Chúa Nhật IV Mùa Vọng – Năm C


CN 4 MV C

23-12-2018

Giáo xứ An Ngãi Đông và Giáo họ Hòa Minh

Chầu Thánh Thể

GIÁO HUẤN SỐ 4

Thực Trạng của Gia Đình (tt)

Lịch Giáo phận trang 28

Điều đó không có nghĩa là không nhận ra sự suy đồi văn hóa không cổ võ tình yêu và sự hiến dâng nữa. Những ý kiến tham khảo trước hai Thượng Hội Đồng gần đây cho thấy rất nhiều triệu chứng khác nhau của một thứ “văn hóa tạm bợ”. Tôi nghĩ đến, chẳng hạn lối sống tốc độ trong đó người ta thay đổi từ quan hệ tình cảm sang quan hệ tình cảm khác. Người ta tưởng rằng tình yêu cũng giống như các mạng xã hội, có thể kết nối hay ngưng kết tùy theo sở thích của người tiêu dùng và cũng có thể nhanh chóng “bị chặn”. Tôi cũng nghĩ tới nỗi sợ mà người ta cảm thấy bởi viễn cảnh của một sự dấn thân vĩnh viễn khơi lên, nghĩ tới nỗi sợ không còn thời gian tự do, nghĩ tới những mối tương quan tính toán thiệt hơn, người ta băn khoăn liệu chúng ta có bù đắp được sự cô đơn, có một sự bao bọc chở che, hay được phục vụ thế nào đó hay không. Người ta chuyển đổi cách sống các quan hệ tình cảm giữa con người thành thái độ sống như khi ứng xứ với các đồ vật và môi trường, đó là xem mọi sự đều có thể vứt bỏ, mỗi người dùng xong rồi bỏ, mua và hủy, khai thác và vắt kiệt. Rồi thì chia tay! Chúng tự yêu mình thái quá khiến người ta không còn khả năng nhìn thấy được gì ngoài bản thân mình, ngoài những khao khát và những nhu cầu của mình. Những ai sử dụng người khác như các đồ vật, thì sớm hay muộn, sẽ bị người khác sử dụng, bị thao túng và bỏ rơi như thế. Một điều đáng lưu ý là hôn nhân đổ vỡ thường xảy ra nơi những người lớn tuổi mà thích tìm một lối sống ‘độc lập và từ chối lý tưởng chung sống với nhau cho đến tuổi già, để chăm sóc và nâng đỡ nhau (Niềm Vui của Gia Đình số 39).

———————————————————

CN 4 MV C

(Mk 5,1-4a; Dt 10,5-10; Lc 1,39-45)

Tuần trước, Chúa nhật thứ 3 Mùa Vọng, chúng ta nhìn gương sống của ông Alêxù Đậu, người Quảng Nam Đà Nẵng. Hôm nay, Chúa nhật thứ 4, Chúa nhật cuối cùng của Mùa Vọng, chúng ta nhìn gương sống của một bà cũng người Quảng Nam Đà Nẵng. Đó là bà Mônica Sum, người An Trạch. An Trạch bên cạnh giáo xứ Lệ Sơn, xã Hòa Tiến. Để thấy rằng tổ tiên cha ông chúng ta sống “đạo” cũng như sống “đời” tuyệt vời. Đúc cha Labbé nói rất đúng : “Các tín hữu Quảng Nam rất là can trường”.

Đức cha khen về những người : Ông Benoit (Bơ-noa) và bà Anna Ven, người làng Bát Nhị; ông Ba-tô-lô-mê-ô Miêu cũng người làng Bát Nhị; ông bà Phê-rô và Maria Thanh, người làng Kỳ Lam; ông Tôma Vinh, người làng Phước Lộc; bà Mônica Sum, người làng An Trạch; và 3 người khác không rõ tên.

Sau khi bị bắt, tất cả bị nhốt trong tù, rồi bị điệu ra tòa. Riêng bà Mônica Sum Đức cha khen : “Bà là một người can đảm đã làm vững lòng nhiều người”. Bà đi đầu, bị tra hỏi đầu tiên.

Quan dọa bà phải chết, nếu không bỏ đạo như lệnh vua ra, bà hiên ngang đáp :

  • Các quan vâng lệnh vua như ý các quan muốn; nhưng phần tôi, tôi không bao

     giờ bỏ đạo Chúa trời đất.

Quan giận ra lệnh :

  • Ngươi hãy dẫm chân lên ảnh tượng.

Quan nói tới nói lui hai ba lần, bà vẫn không sợ hãi, còn thưa lại :

  • Đạp ảnh tượng là chối đạo và xúc phạm đến Chúa Giêsu, tôi nhất định không làm.

Quan tra hỏi :

  • Tại sao không làm ?

Bà đáp :

         –   Nếu làm như vậy, tôi sẽ phạm đến Chúa toàn năng đã dựng nên tôi, và tôi sẽ

              phải phạt đời đời .

Quan dụ dỗ :

  • Ngươi cứ đạp đi ! Nếu Chúa có phạt thì ta sẽ chịu thay cho ngươi.

Bà đáp :

  • Sự xét sử của Thiên Chúa không như người thế gian, mỗi người phải chịu trách nhệm cho chính mình. Hình phạt quan chịu không thay thế được tội ác tôi chà đạp ảnh được đâu.

Quan ra lệnh đánh bà dữ tợn. Dù đang bị đánh, bà vẫn nói to lên :

  • Tôi chẳng bao giờ làm điều đó, tôi chẳng chối đạo.

Quan ra lệnh giam bà và bắt nhịn đói ba ngày. Nhờ gương can đảm của bà Mônica Sum, nên chỉ có một người đạp ảnh chối đạo; còn tất cả anh dũng xưng đạo và chịu đánh đòn. Thấy còn dông giáo dân can đảm đứng trước mặt, các quan nói với nhau :

 –  Chúng ta làm gì với cái đám đông này bây giờ, không lẽ giết họ chết cả sao?

    Tôi biết chắc họ không chối đạo. Nếu mình theo lệnh vua lên án chém hoặc

     bỏ đói họ cho chết thì chỉ gây thêm rối loạn cho tỉnh nhà thôi.

Một tháng sau quan cho giải các tù nhân về Kinh đô… Vừa trông thấy họ, Minh Vương hỏi ngay họ là những người nào. Quan trấn Quảng Nam thưa :

  • Thưa chúa thượng vạn tuế, đây là những người Da-tô Quảng Nam đã khẳng khái không chịu bỏ đạo. Các quan cố vấn đã có kinh nghiệm về những người này, họ không bao giờ sợ chết hay cực hình. Các quan chúng tôi không biết phải làm gì để bắt họ vâng lệnh chúa thượng, nên đã quyết định áp giải để xin mệnh lệnh chúa thượng.

Minh Vương đã từng thấy quả báo Thiên Chúa phạt những người ra tay đổ máu  các tín hữu. Nên muốn trốn tránh, nói :

  • Việc này đã lâu rồi, ngươi cho đến trễ quá. Những người này thuộc trấn Quảng Nam, vậy ngươi hãy đem về làm theo ý ngươi.

Vì không có lệnh rõ ràng, nên quan Quảng Nam không dám tha họ, mà cũng không dám xử tử. Tất cả 5 người đàn ông, 3 bà đàn bà, lần lượt bị chết đói trong tù vào năm 1700 đến năm 1713. (Vũ Thành, Dòng Máu Anh Hùng, tập I, trang 80-85).

Tất cả những người Công giáo Quảng Nam, nhất là bà Mônica Sum, người An Trạch, bên cạnh giáo xứ Lệ Sơn, là hình ảnh Đức Mẹ trong Lời Chúa thánh lễ hôm nay.

Bđ1 : Bđ1 thánh lễ hôm nay đọc sách ngôn sứ Mi-kha. Mi-kha có nghĩa là “Ai bằng Đức Chúa ?” (Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh ấn bản 2011, trang 2001).

Một vài năm trước khi Mi-kha công khai rao giảng cho vương quốc Giu-đa ở phía nam, thì ở miền bắc, các ngôn sứ A-mốt và Hô-sê đã rao giảng và cảnh tỉnh dân Ít-ra-en (Nhóm CGKPV, sđd, trang 2007).

Trước cảnh tàn phá của Sa-ma-ri và trước viễn tượng Giê-ru-sa-lem bị tàn phá, ông muốn khóc và rống lên, sẽ rên rỉ như chó sói, khóc than như đà điểu (1,8). Với những kẻ trục lợi, ông nói thẳng : muốn cánh đồng nào là chúng cướp lấy, muốn ngôi nhà nào là chúng chiếm đoạt (2,2). Với các thủ lãnh, ông dùng những hình ảnh chính xác và thấm thía tội lỗi của họ : các ông lột da khỏi thân người ta và bóc thịt khỏi xương của họ, chúng ăn thịt dân tôi (3,3). Với các ngôn sứ giả, ông cũng chẳng tha : khi không ai cho gì vào miệng chúng, thì chúng lại mở cuộc thánh chiến tấn công họ (3,5). Quay sang các nhà chức trách, ông chẳng hề run sợ : các người xây Giê-ru-sa-lem bằng máu, dựng Giê-ru-sa-lem bằng bất công (3,10). Dân chúng gian lận ông cảnh cáo : hỡi nòi gian ác, làm sao ta chịu nổi những của cải chiếm được bằng dối gian… Ta coi là liêm chính thế nào được những bàn cân gian trá, những túi đựng các quả cân gian ? Hạng giầu có trong thành thì hung hãn, còn dân thành thì quen ăn gian nói dối (6,10-12).

Có lời trách nào mà lại vang vọng đầy tình yêu, yêu thương và âu yếm như ở các câu : Dân Ta hỡi, Ta đã làm gì ngươi ? Ta đã làm chi khiến ngươi phiền lòng ? Hãy trả lời cho Ta (6,3-4).

Điều Đức Chúa đòi hỏi bạn : đó chính là thực thi công bình, quí yêu nhân nghĩa và khiêm nhường đi với Thiên Chúa (6,81).

Quí nhất là ngôn sứ loan báo Đấng Thiên Sai đến : Phần ngươi, hỡi Belem Ép-ra-tha, từ nơi ngươi Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en…Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en cho đến thời người sản phụ sinh con” (5,1-2).

Tân ước đã nhắc lại hai lần về Belem, nơi sinh ra của Đấng Thiên Sai, mà ngôn sứ Mi-kha tiên báo :

  • Khi các nhà chiêm tinh hỏi : “Đức vua dân Do Thái sinh ở đâu”, thì các thượng tế và kinh sư trả lời : Tại Be-lem miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng : Phần ngươi, hỡi Be-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là vị lãnh tụ dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2,5=Mk 5,1-3)
  • Sách Tin Mừng thánh Gio-an cũng nhắc lại : “Nào Kinh Thánh đã chẳng nói Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Be-lem, làng của vua Đa-vít sao ? (Ga 7,42)

BTM : “Người sản phụ sinh con” mà ngôn sứ Mi-kha tiên báo chính là Đức Maria trong bài Tin Mừng hôm nay. Thánh Lu-ca kể : “Bà Ê-li-sa-bét có thai được 6 tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ, đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a” (Lc 1,26-27).

Câu chuyện Đức Mẹ đi thăm viếng bà Ê-li-sa-bét, cha Nguyễn Công Đoan giải nghĩa như sau : “Điều gì đã xảy ra trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a sau khi thiên sứ giã từ ? Để nói lên điều ấy. Lu-ca kể ngay việc Đức Trinh Nữ Ma-ri-a vội vã lên đường đi viếng bà Ê-li-sa-bét và xử dụng đoạn Cựu Ước kể việc vua Đa-vít rước Hòm Bia Giao Ước về Giê-ru-sa-lem (x.2Sm 6)… Sau khi vua Đa-vít chiếm được Giê-ru-sa-lem làm thủ đô, vua đi rước Hòm Bia về (2Sm 6,1-19). Lần thứ nhất xảy ra tai nạn : ông Út-da  bị chết, vua Đa-vít sợ; ‘Hòm Bia Thiên Chúa đến ở với tôi thế nào được’. Vua gởi Hòm Bia ở nhà ông Ô-vét Ê-đôm. Ba tháng sau, nghe tin nhà Ô-vét Ê-đôm được chúc phúc, Đa-vít đi rước Hòm Bia về Lều  đã dựng gần nhà mình …

Vua Đa-vít sợ thì kêu lên : ‘Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được ?’. Còn bà Ê-li-sa-bét, khi nghe tiếng Đức Ma-ri-a chào thì ‘đứa con trong bụng nhảy mừng’, bà được đầy Thánh Thần, ‘kêu lớn tiếng’, nói lên mầu nhiệm Đức Ma-ri-a đang mang trong lòng : ‘Bởi đâu tôi được Thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này’. Thế là chúng ta có đám rước Hòm Bia Giao Ước mới, với đứa con trong bụng nhảy mừng và bà mẹ lớn tiếng tung hô.

‘Đức Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng rồi trở về nhà mình’. ‘Độ ba tháng’ gợi lại thời gian Hòm Bia ở nhà Ô-vét Ê-đôm, càng làm rõ thêm sự đối chiếu giữa Đức Ma-ri-a là Hòm Bia Giao Ước Mới với Hòm Bia Giao Ước cũ. Hòm bia xưa giữ Lời Thiên Chúa khắc trên hai bia đá, còn Hòm Bia Giáo Ước mới mang Lời Thiên Chúa đã làm mgười. Xưa Thiên Chúa xuống trên núi Xi-nai uy nghi trong khói và lửa, phán bằng tiếng sấm tiếng sét, rồi khắc Luật trên bia đá trao cho ông Mô-sê. Nay Thiên Chúa xuống làm bào thai yếu đuối trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a để lập Giao Ước Mới.

Chúng ta chỉ có thể thinh lặng thờ lạy và cùng với Đức Ma-ri-a ngợi khen Thiên Chúa vì Người đã làm những việc kỳ diệu nơi Đức Mẹ. Đức Mẹ được đầy ơn phúc là cho chúng ta. Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu nơi Đức Mẹ cũng là vì chúng ta. Trong kịch nghệ Hy-lạp thì sau mỗi phần diễn lại có một bài ca nói lên ý nghĩa của cảnh vừa diễn. Lu-ca áp dụng nghệ thuật này, và cho chúng ta bốn bài ca để diễn tả ý nghĩa mầu nhiệm Nhập Thể trong hai chương này : bài ca ‘Ngợi Khen’,  bài ca ‘Chúc Tụng’, bài ca ‘Vinh Danh’, và bài ca ‘An bình ra đi’ (Nguyễn Công Đoan, Phúc Âm Hóa Người Rao Giảng, Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Lu-ca, trang 69-71).

 

Bd2  Bài đọc 2 đọc thư Hip-ri (Do-thái). Thư được một vài môn đệ của thánh Phao-lô viết dưới ảnh hương của giáo huấn thánh nhân. Thư này viết cho những người Do-thái vào đạo. Thư muốn dạy rằng : “Chúa Ki-tô là Đấng Thiên Sai. Tất cả nghi lễ của Luật cũ chỉ là hình bóng của Luật Mới. Tác giả muốn nói rằng hy lễ Chúa Ki-tô dâng trên đồi Can-vê thay thế cho tất cả hy lễ ở Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Đức Ki-tô vâng lời tuyệt đối Thuên Chúa trên đồi Can-vê thay thế cho đạo cũ và là phương thế độc nhất và duy nhất cứu độ con người” (Cha Kevin OFM, The Sunday Readings năm C, trang 19).

Lời Chúa trong thánh lễ Chúa nhật 4 Mùa Vọng hôm nay, cho chúng ta những chân dung phụ nữ đón Chúa. Đó là “Người Phụ Nữ Sinh Con” của ngôn sứ Mi-kha, bà Ê-li-sa-bét, Đức Mẹ Ma-ri-a, và bà Mônica Sum của Quảng Nam Đà Năng chúng ta. Xin những người phụ nữ quí yêu này giúp gia đình chúng ta biết nhận ra Chúa đến với gia đình chúng ta trong đêm Giáng Sinh năm nay.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành