Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm B
CN.23.B
9-9-2018
Giáo Huấn số 41
Lịch Giáo Phận trang 105
NGƯỜI CAO NIÊN
Niềm Vui của Tình Yêu số 191
“Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng, chớ bỏ rơi khi sức lực suy tàn” (Tv 71,9). Đó là tiếng kêu van của người lo sợ bị lãng quên và coi khinh. Như thế Thiên Chúa kêu gọi chúng ta nên khí cụ của Ngài để lắng nghe những lời kêu xin của người nghèo. Ngài cũng chờ đợi chúng ta lắng nghe tiếng kêu cứu của những người tuổi cao sức tàn. Điều này chất vấn các gia đình và các cộng đoàn, vì “Hội Thánh không thể và không muốn đi theo một tâm thức vô cảm, hay dửng dưng và khinh miệt, đối với tuổi già. Chúng ta phải đánh động cảm thức tập thể và lòng biết ơn. Quí trọng, hiếu khách, làm cho những người cao niên là những người nam và người nữ, là những người cha và người mẹ. Đã từng đi trước chúng ta trên cùng một con đường, sống trong cùng một ngôi nhà của chúng ta, chiến đấu trong cùng một cuộc chiến hằng ngày của chúng ta hầu mưu tìm một cuộc sống xứng đáng. Bởi thế, “như tôi muốn một Hội Thánh thách thức nền văn hóa đào thải bởi một niềm vui tràn trề qua vòng tay mới mẻ ôm chặt giữa người trẻ và người già !”.
—————————–
CN.23.B2
(Is 35,4-7; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37)
Ngày 13-1-1859 là ngày tử đạo của ba thánh : Đaminh Phạm Trọng Khảm, Giuse Phạm Trọng Tả và Luca Phạm Trọng Thìn. Thánh Khảm và thánh Tả là anh em thúc bá, thánh Khảm và thánh Thìn là bố con. Một ngày vinh dự cho họ Phạm.
Thánh Khảm là quan án, 80 tuổi, thánh Tả là cựu chánh tổng 60 tuổi và thánh Thìn là chánh tổng 40 tuổi. Cả ba vị là người làng Quần Cống, Nam Định. Làng Quần Cống là nơi ẩn trú của Đức cha Sampedrô Xuyên, Đức cha Valentinô Vinh và hai cha Rianô Hòa, cha Carreras Hiển.
Không bắt được các Đức cha và các cha, quan quân bắt 3 vị thánh họ Phạm, những nhà lãnh đạo trong làng, trong xứ. Ngày 13-1, sau 4 tháng rưỡi bị giam cầm, tra hỏi, ba vị bị kết án xử giảo và bị điệu ra pháp trường Bẩy Mẫu Nam Định.
Trên đường đi các ngài đọc kinh Tin, Cậy, Mến, kinh Ăn năn tội và lần chuỗi. Tới nơi, quân lính xô các ngài ngã xuống đất, rồi trói tay trói chân vào cọc. Mỗi vị bị hai người lính cầm hai đầu giây thừng tròng qua cổ và kéo thật mạnh cho tới khi tắt thở. Giáo dân xứ Quần Cống đã rước thi thể các ngài về xứ và tổ chức lễ an táng trọng thể.
Ba thánh họ Phạm là những người có quyền cai trị, nhưng rất thương dân.
Về thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm, người ta kể : “Gia nhân phải kiếm kẻ khó vào ngồi chung thì cụ mới ăn cơm”. Cụ còn tìm dịp những ngày lễ để đãi dân làng. Cụ cho anh mõ đi rao khắp làng ra đồng đua diều. Thắng thua không thành vấn đề, miễn là mọi người được bữa ăn no say (Bùi Đức Sinh, Thiên Hùng Sử,29).
Về thánh Giuse Phạm Trọng Tả người ta kể như sau : “Đầy tớ ông rất đông, chưa Tết ông đã đi thăm viếng từng nhà và cho tiền mừng tuổi rất hậu. Số tiến ấy thường gấp đôi số quà cáp họ biếu ông trong năm. Tiền thóc gia nhân vay mượn ông thường cho một nửa, nếu túng quá thì cho luôn. Công nợ của dân trong làng cũng được châm chước. Khi bà cai lên tiếng cằn nhằn, ông thản nhiên trả lời : ‘Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình’’.
Còn thánh Luca Phạm Trọng Thìn, con trai cụ án Khảm, tuy không thấy kể về lòng bác ái, song về lòng sám hối ăn năn cũng đáng nêu gương. Ông đã theo gương xấu của những quan quyền giầu có thời đó vợ nọ con kia, ông lèo tèo với một cô vợ nhỏ. Cụ án Khảm rầy la khuyên nhủ, ông Luca Thìn ăn năn thống hối, trở về sống tốt đẹp với vợ con, và nhiệt tâm với Nhà Chúa.
Cuộc sống ba thánh họ Phạm âm vang Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay.
Bđ2 : Lòng bác ái giúp đỡ người nghèo của hai thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm và thánh Giuse Phạm Trọng Tả phản ảnh lời khuyên của thánh Giacôbê trong bđ2 : không vì “nhẫn vàng, quần áo lộng lẫy” (Gc 2,2a), để được cư xử hơn “những người nghèo ăn mặc tồi tàn” (Gc 2,2b).
Bđ1 : Lòng thống hối tội lỗi của thánh Luca Phạm Trọng Thìn nói lên lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa đối với những người Do thái tội lỗi trong bđ1. Thiên Chúa tha thứ và giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày ở Babylon, để trở về quê hương xứ sở.
BTM : Phép lạ Chúa Giêsu chữa lành người “vừa câm điếc vừa ngọng” trong BTM (Mc 7,31) nói đến lòng Chúa thương xót, cứu chữa những người nghèo, những người đau khổ, và những người tội lỗi.
Xin Các Thánh Tử Đạo Việt Nam giúp gia đình chúng con noi gương Chúa : sống thương yêu người nghèo và nâng đỡ khuyến khích người đau khổ, tội lỗi, cao niên.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành