Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C


CN 1 MV C

2-12-2018

Trung Tâm Mục Vụ Chầu Thánh Thể

Ý CẦU NGUYỆN

Cầu cho việc truyền đạt đức tin : Xin cho những người dấn thân phục vụ việc tìm hiểu đức tin biết tìm ngôn ngữ thích hợp với thời nay trong khi đối thoại với các nền văn hóa.

 

GIÁO HUẤN SỐ 1

Thực Trạng của Gia Đình

“Trung thành với giáo huấn của Đức Kitô, chúng ta nhìn vào thực tế của gia đình hôm nay trong toàn cảnh phức tạp. với ánh sáng và bóng tối của nó. {…} Những thay đổi về nhân học và văn hóa ngày nay đang tác động lên mọi khía cạnh của đời sống và đòi phải có một lối tiếp cận có tính phân tích và đa dạng. Trong bối cảnh cách đây vài thập niên, các Giám mục Tây Ban Nha đã nhận ra một thực tế là trong các gia đình đã có được tự do nhiều hơn, “bằng sự phân công hợp tình hợp lý hơn các gánh nặng, trách nhiệm và công việc. {…} Khi càng đề cao sự thông giao nhân vị giữa vợ chồng,  người ta càng góp phần làm cho cuộc sống chung trong gia đình có tính nhân văn hơn {…} Cả xã hội ngày nay trong đó chúng ta đang sống, cũng như xã hội mà chúng ta đang hướng đến đều cho phép tiếp tục tồn tại những hình thức và mẫu mực gia đình như trong quá khứ mà thiếu sự phân biệt”. Nhưng “chúng tôi ý thức xu hướng chính của những thay đổi về nhân học và văn hóa đó đang dẫn các cá nhân đến chỗ ngày càng ít được hỗ trợ hơn so với quá khứ từ các cấu trúc xã hội, trong đời sống tình cảm và gia đình của họ” (Niềm Vui của Tình Yêu số 32).

——————————————

CN 1 MV C

(Gr 33,14-16; 1Tx 3,12-4,2; Lc 21,25-28.34-36)

Trong cuốn ‘‘Người Chứng Thứ Nhất’’ (1959, Sài gòn) của nhà văn Pham Đình Khiêm, đã viết : “Theo tài liệu trong ký sự của Cha Đắc Lộ, tác giả có viết về Thày giảng Anrê Phú Yên, vị tử đạo đầu tiên tại VN, có nghi lễ Giáng Sinh khá đặc biệt :

Lễ Giáng Sinh năm ấy (1643) đoàn Thày Giảng đang có mặt tại Kinh đô. Và lịch sử Giáo Hội VN đã được ghi một cuộc mừng Lễ Sinh Nhật khá ly kỳ, tổ chức ngay trong dinh ông Tổng trấn Nguyễn Phúc Khê, con bà Minh Đức. Tại đây, thày giảng Anrê Phú Yên, vốn có tài khéo léo dựng nên một hang đá rất đẹp. Máng cỏ ở giữa Thánh Giuse và Đức Mẹ. Giáo hữu khắp vùng lân cận đến viếng Chúa Hài Đồng. Chính ông Tổng Trấn Nguyễn Phúc Khê cùng con cháu, gia nhân đến thờ lạy và triều yết ‘‘Vua vinh hiển xuống thế làm người’’. Không có cha, không có thánh lễ, nhưng đặc biệt có một phụ nữ mạnh dạn và sốt sắng lên tiếng trước mặt giáo hữu và quan khách giảng về sự cao cả Chúa giáng trần. Phụ nữ ấy chính là bà Minh Đức, mẹ quan Tổng Trấn, bà dì của chúa Thượng. (Ngươi Chứng Thứ Nhất, trang 91)

Thiết tưởng cũng nên ghi thêm : Bà Maria Minh Đức Vương Thái Phi là tiết phụ của chúa Tiên, tức chúa Nguyễn Hoàng, con trai Đại thần Nguyễn Kim, thủy tổ nhà Nguyễn. Bà là dì ruột chúa Sãi Vương, là thân mẫu của Nguyễn Phúc Khê, Nghĩa Hưng Quận Công. Tổng Trấn Nguyễn Phúc Khê là con thứ 6 của Nguyễn Hoàng. Trong cuốn ‘‘Lịch Sử truyền giáo tại VN’’ (Quyển I trang 250), tác giả thuật lại lời nhà truyền giáo ghi công ơn bà Minh Đức như sau : Lúc sinh thời bà che chở cho giáo dân trong những cơn bách hại, bà hoạt động truyền giáo rất nhiệt thành. Sau 24 năm trung thành với Đạo Chúa và hoạt động tông đồ, bà từ trần vào cuối năm 1648, thọ hơn 80 tuổi. Giáo đoàn miền Nam thiệt hại rất nhiều vì cái chết của Bà. Một cây cột cái trong nhà giáo đoàn xứ Nam, và là vị lãnh đạo can trường của họ trong thời bị bách hại.

Đọc các sách Giáo sử của cha Nguyễn Hồng, cha Bùi Đức Sinh, cha Trương Bá Cần có kể Giáo Hội Việt Nam trong những ngày đầu đã tổ chức những ngày lễ Giáng Sinh, nhưng không thấy nói đến việc làm Hang đá; chỉ có sách “Người Chứng Thứ Nhất” của ông Phạm Đình Khiêm mới nói đến thầy Anrê Phú Yên làm hang đá ở nhà  con bà Minh Đức.

Dường như trong đời sống tiên khởi của Giáo Hội hoàn vũ, hang đá cũng mới xuất hiện thời thánh Phanxicô Assisi vào năm 1223. Sách “Thánh Phanxicô Assisi” của Antôn và Một Nhóm Anh Em viết : “Lễ Giáng sinh năm 1223 sắp đến. Đối với tâm hồn chí ái phong phú cảm tình của Phanxicô, ngày ấy là tất cả mầu nhiệm Tình Thương lan tràn giữa cảnh khó nghèo thiếu thốn. Nghĩ đến Đức Mẹ phải lỡ bước dọc đường trước giờ sinh nở, nghĩ đến thánh Giuse chạy chỗ này chỗ nọ, tìm quán trọ giữa đêm khuya, nghĩ đến Chúa Hài đồng bé bỏng nằm giữa đống rơm trong hang đá trống trải lạnh lùng, Phanxicô mủi lòng rơi nước mắt…

Hai tuần trước lễ Giáng sinh, Phanxicô mời ông Gioan Volita, một nhà quí tộc. đối diện với Grecciô, có một ngọn núi cao, có cây rậm và nhiều hang hốc. Phanxicô thấy có thể thực hành dự định mới lạ ngài đã tưởng tượng ra, là diễn lại cảnh Chúa giáng sinh trong máng cỏ. Ngài đề nghị với Gioan Vôlita :

  • Ông bạn ạ, tôi muốn diễn lại cảnh Bethlêem như sự thực năm xưa, để thông cảm hết những nỗi rét lạnh thiếu thốn của Chúa. Ông gắng giúp tôi một tay. Ông chọn một hang đá rộng rãi trống trãi trên sườn núi của ông, rồi chuẩn bị có một máng cỏ và cho dắt vào đó một con bò và một con lừa. Nhà quí tộc vui vẻ nhận lời, tận tâm sắm đủ vật liệu và cho quét dọn hang đá.

Theo lời Cêlanô kể bốn năm sau cuộc lễ, thì đêm lễ Giáng sinh năm 1223, ở Grecciô không khác gì Bethlêem xưa. Mầu nhiệm Thiên Chúa ra đời đã được diễn lại một cách tân kỳ. Giữa đêm khuya tăm tối, hàng ngàn ánh đuốc chập chờn của nhân dân kéo nhau theo con đường dốc ngòng ngoèo đi lên hang đá. Ở đó Gioan Volita đã cho dọn sẵn sàng. Có máng cỏ, có bò lừa, như hồi hộp chờ đợi giây phút linh thiêng Con Chúa ra đời. Rừng cây hang đá lấp lánh sáng ngời và vang dội các điệu hát bình dân hòa với giọng bình ca thánh vịnh của anh em. Phanxicô im lìm bên máng cỏ bùi ngùi, cám cảnh nhưng mặt mũi hân hoan…Về sau Chúa làm nhiều phép lạ tại hang đá Grecciô. Nhiều người bệnh đến viếng được chữa lành. Nhiều gia súc bò lừa bị bệnh đến đó lấy vài nắm cỏ. Thỉnh thoảng Chúa mở mắt âu yếm nhìn Phanxicô mỉm cười. Gioan Volita cũng được Chúa thưởng. Ông quả quyết rằng chính mắt ông đã thấy Chúa Hài Đồng ngự xuống nằm thiu thiu ngủ trong máng cỏ. Thỉnh thoảng Chúa mở mắt âu yếm nhìn Phanxicô mỉm cười (trang 287-289).

Hôm nay chúng ta bước vào Mùa Vọng. Lịch Giáo phận viết : “Mùa Vọng có hai đặc tính : vừa là mùa chuẩn bị mừng Lễ Giáng sinh, trong lễ này kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người, vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như là mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi” (trang 21).

Ước gì những việc chúng ta sửa soạn trong Mùa Vọng để đón chờ Chúa Giáng sinh, giúp sưởi ấm gia đình chúng ta. Nói rõ hơn, nhờ những gì chúng ta sửa soạn, gia đình chúng ta trở thành hang Belem cho Chúa sinh ra.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành