Lễ Các Thánh


LỄ CÁC THÁNH

(Kh 7,2…14; 1Ga 3,1-3; Mt 5,1-121)

Hôm nay là lễ Các Thánh.

Các thánh là ai ?

Tiếng latinh thánh là sanctus. Sanctus có nghĩa là hoàn hảo, tuyệt đối thanh sạch.

Theo giáo lý Công giáo : chỉ một mình Thiên Chúa mới là thánh. Vì Thiên Chúa yêu thương vô cùng, nên Người mời gọi mọi người tham dự vào sự thánh thiện của Người và hạnh phúc của Người. Những ai đáp lại tiếng mời gọi của Người được gọi là thánh (THE0,1989.40c)

Cha Raniero Cantalamessa gọi các thánh là “Những kẻ đã giặt áo mình trong máu Con Chiên. Sự thánh thiện được lãnh nhận từ Chúa Kitô. Sự thánh thiện không phải là sự sản xuất của chúng ta”.

 Trong bài giảng tại nhà nguyện Santa Marta hôm thứ Sáu 9-5-2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích rằng các thánh là những người tội lỗi được thánh hóa bởi Mình và Máu Chúa Kitô, và hiền thê của Ngài

Lễ Các Thánh năm nay, chúng ta chiêm ngắm thày già Tôma Toán 76 tuổi.

Thày là người làng Cần Phan, tỉnh Thái Bình. Khi có trí khôn, cha mẹ dâng thày vào Nhà Đức Chúa Trời ở với cha Tuyên làng Trung Linh, Bùi Chu. Tính tình chịu khó, cẩn thận và siêng năng đạo đức, cha gửi thày đi học làm thày giảng. Đức cha đặt thày làm quản lý Tòa Giám Mục.

Vì tham tiền quan thưởng cho ai tố cáo các đạo trưởng, ông lang Tư tố cáo làng Trung Linh có đạo trưởng, có linh mục. Ngày 16-12-1839, quan phủ Xuân Trường đem lính đến vây làng. Cha Tuyên xin thày cùng trốn với cha, nhưng thày nói : “Cha là linh mục cần phải đi trốn, để còn sống mà ban các bí tích cho giáo dân”. Thày cùng những người có đạo ra trình diện. Ông lang Tư nghĩ thày là linh mục, tố cáo thày. Quan phủ bắt thày đeo gông và điệu về phủ Xuân Trường.

Tới phủ, quan nọc thày ra đánh, bắt thày bước qua Thánh Giá bỏ đạo, thày đáp : “Dù quan lớn có đánh đòn và giết chết, tôi cũng không bỏ đạo”. Biết không thể làm thày bỏ đạo, quan phủ điệu thày về cho quan tổng đốc Nam Định  Trịnh Quang Khanh, được mệnh danh là con “hùm xám”.

Quan Tổng đốc xúi một quan viên cùng bị bắt với thày, nhưng đã bỏ đạo, dụ dỗ thày. Ông quan viên đến khóc lóc, than van, năn nỉ : “Xin thày thương con, vợ con con. Nếu thày bước qua Thánh Giá, quan sẽ tha cho con. Thày không bước, quan sẽ giết con”. Quá mủi lòng, thày già Tôma Toán liền bước qua Thánh Giá chối đạo. Nhìn mặt thày không được vui, quan Tổng đốc hoài nghỉ, bắt thày vào tù, giam tiếp. Chính khi đó cha Giuse Hiển bị bắt và bị giam chung với thày. Cha Hiển biết lòng thày buồn bã vì trót phạm tội. Cha giục thày ăn năn tội và cha giải tội cho thày.

4 tháng sau, quan tổng đốc sai hai người bỏ đạo, vào trong tù khóc lóc, năn nỉ thày. Thày không nghe, hai người chửi rủa thày, chửi rủa cả Chúa và Đức Mẹ. Nghe hai người xúc phạm đến Chúa, đến Mẹ, thày lại bỏ đạo, để họ khỏi ăn nói phạm thượng. Quan vẫn hồ nghi, bắt thày giam lại. May phúc cho thày, 15 ngày sau cha Đaminh Trạch bị bắt và bị giam chung với thày. Cha khuyên thày xưng tội, thày không nghe. Thày nghĩ Chúa không đời nào tha thứ cho thày nữa. Đã hai lần thày chối Chúa rồi. Đêm ngày thày khóc lóc ăn năn. Cuối cùng, cha khuyên được thày tin vào lòng Chúa thương xót.

Nghe tin thày hối cải ăn năn, quan tổng đốc Nam Định giận dữ bảo lính : “Đem thằng già Toán ra đây, cho hắn tập bước qua thập giá, kẻo hắn quên mất”. Lần này quan tra tấn rất là tàn nhẫn. Quan lột trần thày, đem thầy ra giữa công trường, ngày phơi nắng, đêm phơi sương. Quan cho phép người ta đi qua, nhổ râu, giật tóc, nhổ nước miếng vảo mặt thày, giơ chân đạp thày… Thày vẫn một mực kiên trung. Quan cho lính khiêng thày đi qua Thánh Giá, thày co chân lên và nói : “Tôi không muốn bỏ Chúa tôi đâu”.

Quan tổng đốc lại nhốt thày vào nhà tù. Lần này, thày không được ăn. Sau khi bỏ đói, quan truyền đem một mâm cơm đầy đủ thức ăn, và dụ dỗ thày : “Ăn đi để lấy sức mà bước qua thập giá !”. Thày đáp : “Ăn mà bỏ đạo thì tôi không ăn”.

Anh Thám, người lính coi tù, anh không có đạo. Thấy thày quá dũng cảm, anh cảm phục và lén đem cơm cho Thày. Khi thày hấp hối sắp nhắm mắt lìa đời, anh Thám thay quần áo mới cho thày và nói với thày : “Lạy ông, khi ông lên trời, ông nhớ đến tôi cùng” (Vũ Thành, Dòng Máu Anh Hùng, T.II, trang 428-437)

Thày già Tôma Toán là người đáp lại tiếng Chúa mời gọi tham dự vào sự thanh thiện và hạnh phúc của Chúa.

Thày già Tôma Toán là người tội lỗi được thánh hóa bởi Mình và Máu Chúa Kitô, và hiền thê của Ngài.

Thày già Tôma Toán là người bỏ đạo được phúc đón nhận ơn hối cải.

Xin Chúa giúp gia đình chúng con sống thánh thiện (1-11-2014).

————————————————–

LỄ CÁC THÁNH

Chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, mà chúng ta vừa mừng lễ vào ngày đầu tháng 10, đã viết trong bản “Tự Thuật”, tức truyện “Một Tâm Hồn”, như sau :

Con hằng ước ao nên thánh, nhưng khốn nỗi, khi sánh mình với các đấng, con thấy con khác xa các ngài một trời một vực. Các ngài như những ngọn núi cao ngất tận ngàn mây, còn con như hạt cát ti tiện nằm dưới chân khách bộ hành.

Nhưng thay vì thất vọng, con đã tự nhủ : Chúa nhân từ đã không gợi ra những ước vọng không thể thực hiện được. Nên dù con bé mọn, con cũng có khát vọng nên thánh ! Làm cho mình lớn lên thì không thể được…, nhưng con muốn tìm cách lên trời bằng một con đường thẳng thật ngắn, con đường bé nhỏ !

Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên đầy những phát minh. Bây giờ không còn phải cực nhọc leo từng bậc thang nữa. Những nhà giầu đã thay thế chiếc thang  cổ điển bằng chiếc thang máy, thật tiện lợi. Phần con, cũng muốn tìm một chiếc thang máy, để đưa con tới Chúa Giêsu, vì con nhỏ bé quá, không thể leo lên những bậc thang cao dốc gồ ghề của bậc hoàn thiện.

Thế rồi con đi tìm chỉ dẫn trong Kinh Thánh, để biết “chiếc thang máy là thứ con ao ước, và con gặp được những lời phát ra từ miệng Đấng Khôn Ngoan hằng hữu rằng : “Ai thật bé nhỏ hãy đến với Ta” (Cn 9,4). Con liền chạy lại với Ngài, vì biết rằng con đã gặp được điều con đang tìm kiếm… Con lại tiếp tục tìm kiếm và con đã đọc được những hàng chữ này : “Như người mẹ hiền âu yếm con thơ, Ta cũng sẽ an ủi vỗ về các con như vậy. Ta sẽ ôm vào lòng và Ta sẽ đu đưa trên đầu gối của Ta (Is 66,12.13)” (Tinh Thần, 182-183).

Chiếc thang máy nên thánh bé nhỏ của Têrêsa Hài Đồng Giêsu là :

-Không bao giờ chữa mình : một chị thấy Têrêsa chậm rãi uống thuốc vì đắng, đã trách : “Uống lẹ lên chứ, uống một hơi cho hết đi ! Têrêsa im lặng không nói lại chữa mình (Sđd, tr.164)

-Không phàn nàn kêu trách : Mẹ bề trên dị ứng với mùi thơm của hoa. Thấy Têrêsa đặt dưới chân tượng Chúa Hài Đồng một bông hoa. Mẹ bảo chị lấy đi.

Đó không phải là hoa thật, mà là hoa giấy. Chị vâng lời cất đi không cãi lại (Sđd tr.168).

-Làm những việc lặt vặt giúp chị em như : gấp xếp lại những chiếc áo chị em quên, đánh rơi.

-Tập bỏ ý riêng : Buổi tối kia khi đọc kinh xong, chị tìm mãi không thấy cái đèn của mình ở đâu, vì có chị đã vô ý lấy đi. Thế là Têrêsa đành chịu ở trong tăm tối…Thay vì buồn bực, Têrêsa đã vui vẻ chịu đựng (Sđd, tr.166)

-Vui vẻ chịu đựng làm quà dâng cho Chúa : Trong nhà giặt, con lỡ tay bắn nước bẩn vào người chị ngồi giặt bên cạnh. Chị trách con. Con xin lỗi. Khi chị giặt bắn nước bẩn vào người con nhiều hơn, con không nói lại, mà nghĩ rằng : nếu từ chối kho tàng quí giá người ta đang biếu mình , thật là dại dột quá ! (Sđd, tr. 169).

-Vâng lời : Con say mê đọc sách, nhưng khi hết giờ, con thôi ngay, dù đang đọc thật hấp dẫn (Sđd, tr.164).

-Biến cái xấu trở thành cái tốt : trong giờ nguyện ngắm, một chị ngồi bên cứ động đậy hoài, con muốn trách chị, nhưng con tập yêu thích những tiếng động khó chịu ấy, con muốn nó là bản nhạc

-Đau khổ : Mẹ bề trên hỏi Têrêsa : Đời sống thiêng liêng lúc này của con ra sao ?. Chị đáp : “Đời sống  thiêng liêng lúc này của con  ư ? chỉ có đau khổ và đau khổ”. (Sđd.tr.177)

Tóm lại, làm thánh như chị Têrêsa  nói : “Hãy chăm chỉ tập các nhân đức, nghĩa là hãy luôn luôn đưa bàn chân yếu ớt để tiến lên các bậc thang trọn lành, nhưng hãy nhớ luôn điều này là ngay bậc thang thứ nhất em cũng không thể tự mình bước lên được đâu ! Chúa chỉ đòi em có thiện chí thôi. Từ trên cầu thang Chúa đang yêu thương nhìn em, cho tới một ngày kia… ngài sẽ đích thân xuống bế em, đưa em vào Nước Ngài, ở đó em sẽ chẳng bao giờ xa lìa Ngài” (Sđd, tr.194) (3-11-2013)

—————————————————

LỄ CÁC THÁNH

Lễ Các Thánh hôm nay nhắc nhở mọi người chúng ta sống thánh thiện, đạo đức. Thật ra trong thâm tâm mỗi người ai nấy đều muốn sống đạo đức thánh thiện. Và lẽ thường ai cũng chỉ muốn sống với những người đạo đức thánh thiện. Chẳng ai muốn sống với người xấu nết, người hư thân.

Ông Lagaurie (La-gô-ri), người Pháp đã dạy con : “Khi con sinh ra thì con khóc, nhưng mọi người cười. Vậy con hãy sống làm sao để khi con chết, mọi người khóc, còn con thì cười.

Rồi khi con cắp sách đi học, cha mẹ khuyên con : “Chọn bạn mà chơi”, “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Đến tuổi lập thân, cha mẹ nào cũng muốn con cái chọn được “rể hiền, dâu thảo”. Cuối cùng, sống làm sao để khi xuôi tay nhắm mắt “được mồ yên mả đẹp”, vì “cọp chết để da, người chết để tiếng”.

Nhưng sống tốt đâu phải dễ. Hầu như người ta sống xấu và phải sống với những người không tốt.

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 22-6-2009 làm một cuộc khảo sát các sinh viên trong các trường Đại Học về hướng sống của mỗi sinh viên như sau :

60% đổ mọi trách nhiệm nuôi dạy con cái lên cha mẹ.

41% không nhất thiết phải sống cao thương

36% làm việc theo lương tâm sẽ thua thiệt

32% chấp nhận sống vô ơn

28% có tư tưởng trả thù, báo oán

18% đặt lợi ích cá nhân lên trên hết.

Bản thống kê thật đáng buồn. Tương lai gia đình, đất nước, Giáo Hội sẽ đi về đâu với những con người ích kỷ đó ?

Người ta không muốn sống thanh thiện, sống đạo đức. Người ta muốn sống theo bản năng của mình.

Thánh Phaolô viết trong thư Rôma :

Chẳng ai có lương tri,

chẳng ai kiếm tìm Thiên Chúa.

Người người lìa xa chính lộ,

Chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi’

Chẳng một ai làm điều thiện,

dẫu một người cũng không

Cổ họng chúng như nấm mồ mở rộng,

Khéo đẩy đưa ba tấc lưỡi phỉnh phờ

Chúng chứa đầy mồm nọc độc hổ mang,

miệng độc dữ điêu ngoa những buông lời nguyền rủa,

chúng nhanh chân đi đổ máu người ta,

đi tới đâu cũng gieo tai rắc họa.

Chúng chẳng biết con đường đưa tới bình an,

Chẳng thấy cần kính sợ Thiên Chúa” (Rm 3,10-18).

Tại sao người ta không làm điều thiện, mà cứ làm điều ác ?

Chính thánh Phao-lô đã trả lời : “Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn là chính tôi làm điều đó, nhưng tội vẫn ở trong tôi” (Rm 7,18-20).

Nói nôm na dễ hiểu, con người ta hướng chiều về sự tội, về sự ác, vì con người yếu đuối, dể sa ngã. Vì thế cần có ơn Chúa giúp.

Thánh Tê-rê-sa A-vi-la nói : “Ai không cầu nguyện không cần ma quỉ lôi kéo, sẽ tự mình sa xuống hỏa ngục.

Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận cũng nói : “Cầu nguyện. Không ai mạnh bằng lời cầu nguyện. Vì Chúa hứa ban tất cả. Khi các con hợp nhau cầu nguyện có Chúa ở giữa các con”.

Đức Hồng y Phanxicô là thánh, vì ngài là người cầu nguyện, ngài có sức mạnh.

Lúc 18g ngày 16-9-2002, Đức Hồng y Phanxicô qua đời, Đức cha Crepaldi, tổng thư ký Bộ Công Lý Hòa Bình kêu lên : “Một vị thánh đã qua đời !

Ngay lần thứ nhất hiện ra ở Fatima, Đức Mẹ bảo em Phanxicô : “Phải lần chuỗi nhiều để được lên thiên đàng.” (1-11-2009).

———————————————————–

LỄ CÁC THÁNH

Nhà văn Georges Bernanos, người Pháp, có một câu nói làm chúng ta suy gẫm trong ngày lễ Các Thánh. Ông nói :

                       “Làm thánh là một cuộc mạo hiểm

                        và là một cuộc mạo hiểm độc đáo”

Làm thánh chẳng những là một cuộc mạo hiểm, mà còn là một cuộc mạo hiểm độc đáo.

Người ta thường hết lời ca ngợi những cuộc mạo hiểm của những người mạo hiểm trong biển cả, nơi núi rừng, trên không gian… Những cuộc mạo hiểm đó tuy vất vả, khó khăn nguy hiểm. Thế nhưng vẫn chưa là độc đáo, chưa thể sánh được với cuộc mạo hiểm làm thánh.

Bđ1 : Sách Khải Huyền trong bđ1 đã mô tả cuộc mạo hiểm làm thánh là : “Những người đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm cành lá thiên tuế… là những người đã đến, sau khi trải qua thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,9.14).

BTM : Sách Khải Huyền chỉ có một loại thánh tử đạo, sách TM có 8 loại thánh, 8 loại phúc.

BTM thánh lễ, thánh Mt đã ghi lại những lời Chúa Giêsu ca ngợi 8 loại thánh này : “có tâm hồn nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, khát khao nên người công chính, xót thương người, tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình, bị bách hại vì sống công chính” (Mt 5,…)

Tại Đền Thánh Mẹ Vô Nhiễm ở Washington, thủ đô Hoa Kỳ, dưới tấm kính mầu vẽ hình Chúa Kitô vinh thắng có 6 trụ cột. Trên đầu mỗi trụ cột đặt 6 tượng  thánh:

  • Thánh E-li-sa-bét biểu tượng cho bậc thánh hoàng hậu.
  • Thánh Giu-se La-brê biểu tượng cho bậc thánh du mục.
  • Thánh Zi-ta biểu tượng cho bậc thánh nội trợ.
  • Thánh Con-rad biểu tượng cho bậc thánh bảo vệ canh cổng.
  • Thánh Gem-ma biểu tượng cho bậc thánh thần bí
  • Thánh Gio-an Vi-a-nê biểu tượng cho bậc thánh linh mục.

     118 thánh Tử Đạo Việt Nam có 5 bậc :

1-  Bậc Giám mục :       8 vị

2-  Bậc Linh mục :     30 vị

3-  Bậc Thầy giảng :  15 vị

4-  Bậc Chủng sinh :    1 vị

5-  Bậc Giáo dân    :   44 vị

 Bđ2 : Vậy không chỉ làm thánh trong việc đổ máu, mà làm thánh trong bất cứ bậc sống nào, hoàn cảnh nào, miễn là như lời thánh Gioan Tông đồ viết trong bđ2 : “Làm cho mình nên trong sạch  như Đức Kitô là Đấng thanh sạch” (1Ga 3,3). Làm cho mình thanh sạch chính là chiến thắng bản thân mình.

Người ta thường nói kẻ ngoại thù không đáng sợ bằng kẻ nội thù. Thắng được mình thì khó hơn thắng được người. Người ta nói : tướng Na-pô-nê-ông “đánh đâu thắng đó”, nhưng “về nhà thua cái mũi của bà hoàng hậu Clê-ô-pát”.

Làm thánh chính là sửa được những nết xấu của bản thân mình.

Làm thánh là cuộc mạo hiểm độc đáo, vì thắng được bản thân mình (1-11-2006)

———————————————

LỄ CÁC THÁNH

Ngay từ giữa thế kỷ II ở Đông Phương và thế kỷ III ở Tây Phương, các Kitô hữu đã có thói quen tập họp bên mộ Các Thánh Tử Đạo hay nơi pháp trường xử tử Các Ngài, đặc biệt vào ngày giỗ của Các Ngài.

Ngày giỗ của Các Ngài được cử hành như ngày sinh thật sự của Các Ngài, ngày Các Ngài được sinh ra trên trời. Cộng đoàn Kitô hữu đã coi những vị đã đổ máu đào vì Thiên Chúa được vào trong vinh quang Thiên Chúa.

Thói quen này ngay từ sớm đã liên kết sự hy sinh của Các Ngài với sự hy sinh của Chúa Kitô trên thập giá bằng việc cử hành thánh lễ trên mộ Các Ngài. Việc tập họp các tín hữu trên mộ Các Thánh Tử Đạo khơi nguồn từ thói tục của người Rôma : tập họp và dùng bữa trên ngôi mộ của những người thân. Như vậy, “Bữa tiệc Thánh Thể” của các Kitô hữu bên mộ Các Thánh Tử Đạo được chấp nhận bởi chính những người đã ăn tiệc trên mộ những người thân của mình.

Dần dần Các Thánh Tử đạo trở nên một gương mẫu. Người ta xin Các Ngài bầu cử cho họ trước tòa Thiên Chúa. Các Đức Giám Mục đã ủng hộ hình thức tôn kính này tại địa phương của mình.

Vào thế kỷ IV, việc tôn kính Các Thánh Tử Đạo mau chóng phát sinh việc tôn kính Hài Cốt của Các Ngài. Người ta bắt đầu trao đổi cho nhau hài cốt, các mẩu xương hay những mẩu áo của Các Ngài. Người ta xây các thánh đường dâng kính Các Ngài nơi người ta giữ Hài Cốt. Hài Cốt được đặt dưới chân bàn thờ. Đó là nguồn gốc tấm đá thánh ở trên bàn thờ chứa đựng một xương thánh. Trước con mắt các Kitô hữu, Hài Cốt của Các Thánh Tử Đạo rất là quan trọng và nơi Các Ngài nằm nghỉ thì bất khả xâm phạm. Trong những hoàn cảnh hiểm nghèo (như ôn dịch, mất mùa, bị quân địch xâm chiếm…), người ta kiệu Hài Cốt Các Ngài, để xin Các Ngài ra tay cứu chữa.

Dần dần việc tôn kính Các Thánh Tử Đạo vượt khỏi ranh giới nơi gìn giữ dấu tích. Và có một ngày kỷ niệm được cử hành trên toàn Giáo Hội. Người ta lấy Các Ngài làm Đấng bảo trợ những nơi thờ phượng, các thành phố. Các tông đồ hầu như đều tử đạo. Người ta tôn kính Các Ngài cách đặc biệt, vì Các Ngài vừa là môn đệ của Chúa Giêsu vừa là những cột trụ của Giáo Hội tiên khởi.

Dần dần người ta tôn kính các Đức Giám mục sáng lập các Giáo hội địa phương, các tu sĩ truyền giáo, những “người cha trong đức tin”, rồi các trinh nữ và các góa phụ dâng mình cho Chúa, các nhà thần bí, các thầy dạy đạo lý (các tiến sĩ). Người ta coi lòng tôn kính Các Thánh như là việc mở rộng lòng tôn kính Các Thánh Tử Đạo. Người ta phân biệt : thánh tử đạo đỏ là những người đổ máu đào, thánh tử đạo xanh là những người ăn chay hãm mình, và thánh tử đạo trắng là những người đồng trinh và hoạt động bác ái.

 Sách viết về đời sống của các thánh xuất hiện đầu tiên vào thế kỷ IV. Năm 356 thánh A-tha-na-si-ô viết về cuộc đời thánh An-tôn, chỉ sau vài năm thánh An-tôn qua đời. Vào thời kỳ này cũng có lịch các thánh. Năm 993 Đức Giáo hoàng phong thánh cho Đức Ul-ric, Giám mục Augsbourg, nuớc Đức.

Ở Rôma lễ Các Thánh được cử hành tại Đền Pan-thé-on, Đền của người ngoại giáo kính các thần. Hoàng đế Rôma đã dâng cho Đức Giáo hoàng Bô-ni-fa-ci-ô IV ngôi đền này. Và ngày 13-5-610 Đền được biến thành Đền thờ dâng kính Đức Maria và Các Thánh Tử Đạo, rồi ít lâu sau Đền được dâng kính Đức Maria và Các Thánh. Năm 835 Đức Giáo hoàng Grê-gô-ri-ô IV ấn định ngày 1-11 làm ngày kính Các Thánh Tử Đạo và Các Thánh.

Với Lễ Các Thánh, Giáo hội tuyên xưng niềm tin vào cuộc sống mai hậu. Lễ này tôn kính rất đông người đã vui hưởng cuộc sống an bình và đầy ánh sáng bên cạnh Thiên Chúa. Đối với những người còn ở trần gian, lễ Các Thánh đề nghị một cách sống để đưa họ về cuộc sống đời đời. Lễ Các Thánh là một đại lễ của niềm hy vọng.

Chúng ta hãy đọc lại Lời Chúa trong lễ Các Thánh, nhất là Lời Chúa trong sách Khải Huyền,  để thấy niềm hy vọng, hạnh phúc của những người sống chết cho Chúa, vì Chúa.

Bài đọc 1 : Sách Khải Huyền trong bài đọc 1 là của thánh Gioan Tông Đồ. Sách viết vào cuối thế kỷ I, vào thời cấm đạo của hoàng đế Đô-mi-xi-ô của đế quốc Rô-ma. Sách có mục đích nói lên niềm hy vọng, hạnh phúc của các Kitô hữu : họ hãy nhìn niềm vui trên trời, để can đảm chịu mọi nỗi gian truân bắt bớ. Sách đã không nêu tên hoàng đế Rô-ma, mà dùng những hình ảnh biểu tượng như Babylon, Con Vật, Gái Điếm hay 3 số  6 (666). Theo quan niệm Do Thái, số 7 chỉ sự hoàn hảo, số 6 chỉ sự bất toàn. Bản văn chúng ta đọc trong thánh lễ hôm nay có hai thị kiến : thị kiến I  là Giáo hội ở dưới trần gian bị đau khổ, thị kiến II  là lễ tạ ơn ở trên trời.

Thị kiến I là Giáo hội ở dưới trần gian bị bắt bớ đau khổ. Trong khốn khổ, các Kitô hữu đã lớn tiếng kêu với Chúa : “Lạy Chúa chí thánh và chân thật, cho đến bao giờ Ngài trì hoãn không xét xử và không bắt những người sống trên mặt đất phải đền nợ máu chúng con ?” (6,10).

Ngày Thiên Chúa đến ra tay đánh phạt được gọi “Ngày lớn lao”, “Ngày thịnh nộ của Thiên Chúa” (6,17). Ngày đó “mặt trời tối đen” (6,12), “sao trên trời sa xuống đất” (6,13),”núi non và hải đảo dời đi nơi khác” (6,14), “vua chúa trần gian, vương hầu khanh tướng, người giầu sang, kẻ quyền thế và mọi người, nô lệ hay tự do, tất cả đều phải trốn vào hang hốc và núi đá, họ bảo núi và đá : ‘đổ xuống đè ta đi và che giấu ta cho khuất mắt Đấng ngự trên ngai, cho khỏi cơn thịnh nộ của Con Chiên” (6,15-16).

Đấng ngự trên ngai là Chúa Cha, Con Chiên là Chúa Kitô. Có một thiên thần mang ấn của Thiên Chúa đi lên từ phía mặt trời mọc, tức là từ phía sự sống, phía mặt trời lặn là phía sự chết, lên tiếng nói với 4 thiên thần được quyền sát phạt : “Xin đừng phá hại … trước khi chúng tôi đóng ấn trên trán các tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta” (7,3).

Trong sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en mô tả : một người mặc áo vải gai, đeo tráp ký lục ở ngang lưng… rảo khắp thành Giê-ru-sa-lem đóng ấn hình thánh giá trên những người được cứu thoát (9,6).

Trong bản văn sách Khải Huyền hôm nay chỉ nói trống là “đóng ấn”, không biết là ấn có hình gì. Có lẽ các độc giả của sách Khải Huyền hiểu là ấn bí tích Rửa tội, vì ngay đầu thế kỷ thứ II : ấn ám chỉ đến BT Rửa tội. Có 144.000 người được thiên thần đóng ấn. 144 bởi con số 12×12. 12 là 12 chi tộc Israel mới của 12 tông đồ, tức là Giáo hội.

Thị kiến II là lễ tạ ơn trên trời. Sách Khải Huyền viết : “Một đoàn người thật đông không tài nào đếm được, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm cành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô : ‘Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta” (7,9-10). Chung quanh ngai có các kỳ mục và 4 con vật.

Kỳ mục là tên gọi 70 kỳ mục mà ông Môsê chọn, là những nhà lãnh đạo các chi tộc, là 70 thành viên của Thượng Hội Đồng, là các nhà lãnh đạo các cộng đoàn tín hữu tiên khởi.

Còn 4 con vật, sách Khải Huyền trong đoạn 4 đã mô tả như sau : “Con vật thứ nhất giống như sư tử, con vật thứ hai giống như bò tơ, con vật thứ ba có mặt như mặt người, con vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay (4,7).

Thánh Irênê, giám mục Lyon của Pháp, coi 4 con vật này tượng trưng cho 4 tác giả của 4 sách Tin Mừng : Con vật mặt người là thánh Máccô, vì thánh Máccô viết về Chúa Giêsu thật là một  người; sư tử là thánh Mátthêu, vì thánh Matthêu viết về Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Thiên Sai, Con Sư Tử của chi tộc Giuđa; con bò tơ là thánh Luca, vì thánh Luca viết về Chúa Giêsu là đầy tớ của loài người, là lễ vật hy sinh cho nhân loại; con chim đại bàng là thánh Gioan, vì thánh Gioan viết về mầu nhiệm và sự thật đời đời của Chúa Giêsu.

Có một kỳ mục đã hỏi đoàn người đông đảo mặc áo trắng đó là ai thì được trả lời : “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (7,14). Sách Khải Huyền còn viết tiếp : “Họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền thờ của Người. Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa… Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ” (7,15-17). Bài đọc trong thánh lễ đã dài, nên không cho chúng ta đọc đoạn sách chứa chan niền hy vọng, hạnh phúc này.

Bài đọc 2 : Thư thú nhất của thánh Gioan tông đồ cũng nói lên niềm hy vọng, hạnh phúc của những người đau khổ vì Chúa : “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào : Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa “ (3,1), “Khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (3,2).

Bài Tin Mừng : Thánh Mátthêu đã viết 8 Mối Phúc Thật của Chúa Giêsu. 8 Mối Phúc Thật cũng nói đến niềm vui của những người vì Chúa mà đau khổ : đau khổ vì nghèo, vì hiền lành, vì sầu khổ, vì đói khát, vì thương người, vì trong sạch, vì xây dựng hòa bình, vì bị bách hại, vì bị người ta sỉ vả, bách hại, vu khống. Cuối cùng như Chúa Giêsu nói : “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (5,12).

Bà thánh Anê Lê thị Thành, người xứ Phúc Nhạc, Phát Diệm, bị bắt sáng chúa nhật phục sinh ngày 14-4-1841, vì cho các cha ẩn nấp. Trong nhà tù ở Nam Định, bà bị đánh đến nỗi bà kể với chồng : “Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức Mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn”. Cô Lucia Nụ, con gái út, đến thăm bà trong ngục, thấy áo mẹ loang lổ máu, cô đã khóc, nhưng thánh Anê Lê thị Thành nói với con : “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, Mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc ?”. Bà đã bị chết rũ tù ngày 12-7-1841, sau 3 tháng bị giam cầm tra tấn.

Lễ Các Thánh là niềm hy vọng, là hạnh phúc cho những ai sống chết cho Chúa, vì Chúa. Lễ Các Thánh là lễ khích lệ mọi người chúng ta noi gương Các Thánh can đảm theo Chúa, cố gắng sống thánh thiện để được phúc thiên đàng như Các Ngài (1-11-2003)

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành