho tình yêu của đời sống vợ chồng. Trong tương quan giữa vợ chồng phải là dấu hiệu và là cách trình bày mầu Nhiệm Chúa Ki-tô và Hội Thánh. Đây là một trong những bản văn Kinh Thánh đặt nền tảng cho bí tích hôn phối” (trang 2602).
Tình yêu vợ chồng, với thánh Phao-lô. là hình ảnh của tình yêu của Chúa Giê-su với Hội Thánh. Muốn tình yêu vợ chồng bền chặt, chúng ta cần được Mình Thánh Chúa nuôi dưỡng. Mình Thánh Chúa đã làm cho cha ông chúng ta bền chặt với Chúa, bền chặt với đạo, đến nỗi người ngoài gọi là “bùa mê thuốc lú”. Gẫm thứ 5 Mùa Sáng như sau : “Thứ năm thì gẫm : Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được sốt sắng dâng lễ và rước Mình Thánh Người”.
Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cầu cho gia đình chúng con.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành