Tuần Thánh  Những Năm Tháng Đầu Của Giáo Hội Việt Nam


 Lễ Phục Sinh ở Đà Nẵng 1615

Ngày 6-1-1615 tầu nhổ neo từ Áo Môn trực chỉ Đàng Trong, sau 12 ngày tầu tới Cửa Hàn ngày 18-1-1615. Đây là ngày Giáo Hội Việt Nam thường coi cuộc truyền giáo được “chính thức” mở ra ở Việt Nam, mặc dù trước đó đã có những ‘dấu vết” Tin Mừng ở xứ này. Ba nhà thừa sai Dòng Tên bước chân vào cái xứ ‘trầm hương, yến sào, nhờ chuyến tầu buôn Bồ Đào Nha”. Lạ nước lạ cái, ngôn ngữ bất đồng, nói chuyện thì qua thông dịch viên “i-tờ”. Tuy thê, Buzomi cũng cho dựng lên một nhà nguyện ở Cửa Hàn; vào dịp lễ Phục Sinh 1615  các cha dâng thánh lễ ở đây và rửa tội được 10 người. (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 20)

Đà Nẵng là nơi tầu buôn của người nước ngoài, lúc này là của Bồ Đào Nha và Nhậy Bản, đậu lại để bán và mua hàng hóa. Họ ở lại hai ba tháng, có lúc hơn, nên phải thuê hoặc mua nhà ở và làm kho. Sự buôn bán chắc chắn là nhộn nhịp. Đây là môi trường truyền giáo  đặc biệt phải được ưu tiên quan tâm. Linh mục Buzomi đã cho xây dựng một ngôi thánh đường.

Linh mục Buzomi đã cử hành thánh lễ Phục sinh năm 1615 và đã làm phép rửa cho 10 người trong thánh đường này. Trong số những người chịu phép rửa lần này có một cậu thanh niên  giúp việc cho các thừa sai tên là Augustô. Những người theo đạo đầu tiên ở Đà Nẵng có lẽ là những người giầu có trong đám thương gia. Bởi vì chỉ mấy người ấy đã xây dựng được ngôi  thánh đường rất lớn. (Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Ở Việt Nam, Tập I, trang 43).

Tuần Thánh ở Cửa Bạng 1627

Một thương gia Bồ Đào Nha, ông Joao Pinto da Fonseca, sinh quán tại Áo Môn, đánh liều cho tầu của mình mở cuộc giao thương với Đàng Ngoài. Ngày 12-3-1627, tàu nhổ neo từ Áo Môn lần theo bờ biển Hoa Nam, qua đảo Thượng Xuyên lọt vào eo biển Quỳnh Châu, giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam, tiến xuống vịnh Bắc bộ, để vào Kẻ Chợ. Nhưng sang ngày thứ sáu cuộc hải trình, gió bão nổi lên mạnh hơn, đánh giạt tàu về phía Thanh Hóa (thời ấy gọi là Thinh Hoa). Sáng ngày 19-3, gió bão yên lặng, tàu ghé vào Cửa Bạng dễ dàng. Để ghi nhớ giây phút đầu tiên bước chân lên đây, cha Marques và cha Rhodes tự đặt thêm một tên cho Cửa Bạng là Cảng Thánh Giuse, vì 19-3 là ngày lễ thánh Giuse, và cũng xin vị thánh cả làm quan thầy  cho xứ truyền giáo Đàng Ngoài…

Sau vài ngày, hai người xin tòng giáo mang tên thánh là Giuse và Inhaxiô. Trong hai tuần lễ đợi lệnh chúa Trịnh cho phép tàu lên Kẻ Chợ, hai cha rửa tội được 32 người, trong số này có một thầy đồ và một pháp sư. Ngày Thứ sáu Tuần Thánh, 2-4-1627, đoàn người Bồ Đào Nha cũng như mấy tân tòng Việt vác Thánh Giá (làm bằng một cây lớn mới đốn ở rừng lân cận), rồi đem cắm ở đỉnh đồi  cao, người đi biển có thể nhìn ra. Hơn tháng sau, khi chúa Trịnh Tráng tiến quân đánh Đàng Trong, lúc qua khúc biển này, ngài nhận ra đó là “dấu chỉ người Bồ Đào Nha” đã đặt ở mấy cửa khẩu Đàng Ngoài (Đỗ Quang Chính, Sđd, trang 129).

Ngày 19-3-1627 tầu của hai cha Đắc Lộ và Marquez tới Cửa Bạng, Thanh Hóa… Các cha muốn chọn đỉnh núi làm chỗ dựng Thánh Giá. Dựng Thánh Giá trên nơi cao nhìn xuống là hình ảnh mở đầu cuộc chiến thắng với ma quỉ. Nhìn Thánh Giá Chúa chúng sẽ khiếp sợ trốn xa… Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh được lựa chọn làm ngày dựng Thánh Giá. Hôm đó cũng như trên đường lên núi Sọ, hai cha vác Thánh Giá lên núi, theo sau là mấy giáo dân Bồ và các người tân tòng ở Cửa Bạng. Cờ chiến thắng đã dựng lên, thời giờ tin lành ơn cứu chuộc đã đên và trang đầu tiên của Giáo hội miền Bắc được mở đầu bằng hình ảnh Thập Giá (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, Tập I, trang 98)

Đêm lễ Phục Sinh 1629

Thuyền ra khơi. Trước khi nhổ neo, quan chỉ huy thuyền muốn  làm lễ tế thần phù hộ cho thuyền thuận buồm xuôi gió, hai cha Đắc Lộ và Marquez cùng thày Inhaxu hết sức can ngăn. Chẳng may ra khơi gặp gió lớn, cho rằng thần giận phạt, ông đe làm tội và ném thầy Inhaxu xuống biển. Ba cha con quì xuống cầu nguyện và ít lâu biển gió yên lặng. Ông và lính tráng bỡ ngỡ, được ơn Chúa, liền xin học đạo (Nguyễn Hồng, Sđd, T.I, trang 128)

Tuần Thánh 1640

Đươc tin cha Rhodes (Đắc Lộ) vừa đến Kinh Đô, bà Minh Đức liền cho mời cha vào dinh bà, trong đó có nhà nguyện riêng của bà. Tại đây cha Rhodes làm việc bất kể ngày đêm, gặp gỡ giáo dân, dâng thánh lễ mỗi ngày. Giáo hữu ùn ùn kéo đến không sợ hãi, nhờ uy tín, vai vế của Minh Đức. Các ngày lễ cha phải dâng nhiều thánh lễ mới đáp ứng được nhu cầu  số đông giáo dân. Tuần Thánh 1640 được cử hành long trọng, sốt sắng trong chính nhà nguyện này. Giáo hữu tham dự Tuần Thánh cảm động đến nỗi sau này cha Rhodes phải ghi lại “Tôi phải thành thật thú nhận rằng ở đó, chứ không phải ở Âu châu, người ta mới cảm được sự thương khó của Chúa chúng ta”. Trong 35 ngày ở kinh thành, Rhodes đã làm phép thánh tẩy cho 94 người, trong đó có 3 bà tôn thất, họ hàng gần với chúa Thượng, được cha ban bí tích Thánh Tẩy trong chính ngày lễ Phục Sinh 8-4-1640; ngoài ra cũng có ông “Sãi” nổi tiếng  do bà Minh Đức dạy giáo lý. Sau này, ông “Sãi” còn làm cho nhiều người khác tin theo Đức Kitô. (Đỗ Quang Chính, Sđd, trang 81)

Lễ Phục Sinh 1640

Đầu năm 1639, các cha thừa sai Dòng Tên ở Đàng Trong bị trục xuất, nhưng năm sau năm 1640, Bề trên tỉnh dòng ở Á Môn sai cha Đắc Lộ trở lại. Vào đầu tháng 2 năm đó, cha sung sướng lên đường với hy vọng lấy lòng được chúa Nguyễn và được ở lại một thời gian để chính đốn giáo đoàn xứ Nam. Cùng cộng tác với cha, có cha Phêrô Anbêtô. Tới nơi cha không dám ra mặt ngay, lẩn tránh trong khu buôn bán người Nhật. Sau khi đã nhận định tình hình và được ông trưởng khu ở đó giúp tìm các phương tiện, cha đem lễ vật lên chính Dinh để vào gặp chúa Nguyễn. Được Thượng Vương tiếp đãi niềm nở tử tế, cha liền lợi dụng thời gian người Bồ còn ở lại buôn bán để gặp giáo dân ở Kinh. Nhà nguyện của bà Maria Minh Đức Vương Thái Phi là nơi chắc chắn và bảo đảm, suốt ngày đêm giáo dân kéo nhau đến gặp cha ở đó để được lãnh các ơn bí tích. Thánh lễ nào cũng đông chật những người. Ngày lễ trọng cha phải dâng nhiều lễ để mọi người được dự. Cha qua Tuần Thánh năm đó với họ. Ngày lễ Phục Sinh cha rửa tội cho ba bà thuộc hoàng gia có họ gần với chúa Thượng và một thầy sãi danh tiếng. Tất cả 4 người đều do hoạt động tông đồ giáo dân của bà Minh Đức. Trong thời gian 35 ngày ở đó, cha cũng rửa tội được 92 người. (Nguyễn Hồng, Sđd, T.I, trang 146)

Tuần Thánh ở Huế 1640

 Linh mục Rhodes đến Đàng Trong lúc lệnh trục xuất các thừa sai mới ráo mực, nên ông phải rất thận trọng… Trước hết ông đến Hội An, để tìm sự che chở và giúp đỡ của các kiều dân Nhật. Viên quan đứng đầu cộng đồng người Nhật  không Công giáo và không mấy thiện cảm  với Công giáo., nhưng nhờ được quà cáp hậu hĩ ông đã giúp đỡ rất tận tình.

Viên quan Nhật Bản này đã hướng dẫn tôi một cách rất khéo léo và ông cũng nhờ bạn hữu của ông giúp tôi qua các cửa ải một cách dẽ dàng… Tôi ra mắt nhà vương với những lễ vật cao quí nhất có thể có được. Nói thực là để mua các lễ vật đó, tôi đã xử dụng hầu như tất cả  số tiền tôi mang theo để sống trong mọt năm. Nhưng Thiên Chúa đã lo liệu cho, bởi vì một giáo hữu tốt lành tên là Anrê, cùng vời vợ, đã gửi cho tôi tất cả số tiền cần thiết để trang trải cho tôi…

 Nhà vương đã vui lòng đón tiếp tôi và vỗ về tôi. Tôi thấy là phải lợi dụng cơ hội mà Thiên Chúa đã để cho tôi hoạt động cho Người. Bà lớn và còn là một giáo hữu lớn mà cha Pina đã rửa tội cho với tên thánh Maria như tôi đã nói trước đây, khẩn khoản mời tôi tới nhà bà, tại đó có một ngôi nhà thờ đẹp làm nơi tập họp tất cả các giáo hữu của thành phố lớn này. Tôi bắt tay vào công việc ngày và đêm, giáo hữu tới lãnh nhận các bí tích một cách say sưa khó tưởng tượng được; tôi dâng thánh lễ ở đây mỗi ngày; giáo hữu tham dự đông

Lễ Phục Sinh 31-3-1641

Từ Bến Đá, linh mục Rhodes đi Phú yên, có thể ngoài ý muốn, vì thuyền chở giáo sĩ bị bão phải tập vào Vũng Lâm (Xuân Đài). Tới nơi linh mục Rhodes đã dâng thánh lễ Phục sinh (31-3-1641) cho những người cùng đi trong thuyền. Linh mục Rhodes đã tường thuật diễn tiến của sự việc, trong thư gửi cho Bề trên Tổng quyền năm 1641 như sau :

“Việc quan canh giữ cửa khẩu này và vợ là người Công giáo. Họ có tên (thánh) là Benoit và Benoite; biết là tôi đến đây, họ mời tôi tới và tiếp đón một cách hết sức nồng hậu. Tôi bắt đầu làm nhiệm vụ của mình bằng một thánh lễ. Viên quan tốt lành này cũng báo cho quan trấn tỉnh này biết tôi có măt ở đây. Ông này là ngoại đạo, nhưng có vợ là Công giáo, bà đang ở trong triều đình.

Lễ Lá 1644

Vì chúa Nguyễn và đa số các quan không ưa Đạo Hoa lang, nên cha Rhodes hạn chế tối đa các cuộc tiếp xúc với giáo dân. Tuy nhiên, dù bà Minh Đức Vương thái phi phải bị con là ông Hoàng Khê ngăn cản gặp cha, thì đêm 20-3-1644, cha cũng lén vào dinh bà dâng thánh lễ đúng ngày lễ Lá. Sau này chúa Thượng  hay tin, thì cho rằng cha vào dinh bà Minh Đức với tư cách thầy địa lý “khán phong thủy âm dương”, tức là tìm đất tốt để an táng bà sau này, hầu con cháu được giầu sang quyền chức; vì nhà chúa nghĩ rằng cha là thầy phù thủy, thầy địa lý tài tình. Để đánh tan sự ngờ vực của chúa Thượng về việc mình có thể cướp chính quyền, nên ngày 20-2-1645, chính Hoàng Khê ra lệnh phá bình địa ngôi nhà nguyện của mẹ. (Đỗ Quang Chính, Sđd, trang 98).

Lần này linh mục Rhodes cũng hơi dè dặt, không muốn đến nhà bà Maria. Bởi vì nhà vương đang nghi ngờ các giáo sĩ Tây phương thông thạo toán học có thể tìm chỗ chôn cất  cho bà Maria, nhờ đó con cháu bà sẽ phát đạt, rồi chiếm đước ngôi vương. Hưng do bà Maria cho người đến nài nỉ, cuối cùng giáo sĩ đã âm thầm đến nhà bà ban đêm. Linh mục Rhodes kể : “Bà cho tất cả gia đình khá đông đảo của bà lãnh nhận bí tích, bà đã chịu phép cáo giải và rước lễ trước tiên. Tất cả các giáo hữu kéo đến để tham dự nghi lễ, tôi ở lại hai ngày với họ. Và nhiều người chưa bao giờ thấy làm phép lá, tôi đã tập hợp họ đêm Chúa nhật và tôi đã cử hành các nghi thức của Giáo hội cho họ tham dự.

Họ muốn tôi ở lại với họ trong Tuần thánh, nhưng tôi sợ bị lộ và tôi là nên về cảng Kean (Cử Hàn); tôi thấy một số đông tín hữu của tỉnh này đã tụ họp để nao nức chờ đợi tôi. Nếu lúc đó tôi có nhiều thân xác hay nói đúng hơn có nhiều linh mục với tôi, chúng tôi mới đủ để lo cho tất cả trong những ngày trọng đại này… Ngày lễ Phục Sinh và sau đó các ngày lễ Chúa nhật và lễ trọng phải dâng nhiều lễ, vì nhà thờ tuy khá rộng, nhưng vẫn không chứa hết người từ khắp nơi tới. Những giáo hữu ở các tỉnh xa không đủ kiên nhẫn chờ tôi đến chỗ họ, đã đoàn lũ kéo đến… Tôi dã trở về nhà của chúng tôi ở Kean (Cửa Hàn) để phục vụ họ dễ dàng hơn. Chúng tôi ở lại đấy 15 ngày, không làm gì khác hơn là ngày đêm làm phép cáo giải cho họ. Sau khi được hài lòng với những việc đạo đức, các tân tòng đã trở về xứ sở của mình, thỏa mãn tựa hồ đã tìm thấy một kho tàng qua cuộc hành trình của mình (Trương Bá Cần, Sđd, trang 83).

Lễ Phục Sinh 1644

 Bỏ kinh đô, cha về tới Cửa Hàn nhằm ngày Thứ Tư Tuần Thánh, rồi lui về Hội An. Ngày lễ Phục sinh, vì quá đông giáo hữu, nên cha phải dâng hai thánh lễ : một tại chính Hội An dành cho người Nhật và Bồ Đào Nha, hai tại một nhà thờ khác gần Hội An (có lẽ là Thanh Chiêm) dành cho người Việt. Lòng sốt sắng  của giáo hữu và số đông người tham dự, đã làm cho cha hết sức cảm động ghi lại như sau : “Tất  cả những gì tôi thấy ở Âu châu, không cho tôi một chút tình cảm đạo đức như tôi có được ở Giáo hội này; quả thật đáng ca tụng”. Trong hai tuần lễ ở Hội An, cha chẳng làm gì khác hơn là ngồi giải tội đêm ngày cho giáo hữu từ những vùng chung quanh tuôn đến. (Đỗ Quang Chính, Sđd, trang 99).

Lễ Phục Sinh tại thị trấn Chàm 1645

 Sau khi tầu Tây Ban Nha chở 4 nữ tu dòng Clara bị bão phải tá úc tại cảng Đà Năng, đi rồi, cha Rhodes kể : Tôi cử hành lễ Phục Sinh ở thị trấn Chàm (Quảng Nam), giáo hữu tới tham dự nghi lễ rất đông, sau đó tới thành phố của người Nhật, gọi là Faiso (Faifo, Hội An). Nơi đây thầy Inhaxiô đã đem được nhiều phụ nữ ngoại kết hôn với người Công giáo Nhật theo đạo. Inhaxio đã thâu lượm được nhiều kết quả chỉ trong ít ngày, thực ra , Chúa cho ông có tài giảng thuyết lạ lùng : ông thường giảng suốt đêm mà không có ai kêu dài. (Trương Bá Cần, Sđd, trang 93).

Tuần Thánh 1646

Cha Saccano lui về Hội An, bề ngoài sống như một du khách, với phương tiện di chuyển là con thuyền, đồng thời làm nơi sinh hoạt thường xuyên của nhà thừa sai. Đây cũng là cách sống hằng ngày của không ít người dân quê Đàng Trong thời ấy, vì hầu như chưa có đường xá. Dân chúng thưa thớt, nhiều người ở nhà sàn trên đất liền và ven sông; việc đi lại dùng ghe thuyền là tiện lợi nhất. Tuy ở Hội An có dư việc cho một linh mục, dù phải lén lút, nhưng Saccano lại đi thuyền đến những nơi gần Hội An đang khao khát được gặp một linh mục. Nơi nào không thể đến được, thì cha lại gửi thư cho các trùm trưởng, để đọc cho bà con giáo hữu nghe tại nhà thờ. Thật ra ban ngày cha hầu như im hơi lặng tiếng, muốn đến thăm ông bang trưởng Nhật kiều Công giáo, mà cũng chẳng dám; nhưng đêm đến là lúc các giáo hữu tới gặp cha trên thuyền, nhất là vào dịp Tuần thánh. Cảm động về lòng đạo đức của các giáo hữu đặc biệt trong Tuần thánh, làm cha phải viết cho Bề trên Cả trong ngày 16-6-1646 là “chưa bao giờ thấy như thế ở châu Âu”. (Đỗ Quang Chính, Sđd, trang 107).

Tuần Thánh

Lòng đạo của tín hữu khỏi nói, nhất là trong Tuần Thánh, mỗi khi họ ngắm nhìn tượng Chịu nạn là nước mắt tuôn tràn. Để tham dự thánh lễ bổn đạo phải ở cách kinh đô 3-4 dặm đi lễ từ sáng sớm, còn những người ở xa hơn nữa phải đi từ chiều hôm trước, đến nhà thờ đọc kinh nguyện ngắm trong hai giờ trước khi cử hành thánh lễ. Họ siêng năng xưng tội rước lễ, luôn luôn đeo ảnh tượng, tràng hạt, nhất là ảnh “Con Chiên” làm bằng sáp ong, bọc vải do các cha đem đến từ Áo Môn. Vì nhiều bổn đạo muốn đeo ảnh ‘Con Chiên’. nên bà Catarina, người chị em vói chúa Trịnh Tráng, phải đích thân làm loại ảnh này, đẹp chẳng thua gì ảnh Áo Môn. Bà Catarina chẳng những đạo đức, lại còn thông thạo thơ ca, nên bà soạn một ‘tập sách’ toàn bằng thơ ca, thuật lại từ thuở tạo dựng trời đất cho đến Chúa giáng sinh, truyền đạo, tử nạn, phục sinh và thăng thiên. Ở phần cuối bà còn thuật lại sự việc hai cha Marques và Rhodes từ lúc đặt chân lên Cửa Bạng (19-3-1627) đến khi truyền giáo tại Kẻ Chợ. Vì là thơ ca rất dễ học thuộc lòng, lại thuận tiện cho bổn đạo ngâm nga trong nhà, cũng như khi đi đường, đến cả người lương cũng thích thú, vì cụ thể, sống động, văn vẻ nhẹ nhàng, rất dễ lọt tai. Chắc tập thơ ca này được soạn bằng chữ nôm, nhưng rõ là thời đó đã được khắc mộc bản và cho in ? Về vấn đề từ thiện ngay trong thời kỳ này đã lập một nhà thương để người neo đơn có chỗ nương tựa.

(Đỗ Quang Chính, Sđd trang 147).

Lễ Lá ngày 20-3-1644

Vì chúa Nguyễn và đa số các quan không ưa Đạo Hoa Lang, nên cha Rhodes hạn chế tối đa các cuộc tiếp xúc với giáo hữu. Tuy nhiên dù bà Minh Đức thái phi bị con là Hoàng Khê ngăn cản gặp cha, thì đêm ngày 20-3-1644 cha cũng lén vào dinh bà dâng thánh lễ đúng vào  ngày Lễ Lá. Sau này chúa Thượng hay tin, thì cho rằng cha vào dinh bà Minh Đức với tư cách thầy địa lý ‘khán phong thủy âm dương’, tức là tìm đất tốt để an táng bà sau này, hầu con cháu được giầu sang quyền chức, vì nhà chúa nghĩ cha là thầy phù thủy, thầy địa lý tài tình. Để đánh tan sự ngờ vực của chúa Thượng về việc mình có thể cướp chính quyền, nên ngày 20-2-1645, chính Hoàng Khê ra lệnh phá bình địa ngôi nhà nguyện của mẹ.

Tuần Thánh 1644 ở Hội An

Bà Minh Đức Vương Thái Phi yêu cầu cha Đắc Lộ ở lại cả Tuần Thánh trong dinh của bà, nhưng đòi hỏi giáo mục không cho phép, cha từ chối để xuống cửa Hôi An, nơi hội họp dễ dàng của giáo dân. Tại nơi giáo dân các vùng lân cận đã tiến đến đông đúc và đang đợi cha. Nhiều người từ những vùng biên giới cách xa hơn 80 dặm đường, cũng không quản ngại xa xôi tìm đến. Trong suốt 15 ngày đêm họ đến gặp cha để nhận ơn phép giải tội và cha đã qua Tuần Thánh năm đó với xứ Nam, cảm động sốt sắng. Theo cha, đã nhiều lần cha được dự những nghi lễ Tuần Thánh ở Tây Phương, nhưng không lần nào cảm động như những Tuần Thánh với gáo dân Việt Nam. Cảm động nhất là nghi lễ Rửa Chân, khi họ thấy cha quì xuống rủa chân cho những người nghèo, và trong nghi lễ mở khăn che Thánh Giá, lễ hôn chân tượng, đang khi đó họ hát những lời than thở bằng tiếng bản quốc rất thảm thiết về Sự Thương Khó Chúa Giêsu. (Nguyễn Hồng, Sđd, T.I, trang 159)

Bỏ kinh đô cha về Cửa Hàn nhằm ngày Thứ Tư Tuần Thánh, rồi lui về Hội An. Ngày lễ Phục sinh, vì quá đông giáo hữu, nên cha phải dâng hai thánh lễ; một tại chính Hội An dành cho người Nhật và người Bồ Đào Nha; hai tại một nhà thờ khác gần Hội An (có lẽ là Thanh Chiêm) dành cho người Việt. Lòng sốt sắng của giáo hữu và số đông người tham dự, đã làm cho cha hết sức cảm động ghi lại như sau : “Tất cả những gì tôi thấy ở Âu châu  không cho tôi được chút tình cảm đạo đức như tôi có được ở Giáo Hội này, quả thật đáng phải ca tụng”. Trong hai tuần lễ ở Hội An, cha chẳng làm gì khác hơn là ngồi giải tội đêm ngày cho giáo hữu từ những vùng chung quanh tuôn đến (Đỗ Quang Chính, Sđd, trang 98-99).

Lễ Phục Sinh 1645

Cho rằng sự có mặt của cha có lẽ làm cớ thêm cho cuộc bách hại vào thời gian xin nán lại ít bữa để sửa lại thuyền buồm cũng không thể kéo dài hơn, sau khi đã dọn dẹp lòng giáo dân đầy đủ để đương đầu với sóng gió của cơn bách hại, cha Đắc Lộ sửa soạn lên cửa Hội An để gặp tầu buôn người Bồ và mừng lễ Phục sinh tại đó. Cha ra đi cảm thấy an ủi và đầy hi vọng vì những gương can đảm của giáo dân trong những tuần vừa qua (Nguyễn Hồng, Sđd, T.I, trang 178)

Tuần Thánh 1646

Saccanô lui về Hội An, bề ngoài sống như một ‘du khách’ với phương tiện di chuyển là một con thuyền, đồng thời làm nơi sinh hoạt thường xuyên của nhà thừa sai. Đây cũng là cách sống hằng ngày của không ít người dân quê Đàng Trong thời ấy, vì hầu như chưa có đường xá. Dân chúng thưa thớt, nhiều người ở nhà sàn trên đất liền và ven sông; việc đi lại dùng ghe thuyền là tiện lợi nhất. Tuy ở Hội An có dư việc cho một linh mục, dù phải làm lén lút, nhưng Saccanô lại đi thuyền đến những nơi gần Hội An đang khao khát được gặp một linh mục. Nơi nào không thể đến được, thì cha lại gửi thư cho các ông trùm trưởng, để đọc cho bà con giáo hữu nghe tại nhà thờ. Thật ra, ban ngày cha hầu như im hơi lặng tiếng, muốn đến thăm ông ‘bang trưởng’ Nhật kiều Công giáo, mà cũng chẳng dám; nhưng đêm đến là lúc các giáo hữu gặp cha trên thuyền, nhất là vào dịp Tuần Thánh. Cảm động về lòng đạo đức của các giáo hữu đặc biệt trong Tuần Thánh, làm cha phải viết cho Bề trên Cả Dòng Tên ngày 16-6-1646 là ‘chưa bào giờ cha thấy như thế ở châu Âu

 (Đỗ Quang Chính, sđd, trang 107).

Tuần Thánh 1668

Tuy Deydier bị ‘cầm chân’ tại nơi cư trú, nhưng vào dịp Tuần Thánh 1668, cha cùng với bổn đạo tổ chức ngắm đứng, rửa chân theo cách thức Việt Nam (lễ Phục sinh năm 1668 nhằm vào ngày 1-4). Cũng trong tháng 3-1668, Deydier gửi hai thầy giảng Bento Thiện và Gioan Huệ đi Thái Lan, để rồi sẽ được thụ phong linh mục tại đây ngày 15-6-1668 do Đức cha Lambert truyền chức.

Ngày 10-1-1669, chúa Trịnh cấm đạo. Deydier tìm cách rút khỏi kinh đô, chạy xuống Sơn Nam Hạ, hy vọng làm việc được, vì vừa xa kinh đô vừa là nơi có nhiều bổn đạo.

Ngày 25-3-1669, Deydier mới lẻn ra khỏi kinh thành được, đi về Bái Vàng; rồi được bổn đạo Kiên Lao chèo thuyền đến Bái Vàng đưa cha về với họ. Tới Kiên Lao ngày 11-4-1669. Tại đây Deydier phải ngỡ ngàng vì chưa thấy nơi nào ở Đàng Ngoài đông bổn đạo như Kiên Lao. Dịp Tuần Thánh cha cử hành nhiều nghi thức phụng vụ theo kiểu Việt Nam : cũng ngắm đứng, cũng rửa chân, rồi đóng đinh, táng xác, hôn chân … (lễ Phục sinh năm 1669 nhằm ngày 21-4). Ngày Thứ bảy Tuần Thánh 20-4, Deydier ghi nhận có tới 3000 người dự lễ; lúc trải khăn trắng trên bàn thờ, bổn đạo vỗ tay vang dội như sấm, làm cha giật mình sửng sốt, cũng trong ngày thứ bảy này, cha rửa tội cho 100 người. Hai tuần lễ ở Kiên Lao làm cha quên hết những mệt nhọc, khó khăn, cảm thấy được giáo đoàn chẳng những công nhận là chủ chăn mới, lại còn khâm phục, kính mến.

 (Đỗ Quang Chính, Sđd, trang 298).

Lễ Lá

Lễ Nến ngày Đức Mẹ dâng mình vào Đền thánh, cũng như Lễ Lá, ngày Chúa Khởi hoàn vào thành Giêrusalem, là hai ngày giáo đòan nô nức đến nhà thờ xin làm phép nến và xin lá phép đưa về nhà, để xin ơn trên che chở phù hộ cho khi gặp giông tố sấm sét, hoặc đốt nến cầu khẩn khi gặp tai nạn ốm đau bệnh tật. Tục dùng lá dừa thay ngành ô-liu được các cha Dòng Tên khởi xướng ngay từ lúc đầu.

(Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, Tập I, trang 118)

Ngắm 15 sự thương khó

Luật giữ chay 40 ngày đối với giáo dân Việt Nam không có gì là khó khăn trong Tuần Thánh thay vào những giờ hát kinh, cha Đắc Lộ đã lập ra ngắm 15 sự Thương Khó Chúa Giêsu, mà giáo dân còn giữ đến ngày nay. “Chúng tôi chia những mầu nhiệm  sự thương khó ra 15 ngắm, cứ sau mỗi chục hạt, người ta đọc một ngắm và tắt 1 trong 15 ngọn nến kèo, mà giáo hội Rôma vẫn quen đốt. Cũng một nghi lễ Rửa Chân mà cha Đắc Lộ đã cố gắng đánh nổi để nêu cao ý nghĩa bác ái Công giáo trong một xã hội phong kiến giai cấp, việc ngắm 15 Sự Thương Khó này đã đem lại  nhiều lợi ích cho giáo dân. Họ rất cảm động và có khi khóc lên to tiếng, cha phải bảo họ giữ gìn để tránh những ‘dị nghị’ của người bên ngoại.

(Nguyễn Hồng, Sđd, T.I, trang 118).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành tổng hợp