Ngày 7/3: Thánh Pê-pê-tu-a và Thánh nữ Fê-li-xi-ta, Tử đạo


Trong những truyền thuyết mù mờ về đời sống các vị tử đạo tiên khởi, may mắn chúng ta vẫn còn được tài liệu về sự can đảm của Thánh Pê-pê-tu-a và Fê-li-xi-ta từ chính nhật ký của Thánh Pê-pê-tu-a, của giáo lý viên Saturus, và các chứng nhân. Văn bản này, thường được gọi là “Sự Tử Ðạo của Pê-pê-tu-a và Fê-li-xi-ta,” được nổi tiếng trong các thế kỷ đầu tiên đến nỗi văn bản ấy đã được đọc trong phụng vụ.

Vào năm 203, Vibia Pê-pê-tu-a quyết định trở nên một Kitô Hữu, mặc dù người biết điều đó có thể dẫn đến cái chết trong thời kỳ bách hại của Septimus. Một người em trai của người cũng noi gương và trở nên một dự tòng. Cha của người cuống cuồng lo âu và ông cố gắng thay đổi ý định của người. Sự lo âu của ông thì dễ hiểu, vì một phụ nữ 22 tuổi, hăng say và có học thức như Perpetua thì không có lý do gì lại muốn chết — chưa kể người còn có một đứa con mới sinh.

Nhưng thái độ của Pê-pê-tu-a thì rất rõ ràng. Người chỉ tay vào một bình đựng nước, và hỏi cha người, “Cha có thấy cái bình đó không? Cha có thể gọi nó một cái tên nào khác với bản chất của nó không?” Người cha trả lời, “Dĩ nhiên là không.” Và Pê-pê-tu-a thản nhiên tiếp lời, “Con cũng không thể gọi con bằng một cái tên nào khác hơn là bản chất của con — một Kitô Hữu.” Câu trả lời đã làm người cha bực mình và ông đã tấn công chính con mình. Nhật ký Pê-pê-tu-a kể cho chúng ta biết, sau biến cố ấy người phải sống tách biệt với cha của người trong vài ngày, và sự tách biệt ấy đã đưa đến sự bắt bớ và tù đầy của chính người.

Pê-pê-tu-a bị bắt với bốn người dự tòng khác, kể cả hai người nô lệ là Fê-li-xi-ta và Revocatus. Người dạy giáo lý cho các đấng là Saturus đã bị bắt trước đó.

Nhà tù đầy chật người đến nỗi họ ngộp thở vì nóng nực và không có một chút ánh sáng. Quân lính thì xô đẩy họ không một chút xót thương. Pê-pê-tu-a thật khiếp sợ, nhưng trong tất cả những sự ghê rợn ấy, điều đau khổ lớn lao nhất của người là phải xa cách đứa con thơ.

Người nô lệ trẻ tuổi là Fê-li-xi-ta lại càng đáng thương hơn nữa, vì người đang mang thai tám tháng và phải sống trong cái nóng nực, chen chúc, và thô bạo ấy.

Hai phó tế phục vụ tù nhân đã đút lót lính canh để các đấng được ở chỗ tốt nhất trong nhà tù. Ở đó, mẹ và em của Pê-pê-tu-a đã đến thăm và đưa con đến cho người. Khi được phép giữ con trong tù, người cảm thấy “nhà tù trở nên như cung điện”. Cha người lại nài nỉ người thay đổi ý định, ông hôn tay người và ngay cả quỳ dưới chân người. Pê-pê-tu-a nói với ông, “Chúng ta không thể dựa vào quyền thế của chúng ta, nhưng quyền thế của Thiên Chúa.

Trong khi người bị đưa ra xét xử, cha người cũng đi theo, nài nỉ quan tòa. Vì thương hại, quan tòa cũng cố thay đổi ý định của Pê-pê-tu-a, nhưng người vẫn cương quyết, và cùng với các người khác, người bị kết án tử hình bằng cách ném cho thú dữ ăn thịt trong đấu trường.

Trong khi đó Fê-li-xi-ta cũng rất đau khổ. Theo luật lệ, giết người phụ nữ mang thai là điều trái phép. Giết hài nhi trong bụng mẹ là đổ máu người vô tội và linh thiêng. Trong khi đó, Fê-li-xi-ta lại lo rằng người không kịp sinh con trước ngày tử đạo, và các bạn của người sẽ bước vào vinh quang ấy mà không có người.

Hai ngày trước khi bị hành quyết, Fê-li-xi-ta đau đớn chuyển bụng. Bọn lính canh chế diễu, nhục mạ người và nói, “Nếu đau đớn bây giờ mà còn chịu không nổi, thì làm sao đương đầu với thú dữ?” Fê-li-xi-ta điềm tĩnh trả lời, “Bây giờ tôi là người phải chịu đau khổ, nhưng trong đấu trường, một Ðấng khác sẽ ở trong tôi, chịu đau khổ dùm tôi vì tôi đã chịu đau khổ vì Người.” Fê-li-xi-ta sinh hạ một bé gái kháu khỉnh và được một Kitô Hữu ở Carthage nhận làm con nuôi.

Vào ngày hành quyết, bốn bổn đạo mới và giáo lý viên bước vào đấu trường với niềm vui và sự bình thản. Khi dân chúng đòi hỏi Pê-pê-tu-a và các bạn người phải mặc y phục dành cho việc thờ cúng tà thần, Pê-pê-tu-a đã đối chất với các lý hình. “Chúng tôi tự ý chịu chết để được tự do thờ phượng Thiên Chúa của chúng tôi. Chúng tôi đã trao mạng sống cho các ông thì không có lý do gì chúng tôi phải thờ lạy thần thánh của các ông.” Và các đấng đã được phép mặc quần áo của mình.

Những người đàn ông thì bị tấn công bởi gấu, beo và heo rừng. Các phụ nữ thì bị bò dại tấn công. Pê-pê-tu-a, dù bị tan nát và rối bời, người vẫn nghĩ đến các bạn và chạy đến giúp Fê-li-xi-ta đứng dậy. Cả hai đã đứng cạnh nhau khi bọn lính cắt cổ tất cả năm vị tử đạo.

Lời Bàn

Không chỉ những Kitô Hữu thời xa xưa mới bị bách hại vì đức tin. Hãy nhìn đến trường hợp của cô Anne Frank, một thiếu nữ Do Thái, đã cùng với gia đình trốn tránh và sau cùng phải chết trong trại tử thần của Hitler thời Thế Chiến II. Cô Anne, cũng như Thánh Pê-pê-tu-a và Filicity, đã chịu thử thách và đau khổ, và sau cùng chịu chết vì tận hiến cho Thiên Chúa. Trong nhật ký, cô Anne viết, “Ðối với những người trẻ như chúng tôi, đó là sự khó khăn gấp bội khi phải giữ vững vị thế và lập trường của mình trong quãng thời gian mà mọi lý tưởng đều rạn vỡ và tiêu tan, khi con người lộ ra bộ mặt xấu xa nhất, và không biết có nên tin vào chân lý, sự chính trực và Thiên Chúa hay không.

Lời Trích

Lời sau cùng Pê-pê-tu-a nói với em mình là: “Hãy giữ vững đức tin và yêu thương tha nhân.

Nguồn: Website nguoitinhuu.org