Chúa Nhật III TN – Năm C
Chúa Nhật III TN – Năm C
27-1-2019
—————————————————
Giáo xứ Hòa Khánh
Chầu Thánh Thể
Giáo Huấn số 9
Lịch Giáo Phận trang 37
Thực Trạng của Gia Đình (tt)
Các nghị phụ cũng quan tâm đặc biệt “đến các gia đình của những người khuyết tật, nẩy sinh một thách đố sâu sắc và bất ngờ, có thể làm đảo lộn sự quân bình, các ước mong và những kỳ vọng {…}. Thật đáng khâm phục những gia đình sẵn sàng yêu thương đón nhận thử thách cam go của một đứa con tật nguyền. Các gia đình này cống hiến cho Hội thánh và xã hội một chứng từ rất quí giá về lòng trung tín với hồng ân sự sống. Gia đình cùng với cộng đoàn Kitô hữu, sẽ có thể khám phá được những hành động và ngôn ngữ mới, những hình thức mới để thông cảm và liên đới trong hành trình đón nhận và chăm sóc mầu nhiệm sự sống mong manh của con người. Những người khuyết tật là một quà tặng cho gia đình và là một cơ hội để lớn lên trong tình yêu, trong sự hiệp nhất và giúp đỡ lẫn nhau {…}. Trong cái nhìn của đức tin, gia đình nào đón nhận sự hiện diện của những người khuyết tật sẽ có thể nhận ra và bảo đảm phẩm chất và giá trị của mọi sự sống, với những nhu cầu, những quyền và cơ hội của họ. Gia đình đó sẽ thúc đẩy phục vụ và chăm sóc, cũng như khích lệ sự gần gũi đầy yêu thương trong mọi cuộc sống của họ”. Tôi muốn nhấn mạnh rằng sự quan tâm mà người ta dành cho những người di dân cũng như những người có hoàn cảnh đặc biệt đó là một dấu chỉ cho Thần Khí. Thật vậy cả hai hoàn cảnh đều có tính điển hình : chúng đặc biệt cho thấy rõ cách thức mà ngày nay người ta sống biểu lộ lòng thương xót qua việc đón nhận người khác và giúp những người yếu ớt hòa nhập vào các cộng đoàn “ (Niềm Vui của Tình Yêu số 47).
————————————————————–
Chúa Nhật III TN – Năm C
(Nkm 8,2-4a.5-6.8-10; 1Cr 12,12-30; Lc 1,1-4; 4,14-21)
Cha Alexandre de Rhodes, quê thành Avignon, quốc tịch Tòa Thánh, sinh ngày 15-3-1593, thuộc giai cấp trung lưu xứ Aragon, Tây Ban Nha, di cư sang Avigon từ đầu thế kỷ XV. Vào dòng Tên hồi 18 tuổi, chịu ảnh hưởng lớn trong việc huấn luyện truyền giáo tại trung tâm dòng ở Rôma, thụ phong linh mục năm 1618. Cuối năm 1624, cha Rhodes tức cha Đắc Lộ được sai đến xứ Nam truyền giáo dưới quyền cha Buzomi. Nhận thấy cha, tuy mới đến xứ Nam, mà đã thông thạo tiếng nói và thích nghi với phong tục tính tình dân tộc, cha De Mattos đã chọn cha để sai đi xứ Bắc cùng với cha Marques. Tháng 7-1626, hai cha lên tàu về Macao. Năm ngày sau, ngày 12-3, hai cha lên tàu rời Macao. Sau 6 ngày thuận buồm xuôi gió, thoát vùng Hải Nam thì gặp bão. Suốt một đêm đương đầu với sóng gió, sáng ngày 19-3-1627, lễ thánh Giuse, tàu dạt vào Cửa Bạng, Thanh Hóa. Để ghi ơn phù hộ của Thánh Cả và để hiến dâng công việc truyền giáo được bắt đầu trong chính ngày lễ thánh nhân, cha Đắc Lộ gọi cửa biển đó là cửa Thánh Giuse và nhận Người làm bổn mạng xứ Bắc.
Tàu cập bến, dân chúng hiếu kỳ tuôn đến xem, vì ít khi có tàu buôn đến vùng này. Cửa Bạng lúc đó cũng như ngày nay, chỉ là một vũng đánh cá của dân chài, một bến buôn cất hàng hóa trong nước. Nghe nói là tàu buôn của người Bồ đem hàng hóa vào kinh bán, họ muốn được mắt thấy những tấm nhung lụa đắt tiền, những viên ngọc quí từ Ấn Độ đưa sang, mà đời họ chỉ được nghe nói chứ chưa được nhìn thấy. Trước những con người hiếu kỳ đó, với tinh thần truyền giáo đưa Tin Mừng, hai cha không muốn để lỡ cơ hội, đem họ từ những mong muốn trần tục lên với Đấng Tối Cao. Trong đoàn truyền giáo, chỉ có mình cha Đắc Lộ thông thạo ngôn ngữ, còn cha Marques, người già cả, nhiều kinh nghiệm quen biết đường lối đi lại, nhưng tiếng nói không thạo lắm, vì thế mọi công việc đều ở trong tay cha Đắc Lộ.
Cũng như xưa Chúa Giêsu dùng ngụ ngôn hòn ngọc quí để giảng Nước Trời, cha Đắc Lộ từ câu chuyện viên ngọc quí Ấn Độ đưa những người dân chài đến với Phúc Âm của Chúa trời đất. Nghe nói là cha đem đến hạnh phúc không những đời này mà cả đời sau, họ chỉ hiểu là những viên ngọc vật chất, và mừng rỡ trông đợi. Cha vội cải chính ngay, giúp họ hiểu viên ngọc quí đích thực là đạo thánh Đức Chúa Trời, Người chính là Đấng dựng nên trời đất muôn vật, mà chúng ta tất cả có bổn phận phải thờ phượng. Rồi cha giải thích chữ ‘đạo’ theo Hán tự, có nghĩa là “đường” theo kiểu nói nôm na của người dân. Cha trình bày đạo Đức Chúa Trời, con đường đích thực đưa người ta tới Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc bất diệt. Kết quả là hai người đàn anh trong nhóm dân chài Cửa Bạng đến xin học đạo và chịu phép rửa với cả gia đình. Một người cha đặt tên thánh là Giuse, để ghi nhớ thánh bổn mạng xứ Bắc, người thứ hai mang tên thánh Inhaxu, đấng tổ phụ dòng Tên (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, quyển I, trang 123-125).
Cha Đắc Lộ đến xứ Bắc gieo vãi Tin Mừng, Tin Mừng tình thương, Tin Mừng hạnh phúc, Tin Mừng hiệp nhất là noi gương ông Nơ-khê-mi-a, Ét-ra (bđ1), thánh Phao-lô (bđ2) và Chúa Giê-su (BTM),
Bđ1 : Sách “Đường Về Emmaus” (Học Kinh Thánh Trong 100 Tuần) viết về ông Nơ-khê-mi-a như sau : “Trong thời lưu đày, Nơkhêmia đã trở thành một viên chức cao cấp trong triều đình nhà vua. Năm 445 được Actaverxet I sai đến Giuđa lãnh đạo cộng đồng Do Thái (Nkm 2,1). Trong nhiệm kỳ đầu làm người lãnh đạo Giuđa, Nơkhêmia đã tiến hành việc xây dựng tường thành chung quanh Giêrusalem mặc dù bị một số người chống đối. Khi hoàn thành công việc này, ông đã trở lại Ba Tư năm 443; nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ông quay lại Giuđa. Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông tiến hành nhiều cuộc cải cách nhằm củng cố và tăng cường sức mạnh của cộng đồng Do Thái, không chỉ vì cộng đồng này mà còn vì ích lợi của Ba Tư”
Và về ông Ét-ra, sách viết như sau : “Et-ra là hậu duệ của Aaron và là một ký lục. Khi cuộc hồi hương bắt đầu, ông được nhà vua trao trách nhiệm hòa giải người Giuđa và Samari. Là một ký lục, ông đã thu tập những bản thảo Thánh Kinh và Truyền Thống để làm thành một tổng thể dễ hiểu. Ông chủ trương tách biệt người Do Thái với người nước ngoài, và cố gắng kêu gọi dân chúng tuân theo những nguyên tắc sống của Do Thái giáo” (trang 284-285).
Trong bđ1 đã viết về ông Ét-ra như sau : “Ông Ét-ra cũng là tư tế đem sách Luật ra trước mặt cộng đồng… Ông đứng ở quảng trường phía trước cửa Nước, đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và tất cả trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới khuya, và toàn dân lắng tai nghe sách Luật.
Kinh sư Ét-ra đứng trên bục gỗ … Ông Ét-ra mở sách ra trước mặt toàn dân… Khi ông mở sách ra thì mọi người đứng dậy. Bấy giờ ông Ét-ra chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, toàn dân giơ tay lên đáp rằng : “A-men ! A-men !”. Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Đức Chúa” (Nkm 8,2-7).
Bđ1 viết về ông Nơ-khe-mi-a như sau : “Bấy giờ ông Nơ-khe-mi-a, tổng đốc, ông Ét-ra, tư tế kiêm kinh sư, cùng các thầy Lê-vi là những người đã giảng giải Luật Chúa cho dân chúng rằng : “Anh em hãy trở về ăn thịt béo, uống rượu ngon, và gửi phần cho những người không sẵn của ăn, vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta. Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em” (Nkm 8,9-10).
BTM : Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay thánh Lu-ca tường thuật ngày Chúa Giê-su về quê hương Na-da-rét : “Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường v như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp x đoạn chép rằng : 18Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi y, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,16-19)
Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ giải thích : “Đức Giê-su trình bày sự xuất hiện của Người như là sự khai mở thời hồng ân mà các ngôn sứ đã từng loan báo. Luca thường nhấn mạnh đến tính cách hiện tại của ơn cứu độ (x. 2,11 ; 3,22 ; 5,26 ; 13,32 ; 19,9 ; 23,43): ơn cứu độ là cho ngày hôm nay.
Bđ2 : Bài đọc 2, thư thánh Phao-lô gửi cộng đoàn tín hữu Cô-rin-tô, một thành phố của nước Hy Lạp. Thánh Phao-lô khuyên cộng đoàn đoàn kết thương yêu nhau : “Thưa anh em, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thần thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12,12-13).
Nhóm CGKPV giải nghĩa: “Thân thể không phải là tổng số các chi thể, mà là nguyên lý thống nhất các chi thể. Trong tư duy Sê-mít, thân thể đồng nghĩa với con người (x. Rm 6,6). Đức Ki-tô cũng vậy, bản thân Người là nguyên lý thống nhất, làm cho các Ki-tô hữu được hợp nhất nên một”.
Năm Sự Sáng, thứ ba thì gẫm : Chúa Giê-su rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được tin vào lòng Chúa thương xót và siêng năng lãnh nhận bí tích giao hòa.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành