Chúa Nhật XXXI Thường Niên – Năm B
CN.31.B
(Đnl 6,2-6;Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34)
Trong số 118 thánh Tử Đạo Việt Nam, cha thánh Phêrô Khanh có lòng thương yêu người như Chúa Giêsu dạy trong bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay. Cha Phêrô Khanh, quê Nghệ An, có công đào luyện các chủng sinh. Dù dưới thời cấm đạo, việc huấn luyện phải lén lút, cha cũng can đảm huấn luyện có lúc đông tới 40 chủng sinh.
Trên đường đi công tác Hà Tĩnh, cha Phêrô Khanh bị bắt và bị chém đầu vào ngày 11-7-1842. Cha là một thầy lang cao tay. Trong tù cha chữa bệnh cho nhiều tù nhân. Vợ của quan cai tù bệnh nặng, thầy lang nào cũng bó tay. Quan cai tù đành nhờ cha Phêrô Khanh. Dù quan cai tù hành hạ cha rất tàn ác, cha đã không báo thù, mà còn ra tay cứu chữa.
Thánh Phêrô Khanh đã thực hiện bài học yêu thương của Chúa Giêsu dạy. Bài TM thánh lễ kể : “Có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng : ‘Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu ?’” (Mc 12,28b). Trong luật đạo Do Thái có 613 điều luật : 365 điều cấm và 248 điều được phép. Ngòai ra còn có những điều luật lặt vặt. Vì thế nhiều khi không biết điều luật nào quan trọng nhất, điều răn nào đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả.
Chúa Giêsu trả lời : “Điều răn đứng hàng đầu là : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó” (12,29-31).
Hai điều răn mà Chúa Giêsu trả lời đều có trong sách luật. Điều răn “Mến Chúa” ở trong sách Đệ Nhị Luật (6,4-5). Điều răn “Mến Chúa” người Do Thái ghi trên cửa ra vào, đeo trên tay áo hay đặt trên trán. Điều răn “Yêu Người” ở trong sách Lêvi (19,18).
Tuy là hai điều răn cũ, nhưng Chúa Giêsu đã đổi mới.
- Cái mới thư nhất là Chúa Giêsu nối kết yêu Chúa và yêu người; không thể yêu Chúa mà không yêu người và không thể yêu người mà không yêu Chúa.
- Cái mới thứ hai là người thân cận. Vào thời sách Lêvi, người thân cận chỉ là người Do Thái; thời Chúa Giêsu, người thân cận thêm dân ngọai quốc cư ngụ trên đất Do Thái. Thế cũng chưa đủ, đối với Chúa Giêsu, người thân cận là mọi người, không phân biệt mầu da chủng tộc, người thương kẻ ghét, bạn hay thù.
Thánh Phêrô Khanh đã sống luật yêu thương như Chúa Giêsu dạy. Thánh nhân đã yêu Chúa đến nỗi sẵn sàng chết vì Chúa, và yêu thương người dù người đó là kẻ thù.
—————————————————-
CN.31.B
3-11-1991
Câu chuyện BTM hôm nay xảy ra trong ngày Thứ Ba Tuần Thánh. Ngày này cha Bossuet gọi là “Ngày Khẩu Chiến”, ngày mà Chúa Giêsu phải đối chất với các địch thù. Họ thay phiên nhau hỏi: để bắt bẻ, để gài bẫy Chúa Giêsu. Đủ mọi hạng người: tư tế, ký lục, Phariêu, niên trưởng, Hêrôđê. Thậm chí phe Hêrôđê và Pharisêu không bao giờ bắt tay nhau, thế mà hôm nay họ thân thiện với nhau để Chúa Giêsu bị đo ván.
Riêng có ông kinh sư này có vẻ dễ thương. Vì thế Chúa Giêsu đã khen : “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu”. Ông hỏi Chúa Giêsu : “Điều răn nào trọng nhất ?” Chúa Giêsu trả lời : “Điều răn trọng nhất là yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác trọng hơn các điều răn đó” (Đnl 12,30-31).
Chúa Giêsu chỉ lặp lại giao ước Thiên Chúa đã ký kết với dân Ít-ra-en qua trung gian ông Môsê, khi Thiên Chúa giải thoát dân ra khỏi đất Ai cập đi đến núi Sinai, mà bđ1 sách Đệ Nhị Luật kể lại.
Giao ước đó đã được ký bằng máu chiên, máu bò. Sách Xuất Hành kể : “Sáng hôm sau ông Môsê dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng 12 trụ đá cho 12 chi tộc Ítraen. Rồi ông sai các thanh niên dâng những lễ toàn thiêu và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Đức Chúa. Ông Môsê lấy một nửa phần máu đổ vào một cái chậu; còn nửa kia rảy trên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa : Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuận theo. Bấy giờ ông Môsê lấy máu rảy trên dân và nói : Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em” (Xh 24,3-8).
Giao ước Sinai này, thư Do Thái, bđ2 viết : “Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác, mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội mình, sau là để đền tội thay dân. Phần, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ” (Dt 7,27).
Giao ước mới, giao ước trên thập giá, giao ước trên bàn thờ hôm nay làm cho chúng ta thành dân Chúa và Chúa là Chúa của ta. Giao ước này vĩnh cửu, bởi vì của lễ vĩnh cửu và tư tế cũng vĩnh cửu. Thư Do Thái đã so sánh : “Trong Cựu Ước đã có nhiều người làm tư tế, bởi vì họ phải chết, nên không thể giữ mãi chức vị đó. Còn Đứa Giêsu , chính Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi” (Dt 7,23-24).
Nói đến tồn tại vĩnh cứu, không thể không liên hệ đến dự chêt, sự sống lại của ngày lễ Các Đẳng, tháng Các Linh Hồn.
Có một người hỏi ông Khổng Tử về sự chết, ông đáp : “Chưa biết cái lẽ sống, cần gì biết cái lẽ chết”.
Quan niệm về cái sống cái chết như thế, vậy mà khi ông Tử Cống nói với ông Khổng Tử :
– “Con học đã thấy mệt rồi, muốn nghỉ để thờ vua”.
Ông Khổng Tử trả lời :
– “Phận làm tôi thờ vua, kính cẩn làm trọn được trách nhiệm là việc khó, nghỉ thế nào được”.
Ông Tử Cống hỏi tiếp :
– “Vậy xin nghỉ để thờ cha mẹ”.
Ông Khổng Tử đáp :
– “Đạo hiếu thờ cha mẹ thật vô cùng, mà có thể cảm hóa được lòng người cũng là việc khó, nghỉ thế nào được”.
Ông Tử Cống nói tiếp :
– “Vậy xin nghỉ để chơi với bạn bè”.
Ông Khổng Tử trả lời :
– “Nghĩa bằng hữu phải giúp đỡ lẫn nhau, hết lòng hết sức với nhau. Cũng là việc khó, nghỉ thế nào được”.
Ông Tử Cống noi tiếp :
– “Vậy xin nghỉ để làm ruộng”
Ông Khổng Tử đáp :
– “Công việc nhà nông vất vả từ sáng đến tối, từ lúc gieo đến lúc gặt, cũng là việc khó. Nghỉ thế nào được”.
Ông Tử Cống hỏi :
– “Thế con không có lúc nào nghỉ sao ?”
Ông Khổng Tử đáp :
– “Có chứ, lúc con thấy cái huyệt đào đã nhẵn nhụi, cái mồ đắp đã chắc chắn, thấy người đi đưa cách biệt hẳn với mình, bấy giờ là lúc được nghỉ”.
Ông Tử Cống nói :
– “Vậy thì cái chết hay thật. Người quân tử lúc chết mới được nghỉ, mà kẻ tiểu nhân lúc chết mới thôi làm bậy”.
Chết mới được nghỉ. Còn Chúa, yêu thương đến chết vẫn yêu thương.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành