Ngày 2/1: Thánh Ba-si-li-ô Cả Và Thánh Grê-gô-ri-ô Na-zi-an-zê-nô, Giám Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh
Thánh Ba-si-li-ô Cả
Thánh Ba-si-li-ô đang là một thầy giáo nổi tiếng thì người quyết định theo đuổi đời sống tu trì nghèo hèn của Phúc Âm. Sau khi tìm hiểu các phương thức tu trì, có thể nói người sáng lập đan viện đầu tiên ở Tiểu Á. Người nổi tiếng đối với các vị ẩn tu Ðông Phương cũng như Thánh Benedict nổi tiếng ở Tây Phương, và quy luật người viết đã ảnh hưởng đến đời sống đan viện Ðông Phương mãi cho đến ngày nay.
Sau khi thụ phong linh mục, người là phụ tá cho Ðức Tổng Giám Mục của Caesarea (bây giờ là vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ) và sau cùng chính người trở thành tổng giám mục, bất kể sự chống đối của các giám mục phó, có lẽ vì người đã nhìn thấy những canh tân cần thiết. Trong nhiệm vụ của một tổng giám mục, người siêng năng học hỏi và làm việc liên lỉ. Ðiều này giúp người được gọi là “Vĩ đại” ngay trong thời của người và là Tiến Sĩ Hội Thánh sau khi người chết.
Vào thời ấy, một trong những nguy hại nặng nề cho Giáo Hội là bè rối Arian, mà họ khước từ thiên tính của Ðức Kitô. Hoàng đế Valens bách hại đạo chính thống, và ép buộc Ðức Ba-si-li-ô phải giữ im lặng và chấp nhận cho những người bè rối được rước lễ. Ðức Ba-si-li-ô giữ vững lập trường, và Valens phải nhượng bộ. Nhưng khó khăn vẫn còn. Khi vị đại thánh Anthanasius từ trần, trách nhiệm che chở bảo vệ đức tin chống với bè rối Arian đổ xuống trên Ðức Ba-si-li-ô. Người cố gắng khủng khiếp để kết hợp và phục hồi những người Công Giáo đang bị tan nát vì sự bạo ngược và vì chia rẽ nội bộ. Có thể nói sự chiến thắng tà thuyết Arian trong Công Ðồng Nicene và việc lên án tà thuyết này trong Công Ðồng Constantinople năm 381-382, phần lớn là do công lao của người.
Người làm việc không biết mệt trong công việc mục vu, chống với nạn buôn thần bán thánh, giúp đỡ nạn nhân của hạn hán và đói kém, cố gắng thay đổi hàng giáo sĩ, nhấn mạnh đến tinh thần kỷ luật, người không sợ lên án những điều xấu xa một khi được nhận thấy, và ra vạ tuyệt thông những ai dính líu đến nạn mãi dâm ở Cappadocia.
Ðức Ba-si-li-ô nổi tiếng là một nhà diễn thuyết. Các văn bản của người, dù thời ấy không nổi tiếng, đã đưa người lên hàng các bậc thầy của Giáo Hội. Bảy mươi hai năm sau khi người từ trần, Công Ðồng Chalcedon đã đề cập đến người là “Ðức Ba-si-li-ô vĩ đại, người thừa tác ơn sủng đã dẫn giải chân lý cho toàn thể trái đất.”
Lời Bàn
Như người Pháp thường nói, “Càng thay đổi bao nhiêu, họ càng giữ nguyên như vậy.” Thánh Ba-si-li-ô phải đối diện với các khó khăn giống như Kitô Hữu ngày nay. Bổn phận của một vị thánh là duy trì tinh thần Ðức Kitô trong những vấn đề thật đau khổ và phức tạp, như cải cách, tổ chức, chiến đấu cho người nghèo, duy trì sự quân bình và bình an khi bị hiểu lầm.
Lời Trích
Thánh Ba-si-li-ô nói: “Thực phẩm mà bạn không dùng là thực phẩm của người đói; quần áo bạn treo trong tủ là quần áo của người trần truồng; giầy dép bạn không dùng là giầy dép của người chân không; tiền bạc bạn cất giữ là tiền bạc của người nghèo; hành động bác ái mà bạn không thi hành là những bất công mà bạn đã phạm.”
Thánh Grê-gô-ri-ô Na-zi-an-zê-nô
Thánh Grê-gô-ri-ô ở Nazianzus — Tiến Sĩ Hội Thánh và là một trong ba vị Giáo Phụ Cappadocian (hai vị khác là Thánh Ba-si-li-ô Cả và Thánh Grê-gô-ri-ô ở Nyssa) — là con của đức giám mục ở Nazianzus thuộc Cappadocia. Người được học hỏi nhiều về các văn bản Kitô Giáo, nhất là của Origen, và triết Hy Lạp. Trong khi theo học ở Cappadocian Caesarea, người gặp Ðức Ba-si-li-ô, và từ đó nẩy nở một tình bạn thắm thiết có ảnh hưởng tốt cũng như xấu đến cuộc đời người.
Theo lời mời của Ðức Ba-si-li-ô, Grê-gô-ri-ô gia nhập một đan viện mới thành lập của Ðức Ba-si-li-ô. Tuy nhiên, đời sống ẩn dật phải bỏ dở khi cha của người cần người trông coi địa phận và bất động sản. Và dưới áp lực của người cha, người chịu chức linh mục. Vì sự giằng co giữa đời sống ẩn dật và công khai, hơn một lần người phải trở về đan viện khi cộng đoàn cần đến người.
Người khéo léo tránh cuộc ly giáo đang đe dọa thời ấy, vì cha của người có thoả hiệp với bè rối Arian. Lúc 41 tuổi, Grê-gô-ri-ô được chọn làm Ðức Giám Mục Phó của Caesarea và ngay lập tức đụng độ với Hoàng Ðế Valens, là người hỗ trợ bè rối Arian. Kết quả không may của cuộc chiến chống với tà thuyết là sự lạnh nhạt tình bạn giữa hai người. Ðức Ba-si-li-ô, là tổng giám mục, đã sai người đến một thành phố nghèo nàn và bệnh hoạn tiếp giáp với phần đất lấn chiếm cách bất công vào địa phận của người.
Khi việc chống đối bè rối Arian chấm dứt với cái chết của Valens, Ðức Grê-gô-ri-ô được gọi về xây dựng lại đức tin trong giáo phận lớn Constantinople đã bị ảnh hưởng bởi tà thuyết Arian trong ba thập niên. Mệt mỏi và bối rối, người bị lôi vào cơn lốc của sự thối nát và bạo loạn. Trong hoàn cảnh ấy người bắt đầu viết các bài giảng nổi tiếng về Thiên Chúa Ba Ngôi. Kịp thời, người tái xây dựng đức tin của thành phố, nhưng phải trả bằng một giá quá đắt của sự đau khổ, vu khống, sỉ nhục và ngay cả hành hung cá nhân người.
Những ngày cuối đời, người sống cô độc và khắc khổ. Người sáng tác thi ca tôn giáo, trong đó có một ít về tự truyện, thật sâu xa và mỹ miều. Người nghĩ rằng đức tin nơi Thiên Chúa không thể thấu hiểu được là nền tảng cho thần học chân chính. Tài hùng biện và việc bảo vệ lập trường đức tin của người trong Công Ðồng Nicea đã giúp người xứng đáng được gọi là “Thần học gia.”
Lời Bàn
Sự xôn xao về những thay đổi trong Giáo Hội hiện nay, dù có chút lo lắng cũng chỉ là cơn bão nhỏ so với sự tàn phá do bè rối Arian gây nên, là một thảm kịch mà Giáo Hội không bao giờ quên. Ðức Kitô không hứa hẹn loại thanh bình mà chúng ta muốn được hưởng — không có khó khăn, không có chống đối, không có đau khổ. Cách này hay cách khác, sự nên thánh luôn luôn là con đường thập giá.
Lời Trích
“Thiên Chúa chấp nhận những khao khát của chúng ta như thể chúng có giá trị lớn. Người nóng lòng mong ước chúng ta khao khát và yêu thương Người. Người chấp nhận những thỉnh cầu có lợi cho chúng ta như thể chúng ta đang làm ơn cho Người. Niềm vui của Người khi cho đi thì lớn hơn niềm vui của chúng ta khi được lãnh nhận. Do đó, chúng ta đừng thờ ơ khi cầu xin, cũng đừng giới hạn các thỉnh cầu; cũng đừng xin những điều phù phiếm bất xứng với sự cao trọng của Thiên Chúa” (Bài giảng Thánh Grêgôgy Nazianzus).