Bức Họa Giáng Sinh Tại Đại Chủng Viện Huế Và Công Việc Phục Chế


Bức họa sơn mài với chủ đề Giáng Sinh của danh họa Nguyễn Gia Trí vào năm 1941 đã gợi hứng cho nhiều họa sĩ Việt Nam thời đó bước vào một đề tài truyền thống trong hội họa, nhưng lại khá xa lạ với các họa sĩ Việt Nam: chủ đề về đức tin công giáo. Ngay sau khi bức sơn mài Giáng Sinh của Nguyễn Gia Trí được hoàn tất, vào năm 1942-1943, hai họa sĩ Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung cũng đã bắt tay vào thực hiện bức họa sơn mài cùng chủ đề. Ban đầu, bức họa của hai họa sĩ Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung được đặt tại nhà nguyện Đại Chủng Viện Xuân Bích Hà Nội (nay là khách sạn Đê La Thành). Theo dòng trôi nổi của lịch sử đất nước, bức họa đã được đưa vào Vĩnh Long, được chuyển tới Thị Nghè, và sau cùng, từ năm 1962, bức họa được đặt trang trọng tại nhà nguyện Đại Chủng Viện Huế. Sau gần 80 năm tồn tại, với nhiều lần di chuyển, cùng với khí hậu khắc nghiệt tại Huế, bức họa đã xuống cấp trầm trọng, vì thế các linh mục Xuân Bích Việt Nam đã quyết định phục chế bức họa. Nhân dịp công việc phục chết hoàn tất, chúng tôi xin được đưa ra một vài điểm so sánh giữa bức họa Giáng Sinh tại chủng viện Huế với bức họa của Nguyễn Gia Trí, sau đó chúng tôi sẽ trình bày đôi nét về tình trạng bức họa trước khi phục chế, và sau cùng, chúng tôi sẽ nói sơ lược về công việc phục chế.

So sánh hai bức họa

Hai bức họa được thực hiện ở những thời điểm tương đối gần nhau, theo cùng một chủ đề, nên mang rất nhiều nét tương đồng, nhưng đồng thời cũng chứa đựng nhiều khác biệt.

Trước tiên, xét về mặt kích thước, hai bức tranh đều gồm ba tấm ghép lại, kích thước gần bằng nhau, bức của Nguyễn Gia Trí 2,37m x 1,30m, bức của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung 2,24m x 1,46m. Về chất liệu và kĩ thuật, cả hai bức đều dùng kĩ thuật sơn mài đắp nổi. Họa sĩ dùng vải bọc tấm gỗ, rồi đắp sơn ta làm nền, tức làm cốt vóc. Những mầu sắc khác nhau được pha trộn từ những chất liệu tự nhiên cùng với sơn ta, tạo nên bảng mầu rất riêng biệt.

Bức họa của Nguyễn Gia Trí.

Bức họa của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung

(ảnh chụp của Viện Viễn Đông Bác Cổ trước năm 1954).

Xét về bố cục, bức họa của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung lấy lại rất nhiều chi tiết và các nhân vật trong bức họa của Nguyễn Gia Trí. Tuy nhiên, họ cũng đã sắp xếp lại các nhân vật, mở rộng góc nhìn, tạo không gian rộng hơn. Đặc biệt, dù hai họa sĩ lấy lại phong cách hội nhập văn hóa, tức các nhân vật được Việt Nam hóa, nhưng nếu bức họa của Nguyễn Gia Trí theo trường phái ấn tượng – tượng trưng, tức là họa sĩ đã chắt lọc hình ảnh và đưa vào không gian giầu tính biểu tượng, thì bức họa của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung lại đi theo trường phái hiện thực – cổ điển, các hình ảnh được diễn tả khá chân thực và tỉ mỉ. Nếu như bức họa của Nguyễn Gia Trí tạo cảm giác của một không gian xao động, đầy âm thanh và chuyển động, thì bức họa của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung lại tạo ấn tượng về bầu khí thanh bình, dân dã, đặt hai mảng sáng tối tương phản đồng thời cho thấy Chúa Hài Đồng là trung tâm tỏa lan ánh sáng.

Có thể nói, dù không phải là người công giáo, các tác giả của cả hai bức họa đã diễn tả rất thành công đức tin công giáo: Chúa Hài Đồng là người thật, đã từ trời đến giữa nhân loại để chiếu tỏa ánh sáng cứu độ cho nhân thế khổ đau.

Bức họa tại Huế trước khi phục chế

Như đã nói ở trên, sau gần 80 năm, bức họa Giáng Sinh tại chủng viện Huế đã bị xuống cấp trầm trọng. Đầu tháng 10-2017, hai chuyên gia về tranh sơn mài là họa sĩ Nguyễn Trường Linh và Nguyễn Thành Long đã được mời đến để khảo sát trực tiếp bức họa và các họa sĩ đã đưa ra những nhận xét như sau về tình trạng bức họa[1]:

1. Vóc cốt nền bằng gỗ thịt, chưa bị hư hại, mối mọt.

2. Các cạnh mép, góc bức họa do di dời nhiều lần đã bị tróc lở, một số viền mép liên quan đến họa tiết của bức họa cũng bị như trên (mây đắp nổi và nền nhăn).

Tình trạng viền mép bức họa.

3. Bề mặt bức họa bị rạn nứt do thời tiết, thời gian và khí hậu, một số họa tiết quan trọng của bức họa được đắp nổi đang bị rạn nứt có khả năng bong tróc từng mảng.

– Phần núi phía sau Đức Mẹ và các thiên thần:

 – Phần đầu, phần thân áo, tà áo của Thánh Giuse:

 4. Mảng nền tạo nhăn, dát vàng vẫn giữ được hình thức gần như ban đầu, tuy nhiên vài mảng bị bay màu và ôxy hóa nên sẽ phải dát lại vàng từng khu vực. Trong khu nền có các mảng mây cũng bị tình trạng bay mất phần vàng dát.

 5. Các nhân vật chính ở trung tâm bức họa gồm Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ, Thánh Giuse, gần như mất hết phần vàng dát, chân dung Đức Mẹ và Thánh Giuse đã bị sửa, vẽ lại bằng sơn dầu không đúng với nguyên tác.

 So sánh gương mặt thánh Giuse với trước khi phục chế với ảnh trước năm 1954.

6. Do thời gian màu sắc trên bức họa bị bay màu, xỉn, bạc màu. Phần mây, phần sáng trên các hào quang, tà áo của các thiên thần trong nguyên tác được các tác giả dát vàng, cũng như chân dung các thiên thần đã bị mất hết vàng do nền lót bột màu hút ẩm đã tác động ngược lên mặt tranh.

7. Các nhóm nhân vật phụ bị mất màu và có các vết xước cần được xử lí.

Tình trạng bức họa trước khi phục chế.

Bức họa sau khi được tẩy rửa.

Cuộc khảo sát cùng với những trình bày chi tiết và kĩ lưỡng của các họa sĩ cho thấy rằng cần phải phục chế bức họa trước khi các mảng sơn vốn đã bị nứt có thể bong tróc.

Việc phục chế bức họa

Cùng với việc khảo sát tình trạng bức họa, hai họa sĩ Nguyễn Trường Linh và Nguyễn Thành Long cũng đưa ra những giải pháp cụ thể cho từng vấn đề[2]:

1- Xử lí lại các viền mép bức họa bằng sơn sống và sơn then để đưa bức họa trở về nguyên trạng.

2- Đắp lại cạnh mép, góc bức họa, các họa tiết mây đắp nổi bằng sơn sống trộn đất phù sa.

3- Sử dụng keo đặc biệt theo công nghệ mới để hàn gắn phần đế đang bị nứt rạn (keo này sẽ bịt kín các lỗ khí do tác động co ngót của sơn, màu với nền vóc), sau đó xử lí lại nền các phần bị nứt để liền mạch.

4- Dát lại vàng từng khu vực của nền nhăn và toàn bộ phần mây đắp nổi.

5- Căn cứ vào ảnh chụp  trước năm 1954, chỉnh sửa lại chân dung của các nhân vật trung tâm theo đúng tinh thần và lối vẽ của các tác giả (đây là phần phục chế khó nhất, vì các nhân vật đã bị mất tính nguyên bản).

6- Xử lí lại các nền đen của toàn bộ bề mặt tranh cho hết bọt khí – để không còn tác nhân hút ẩm, sau đó dát lại vàng toàn bộ và vẽ lại các họa tiết, ánh sáng, màu sắc theo ảnh chụp nguyên tác trước năm 1954.

7- Xử lí màu, dát lại vàng phần nền nhăn, các nhân vật phụ, các nhóm họa tiết cây cỏ, các con vật, các vết xước, và các đường nét …

Sau khi hoàn thiện, bức họa sẽ được phủ sơn bảo vệ bề mặt, chống bụi và chống ôxy hóa. Sau đó, bức họa sẽ được đánh bóng đưa về gần nguyên bản với chất lượng đảm bảo kéo dài tuổi thọ bức tranh trong nhiều thập niên tiếp theo.

Đầu tháng 11-2017, bức họa đã được chuyển tới xưởng vẽ của hai họa sĩ Nguyễn Trường Linh và Nguyễn Thành Long. Công việc phục chế được tiến hành có sự giám sát và góp ý của họa sĩ Nguyễn Dân Quốc. Các họa sĩ cũng thường xuyên trao đổi với các linh mục đang làm việc tại chủng viện Huế. Sau ba tháng sử dụng các kĩ thuật và chất liệu sơn mài truyền thống, bức họa đã được đưa trở về gần với nguyên bản.

Bức họa sau khi phục chế.

Về tư tưởng thần học, Bức họa Giáng Sinh của hai họa sĩ Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung đã diễn tả rất đạt ý tưởng hội nhập văn hóa, tức là nỗ lực trình bày đức tin công giáo bằng những đường nét văn hóa rất Việt Nam. Về mặt này, hai họa sĩ đã chịu ảnh hưởng về phong cách của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, và có lẽ còn có những đóng góp của Nguyễn Đệ, người đặt làm bức họa. Về mặt nghệ thuật, bức họa này là một trong những nỗ lực đầu tiên dùng kĩ thuật sơn ta truyền thống, thêm vào đó là những sáng tạo riêng của hai họa sĩ, để đưa một nghề truyền thống tới mức nghệ thuật hội họa đỉnh cao. Xét như thế, về nhiều mặt, bức họa này có giá trị hết sức đặc biệt. Với lần phục chế bài bản và công phu này, chúng tôi hi vọng bức họa Giáng Sinh tại chủng viện Huế sẽ còn tồn tại lâu dài, tiếp tục là di sản vật chất và tinh thần của các thế hệ linh mục và sinh viên Xuân Bích Việt Nam, đồng thời là di sản nghệ thuật quí báu của nền mĩ thuật Việt Nam.

Vinhsơn Trần Minh Thực, PSS

[1] Trong phần in nghiêng ở đây, chúng tôi dùng lại bản miêu tả tình trạng bức tranh do hai họa sĩ khảo sát, với chút ít điều chỉnh.

[2] Trong phần in nghiêng ở đây, chúng tôi dùng lại những đề nghị của hai họa sĩ, với chút ít điều chỉnh.

Nguồn: Website Tổng Giáo Phận Huế