Lễ Chúa Hiển Linh


Lễ Hiển Linh C

6-1-2019

Giáo xứ Tam Kỳ

Chầu Thánh Thể

Giáo Huấn Số 6

Thực Trạng của Gia Đình (tt)

Các Nghị phụ Thượng Hội Đồng đã nói tới “những khuynh hướng văn hóa hiện nay có vẻ như khong áp đặt một giới hạn nào cho vấn đề tình cảm của con người {…} một thứ tình cảm qui ngã, bất ổn và thay đổi bất thường, vốn không luôn giúp người ta đạt tới sự trưởng thành chín chắn hơn”. Các nghị phụ cũng bày tỏ bận tâm về sự “sự tràn lan những hình ảnh khiêu dâm và thương mại hóa thân xác được thúc đẩy bởi việc lạm dụng các mạng hoàn cầu” và “về hoàn cảnh của những người bị buộc phải bước vào con đường mãi dam”. Trong bối cảnh đó, “các đôi vợ chồng đôi khi không quyết đoán, lưỡng lự và phải vất vả tìm kiếm những cách thế lớn lên. Nhiều người có xu hướng dừng lại ở những giai đoạn ban đầu của đời sống tình cảm và tính dục. Khủng hoảng trong quan hệ lứa đôi khiến gia đình bất ổn và qua việc li thân và li dị có thể gây ra những hệ lụy quan trọng cho người lớn, trẻ em và toàn xã hội, làm suy yếu các cá nhân và các mối liên kết xã hội”. Những khủng hoảng đời sống hôn nhân, thường được người ta đương đầu “cách quá vội vàng và không đủ can đảm để kiên nhẫn, thẩm định, tha thứ cho nhau, làm hòa lại với nhau, và cũng để hy sinh cho nhau. Như thế những thất bại sẽ làm nẩy sinh những quan hệ mới, những đôi bạn mới, các kết hợp và hôn nhân dân sự mới, tạo nên những hoàn cảnh gia đình phức tạp và bất ổn đối với chọn lựa đời sống đức tin” (Niềm Vui của Gia Đình số 41).

CN.CHÚA HIỂN LINH

(Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12)

Cha Phao-lô Phạm Khắc Khoan, cha sở xứ Phúc Nhạc, Phát Diệm. Khi đi dâng lễ tại họ Đông Biên, cha bị bắt. Dầu đã 69 tuổi, quan Nam Định vẫn xử tàn nhẫn với cha. Ban đêm chân bị cùm, ban ngày bị xiềng, rồi bị tra tấn nhiều lần. Dầu đau đớn khổ sở, cha vẫn vững đức tin. Cha không bước qua Thánh Giá chối đạo.

Quan nói : “Tôi muốn tha ông, chỉ mong ông bước qua thập giá”.

Cha tỏ bày cõi lòng : “Đã ba năm trong tù, tôi đã suy nghĩ kỹ rồi. Càng nghĩ tôi càng xác tín hơn, càng cương quyết giữ đức tin cho đến chết”.

Quan nói : “Thế ông không muốn sống à ?

Cha đáp : “Mọi sinh vật đều muốn sống, huống chi con người có lý trí. Ai biết giá trị cuộc sống mà chẳng ham sống. Thế nhưng, với người theo đạo Chúa, chết thân xác đời này, nhưng sẽ có sự sống đời đời trên thiên đàng. Do đó, chúng tôi không sợ chết vì đạo Chúa”.

Quan hỏi : “Ông tin có thiên đàng hả ? Ai bảo ông có thiên đàng ?

Cha trả lời : “Đó là chuyện đương nhiên. Như vua ban thưởng cho các trung thần, thì Chúa trời đất chẳng nhẽ không ban thưởng cho các tôi trung phục vụ cho đến chết sao ? Nơi tưởng thưởng đó chúng tôi gọi là thiên đàng”.

Quan lại hỏi : “Nghe ông nói có lý, nhưng ai đã dạy ông có Thiên Chúa ?

Cha đáp : “Chẳng cần phải ai dạy. Chính trời đất vũ trụ là cuốn sách mở ra dạy ta bài học đó. Nhìn ngắm những công trình kỳ diệu thiên nhiên, tức khắc phải nhận ra có Đấng sáng tạo và gìn giữ. Chúng tôi gọi Đấng Tạo Hóa là Đức Chúa Trời, và chúng tôi tôn thờ Người”.

Dùng bất cứ biện pháp nào cũng không làm lay chuyển đức tin của ông già 69 tuổi, quan Nam Định truyền điệu ngài ra pháp trường Bẩy Mẫu, Nam Định chém đầu. Ngày hồng phúc tử đạo của cha là ngày 28-4-1840 thời vua Minh Mạng.

BTM :  Cha Phao-lô Phạm Khắc Khoan nói với quan : “Nhìn ngắm những công trình kỳ diệu thiên nhiên, tức khắc phải nhận ra có Đấng sáng tạo và gìn giữ”. Các nhà chiêm tinh trong BTM thánh lễ trả lời vua Hê-rô-đê : “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đên bái lạy Người” (Mt 2,2).

Ông Diderot, nhà triết học Pháp, ở thế kỷ 18 nói : “Mắt và cánh của con bướm đủ đánh đổ một người không tin”.

Kinh Thánh : Ngắm trời nhìn đất biết có Thiên Chúa; nhưng để biết Thiên Chúa là ai, phải đọc Kinh Thánh. Ngôi sao không dẫn các nhà chiêm tinh đến thẳng Be-lem. Đến Giê-ru-sa-lem ngôi sao biến đi, để các nhà chiêm tinh hỏi vua Hê-rô-đê. Vua Hê-rô-đê hỏi các thượng tế và kinh sư. Các thượng tế và kinh sư trả lời : “Tại Be-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng : Phần ngươi, hỡi Be-lem, miền đất Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en, dân Ta, sẽ ra đời” (Mt 2,3-4).

Thánh Giê-rô-ni-mô nói : “Nếu không đọc Kinh Thánh thì không biết Chúa, cũng giống như không biết những chữ cái ABC thì không biết đọc chữ

Công đồng Va-ti-ca-nô II viết : “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu”.

Cha Phao-lô Phạm Khắc Khoan không nhắc đến Kinh Thánh, nhưng chắc chắn cha đã nghe và đã đọc Kinh Thánh. vì thời đó đã có sách Kinh Thánh.

Ông già Anrê là ông Anrê Sơn. Ông được rửa tội năm 1584. Ông là ông trùm của xóm đạo Thanh Chiêm, Phước Kiều ngày nay. Ông là nhà nho uyên bác. Ông có 2 người con tên là Emmanuel và Louis. Louis là linh mục Louis Đoan, người Việt Đàng Trong thứ ba, chịu chức năm 1676. Ba cha con ông già Anrê Sơn đã dịch sách Kinh Thánh phần Ngũ Thư thành 4000 câu thơ bằng tiếng Việt (Đinh Trọng Uyên, Đinh Bá Truyền, Dinh Trấn Thanh Chiêm, 2010, trang 96-97).

Cha Bùi Đức Sinh viết : “Trong số những người hoàng tộc, cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes đã giảng đạo ở miền Bắc từ năm 1627-1630) đã ghi lại cho chúng ta tên công chúa Catarina, chị chúa Trịnh tráng… Công chúa không những nhiệt thành truyền đạo trong triều vua phủ chúa, bà còn đem tài văn chương ra để phục vụ Giáo Hội. Bà đặt thành thơ văn Lịch Sử Công Giáo, bắt đầu từ tạo thiên lập địa đến khi Chúa Giê-su xuống thế làm người, tử nạn, phục sinh và lên trời. cuối sách, phụ thêm đoạn kể chuyện các giáo sĩ đến Đông Kinh (Miền Bắc) và công việc truyền giáo ở đó. Những thơ văn ấy đã thu hút được nhiều người theo đạo” (Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, quyển I, trang 132-133).

Sao lương dân trở lại, cón Israel thì không?

Sách “Chú Giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm C” của Giáo Hoàng Piô Học Viện Đàlạt viết : “Trong trình thuật các đạo sĩ, hình như Mát-thêu cố gắng trả lời cho một vấn nạn khắc khoải mà kitô hữu gốc Do thái thuộc thế kỳ I đặt ra : Vì sao Israel không trở lại với Tin Mừng, trong lúc lương dân trở về hàng loạt ? Trả lời : lương dân ngoan ngoãn với Thiên Chúa hơn. Thí dụ : các đạo sĩ. Những vị này theo sự hiểu biết tự nhiên và dưới sự hướng dẫn của Chúa quan phòng (tượng trưng bằng một ngôi sao) đã tin vào Hài Nhi. Trái lại các thủ lãnh Do thái giáo, cùng với vị vua nửa giáo nửa lương của họ, Hêrôđê, đã không tin vào Ngài, mặc dầu họ có được lời mặc khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh (lời đã loan báo rõ ràng Hài Nhi sẽ sinh tại Belem). Việc người ngoại đã tin Chúa Giêsu gợi lại các lời tiên tri Isaia (49,23 và 60,3-6) cũng như Tv 72,10-15 mà Mt cho rằng đã ứng nghiệm).

Còn Nhóm CGKPV thì viết :

Câu chuyện này cho thấy sự đối kháng rõ rệt giữa thái độ thờ ơ và thù nghịch của dân Do-thái với Hài Nhi và lòng tin mau mắn, quảng đại của dân ngoại : các thượng tế và kinh sư nắm vững các lời các ngôn sứ mà không nhận ra Đấng Mê-si-a; trong khi những ngưới dân ngoại lại nhìn nhận Người và đi tìm kiếm mà thờ lạy (Tân Ước 1994, trang 58).

Âu châu  bỏ Chúa ?

Dựa trên khảo sát xã hội tại châu Âu, Stephen Bullivant vừa công bố một báo cáo ngắn gọn có tựa đề “Thanh niên châu Âu và Tôn Giáo”, để hỗ trợ cho các cuộc thảo luận của Thượng Hội Đồng Giám Mục về thanh niên vào tháng Mười tới đây.

Báo cáo này trình bày khuynh hướng tôn giáo của thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 29. Việc tham dự các việc thờ phượng và các hoạt động tôn giáo ở hầu hết các quốc gia châu Âu được ghi là rất thấp.

Tại Cộng hòa Tiệp, 91% thanh niên tuyên bố không theo bất cứ tôn giáo cụ thể nào, 80% chưa bao giờ cầu nguyện một lần nào trong đời, và 70% chưa bao giờ tham dự bất kỳ nghi lễ tôn giáo.

Cộng hòa Tiệp có thể là một trường hợp cực đoan, nhưng các con số thống kê rất thấp cũng được tìm thấy tại Anh, Hà Lan, và Thụy Điển.

Tại Anh, nơi Anh Giáo được xem là quốc giáo, chỉ có 7% số người được hỏi tự nhận mình là tín hữu Anh giáo, so với 10% xác định mình là người Công Giáo và 6% nói mình là người Hồi giáo.

Những người thuộc vào loại “Không bao giờ cầu nguyện” là một con số nổi bật. Dân số “Không bao giờ cầu nguyện” bao gồm một đa số đáng kể các thanh niên ở Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, và Hung Gia Lợi.

Tuy nhiên, các con số thống kê của Bullivant cũng không hoàn toàn là bi quan. Ông nhận thấy niềm tin Kitô giáo và việc thực hành tôn giáo vẫn phát triển mạnh ở các nước như Ba Lan, Lithuania , Ái Nhĩ Lan và Bồ Đào Nha — nhưng xu hướng vô thần xem ra là hiển nhiên.

Bullivant nhận xét rằng “Kitô giáo như một mặc định, như một chuẩn mực, đã biến mất, và có lẽ sẽ biến mất luôn ít nhất là trong một trăm năm tiếp theo ….Mặc định mới nhất trong xã hội châu Âu sẽ là không có tôn giáo, và các tín hữu sẽ thấy mình bơi ngược dòng

 Tại sao mất đức tin ?

Ai có dịp sang nước ngoài, sẽ thấy môi trường để đức tin mọc lên, lớn lên như mảnh đất hoang khô cằn. Nhà ở, nhà trường không còn bàn thờ, ảnh tượng.  Người ta không nhiệt thành đi lễ. Lớp giáo lý vắng người, mà cũng không còn nữa. Hội đoàn đạo đức cũng vắng, thỉnh thoảng còn những nhóm nhỏ… Ngay cả người Việt Nam rất sùng đạo. Thậm chí những cuộc họp, cuộc rước làm sống lại đức tin người bản quốc. Thế nhưng, không còn ảnh hưởng nơi con cái. Một phần không còn đồng tiếng nói. Một phần con cái bị ảnh hưởng môi trường sống vô đạo. Hiện tượng phản kháng tôn giáo giữa cha mẹ và con cái không phải là ít, mà hầu như khônng còn, vì cha mẹ không thể nói “đọc kinh”, “đi lễ” với con cái được nữa.

Phải chăng nhận xét của ông Stephent Bullivant sẽ đúng ?

Đức tin nhà bác học Einstein

Tạp chí Time trong một số báo gần đây đã trích đăng những dòng nhật ký của Einstein, nó giúp chúng ta hiểu được một phần nào cảm nhận, suy nghĩ của Einstein về Thượng Đế và tôn giáo. Có những bất đồng quan điểm khi xem ông là người vô thần hay có lòng tin. Hãy để những giòng nhật ký của ông tự nói lên.

Thật sự ông đã tin như thế nào về tôn giáo và Thiên Chúa? Đây là một vài lời bình của ông:

Tại một bữa ăn tối khi được hỏi có phải ông là người có đức tin tôn giáo, nhà khoa học của chúng ta đã trả lời: «Vâng, các bạn có thể gọi như vậy. Thử dùng trí óc và những phương tiện hữu hạn của chúng ta để cảm nhận về sự huyền bí của tự nhiên, của vũ trụ, các bạn sẽ thấy bên cạnh những quy luật, những liên kết chúng ta có thể nhận thức được thì vẫn còn rất nhiều điều huyền ảo, không thể giải thích, không thể thấu hiểu được. Tôn kính một lực vượt quá những gì trí óc con người có thể hiểu thấu được, đó là tôn giáo của tôi. Diễn giải như vậy,  đúng thật, tôi là người có tôn giáo.»

Gia đình Einstein là người Do thái, thân phụ ông theo thuyết bất khả tri của Do thái giáo và gởi ông vào học trường Công giáo dành cho nam sinh. Ở trường Einstein say mê học cả giáo lý công giáo và cả các bài trong thánh kinh Do thái. Khi được hỏi Thiên Chúa giáo ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời của mình, Einstein đã trả lời: “Khi còn là một đứa trẻ tôi đã hấp thụ giáo lý tôn giáo qua Thánh Kinh và sách Talmud của Do Thái giáo. Tôi là người Do Thái nhưng cuộc đời sáng chói của Đức Giê-su đã lôi cuốn tôi. Không ai lúc đọc Phúc Âm mà không cảm nhận được sự hiện hữu của Ngài. Nhân cách của Người ở trong từng câu chữ. Không một truyền thuyết nào có thể thêu dệt nên một cuộc đời như vậy được.”

Khi được hỏi ông có thật sự tin vào Thiên Chúa không, ông trả lời: “Tôi không phải là người vô thần. Tôi cũng không nghĩ tôi là người theo thuyết phiếm thần. Điều này quá rộng lớn so với trí óc hạn hẹp của chúng ta; giống như đứa trẻ đi vào một thư viện rộng lớn chứa đầy sách đủ loại ngôn ngữ. Đứa trẻ biết chắc hẳn có một ai đó đã viết nên những cuốn sách này nhưng nó không biết tác giả là ai và được viết như thế nào. Nó cũng không thể hiểu ngôn ngữ viết trong các sách đó. Đứa trẻ lơ mơ hoài nghi về trật tự bí mật trong cách sắp xếp các cuốn sách nhưng vẫn không hiểu được trật tự bí mật đó là gì cả. Điều đó cũng giống như khi tôi bày tỏ quan niệm của mình về Thượng đế. Chúng ta nhìn ngắm vũ trụ được sắp xếp một cách tuyệt diệu và tuân theo những quy luật này, còn để hiểu thì chúng ta chỉ hiểu được một cách lờ mờ thôi.”

Có một lần Einstein đã viết một tín điều riêng cho mình. Và đây là một trong các nguyên tắc của ông: Cái đẹp nhất mà chúng ta có thể cảm nhận được đó là sự huyền bí của vũ trụ. Đó là cảm xúc nền tảng là chiếc nôi của khoa học và nghệ thuật chân chính. Ai xa lạ với cảm xúc này, không còn biết ngạc nhiên, say mê thì kể như họ đã chết, giống như cây nến bị dập tắt. Đằng sau tất cả những điều chúng ta có thể cảm nhận thì có một khả năng mà chúng ta khó có thể nắm bắt được, đó là cái đẹp cao cả, nó chỉ đến với chúng ta một cách gián tiếp: qua tôn  giáo. Trong nghĩa này, và chỉ trong nghĩa này, tôi là người có tín ngưỡng sâu xa. 

Vì thế ông thường khe khắt đối với người vô thần hơn là người có lòng tin. Điều gì đã chia cắt tôi khỏi cái gọi là những người vô thần, đó chính là cảm xúc tôn kính hoàn toàn khi đứng trước một vũ trụ hài hòa đầy những điều huyền bí mà trí óc con người không thể thấu hiểu được. Những người vô thần cố chấp là những người không có ý thức, không lành mạnh khi phản ứng với quá khứ của mình: những người vô thần cuồng tín tương tự như những người nô lệ vẫn còn cảm giác đè nặng của xiềng xích, cái mà họ đã quăng đi sau khi chiến đấu gian khổ cho tự do. Họ là những tạo vật – trong mối hận thù chống tôn giáo truyền thống như thuốc phiện của dân tộc – đã không thể nào nghe được âm nhạc của vũ trụ…  

Ông không nắm được một vài chuyện đúng, nhưng ai nắm được? Là tín hữu kitô, chúng ta tin rằng việc đầu tiên chúng ta cần khẳng định là Thiên Chúa là điều không thể diễn tả được. Chúa ở ngoài tầm suy nghĩ của chúng ta… Có nghĩa là, dù chúng ta biết Chúa, nhưng chúng ta không thể tưởng tượng, không thể hình dung, không có bất cứ từ ngữ chính xác nào để có thể nói về Thiên Chúa. Thiên Chúa là đấng vô biên cách xa tất cả ý nghĩ và tưởng tượng của chúng ta. Việc chúng ta cố gắng tưởng tượng về Thiên Chúa cũng giống như cố gắng tưởng tượng về con số cao nhất, chuyện không thể làm được vì những con số không có giới hạn, lúc nào mình cũng có thể đếm thêm một số.

Một Thiên Chúa không thể tưởng tượng chính xác, và đó là tín điều của đạo Kitô. Công đồng Lateran Thứ Tư nói về tín điều rằng bất cứ chữ nào chúng ta dùng để nói về Thiên Chúa đều không chính xác hơn là chính xác, có phải Einstein cũng nói như vậy? Một cảm nhận khiêm tốn đứng trước các bí mật không dò tìm được của vũ trụ hài hòa.

Cá nhân tôi nhận thấy những cảm nhận của Einstein thật lành mạnh và tươi mát, đầy giá trị đối với niềm tin vào Thiên Chúa. Khi một người có thể nói là nhà khoa học lớn nhất lịch sử như Einstein nói với chúng ta rằng có một thứ trật không thể tưởng tượng được, tốt lành, khủng khiếp, điều khiển chúng ta từ rất xa thì chúng ta nên ngạc nhiên và tôn kính trước điều đó, thì các luận cứ của chúng ta về đức tin có vẽ như ngây ngô và dị đoan, khó thuyết phục được (J.B. Thái Hòa dịch, phanxicovn 28/09/2017)

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành