Sứ Điệp Video ĐTC Gửi Đại Hội Giáo Lý Quốc Tế Lần II


Đại hội kỳ II này tập trung suy tư về phần thứ hai của Giáo lý Công giáo của Hội Thánh, là phần đề cập đến các nội dung quan trọng và nền tảng đối với Giáo hội và mỗi Ki-tô hữu như: đời sống bí tích, các cử hành phụng vụ và tác động của phụng vụ đối với giáo lý. Đại hội có chủ đề là “Giáo lý viên, chứng nhân của mầu nhiệm”, nhấn mạnh đến tương quan giữa chiều kích phụng vụ và chiều kích loan báo.

Đang trong hành trình viếng thăm 3 nước vùng Baltic, ĐTC Phanxicô không thể hiện diện tại đại hội Giáo lý, nhưng vào ngày 22 tháng 9, ngài đã gửi cho các tham dự viên một sứ điệp video, trong đó ngài nhắc nhở rằng GLV là một ơn gọi và hãy “là” các giáo lý viên! Không phải là “làm” giáo lý viên nhưng “là” giáo lý viên.

Hãy “là” các giáo lý viên

Trong sứ điệp, trước hết ĐTC nhắc lại đại hội Giáo lý quốc tế lần thứ nhất vào Năm Đức Tin, năm 2013. Khi đó ngài đã yêu cầu các giáo lý viên “hãy là giáo lý viên! Đừng làm việc như giáo lý viên: điều này không có ích gì!.. Là giáo lý viên nghĩa là nó liên quan đến cuộc sống. Giáo lý viên hướng dẫn người ta đến gặp gỡ Chúa Giêsu bằng lời nói và cuộc sống, bằng chứng tá.

Giáo lý viên không phải là giáo viên nhưng là chứng tá

ĐTC nhấn mạnh rằng Gíao lý không phải là một bài học. Các giáo lý viên đừng để mình bị cám dỗ trở thành một kỹ thuật viên giáo lý, thay vì là chứng tá của cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Kitô. Nhìn bên ngoài, tất cả xem ra được giải quyết; các chương trình hoàn hảo; tín điều được thông truyền; nhưng các giáo lý viên đã thực sự tạo nên được cuộc gặp gỡ giữa Chúa Kitô và các dự tòng chưa? … Giáo lý là thông truyền kinh nghiệm và chứng tá đức tin, và chứng tá của một đức tin thắp sáng các trái tim bởi vì nó giới thiệu ước muốn được gặp Chúa Giêsu Kitô.

Giáo lý là lời loan báo đầu tiên về sự chết và phục sinh của Chúa Kitô

Tiếp đến, ĐTC nhắc các Giáo lý viên đừng quên rằng lời của họ luôn là lời loan báo đầu tiên. Lời loan báo này theo nhiều cách khác nhau và với các ngôn ngữ khác nhau luôn luôn là “lời đầu tiên” mà giáo lý viên được mời gọi thực hiện! Ngài nói: “Tôi nghĩ đến giáo lý viên như người tự đặt mình phục vụ Lời Chúa, tham dự Lời Chúa hàng ngày để làm cho Lời Chúa trở thành chất dinh dưỡng cho mình và làm cho Lời Chúa có thể thông truyền cho người khác với hiệu quả và sự đáng tin. Giáo lý viên biết rằng Lời này sống động bởi vì nó cấu thành quy luật đức tin của Giáo hội. Do đó, ngày nay trong bối cảnh của sự dửng dưng tôn giáo, giáo lý viên không thể quên rằng lời của mình luôn là lời loan báo đầu tiên. Anh chị em hãy suy nghĩ kỹ điều này: theo cách thế này, trong một nơi sự dửng dưng tôn giáo rất cao, lời của anh chị em luôn là lời loan báo đầu tiên, nó đến và chạm vào trái tim và tâm trí của nhiều người đang chờ đợi gặp Chúa Kitô. Mặc dù họ không hiểu biết nhưng họ đang chờ đợi. Và khi tôi nói lời loan báo đầu tiên tôi không chỉ nói theo nghĩa thời gian. Tất nhiên, điều này là quan trọng, nhưng nó không phải luôn luôn như vậy. Lời loan báo đầu tiên tương đương với việc nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại vì tình yêu Chúa Cha, trao ban sự tha thứ cho tất cả mọi người mà không phân biệt ai, chỉ cần họ mở lòng mình để được biến đổi!”

Giáo lý viên cần gần gũi, chào đón, kiên nhẫn và có tình bạn

ĐTC nhắc nhở các GLV: “Xin anh chị em, khi thông truyền đức tin, đừng rơi vào cám dỗ đảo lộn trật tự điều mà Giáo hội luôn luôn trình bày và loan báo, đó là kerygma, điều cũng được phản ánh trong cấu trúc của Giáo lý. Ví dụ, chúng ta không thể đưa ra luật lệ, thậm chí là luật đạo đức, trước khi loan báo rõ ràng về tình thương và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta không thể quên lời của Chúa Giêsu: “Ta không đến để lên án, nhưng tha thứ… “(Cf. Jn 3:17; 12,47). Cũng thế, người ta không thể giả định áp đặt một chân lý của đức tin bằng cách bỏ qua lời mời gọi tự do mà chân lý đòi hỏi. Những người trải nghiệm cuộc gặp gỡ với Chúa luôn như người phụ nữ Samaria, người ao ước uống nước không còn khát nữa, nhưng đồng thời cũng ngay lập tức chạy đi đưa dân làng đến với Chúa Giêsu (cf. Ga 4,1-30). Do đó, điều cần thiết là giáo lý viên hiểu ngay từ đầu, thách thức lớn lao của việc giáo dục đức tin, hiểu những người tín hữu có căn tính Kitô giáo yếu ớt, và vì lý do này, cần sự gần gũi, chào đón, kiên nhẫn, tình bạn. Chỉ bằng cách này, giáo lý mới trở thành sự thăng tiến của đời sống Kitô giáo, hỗ trợ cho sự hình thành hoàn toàn các tín hữu và một sự khuyến khích để trở thành những môn đệ truyền giáo.

Phụng vụ là nhựa sống của Kitô giáo

Cuối cùng, ĐTC khẳng định rằng: “Một giáo lý muốn phong phú và hòa hợp với toàn thể đời sống Kitô giáo phải tìm thấy nhựa sống của nó trong phụng vụ và trong các bí tích. Khai tâm Kitô giáo đòi hỏi rằng trong cộng đoàn của chúng ta một điều hơn là một hành trình giáo lý, giúp cảm nghiệm cuộc gặp gỡ với Chúa và gia tăng sự hiểu biết về Người và tình yêu để đi theo Người… Mầu nhiệm mà Giáo Hội cử hành được diễn tả  đẹp đẽ nhất và mạch lạc trong phụng vụ. Chúng ta đừng quên trình bày sự hiện sinh của Chúa Kitô trong giáo lý của chúng ta. Trên thực tế, trong đời sống bí tích mà đỉnh điểm là Thánh Thể, Chúa Kitô làm cho mình trở nên đương thời với Giáo Hội của mình: Người đồng hành với Giáo hội trong các sự kiện lịch sử của mình và không bao giờ rời xa Hiền Thê Giáo hội của Người. Chính Người trở nên gần gũi và bên cạnh những người tiếp nhận Người trong Mình và Máu Người, và biến họ trở nên khí cụ tha thứ, chứng tá của ​​tình yêu, cho những người đau khổ, và thành những người tham gia tích cực vào việc tạo ra tình liên đới giữa con người và các dân tộc. Giáo hội sẽ hữu ích như thế nào nếu giáo lý của chúng ta dựa tác động trên việc đón nhận và sống sự hiện diện của Chúa Kitô, khi cho phép chúng ta cảm nghiệm từ bây giờ nét đẹp của cuộc sống hiệp thông với mầu nhiệm Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”

Hồng Thủy

Nguồn: Vatican News